Vẫn kiểu lá mặt lá trái, phát biểu ngay sau khi đoàn Việt Nam vừa trình bày quan điểm về chủ đề “Những thách thức của việc giải quyết xung đột”,võ tướng Trung Quốc Tôn Kiến Quốc đã gào to giữa diễn đàn, khiến mọi người trong khán phòng bị một phen bất ngờ. Sáng 6/5, Tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng chủ đề “ngăn ngừa xung đột”, “hóa giải xung đột” sỡ dĩ vẫn là mối quan tâm của tất cả các đoàn đại biểu, là do thiếu lòng tin chiến lược giữa các quốc gia và do hiện tượng không tuân thủ luật pháp quốc tế. Tướng Vịnh nhận định, tranh chấp biên giới-lãnh thổ, an ninh biển và các thách thức an ninh phi truyền thống đang có xu hướng gia tăng. Theo thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, cạnh tranh chiến lược đang diễn biến theo chiều hướng tiêu cực là do bất chấp luật pháp quốc tế. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vạch rõ trước dư luận thế giới về nguyên nhân của tình hình căng thẳng hiện nay trong khu vực là do sự không nhất quán giữa lời nói và việc làm… đặc biệt là lối hành xử áp đặt, sự theo đuổi lợi ích vị kỷ, hẹp hòi, không tính đến lợi ích của nước khác, lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc bất chấp lý lẽ
Phát biểu ngay sau tướng Vịnh (đã chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của tình hình căng thẳng là do Trung Quốc gây ra), Đô đốc Tôn Kiến Quốc tiếp tục né tránh, trả lời vòng vo hàng loạt các chất vấn hóc búa từ nhiều cử tọa quốc tế. GS Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc mở màn bằng câu hỏi khá thẳng thắn: “Là một thành viên ký kết, Trung Quốc có trách nhiệm gì trong việc giải quyết các xung đột và tranh chấp trong khuôn khổ của UNCLOS?”. Ông Tôn đã đánh bài lờ, trả lời cho qua chuyện bằng cách đổ lỗi tất cả cho Philippines. TS Seiichiro Takagi từ học viện Các vấn đề quốc té (JIIA) của Nhật Bản đã chất vấn trực tiếp trưởng đoàn Trung Quốc: “Tại đây năm ngoái, ông có kết luận rằng, về tranh chấp ở Biển Đông, hãy tin tôi, hãy nhìn vào hành động của chúng tôi. Thế thì xin ông đánh giá một năm sau phát biểu của ông, Trung Quốc có thành công trong việc thúc đẩy tăng cường niềm tin với các quốc gia láng giềng. Nếu có, xin ông đưa ra cá ví dụ cụ thể?” Thêm một lần nữa, đô đốc Tôn Kiến Quốc làm mọi người chưng hửng, bằng câu trả lời: “Trung Quốc tuyệt nhiên không áp bức một nước nào, mà chỉ có các nước nhỏ gây hấn với Trung Quốc”!
Điều ngạc nhiên là ngay tại một diễn đàn quan trọng của thế giới về an ninh khu vực, đoàn đại biểu Trung Quốc vẫn vòng vo, lảng tránh, hầu như không muốn kết nối với các đại biểu đến từ khu vực và quốc tế, không chịu lắng nghe. Thay vào đó, Đô đốc Tôn Kiến Quốc lại đổ thừa trách nhiệm cho các nước khác. Theo bà Bonnie Glaser, chuyên gia cao cấp của Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (Washington), chiến lược này của Trung Quốc không phải là một chiến lược hiệu quả và cũng không có nghĩa là tiếng nói của Trung Quốc được các đại biểu chấp thuận. Thì đây, liên quan đến phán quyết sắp tới của Tòa thường trực trọng tài (PCA) ở La Hay (Hà Lan), đoàn Trung Quốc cho rằng, việc này Philippines đưa ra “dưới chiêu bài luật pháp quốc tế” nhằm từ chối quyền, chủ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Đô đốc Tôn Kiến Quốc, thậm chí còn đi xa đến mức trơ tráo kết tội Philippines: “Bằng cách đơn phương khởi kiện (Trung Quốc), Philippines đã vi phạm thỏa thuận song phương với Trung Quốc, vi phạm UNCLOS”.
Giáo sư Trương Minh Lượng, đại học Tế Nam (Trung Quốc), cho rằng, đã đến lúc Bắc Kinh nên xét lại chính sách đối với các nước láng giềng. Chính sách ỷ mạnh hiếp yếu của Trung Quốc ở Biển Đông đã/đang tạo cơ hội cho Mỹ thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ từ quân sự đến kinh tế với các nước trong khu vực. Điều này đang làm cho Bắc Kinh lo lắng. Nhưng Trung Quốc cần phải tự xét lại mình, vị GS này cảnh báo. Trong chuyến công du tại Việt Nam vừa được đón tiếp nồng nhiệt, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Dư luận quốc tế cho rằng, Việt Nam cần nâng cao khả năng quốc phòng để bảo vệ chủ quyền và sẽ được Mỹ ủng hộ. Trung Quốc, ngược lại, coi việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là để nhắm vào Trung Quốc. Các phản ứng sau đó của Bắc Kinh bị giới phân tích gọi là “ấm ức và tức tối là điều không nên có. Ngày 30/5, đến lượt nhật báo Hong Kong South China Morning Post khuyên Bắc Kinh “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Tờ South China Morning Post tổng hợp ý kiến của giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh không dự kiến được Mỹ bất ngờ tung đòn kết thân với Việt Nam.
Mỹ yêu cầu dừng khiêu khích
Trên đường đến Bắc Kinh dự Đối thoại Chiến lược & Kinh tế Trung—Mỹ (S&ED), ngày 5/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có chặng dừng chân ở Mông Cổ. Tại đây, ông Kerry cảnh báo: bất cứ một hành động nào của Bắc Kinh liên quan tới việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Dôngđều sẽ bị xem là khiêu khích và gây bất ổn. Ngoại trưởng Kerry còn nhấn mạnh: “Mỹ yêu cầu Trung Quốc không có các động thái khiêu khích đơn phương tại khu vực. Washington xem việc Trung Quốc thiết lập ADIZ tại Biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng và đặt nghi ngờ cho các cam kết từ trước tới nay của Bắc Kinh trong việc quản lý các tranh chấp trên Biển Đông bằng con đường ngoại giao”. Theo Tân Hoa xã, ngày 5/6 tại Bắc Kinh, Trung Quốc và Mỹ đã có các cuộc trao đổi “trù bị” cấp thứ tưởng về các vấn đề an ninh mà hi bên cùng quan tâm. Thứ tưởng ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại và người đồng cấp Mỹ Antony Biken đã đồng chủ trì cuộc đối thoại “trù bị” này.
Chính sách của Trung Quốc độc chiếm biển Đông bằng sức mạnh đã không được một cường quốc nào hậu thuẫn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã mạnh mẽ cảnh báo Trung Quốc sẽ gây ra nhiều hậu quả do các hành vi khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đề nghị một khuôn khổ an ninh khu vực không giải quyết tranh chấp bằng đe dọa và vũ lực. Đại diện cho Pháp tại diễn đàn an ninh khu vực, bộ trưởng Quốc phòng Jean- Yves Le Drian tuyên bố: “Tranh chấp Biển Đông có liên quan trực tiếp đến Liên Hiệp Châu Âu, không phải chỉ vì quyền lợi kinh tế mà còn vì nguyên tắc tự do lưu thông phải được tôn trọng”. Bộ trưởng Pháp đề nghị “Hải quân Liên Hiệp Châu Âu” tham gia tuần tra tại Biển Đông một cách “thường xuyên và rõ rệt”. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã đáp trả quan điểm phi lý và phi pháp của Bắc Kinh tại Diễn đàn quốc tế quan trọng bằng tuyên bố: “Hòa bình và ổn định của khu vực châu Á—Thái Bình Dương là trụ cột cho sự thịnh vượng của cộng đồng toàn cầu chứ không riêng của khu vực. Vì vậy, không quốc gia nào là người ngoài trong vấn đề này”.
Theo chuyên gia Úc Asley Townshend thuộc đại học Sydney, một trong những điều làm cho Trung Quốc lo ngại nhất hiện nay là viễn cảnh Mỹ-Việt càng ngày càng thắt chặt đối tác chiến lược. Sự kiện tổng thống Barack Obama từ Hà Nội thông báo quyết định bỏ cấm vận vũ khí sát thương là một biểu tượng mạnh mẽ cho thấy quan hệ giữa hai cựu thù đã được cải thiện nhanh chóng đến mức độ nào. Ông Townshend cho rằng tuy xác suất Việt Nam trở thành đồng minh của Mỹ không cao, nhưng Trung Quốc bất an vì không biết mức độ quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt cũng như giữa Mỹ và các nước khác trong vùng tiến đến đâu. Mặc dù giữa Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với 60 tỷ USD trao đổi thương mại hàng năm, tuy nhiên những xung khắc do tranh chấp tại Biển Đông gần đây đã ảnh hưởng và làm tổn hại đến quan hệ Việt- Trung. Trên South China Morning Post nhà phân tích Phương Nguyễn thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS), cũng cho rằng ít có khả năng Việt Nam bỏ Trung Quốc làm đồng minh với Mỹ vì có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, Bắc Kinh cần phải xét lại thái độ của họ, phải suy nghĩ nhiều lần về thủ đoạn tranh đoạt tại Biển Đông./.