Khách mời văn hóa

Xây dựng, phục dựng Văn miếu: Nên hay không?

Lời tòa soạn: Bấy lâu nay trong dư luận cả nướ cũng như trên địa bàn Nghệ An, trong dư luận đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên xây dựng, phục dựng các văn miếu hay không. Những người bảo nên thì có lý do cho rằng dù là thờ Khổng Tử, là biểu tượng của nên học vấn, và chính trị Nho học, là có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng đã hàng ngàn năm nay, Nho học và Văn miều gắn liền với văn hóa Việt Nam, thậm chí nó là một biểu tượng của văn hóa Việt. Những người không đồng tình với việc xây dựng. phục dựng Văn miếu lại có lý lẽ cho rằng Nho học là nền học thuật – chính trị của Trung Quốc, nó đã lỗi thời, hoàn toàn không còn phù hợp với nền học thuật, với các tư tưởng chính trị - học thuật của xã hội văn minh ngày nay; Hơn nữa, người Trung Quốc đang lợi dụng Nho học, cố tình dựng lại Khổng tử và phô trương ở nước ngoài như một sức mệnh mềm phục vụ cho tư tưởng bá quyền phục vụ cho lợi ích của người Trung Quốc…Bởi vậy, việc không xây dựng, phục dựng văn miếu klhong chỉ vì nó không còn phù hợp mà còn là một biểu thị của tinh thần cảnh giác và phản kháng văn hóa, hơn nữa, là cảnh giác với dã tâm xâm lấn kiểu tằm ăn dâu của nhà cầm quyền Trung Quốc. Để rộng đường dư luận, chúng tôi chủ trương diễn đàn trao đổi về vấn đề này để này. Chúng tôi, và chúng ta, chấp nhận các ý kiến có thể khác nhau trên tinh thần thẳng thắn, minh bạch, khoan dung và xây dựng…

BÙI VĂN CHẤT: Việc xây Văn miếu, trong đó có thờ Không Tử là việc bình thường

Ở Việt Nam ta, Văn miếu, nơi thờ Không Tử, người sáng lập Đạo Học , cũng  là nơi thờ, vinh danh các vị Tiên Hiên bản hạt, những người có công với sự nghiệp giáo dục của nước nhà và chính họ là hiện thân của sự nghiệp đó.  Là tượng  trưng của nền văn hóa Phương Đông.  Văn miếu còn là nơi biểu dương  một nền văn học, nền tảng văn hóa / văn minh của một quốc gia,  một địa phương trong mọi thời đại.

Từ ý nghĩa  ấy, Văn miếu cùng những tấm Bia Nghè đã trở thành biểu tượng sống động  trong tâm thức mọi người và  có sức thu hút,  khích lệ  tinh thần  hiếu học của mọi thế hệ nhằm mở mang dân trí, phát triển dân sinh, gìn giữ phát huy bản sắc, nâng cao vị thế dân tộc…

Chẳng thế mà ngay giữa lúc đang cơn binh hỏa,  thần tốc tiến ra Bắc Hà  đại phá quân Thanh,  trước cảnh tượng Văn miếu – Quốc Tử Giám, một Di tích  Lịch sử Văn hóa tiêu biểu của quốc gia,  được dựng lên từ thời Lý Thánh Tông (1070) và các triều đại tiếp theo thừa kế mở rông,  bị xâm hại, Hoàng đế Quang Trung   đã tính đến

           “ Nay mai xây lại nước nhà / Bia Nghè lại dựng trên tòa muôn gian”. 

Văn miếu- Bia Nghè, đối với văn nhân, chí sĩ là nơi đàm đạo văn chương, thế sự; Đối với sĩ tử là nơi chiêm ngưỡng, gửi gắm ước mơ, nuôi chí tiến thủ.

Vốn là đất học, từ thời Lê, Nghệ An đã có các Văn miếu huyện,  như Quỳnh Lưu, Đông Thành , Chân Lộc, La Sơn, Thiên Lộc…Ở các tổng, các xã, theo đó,  có Nhà Thánh, có Văn từ,  Văn chỉ (Nền Văn bên cạnh nền Xã tắc cúng Thần Nông) và hội Tư văn. Hai dãy bia Khoa bảng ở Đình Võ Liệt; Bia Văn chỉ Cát Ngạn;  Cuốn “ Lịch triều Khoa bảng  Đông- Yên nhị huyên;  Đại Đồng khoa lục v.v…là những di sản văn hóa còn tươi nguyên, lưu giữ một minh chứng về  ý thức tôn sùng Đạo Học của Xứ Nghệ ta.

          Cách nay 10 năm, nhằm “Bảo tồn  và phát huy giá trị Di sản văn hóa dân tộc ,  Tỉnh ủy Nghệ An đã đưa vào Chương trình hành động, theo Chỉ thị số 20-Ctr/ TU ngày 20 tháng 8 năm 2004, trong đó có Dự án “ Dựng lại khu Văn miếu Nghệ An, tại thành phố Vinh” là  một công trình  lớn , được quan tâm bàn bạc nhiều nhất. Song, việc chưa thành,  vì còn  vướng mắc ( nan giải nhất là giải phóng mặt bằng). Tới nay, Nhà Thánh Vinh  xưa vẫn là ngôi miếu cổ ‘xác xơ’; Bức đại tự “VĂN TẠI TƯ”  (文在茲) và Chuông Văn của Văn Thánh Vinh  đang  tạm đặt bên Tòa Võ Miếu ( Hồng Sơn).

Gần đây, khi  nghe ồn về “Dịch xây Văn Miếu”,  vấn đề  “ Dựng lại Văn miếu Vinh: Nên – Chăng  ” lại được nêu lên. 

Thực ra, việc xây Văn miếu, trong đó có thờ Không Tử là việc bình thường và thờ Các vị Tiên hiền  của bản hạt là điều hợp với lòng người . Như Văn miếu các tỉnh đã có hoặc  mới dựng lai như Văn miếu Trấn Biên ( khởi động cùng thời với Văn miêu Nghệ An), đã hoạt động rất tốt và có hiệu quả theo đúng tinh thần bảo vệ  và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc có nền văn hiến.

 

TÔ DUY HỢP: Không nên xây dựng Văn Miếu mới để chứng tỏ Văn hóa Việt đã trưởng thành, độc lập với Văn hóa Hán

Từ hướng tiếp cận Lý thuyết khinh - trọng  ta có thể thấy trong thời kỳ Tam giáo đồng nguyên thì Văn Miếu là rất hợp lý, hợp tình; tuy nhiên trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay nên sử dụng chủ trương "kính nhi viễn chi" của Khổng Tử đối với Văn Miếu. Chỉ phục chế cở sở cũ để tưởng nhớ về một thời đã qua của Văn hóa dân tộc Viết; tuy nhiên không nên phục hồi - cách tân, càng không nên xây dựng Văn Miếu mới để chứng tỏ Văn hóa dân tộc Việt đã trưởng thành, độc lập với Văn hóa Hán, và Văn hóa Ấn!

 

TRỊNH VĂN ĐỊNH: Phục dựng Văn Miếu, xây dựng Viện Khổng Tử - hay “con đường tơ lụa văn hóa” của Trung Quốc?

 

Trước khi trả lời cho câu hỏi nên hay không nên khôi phục Văn Miếu, chúng ta cần đặt vấn đề Văn Miếu, Khổng Tử trong một bối cảnh rộng lớn hơn? Và có một câu hỏi đơn giản hơn là tại sao thời điểm này rộ lên vấn đề phục dựng văn miếu? Lõi của vấn đề là gì? Nó thuộc về vấn đề văn hóa, tôn giáo hay vấn đề chính trị? Nó xuất phát từ nhu cầu của dân tộc hay từ tác động của những trào lưu từ Thiên Triều? Đây hoàn toàn không phải là vấn đề nhỏ.

Có hay không một mối liên hệ giữa việc xây dựng Viện Khổng Tử trên khắp toàn cầu và vấn đề phục dựng văn miếu ở Việt Nam. Ý đồ  của xây dựng Viện Khổng Tử trên toàn thế giới đã được vô số học giả bình luận, đánh giá. Ở đây chúng tôi không đi sâu bàn về vấn đề này. Có một điểm đặc biệt đáng lưu tâm là, theo giáo sư Lý Linh,  Đại học Bắc Kinh, trong cuốn sách nổi tiếng Chó nhà có tang, tôi đọc Luận ngữ của mình, nói một ý đặc biệt quan trọng, sau khi Khổng Tử mất (551-479 TCN), bắt đầu từ thời kỳ nhà Hán, khuôn mặt tinh thần của Khổng Tử đã được chính trị hóa, mỗi thời kỳ họ dùng ông để phục vụ cho một ý đồ chính trị cụ thể. Việc xây dựng Viện Khổng Tử trên toàn cầu thực chất là việc Khổng Tử tiếp tục được chính trị hóa, nhưng ở quy mô toàn cầu. Một hình ảnh đạo đức là cái mà Trung Quốc cần để tạo sự cạnh tranh với thế giới, bên cạnh Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Giê su…

Phục dựng văn miếu ở Việt Nam có xuất phát từ nhu cầu nội tại của văn hóa Việt hay không? Có hai vấn đề cần thiết phải làm rõ, nho giáo, Khổng Tử là hệ giá trị đạo đức và Khổng Tử, Nho giáo bị chính trị hóa. Với tư cách là học thuyết đạo đức, nó đã kết thúc vai trò của nó. Giá trị “nhận đồng” về văn hóa khu vực chỉ có thể được chia sẻ trong cộng đồng nhà nho trước đây. Ngày nay, giá trị này ít được chia sẻ hơn. Do vậy, nó không thuộc về nhu cầu nội tại của văn hóa Việt Nam. Ngày nay, người Việt có thể nhận thức được và tự kiến tạo cho mình một hệ giá trị Việt, là kết tạo của tinh hoa thế giới, và phần nào đó là giá trị của khu vực Đông Á, trong đó có giá trị đạo đức Nho giáo.

Đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn, sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng đậm đặc trên toàn cầu và cả Việt Nam. Tính chất kết nối toàn cầu của Trung Quốc và thế giới được liên thông bởi vành đai kinh tế con đường tơ lụa và con đường tơ lụa trên Biển thế kỷ XXI với trung tâm thế giới là Bắc Kinh, Trung Quốc. Sự hiện diện của Viện Khổng Tử, phục dựng Văn Miếu có thể  là “con đường tơ lụa văn hóa” mà Bắc Kinh muốn kiến tạo, tạo ảnh hưởng và “giúp” thế giới dần quen với sự hiện diện, lan tỏa, và sau cùng, là thống trị của văn hóa Trung Hoa trên toàn cầu.

Vì vậy, phục dựng Văn Miếu dù vô tình hay hữu ý đều có mối liên hệ với xây dựng Viện Khổng Tử, do vậy tuyệt đối không nên phục dựng Văn Miếu.

 

THÁI HỮU THỊNH: Trước hết, phải hiểu Văn miếu thờ ai?

 

Theo định nghĩa của Từ điển Việt Nam, thì “Văn miếu là để thờ Khổng Tử “. Trong tâm thức của người dân Việt Nam ta xưa,  đã nói đến Văn miếu thì đó là đền thờ Khổng Tử.      

Được biết, để phổ biến, phát huy ảnh hưởng của mình, cho đến năm 2014, Trung Quốc đã thành lập được 450 Học viện Khổng Tử ở100 quốc gia trên toàn thế giới. Ở Việt Nam ta, tiêu biểu,vàlinh thiêng nhất là Văn miếu QuốcTử Giám tại Hà Nội. Đây cũng là nơi thờ Khổng tử và các Nhà Đại khoa bảngcủa đất nước thời xưa.

Hiện nay, tại Mỹ và Canada, đã chấm dứt hợp tác với các Viện Khổng Tử, có nơi cấm các Trường Đại học giảng dạy học thuyết Khổng Tử. Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ, đã hối thúc các Trường Đại học Phương Tây cắt đứt quan hệ với Học Viện Khổng tử.

Ở Việt Nam ta, Nho giáo, gần như đã lụi tàn từ thời Nhà Nguyễn. Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời đại văn minh, tiến bộ, có nhất thiết, phải xây dựng mới, xây dựng lại các Văn miếu cũ hay không? Đây vẫn là câu hỏi nhiều người quan tâm và có nhiều ý kiến. Theo tôi là “dứt khoát là không ”.  Không chỉ hiện nay, đất nước ta còn nghèo, còn bao nhiêu việc phải lo cho dân.  Nào là phụng dưỡng  Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình liệt sỹ, mái ấm gia đình cho các em bé mồ côi …mà cảmai đây, khi đất nước giàu lên, thì tôi vẫn hoàn toàn phản đối việc xây dựng mới, phục hồi Văn miếu cũ.

Tỉnh Vĩnh Phúc, sang Trung Quốc tham quan, học tập, xây dựng Văn miếu hết 217 tỷ đồng. Nay dư luận phản đối… chưa biết thờ ai ? Tỉnh Hà Tĩnh xây dựng văn miếu có thể đến hơn 70 tỷ đồng, rồi cũng để thờ ai ?

Nghệ An ta, tôi có nghe loáng thoáng là phục dựng Văn miếu ở Vinh Tân, thành phố Vinh, đang còn vết tích. Nếu vì đạo học, truyền thống hiếu học của Nghệ An ta, cần phục dựng lại, theo tôi cũng chỉ nên xây dựng 1 cái miếu nhỏ, trang nghiêm, có văn bia thì tốt, để nhân dân đến viếng bái tiền nhân và lấy 1 tên khác chứ không để tên Văn miếu Nghệ An. Ví dụ : “ Đền thờ các vị Đại khoa Nghệ An xưa” , …

 

LẠI NGUYÊN ÂN: Bên Trung Hoa bây giờ người ta không xây thêm Văn Miếu!

 

Những ai bằng hoặc nhiều hơn lớp tuổi tôi (sinh cùng năm sinh nước VNDCCH), hẳn còn nhớ, tại các làng xã xưa kia, trong Nam cũng như ngoài Bắc,  thường có các Văn miếu hoặc Văn chỉ. Những kiến trúc ấy hầu hết đã đổ nát và bị dẹp bỏ, nhưng nếu vài nơi còn lại đôi di tích có tên gọi ấy, thì các cư dân bây giờ ở độ tuổi 50-60 trở xuống, hầu hết đều không biết đó là gì.

Văn miếu là gì? Đó là miếu thờ Khổng Tử (552 - 479 Tr.CN), người khai sinh học thuyết mang tên ông (cũng gọi Khổng học, Khổng giáo, Nho học, Nho giáo). Học thuyết Khổng Tử ra đời vào thời Xuân thu – Chiến quốc, là một trong vô số học thuyết sản sinh ở thời đại “bách gia tranh minh” ấy, Khổng Tử là một trong số “Bách gia chư tử”. 

Từ thời Hán (206 Tr.CN - 220) trở đi, suốt hai ngàn năm, các nhà nước quân chủ chuyên chế ở Trung Hoa đều sử dụng Khổng giáo làm hệ tư tưởng chính thống trong việc cai trị, dùng thi cử theo Khổng học để tuyển nhân sự cho bộ máy cai trị; việc này chỉ chấm dứt sau cách mạng Tân hợi (1911).

Ở Việt Nam, do bị các đế chế Trung Hoa xâm chiếm và áp đặt nền cai trị suốt 1000 năm (từ Triệu Đà, 207 Tr.CN., đến 938), Khổng giáo cũng được truyền vào trong nước. Sang các triều đại quân chủ chuyên chế độc lập (từ Ngô Vương, 939 đến hết triều Nguyễn thời Tự Đức, 1883), giai tầng thống trị dần dần tiếp nhận mô hình quân chủ chuyên chế của Trung Hoa, từ triều Lý đến triều Nguyễn, đã thống nhất dùng Khổng học làm nền giáo dục chính thống quốc gia, dùng học thuyết Khổng giáo làm quốc giáo (hệ tư tưởng chính thống).

Sử cũ ghi nhận: năm 1070 nhà Lý dựng Văn Miếu ở kinh đô Thăng Long; năm 1075 vua Lý mở khoa thi Nho học đầu tiên để tuyển người cho hệ thống quan chức; 1076 vua Lý đặt ra Quốc Tử Giám và bổ các quan có văn tài đến đấy giảng dạy Nho học.

Suốt từ thời điểm kể trên đến tận triều Nguyễn, nền học Nho và khoa cử theo Nho học là nền học duy nhất ở Việt Nam.

Quan lại của các triều đại từ Lý đến Nguyễn đều xuất thân từ Nho học. Đạo học (con đường của người đi học, cũng là tôn giáo của họ) mang màu sắc trung cổ rõ rệt, vừa có thuộc tính học vấn, vừa có thuộc tính sùng tín tôn giáo, – là gắn với Nho học, Nho giáo.

Giới người học này có một “tụ điểm” để thể hiện sự phụng thờ “đạo học” của mình: ấy là các Văn Miếu (là các miếu thờ Khổng Tử ở các tỉnh thành lớn) hoặc Văn Chỉ (miếu thở Khổng Tử tại các làng xã có nhiều nho sĩ). Những người từng học Nho, dù đỗ đạt cao thấp ra sao, đều họp nhau trong các thứ hội gọi là hội tư văn, hoặc hội đồng môn, thường họp mặt hằng năm vào “thánh đản” tức ngày sinh Khổng Tử (27 tháng 8 âm lịch) tại các Văn Miếu, Văn Chỉ, lễ thánh, ăn thịt uống rượu, luận bàn thời thế. Cái dư luận của giới kẻ sĩ này, ở những thời Nho học thịnh trị, vẫn được coi là “thanh nghị” (“thanh nghị” là khen, “phi nghị” là phê, chê trách, chỉ trích), tức là những dư luận khen chê rất có giá trị, thường có tác động điều chỉnh mạnh mẽ đến nếp sống, phong hóa làng xã.

Tất nhiên, ở cuối thời đại thịnh Nho, ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam, khoa cử ngày càng bị thương mại hóa, giá trị của những khen chê của giới nhà nho cũng kém dần. Và tất cả đã bị vô hiệu hóa kể từ khi chế độ quân chủ bị bãi bỏ (ở Trung Hoa sau cách mạng Tân hợi 1911, ở Việt Nam sau cách mạng tháng 8/1945). Ngay trước thời điểm kết thúc chế độ quân chủ, nền học Nho đã bị bãi bỏ từng phần, ở Trung Hoa cũng như Việt Nam, thay bằng nền học mới, với các nguồn kiến thức mới, là những tri thức khoa học khách quan, tiếp nhận từ nguồn Âu-Mỹ.

Chính vì vậy, từ khi không còn chế độ quân chủ, các hội tư văn, hội đồng môn của các cựu học trò Nho học đã không còn ý nghĩa thực tế, hầu hết đã không còn hoạt động nữa. Các Văn Miếu, Văn Chỉ ở khắp nơi suốt năm nọ qua năm kia không ai hương khói, mục nát và biến mất dần; một vài ngôi còn sót lại, cũng chỉ có ý nghĩa là những di tích của quá khứ. Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội, hay các ngôi Văn Miếu ở Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Huế, Biên Hòa, Vĩnh Long, v.v… đều đang là những di tích như vậy.

Vậy thì những ngôi gọi là “Văn Miếu” đang, thậm chí sẽ được dựng mới lên thì sao?

Tôi nghĩ đó sẽ là những quái tượng không thể chấp nhận, vì không còn ý nghĩa gì nữa.

Ta biết, các kiến trúc tôn giáo được dựng lên, là để phục vụ sự hoạt động của chính các tôn giáo ấy; các ngôi nhà thờ Thiên Chúa, ngôi chùa thờ Phật, hay các ngôi từ đường của các dòng họ – đều có ý nghĩa như vậy, vì các tôn giáo ấy vẫn còn đang đầy sức sống, tận hôm nay!

Còn “Văn Miếu”, với tính cách là nơi thờ Khổng Tử và Khổng giáo, thì cái tôn giáo, cái nền học vấn gắn với nó – đã vĩnh viễn chết rồi; những lớp người từng là học trò Nho giáo – cũng vĩnh viễn lùi vào lịch sử rồi. Sẽ lấy đâu ra những con người gắn bó cả cuộc đời với nền học vấn kiêm tôn giáo xưa cũ ấy, mà nếu không có họ thì làm gì có nhu cầu hành lễ vào ngày “thánh đản” 20 tháng Tám hàng năm? 

Nếu nói đến Nho giáo như dị bản nguyên thủy của sự học ở Đông Á trong đó có Việt Nam, mà Văn Miếu như là “trú sở” thờ tự những người khai sáng lĩnh vực này; thì cũng cần biết, kể từ sau Nho học, nền học vấn, nền giáo dục ở Châu Á, trong đó có nước ta, đã chuyển sang “tân học” từ cách nay trên dưới 100 năm. Nền học từ ấy dựa vào việc truyền bá những tri thức khoa học có nguồn gốc từ các nền học vấn Âu-Mỹ. Đó là những tri thức phân chia theo chuyên ngành, và tuy mỗi bộ môn có những nhà khai sáng, nhà cách tân khác nhau, song đều là những nền học vấn đã thế tục hóa chứ không còn là những nền học vấn thần thánh hóa như Khổng giáo nữa. Do vậy, dù người Việt có tự coi mình là ham học đến thế nào thì cũng không nên vì thế mà lập ra những đền thờ thần “học”!

Nếu nói đến Nho giáo như hệ tư tưởng chính thống trong một thời đại lịch sử mà Văn Miếu là một biểu tượng, thì đừng nên quên, từ sau tháng 8/1945 cho đến hiện nay, hệ tư tưởng được coi là chính thống ở Việt Nam là chủ nghĩa Mác-Lê chứ không phải là Nho giáo. Cũng đừng nên quên, bên Trung Hoa bây giờ người ta không xây thêm Văn Miếu, nhưng lại đang đầu tư lập các “Viện Khổng Tử” ở bên ngoài biên giới Trung Hoa, được coi như một trong những phương cách hữu hiệu truyền lan “sức mạnh mềm” của một tân đế quốc đang trỗi dậy.

Lẽ nào những Văn Miếu đã và đang được toan tính dựng mới lên ở Việt Nam, sẽ là “trú sở” tương lai cho những “Viện Khổng Tử”, nơi không chỉ dạy viết dạy nói tiếng Trung Quốc phổ thông, mà còn là nơi hướng dẫn quý bạn nên ăn nói ra sao cho phù hợp với những gì người Trung Hoa mong muốn?

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512460

Hôm nay

2397

Hôm qua

2389

Tuần này

2397

Tháng này

219333

Tháng qua

121356

Tất cả

114512460