PV.Thưa tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, chúng tôi được biết ông là một nhà nghiên cứu đã dành nhiều quan tâm về các vấn đề văn hóa – xã hội. Như ông biết, vừa rồi Đảng ta đã công bố Dự thảo báo cáo Chính trị trình đại hội XII sắp tới. Tôi rất muốn được ông trao đổi một số vấn đề về văn hóa, và xã hội mà dự thảo Báo cáo chính trị đã đề cập. Trong dự thảo Báo cáo, ở mục VII, phát triển văn hóa và xây dựng con người, có nhận định: “Gắn nhiệm vụ xây dựng con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước, bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên”. Là một người nhiều năm sinh sống ở châu Âu, ông quan niệm như thế nào về giá trị mới về con người? Giá trị, hay định hướng giá trị mới của con người Việt Nam có những yếu tố hay đặc điểm gì so với các giá trị phổ quát có ý nghĩa toàn nhân loại của thời đại?
TS Đặng Hoàng Giang (ĐHG):Thực ra là tôi chưa dành được nhiều thời gian và sự quan tâm của mình cho việc nghiên cứu văn bản này. Bản tính tôi không hợp với những tuyên ngôn to tát. Ví dụ như thời bao cấp, khi người ta cho rằng các nhà giáo dục phải là “kỹ sư của tâm hồn”, rằng cần và có thể tạo ra được con người theo một mô hình phù hợp với quan điểm của mình. Ở năm 2015, nếu nói về các “giá trị mới” thì cần xem xét chúng mới so với cái gì, và mới như thế nào?
Các giá trị mà chúng ta hướng tới phải là những giá trị phổ quát, và chúng là những giá trị kinh điển, không hề “mới”. Chúng cần thiết cho mọi quốc gia, xã hội, cộng đồng. Đó là những giá trị nhân bản: công bằng, bác ái, vị tha, bao dung, tôn trọng quyền con người.
Trên nền tảng của những giá trị cơ bản kia, chúng ta có thể suy nghĩ thêm về những giá trị văn hoá cần thiết cho một cuộc sống trong thế giới hiện đại, thế giới toàn cầu hoá. Là công dân hiện đại có ý nghĩa gì? Theo tôi, đó là khả năng thích ứng với các biến đổi.
“Trách nhiệm xã hội”, “ý thức công dân”, “dân chủ”…, những từ được nêu trong dự thảo Báo cáo, là những điều mà quốc gia nào trên thế giới cũng hướng tới, không đặc trưng hay đặc biệt cho Việt Nam. Điều quan trọng là những chính sách nhà nước cụ thể hóa các mỹ từ đó ra như thế nào, tạo ra một không gian thuận lợi để người dân có thể thực hiện trách nhiệm xã hội và ý thức công dân của mình trong một môi trường dân chủ, sao cho những khái niệm này không chỉ nằm trong các văn bản.
PV.Tôi quan niệm đạo đức là một gía trị hàng đầu của giá trị con người. Đáng tiếc, theo tôi, đạo đức của một bộ phận khá lớn trong cộng đồng xã hội, kể cả quan chức, cán bộ đảng viên, đang có vấn đề. Nhẹ nhất là họ đang vô cảm trước cái ác, trước sự thiệt thòi, yếm thế của đồng bào, đồng loại. Quan sát từ thực tiễn, ông có nhận xét gì về sự vận động hình thành những giá trị mới của con người Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay?
ĐHG:Đã có nhiều người cảnh báo về sự suy đồi đạo đức trong xã hội Việt Nam trong nhiều năm qua, về sự lên ngôi của tính vô cảm v.v… Có lẽ họ đã quá bi quan. Tôi nhìn mọi việc lạc quan hơn. Nếu so sánh xã hội cách đây 15, 20 năm và hiện nay, rõ ràng đã có những thay đổi lớn theo chiều tích cực. Quyền của phụ nữ đã được nâng cao hơn, họ làm chủ cuộc sống của mình hơn, tự chủ về kinh tế hơn. Quyền của trẻ em cũng được cải thiện. Những nhóm người thiểu số, yếu thế lên tiếng nhiều hơn, xã hội nhạy cảm và ý thức hơn với những kỳ thị đang tồn tại.
Đó là những tín hiệu tốt, chứng tỏ xã hội Việt Nam đang vận hành theo hướng văn minh hơn, nhân bản hơn. Tuy nhiên, chúng ta đau xót vì hàng ngày, hàng giờ đang diễn ra những bất công, tham nhũng, những tội ác và sự thờ ơ với tội ác. Mỗi cái chết như của cậu bé Đỗ Đăng Dư 17 tuổi là một lời nhắc nhở nghiêm khắc cho chúng ta. Nhưng những vấn đề nêu trên là những vấn đề chung của các nước đang phát triển, Việt Nam không có gì đặc biệt. Chúng ta phải đối diện và ứng xử được với chúng, phải tỉnh táo để nhìn nhận, phân tích và xử lý chúng, chứ không phải bi quan hay than vãn.
Một trong những lý do tạo ra sự vô cảm trong xã hội là sự lên ngôi của tư tưởng làm giàu bằng mọi cách, của triết lý sống coi kiếm tiền là mục tiêu cao nhất. Xã hội đang ở trong một cuộc chạy đua, do thị trường tự do và chủ nghĩa tiêu dùng tài trợ. Khi mục đích sống được đo bằng quyền lực và quyền lực được đo bằng sự tích tụ của cải thì người ta sẽ chỉ nhìn những người xung quanh như những kẻ cạnh tranh.
Và như vậy, để quay lại câu chuyện về các giá trị, chúng ta chỉ có thể kháng cự lại sự vô cảm trước cái ác và những bất công khi chọn lựa rời khỏi cuộc đua, hướng tới một cuộc sống hài hoà với thiên nhiên hơn, nhân đạo hơn, khiêm nhường hơn, gần với cộng đồng hơn.
PV.Giá trị con người, hay phẩm chất người, xét đến cùng là hạt nhân của hệ giá trị nền văn hóa quốc gia dân tộc. Mỗi thời đại có một yêu cầu đối với hệ giá trị, của nền văn hóa, và của con người – chủ thể nền văn hóa, để đảm bảo cho sự vận động phát triển của nền văn hóa, của quốc gia dân tộc trong bối cảnh mới của thời đại. Đề đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, thời đại mới, theo ông, bảng giá trị con người/nhân phẩm của chúng ta cần sắp xếp theo thứ tự nào? Tại sao vậy?
ĐHG:Tôi nghĩ không nên lập thành một bảng các giá trị, đánh số trước sau và cho chúng một trọng số hay gì đó. Đó là cách tư duy xưa cũ, như trước đây người ta vẫn làm. Cuộc sống đa dạng và phức tạp, nó không giống toán học. Xã hội đang thay đổi như thế nào so với trước đây? Nhiều nghề nghiệp mới đang hình thành và phát triển, nhiều trải nghiệm mới được tạo ra, chúng ta được và phải tiếp xúc và sống với nhiều nền văn hóa khác mình… Xã hội trở nên mở, đa dạng và phức tạp hơn nhiều so với xã hội đóng kín ngày trước. Con người hiện đại phải học sống trong sự đa dạng, sống với những cái mới và sống với những cái khác mình. Vậy nên cần phải học hỏi, vươn lên liên tục để không bị lạc hậu. Chúng ta cần phải vị tha hơn, bao dung hơn để tiếp nhận những ý kiến khác mình, thậm chí trái mình, phải tôn trọng cái khác mình để phát triển.
Mỗi xã hội trong quá trình chuyển đổi bao giờ cũng có nhiều xung đột, tiềm ẩn khủng hoảng. Các quan điểm, những vấn đề cơ bản về triết học, mỹ học đang thay đổi nên chúng ta cần phải có sự đối thoại với nhau để tìm con đường hợp lý cho mình. Một thách thức của thời đại mới, hoàn cảnh mới, là chúng ta phải học cách vượt qua những khủng hoảng nội tại một cách hòa bình. Đây là vừa giá trị, vừa là kỹ năng, vừa là phẩm chất của con người. Để làm được điều đó, chúng ta một mặt cần năng lực tiếp nhận những ý kiến, quan điểm khác mình, một tinh thần cởi mở, mặt khác cần học cách tư duy phản biện, và dũng cảm đối diện, chất vấn quyền lực.
PV.Dự thảo Báo cáo Chính trị có mục VIII về Quản lý và phát triển xã hội; Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã đề cập về mục tiêu “phát triển xã hội bền vững và quản lý phát triển xã hội đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”. Ông hiểu như thế nào là một xã hội bền vững và các điều kiện đảm bảo cho một xã hội bền vững? Điều kiện nào có ý nghĩa tiên quyết cho một xã hội bền vững?
ĐHG:Xã hội bền vững, phát triển bền vững là phát triển mà không phá huỷ các nguồn tài nguyên và nguồn lực của các thế hệ tiếp theo, bao gồm tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, vốn xã hội. Chỉ có thể phát triển bền vững khi xã hội vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ được thiên nhiên, bảo vệ văn hoá truyền thống trước nguy cơ đứt đoạn, bảo vệ những sợi dây gắn kết của cộng đồng. Sông, rừng, biển, văn hoá vật thể và phi vật thể không thể chỉ được coi như những phương tiện sản sinh ra lợi nhuận trước mắt.
Để xây dựng một xã hội bền vững, nhà nước cần bỏ lối tư duy coi nhà nước có thể và phải làm được tất cả mọi việc. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, nhà nước không thể giải quyết được tất cả mọi việc. Phải để các doanh nghiệp tư nhân có chỗ đứng chủ đạo trong nền kinh tế, phải để xã hội dân sự cùng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Hãy tạo không gian để xã hội dân sự tham gia vào việc hoạch định và phản biện chiến lược phát triển, cùng giải quyết các vấn đề quan trọng về an sinh và quản trị trong cuộc sống của cộng đồng.
Chúng ta cần có một Luật lập Hội cởi mở, tạo điều kiện cho người dân tự tổ chức và tham gia vào các hoạt động xã hội, song song với các tổ chức đoàn thể đang tồn tại hiện nay. Chúng ta cần có một Luật Tiếp cận thông tin thông thoáng làm nền tảng cho một nền quản trị nhạy bén và minh bạch.
Cấu trúc xã hội hiện đại như một cái kiềng ba chân với ba khu vực: nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và xã hội dân sự. Và xã hội chỉ bền vững khi cân bằng được cả ba chân. Nếu để kinh tế tư nhân phát triển không kiểm soát thì tư duy lợi nhuận lên ngôi. Nếu nhà nước quá lớn, thành chuyên chế thì chúng ta sẽ quay trở lại thời quan liêu bao cấp. Xã hội dân sự phát triển để cân bằng với hai chân kiềng quan trọng kia của xã hội. Trong thời kỳ này, ở Việt Nam, phát triển xã hội dân sự là quan trọng nhất, vì nó cũng đang là chân kiềng yếu nhất.
PV:Xin ông phân tích mối quan hệ nhân quả giữa xây dựng xã hội bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội với việc hình thành những giá trị con người mới?
ĐHG:Đây là mối quan hệ nhân quả, tương hỗ qua lại với nhau trong cuộc sống hiện đại. Trong một xã hội bền vững, các giá trị cao nhất phải là công bằng, bình đẳng, nhân đạo, vị tha, tôn trọng pháp luật, tôn trọng con người và quyền con người. Nếu không đảm bảo được những giá trị đó thì xã hội đó không thể mang tính bền vững được, dù có nhiều của cải vật chất tới đâu. Nhưng xã hội bền vững không phải là sản phẩm tự nhiên mà có mà nó là kết quả của quá trình vận động, phát triển xã hội, xây dựng đất nước. Nhà nước có trách nhiệm quản lý, tạo điều kiện để người dân và các tổ chức xã hội hoạt động bền vững, minh bạch và đảm bảo lợi ích chung. Tuy nhiên, để có một xã hội bền vững, không thể đẩy hết trách nhiệm cho nhà nước. Đây là nhiệm vụ của mỗi con người. Chúng ta phải ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội, ý thức về những tác động có thể có hại tới môi trường và cộng đồng do lối sống, hành vi, công việc của mình tạo ra.
PV:Thực tiễn của cuộc sống hiện nay, khi mà xã hội còn nhiều bất công trên hầu hết các lĩnh vực, các phương diện của đời sống con người và xã hội, kể cả văn hóa và pháp luật, liệu có làm suy giảm động lực hình thành những giá trị con người – nhân phẩm của cộng đồng xã hội?
ĐHG:Khả năng vượt qua khủng hoảng, vượt qua khó khăn của cộng đồng càng cao, sức đề kháng, sự dẻo dai của cộng đồng càng lớn thì cộng đồng càng có năng lực phát triển. Làm gì trước những bất công? Chúng ta có thể lựa chọn thái độ bi quan chờ đợi, chán nản, buông xuôi, bức xúc, thất vọng. Nhưng chờ đợi ai, đợi tới khi nào, ai sẽ tới giúp chúng ta? Hay chúng ta có thể lựa chọn sự bền bỉ, thông minh, đoàn kết để vượt qua khó khăn, nâng cao sức đề kháng của cộng đồng. Chúng ta đã nhiều lần vượt qua những khó khăn tưởng không thể vượt qua được. So với những năm tháng chiến tranh, so với thời kỳ đói khổ tận cùng của thời kinh tế tập trung, chúng ta đã đi được những bước dài.
PV:Công bằng xã hội, để có được điều đó, theo ông, phải bắt đầu từ đâu? Công bằng về kinh tế, về pháp lý, hay về văn hóa là nền tảng cơ bản nhất để có được một xã hội bền vững?
ĐHG:Xã hội bền vững phải đảm bảo được sự công bằng về mọi mặt cho con người. Có bất công thì sự giàu có cũng vô nghĩa vì một bộ phận nhỏ sẽ chiếm hữu hết nguồn lực. Công bằng về kinh tế là một vấn đề lớn hiện nay của các quốc gia, không riêng ở Việt Nam. Người giàu thường có tiếng nói trong khi người nghèo ít có cơ hội lên tiếng. Các chính sách cũng thiên về phục vụ lợi ích của người giàu và bảo vệ họ, hơn là người nghèo.
Tuy nhiên, xã hội mất công bằng không chỉ do hậu quả của thể chế, mà còn do mỗi chúng ta đã và đang dung túng, tiếp tay cho các nhóm lợi ích nhất định, vì lợi ích cá nhân của mình. Ví dụ, khi các dự án xây dựng lấy đất của nông dân với giá rẻ mạt, sau đó xây dựng và bán lại bất động sản với giá đắt hơn nhiều lần, họ đã thu lợi nhuận trên lưng những người nông dân. Và chính những người mua nhà của các dự án này, vì lợi ích của mình, cũng ngồi cùng bữa tiệc với những kẻ gây ra bất công, và cùng hưởng lợi.
Trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân là nền tảng để có được sự công bằng. Đặc biệt, người trí thức còn có trách nhiệm lớn hơn nữa. Trí thức phải mạnh mẽ hơn nữa, lên tiếng nhiều hơn nữa để góp phần bảo vệ công bằng xã hội. Họ phải phân tích và cảnh báo cho xã hội các vấn đề bất cập, phải phản biện quyền lực chính trị bằng tri thức và trí tuệ. Tôi cho rằng trí thức Việt Nam đã chưa làm tròn trách nhiệm với xã hội. Đã tới lúc phải thay đổi kiểu suy nghĩ “nói làm gì, nói có ai nghe đâu” và bức xúc với nhau bên cốc bia hay bình trà.
PV: Bộ phận cư dân cư nào là yếu thế nhất trong xã hội ta bây giờ? Tại sao họ yếu thế?
ĐHG:Trong mọi xã hội, người nghèo và người ít học là những nhóm người yếu thế nhất, vì họ không có điều kiện để tiếp cận các nguồn lực, không được trang bị năng lực để vượt qua những khó khăn. Họ là những người bị đẩy ra rìa trong quá trình hiện đại hoá.
Để giúp đỡ họ, một lần nữa, lại cần nhấn mạnh sự phát triển xã hội dân sự. Các tổ chức xã hội dân sự là những người có thể đại diện cho họ, bảo vệ quyền lợi cho họ. Việt Nam xây dựng xã hội trên cơ sở công nhân, nông dân làm lực lượng xã hội cơ bản, nhưng hiện nay những đối tượng này lại trở thành yếu thế, nghèo và là tầng lớp có ít tiếng nói nhất.
PV: Theo ông, có những ai vì lòng tốt mà yếu thế không? Hay chỉ vì nghèo và “dốt”?
ĐHG:Theo tôi, quan điểm “người tốt hiện nay bị yếu thế trong xã hội” là một quan điểm nguy hiểm, vì nó có thể dẫn tới suy nghĩ: tôi không có điều kiện để “tốt”, tôi phải bảo vệ bản thân, nuôi sống gia đình. Lý luận này đang được khá nhiều người dùng để biện hộ cho bản thân. Hoặc nó cũng dẫn tới những suy luận khác: đã là người không yếu thế thì không thể tốt, vân vân và vân vân.
Mặt khác, “tốt” không không đủ, nếu như tốt được hiểu ở đây là “sạch sẽ”, “trung thực”, etc. “Tốt” phải bao gồm cả lên tiếng trước cái sai trái, và chuyển từ bức xúc sang hành động, và hỗ trợ người khác hành động.
PV:Nếu so sánh phẩm chất người của người giàu, người có quyền lực, địa vị, người thắng thế với người nghèo, người yếu thế ở xã hội ta bây giờ thì sẽ như thế nào, theo ông?
ĐHG:Tôi không nghĩ chúng ta có thể chia xã hội thành hai nhóm đối lập, thậm chí đối đầu nhau như vậy để đánh giá, dù xã hội hiện nay có sự phân hóa giàu nghèo rất lớn. Một sự phân chia như vậy rất nguy hiểm, dễ gây ra xung đột, hận thù, đập phá ngoài vòng pháp luật. Những điều đó xã từng xảy ra trong quá khứ, chúng ta không muốn chúng lặp lại.
Chúng ta cũng cần tránh một hình dung lãng mạn là người nghèo thì luôn thanh bạch, đạo đức, còn người giầu thì tham lam và lạm quyền. Mỗi con người là một vũ trụ phức tạp, đưa ra cái nhìn đơn giản như vậy về xã hội là một sự quy chụp cũ kỹ.
Quyền lực không được kiểm soát thì dễ dẫn tới tha hoá, và trong môi trường thiếu vắng thượng tôn pháp luật như hiện nay thì sự giàu có dễ mang mầu sắc bất chính. Tuy nhiên, cái chúng ta cần là xây dựng những cơ chế kiểm soát quyền lực, dùng những cơ chế của nhà nước pháp quyền, ví dụ như chính sách thuế, để tạo ra công bằng xã hội, thay vì dán nhãn và đáng giá con người trong xã hội dựa vào thu nhập của họ.
PV: Trở lại với câu chuyện về văn hóa, ông quan niệm thế nào về bình đẳng văn hóa? Có bình đẳng về văn hóa giữa người giàu, người thắng thế với người nghèo, người yếm thế không? Tại sao?
ĐHG:Có thể chúng ta đang hiểu khái niệm “văn hoá” khác nhau, và tôi không chắc là chúng ta có một “văn hoá của người giầu” và một “văn hoá của người nghèo”. Tuy rằng chắc chắn có sự khác nhau trong lối sống, hành vi tiêu thụ, sở thích, quan điểm… Điều này cũng bình thường vì trải nghiệm sống của một gia đình trung lưu ở thành phố lớn và một gia đình nông dân ở miền quê là rất khác nhau, của một cá nhân làm việc trong môi trường hàn lâm và một doanh nhân cũng vậy. Người nghèo rất đa dạng, và người giầu cũng vậy.
Hiểu như vậy thì vấn đề bình đẳng trong văn hoá, theo nghĩa là mọi người có văn hoá giống nhau, không được đặt ra. Nhưng lại rất cần đặt ra vấn đề là mọi người cần được có cơ hội như nhau để phát triển bản thân, phát triển khả năng và tài năng của mình. Sự nghèo đói không chỉ được định nghĩa bởi ngưỡng thu nhập, nó còn được định nghĩa qua khả năng thực hành các quyền con người: quyền được hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục, quyền hội họp và tự do biểu đạt, quyền bảo vệ bản sắc văn hoá của mình và tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng.
PV: Trong Báo cáo chính trị cũng đã đề ra rất nhiều giải pháp, biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển hoặc tiến bộ về lĩnh vực văn hóa và xã hội trong thời gian tới. Với tư cách một nhà hoạt động xã hội, một nhà tư vấn, ông có đề xuất một giải pháp nào mới không? Và tại sao ông lại có sự lựa chọn đó?
ĐHG:Quay lại với hình ảnh chiếc kiềng ba chân với nhà nước, khu vực tư nhân và xã hội dân sự, và để tổng kết lại những bình luận về phát triển bền vững, tôi có một số đề xuất như sau:
Đối với nhà nước, cần có triết lý và chiến lược phát triển hài hòa hơn, không để tư duy tăng trưởng GDP ngắn hạn chi phối, thống trị. Bảo vệ tài sản công (rừng, biển, không khí, nước, di sản văn hoá) trước lòng tham của thị trường. Phải tạo ra và đảm bảo không gian cho các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự phát triển để bổ khuyết cho nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Xem xã hội dân sự là bạn của nhà nước, cùng nhau góp phần kiến tạo xã hội, đẩy lùi sự thâu tóm nhà nước của các nhóm lợi ích.
Đối với khu vực doanh nghiệp, nên từ bỏ tư duy lợi nhuận ngắn hạn, tôn trọng khế ước với cộng đồng, thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm xã hội của mình, bảo vệ thiên nhiên, trước khi đất nước này, hành tinh này bị méo mó, biến dạng tới mức không sửa chữa được nữa.
Đặc biệt quan trọng là mỗi một cá nhân cần phải biết tận dụng không gian đang có, thậm chí tạo ra những không gian mới để hoạt động xã hội, phục vụ cho lợi ích cho cộng đồng. Việt Nam cần những con người vị tha và giầu lòng trắc ẩn, có ý thức về trách nhiệm xã hội của mình, lên tiếng chất vấn quyền lực và tranh đấu với bất công.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Phan Thắng vàBùi Hào thực hiện