Trong xã hội mỗi người phải tự bảo vệ nồi cơm, bởi vì trừ cha mẹ hy sinh cho con cái thì không có nhà nước hay ai khác lo cho mình và gia đình. Hiến Pháp Hoa Kỳ khởi đầu bằng câu văn “…mỗi cá nhân đều có quyền mưu cầu hạnh phúc…” nên vai trò của chính quyền là tạo môi trường thuận lợi đồng đều cho mọi người có cơ hội ngang nhau tìm miếng ăn.
Nhưng có ăn chưa đủ mà phải dành phần ngon - người Mỹ gọi là “bigger piece of the pie”. Xã hội chia ra nhiều phe phái và các khối lợi ích tranh giành quyền lợi lẫn nhau. Tôn giáo dạy con người nhường nhịn vị tha còn vai trò của nhà nước nhằm ngăn ngừa con người không vì giành giựt miếng ăn mà chém giết lẫn nhau. Dân chủ là môi trường để các khối lợi ích tranh giành quyền lợi trong tương nhượng thay vì tước đoạt miếng ăn bằng bạo lực, bởi vì người Mỹ tin rằng vừa cạnh tranh vừa hợp tác sẽ đẩy mạnh sức sáng tạo khiến mâm cổ ngày càng to ra (the pie grows bigger), xã hội thêm phồn thịnh và mọi người nhờ vào đó hưởng phần ngon hơn.
Nhưng thực tế không xảy ra hoàn toàn như vậy. Trường hợp thứ nhất khi những khối lợi ích đều muốn hưởng phần nhiều như người già đòi thêm quyền lợi hưu trí còn giới quân đội muốn tăng chi phí quốc phòng trong khi nhà nước không đủ tiền chi trả cả hai. Hai phe thay vì tương nhượng cắt bớt phần của mình cho phù hợp với ngân quỹ thì ngược lại vận động nhà nước… mượn thêm tiền để làm vui lòng cả hai bên. Nợ nần chồng chất thì đến đời con cháu lo vì khi đó mình đã qua đời còn bây giờ tụi nó chưa đủ tuổi đi bầu nên không có tiếng nói - người Mỹ gọi đây là kick the can down the road.
Trường hợp thứ nhì khi nhiều khối lợi ích tập trung vào hai nhóm lớn, tức là hai đảng phái chính trị với số phiếu ngang ngửa. Thay vì điều đình nhượng bộ thì hai đảng lại tranh giành phủ quyết lẫn nhau theo kiểu phe này không được theo ý mình thì chống phá ngăn cản không cho bên kia làm việc, lâu ngày khiến chính quyền bế tắc. Dân chúng phẩn nộ thấy nhà nước tê liệt nên dồn phiếu vào một gương mặt mới táo bạo, đột phá hứa hẹn đủ thứ là trường hợp chọn ông Donald Trump năm 2016.
Trường hợp thứ ba khi mâm cơm ngày càng lớn nhưng phần ngon chia không đều. GDP Mỹ và thế giới tăng nhanh trong giai đoạn toàn cầu hóa nhưng khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa, một phần vì luật pháp bị dàn dựng có lợi cho phe nhà giàu nhưng mặt khác vì một thành phần dân chúng không bắt kịp với nhịp độ thương mại toàn cầu tăng vọt. Một thí dụ ở Hoa Kỳ khi người Mỹ vùng nội địa mất công ăn việc làm do cạnh tranh với giá lao động rẻ mạt từ Á Đông, trong khi dân chúng ở hai bờ biển Đông-Tây ngày thêm giàu có nhờ vào nhịp độ mua bán với Á-Âu. Trong xí nghiệp thì công nhân nào không thích ứng với các thay đổi sẽ bị chủ đuổi, nhưng một quốc gia không thể nào “sa thải” người dân nào cả mà phải trợ cấp hay giúp đỡ cho gia đình họ trải qua giai đoạn khó khăn. Tuy vậy những người bị thiệt thòi vẫn phẩn nộ và thể hiện sự tức giận của họ bằng lá phiếu chống đối.
Việc tranh giành quyền lợi không có gì hay ho nên Winston Churchill từng nhận xét “Dân chủ là một thể chế rất tồi tệ, chỉ có điều là các mô hình nhà nước khác đều đã được thử nhiều lần trước đó.” Dân chủ cho phép mọi người tự bảo vệ nồi cơm vì tin vào nhà nước hay ai khác lo cho mình thì sẽ có ngày đói.