Ông Nguyễn Xuân Đường:Số liệu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2015 đã được thông báo khá rộng rãi ở nhiều diễn đàn, nhiều kênh truyền thông khác nhau. Ở đây tôi chỉ nêu một vài thành tựu quan trọng nhất. Thứ nhất, về kinh tế, đó là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,43%, cao nhất trong 3 năm gần đây và cao hơn mức bình quân của cả nước; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng đã phát huy hiệu quả. Tổng sản lượng lương thực đạt hơn 1,2 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay; Tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng khá. Giá trị công nghiệp tăng 14,05%. Thu ngân sách đạt 10.038 tỷ đồng; Thu hút đầu tư tăng cao với 162 dự án/85.864 tỷ đồng, nhiều dự án lớn được khởi công và đã đi vào hoạt động như: Nhà máy Tôn Hoa Sen, Nhà máy Royal Foods, Nhà máy xi măng Sông Lam 2, Nhà máy Masan,... Nhiều dự án quan trọng được khánh thành như: Nhà ga hành khách Cảng Hàng không quốc tế Vinh, các cầu vượt đường sắt (đoạn Quán Bánh), Quốc lộ 1A đoạn qua Nghệ An, đường Tây Nghệ An, Khu di tích lịch sử Truông Bồn, cơ bản thông tuyến Quốc lộ 1A - Nghĩa Đàn - Thái Hòa, Bệnh viện quốc tế Nghệ An... Một số dự án trọng điểm được khởi công như: Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, Nhà máy xi măng Sông Lam, Nhà máy cấp nước thô, cầu đường bộ Yên Xuân bắc qua sông Lam, Nhà máy xi măng Tân Thắng, Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1... Thứ hai, về các vấn đề văn hóa - xã hội cũng có nhiều khởi sắc, tiến bộ. Chất lượng giáo dục được nâng cao một bước. Y tế phát triển cả về hệ thống phòng chữa bệnh và chất lượng khám chữa bệnh. Đời sống văn hóa có khởi sắc, ấn tượng nhất là sự kiện đón bằng công nhận dân ca Ví, Giặm được tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Cũng rất ấn tượng khi trong năm chúng ta tạo thêm được hơn 38.000 việc làm mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,5%. Công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính được đẩy mạnh; Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
PV: Ông có thể đưa ra thêm một dẫn chứng?
Ông Nguyễn Xuân Đường: Tôi thấy cần nhấn mạnh một thành công quan trọng đó là Chúng ta đã đổi mới tư duy và cách tiếp cận về đối ngoại theo hướng thiết thực, rộng mở, cởi mở và hiệu quả. Hàng năm chúng ta tổ chức gặp đầu xuân với các nhà đầu tư là một chỉ dẫn. Kết quả thì chắc anh đã rõ. Nguồn lực đầu tư vào Nghệ An đã tăng lên rất nhiều trong mấy năm gần đây. Hai là bộ máy của chúng ta đã làm việc chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, tạo ra sự thân thiện hơn với người dân và các đối tác khác. Từ đó, đem lại kết quả thiết thực hơn, hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, tôi muốn nói đến tính chủ động của các cấp, các ngành, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
PV: Riêng trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ, vai trò của các cấp, các ngành đối với lĩnh vực này đã được thể hiện như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Đường: Tôi cho rằng, trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã thực hiện tương đối tốt công tác lãnh đạo, quản lý vấn đề văn hóa; đã chủ động tiếp cận các vấn đề về văn hóa – văn nghệ để đưa ra các quan điểm, quy hoạch, kế hoạch phát triển. Và không chỉ là văn hóa, văn nghệ mà chúng ta cũng đã thể hiện sự chủ động cả thể thao và du lịch nữa. Chúng ta đã chủ động nghiên cứu để tự biết rằng nền văn hóa/văn nghệ của chúng ta đã có, đang có cái gì; đang thiếu cái gì và cần có cái gì so với yêu cầu phát triển của thời đại, nhu cầu của cuộc sống và so với định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước. Cách đây hơn 10 năm chúng ta đã chủ động thử nghiệm xây dựng các huyện điểm văn hóa, rồi lại chủ động xây dựng phương án và thực hành đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả tuy chưa được như ý nhưng rõ ràng nhờ sự chủ động này mà cơ sở vật chất cho việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, ở các cộng đồng dân cư đã được cải thiện rất nhiều. Câu chuyện Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh cũng chứng tỏ sự chủ động và kết quả của tinh thần, tư duy làm việc ấy; và đó là thành quả hết sức nổi bật thể hiện tinh thần làm việc hăng say của đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà chúng ta. Tôi cho rằng sự chủ động của cấp ủy, của chính quyền ngoài việc tạo nguồn lực cho sự phát triển còn có ý nghĩa động viên tinh thần tự giác văn hóa, khơi nguồn và tiếp thêm cảm hứng sáng tạo trong sinh hoạt tinh thần của cộng đồng.
Tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, những người có vai trò sáng tạo chưa đông, chưa thực sự mạnh, chưa thực sự dồi dào năng lượng sáng tạo. Chúng ta đang thiếu các chuyên gia trên các lĩnh vực về văn hóa, thiếu các nghệ sỹ mà tài năng và các sáng tạo của họ có thể đáp ứng được nhu cầu tinh thần của cộng đồng. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ những người làm văn hóa là còn có khoảng cách khá lớn so với yêu cầu của cuộc sống, của sự phát triển.
PV: Nếu nói về sự phát triển của sự nghiệp văn hóa, của nền văn hóa, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Đường: Văn hóa có quy luật sinh thành, tồn tại và phát triển riêng của nó, khác nhiều lắm so với các quy luật kinh tế. Sự tăng trưởng hay phát triển của nền kinh tế không chờ đợi thời gian kết tinh lắng đọng như văn hóa. Một nền văn hóa để có thể kiến tạo, kết tinh sinh thành một giá trị, một truyền thống có khi phải mấy đời người. Sự tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế có thể dựa vào sự đầu tư của bên ngoài vào, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, nhưng một nền văn hóa muốn có được những giá trị mới, những truyền thống mới, những bản sắc mới phải là sự vận động sáng tạo tự thân của cộng đồng đó. Sự trưởng thành văn hóa là một sự kết tinh các phẩm chất Người, từ tư tưởng đến thẩm mỹ, từ đạo đức đến tín ngưỡng…
Tôi cho rằng, văn hóa của chúng ta trong thời gian vừa qua đã có những kết tinh và phát triển quan trọng, rất đáng kể, và không khó để nhận thấy.
Thứ nhất, cần nhấn mạnh, là nhận thức về văn hóa, về vai trò, chức năng của văn hóa của chúng ta đã dần tiếp cận với nhận thức chung của thế giới, khoa học và khách quan hơn. Nếu trước đây có thể còn đánh giá văn hóa văn hóa chỉ như là một biểu tượng tinh thần, tâm hồn mà không có tác động nhiều đến sự tồn tại và phát triển thì bây giờ mọi người đã hiểu một cách sâu sắc rằng văn hóa là động lực của phát triển của mỗi người và cả cộng đồng. Nếu không bắt đầu từ nhận thức này thì chắc chắn trong thời gian qua cả hệ thống chính trị và toàn thể cộng đồng không dồn tâm huyết và nguồn lực chăm lo củng có, xây dựng nền văn hóa.
Thứ hai, tinh thần tự giác, tự tôn văn hóa dân tộc, văn hóa quê hương được đề cao. Các cấp lãnh đạo và cộng đồng đã có những nhận thức lại để hướng về, đề cao, tôn vinh và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, quê hương xứ sở. Việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, việc khôi phục các lễ hội cổ truyền, các phong tục tập quán là những dẫn chứng đủ sức thuyết phục cho nhận định trên. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều việc đáng làm mà chúng ta chưa làm được.
Thứ ba, đời sống văn hóa của cộng đồng đã sôi động, phong phú hơn rất nhiều, người dân được tiếp nhận nhiều hơn các giá trị văn hóa và cũng có nhiều điều kiện, nhiều không gian rộng mở hơn để tham gia các hoạt động sáng tạo. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã tập hợp và phát huy được rất nhiều sức mạnh của cộng đồng để phát triển văn hóa.
Có thể sự phát triển, khởi sắc văn hóa còn được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác. Tuy nhiên, có lẽ chỉ với ba khía cạnh này cũng đã có thể hình dung được sự vận động và phát triển về văn hóa của chúng ta trong thời gian vừa qua.
PV: Thưa ông, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nghệ An lần thứ XVIII vừa rồi đã xác định mục tiêu phát triển của tỉnh ta trong 5 năm tới. Nghị quyết cũng đã đề ra hệ thống các giải pháp để thực hiện.
Thưa ông, định hướng, mục tiêu, giải pháp đã rõ ràng nhưng tất cả đều do con người và thể chế, cơ chế quyết đinh. Vấn đề là năng lực và các điều kiện cần thiết để thực hiện. Theo ông những điều kiện tiên quyết nào để chúng ta có thể thực hiện các giải pháp và hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra?
Ông Nguyễn Xuân Đường: Thực ra đây là vấn đề không mới vì đã được các cơ quan, tổ chức, đoàn thể nghiên cứu và kết luận. Tuy nhiên, tình hình liên tục vận động thay đổi nên có những vấn đề về nhận thức và thực hành cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Nhân cuộc trao đổi này, tôi thấy có vấn đề quan trọng này chúng ta cần quan tâm để có thể góp phần thực hiện tốt hơn các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã xác định.
Đó là vấn đề con người. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ hơn quan điểm của Đảng ta về vấn đề con người để thực hiện chiến lược phát triển của chúng ta một cách thuận lợi và có kết quả tốt nhất. Vấn đề bộ máy, vấn đề cán bộ, vấn đề luật pháp, vấn đề kỷ cương, vấn đề đạo đức, vấn đề văn hóa – xã hội…, tất cả đều ở vấn đề con người mà ra.
Ở đây tôi chỉ xin nhấn mạnh một khía cạnh cụ thể liên quan đó là chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nói cải cách hành chính nhưng vấn đề quyết định vẫn là con người. Sáng tạo cũng là con người. Vấn đề là làm như thế nào để có một bộ máy, một đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Đây là điều mà chúng tôi rất quan tâm và có thể nói là lo lắng nhất. Mục tiêu đúng, giải pháp hay nhưng chưa có người tốt, người giỏi thì cũng khó thành công. Nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy, của đội ngũ cán bộ, công chức phải được ưu tiên hàng đầu. Tính chuyên nghiệp bao gồm kỹ năng, tác phong, đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử của mỗi người. Rèn luyện và nâng cao tính chuyên nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy và nâng cao được niềm tin của dân với Đảng và Nhà nước. Chỉ một cán bộ, công chức không tốt, nhũng nhiễu khi thực hành công vụ sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến cả một cơ quan.
Vấn đề con người, xét cho cùng là vấn đề văn hóa; Vấn đề văn hóa, xét cho cùng là vấn đề con người. Bởi vậy, việc chăm lo cải thiện môi trường văn hóa – đạo đức phải được đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp, việc làm cụ thể. Trách nhiệm này không riêng gì của cơ quan nhà nước, mà là trách nhiệm của toàn xã hội vì nó sẽ quyết định tương lai của đất nước, của tỉnh nhà chúng ta.
PV: Vai trò nào của những người đứng đầu làm ông quan tâm nhất?
Ông Nguyễn Xuân Đường: Tập hợp. Tập hợp nhân lực, tài lực, trí lực, nghị lực… để cùng nhau Kiến tạo ra những cái mới, những giá trị mới.
Tập Hợp và Kiến Tạo. Cũng là Tập Hợp để/cho Kiến Tạo. Đó là trách nhiệm của người lãnh đạo.
PV: Cảm ơn ông rất nhiều về cuộc trao đổi này.
Năm mới chân thành chúc ông có nhiều cống hiến và thành công mới.
Phan Văn Thắngthực hiện