Khách mời văn hóa

Phỏng vấn giáo sư Nguyễn Tài Cẩn về nghiên cứu Truyện Kiều

Lời Tòa Soạn: Cuối năm 2009, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã có chuyến về thăm quê [lần cuối cùng]. Ông đã dành thời gian ghé thăm và nói chuyện với tạp chí văn Hóa Nghệ An, Khoa văn học Đại học Vinh và trả lời nhiều phỏng vấn của phóng viên VHNA. Nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, chúng tôi xin giới thiệu nội dung một cuộc trao đổi của giáo sư với phóng viên VHNA về nghiên cứu Truyện Kiều.

PV: Cơ duyên nào đã đưa Gs đến với việc nghiên cứu truyện Kiều?

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn: Có nguyên nhân gần và nguyên nhân  xa .

--- Nguyên nhân gần thì như sau . Năm 1997 tạp chí  Văn học có đăng lại bài trả lời phỏng vấn của cụ Hoàng Xuân Hãn xung quanh việc Cụ nghiên cứu về Truyện Kiều đã hơn nửa thế kỷ. Sau đó có những cuộc tranh luận khá gay gắt , người thì phê bình , người thì ủng hộ hướng đi của Cụ .Nhưng có những điểm cả hai phía đều chưa thực hiểu cụ Hãn lắm..

   Đứng trước tình hình đó , một số bạn bè , nhất là bạn bè bên Pháp ,biết tôi đã từng trao đổi nhiều với cụ Hãn về đề tài này ,trong những lần tôi sang dạy ở Đại học Paris 7, nên khuyên tôi trình bày những gì tôi biết. Tôi thiếu tài liệu gì anh em  quen biết ( như anh Al.Lê chẳng hạn ) đều in photocopie gửi cho.để giúp tôi làm được việc đó.

---Còn nguyên nhân sâu xa  là đã từ lâu ,tôi có ý định đem tri thức ngôn ngữ học ứng dụng vào việc tìm hiểu   cái gọi là ngôn ngữ văn học của nước ta . Đã định đi theo hướng  nghiên cứu  này thì không thể không chuyên  sâu vào Truyện Kiều .

---Như vậy anh em bạn bè khuyến khích thì tôi chỉ có dịp bắt đầu hơi sớm hơn dự định đã vạch ra từ trước mà thôi.

PV: Gs đã vận dụng những phương pháp, thao tác nào trong nghiên cứu truyện Kiều? Vai trò của ngôn ngữ học trong công việc nghiên cứu truyên Kiều của Gs? So với các nhà nghiên cứu khác có những gì khác hơn không?

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn: ---Tôi là người được đào tạo để đi vào ngôn ngữ học, một ngành khoa học xã hội có phương pháp ,có thao tác  đòi hỏi tính chính xác khá cao . Vì vậy phong cách tôi viết về Truyện Kiều có hơi khác với những nhà nghiên cứu đi trước.

---Bạn đọc thường nói rằng tôi rất chú ý đến cứ liệu văn bản  và  cứ liệu về kị húy. Thực ra đó là những cứ liệu các  nhà Kiều học trước nay đều đã đề cập đến. Chẳng qua  chúng tôi có cố gắng đi sâu hơn , đi vào với một sự đòi hỏi về tính hệ thống , tính  nhất quán  có phần  triệt để  hơn mà thôi. Xin  lấy 2 ví dụ :

   *** Trong câu  nói về Kim Trọng :

                      Với Vương Quan trước vẫn là đồng thân

hai chữ ĐỒNG THÂN  nhiều người biết là sai. Nhưng chữa lại thành SONG THÂN hay TƯƠNG THÂN thì về mặt văn bản học , chữ SONG, chữ TƯƠNG có tự dạng quá khác chữ ĐỒNG , sao có thể lẫn lộn được ? Vì vậy chúng tôi tra tất cả những chữ có tự dạng gần hơn mà nghĩa lại phù hợp , và chúng tôi thấy tự điển Từ hải đã cung cấp 2 chữ CHU THÂN với nghĩa là “ chí thân” mà lai có chữ CHU rất dễ viết nhầm thành ĐỒNG ! Chúng tôi đề nghị chọn  dị bản CHU THÂN là vì xét về nặt văn bản học , dị bản này phù hợp hơn ..

   *** Về kị húy tất cả mọi người đều chỉ nghĩ đến các lệnh của Gia Long Minh Mạng , tuy đã từng có giả thuyết có khả năng Truyện Kiều đã được viết ra  khoảng đời Tây Sơn. Để có sự nhất quán hơn , chúng tôi bắt đầu xét tất cả các chữ húy  có thể có cuối thế kỷ 18. Và chúng tôi phát hiện thấy trong Đoạn trường tân thanh đã có vết tích kỵ húy Lê Trịnh , nói chung , kỵ húy Chiêu Thống , Trịnh Bồng  ở khoảng 2000 câu cuối, nói riêng.  Mặt khác các chữ HUỆ, BÌNH ở bản DMT lại được cố ý viết cho phạm húy. Vậy rất có khả năng các bản Kiều Nôm thế kỷ 19 một mặt còn lưu lại vết tích kỵ húy Lê Trịnh  do chép theo  các bản gốc cuối  đời Lê , một mặt  lại đã cố ý  phạm húy tên của Quang Trung để  Gia Long khỏi bắt tội.

PV: Xin Gs cho biết tình hình nghiên cứu truyện Kiều hiện nay ở trong và ngoài nước? Có thể gọi là có một bộ môn Kiều học được không? Lực lượng Kiều học hiện nay có đông đảo không?

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn:---Truyện Kiều là một tác phẩm lớn của Việt Nam  nên trong nước ngoài nước nó đều được chú ý đến. Đội ngũ những người quan tâm đến  Truyện Kiều  càng ngày càng  đông đảo. Nhiều người đã gợi ý là từ nay nên coi như là đã có một ngành nghiên cứu gọi là ngành Kiều học. Tôi cũng tán thành như vậy.

PV:- Những thành tựu nghiên cứu Truyện Kiều của Gs nói riêng và của giới Kiều học nói chung trong thời gian vừa qua?

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn: ---Về Truyện Kiều , từ 2002 đến nay tôi đã in được khoảng 30 bài và 3 cuốn sách.  Về hướng đi chung , tôi đã  ủng hộ ý kiến cụ Hoàng Xuân Hãn là nên coi trọng bản Duy Minh Thị . Căn cứ chủ yếu vào bản đó , tôi đã gắng tìm hiểu xem thử khi mới phác thảo , tác phẩm Đoạn trường tân thanh của cụ Nguyễn Du có những gì khác nay. Và tôi đã đề xuất giả thuyết rằng bản sơ thảo đó đã được hoàn thành trong khoảng 1787—1790. Hai nhà nghiên cứu  Ngô Đức Thọ , Đào Thái Tôn  tán đồng gợi ý của chúng tôi  và đều  đã  có bài cùng viết chung với chúng tôi để ủng hộ giả thuyết đó.

Còn nếu đi sâu vào vấn đề chữ nghĩa , thì chúng tôi đã có khá nhiều kiến nghị , như :

   ***chọn dị bản

                    KỊP THỜI sắm sửa , LAY CÔNG (hay VÁI CÔNG)

 của bản DMT, chứ không chọn

                    KÍP TRUYỀN sắm sửa LỄ CÔNG

của các bản khác , vì chúng tôi ủng hộ hình tượng ông quan phủ đường công minh , hòa nhã của Nguyễn Du , chứ không ủng hộ hình tượng ông quan thiên vị và hơi thô bạo của  TTTN bên Trung Quốc ;

   ***hoặc chọn dị bản NGỌN LAU  của DMT,LVĐ,QVĐ,TMĐ chứ không chọn dị bản BÔNG LAU của KOM , vì theo bên khoa học tự nhiên , tiết Thanh minh chỉ có thể có NGỌN LAU , đến  mùa thu lau lách mới ra hoa . Các thi gia Trung Quốc,  Việt Nam xưa nay đều viết đúng theo khoa học cả. So sánh câu của Bạch Cư Dị :

                       Phong diệp địch hoa thu sắt sắt

  (tạm giải  nghĩa : PHONG DIỆP =lá cây phong , ĐỊCH HOA = hoa lau , SẮT SẮT = tiếng gió thổi, có vẻ thê thảm )

Và câu của Nguyễn Trung Ngạn :

                       Bạch phất lô kỳ thiên cọng thu

(tạm dịch “ Cờ lau phất trắng , đất trời sang thu “  )

   Những đề xuất của chúng tôi hình như cũng đã có được một sự đồng tình nào đó. Nhưng cũng có những nhà nghiên cứu vẫn giữ nguyên ý kiến như trước.

--- Dầu sao , trong 10 năm  vừa rồi , qua sự trao đi đổi  lại trong giới nghiên cứu, rõ ràng  là cũng đã có được một khuynh hướng mới , khác các giai đoạn xưa kia :  các bản Kiều Nôm cố của thế kỷ 19 bắt đầu rất được chú ý và đều đã  được lần lượt công bố ,  đưa cứ liệu gốc đến tận tay người đọc.

PV: Chúng  ta có thể hy vọng phục nguyên được Truyện Kiều? Thế hệ nào làm?

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn:  -- Hy vọng . Nhưng chuyện này không dễ đâu ! Thứ nhất là vì chúng ta hiện không còn bản thảo Đoạn trường tân thanh nào biết chắc là đã được cụ Nguyễn Du tán thành vào khoảng cuối đời.  So sánh các dị bản với nhau chúng ta thấy có khá  nhiều chỗ  rất khác nhau , làm sao để biết được dị bản nào là do chính tay cụ Nguyễn Du chữa lại , chỗ nào là do người đời sau đính ngoa hay nhuận sắc? Truyện Kiều lại là một tác phẩm đã vào sâu trong quần chúng , động đến Truyện Kiều là động đến toàn xã hội, phục nguyên một dị bản nào mới , dầu đúng cũng vị tất sẽ được toàn xã hội tán đồng  ngay . Cho nên  3 cuốn sách chúng tôi đã công bố  chúng tôi đều  coi đó chỉ như là những tập TƯ LIỆU TRUYỆN KIỀU  đưa ra để  tranh thủ ý kiến của  đông đảo độc giả mà thôi.

---  Nhưng tuy biết thế , chúng tôi  vẫn hy vọng rằng  với sự cố gắng bền bỉ của những thế hệ trẻ hiện nay và nay mai , chúng ta sẽ có ngày có được những bản phục nguyên càng về sau  càng gần với nguyên tác hơn.

PV: Gs có suy nghĩ như thế nào để chúng ta có được một đội ngũ trẻ có thể tiếp tục sự nghiệp Kiều học xứng đáng tiếp tục sự nghiệp của các bậc tiền bối, tiên phong?Chúng ta cần làm gì để có được đội ngũ kế thừa đó ?

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn: -- Phải cố gắng đào tạo thôi! Trong đào tạo, ít nhất  phải chú ý 2  điểm như sau  :

   ** phải tạo ra được những thế hệ trẻ nắm vững lý luận hiện đại của các ngành khoa học có liên quan như ngôn ngữ học , văn tự học , văn bản học , thi pháp học , kị húy học v.v. Không có lý luận hiện đại thì dầu có nhiều tư liệu cũng sẽ đi đến những cách giải thích cổ lỗ , lạc hậu hoặc sai lầm.

   ** phải tạo ra được những thế hệ trẻ hết sức coi trọng cái quý của tư liệu , biết bỏ sức điều tra , phân loại ,thống kê …các dị bản , biết quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trong các văn bản cổ…

---Thanh niên chúng ta cũng rất thông minh, rất hiếu học. Nếu chúng ta biết đào tạo họ ở nhà trường , lại cung cấp cho họ đủ điều kiện làm việc ( điều kiện về ăn ở , về sách vở , thư viện , điều kiện tiếp xúc với đồng nghiệp quốc tế v.v.)  thì họ  nhất định sẽ có những khám phá cần thiết. Chúng ta hãy đặt niềm tin vào họ .

PV: Xin cảm ơn giáo sư.

 

Phan Thắng thực hiện

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511214

Hôm nay

2213

Hôm qua

2359

Tuần này

21588

Tháng này

218087

Tháng qua

121356

Tất cả

114511214