Khách mời văn hóa

Mọi công cuộc cách tân văn học không phải được hình thành từ chân không và một lúc là xong!

Lời tòa soạn: Ngày    tháng 4 năm 2016, Đại học Văn hóa Hà nội đã tổ chức hội thảo Thế hệ nhà văn sau 1975 tại Hà Nội. Cuộc hội thảo đã có những nghiên cứu, đánh giá khá hệ thống và khách quan về thế hệ nhà văn sau 1975, những người đã Đổi mới văn học nước nhà trong suốt gần  bốn mươi năm vừa qua. Nhân dịp này VHNA đã phỏng vấn PGS.TS Văn Giá – Trưởng khoa Viết văn – Báo chí thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội – người  đề xuất ý tưởng tổ chức cuộc hội thỏa này.

Phan Thắng: Chúng tôi xin chúc mừng khoa viết văn – báo chí vừa rồi đã cùng Đại học Văn hóa tổ chức thành công hội thảo Thế hệ nhà văn sau 1975. Thưa ông, chúng muốn được ông giải thích tại sao lại tổ chức hội thảo Thế hệ nhà văn Việt Nam sau 1975?  Và tại sao lại tổ chức vào thời điểm này mà không phải là sớm hơn?

Văn Giá: Một hai năm trở lại đây, trong những lần trà dư tửu hậu với một số nhà văn lớp sau 1975, chúng tôi thường hay trở lại chủ đề tổ chức một Hội thảo về thế hệ này. Nó chỉ xuất phát từ mấy ý giản dị thế này thôi:Thứ nhất, gần đây có khá nhiều Hội thảo được tổ chức tại Hội nhà văn, các cơ quan nghiên cứu văn học, các trường đại học, theo các chủ đề khác nhau (đổi mới lý luận, phê bình; đổi mới văn học; thơ thế hệ chống Mỹ; văn học chống Mỹ…). Nhưng chưa thấy có một Hội thảo nào dành cho thế hệ sau chống Mỹ (sau 1975), một thế hệ kế tiếp liền với thế hệ trước 1975.Thứ hai, hiện giờ, nhìn lại tất cả các tổ chức của Hội nhà văn (Ban chấp hành, Nhà xuất bản, các báo và tạp chí…), đều thấy lực lượng chính cầm trịch thuộc người của thế hệ trước 1975. Vì thế, trông chờ vào những tổ chức này quan tâm, đánh giá, tiến hành Hội thảo về thế hệ sau 1975 là điều… hơi bị khó, bởi họ còn phải quan tâm tới thế hệ của họ và nhiều việc khác. Thứ ba, trong khi đó, thế hệ sau 1975, trên thực tế, bằng các sáng tạo của mình đã cho thấy họ chính là lực lượng chủ lực của nền văn học Việt Nam từ sau 1975 đến nay. Vì ba lý do chính đó, chúng tôi tiến hành tổ chức Hội thảo này để nhận diện, đánh giá về một thế hệ cầm bút và trưởng thành sau 1975-thế hệ kế tiếp thế hệ văn chương chống Mỹ.

Phan Thắng: Theo dõi qua truyền thông, chúng tôi thấy hình như tại hội thảo này có quan niệm khá thống nhất của nhiều người là đồng nhất “sau 75” với Đổi mới. Là một trong những người tham gia chủ trì hội thảo, theo ông điều đó có không? Tại sao?

Văn Giá: Đúng là như vậy. Như chúng ta biết, văn học sau 1975 cho đến nay có thể hình dung làm ba chặng: từ 1975 đến 1986; từ 1986 đến 2000, và từ 2000 đến nay. Chặng 1: đó là nền văn học kéo dài của văn học chống Mỹ; chặng 2: nền văn học đổi mới; chặng 3: nền văn học hậu đổi mới. Toàn bộ nền văn học được gọi là đổi mới trùng khít với chặng thứ 2-chặng mà thế hệ cầm bút và trưởng thành sau 1975 là chủ lực với các tên tuổi nhất loạt nổi lên hoặc cùng một lúc, hoặc trước sau một vài năm: Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều (thơ); Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương (văn xuôi). Và cứ thế, hàng loạt các cây bút đồng trang lứa đã xuất hiện, tiếp nối, làm đầy đặn và phong phú một diện mạo, một hệ hình mỹ học và thi pháp mới.

Tuy nhiên, mọi công cuộc cách tân văn học không phải được hình thành từ chân không và một lúc là xong. Nó phải có có những khởi động , tiếp nối. Một số nhà văn của thế hệ chống Mỹ, ngay từ những năm 80 của TK XX đã cựa mình, tự làm mới chính mình, cất tiếng nói làm rạn nứt cái nhìn, quan niệm, tư duy nghệ thuật của chính thế hệ mình. Đó là những Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Mạnh Tuấn, Dương Thu Hương (trong văn xuôi); Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo (trong thơ); Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn (trong LLPB)... Công của họ là rất lớn. Tuy nhiên, nói như nhà NCPB Chu Văn Sơn, họ vẫn chỉ là khách VIP (chứ không là chính chủ) của giai đoạn văn học sau 1975.

Phan Thắng: Thế hệ nhà văn VN sau 1975, hiển nhiên là chủ nhân của văn học VN sau 75. Họ là một thế hệ hay mấy thế hệ?

Văn Giá: Có thể tạm hình dung từ sau 1975 đến nay có ba lớp người viết: thế hệ các nhà văn chống Mỹ vẫn tiếp tục sáng tạo, thế hệ ngay sau 1975 (đây chính là đối tượng mà Hội thảo đã  tập trung hướng tới), và thế hệ cầm bút và trưởng thành từ năm 2000 cho đến nay. Thế hệ sau cùng này họ được sinh ra sau 1975, lớn lên trong thời bình, cầm bút và trưởng thành vào quãng sau năm 2000, thế hệ mà ta quen gọi là 7X, 8X; bây giờ đã có một số cây bút 9X nữa.

Phan Thắng: Đặc điểm lớn nhất của thế hệ nhà văn sau 1975 là gì?

Văn Giá: Xin nhắc lại, chúng tôi chỉ hạn định trong “thế hệ nhà văn sau 1975” thôi (chứ không phải “các thế hệ nhà văn sau 1975”), một thế hệ mà nếu xét độ tuổi, phần lớn họ thuộc 5X, 6X; họ xuất hiện đồng loạt và có những nhân vật sáng chói ngay lập tức vào quãng những năm 86-87 trở đi.

Mấy đặc điểm chủ yếu về họ, nói một cách vắn tắt là: Chấm dứt nền văn học “hiện thực phải đạo” (chữ dùng của Hoàng Ngọc Hiến), “minh họa” (chữ dùng của Nguyễn Minh Châu) chuyển sang nền văn học nhân bản, vì thân phận con người (hay nói cách khác chuyển từ nền văn học lãng mạn sử thi sang nền văn học thế sự và đời tư); Chấm dứt mô hình nhà văn “chiến sĩ/cán bộ” (với nguồn cảm hứng chính : yêu, căm, chiến, lạc) chuyển sang nhà văn “kẻ sĩ/trí giả” (chữ dùng của Chu Văn Sơn) lấy cảm hứng chính là tra vấn hiện thực, đào sâu vào bản thể người; Chấm dứt cái gọi là phương pháp sáng tác hiệnthực XHCN mà đón nhận, tìm kiếm, thể nghiệm nhiều lối viết thuộc nhiều trào lưu nghệ thuật khác trên thế giới (tự do hóa thi pháp); Cuối cùng, làm mới các thể loại đang bị xơ cứng, đóng băng, và thể nghiệm một số hình thức thể loại mới.

Phan Thắng: Những cái gì đã hình thành nên các đặc điểm đó?

Văn Giá: Có mấy nguyên do sau đây: thứ nhất, bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa đã thay đổi, từ hoàn cảnh thời chiến, bất thường sang hoàn cảnh hòa bình, đời thường, tất cả tác động vào văn chương nghệ thuật; thứ hai, bản thân văn học cũng tự vận động theo quy luật nội sinh, nghĩa là không thể dậm chân tại chỗ, buộc phải vận động theo hướng khác trước, mới và đa dạng hơn (thể hiện không chỉ ở sáng tác, mà còn ở tất cả các hoạt động:  nghiên cứu, lý luận, phê bình, dịch thuật, tiếp xúc và giao lưu văn học…); thứ ba, từ đội ngũ nhà văn-chủ thể sáng tạo  cho đến bạn đọc-công chúng tiếp nhận đã có thay đổi về hệ hình mỹ học: từ văn học theo nguyên lý “bắt chước” (Arixtot), nguyên lý phản ánh hiện thực chuyển sang  nguyên lý kiến tạo các mô hình nghệ thuật bằng ngôn từ (ngôn từ là ký hiệu nghệ thuật, mã nghệ thuật, tính thứ nhất của văn học).

 

Phan Thắng: Ông có nghe nói về hiện tượng quá đông các nhà văn [được công nhận về phương diện pháp lý, tức là có chân trong các hội văn học từ trung ương đến địa phương]? Và đã có so sánh với tình trạng rất đông, rất nhiều tiến sỹ hiện nay?

Văn Giá: Đã gọi là Hội thì luôn mang tính hội hè, nơi tập trung đủ tính chất: tính nghiêm trang, thiêng liêng/tính bông phèng, thông  tục; tính cố kết, bảo thủ/tính phân rã, cập thời; tính cá thể/bầy đàn…Dặt dưới góc nhìn carnavan (theo M.Backhtin) thì rất dễ hiểu về các hội [hè]. Trong hội thì bao giờ cũng có người hay kẻ dở, người có tài kẻ bất tài…Tiến sĩ cũng vậy. Do tình trạng đào tạo tràn lan, dễ dãi, nên mới sinh ra số lượng “đông như quân Nguyên” như vậy. Nói như cách nói của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: cái gì cũng có dăm bẩy loại (“Chữ Trinh kia cũng có ba bẩy đường”-Nguyễn Du).

Tôi thấy ý kiến của anh Lại Nguyên Ân nêu lên từ nhiều năm nay rất đáng tham khảo: Nên xóa bỏ các Hội VHNT từ trung ương tới địa phương (theo kiểu được hành chính hóa, được cấp kinh phí, ăn lương, duy trì loại nhà văn cán bộ như hiện nay), tiến tới hình thành các Hội tự nguyện, hoạt động theo cơ chế tự nguyện, tự quản.

Phan Thắng: Đây là một đề xuất rất sáng giá trong bối cảnh đòi hỏi về cải cách thể chế, cải cách hành chính hiện nay. Thưa ông, ở trên ông có nói về thế hệ nhà văn sau 1975 đã hình thành một hệ thẩm mỹ mới cho riêng mình. Vậy, theo ông, ai đã định hướng cho sự hình thành cái hệ hình thẩm mỹ mới ấy?

Văn Giá: Trong lĩnh vực khác không biết, chứ trong các lĩnh vực nghệ thuật, câu chuyện định hướng là rất  khăn vì nó nó có quy luật tồn tại riêng của nó, sự tồn tại của sáng tạo cá nhân. Nếu không cẩn thận và tế nhị, tinh tế thì dễ rơi vào tình trạng càng định hướng lại càng…mất hướng. Cho nên, có được một nền văn học đổi mới với những thành tựu sáng giá như đã thấy, chủ yếu  là do quy luật nội tại của bản thân văn học vận động mà thành, tức là cái phần tinh anh nhất của nền văn học có khả năng dẫn dắt nền văn học. Yếu tố ngoài văn học có tác động, nhưng không phải là chính.

Phan Thắng: Vai trò của giới lý luận phê bình đối với đời sống văn học nước nhà trong mấy chục năm vừa qua đã được thể hiện như thế nào? Đi trước dẫn đường, song hành cùng sáng tạo hay đi sau “phê bình”?

Văn Giá: Tôi cho rằng, trong công cuộc đổi mới văn học, vai trò của LLPB là vô cùng quan trọng. Hoạt động LLPB được thể hiện ở các công trình, các bài viết, các tác phẩm dịch thuật, các sinh hoạt hội thảo, tọa đàm, các hoạt động giảng dạy, hướng dẫn sau đại học…Chưa bao giờ nền lý luận văn học ở Việt Nam lại phong phú, đa dạng và cập nhật như những năm vừa qua. Hầu như không có một lý thuyết văn học nào trên thế giới lại không được dịch, hoặc giới thiệu ở Việt Nam. Trước kia chúng ta chỉ biết đến lý luận văn học của Liên Xô, Trung Quốc mang tính giáo điều, lạc hậu rồi đem áp dụng xơ cứng vào Việt Nam. Ngày hôm nay, lý luậnvăn học cho phép nhìn văn học như là văn học, văn hóa, diễn ngôn…Phê bình cũng vậy, nhiều trường phái phê bình của thế giới được ứng dụng vào Việt Nam một cách sáng tạo và hiệu quả. Nó giúp cho quan niệm về văn học thay đổi, tư duy nghệ thuật và tiếp nhận văn học thay đổi. Nó tác động mạnh mẽ đến những người giảng dạy, người đọc, những nhà sáng tác.

Phan Thắng: Lại nói về hệ hình thẩm mỹ văn học của ta trong một cái nhìn ngang sang các nền văn học lưởng khu vực và thế giới?

Văn Giá: Điều này thì phải thừa nhận: chúng ta luôn luôn đi sau thế giới phương Tây. Đất nước chúng ta không có truyền thống lý thuyết. Cái quan trọng là cần phải học tập, học tập để mà ứng dụng cho tốt, tạo ra những thành tựu mang tính dân tộc-quốc tế. Người nào quay lưng đối với các thành tựu văn học (cả sáng tác lẫn lý thuyết) của nhân loại, người đó tự làm nghèo chính bản thân mình, sớm muộn cũng dễ rơi vào tình trạng bảo thủ, trì trệ.

Phan Thắng: Thưa ông, hội thảo có bàn về văn học Việt Nam ở nước ngoài sau 1975, và nhà văn VN ở nước ngoài sau 1975? Tại sao?

Văn Giá: Văn học của người Việt ở nước ngoài lâu nay vẫn được gọi theo các định danh như: văn học hải ngoại, văn học di dân…Chúng rất cần được xem như là bộ phận hợp thành của văn học Việt Nam. Chúng tôi đã ý thức được điều đó. Có một số nhà văn, nhà phê bình ở hải ngoại đã viết bài tham luận. Có một số tác giả trong nước cũng đã viết tham luận về văn học người Việt ở nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng người tham gia chưa được nhiều như mong muốn. Phần điểm danh đội ngũ trong một số bài viết, nhất là trong bài viết Dẫn luận của nhà NCPB Chu Văn Sơn  đã cố gắng bao quát ở mức cao nhất khi nhắc đến lực lượng viết ngoài nước.

Phan Thắng: Tôi nghĩ, nếu không có sự nghiên cứu, phản ánh và đánh giá khách quan và đầy đủ về bộ phận văn học này thì tôi ngĩ là chúng ta đang phiến diện và dễ để công chúng nghĩ rằng chúng vẫn đứng tại chỗ về nhận thức. Thưa ông, tại thời điểm hiện tại, văn học VN có phải là một nền văn học lớn trong khu vực, châu lục và thế giới?

Văn Giá: Không ai dám nói nền VHVN là một nền văn học lớn trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nếu so với khu vực Đông Nam Á chẳng hạn, chắc chắn chúng ta có một nền văn học hiện đại vạm vỡ nhất. Bằng chứng là nhiều tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại được dịch sang nhiều thứ tiếng Âu-Mỹ, và nhiều tác phẩm/tác giả đoạt giải thưởng quốc tế (với các cấp độ khác nhau).

Tuy nhiên, chưa ai thống kê con số cụ thể. Việc này, nếu có điều kiện, chúng ta hoàn toàn có thể tổng soát được.

Phan Thắng: Tất nhiên là vì chúng ta chưa có một hàng ngũ các nhà văn lớn. Vậy cái chưa lớn ấy của nhà văn là ở chỗ nào? Tư tưởng? Văn hóa? Tài nghệ?

Văn Giá: Bây giờ định danh thế nào là nhà văn lớn kể ra cũng khó. Nhưng chúng ta dễ thống nhất với nhau một điều: nhà văn lớn nhất thiết phải có tác phẩm lớn. Tôi rất tâm đắc với ý kiến dưới đây của GS Trần Đình Sử trong bài viết “Văn chương có đau mới hay” (bài đã in báo Văn nghệ mới đây, và cũng được phát biểu trong Hội thảo):

“Tính từ thời đổi mới đã ba mươi năm qua rồi mà tác phẩm lớn được coi là chưa có, các tác phẩm cứ bằng bằng như đồi thấp, không có đỉnh. Lại có ý kiến cho rằng nhà văn ta thiếu tài. Tôi chưa bao giờ cho là như thế. Hãy nhìn lại xem, nhà văn ta đã sống sâu, sống thật với nỗi đau của nhân dân ta trong suốt  mấy thế kỉ qua hay chưa? Đã thấy nỗi đau đứt ruột về nỗi tthống khổ của con người hay chưa? Làm gì có con trai có tài và con trai bất tài. Mọi con trai đau đớn đều cho ngọc. Cái tài tự nó chưa là gì cả, nó chỉ có nghĩa khi đem dùng vào việc gì. Rất có thể ta đã phí tài vào việc miêu tả những cái không quan trọng, dùng vào nơi không đúng chỗ. Hãy bớt đi lời ngợi ca, bớt đi lời khen  ngợi, hãy sống thật sự với nỗi đau của lòng mình, và để nó toát ra tự nhiên dưới đầu ngọn bút. Khi ấy ta sẽ thấy thiên tài xuất hiện. Hãy làm người bình thường, khi đau thì kêu. Xưa ta chê nhà thơ lãng mạn không đau mà rên, hàm ý là giả đối. Nhưng nếu đau thật mà không kêu thì có giả dối hay không? Nay mỗi người hãy tự  hỏi mình có đau hay không? Nếu anh chị có đau thật, đau sâu, đau lớn, đau không thể chịu nỗi nữa, không thể ngồi yên, đau như chưa bao giờ đau như thế,  tôi tin cậy hoàn toàn ở anh chị, tin hoàn toàn vào Văn học Việt Nam”.

Phan Thắng: Hội thảo này nhận được sự quan tâm như thế nào của giới nhà văn và BCH Hội nhà văn VN?

Văn Giá: Về phía giới nhà văn, chúng tôi nhận được sự quan tâm và tham gia khá đông đảo, đặc biệt là đội ngũ thế hệ nhà văn sau 1975. Chúng tôi không có điều kiện mời chính thức tất cả Hội viên HNVVN (vì liên quan đến kinh phí, và các điều kiện khác). Nhưng có một số khá đông các nhà văn tuy không được mời trực tiếp vẫn cứ đến tham dự và chia sẻ một cách tự nguyện, cởi mở, không ngần ngại điều gì.

Còn về phía BCH Hội NVVN, chúng tôi mời tất cả các lãnh đạo chủ chốt: ông chủ tịch và các phó chủ tịch. Rất tiếc, hôm ấy lại trung vào ngày Hội tổ chức Lễ kết nạp hội viên mới, nên các vị chủ chốt không đến dự đầy đủ như mong muốn. 

Cuối buổi chiều, vào phiên họp toàn thể tổng kết Hội thảo thì nhà thơ Hữu Thỉnh mới kịp có mặt và phát biểu.

Phan Thắng: Sao không thấy các phương tiện truyền thông - báo chí nhắc gì đến nội dung bài phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh?

Văn Giá: Cũng chỉ có tờ báo mạng của Hội kịp nhắc đến, còn các tờ/chương trình khác thì không. Số là, nhà thơ đến muộn, vào cuối chiều, đúng lúc Hội thảo chuẩn bị tổng kết, nên một số khách xa và cánh phóng viên các đài/báo đã về rồi. Thành ra, trong hơn 20 bài/chương trình của các báo/đài không thấy lược thuật nội dung phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh cũng là điều dễ hiểu.

Bài phát biểu của ông Chủ tịch Hội kéo dài chừng gần tiếng đồng hồ. Ngoài những nội dung chúc mừng, ghi nhận, khích lệ..., nhà thơ tập trung vào ba ý: Thứ nhất, khẳng định Hội thảo này là sự cộng hưởng chương trình tổng kết 30 năm đổi mới văn học của đất nước mà Hội đang tiến hành. Thứ hai, khẳng định công cuộc đổi mới văn học có sự tham gia cùng một lúc của nhiều cây bút thuộc nhiều thế hệ, đặc biệt cần ghi nhận những sáng tạo với nhiều tìm tòi và đổi mới của một số cây bút thời chống Mỹ. Thứ ba, tuy nhiên, thế hệ sau 1975 (như Hội thảo hướng đến) có vai trò đặc biệt trong công cuộc đổi mới văn học. "Cho đến bây giờ có thể nói được điều này ( mà nếu nói sớm hơn cũng chưa được, bây giờ là lúc chín để nói): lực lượng chủ lực của nền văn học hôm nay của đất nước chính là thuộc về thế hệ các bạn. Tôi chính thức nói rằng: Đại diện thế hệ nhà văn chống Mỹ, tôi xin ngả mũ cúi chào một thế hệ mới làm đầy nền văn học của chúng ta – thế hệ nhà văn Việt Nam sau 1975 (tôi đã từng nói ý này trước nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhiều người hôm ra mắt tập thơ tái bản "Sự mất ngủ của lửa " của Nguyễn Quang Thiều cách đây ít tháng, hôm nay xin nhắc lại một lần nữa tại đây)".

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511203

Hôm nay

2202

Hôm qua

2359

Tuần này

21577

Tháng này

218076

Tháng qua

121356

Tất cả

114511203