Khách mời văn hóa

Trao quyền rộng rãi cho cộng đồng và người dân để hạn chế sự bất bình đẳng về văn hóa

Lời tòa soạn: Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành TW Đảng khóa XI chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XII của Đảng được nhiều người quan tâm, góp ý. Trong đó, xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc, xóa bỏ bất công trong xã hội là những vấn đề được nhiều người quan tâm bởi tầm quan trọng của nó. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã lên tiếng đóng góp ý kiến cho các vấn đề này từ nhiều cách tiếp cận khác nhau. Để đa dạng hóa thêm quan điểm về vấn đề này, VHNA đã có cuộc trao đổi với TS Mai Thanh Sơn, một nhà nghiên cứu dân tộc học có nhiều gắn bó và  nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc về các tộc người thiểu số.

Phan Thắng:Trong Dự thảo Báo cáo chính trị mà ban chấp hành khóa XI trình Đại hội XII sắp tới, có nhận định:“Đời sống văn hoá tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hoá giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn”.

Tôi hiểu rằng, như vậy, trong thực tiễn đã và đang tồn tại những phân hóa, bất công bằng về văn hóa giữa các giai tầng xã hội, các bộ phận dân cư. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Mai Thanh Sơn:  Đúng vậy. Nhưng cần có sự đánh giá khách quan, rằng sự khác biệt/phân hóa trên thực tế là một vấn đề lịch sử. Từ lâu rồi, giữa các vùng miền, các bộ phận dân cư, các giai tầng khác nhau trong xã hội đã luôn có sự khác biệt và phân hóa trong sáng tạo cũng như hưởng thụ văn hóa. Bức tranh này ngày một thể hiện rõ hơn trong bối cảnh Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và Toàn cầu hóa. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc nhận diện sự phân hóa/khác biệt đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Hiện nay, các cơ quan có quyền ra quyết định đã và đang tìm nhiều cách để khỏa lấp khoảng trống, bất cập. Tôi nghĩ, thành tựu đã đạt được không ít; nhưng cơ bản thì Dự thảo Báo cáo chính trị mà ban chấp hành khóa XI trình Đại hội XII đã nhận xét chính xác.

Phan Thắng:Là người đi nhiều, khảo sát kỹ về đời sống văn hóa của các cộng đồng dân cư, nhất là ở miền núi và các tộc người thiểu số, ông nhận diện sự phân hóa và bất công bằng về văn hóa trong đời sống xã hội hiện nay như thế nào?

TS Mai Thanh Sơn:  Nếu xét trên khía cạnh dịch vụ văn hóa, hiện nay đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư ở vùng sâu/vùng xa không có nhiều điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin cũng như hưởng thụ các giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại. Về cơ bản, sóng TV và Radio đã được phủ trên toàn quốc, nhưng mạng Internet và điện lưới quốc gia thì chưa. Vả lại, nhiều hộ gia đình, nhất là những hộ nghèo, không có đủ điều kiện để tự trang bị các thiết bị nghe nhìn. Do những khó khăn về cơ sở hạ tầng, việc hưởng thụ trực tiếp các sự kiện văn hóa lớn nhỏ đều khó (sân khấu kịch, ca nhạc, các liên hoan văn hóa, v.v…). Đó là chưa kể đến chuyện nhiều tộc người hiện nay chưa thể được hưởng thụ văn hóa nhân loại bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình. Không phải người dân tộc thiểu số nào cũng nói/nghe/hiểu được đầy đủ bằng tiếng phổ thông.

Để khỏa lấp các khoảng trống đó, đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi đã phải tự khắc phục bằng những con đường riêng. Nếu có dịp đến vùng đồng bào người Thái, người Hmông ở miền núi phía Bắc hoặc miền tây Thanh - Nghệ, có thể dễ dàng bắt gặp tình trạng băng đĩa phim, ca nhạc tiếng Thái, tiếng Hmông sản xuất ở Thailand, Lào hoặc Trung Quốc được sử dụng rất nhiều trong các gia đình. Khi chúng ta không thỏa mãn được nhu cầu của người dân, họ phải tìm đến các nguồn cung khác cũng là điều dễ hiểu.

Nếu xét trên bình diện sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tộc người, hiện nay vốn văn hóa của các tộc người thiểu số đã bị mất đi rất nhiều. Sự sáng tạo/thụ hưởng/trao truyền các giá trị văn hóa tộc người vốn dựa trên 3 điểm tựa căn bản: tự nhiên, cộng đồng thôn làng, và ngưỡng hành vi. Đáng tiếc, cả 3 điểm tựa đó đã cơ bản bị triệt tiêu. Và vì thế, họ không còn điều kiện để sáng tạo và hưởng thụ văn hóa truyền thống theo cách của họ. Một thời gian dài, các giá trị văn hóa truyền thống của họ bị coi là cổ hủ/lạc hậu/cần phải loại bỏ, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã mai một, khó có khả năng phục hồi/tái tạo. Các yếu tố văn hóa mới đủ mạnh để lấn át văn hóa truyền thống, nhưng chưa đủ sức thuyết phục để người dân có thể tin theo, chọn lọc, bản tộc hóa và biến thành giá trị mới của tộc người. Ở người Việt Kinh thì khác. Họ có các điều kiện tốt hơn để khôi phục/tái tạo các giá trị văn hóa truyền thống đã bị hư hại/mai một (ví dụ như các công trình kiến trúc, các lễ hội, v.v…) cũng như sáng tạo các giá trị văn hóa mới (ví dụ như các sản phẩm hàng hóa mới trên nền tảng tri thức truyền thống).

Ở người dân tộc thiểu số, một số bộ phận có thể hòa nhập nhanh vào xã hội được coi là hiện đại, chủ yếu theo con đường công chức hóa hoặc tham gia kinh tế thị trường, thì dường như đã biến thành chủ thể khác. Hiện tượng này phổ biến ở tất cả các tộc người thiểu số. Và nó khác căn bản với người Việt Kinh. Nếu anh là người Việt Kinh, trừ khi định cư ở nước ngoài, còn nếu ở trong nước thì dù anh có thoát ly thôn làng bao nhiêu đời thì khi trở về quê anh vẫn sử dụng tiếng mẹ đẻ. Người dân tộc thiểu số thì không như thế. Nếu đã thoát ly thôn làng đến sống ở các vùng đô thị lớn, đến thế hệ thứ 2, thứ 3 là hầu như không còn nói được ngôn ngữ bản tộc và ít người còn kế thừa được các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.

Phan Thắng:Sự phân hóa và bất công bằng về văn hóa ở nước ta có đặc điểm gì không nếu so sánh với các nước khác.

TS Mai Thanh Sơn:  Tuy đều thừa nhận các nguyên tắc chung được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966), nhưng mỗi quốc gia đều có chính sách khác nhau đối với các cộng đồng thiểu số. Mỹ cho phép các bộ lạc tự trị, chỉ tuyệt đối cấm 3 quyền: i) quyền thiết lập quan hệ ngoại giao; ii) quyền in và phát hành tiền; và iii) quyền tuyên chiến. Nhật Bản từ năm 1997 đã thừa nhận quyền thực hành văn hóa của người Ainu. Thailand tôn trọng và cho phép các cộng đồng thiểu số tự do thực hành văn hóa theo cách mà họ mong muốn. Trung Quốc cũng trao nhiều quyền, trong đó có quyền thực hành văn hóa truyền thống, cho các hương thôn.

Ở các quốc gia như Mỹ hoặc Thailand, các cộng đồng thiểu số có nhiều quyền trong sáng tạo văn hóa hơn bởi lẽ họ còn giữ được quyền về đất đai, các thể chế xã hội bản tộc không bị giải thể và các thực hành văn hóa truyền thống không bị giải thiêng. Trung Quốc tuy áp đặt hệ thống quản lý mang tính chất nhà nước ở cấp hương thôn, nhưng quyền về đất đai cộng đồng còn được duy trì. Sau thời kỳ cách mạng văn hóa, họ cũng có nhiều động thái tích cực nhằm trao quyền thực hành văn hóa cho các cộng đồng hương thôn. Và vì thế, nhiều giá trị văn hóa được tái tạo/phục hồi. Riêng người Ainu ở Nhật Bản thì khó khăn hơn đôi chút. Họ không còn sở hữu truyền thống. Và vì thế, các thực hành văn hóa dù có được trao quyền, cũng khó thực hiện. Hiện nay, Hiệp hội Ainu Hokaido chỉ tồn tại trên thực tế như một tổ chức xã hội dân sự.

Việt Nam khác tất cả các quốc gia nói trên. Đất đai đã được quốc hữu hóa. Các thể chế truyền thống ban đầu bị giải thể, sau này được tái cấu trúc theo mô hình nhà nước và trên thực tế, chỉ là cánh tay nối dài của chính quyền xã. Các thực hành văn hóa ban đầu bị phủ nhận hoặc giải thiêng, sau này được phục hồi chủ yếu theo kiểu sân khấu hóa. Người dân không phải là người quyết định tất cả và thậm chí, ở nhiều vùng, người dân đã trở thành khách thể ngay trong chính các sự kiện văn hóa được coi là “của mình”. Câu chuyện tổ chức lễ hội cồng chiêng của các tộc người thiểu số Tây Nguyên hay lễ hội đua ghe ngo của đồng bào Khmer Nam bộ mà chúng ta vẫn thấy giới thiệu trên TV là những ví dụ rất sinh động.

Phan Thắng:Không chỉ là về nguyên lý, mà thực tế ở nhiều quốc gia khác trên thế giới cho thấy, sự phân hóa và bất công về chính trị, kinh tế dẫn đến phân hóa, bất công về văn hóa. Nhưng, liệu có thể vì phân hóa và bất công về văn hóa mà dẫn đến phân hóa, bất công về chính trị, kinh tế? Ông có thể phân tích và cho ví dụ?

TS Mai Thanh Sơn:  Đúng là trên thế giới đã và đang có điều đó. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia sự thể hiện, mức độ có khác nhau. Đây là câu chuyện khá phổ biến. Khi anh nói đến các quyền về chính trị hoặc kinh tế, anh phải nói rõ cho người ta hiểu là quyền của ai, tư cách nào? Công dân hay tổ chức? Mỗi cá nhân đơn lẻ hay cả cộng đồng tộc người. Nên nhớ rằng, cho đến nay Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam thừa nhận các cộng đồng tộc người như những đồng chủ thể quốc gia, nhưng chưa hề chỉ rõ là với tư cách là cộng đồng tộc người, họ có những quyền gì. Quyền tham gia Quốc hội của các công dân là người dân tộc thiểu số tuy được hiến định nhưng trên thực tế hiện nay lại không mang tính phổ quát cho tất cả các tộc người, không phải nhất quyết phải có đại diện của các tộc người tham gia Quốc hội để đại diện cho quyền lợi cho cộng đồng tộc người của mình.

Nếu phân tích trên khía cạnh lý thuyết, chính trị, kinh tế và văn hóa luôn có quan hệ biện chứng với nhau. Khi đã không có quyền lực về chính trị, yếu kém về kinh tế, thì văn hóa khó có thể được tôn trọng như một đối tác bình đẳng. Ngược lại, khi văn hóa đã không được thừa nhận/tôn trọng, vị thế chính trị cũng khó được khẳng định, và các yếu tố văn hóa trong kinh tế cũng trở nên mờ nhạt.

Các nhà nghiên cứu hàn lâm hoặc các bộ tài liệu trường quy thường chia văn hóa thành các thành tố kiểu như văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần; văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, v.v.. Trong thực tế cuộc sống, khi nói đến văn hóa của một tộc người, câu hỏi được đặt ra chỉ đơn giản là: tộc người đó có cái gì, họ nghĩ gì, và họ làm như thế nào? Nếu không trưng được ra những “cái mà anh có”, “cái mà anh nghĩ”, “cách mà anh làm” thì làm sao anh có thể nói đến các câu chuyện khác như chính trị với cả kinh tế được? Văn hóa chính là “căn cước” của mỗi tộc người. Vì thế, nếu không tạo được điều kiện cho các cộng đồng tộc người thể hiện được bản lĩnh văn hóa của họ, khó có thể nói đến sự bình đẳng về chính trị hoặc kinh tế.

Phan Thắng:Trong xã hội ta, theo ông bộ phận những bộ phận dân cư nào là yếu/yếm thế nhất về văn hóa?

TS Mai Thanh Sơn:  Nếu xét về cấu trúc dân cư theo giới, phụ nữ là những người yếu thế/yếm thế hơn nam giới trong thụ hưởng văn hóa, mặc dù sức sáng tạo họ không hề thua kém. Nếu xét theo thu nhập, người nghèo đương nhiên là đối tượng yếu thế/yếm thế. Nếu xét theo các tiêu chí xã hội khác, chúng ta còn có thể thấy các đối tượng nữa như người tàn tật, người đơn thân, trẻ mồ côi, v.v…

Nhưng nếu xét dưới góc độ tộc người, các dân tộc thiểu số hiện nay đang ít có cơ hội sáng tạo và thụ hưởng văn hóa hơn so với người Việt Kinh.

Phan ThắngLý do nào mà họ lại lâm vào tình trạng này?

TS Mai Thanh Sơn:  Có rất nhiều lý do. Quan niệm trọng nam khinh nữ ở các tộc người theo chế độ phụ hệ; sự định kiến, thậm chí là kỳ thị của xã hội đối với những người có hoàn cảnh cá biệt; sự mặc cảm tự ti của các chủ thể; v.v…

Đối với các dân tộc thiểu số, còn có những yếu tố khác chi phối. Ví dụ như cơ sở hạ tầng giao thông; sự khác biệt ngôn ngữ; sự bất cập trong nghiên cứu, tìm hiểu, quảng bá văn hóa tộc người; sự sai lạc, thậm chí là bịa đặt/xuyên tạc thông tin về văn hóa tộc người; v.v... Nhưng quan trọng nhất, đó là sự định kiến tộc người. Chúng ta đang định kiến từ trong nhận thức đến ban hành và thực hiện chính sách. Từ lâu rồi, không ít những người có quyền ra quyết định cứ mặc nhiên coi các dân tộc thiểu số là lạc hậu, văn hóa của họ cổ hủ, cần phải loại bỏ và thay vào đó là các nhân tố mới theo tiêu thức của người Việt Kinh.

Phan Thắng: Tôi thấy hình như tình trạng tự ti văn hóa là khá phổ biến trong các cộng đồng thiểu số và yếm thế về kinh tế - chính trị. Họ mặc cảm về thân phận của mình, văn hóa của mình trong thế giới kim tiền và nhà giàu? Tôi thấy họ còn không dám cất lên cả tiếng hát mà cha ông để lại cho họ bởi những mặc định vô lối, mặc định kiểu sovanh trong văn hóa của các nhà giàu, các trọc phú. Tiêu cực và bi quan hơn, tôi đang nghĩ đến tình trạng tự kỷ văn hóa ở không ít nhóm người. Ông có nhận xét gì về ý kiến của tôi? Ông có thấy họ càng ngày càng yếu/yếm thế hơn không?

TS Mai Thanh Sơn:  Điều đó anh nói đúng một phần. Sự định kiến và lối mặc định sovanh không chỉ có ở thế giới kim tiền hay nhà giàu. Nó có ở khắp nơi. Có từ lâu rồi và đến nay vẫn còn rất trầm trọng. Thành viên của các tộc người có số dân đông hơn luôn mặc nhiên coi thường các tộc người có số dân ít hơn. Họ tự coi mình là tiến bộ hơn, các thực hành văn hóa của mình là khuôn mẫu cho các tộc người ít hơn làm theo. Ở Việt Nam, người Việt Kinh là điển hình cho tư tưởng và hành động theo định hướng này. Đáng buồn hơn, tư tưởng đó còn ảnh hưởng rất lớn đến giới truyền thông. Một nghiên cứu của chính Học viện Báo chí - Tuyên truyền cách đây mấy năm cho biết, khảo sát trên một số tờ báo lớn, kết quả cho thấy có tới hơn 60% số tin/bài khi viết về dân tộc thiểu số “có mùi” định kiến.

Chính vì thế, đồng bào các dân tộc thiểu số không thể tránh khỏi tư tưởng tự ti, mặc cảm. Không chỉ dừng lại ở mức tự kỷ đâu. Một vài cộng đồng còn muốn chối bỏ nguồn gốc của mình nữa. Mấy năm trước, khi tiến hành nghiên cứu thực địa ở vùng đồng bào Khơ-mú, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, tôi vô cùng bất ngờ và đau xót khi người dân ở một số bản không dám nhận mình là người Khơ-mú, mà tự nhận là “người Thái mới”.

Phan Thắng:Nếu tình trạng phân hóa và bất công bằng này không được giải quyết một cách thỏa đáng và có hiệu quả thì sẽ đưa đến, để lại những hậu quả gì, thưa ông?

TS Mai Thanh Sơn:  Nhiều hệ lụy lắm. Đó là sự chia rẽ xã hội, chia rẽ khối đoàn kết tộc người; là sự bần cùng hóa về văn hóa của các nhóm xã hội yếu thế/yếm thế; là sự lề hóa của các chủ thể văn hóa có dân số ít; v.v... Mà sự chia rẽ nào cũng chứa đựng nguy cơ bất ổn xã hội, nuôi dưỡng mầm mống xung đột. Nếu có hóa giải được xung đột thì cũng khó tránh khỏi sự mai một/phá sản của các nền văn hóa hợp phần trong văn hóa dân tộc/quốc gia Việt Nam.

Phan Thắng:Trong báo cáo Chính trị có đề cập đến việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh và phát triển xã hội hài hòa. Ông hiểu thế nào về khái niệm xã hội hài hòa và vấn đề văn hóa, vị trí của văn hóa trong xã hội đó như thế nào? Xã hội hài hòa có bao gồm văn hóa hài hòa – hài hòa văn hóa, và có phải là một nghĩa của bình đẳng văn hóa không?

TS Mai Thanh Sơn:  Về nguyên tắc, chính Báo cáo chính trị chứ không phải các nhà khoa học phải giải thích các khái niệm môi trường văn hóa lành mạnhxã hội hài hòa. Cái bệnh của nhiều nhà làm báo cáo hoặc soạn thảo chính sách hiện nay là ít khi chịu làm rõ nghĩa các thuật ngữ hoặc hay dùng các cụm từ không/hoặc rất khó giải nghĩa.

Với tôi, một xã hội hài hòa là xã hội mà ở đó các chủ thể chính trị, kinh tế và văn hóa có quan hệ bình đẳng. Mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng - bao gồm cả cộng đồng tộc người - đều được thực hiện đầy đủ các quyền con người theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn Nhân quyền Liên hiệp quốc (1948) và các Công ước quốc tế (1966) về 5 nhóm quyền cơ bản là quyền dân sự, quyền chính trị, quyền kinh tế, quyền xã hội và quyền văn hóa. Đó là các quyền tự nhiên, không do ai ban phát. Nhà nước, thông qua hệ thống luật pháp được kiện toàn, phải là người đảm bảo cho các công dân của mình được thực hiện đầy đủ các quyền tự nhiên chứ không phải nhà nước là người ban cho họ các quyền đó.

Ở Việt Nam, một xã hội phát triển hài hòa còn là một xã hội mà ở đó không có những xung đột dẫn đến sự loại bỏ các yếu tố truyền thống. Đây là vấn đề khó. Sự phát triển luôn thúc đẩy nảy sinh các mâu thuẫn với công tác bảo tồn. Vì thế, muốn có một xã hội phát triển hài hòa, cần phải đảm bảo được tính kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, như đạo lý uống nước nhớ nguồn, truyền thống trọng lão, sự chia sẻ cộng đồng, và những giá trị văn hóa khác mà cha ông từng có, từng nghĩ, từng hành động vì sự trường tồn của dân tộc/quốc gia.

Phan Thắng:Cũng trong Dự thảo này, Đảng ta chủ trương: “Trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hoá giàu - nghèo, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững”.

Đó là định hướng lớn của Đảng. Với tư cách một trí thức, một nhà nghiên cứu về nhân học, ông bình luận và bổ sung, đóng góp gì với quan điểm này của dự thảo Báo cáo Chính trị?

TS Mai Thanh Sơn:  Đây là một định hướng lớn, và không thể phủ nhận là đầy tính nhân văn, nhưng nói thật là nó không mới so với các quan điểm đã được đưa ra trong các kỳ Đại hội trước hoặc các nghị quyết TW của nhiều khóa trước. Các câu hỏi mà giới khoa học vẫn thường thảo luận với nhau là “thế nào là quan tâm thích đáng?”, “khắc phục bằng cách nào?” Đó là chưa kể đến những câu hỏi lớn, mang tính lý luận: “cần hiểu khái niệm dân tộc thiểu số như thế nào?”, “với tư cách là một cộng đồng, họ có những quyền gì?”

Một quốc gia muốn phát triển ổn định và bền vững, cần phải được quản lý/điều hành bằng luật pháp. Nhưng hơn 20 năm qua, các nhà lý luận cứ mò mẫm mãi mà không làm sao xây dựng được bộ luật về dân tộc thiểu số. Các cộng đồng tộc người có phải là pháp nhân đâu mà có thể đưa vào phạm vi điều chỉnh luật. Cá nhân tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam hiện nay chưa có một cách hiểu chân xác về “dân tộc thiểu số”, không định danh được và vì thế không thể hiến định các quyền cơ bản của họ với tư cách là các cộng đồng người/đồng chủ thể dân tộc/quốc gia.

Riêng đối với các chính sách đối với các “tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa” của nhà nước từ trước đến nay, tuy không thể phủ nhận tính nhân văn trong mục đích, nhưng tôi vẫn cho rằng vẫn có những cái chưa ổn. Đã có nhà khoa học nước ngoài gọi đó là hệ thống chính sách kiểu “gia trưởng nhà nước”. Có thể hiểu đơn giản rằng, nhà nước đang đóng vai trò của ông bố/bà mẹ, các đối tượng mà chính sách hướng đến được coi như những người con. Bố mẹ có gì, cho con cái đó, không cần biết nó có thích, có cần hay không, và cũng không cần một sự cam kết nào từ phía những người thụ hưởng. Chính vì thế mới nảy sinh tư tưởng trông chờ/ỷ lại, triệt tiêu tính chủ động sáng tạo của người thụ hưởng chính sách. Cái gọi là “quan tâm thích đáng” theo kiểu này cần được loại bỏ. Thay vào đó, nhà nước cần trao quyền sâu rộng hơn cho người dân để họ có thể phát huy tính chủ động sáng tạo. Mặt khác, ngoại trừ các đối tượng bảo trợ xã hội, tất cả các đối tượng thụ hưởng chính sách khác đều cần có sự cam kết trở lại đối với nhà nước hoặc các nhà tài trợ. Đối với các chính sách đặc thù, các hộ nghèo đã nhận tiền hỗ trợ học đường thì phải cho con ra lớp; đã nhận thẻ bảo hiểm y tế, phải sử dụng nó khi ốm đau; v.v… Đối với chính sách hỗ trợ nhằm gia tăng thu nhập, mô hình “hỗ trợ cho các hộ nghèo cam kết giảm nghèo bền vững” đang được thực hiện ở các tỉnh Lâm Đồng, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, v.v… là những ví dụ tốt cần được nhân rộng. Theo cách làm này, nhà nước hoặc các nhà tài trợ chỉ hỗ trợ sinh kế (vốn, kỹ thuật) cho các hộ nghèo có đối ứng và dám ký cam kết giảm nghèo bền vững. Không có sự ràng buộc trách nhiệm, nhà nước khó có thể phát huy hiệu quả của các gói hỗ trợ.

Phan Thắng:Thưa ông, tôi lại nghĩ nhiều đến dân chủ văn hóa, tự giác văn hóa là nền tảng của công bằng văn hóa. Dân chủ đến từ ít nhất hai phía, thể chế/chính quyền và người dân. Tính tự giác có hai mức độ, hoặc cấp độ, cá nhân và cộng đồng. Từ nhiều năm nay, mặc dù nhà nước đã chủ trương thực hành dân chủ đồng thời với “bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc”, tôn trọng và bảo vệ văn hóa tất cả các cộng đồng, nhưng xem ra tình trạng bất công bằng văn hóa vẫn khá phổ biến.

Vậy, theo ông, “ổ khóa” của tình trạng phân hóa và bất công bằng về văn hóa hiện nay đang nằm ở đâu? Và chìa khóa để cởi bỏ tình trạng này là cái gì? Ai đang nắm giữ?

TS Mai Thanh Sơn:  Nhà nước đang nắm giữ chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Và cách thức tốt nhất là cần trao quyền rộng rãi hơn cho cộng đồng và người dân. Muốn vậy, điều quan trọng/cấp bách nhất lúc này là nhà nước phải giải quyết những vấn đề lý luận về tộc người (ethnic), chủ yếu là dưới góc độ triết học. Từ đó mới có thể luật hóa, xác định các quan điểm phát triển, định hướng và phương pháp phát triển nói chung, phát triển văn hóa các tộc người nói riêng. Nguyên lý “phát triển theo định hướng cộng đồng” được đưa ra từ những năm 1997-1998, nhưng trên thực tế cho đến nay vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân chính là do chúng ta còn nửa vời và không giải quyết được những vấn đề lý thuyết.

Nhưng cần phải hiểu rằng, ngay cả khi đã giải quyết được vấn đề lý luận, việc phát huy tính dân chủ/tự giác trong văn hóa cũng vẫn còn nhiều khó khăn. Từ xa xưa, thôn làng đã là đơn vị cư trú độc lập, có quyền tự quản rất lớn, là cái nôi nuôi dưỡng văn hóa tộc người. Văn hóa chung của các tộc người tồn tại và được khẳng định thông qua văn hóa riêng của mỗi thôn làng. Hiện tại, vai trò tự quản của thôn làng đã bị biến dạng rất nhiều. Từ hệ thống lý luận đã được bổ sung/điều chỉnh, nhà nước sẽ phải giải quyết một loạt các vấn đề được đặt ra nhằm trao quyền rộng rãi cho cộng đồng và người dân như kiện toàn hệ thống luật pháp, giải quyết vấn đề sở hữu đất đai, và tái cấu trúc thôn làng theo hướng tự quản sâu hơn.

Phan Thắng:Trân trọng cảm ơn ông đã trao đổi nhiều nội dung thú vị! Hy vọng câu chuyện này sẽ tiếp tục được trao đổi trong thời gian tới một cách kỹ lưỡng hơn.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511204

Hôm nay

2203

Hôm qua

2359

Tuần này

21578

Tháng này

218077

Tháng qua

121356

Tất cả

114511204