Đất Nghệ

Giặm vè, linh hồn của Dân ca Ví, Giặm

Vè là một loại hình tự sự bằng văn vần, chú trọng đến người thật, việc thật diễn ra có tính chất đột xuất trong làng xã ngày xưa về mọi phương diện trong cuộc sống và những việc lớn vang động đến cả nước, phản ánh và bình luận những chuyện thời sự địa phương mang tính thông tin rõ rệt. Vè nó thể hiện rất rõ trong Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ; Câu Ví cất lên tự do vút ngàn sâu lắng bao nhiêu thì Giặm lại nhịp phách chắc chắn bấy nhiêu. Giặm nói chung và Giặm vè nói riêng phán ánh được mọi mặt trong cuộc sống của nhân dân từ thiên nhiên đến các quan hệ xã hội.

Diễm xướng Ví, Giặm tại Quảng trường HCM, tỉnh Nghệ An. Ảnh Hồ Hà

Giặm Vè xứ Nghệ là những vần thơ cô đọng, súc tích, vận vần dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát, nội dung đa dạng, miêu tả cuộc sống, phản ánh tập quán xã hội, lịch sử, tình yêu quê hương, đất nước, con người, mang tính giáo dục sâu sắc, thể hiện sự kính trọng cha mẹ, chung thủy, nghĩa tình, góp phần gìn giữ các tập tục, truyền thống tốt đẹp trong ứng xử xã hội ở làng xã:

Hát Giặm Vè là thể hát nói có nhịp điệu, tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, thường là nhịp 3/4 và 6/8. Một bài Giặm thường dựa theo thể thơ ngụ ngôn hay thơ 5 chữ có nhiều khổ. Loại phổ biến là mỗi khổ có 5 câu, câu 5 điệp lại câu 4 nên được gọi là Giặm. Trong quá trình tồn tại và phát triển trong dân gian thì Giặm Vè đã được đặt tên “làn điệu” theo từng loại như: (Giặm kể, Giặm nói, Giặm vè, Giặm nam nữ, Giặm cửa quyền, Giặm ru, Giặm xẩm,…) Nhưng trong thực tế nó đều sử dụng theo kiểu Giặm được hát theo thể Vè.

Giặm Vè mang tính chiến đấu và dấu ấn lịch sử sâu sắc: Ví dụ: “Hỡi đồng bào Thanh, Nghệ Tĩnh/ Nơi chưa xảy chiến tranh/ Còn đầy đủ no lành/ Phải nhớ Bình – Thiên – Trị/ Ủng hộ Bình – Thiên – Trị/ Nơi cửa nhà thiêu cháy/ Nơi máu chảy đầu rơi/ Nơi lòng nát tơi bời/ Phải nhớ Bình – Thiên – Trị / Thanh, Nghệ Tĩnh chính quyền/ Không có lẽ ngồi yên/ Phải ra tay giúp đỡ.”

Lời hát cho thấy dấu ấn của một thời hùng anh của lịch sử xứ Thanh, Nghệ Tĩnh trong kỳ chiến tranh khắc nghiệt; Nói về tinh thần quật khởi cũng như tình đoàn kết dân tộc thấm trong máu của mỗi người dân thời bấy giờ. Nói tính lịch sử bởi các bài Vè đề cập đến các sự kiện và nhân vật lịch sử ở xứ Nghệ và cả dân tộc mà tác giả dân gian là những người đương thời, ít nhiều được chứng kiến và phản ánh kịp thời trực tiếp, song cũng có khi không đề cập đến nhân vật trước mắt mà nói về các thời kỳ lịch sử trước. Như vậy, nó vẫn mang tính thời sự, bởi vì tác giả dân gian nói về sự kiện lịch sử trước đó cũng là để động viên lòng yêu nước, tức là nói đến sự kiện trước mắt.

Điều đặc biệt hơn nữa, trong Giặm Vè còn nuôi ý chí, hoài bão công danh, anh hùng cho các bậc sỹ tử: Hình ảnh của những bà mẹ chịu thương, chịu khó bắt cá hái rau, chạy chợ buôn bán nuôi con ăn học. Biết bao bà mẹ đã: “Bán nải chuối xanh/ Củ tỏi củ hành/ Bát kê mớ đậu, đấu ló mủng gấu/ Phụng dưỡng chồng con/ Đèn sách thánh hiền, mong ngày vinh hiển”. Đến cả trong lời ru mỗi ngày cũng dạy bảo, khuyên răn: “Con ơi, mẹ dặn câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ làm người đói sạch rách thơm/ công danh là nợ nước non phải đền…”. Mộng công danh đó đi suốt cuộc đời của những chàng trai và thường xuyên được bồi đắp qua sách vở, qua lời dạy bảo và qua thực tế làng xã.

Giặm Vè còn mang tính trào phúng, châm biếm, mỉa mai. Ví dụ: “Cha hoe ơi, ngồi lại/ Tui nói cho mà nghe/ Gan cha mi như gan sứa/ Nói thì thật anh hùng/ Rứa mà nhát thì vô cùng/ Tui không dám mà ra khỏi cửa/ Tính lại hay say rượu nữa/ Say thì nói hoang thiên/ Nói tâm tổ, tâm tiên/ Đập con rồi chửi gấy/ Tính lại hay chửi bậy/ Gặp ả mô sỗ sàng/ Cha mi cứ nói quàng/ Có thương tui không chị/ Sẵn tiền thì hoang phí/ Tiêu bạc chục một ngày/ Khi thì đứng thịt cầy/ Khi thì hàng rượu phố/ Gặp người cần giúp đỡ/ Ai quyên góp đồng nào/ Cha mi khỏi đón rào/ Tui ngày ni cũng thiếu….”. Nghe bài hát ta biết rõ đó là những lời chê trách, giận hờn, châm chọc của người vợ dành cho một người chồng biếng nhác, rượu chè bê tha. Song cảm giác lại rất hài hước, vui vẻ, lời văn thì vận vần thuận miệng dễ đọc, dễ nghe, dễ hiểu và dễ nhớ.

Trong Giặm Vè còn mang đậm tính trữ tình: Tình yêu quê hương, đất nước, con người, tình yêu nam nữ, luôn là tình cảm cao quý và đẹp đẽ nhất có ở trong trái tim con người. Chính tình yêu là nguồn sức mạnh khởi đầu, hình thành và gìn giữ những giá trị đích thực của cuộc đời con người. Chúng ta có thể thấy Giặm Vè rất linh hoạt trong ngôn ngữ biểu đạt. Ví dụ: Khi chàng trai thể hiện tình cảm với cô gái và trách giận “Trước thì mự nói mự thương/ Cau tui dành để trên buồng/ Trầu tui dành để ngoài nương/ Tiền tui buộc chạc trong rương/ Chõng tui để sẵn trong buồng/ Lợn thì ục ịch trong chuồng/ Giờ mự nói không thương/ Cau chành hạt trên buồng/ Trầu rụng cuống ngoài nương/ Tiền đứt chạc trong rương/ Lợn bỏ cám trong chuồng/ Chõng bỏ mốc trong buồng/ Bạc tình chi rứa mự...”; Cô gái đáp lại bằng tình cảm thiết tha: “Thương anh lắm anh ơi…/ Nhớ anh lắm anh ơi/ Thương đáo để trần đời/ Thương khi truốc gói trầu cơi/ Nhớ khi truốc mở trầu mời/ Bưng cơm ăn nỏ được/ Bưng nước uống không xuôi/ Cầm lấy đọi thì đọi rớt/ Cầm lấy đũa thì đũa rơi…”. Cái giận dỗi trong tình yêu qua ngôn ngữ của điệu Giặm Vè mới nũng nịu, hài hước mà dễ thương biết bao, và cách người con gái đáp lại mới chân thành, thật thà chân chất. Bởi vậy ta mới thấy thể Vè hát theo kiểu Giặm được sử dụng trong Dân ca Ví Giặm xứ Nghệ luôn mang đậm tâm hồn, cốt cách của người dân xứ Nghệ..!

Ngày nay, hát Giặm Vè đã thay đổi rất nhiều nhằm thích ứng với hình thái kinh tế - xã hội mới. Nó không bộc phát và hát mộc trong lao động sản xuất như trước mà người ta thường hát theo bài có sẵn, với sự hỗ trợ của nhạc cụ truyền thống như sáo, đàn bầu, nhị, tam thập lục … thậm chí còn đưa nhạc cụ hiện đại như oocgan, ghi ta… hòa cùng để làm phong phú thêm nhạc điệu. Những người thực hành không chỉ là những nghệ nhân, con cháu nghệ nhân, những người nông dân trong thôn, trong xóm làng, mà có cả cán bộ, công chức, bộ đội, công an đang còn làm việc hoặc đã nghỉ hưu. Việc thực hành hát Giặm Vè không chỉ ở từng cá nhân, từng nhóm người, mà chủ yếu là ở các Câu lạc bộ được thành lập tại các cơ sở, đội văn nghệ, cơ quan, đơn vị và trường học.... Việc truyền dạy bảo tồn được tiến hành dưới nhiều hình thức: truyền miệng trực tiếp hoặc ghi hình, ghi âm rồi hát theo. Cũng như được sự quan tâm của chính quyền các cấp Dân ca Ví Giặm nói chung và Giặm Vè nói riêng sẽ được bảo tồn và phát huy ngày một tốt hơn./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443758

Hôm nay

29

Hôm qua

2307

Tuần này

21571

Tháng này

218932

Tháng qua

112676

Tất cả

114443758