Cuộc sống quanh ta

Văn hóa chính trị và lòng dân

Văn hóa chính trị là điều kiện bảo đảm lòng dân và lòng dân là thước đo văn hóa chính trị

I.CHƯA CHẾT VỀ THỂ XÁC ĐÃ CHẾT VỀ ĐẠO ĐỨC

VI.Lênin có nói đại ý rằng con người có 3 cái chết: cái chết về thể xác, cái chết về chính trị và cái chết về đạo đức. Có những người chưa chết về thể xác nhưng đã chết về chính trị.

Thế giới và Việt Nam, xưa và nay đều có những con người như vậy.

Câu dẫn trên đây có liên quan đến văn hóa chính trị và lòng dân.

Bác Hồ dạy: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng

Không sợ nghèo, chỉ sự lòng dân không yên”.

Tại sao lòng dân không yên? Không phải vì GDP xuống thấp. Không phải vì nghèo (mà nước ta có còn nghèo nữa đâu, là nước thu nhập trung bình). Vì văn hóa chính trị xuống cấp.

Sự xuống cấp của  văn hóa chính trị biểu hiện ở những khía cạnh nào?

Trước hết,ở tư duy và tư tưởng, cách suy nghĩ và xem xét vấn đề.

Văn hóa chính trị phải có một tư duy biện chứng, khoa học và cách mạng. Nhưng gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân nghe được nhiều phát ngôn chứa đựng kiểu tư duy phản biện chứng, phản khoa học, không có tinh thần cách mạng. Đó là những phát ngôn đổ lỗi cho khách quan, nhận lỗi tập thể và các cấp đổ lỗi cho nhau, mà không thấy trách nhiệm cá nhân. Xung quanh nhiều vụ việc nổi cộm gần đâycủa ngành y tế, nhiều phóng viên đề cập dư luận cho rằng Bộ trưởng y tế nên từ chức, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trả lời rằng vấn đề nghiêm khắc nhưng phải lý trí. Theo ông, “không phải việc xảy ra là nghĩ ngay từ chức”. Mà điều đầu tiên nghĩ tại sao tình hình lại như vậy, do chủ quan của ngành mình hay do khách quan, do thời kỳ mình chỉ đạo hay do nhiều thời kỳ dồn lại, quan trọng phải có một quyết tâm, lộ trình, kế hoạch làm sao tình hình tốt hơn với trách nhiệm của mình”. Ông cho rằng Bộ trưởng được Đảng phân công, Quốc hội - cơ quan quyền lực cho đại diện của nhân dân - phê chuẩn. Điều quan trọng nhất khi đứng ở cương vị của mình là làm hết trách nhiệm, tâm sức của mình. Ông khẳng định trước thông tin báo chí phản ánh đa chiều, rộng rãi, các bộ trưởng, lãnh đạo ngành đều nhận rõ trách nhiệm của mình để không phụ lòng dân”.

Dư luận ái ngại và ngơ ngác về kiểu tư duy như vậy. Bài viết này không nói cụ thể việc từ chức hay không từ chức mà bàn về cách tư duy của lãnh đạo. Ở đây không phải là một việc xảy ra mà là một chuỗi sự kiện chứa đựng thiếu tinh thần trách nhiệm. Vấn đề không phải là Đảng phân công và Quốc hội phê chuẩn thì không thể nói: “Tôi xin từ chức”. Đây là vấn đề thuộc văn hóa lãnh đạo, thuộc về tự trọng cá nhân. Một người lãnh đạo được Đảng phân công và Quốc hội phê chuẩn, khi tự thấy mình nhiều lần không hoàn thành trách nhiệm Đảng phân công, nhân dân giao phó, thì nói “xin từ chức” là chuyện bình thường, rất văn hóa, rất chính trị, rất con người. Còn chuyện có được từ chức hay không lại do nhân dân có cho phép hay không. Mà cũng không nên chờ nhân dân cho phép. Nếu mình thật sự có trách nhiệm với dân, với Đảng thì nên “đi trước” Đảng và nhân dân một bước trong việc từ chức. Đó mới thật sự là lý trí. Lý trí không nằm ở chỗ “kiên quyết rút kinh nghiệm”, “kiên quyết làm hết trách nhiệm”, “lãnh đạo đều nhận rõ trách nhiệm của mình để không phụ lòng dân” hay “có văn bản chỉ đạo, chỉnh đốn, rà soát lại các quy định, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra...”.

Người dân cũng bàn đến tư duy, cách nghĩ, tầm nhìn của các đại biểu trong các cuộc sinh hoạt chính trị lớn của Đảng, Quốc hội khi một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng mà vẫn dành được nhiều phiếu tín nhiệm cao.

Lễ tang Chí sĩ Phan Châu Trinh

 

Thứ hai, văn hóa chính trị xuống cấp biểu hiện ở chỗ thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý nhà nước

 Dư luận nói nhiều về câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”. Hoặc “mất bò mới lo làm chuồng”. Thật ra, chẳng phải “con voi”, “lỗ kim”; “chuồng” hay “bò” gì cả. “Chuồng” có nhiều và có từ lâu rồi nhưng có ai trông đâu và nếu có trông thì toàn là những người thiếu đạo đức. Cần phải nhấn mạnh và khẳng định rằng ở nước ta, hệ thống lãnh đạo, quản lý thuộc hệ thống chính trị là hoàn chỉnh nhất. Chúng ta buông lỏng quản lý và không có quản lý. Đến khi có vấn đề xảy ra thì lại chỉ đạo rà soát, kiểm tra, kiểm điểm...

Thứ ba, liên quan đến quản lý, sự xuống cấp của văn hóa chính trị biểu hiện ở nạn tham nhũng và vấn đề lợi ích nhóm

 Nói không quản lý hay buông lỏng quản lý là một cách nói. Còn một cách nói khác là có quản lý theo kiểu lợi ích nhóm. Những người làm công tác quản lý biết cả, nhưng bao che, thông đồng vì được hưởng về lợi ích. Một cái ụ nổi sắt vụn một mình Dương Chí  Dũng không thể nuốt trôi mà phải có cả một nhóm. Một cơ sở thẩm mỹ viện ngang nhiên tồn tại mặc dù không có giấy phép vì nó nuôi cả một nhóm...

Thứ tư, chính sách không hợp lòng dân

 Vừa qua một số chính sách đưa ra không xuất phát từ thực tế, không tôn trọng quy luật khách quan, không hợp lòng dân. Những chính sách đó xuất phát từ ý chí chủ quan, chạy theo bệnh thành tích, và không loại trừ xuất phát từ lợi ích nhóm. Vì vậy, chính sách đưa ra bị ngay sự phản ứng dữ dội của dư luận, của nhân dân và cuối cùng phải bãi bỏ. Lại có loại chủ trương, chính sách đưa ra kiểu trên trời, biết không thực hiện được vẫn ban hành. Cho đến nay, không biết chúng ta đã phạt được bao nhiêu trường hợp nghe điện thoại ở cây xăng hay hút thuốc lá nơi công cộng?

Thứ năm, văn hóa chính trị xuống cấp biểu hiện ở luật pháp không nghiêm

Người dân mong rằng việc xử lý tham nhũng và những người thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng phải noi theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.  Người dạy: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào và làm nghề nghiệp gì”. Và chính Người đã y án tử hình Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục quân nhu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp vì tội tham nhũng. Tính văn minh của một nhà nước pháp quyền không thể để tình trạng như hiện nay, 70% vụ án tham nhũng lại được hưởng án treo, còn những vụ việc lặt vặt lại phải vào tù.

Sự xuống cấp về văn hóa chính trị của cá nhân nhà chính trị là cái chết về đạo đức. Văn hóa chính trị xuống cấp ở một số biểu hiện nêu trên làm cho lòng dân không yên, giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Mà mất lòng tin là mất tất cả

.

Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp

II.CÁI CHẾT GIEO MẦM CHO SỰ SỐNG

 

Cũng như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc lớp người đặc biệt, cái chết gieo mầm cho sự sống, đời đời bất diệt theo cách nói của Phiđen Caxtơrô.

Triệu người lặng lẽ xếp hàng trật tự cả ngày dưới trời nắng, thâu đêm đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở 30 Hoàng Diệu. Hàng vạn người đứng dọc đường tiễn biệt Đại tướng và có mặt ở Vũng Chùa - Đảo Yến đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Đó là biểu hiện của lòng dân. Hình ảnh người dân xếp hàng đã được Hồ Chí Minh nói đến gần 70 năm trước: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Lòng dân với Đại tướng là biểu hiện rực rỡ nhất triết lý của Nguyễn Trãi về dân: “Chở thuyền là dân. Lật thuyền là dân. Lật thuyền mới biết dân như nước”.

Dân xếp hàng mấy ngày để được nhìn Đại tướng lần cuối cùng không chỉ là sức dân, trí dân, lòng dân, quyền của dân nói với người đã khuất mà quan trọng hơn là nói với chúng ta, những người có trách nhiệm phục vụ dân, công bộc của dân, đày tớ của  dân, những người chủ mang ý nguyện của trời.

Cũng như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành văn hóa. Mà “văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả; là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả” (Edouard Herriot). Văn hóa Võ Nguyên Giáp quy tụ được lòng dân, và vì vậy, mãi mãi là Đại tướng của lòng dân./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441872

Hôm nay

2272

Hôm qua

2317

Tuần này

21776

Tháng này

217046

Tháng qua

112676

Tất cả

114441872