PHAN THẮNG: Chào anh! Đại hội Hội nhà Văn VN kết thúc đã hơn 10 ngày, không biết bây giờ anh đã trở lại trạng thái bình thường? Anh thông cảm, tôi hỏi vậy vì có mấy người nói mấy ngày đó anh ngây - ngất lắm.
PHAN THẮNG: Chào anh! Đại hội Hội nhà Văn VN kết thúc đã hơn 10 ngày, không biết bây giờ anh đã trở lại trạng thái bình thường? Anh thông cảm, tôi hỏi vậy vì có mấy người nói mấy ngày đó anh ngây - ngất lắm.
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Anh biết đó, mỗi dịp Đại hội là nhà văn vui như Tết – được gặp nhau. Cái tình của nhà văn lạ lắm, đọc nhau thích nhau hàng ngày mà ít được gặp nhau vì cuộc sống bằng văn chương nhuận bút quá thấp. Muốn bay từ Sài Gòn ra Hà Nội cũng phải “mất” cả cuốn sách, mà có nhà văn mấy năm mới viết xong 1 cuốn. Đại hội thì địa phương cho tiền vé đi về, Nhà nước cho ăn ở mấy ngày – dân ta vốn yêu nhà văn mà. Vậy là nhà văn cả nước có dịp gặp nhau. Tôi ở Hà Nội nên được đón “khách”. Kết thúc Đại hội rồi, vẫn còn đón “khách” đến chơi nhà. Sướng thế chứ, sao không ngây ngất được.
PHAN THẮNG: Nhìn bề ngoài có vẻ không mấy nhà văn, nhà thơ quan tâm đến đại hội mà mình đang tham dự. Có người bảo vậy vì thấy quanh đi quẩn lại cũng chỉ bỏ phiếu cho xong còn tương lai của hội, của nền học nước nhà ra sao thì không thấy mấy ai quan tâm. Từ trong đại hội về, anh thấy có đúng thế không?
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Thì tôi đã nói, vui nhất là gặp nhau mà. Bây giờ đại hội ngành nào chả thế, gặp nhau là chụp ảnh và… bầu cử. Chụp ảnh làm kỷ niệm, đưa lên phê-búc cho mọi người biết “chúng tôi là bạn của… người nổi tiếng”. Mà tôi thấy ai cũng nổi tiếng cả, vì ở hội nhà Văn không thấy ai là không có giải thưởng, có người ẵm hàng chục giải thưởng mới vào được Hội. Còn cái việc bầu cử thì không phải “bầu cho xong” như anh nói đâu. Căng lắm. Cũng tranh luận nảy lửa đó chớ. Có người lên vận động cho người này người kia, có người tự vận động cho mình, có người nhắn hàng loạt tin cho các bạn cái danh sách nên bầu ai… Phát biểu rất dân chủ, tự do, thoải mái, nhưng ai nói dài quá thì bị Đại hội vỗ tay… mời xuống. Vì thế mà chương trình nghị sự kéo dài…
PHAN THẮNG: Là người trong cuộc anh thấy có phải thực sự là các nhà văn không quan tâm hay là do cái cách tổ chức đại hội làm cho nhà văn không có điều kiện bộc lộ sự quan tâm của mình?
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Vâng, chương trình nghị sự kéo dài nên chiếm mất một phần phát biểu tham luận về nghề, về trách nhiệm nhà văn với xã hội. Nói là nhà văn không quan tâm bộc lộ chính kiến của mình thì không phải. Đa số thích nói chính kiến của mình qua tác phẩm. Còn một số người thì luôn xuất hiện trên báo chí phát thanh truyền hình. Nói chung, ai có chính kiến gì thì cũng khó giấu được. Tuy nhiên cũng có người thích phát biểu giữa đại hội vì được nhiều nhà văn cùng nghe, hoặc có người nghĩ rằng, nói ở Đại hội là nói trực tiếp cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước, v.v… Tôi cũng nghe vài tham luận, nhưng tiếc là nó nhàn nhạt, không “nổ” được như đại hội thời đầu đổi mới.
PHAN THẮNG: Anh có thấy đại hội ngày càng già đi theo nghĩa không còn dồi dào sức sống, nghị lực và trí tuệ? Và già đi cả về tuổi tác và những gương mặt?
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Nói già đi theo nghĩa nào cũng đúng. Lớp nhà văn cao niên ngày càng nhiều, quỹ thời gian còn rất ít. Vì thế họ cũng ít thích phát biểu mà chỉ dành toàn tâm để viết tiếp những gì còn dang dở. Nổi danh thì họ cũng đã nổi danh rồi. Có người còn nghĩ “nói như nước đổ lá môn” thì nói làm gì cho… mệt. Viết thôi. Mà viết ở tuổi già không còn dễ như trước nữa. Chao ôi, buồn chứ. Lại buồn là năm nào cũng phải tiễn cả chục nhà văn về cõi khác. Chỉ 5 năm vừa rồi đã có 84 nhà văn qua đời, và nhiều nhà văn còn sống nhưng đã vĩnh biệt ngòi bút. Tuy nhiên, 5 năm qua cũng đã kết nạp gần 200 nhà văn vào Hội. Vậy mà hội vẫn “già”. Lạ thật.
PHAN THẮNG: Tôi nghĩ, có lẽ một phần vì cái tính buông xuôi, thích yên ổn, yên phận, không muốn thay đổi cả trong nghệ thuật và cuộc sống của văn nhân nên nền văn học đang gìa đi.
Mà anh, từ đại hội trở về, anh có giải thích gì không về “bố cục chân dung” ban chấp hành Hội nhà văn kỳ này?
NGUYỄN TRỌNG TẠO: “Bố cục” Ban chấp hành là 15, bầu được 6. Quả là các nhà văn rất tinh tường, không có sai. Không phải vớ vẩn bầu lung tung mà ra được thế đâu. Có nhiều người ra sức vận động mà vẫn trượt lăn quay, lại còn đau nữa. Đó là vì chưa hội đủ uy tín hay sự yêu mến của đa số dành cho họ. Khiêm tốn thì họ nên phấn đấu, phấn đấu thật mạnh mẽ thì tới đại hội sau mới có thể hy vọng được phiếu bầu đa số. Chứ còn cứ nói reo lên, tôi thế này thế kia mà không được bầu vào BCH thì còn lâu mới được. Ai cũng có tính chủ quan, nhà văn là làm việc đặc thù có tính cá nhân mà, nên cũng có người quá “giàu trí tưởng bở”. Cứ tưởng văn mình hay, nhưng khi bỏ phiếu thì tác phẩm chả được mấy phiếu. Thế cũng đau chứ.
PHAN THẮNG: Tại sao không được một gương mặt trẻ hở anh?
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Lớp trẻ tự kỷ bị lớp già “tranh phần” thì cũng liên kết lại với nhau để “chiến đấu”. Trong sáng tác và trong bầu cử. Nếu có một cuộc đua thực sự như thế giữa các nhà văn trẻ và già trong thời kinh tế thị trường thì quá tốt, đó là sự cạnh tranh, kích cầu cho văn học nở rộ. Ngay giữa Đại hội này, nhà văn già cũng kêu gọi ủng hộ cho lớp trẻ, nhưng kết cục thì người vào BCH kỳ này trẻ nhất cũng đã 50 tuổi, vẫn còn trẻ… chán. Hay là nước ta cứ phải lớn tuổi chín chắn mới được làm lãnh đạo?
PHAN THẮNG: Điều đó là rõ rồi, cứ hỏi mãi. Anh có tin vào thế hệ văn nhân trẻ đã và đang hình thành?
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Nếu nói ngược lại thì không phải là tôi.
PHAN THẮNG: Vì sao?
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Vì tôi luôn hướng về lớp văn trẻ. Và tôi vẫn thường nhận giảng bài cho nhiều lớp viết văn. Suốt mấy chục năm nay, tôi cũng đã “lăng-xê” nhiều cây bút trẻ cho văn đàn, và tôi thấy từ khi chưa ai biết, đến khi họ nổi tiếng không mất quá nhiều thời gian như thời trẻ của chúng tôi.
PHAN THẮNG: Anh có thể giải thích theo cách của mình về khoảng cách giữa “văn học trẻ” và “ văn học “già”, giữa hai thế hệ văn nhân, già và trẻ, là cái gì?
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Nó giống như một rừng cây, có đại thụ và có cây khép tán, có cây non. Nhưng đại thụ ngày càng ít và lớp cây mới ngày càng nhiều. Đại thụ rồi cũng phải làm gỗ hoặc rữa mục. Cây trẻ ngày càng vươn lên. Trong văn học hay sáng tạo nói chung, lớp già giàu kinh nghiệm, chiêm nghiệm; lớp trẻ lại giàu khám phá, bứt phá. Nhưng nói chung, trẻ rồi cũng sẽ già thôi.
PHAN THẮNG: Từ đại hội IX vừa rồi, từ thực tiễn của đời sống văn học nước nhà, với trách nhiệm một nhà văn, anh thấy điều gì đáng lo ngại nhất? Tại sao?
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Muôn đời người ta vẫn lo sợ nhà văn xa rời xã hội, xa rời thời đại, nghĩa là lẩn tránh nỗi đau và khát vọng của nhân dân, của dân tộc. Nhưng tại sao lại thế thì có nhiều nguyên nhân. Nhiều thời trong lịch sử, nhà văn bị thể chế áp đặt, biến họ thành bồi bút, vì nếu không thành bồi bút, họ có thể bị xử trảm. Có nhà văn sợ chết mà thành bồi bút. Nhưng cũng có nhà văn dũng cảm cất lên tiếng nói của lương tri, của kẻ sĩ. Đó cũng là tiếng nói đại diện cho nhân dân, cho dân tộc mình. Có lẽ nhân dân yêu mến nhà văn chính vì đã cất lên tiếng nói của họ.
PHAN THẮNG: Và điều gì anh cảm thấy yên tâm nhất ? Tại sao?
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Tôi yên tâm khi biết các nhà văn hầu hết đều hiểu nội tình của đất nước và xu hướng phát triển của nhân loại. Nhưng từ hiếu biết đến sáng tạo là cả quá trình. Và biết đâu đấy, họ sẽ không còn líu lo hót những điều sáo rỗng, nhàn nhạt và sẽ xuất hiện bằng những tác phẩm viết bằng tâm hồn, trí tuệ và trách nhiệm của chính họ.
PHAN THẮNG: Nếu ông Chủ tịch hội Nhà văn VN đương nhiệm đề nghị anh có một tham luận sau đại hội về cái cách thức đẩy nền văn học nước nhà phát triển anh sẽ nói những gì?
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Tôi sẽ chỉ nói một câu: Nhà văn phải có tác phẩm… hay. Còn nếu họ chỉ có tác phẩm trung bình thì cũng không thể chê trách họ được, vì viết văn luôn phụ thuộc vào văn tài.
PHAN THẮNG: Trong số những điều anh nói đó, anh thấy điều gì là then chốt, có ý nghĩa tiên quyết cho văn học phát triển?
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Tài năng và lòng dũng cảm dám nói lên sự thật, dù sự thật chỉ thông qua hư cấu. Và nhà nước nữa, nhà nước cần tạo điều kiện khuyến khích cho nhà văn cống hiến tác phẩm tâm đắc của mình cho nhân dân, đất nước; còn nếu khi nhà nước lợi dụng nhà văn thì chính nhà nước đã làm cho nó biến dạng.
PHAN THẮNG: Những người viết văn, làm thơ, nghiên cứu văn học mà không là, không được, chưa được kết nạp vào Hội nhà văn thì có thể gọi họ là nhà văn, nhà thơ không anh?
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Vào Hội nhà văn là việc anh thích và được chấp nhận. Còn anh không thích thì cũng không sao, thậm chí Hội mời anh cũng không vào. Còn gọi anh là nhà văn, nhà thơ hay nhà lý luận phê bình… là do tác phẩm, thành tựu của anh đóng góp cho xã hội.
PHAN THẮNG: Vâng, cám ơn ông!
2397
2389
2397
219333
121356
114512460