PV. Từ trước đến nay, khi bàn về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các nhà sử học đều cho rằng một nguyên nhân thành công là nhờ Đảng ta đã phát hiện ra thời cơ, vận dụng thành công thời cơ. Yếu tố số một của thời cơ cho cách mạng tháng Tám là chiến thắng của phe Đồng minh trong thế chiến II. Vậy nếu không có thế chiến II hoặc phe Đồng minh không thắng ở Viễn Đông thì cách mạng Việt Nam có thể diễn biến theo những kịch bản nào?Tại sao?
Giáo sư có nhận xét gì về tài năng xác định thời cơ, chớp thời cơ, vận dụng thời cơ của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Giáo sư Vũ Dương Ninh: Trong lịch sử, thời cơ là yếu tố khách quan do nhiều nguyên nhân của tình hình tạo ra, nhưng nắm bắt đúng thời cơ là yếu tố chủ quan, do sự phân tích, đoán định của con người. Thế chiến 2 đã tác động đến nhiều quốc gia, sự xâm chiếm của phát xít Nhật đã làm dấy lên một phong trào phản kháng, nhiều tổ chức yêu nước ra đời và phát triển ở Đông Nam Á. Cùng thời với Mặt trận Việt Minh có các tổ chức Đồng minh nhân dân tự do chống phát xit ở Miến Điện (Myanmar), Đồng minh dân chủ ở Philippines, Mặt trận dân tộc ở Indonesia…Nhưng ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng, chỉ có Indonesia và Việt Nam tuyên bố độc lập, các nước kia để lỡ thời cơ, đế quốc Mỹ trở lại Philippines, đế quốc Anh trở lại Mã lai và Miến Điện. Nhiều nước khác ở châu Á và châu Phi cũng vậy.
Ngay khi Thế chiến bùng nổ, Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phân tích sâu sắc mâu thuẫn của thời kỳ đó, xác định đúng nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc. Cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh đã vận dụng nhận thức đó vào thực tế cuộc sống, phát động phong trào đấu tranh “đánh Pháp, đuổi Nhật”, thành lập các khu giải phóng, chuẩn bị lực lượng vũ trang để khi thời cơ đến, tiến lên giành chính quyền. Tháng 8/1945, tiến trình Tổng khởi nghĩa diễn ra đúng theo bài bản đó, chỉ trong một tuần lễ (từ 19 đến 25/8) chính quyền trong cả nước về tay nhân dân, đến ngày 2-9, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được thành lập.
Vào thời gian đó, Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phân tích mâu thuẫn giữa hai phe Đồng minh và Phát xít, dự báo kết cục tất yếu của nó. Vì vậy, ngay từ cuối năm 1940 khi nước Pháp đầu hàng phát xít Đức, Bác Hồ đã nói với các đồng chí đang hoạt động ở vùng phía Nam Trung Quốc: “Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Trong Thư gửi đồng bào cuối năm 1944, Bác nhắc nhở: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”. Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân trào tiến hành ngày 13 quyết định những vấn đề cấp bách, ngày 16 Đại hội Quốc dân thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Lệnh Tổng khởi nghĩa được phát ra, nhân dân Hà Nội đứng dậy giành chính quyền. làn sóng cách mạng dâng trào trong cả nước.
Vậy thời cơ cách mạng tháng 8-1945 chính là phát xít Nhật đầu hàng, thực dân Pháp tan rã sau ngày bị Nhật đảo chính chưa thể phục hồi, chính quyền Trần Trọng Kim vừa xin từ chức không còn hiệu lực. Các lực lượng bên ngoài dưới danh nghĩa Đồng minh (quân Anh, quân Trung Hoa dân quốc) chưa kịp vào nước ta. Đó là thời cơ thuận lợi cho cách mạng. Nhưng nhân tố dẫn tới thắng lợi chính là sự đoán định trước tình hình, sự chuẩn bị chu đáo về tinh thần và lực lượng để phát động khởi nghĩa, sự đồng lòng của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.
Đọc lại “Nhật ký trong tù”, chúng ta thấm thía lời thơ của Bác:
Lạc nước hai xe đành bỏ phí,
Gặp thời một tốt cũng thành công.
PV:Và giáo sư bình luận gì về Tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con đường tương lai của dân tộc. Tại thời điểm này, đọc lại và nghiên cứu về Tuyên ngôn Độc lập, giáo sư có suy nghĩ gì con phát triển của đất nước của hôm nay, và tương lai?
Giáo sư Vũ Dương Ninh:Tư tưởng cơ bản trong Tuyên ngôn Độc lập là Độc lập – Tự do, xác định dân tộc Việt Nam có quyền hưởng Độc lập - Tự do, thực tế đã trở thành một nước Độc lập - Tự do và quyết đem tính mệnh, của cải để bảo vệ nền Độc lập - Tự do. Tư tưởng đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định như một chân lý “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”.
Do vậy, trong quá khứ cũng như tương lai, tinh thần đó trước hết phải thể hiện trong cuộc đấu tranh vì độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Ba mươi năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chính là nhằm thực hiện mục tiêu Độc lập – Tự do. Công cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới đất liền và biển đảo ngày nay cũng nhằm mục tiêu đó. Đây là chân lý bất di bất dịch trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Trong cuộc đấu tranh ngày nay, vẫn không một phút nào lơi lỏng nhiệm vụ đấu tranh gìn giữ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nền độc lập của mỗi quốc gia chỉ thực sự có ý nghĩa khi gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chủ quyền, hiểu theo nghĩa đầy đủ, không chỉ về mặt chính trị mà còn phải là chủ quyền về kinh tế, về văn hóa xã hội. Trong thời kỳ Đổi mới, với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, việc tiếp cận nền kinh tế và văn hóa thế giới là điều hết sức cần thiết. Song nếu như kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng nhanh mà cán cân xuất siêu quá lệch, quá phụ thuộc vào bên ngoài thì không thể giữ quyền tự chủ trong thương mại. Nếu như thu hút đầu tư nước ngoài với nguồn vốn lớn mà nền công nghiệp dân tộc chỉ thu hẹp ở bán nguyên liệu thô với sức lao động giá rẻ thì đất nước cũng chỉ dừng lại như một công trường gia công, phụ thuộc vào nguồn vốn, nguyên liệu và thị trường do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ. Thực trạng đó đã và đang là điều đáng báo động khi nước ta gần đến ngày “cán đích” năm 2020 phải trở thành một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại! Cũng vậy, khi mở cửa tiếp nhận ngọn gió văn hóa nước ngoài mà không có sự sàng lọc kỹ càng, làm mờ nhạt bản sắc dân tộc thì các thế hệ sau này sẽ không hiểu được những nét tinh hoa của nền văn hóa cội nguồn và một cách tự nhiên cũng làm tổn hại đến tinh thần tự tôn, tự hào về truyền thống của cha ông.
Cách mạng đã làm thay đổi cơ bản cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân.Tuy vậy, đất nước vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn còn chồng chất, mức sống người dân còn có khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Cuộc đấu tranh chống đói nghèo vẫn đòi hỏi sự nỗ lực lớn lao của toàn Đảng, toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Trong buổi làm việc với Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10-1-1946, Người nhấn mạnh: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ, chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân được học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến 4 điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.
Với ý nghĩa đó, trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, con đường đi lên của đất nước không thể là gì khác ngoài công cuộc công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Cho đến năn 2020 và nhiều năm sau nữa, Việt Nam nhất thiết phải vươn mình thành một quốc gia công nghiệp tiên tiến, một xã hội văn minh, sánh vai cùng các nước trong khu vực và thế giới.
PV:Trở lại với lịch sử, giáo sư nhận xét thế nào về các mối quan hệ của Việt Minh với các nước thuộc phe Đồng Minh, nhất là với Mỹ, trước và trong và sau cách mạng Tháng Tám. Các mối quan hệ đó là nhất thời hay có ý đồ chiến lược lâu dài cho Việt Nam trong tương lai.
Giáo sư Vũ Dương Ninh: Trong Thế chiến 2, nhân dân Việt Nam đấu tranh chống Nhật, một cách khách quan là đứng về phía mặt trận Đồng minh chống phát xít. Đó là cơ sở để Bác Hồ liên hệ với phái bộ Mỹ khi đó đóng ở Côn Minh (Trung Quốc) và tạo lập được mối quan hệ ban đầu. Đội “Con Nai” của Mỹ sang giúp phong trào Việt Minh về huấn luyện quân sự, y tế, điện đài được nhân dân rất quý mến. Sau khigiành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ H. Truman đề nghị ba điều: công nhận nước Việt Nam độc lập, kết nạp Việt Nam vào Liên Hợp Quốc và giúp đào tạo kỹ thuật cho thanh niên Việt Nam. Đó là đề nghị mang tính chiến lược lâu dài nhằm thiết lập quan hệ vững chắc giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhưng tiếc rằng chính phủ Mỹ đứng về phía Pháp, giúp cho quân Pháp trở lại gây cuộc chiến tranh Đông Dương. Sau hội nghị Genève năm 1954, chính Mỹ lại trực tiếp tiến hành chiến tranh ở Việt Nam cho đến năm 1975, sau đó lại áp dụng chính sách bao vây cấm vận Việt Nam một thời gian.
Phải đến năm 1995, hai nước mới chính thức đặt quan hệ ngoại giao, nghĩa là trải qua vừa đúng nửa thế kỷ, ý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan hệ hữu nghị Việt Mỹ mới thành hiện thực. Từ đó đến nay, quan hệ giữa hai nước phát triển nhanh chóng và vững chắc với Hiệp định thương mại song phương, với các chuyến thăm của các vị nguyên thủ hai nước, với sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, năm 2013, trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Và tháng 7 năm nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ theo lời mời của Tổng thống Obama, đã nâng mối quan hệ lên một tầm cao mới, mở ra thời kỳ mới trong sự hợp tác toàn diện về chính trị, kinh tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng…Đây là kết quả của đường lối đối ngoại rộng mở, hội nhập quốc tế mang tính chiến lược của nước nhà.
PV: Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Tuyên ngôn Độc lập, đã ra thông điệp về quan hệ đối ngoại đa phương. Sau chiến tranh lạnh, Đảng ta cũng đã tuyên bố chính sách sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước. Cảm nghĩ của giáo sư về chuyến thăm Hoa Kỳ vừa rồi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như thế nào? Liệu có phải là một sự trở lại quan niệm, ý niệm về chính sách ngọai giao thực tiễn của Chủ tịch Hồ ChíMinh, tức là một đường lối ngọai giao phục vụ cho lợi ích dân tộc?
Giáo sư Vũ Dương Ninh: Năm 1945, ngay sau khi tuyên bố độc lập, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã công bố chính sách ngoại giao thân thiện với các nước trên cơ sở hữu nghị, bình đẳng, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Bác Hồ căn dặn: “Thuật ngoại giao là làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết; hai là muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực”. Với tư tưởng đó, Việt Nam đã giành được sự ủng hộ của nhân dân thế giới qua hai cuộc kháng chiến cứu nước. Bước vào thời kỳ Đổi mới, thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, Việt Nam đã ba lần tuyên bố chính sách “là bạn” với ba tầng nấc khác nhau từ thấp lên cao. Năm 1991, Đại hội Đảng lần VII tuyên bố: “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”; mười năm sau, Đại hội IX (2001) tuyên bố: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế…”; đến mười năm tiếp theo, Đại hội XI (2011): “Việt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đòng quốc tế…”.
Những điều trên cho thấy chính sách nhất quán trong đường lối ngoại giao của Việt Nam trong suốt 70 năm qua kể từ ngày Cách mạng tháng Tám, nhằm phục vụ trước hết cho lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời đóng góp vào công cuộc bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, của thế giới. Với đường lối đúng đắn đó, đến nay, Việt Nam đã phát triển quan hệ chính thức với tất cả các nước lớn và hầu hết các quốc gia trên thế giới, đã gia nhập các tổ chức quốc tế và nhiều tổ chức khu vực, đã đảm nhiệm nhiều chức vụ trong các tổ chức đó. Điều đó cho thấy vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được khẳng định. Chuyến đi thăm Mỹ vừa qua của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nằm trong đường lối đối ngoại cơ bản đó, là sự tiếp nối truyền thống ngoại giao cách mạng dưới ánh sảng tư tưởng Hồ Chí Minh.
PV:Trong lịch sử hiện đại, số phận của các quốc gia dân tộc gắn liền với nhau, phụ thuộc lẫn nhau và xung đột lẫn nhau bởi Lợi ích và Giá trị. Khái niệm nước lớn, nước nhỏ bây giờ người ta ngầm định, ngầm quy ước với nhau đã khác trước. Theo giáo sư thì yếu tố nào là quan trọng nhất trong sự xác định vị thế của các quốc gia – dân tộc?
Giáo sư Vũ Dương Ninh:Trong quan hệ quốc tế ngày nay, xu hướng toàn cầu hóa đã gắn kết các quốc gia vào những diễn biến chung, không nước nào có thể đứng ngoài vòng xoáy đó. Về khách quan có sự phân biệt giữa nước lớn và nước nhỏ tính về mặt diện tích, dân số, sự phát triển kinh tế và tiềm lực quốc phòng…Có nhiều nước tuy diện tích nhỏ, dân số ít nhưng lại có vị thế quốc tế được nể trọng. Có thể lấy một ví dụ gần ta là nước Cộng hòa Singapore, năm nay vừa tròn 50 năm ngày Độc lập.
Việt Nam hôm nay, xét về các mặt, không là một nước lớn mà cũng không là nước nhỏ nhưng là nước nghèo, đang phát triển. Đánh giá đúng điều đó thì sẽ định ra được đường lối đối ngoại thích hợp, vừa bảo vệ lợi ích dân tộc, vừa góp phần vào lợi ích của khu vực và thế giới.
Trong sự phức tạp của tình hình thế giới, kinh nghiệm lịch sử cho thấy sự cần thiết phải giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, phải xây dựng thực lực mà trước hết là sự đồng tâm nhất trí trong toàn dân tộc, sự định hướng đúng đường lối phát triển kinh tế-xã hội và động viên toàn lực thực hiện theo đường hướng đó. Tính từ sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lịch sử nước ta đã trải qua 30 năm đầy gian khổ. Cũng trong 30 năm – được coi như một thế hệ - Nhật Bản từ nước bại trận vươn lên nền kinh tế thứ nhì thế giới, Hàn Quốc từ quốc gia đi làm thuê trở thành những ông chủ với nhiều công ty có tính toàn cầu, Singapore từ thế giới thứ ba bước vào hàng các nước phát triển, nhiều nước Đông Á trở thành những “con rồng nhỏ”. Trung Quốc cũng hơn 30 năm từ ngày thực hiện cái cách (1978) đã trở thành một nền kinh tế mạnh tầm cỡ quốc tế. Điểm lại như vậy để thấy khoảng thời gian là rất quý, nếu như xác định đúng đường hướng và động viên toàn lực bên trong kết hợp với quan hệ đúng dắn bên ngoài thì sẽ có bước tiến xa. Khi đó, vị thế quốc tế sẽ được nâng cao, có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Sẽ là bổ ích khi nhắc lại lời cảnh báo của Đảng trong những thời khắc khó khăn nhất của Cách mạng tháng Tám 1945: “Chú ý rằng ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay kẻ khác, dầu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta. Nhất là đừng có ảo tưởng quân Tàu, quân Anh, Mỹ sẽ mang lại tự do cho ta. Không, trong cuộc chiến đấu giải phóng cho ta, cố nhiên phải kiếm bạn đồng minh dẫu rằng tạm thời, bấp bênh, có điều kiện, nhưng công việc của ta trước hết phải do ta tự làm lấy”.
PV:Tình hình quốc tế ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam hiện nay có nét gì, đặc điểm gì giống với tình hình năm 1945 không? Giáo sư có cho rằng, sự căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, đúng hơn là ở Đông Á, cũng là một thời cơ để VN chủ động rút ra khỏi vòng ảnh hưởng cuả TQ và thiết lập các mối bang giao mới ở trình độ cao hơn nhằm phát triển đất nước?
Giáo sư Vũ Dương Ninh:Sự so sánh nào cũng chỉ có ý nghĩa tương đối. Năm 1945, Việt Nam từ một thuộc địa nổi dậy giành chính quyền, trở thành quốc gia độc lập. Ngày nay Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, đang phấn đấu vươn lên thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, theo đường hướng sao cho “Dân giàu, Nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Song ở hai thời điểm đó, vấn đề bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vẫn đặt thành nhiệm vụ bức thiết. Như trên đã nói, việc bảo vệ chủ quyền phải được nhìn một cách toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Nếu không, độc lập còn đó mà quyền chi phối về kinh tế, ảnh hưởng sâu đậm về văn hóa đã thuộc về ngoại bang thì sao còn gọi là tự chủ được. Chúng ta thường cảnh giác với nguy cơ “diễn biến hòa bình”. Nên mở rộng khái niệm này, không chỉ xoay quanh vấn đề dân chủ, tôn giáo, nhân quyền mà nguy hiểm hơn chính là sự xâm lấn từ từ lặng lẽ về kinh tế, về văn hóa, về luồng người nhập cư dưới danh nghĩa nhân công lao động, về những cuộc lôi kéo thầm lặng người dân nhẹ dạ cả tin và nhiều thủ đoạn khác. Do vậy, nguy cơ diễn biến hòa bình không chỉ đến từ siêu cường cách biển mà ở ngay cường quốc gần bờ. Điều này cần nhận thức cho rõ, đừng mơ hồ.
Việt Nam là một quốc gia biển, biển chẳng những có ý nghĩa về các nguồn tài nguyên mà còn có tầm quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh. Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ thiêng liêng của mọi người dân Việt qua nhiều thế hệ. Cùng với việc tăng cường năng lực quốc phòng, hoạt động đối ngoại có vai trò vô cùng quan trọng vì đây là vấn đề có liên quan đến nhiều nước. Chúng ta tận dụng các diễn đàn khu vực và quốc tế, tạo sự đồng thuận với các thành viên ASEAN và nhân dân các nước để làm rõ thực chất tham vọng “đường lưỡi bò” và âm mưu bá quyền của Trung Quóc đối với 80% diện tích Biển Đông. Chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế minh chứng lẽ phải thuộc về chúng ta, dư luận thế giới sẽ đứng về phía chúng ta.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!
Phan Thắng & Bùi Hào thực hiện