Mayakovsky sinh tại làng Bagdadi ở Gruzia, là con trai của một người gác rừng. Thời thơ ấu trôi qua ở Gruzia, nhưng sau cái chết của người cha, Mayakovsky cùng gia đình chuyển về Moskva. Tuổi 15, nhà thơ tương lai rời bỏ trường trung học để tham gia các hoạt động bí mật, vào Đảng Dân chủ Xã hội Công nhân Nga (Bolshevik), thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, ba lần bị bắt. Năm 1909, khi đang bị biệt giam trong nhà tù Butyrskaya, Mayakovsky bắt đầu làm thơ – mặc dù về sau không hài lòng với cuốn thơ chép tay đầu tiên đó, thậm chí lấy làm may rằng nó đã bị quản giáo tịch thu khi nhà thơ ra tù, nhưng Maykovsky vẫn luôn xem đó là bước khởi đầu sự nghiệp sáng tác thơ ca của mình.
Năm 1911 đánh dấu một bước quan trọng trong đời thơ Maykovsky : nhà thơ vào học Trường Trung cấp Hội hoạ, Điêu khắc và Kiến trúc Moskva, nơi đây, ông làm quen với một trong những chủ soái của phái vị lai là David Burlyuk. Burlyuk hơn Mayakovsky 11 tuổi, từng học ở nhiều trường hội hoạ, tham gia nhiều triển lãm ở Nga và nước ngoài. Một lần nghe thơ của Mayakovsky, Burlyuk đã tuyên bố đó là “nhà thơ thiên tài” và mời nhà thơ tham gia nhóm vị lai chủ nghĩa “Budetlyane”. Cả Mayakovsky lẫn Burlyuk đều bị đuổi khỏi trường trung cấp nghệ thuật vì lãnh đạo trường cho rằng các chuyến “lưu diễn” với các buổi thuyết trình, đọc thơ khắp nước Nga của họ trong hai năm 1913-1914 là đáng khiển trách. Mayakovsky cùng Burlyuk, Kamensky rong ruổi trên các đường phố trong chiếc áo khoác ngắn tự đan màu vàng, với củ cà rốt đeo trên ngực thay cravát, đầy tự tin, cao ngạo :
Ê này
Bầu trời
Hãy ngả mũ !
Tôi đang bước đi đây !
(“Đám mây mặc quần”, 1915)
Thời gian học ở Trường Trung cấp Hội hoạ, Điêu khắc và Kiến trúc đã truyền cho Mayakovsky kinh nghiệm và niềm say mê đối với loại tranh cổ động với những gam màu chói sáng – nó hợp với tư chất của nhà thơ. Vẻ đẹp rực rỡ của loại tranh này hướng tới sự cảm nhận của đông đảo quần chúng, phù hợp cho những trang trí quảng trường, đường phố. Sự hoành tráng về chủ đề và hình tượng của nghệ thuật tranh cổ động ảnh hưởng đến thi pháp Mayakovsky và trở thành đặc trưng của thơ ông ngay cả về sau, khi Mayakovsky không còn là nhà vị lai nữa. Thơ Mayakovsky là thơ của “quảng trường và đường phố”, hướng tới những con người ở tầng lớp dưới, tới quảng đại quần chúng. Với chất giọng trầm ấm trời phú, Mayakovsky thường đọc thơ mình trên quảng trường. Là thứ thơ để đọc, để “trình diễn” như thế, các tác phẩm của Mayakovsky không chú trọng vần, mà là thể thơ tự do trong đó nhịp điệu đóng vai trò chủ đạo.
Là một trong bốn người thảo ra tuyên ngôn cho phái vị lai Nga, Mayakovsky chân thành cho rằng mình là một nhà vị lai, chia sẻ một số quan điểm cực đoan của phái này. Những câu thơ bị ngắt quãng, gấp khúc, nhịp điệu, hệ thống hình tượng, những từ ngữ mới mẻ, táo bạo... nơi Mayakovsky là từ mỹ học đầy tính thử nghiệm của Khlebnikov.
Cũng như Khlebnikov, người mà nhà thơ tôn làm thầy, Mayakovsky là người tạo ra từ mới trong thơ. Tuy nhiên, nếu như đối với Khlebnikov, từ ngữ có sức mạnh tự thân, vượt ra ngoài trí tuệ con người (khái niệm “zaum”), thì đối với Mayakovsky, điều đáng quan tâm là phương diện thực tiễn, mang tính chức năng của nghệ thuật tạo từ. Từ của Khlebnikov hướng tới gọi tên sự vật, còn từ của Mayakovsky là để bộc lộ cảm xúc và tư tưởng. Mặc dù hâm mộ những từ mới trong đó lấp lánh nhiều ý tưởng sâu xa của Khlebnikov, nhưng chưa bao giờ Mayakovsky tạo ra những từ kiểu như thế trong thơ mình. Từ mới của Mayakovsky luôn mang sắc thái phong cách rõ ràng, nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa trong một ngữ cảnh cụ thể. Trong mỗi từ luôn có thái độ của nhà thơ – châm biếm, hài hước, đau đớn, giận dữ,... Sức mạnh thơ của Mayakovsky là năng lực cảm xúc (từ thép trái tim rèn ra dao thơ ca) và ý nghĩa xã hội, nhất là ý nghĩa đấu tranh xã hội. Sự kiếm tìm, đổi mới hình thức thơ ca nơi Mayakovsky không phải vì bản thân hình thức. Ông muốn trở thành nhà thơ cách mạng trước hết về nội dung, dành cho không phải một nhóm người sành của lạ, mà là cho quảng đại công chúng bình dân. Bởi vậy, cũng như Bryusov và Blok đối với phái tượng trưng, Akhmatova và Mandelshtam đối với phái đỉnh cao, Mayakovsky ban đầu là một gương mặt nổi bật của chủ nghĩa vị lai, nhưng rồi vượt ra khỏi nó, chỉ mang theo mình một số nhân tố giàu sức sống nhất trong những hình thức cách tân của phong trào này – những nhân tố rồi sẽ tiếp tục sống với những nội dung hiện thực mới của thời đại về sau.
Mayakovsky đăng bài thơ đầu tiên của mình “Đêm” trong tập “Cái tát vào thị hiếu xã hội” năm 1912. Tập thơ riêng đầu tiên “Tôi” gồm 4 bài thơ, được viết tay, do hai hoạ sĩ V.Chekrygin và L. Zhyogin[1] minh hoạ, in litô 300 bản để phát hành (về sau “Tôi” được đưa vào đầu cuốn “Giản đơn như tiếng rống” của Mayakovsky xuất bản năm 1916). Thơ Mayakovsky còn xuất hiện trên các trang niên giám của các nhà vị lai như “Sữa ngựa cái”, “Mặt trăng còm cõi”,...
Những bài thơ đầu tay của Mayakovsky mô tả cuộc sống đô thị đương đại và thể hiện sự phản kháng với lối sống tư bản chủ nghĩa. Nhà thơ muốn dùng những từ ngữ đường phố, cùng những hình ảnh của cuộc sống đô thị để đánh thức độc giả (cũng là những khán giả, thính giả)
Tôi bôi vào tấm bản đồ thường ngày
Màu sơn trong chiếc ly vỗ sóng
Tôi muốn chỉ lên đĩa thịt đông
Đôi lưỡng quyền của đại dương kết cuộn
Trên lớp vảy của con cá sắt tây
Tôi đọc thấy lời gọi của những làn môi mới
Còn các người
Có chơi được hay không
Bản dạ khúc
Với cây sáo làm bằng máng xối ?
(“Các người có thể không? ”, 1913)
Chủ đề bi kịch con người trong xã hội tư bản xuyên suốt các tác phẩm lớn thời kỳ trước cách mạng của nhà thơ. Năm 1915, Mayakovsky viết bản trường ca “Đám mây mặc quần”- một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà thơ. Khởi xuất của trường ca là mối tình đơn phương của nhà thơ với Maria Denisova – một thiếu nữ mà ông gặp năm 1914 ở Odessa. Thế nhưng, thời gian tác phẩm được viết ra cũng là thời gian của những biến động xã hội to lớn, đặc biệt là sự bùng nổ của chiến tranh thế giới. Nhà thơ gắn kết nỗi đau riêng của nhân vật trữ tình với nỗi đau chung của cả đất nước, và ý nghĩa của trường ca vượt ra khỏi bi kịch tình yêu cá nhân, trở thành vấn đề của cuộc sống, của xã hội, của nghệ thuật, của đức tin. Chính nhà thơ giải thích ý nghĩa của tác phẩm trong lời nói đầu cho trường ca bằng bốn khẩu hiệu: “đả đảo tình yêu các người”, “đả đảo nghệ thuật các người”, “đả đảo trật tự các người”, “đả đảo tôn giáo các người”. K.Chukovsky cho rằng Mayakovsky, cũng như nhiều nhà thơ khác cùng thời, “bước vào văn chương như một kẻ hư vô chủ nghĩa và một kẻ hoài nghi, với lỗ rách kinh khủng trong tâm hồn”[2] Quả là trong “Đám mây mặc quần”, Mayakovsky có những câu thể hiện chủ nghĩa hư vô của mình :
Hãy ngợi ca tôi !
Vĩ đại với tôi không cùng một cặp
Trên tất cả những gì trước nay làm được
Tôi đặt lên một chữ ‘nihil’
Nhưng hoài nghi, chối bỏ là để hướng tới tương lai – và đó là cảm hứng chủ đạo của trường ca.
Mayakovsky ban đầu gọi tác phẩm là “Vị thánh tông đồ thứ mười ba”, sau phải đổi vì kiểm duyệt. Theo Phúc Âm, Jesus có 12 học trò – những vị thánh tông đồ truyền bá Thiên Chúa giáo, nhà thơ tuyên bố mình là vị thánh tông đồ thứ 13 tiên tri cho thế giới một chân lý mới, tiên tri về cuộc cách mạng đang tới gần, với đầy sức trẻ.
Tư tưởng của các người
Mơ màng trên bộ óc nhũn mềm
Như kẻ tôi tớ béo phì trên chiếc đi văng lấm mỡ
Tôi sẽ trêu chọc với mẩu tim máu ứa
Xấc láo, tham lam nhạo báng đến no căng
Trong hồn tôi không một sợi bạc vương
Không một chút dịu dàng, già cỗi
Cất giọng gầm vang cùng thế giới
Tôi bước đi – đẹp đẽ xinh tươi
Hai mươi hai tuổi đời...
Nhân vật trữ tình, mang bóng dáng của Mayakovsky, từ trên cao thuyết giáo và vạch ra nhưng ưu thế đạo đức của con người đang nổi dậy chống lại những cái cũ, tin tưởng vào lý tưởng nhân văn mới tất yếu sẽ thành hiện thực. Dự cảm rằng cuộc đổi thay đang tới (mà nhà thơ tiên tri là năm 1916 : đội vòng hoa mận gai cách mạng/ năm 1916 dõi nhìn), cùng với thơ ca như ngọn cờ nổi dậy, nhà thơ sẵn sàng “cắn vào sườn” của thế giới (Tôi đã chửi mắng/ đã van lơn/ đã đâm chết/ đã leo lên cắn vào sườn ai đó), nhưng cao hơn hết là tinh thần xả thân hi sinh :
Giữa các người – tôi tiên khu cho người ấy
Tôi – quy tụ đau đớn, khắp mọi nơi,
Trong mỗi giọt lệ rơi
Tự treo mình trên cây thánh giá
Không tha thứ cho điều gì được nữa
“Đám mây mặc quần” là một phức hợp của nhiều đề tài và hình tượng, nơi cả sự phủ nhận lẫn ngợi ca đều ở mức độ điên cuồng. Những hình tượng trong trường ca xuất hiện linh hoạt, bất ngờ. Vần điệu bị cắt đứt, khẩu ngữ thường nhật được đưa vào, những lối nói thô thiển xen lẫn với những câu thơ mềm mại. Và trong “Đám mây mặc quần”, cũng như các trường ca viết về sau của Mayakovsky, yếu tố tự sự trở nên mờ nhạt, nổi lên trên là yếu tố trữ tình và hùng biện.
Các trường ca khác như “Ống sáo- cột sống” (1915), “Chiến tranh và thế giới” (1916, nhan đề trường ca tương tự tiểu thuyết sử thi của Lev Tolstoy, với từ mir mang nghĩa không phải hoà bình mà là thế giới), “Con người” (1917) cũng tràn ngập tư tưởng nổi loạn như thế cùng với những cách tân về hình thức mang tinh thần vị lai chủ nghĩa của Mayakovsky.
Mayakovsky là ca sĩ của cách mạng. Hai câu thơ nổi tiếng của Mayakovsky được lan truyền trong quân đội và trong dân chúng như những bài ca cửa miệng :
Ngốn nốt đi những quả dứa, nhai nốt đi những miếng thịt chim
Ngày tận thế của mi đã đến rồi, hỡi tên tư sản !
Nhà thơ hân hoan đón chào cách mạng Tháng Mười, không một chút băn khoăn, nghi ngại : “Đón nhận hay không đón nhận ? Với tôi không có câu hỏi đó. Cách mạng là của tôi”, nhà thơ đã viết như thế trong tự truyện của mình. Nhà thơ làm việc trong Bộ Giáo dục của chính quyền Xô viết, xuất bản “Cửa sổ ROSTA” (Cửa sổ Thông tấn xã Nga) với những bức biếm hoạ phê phán Bạch vệ, ca ngợi chiến thắng của Hồng quân. “Hành khúc của chúng ta”, “Tụng ca cách mạng”, “Mệnh lệnh cho đạo quân nghệ thuật”, “Hành khúc bên trái”... là những tiếng ca Mayakovsky góp vào với dàn đồng ca cách mạng.
Đủ lắm rồi những chân lý rẻ tiền.
Cái cũ xưa trong trái tim nay hãy vứt.
Đường phố giờ là ngọn bút.
Quảng trường là bảng pha màu.
Cuốn sách thời đại
hàng ngàn trang
những ngày cách mạng ngợi ca chưa hết.
Hãy xuống đường, hỡi những nhà vị lai
Những chàng đánh trống và những thi nhân !
(1918)
Không còn là chủ nghĩa vị lai của những năm trước cách mạng. Năm 1918, nhà thơ lập ra nhóm “Komfut” (Vị lai cộng sản), ba năm sau là nhà xuất bản MAF (Hội vị lai Moskva), năm 1923 tổ chức Mặt trận nghệ thuật cánh tả (LEF) với tờ tạp chí cùng tên ra được bảy kỳ.
Mayakovsky chân thành ngợi ca cách mạng và chế độ Xô viết. Những tác phẩm của nhà thơ mang đầy tính tuyên truyền, cổ động. Trường ca “150,000,000” (1915) mang âm hưởng của những sử thi dân gian Nga, với nhân vật chàng tráng sĩ Nga chiến đấu với kẻ thù tư bản chủ nghĩa. Trường ca “Vladimir Ilich Lenin” (1924) là câu chuyện cuộc đời lãnh tụ cách mạng được kể như một huyền thoại về một vị thánh được Lịch Sử phái đến khi nước Nga cần. Đặc biệt, nhân kỷ niệm mười năm Cách mạng Tháng Mười, Mayakovsky viết “Tốt lắm!” – bản trường ca hoàn chỉnh cuối cùng, đồng thời cũng là một trong những tác phẩm kiệt xuất của nhà thơ. Với trường ca này, chủ đề trung tâm trong thơ Mayakovsky “cách mạng của tôi” đã được chuyển sang một phương diện mới “tổ quốc của tôi”. Mười chín chương trường ca gắn với nhiều sự kiện lịch sử của thời đại: từ việc công nhân và binh lính chiếm Cung điện Mùa Đông, bắt Chính phủ Lâm thời của giai cấp tư sản đêm tháng Mười năm 1917 trao quyền cho Xôviết, sự can thiệp của nước ngoài, cuộc nội chiến,... Nhà thơ cất tiếng nói từ nhân dân với đại từ “chúng ta” :
Giữa
súng trường
và vũ khí ngôn từ
Moskva –
thành đảo nhỏ,
còn chúng ta trên đảo đó.
Chúng ta –
đói khát,
chúng ta –
cùng khổ,
Với Lenin trong đầu
và súng lục
trong tay.
Nhưng đồng thời, đó cũng là tiếng nói từ cái tôi cá nhân. Những chi tiết tự truyện, những dòng thơ về cuộc sống đời thường của nhà thơ trong trường ca đã cụ thể hoá bức tranh toàn cảnh cuộc đấu tranh, đồng thời thể hiện tình yêu nước, lòng trung thành vô điều kiện đối với lý tưởng cách mạng, sự nghiệp của nhân dân cũng là sự nghiệp của cá nhân nhà thơ “đất nước của tôi”, “Xô viết Moskva của tôi”, “những nhà máy của tôi”, “những đại biểu của tôi”.
Ngay từ những câu đầu, trường ca “Tốt lắm!” đã nêu một vấn đề quan trọng đối với nhà thơ - về thời đại và nghệ thuật: nghệ thuật nào thích hợp với thời đại? Mayakovsky bảo vệ sự cách tân, khẳng định mỗi thời đại phải có một nghệ thuật với những đặc trưng thích ứng với nó.
Thời gian
là thứ
dài kinh khủng –
Có những thời –
của những khúc hát cổ xưa.
Không còn những bài ca xưa
không còn sử thi
không còn anh hùng ca
Những câu thơ
hãy bay đi
như điện tín!
Môi sưng vều
quỳ xuống
hãy uống đi
từ dòng sông
mang tên – “Sự kiện”.
“Tốt lắm!” là tổ hợp của những khúc ca, nơi nhà thơ mạnh dạn khai thác kho tàng các môtíp và nhịp điệu của dân ca Nga. Và mặc dù cũng như những tác phẩm khác của nhà thơ, nó được viết ra hướng tới quảng đại quần chúng, nhưng những từ ngữ và lối diễn đạt đầy cách tân, cũng như những biểu tượng trong trường ca thực sự không phải dễ hiểu.
Mayakovsky không chỉ viết những tác phẩm ngợi ca. Ông còn là một cây bút trào phúng, châm biếm đả kích những căn bệnh như thói quan liêu và thiển cận trong xã hội, trong những con người ở chế độ mới. Những bài thơ như “Những kẻ loạn họp”, “Xưởng quan liêu”, “Đồ đồng nát”,… cũng như các vở kịch “Con rệp” (1828), “Nhà tắm” (1829) đã trở thành những kiểu mẫu cho văn chương châm biếm Xô viết.
Một phần quan trọng trong sáng tác của Mayakovsky còn là thơ tình. Thơ tình của nhà thơ hết sức mãnh liệt, nhưng cũng rất sâu lắng, được gợi lên từ những mối tình nhiều trắc trở mà nhà thơ trải qua trong cuộc đời. Mặc dù từng dấy lên những lời đồn thổi và nhiều giả thuyết về nguyên nhân cái chết do tự sát của nhà thơ, nhưng chính nhà thơ trước khi chết đã để lại lời nhắn: “Thuyền tình va vào đời vỡ nát …” giải thích cho cuộc ra đi của mình.
Hàng trăm nghìn người đã đến tiễn đưa nhà thơ, đám tang ông trở thành một cuộc mít tinh lớn.
Tài năng của Mayakovsky đã biến những sự kiện to lớn diễn ra trên đất nước Nga, mà ông là người chứng kiến, người đồng thời – đó là chiến tranh, cách mạng, công cuộc dựng xây nhà nước Xô viết non trẻ - thành những thiên sử thi vượt qua mọi thời gian, như chính nhà thơ đã tiên tri trong bản trường ca cuối cùng “Cất cao hết giọng”.
Thơ tôi,
bằng lao động
sẽ vượt qua dãy núi thời gian
[1] Vasily Chekrygin (1897 – 1922) và Lev Zhyogin (1892 – 1969) đều là bạn đồng môn của Mayakovsky ở Trường Trung cấp Hội hoạ, Điêu khắc và Kiến trúc.
[2] Chukovsky K., Akhmatova và Mayakovsky. Trong cuốn: A.A.Akhmatova: pro et contra, SPb., 2001, tr. 208 – 235.