Tuyên truyền mới không theo kịp cuộc sống
PV: Thưa ông, thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện về GD-ĐT ở nước ta, nhưng khi động đến chương trình, động đến SGK thì Bộ GD-ĐT gặp phải sự phản ứng của dư luận, nhất là mới đây, việc tích hợp môn Lịch sử. Tác động của xã hội liệu có làm khó cho các nhà quản lý không?
GS.TS Phạm Hồng Tung: Thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện về GD-ĐT ở nước ta là đúng đắn. Song cần chú ý tới tác động xã hội rất là sâu rộng và lâu dài. Bởi vì nó động đến các cháu HS, từng gia đình ai cũng có con có cháu đang đi học. Hơn nữa, vấn đề này có liên quan đến vận mệnh của toàn dân tộc trong hành trình hội nhập quốc tế.
Trong đổi mới giáo dục thì đổi mới về chương trình là quan trọng nhất. Chương trình sẽ quyết định không chỉ SGK thế nào mà đổi mới Chương trình sẽ quyết định toàn bộ việc tổ chức giảng dạy, đào tạo thế nào? Chương trình sẽ quyết định chất lượng đào tạo thế nào và chương trình sẽ quyết định đến mức độ đáp ứng của sản phẩm giáo dục đào tạo đối với yêu cầu phát triển của đất nước và xã hội. Cho nên đột phá ở đây chính là chương trình. Nếu xảy ra sai sót về chương trình sẽ kéo theo hàng loạt các sai phạm khác. Nếu chương trình được đổi mới đúng đắn và khoa học sẽ mở đường cho tất cả những thành công khác. Cho nên thảo luận về chương trình và tổ chức đổi mới chương trình này chính là việc then chốt, là đột phá khẩu.
PV: Dường như tự nhận thấy tầm quan trọng như vậy cho nên ông khá thận trọng. Tại Hội thảo ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ông đã không nêu ý kiến cá nhân?
GS.TS Phạm Hồng Tung: Tôi tự yêu cầu đối với bản thân là phải có thái độ cẩn trọng. Trước hết tôi phải nói rằng, cuộc thảo luận về môn Lịch sử này đang đặt ra vấn đề rộng lớn hơn là việc tổ chức nghiên cứu, đổi mới chương trình để thực hiện nghị quyết của Đảng, động cơ làm là đúng rồi, nhưng cách thức Bộ GD&ĐT đang làm đã đúng chưa? Tôi thấy là chưa đúng!
Đáng lẽ việc đầu tiên Bộ phải làm là tổ chức những nghiên cứu bài bản, khoa học, có tính dự báo khoa học để chỉ ra rằng trong tương lai, 20 năm, 50 năm nữa đất nước ta cần có nguồn nhân lực với những năng lực, phẩm chất như thế nào? Tiếp đó, phải chỉ ra trong cấu trúc năng lực và phẩm chất đó thì kiến thức, kỹ năng của từng nhóm ngành, từng môn học như thế nào? Tiếp đó, mới đặt vấn đề là tổ chức giáo dục nhà trường đối với từng môn ở từng bậc học ra sao để đạt tới mục tiêu đó. Rồi sau nữa mới trên cơ sở đó mà thiết kế chương trình tổng thể, chương trình riêng cho từng lĩnh vực, từng môn ở từng bậc học. Rồi mới đến tổ chức nghiên cứu viết SGK, tổ chức đào tạo và tập huấn giáo viên, tổ chức các mô hình đào tạo thử, có đánh giá, rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh mô hình, lấy ý kiến chuyên gia và xã hội, rồi mới công bố, tổ chức triển khai từng bước một với những điều kiện đảm bảo chất lương khác đi kèm. Trong quá trình đó, dĩ nhiên là khảo sát, tham chiếu kinh nghiệm thành, bại ở nước ngoài và nghiên cứu, tiếp thu vận dụng vào thực tiễn ở Việt Nam cũng hết sức cần thiết. Tiếc rằng Bộ GD&ĐT đã không làm như vậy hoặc có làm nhưng không đủ cẩn trọng. Chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn mà đã "ập" ngay vào đổi mới chương trình, đặt vấn đề tích hợp hay không tích hợp môn này hay môn kia. Đó là cách làm nóng vội, ngược quy trình khoa học và chắc chắn khó đi vào thực tiễn với hiệu quả tích cực như xã hội mong đợi.
PV: Khi đề nghị tích hợp môn Lịch sử thì ngay lập tức giới Sử học phản ứng rất quyết liệt. Có vẻ như vấn đề rất nhạy cảm, thưa ông?
GS.TS Phạm Hồng Tung: Đúng thế. Theo tôi hiện nay có bốn lý do tạo nên tính chất nhạy cảm của giáo dục Lịch sử chứ không phải chỉ có môn Lịch sử trong nhà trường. Còn giáo dục Lịch sử ở trong từng gia đình và trên phạm vi toàn xã hội, trong đó giáo dục tri thức ở nhà trường là bộ phận quan trọng nhất, nền tảng nhất. Bốn lý do đó như sau:
Thứ nhất, phải nói rằng hiện tượng suy giảm chất lượng nghiêm trọng của việc giáo dục Lịch sử trong trường phổ thông và cả trong trường ĐH đã được báo động trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, những gì chúng ta nhìn thấy (như hàng vạn điểm không (0) của môn Sử trong các kỳ thi đại học, việc học sinh không biết Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng là ai vv...) mới chỉ là những hiện tượng, chưa phải là bản chất. Bản chất nằm ở sai lầm trong cách dạy sử. Đó là cách dạy thiên về trang bị nội dung kiến thức lịch sử chứ không phải là xây dựng tình yêu lịch sử, năng lực tự tìm tòi, khám phá lịch sử suốt đời của người học; đó là cách dạy áp đặt một chiều những kiến thức lịch sử được coi là "chính thống"; đó là cách thức tổ chức học và thi đã biến lịch sử thành môn phụ vv... Sửa chữa, khắc phục những hạn chế trên là trách nhiệm của các nhà giáo dục học và nhà sử học. Đây cũng là một trong những yêu cầu của việc đổi mới căn bản và toàn diện đối với giáo dục lịch sử trong nhà trường.
Đấy là suy giảm nghiêm trọng chất lượng giáo dục Lịch sử trong nhà trường nhưng ngoài xã hội cũng như thế chứ không chỉ riêng nhà trường. Ngoài xã hội chúng ta vẫn chỉ có những tuyên truyền về lịch sử, mà đã cổ lỗ sĩ bao nhiều năm nay rồi. Cách tổ chức giáo dục lịch sử trong xã hội đã không còn theo kịp cuộc sống. Yêu cầu mới là gì? Người ta có nhu cầu biết về dòng họ, người ta có nhu cầu nhận thức về truyền thống địa phương, người ta có nhu cầu nhận thức về các anh hùng dân tộc vv... một cách sinh động, đa chiều và thiết thực. Hơn nữa, con người trong xã hội hiện đại đòi hỏi phải được nhận thức lịch sử chân thực, đa chiều hơn, thấy được cả những mặt tốt, những truyền thống tốt đẹp, nhưng cũng phải nhận thức đúng về cả những hạn chế, khuyết tật và nhược điểm trong di sản lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Biết cái hay để mà phát huy, biết cái dở để bảo nhau mà tránh - đó là yêu cầu hoàn toàn bình thường và chính đáng.
Thế mà thử xem phim Lịch sử của chúng ta có cái gì? Không có cái gì. Toàn dân ta phải xem phim Lịch sử của Trung Quốc. Bởi đang tồn tại một quan niệm sai lầm về sử, không phân biệt được đâu là tri thức Lịch sử, đâu là ký ức Lịch sử. Phải có môi trường ký ức Lịch sử làm say đắm lòng ngươi, cuốn hút được sự quan tâm của xã hội thì mới có được sự quan tâm Lịch sử với tư cách là tri thức khoa học. Nhưng ký ức Lịch sử lại có cái lõi là tri thức khoa học. Hai cái đó nó đan quyện vào nhau, nương tựa nhau. Nhưng người ta chỉ quan tâm đến một chiều là áp đặt tri thức Lịch sử.
Hãy xem người Trung Quốc làm gì. Họ có một nhân vật Võ Tắc Thiên, họ có một nhân vật Tào Tháo, nhưng họ xây dựng nhiều kịch bản phim khác nhau. Ở phim này Tào Tháo là gian hùng, ở phim kia Tào Tháo là chính nghĩa, tập nữa là người tình lãng mạn, Võ Tắc Thiên cũng như thế. Họ chỉ chấp nhận có một cái lõi lịch sử là nhân vật ấy có thật và đã tạo nên một sự biến, một quá trình nổi bật trong Lịch sử Trung Quốc, còn họ để cho đời sau tiếp cận nhân vật đó nhiều chiều. Và như thế, những nhân vật đó đi vào ký ức dân gian, sống trong ký ức dân gian, thôi thúc người ta phải không ngừng khám phá để có hiểu biết của riêng mình về các nhân vật lịch sử và lịch sử nói chung. Ở Việt Nam chúng ta chưa đạt được đến trình độ đó và có ai đó thử làm thì lập tức xã hội sẽ lên tiếng là xuyên tạc lịch sử. Ví dụ như kịch Dương Vân Nga, như phim Lý Công Uẩn… Tất nhiên là có những sai sót về trang phục thì ta tiếp tục chỉnh sửa. Thế nhưng ta luôn luôn buộc những tiểu thuyết Lịch sử và những sản phẩm văn hóa ấy phải phản ánh "trung thành" Lịch sử, giống như một phiên bản của "lịch sử chính thống". Thế là làm khó cho sáng tạo văn học và văn nghệ thuật và không góp phần tạo nên ký ức Lịch sử sống động.
Ký ức Lịch sử ngày xưa được cha ông ta rất quan tâm. Người ta sáng tạo ra các tích truyện, sân khấu, lễ hội và các hình thức "kể hạnh" về các Thánh ở cửa đình, cửa chùa. Người ta làm thế để trao truyền ký ức lịch sử, nuôi dưỡng tâm thức hướng về cội nguồn của nhân dân. Trong khi ngày nay, trong nhà trường thì giáo dục áp đặt, còn trong giáo dục xã hội thì xơ cứng và "đồng phục hóa" khiến cho tri thức khoa học về lịch sử và ký ức lịch sử không nương tựa được cho nhau. Và chất lượng giáo dục Lịch sử nhìn chung của toàn xã hội đi xuống.
Nguyên nhân thứ hai làm cho Lịch sử trở thành môn nóng bỏng xã hội cần phải quan tâm là vì cả thế giới ngày nay đang rất quan tâm đến Lịch sử. Khi mà cả thế giới đang ầm ầm tiến như vũ bão vào quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Càng hội nhập thì người ta càng sợ bị "hòa tan", bị "mất gốc". Cho nên quan tâm đến lịch sử là mối quan tâm của toàn thế giới, vì Lịch sử góp phần căn bản nhất tạo nên cái căn cước (Identity) của từng dân tộc trong thế giới toàn cầu hóa.
Những khu vực phát triển của thế giới như Cộng đồng châu Âu (EU) họ đã đi trước mình trên hành trình hội nhập với thế giới. Cái đầu tiên họ cũng quan tâm nhất là: Hội nhập có hòa tan hay không? Tôi sống ở nước Đức 10 năm, tôi đã quan sát toàn bộ câu chuyện đấy. Người Đức họ từng tranh luận quyết liệt với nhau về vấn đề có "văn hóa chuẩn" của người Đức (deutsche Hauptkultur) hay không? Riêng câu chuyện giáo dục lịch sử thì người Anh, người Đức, người Pháp đã thảo luận từ hàng thập kỷ nay rồi. Ví dụ: Làm sao giảng dạy lịch sử nước Đức và nước Pháp là hai quốc gia có chiến tranh liên miên với nhau và có rất nhiều những định kiến, những thù hằn trong lịch sử, bây giờ làm thế nào để gạt bằng những cái đó, làm cho thế hệ trẻ của hai dân tộc trong quá trình hội nhập có nhận thức chung về lịch sử để không sản sinh ra hận thù, xung đột trong tương lai… Người ta phải vận động 150 năm và nghiên cứu 50 năm để viết ra 1 cuốn SGK dạy chung cho thế hệ trẻ của cả 2 nước Đức và Pháp, xuất bản tập đầu vào năm 2006.
Diễn biến hòa bình bằng khoa học
PV: Tức là càng hội nhập thì nguy cơ hòa tan càng lớn và người ta quan tâm đến những cái gì tạo thành bản sắc dân tộc, những gì tạo nên hành trang hội nhập hay kháng thể văn hóa trong quá trình hội nhập phải không thưa ông?
GS.TS Phạm Hồng Tung: Đúng vậy. Trong đó có lịch sử, tôi không nói lịch sử là duy nhất nhưng lịch sử là yếu tố cốt lõi để tạo nên kháng thể văn hóa, để tạo nên bản sắc dân tộc trên hành trình hội nhập của tất cả các dân tộc, không riêng gì Việt Nam.
Riêng Việt Nam bắt đầu hội nhập người ta càng nhìn vào xã hội, không chỉ có thanh niên, tôi nghiên cứu thanh niên tôi biết, không chỉ có thanh niên cuồng tín thần tượng, xem phim Hàn Quốc, xem phim Trung Quốc và tiếp thu xô bồ thông tin ở bên ngoài mà ngay cả người lớn tuổi cũng đương đầu với thảm họa này. Người ta thấy rằng nguy cơ mất gốc và người ta càng phải quan tâm đến tìm hiểu lịch sử và văn hóa dân tộc. Mà đường lối văn hóa của Đảng là gì? Là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hội nhập nhưng không hòa tan…
Nguyên nhân thứ ba, là những vấn đề nhạy cảm chính trị, vì giáo dục lịch sử và nhận thức lịch sử dân tộc đang bị tấn công bởi nhiều thế lực thù địch về chính trị mà tôi cho rằng trong chủ trương tích hợp của Bộ GD-ĐT thì Bộ có phần chủ quan, không có trao đổi thấu đáo với các chuyên gia hàng đầu. Cần phải nhớ rằng, một trong những điểm mũi nhọn, trọng yếu mà các thế lực thù địch nhằm vào để tấn công chế độ, tấn công vào đất nước ta chính là xuyên tạc lịch sử.
PV: Các thế lực thù địch nhằm để tấn công vào chế độ, tấn công vào đất nước ta chính là xuyên tạc Lịch sử? Ông có thể nêu dẫn chứng?
GS.TS Phạm Hồng Tung: Tôi nói có sách mách có chứng. Keith W Taylor là một chuyên gia lớn về lịch sử Việt Nam ở phương Tây. Năm ngoái ông ta đã công bố một công trình đồ sộ (696 trang sách khổ lớn) có tên là "A History of the Vietnamese" (Một lịch sử của người Việt Nam). Nghiên cứu của K. Taylor là tập đại thành kết quả nghiên cứu của một nhóm, một khuynh hướng nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Họ nghiên cứu về miền Trung, nghiên cứu về chúa Trịnh, nghiên cứu về con đường Nam tiến, nghiên cứu về các vùng miền… Cuối cùng, họ tô đậm lên, cường điệu những khác vùng miền và những xung đột nội bộ ở trong đất nước này trong suốt chiều dài lịch sử và kết luận của K. Taylor là: không có một dân tộc Việt Nam duy nhất và thống nhất; không có chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Cái mà người Việt Nam rất tự hào về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước chỉ là "định hướng bề mặt" (surface orientation) mà thôi. K. Taylor kết luận: Cái chúng ta đi tìm về một dân tộc Việt Nam thực tế không có. Không có lịch sử Việt Nam, chỉ có lịch sử những nhóm người sống trên dải đất hình chữ S cùng nói tiếng Việt với cái mà ông ta "tìm ra" là :"Một đặc điểm lâu bền của kinh nghiệm Việt Nam chính là mối quan hệ trên căn bản là thần thuộc (phục tùng) với Trung Quốc được gia cố bởi các chính quyền vốn được xây dựng dựa trên các mẫu hình tồn tại ở Trung Quốc".
Một cuốn sách khác của Janes C. Scott cũng hết sức đáng lưu ý. Ông ta cũng là chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á, nổi tiếng thế giới. Cuốn này của Scott nghiên cứu về các dân tộc thiểu số sống trên các vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Nam Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar mà ông ta gọi là khu vực "Zomia"… Các dân tộc thiểu số ấy đều có mẫu số chung sau đây: Đều là dân tộc ít người; đều sống trên các vùng núi cao; suốt trong chiều dài lịch sử và cho đến hiện nay đều bị các dân tộc đa số sống ở các châu thổ tìm cách chi phối và thống trị. Đối với các dân tộc thiểu số này không có quan niệm về đường biên giới quốc gia. Biên giới quốc gia là việc của các dân tộc đa số. Còn với họ tự do du canh du cư trên không gian sinh sống của mình. Và trong suốt chiều dài lịch sử, họ đã tự sáng tạo ra cái gọi là "Nghệ thuật để không bị thống trị" (the art of not being governed" bởi các dân tộc đa số.
Như thế là với nghiên cứu này, Scott đã phủ nhận hoặc hạ thấp khối đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước ta. Có thể trong lịch sử không tránh khỏi có những khác biệt và xung đột, nhưng xu hướng đoàn kết mới là xu hướng chính, nổi trội, là bệ đỡ tạo nên ý thức quốc gia - dân tộc của tất cả người Việt Nam, dù là người Kinh hay người dân tộc thiểu số. Tác động thực tiễn của những nghiên cứu như thế có thể là rất nguy hiểm, vì nó cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa ly khai. Những gì chúng ta đã biết về "nhà nước Degar", về "vụ Mường Nhé" đòi hỏi chúng phải đáp trả những nghiên cứu như thế này bằng những nghiên cứu khoa học nghiêm túc, và hơn nữa, phải bằng giáo dục lịch sử khoa học và cẩn trọng cho các thế hệ người Việt Nam. Vậy nên không thể xem nhẹ, làm suy yếu hiệu quả giáo dục lịch sử trong đổi mới cách tổ chức lại môn học này trong nhà trường.
Thứ tư chính khía cạnh nhạy cảm về chính trị đối với chế độ chúng ta. Trong chính trị học thế giới có từ: "political legitimation" gọi là tính chính đáng chính trị hay là lý do tồn tại của một chế độ chính trị. Chế độ của ta đã ra đời trong cuộc đấu tranh yêu nước và cách mạng. Hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống để chúng ta có độc lập, tự do hôm nay. Thế hệ trẻ Việt Nam cần phải biết thực tế lịch sử đó để không được vô ơn với tiền nhân và nhất là không được ảo tưởng, mất cảnh giác trước các thế lực thù địch. Mới gần đây thôi, đã có những người tô vẽ cho bản tuyên ngôn ngày 11/3/1945 của Bảo Đại để hạ thấp, phủ nhận bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh. Và hiện nay, ở Trung Quốc, người ta vẫn ra rả dạy thanh niên Trung Quốc về lịch sử cái gọi là "phản Việt phòng vệ chiến tranh" - một cách trình bày xuyên tạc trắng trợn về lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta vào năm 1979. Rồi họ còn tưng tửng, ngạo mạn tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc từ thời cổ đại. Nếu tích hợp, xé nhỏ môn Sử để con em chúng ta không có điều kiện tìm hiểu về những vấn đề như trên một cách khoa học và sâu sắc thì thật nguy hiểm, có thể dẫn tới họa mất nước, mất chế độ!
Đấy là câu chuyện liên quan đến sự tồn vong của quốc gia, của chế độ thì là vấn đề rất nhạy cảm, nên tôi tuyệt đối không đồng ý với chủ trương tích hợp một cách võ đoán môn lịch sử, ít nhất ở bậc THPT. Chúng ta muốn thế hệ trẻ, chủ nhân của nước Việt Nam trong kỷ nguyên toàn cầu hóa phải có tinh thần yêu nước chân chính thì chúng ta phải nhớ rằng chủ nghĩa yêu nước hay tinh thần dân tộc đó không thể chỉ là một thứ tình cảm cảm tính, hời hợt và mù quáng mà phải là một định hướng ý thức lý tính, dựa trên sự hiểu biết khoa học, khách quan, chân thực về lịch sử dân tộc. Ở bậc THPT các em đều chuẩn bị bước vào tuổi công dân trưởng thành với những trách nhiệm công dân đầy đủ. Vậy thì giáo dục lịch sử ở bậc học này phải là bắt buộc để giúp họ tạo nên nền tảng của ý thức công dân. PV: Ông còn lưu tâm đến một câu chuyện rất quan trọng: giáo dục Lịch sử trong nhà trường không chỉ Lịch sử Việt Nam mà phải nói đến Lịch sử Thế giới, Lịch sử Khu vực.
GS.TS Phạm Hồng Tung: Khi hội nhập quốc tế, người Việt Nam cũng cần phải biết lịch sử thế giới chứ. Thế hệ công dân Việt Nam trong kỷ nguyên toàn cầu hóa phải có năng lực để tự mình tìm hiểu, nhận thức đúng đắn về văn hóa nhân loại, lịch sử và văn minh các dân tộc khác trên thế giới. Mù tịt về vấn đề này, thế hệ người Việt Nam ta sẽ luôn vấp ngã trên mỗi chặng đường hội nhập. Thế thì giáo dục lịch sử và văn hóa thế giới cùng với lịch sử và văn hóa dân tộc phải là nội dung độc lập và bắt buộc thì mới đáp ứng được yêu cầu này. Khi tích hợp lịch sử vào môn "Công dân với Tổ quốc", nghe tên môn học có vẻ hay ho, nhưng sẽ "tích hợp" thế nào đây những nội dung thuộc về lịch sử thế giới và văn hóa thế giới? Và nếu chỉ là môn học "tự chọn", thế thì nếu các em (đa số đấy) tập trung học để thi các nhóm ngành khoa học tự nhiên, công nghê và không chọn lịch sử, thì ai sẽ giúp họ học lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới đây? Chẳng lẽ chúng ta có thể yên tâm khi biết trước rằng một bộ phận lớn công dân Việt Nam trong tương lai có thể giỏi công nghệ A, khoa học B, nhưng mù tịt về văn hóa và lịch sử không?? Cần nhớ rằng con em chúng ta có thể học tất cả các khoa học tự nhiên và công nghệ ở nước ngoài, nếu giáo dục ở trong nước chưa thỏa mãn được yêu cầu của họ, nhưng sẽ không có nước ngoài nào chịu trách nhiệm giáo dục cho con em chúng ta văn hóa, lịch sử Việt Nam và tinh thần dân tộc Việt Nam. Chớ có hy vọng ông hàng xóm tốt bụng nào đó dạy con em ta yêu kính bố mẹ, tổ tiên nhà ta đâu!