Như để thể hiện cấp độ sự “chán nản” ấy, thân mấu tôi cho hay vị đại quan (phụ thân của tiểu thư) lúc đó cũng đã lên gặp vị có quyền gút danh sách lớn, để thể hiện quyết tâm tiếp tục làm công bộc, nhưng không ăn thua. (Điều những vị sống trong cơ chế xin – cho, nhưng vẫn còn sĩ diện, cho là “mất thế”). Thân mẫu tôi có vẻ cám cảnh một biến thể “được làm vua thua làm…” của một nữ nhi vọng tộc. Còn tôi chợt hiểu chỉ mới đây thôi, thương lái mới được tôn là nghề “cao quý”. Còn chính tôi, thời còn phòng không, từng giật mình khi nghe cô bạn gái của mình, một “hoa khôi”, phán: “ông khốt anh thì cũng sắp hưu rồi còn gì” (ra điều “món hàng” là thằng tôi rồi sẽ xuống giá, cùng những biến động kiểu “ông Ngũ lên, ông Lục xuống”).
Nhưng nếu trí nhớ không phản bội tôi, thì các hoạt động thương mại ngoài quốc doanh của tiểu thư này (và một số “quý tộc đỏ” nữa) đã bắt đầu trước thời điểm đó (đầu thập niên 1990), được một số năm rồi. Thậm chí với tâm thái thời ấy, nếu phụ mẫu càng phất lên, thì hoạt động kinh tài “tay trái” của CCCC, đang học tập ở khối CCCP (quỹ đạo Liên Xô), lại càng có cơ tăng chứ bộ.
Thân mẫu làm tôi nhớ lại một số trưởng hợp con cháu các bậc tiền bối cách mạng, mà sự chán nản có thể đã là nguyên nhân làm họ khuynh gia, nhất là về tài sản chánh trị. Đó là con trai Vasily của Stalin, mắc chứng nghiện rượu, và theo các nguồn chính thức, đã chết vị ngộ độc cồn. Con gái Galina của Brezhnev (“công chúa kim cương” Liên xô) sau triều đại vua cha cũng nghiện rượu, rồi chết trong bệnh viện tâm thần… (Rượu cũng là tội đồ dẫn Vladimir, con trai của cố “nguyên soái” KGB Andropov đến lao tù, do tội trộm cắp).
Để làm thân mẫu bớt thương cảm tình cảnh hạt giống đỏ phải trở thành đại gia kia, tôi bèn kê thêm một danh sách “con cái các cụ cả”, đã phải lưu vong xứ người, tự thân làm ăn kiếm sống. Nhưng vì hiền mẫu từng là chiến sĩ trên mặt trận văn chương, nên tôi phải trích dẫn nguồn hẳn hoi, chứ đâu được thì thào những thâm cung bí sử. Hẳn vì thế danh sách này cũng gồm hậu duệ của các nhà lãnh đạo… Liên Xô.
Ái nữ của Stalin, Svetlana, từ Liên Xô sang thăm Ấn Độ, đã chạy vào sứ quán Mỹ ở đó xin tị nạn chính trị. Năm 1984, đáp lại làn sóng dân chủ kiểu Gorbachov, đã về nước nhận lại quốc tịch Liên Xô. Bà đã không thể tìm được tiếng nói chung với hai người con mà bà bỏ lại ở Liên Xô, để “vượt biên” năm 1966. Sau hai năm, có thể niềm tin vào công cuộc cải tổ không thể gầy dựng được, nên bà Svetlana lại quay lại Mỹ. Chris Evans, con gái bà Svetlana, không biết tiếng Nga, làm cho một cửa hàng quần áo ở Hoa Kỳ, điều báo chí Nga có ý cho là không xứng tầm hậu duệ Đại nguyên soái Liên Xô.
Con trai của Khrushev, Sergey, từng được tặng danh hiệu Anh hùng lao động và giải thưởng Lenin, từ 1991 sang sống ở Mỹ.
Đang an ủi thân mẫu, tôi chợt nghĩ, thảo nào đất nước ta gần đây liên tục lọt vào danh sách “quốc gia hạnh phúc nhất”. CCCC đâu cần phải đợi cha mình thất tốc phải hạ cánh, để rồi tìm đường sang phương tây trong “chán nản” như mấy quý tộc đỏ CCCP kia. Dù thu nhập quan chức ở ta nay vẫn chưa hơn được các “bậc đàn anh” Liên Xô, các hồng thái tử, hồng công chúa Việt đã có thể sang du lịch, thậm chí du học trời tây, ngay từ thuở thiếu thời, và nhất là khi cha mẹ họ còn nặng gánh việc công.
Tiếp tục đả thông cho thân mẫu, tôi tiết lộ Hoa Kỳ còn là “nhà” cho chắt của Khrushev, Nina Khrusheva. Đây là hậu duệ của trưởng nam Leonid, của vị lãnh tụ tối cao từng mất mùa về chính trị do “quốc sách ngô”. Sau khi Nga “tích hợp’ Crimea, Nina, đang là giáo sư một trường đại học ở Mỹ, cáo buộc Nga đã “thôn tính bán đảo này”. Nina Khrusheva thậm chí đã hy vọng lệnh trừng phạt của phương Tây rồi sẽ giáng đòn chết người vào nền kinh tế, vốn dĩ ọp ẹp, ở xứ Bạch Dương, báo Luận chứng và sự kiện (AiF) ra tháng 10/2015 cho hay. Báo này liệt kê các COCC của lãnh tụ xô viết đang sống ở nước ngoài, rồi cáo buộc họ (con cháu các lãnh tụ Liên Xô), trong đó có cã Nina Khrusheva, không phải là tấm gương yêu nước (Дети и внуки советских вождей патриотичностью не отличаются).
AiF đã không ngại “bóc mẽ” cả lãnh tụ Liên Xô còn sống, ông M. Gorbachov. Ái nữ của Gorbachov, Irina, thường ra nước ngoài du ngoạn, nhất là sang Mỹ, nơi có văn phòng Quỹ Gorbachev, nơi Irina là phó chủ tịch Quỹ. Báo cho hay Gorbachev có cả lâu đài ở Bavaria, Đức, điều mà tổng thống Liên Xô đã nghỉ, nhưng giống như một số quan chức Nga đương nhiệm, vẫn từ chối. Đức cũng là nơi an cư của cháu gái của Gorby, Ksenia, người cho hay đang “cảm thấy tự do, thoải mái” ở Berlin.
Khi thân mẫu đã thư thái trở lại, cũng là lúc tôi nhận thấy một hiệu ứng. Đó là, tin quan chức “cha” về hưu được ban ra cùng dịp với tin quan chức “con” tiến chức (kể cả tốc độ “thăng quan” có làm cả nước chóng mặt). Nó hẳn chặn được sự chản nản và gia cố lòng ái quốc của cao cán tử đệ, một khi phụ thân “hạ cánh”.