Cuộc sống quanh ta

Một tính cách của người... Ta!?

Phải chăng dường như mỗi dân tộc đều có một số phận riêng, mà chính văn hóa và tính cách của họ đã tạo nên số phận riêng ấy.

Truyện kể rằng, tại một xã gần quê tôi, mất nhiều năm lục đục vì cái tội ba thôn mang ba cái tên: Thôn Thượng, Thôn Hạ, Thôn Trung. Họ kiện cáo nhau kịch liệt lên tận quan huyện, nhưng trải qua nhiều đời quan mà vẫn không được phân xử. Thế rồi cho mãi đến đầu thế kỷ XX, các lý trưởng ba thôn, nghe tin huyện nhà mới được bổ nhiệm một quan huyện mới, học rộng tài cao lại liêm chính, nên không ai bảo ai họ lại tiếp tục đeo đuổi vụ kiện. Nghe các lý trưởng của ba thôn tâu bẩm nguồn cơn, ông phì cười mà rằng: Thôn Thượng bản quan vẫn cho giữ nguyên tên, còn Thôn Hạ đổi thành Thôn Cao, Thôn Trung  nay đổi thành Thôn Tiền. Nghe quan phán xong, các lý trưởng ba thôn hỷ hả nhìn nhau, tâm phục khẩu phục ra về.

Hồi còn bé, tôi nhiều lần khổ sở về cái chuyện chia quà cho hai em. Vì cái tội, hôm nay đứa này nói trước: anh chia cho em nửa già, hôm khác đứa kia mau miệng cướp lời: anh chia cho em nửa già, và tôi đều gật đầu. Nhưng kỳ thực tôi bao giờ cũng chia dều cho chúng. Tuy vậy đứa không được nói trước, vẫn cứ ấm ức vì nó cho rằng nó được phần ít. Biết thóp chúng, sau này mỗi lần chia quà, tôi nói ngay, hôm nay anh chia cho hai đứa mỗi đứa một nửa già. Tù đó chúng hết ấm ức khi nhận phần nữa.

Hai câu chuyện có thực kể trên, tuy hình thức và kích cỡ có vẻ rất khác nhau, nhưng tôi cho rằng chúng rất gần nhau, còn định danh cho thể loại của nó thì tôi xin khất, mặc dù anh bạn tôi thì gọi gộp chúng, là Truyện trẻ con.

Như có ai đó đã nói, hiểu dân tộc mình không ai bằng  các nhà văn nhà thơ, bởi họ như là người chép sử của dân tộc, họ nói lên tiếng nói của dân tộc. Vì thế mà xin lần dở lại một vài phát biểu của các cụ nhà mình nói về người nhà mình xem như thế nào ? Có người bảo cụ Tản Đà (1889-1939) chỉ cần dùng hai câu thơ sau đây là đủ nói lên đặc trưng người Việt:

“Dân hai nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.

Nhưng đâu chỉ có cụ Tản Đà, hãy xin cúi đầu đọc những đoạn dưới đây của những con người đặc biệt xuất sắc, nặng lòng với non sông đất nước, mà trước hết là  của cụ Phan Chu Trinh  (1872–1926)-một  nhà thơ, nhà văn, và là nhà hoạt động chính trị nổi tiếng thời cận đại trong lịch sử Việt Nam.

“Nước Nam đã lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức… Trong một làng một ấp cũng cấu xé lẫn nhau, cùng nòi cùng giống vẫn coi nhau như thù hằn, có dẫu ai có muốn lo toan việc lớn, chưa kể rằng không có chỗ mà nương thân, không có khí giới mà dùng, không có tiền của mà tiêu, giá phỏng Chính phủ cho mượn trăm nghìn khẩu súng, cấp đất vài tỉnh cho ở, không thèm hỏi đến, tha hồ muốn làm gì thì làm, chẳng qua vài năm nếu không báo thù lẫn nhau thì cũng tranh giành địa vị với nhau, nếu không cướp đoạt tiền tài thì cũng giành giật tước vị, tự chém giết nhau đến chết hết mới thôi, quyết không thể sống nổi trong thế giới này, lại còn chống cự ai được nữa” (Phan Chu Trinh, Thư gửi Chính phủ Pháp, năm 1905).

Tiếp sau đây là  các đoạn viết của cụ Nguyễn Văn Vĩnh  (1882 – 1936)-một nhà tân học, nhà báo, nhà văn,  dịch giả, nhà chính trị Việt Nam đầu thế kỷ XX.

 “Nước Nam ta bây giờ dốt tệ lắm, mà cũng vì cái dốt nên phải làm như trâu như bò, được đồng nào đem sắm đồ Tàu hết. Cũng vì cái dốt nên nghề hay không làm, ai cũng muốn làm cái nghề ăn không. Cũng vì cái dốt nên người đói meo ra không lo, lo Quan Âm đói. Nói tóm lại thì bao nhiêu cái khổ sở nhọc nhằn ở nước ta cũng vì cái dốt mà ra cả” (Nguyễn Văn Vĩnh, Đăng cổ tùng báo ra ngày 27-6-1907).

“Phải trông vào hai tay mình mà có ăn, tựa hồ như một cái nhục. Ai có được anh em chú bác hoặc con cháu làm nên mà nương nhờ, thì lấy làm vinh hạnh. Người làm nên cho họ được nhờ cậy, thì lấy làm một nghĩa vụ danh giá. Vì một lí tưởng ỷ lại ấy, cho nên trong nước thực lắm kẻ ăn không. Trong một họ, có người làm quan, hoặc có người giàu có, thì từ ông bà, cha mẹ, chú bác, anh em, ai cũng trông vào đấy cả. Ví bằng đương có nghề gì làm ăn, thì hình như cũng phải bỏ nghề đi mà nhờ. Mà người làm nên quan cả, nếu để cho thân thích phải làm nghề hèn kiếm ăn, tự hồ cho như là một điều bạc ác, diết dóng” (Nguyễn Văn Vĩnh, Xét tật mình, Đông Dương tạp chí số 8, 1913).

Cũng cần nhấn mạnh rằng, vì thấu hiểu  đặc điểm của một dân tộc nhược tiểu với quốc dân tính như vừa kể trên, nên cụ Phan đã chủ trương  Duy tân với 3 nội dung: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh,  mà sơ bộ có thể giải thích như sau: (1) Xây dựng nền giáo dục tiến bộ, bỏ lối học khoa cử, mở mang trí tuệ cho dân, bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia. (2) Giác ngộ lòng yêu nước và nhuệ khí đấu tranh trong quần chúng, thức tỉnh và tôi rèn chí khí của các nhân sĩ để dẫn dắt dân chúng. (3) Làm cho cuộc sống của dân ngày càng  ấm no, nền kinh tế nước nhà phát triển. Nhưng tiếc thay… và sau một thế kỷ, ngày nay tư tưởng của Phan đang được hồi sinh, tỏa sáng và vẫn còn nguyên giá trị.

Rành rành như trên, là những phát biểu có tính tổng kết về người Việt cách đây hơn một thế kỷ, của những người con yêu xứ sở với trách nhiệm bậc nhất lớn lao. Thế còn đương đại thì người nhà mình ra sao ? Có người còn bảo: thế sự vừa qua, đã vượt trên cả cái chí của cụ Phan. Thế thì chắc hẳn nước mình đã qua thời con trẻ và đã trưởng thành!? Nhưng biết nói sao khi đọc những dòng dưới đây của cố nhà văn Nguyễn Khải (1930-2008) (người được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000), viết vào những ngày ông sắp gần đất xa trời:

“Một xã hội không tự hiểu mình, mỗi cá nhân cũng không tự hiểu mình, vàng thau, phải trái, cao quý ti tiện lẫn lộn, các giá trị lẫn lộn bắt đầu từ sự không chuẩn xác của ngôn từ… Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình. Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói, chả lẽ làm người lại không nói. Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả". [...].(Nguyễn Khải, Đi tìm cái tôi đã mất).

Có thể ai đó  nghi ngờ rằng, kẻ sĩ vì hay cả nghĩ và quá nặng lòng, nên tuy các cụ nói thế nhưng hiện thực chắc gì đã đến mức như thế (!?) Thế thì hãy thử xem những thành phần khác, những người chỉ qua thực tế mắt thấy tai nghe, xem họ đã nhìn thấy những gì từ cái gọi là tầng lớp tinh hoa-một trong những lực lượng chủ lực đưa dẫn công chúng nước nhà vào kỷ nguyên 4.0 trong thời đất nước đang hội nhập, mà hơn bao giờ hết vai trò của lao động sáng tạo đang  hết thảy được đề cao ?

Bởi vậy, trong cái tâm thế ngưỡng vọng pha chút xót xa cho cái chí: “Khai dân trí” của cụ Phan, xin được kết thúc bài viết bằng hai giãi bày sống động dưới đây, được trải lòng bởi hai đại diện khá khác nhau ở hai vị trí xã hội, về các “đấng sáng tạo”-tinh hoa của nước nhà, mà người viết xin không có bình luận gì.

Một sếp bự đã nghỉ hưu bộc bệch với tôi: Cái đám sư-sĩ họ háo danh nên rất dễ dắt mũi. Này nhé, có lần anh thử đề ra một cái danh hiệu rất oách rồi đưa xuống để họ bình bầu nhau ở mỗi đơn vị lấy một người. Thế là họ chọi nhau, bàn thảo tranh giành với nhau đến cả tháng. Tôi nhìn ông ngạc nhiên và tỏ ý thán phục cái sách trị vì của ông. Như được kích thích, ông hăng máu nói tiếp: Bọn họ chỉ chăm chăm gom góp để chộp lấy mấy cái bảng hiệu  hàm-vị sư-sĩ. Lãnh đạo mà khôn, cứ thỉnh thoảng thả một tý lợi ích, rồi mặc xác họ, thì cứ tha hồ mà làm việc của mình, chả mất xèng nào… Mà họ lạ lắm, họ coi những mảnh giấy ấy là nhất, vì thế họp hành giữ gìn lắm … anh  nọ lừa anh kia phát biểu, ra vẻ mình khôn lắm, biết hết… để rồi ngậm ngùi xó bếp. Đặc biệt họ rất cảm động khi được réo tên sư này, sĩ nọ ở mọi chỗ, từ đám bốc mả đến bàn hội nghị. Rồi họ tự cho là chúng rất có giá trị, chả là họ như một “pho bảng hiệu”, như “thương hiệu của các kiểu hội đồng”, nên họ như luôn ở trạng thái cần phải tự bảo quản. Nhất là họ lại được mấy anh “trí rởm” khúm núm-cung kính. Một đời họ chỉ chăm chăm vào bằng cấp, chứng chỉ, được mấy bài báo thì nghe ngóng để lấy giấy khen-tiền thưởng, đôn đáo ngược xuôi cho đủ điều kiện để được xét học hàm, rồi lúc nào cũng phải khúm núm e sợ người ta không bỏ phiếu… thành thử bộ dạng rất thảm hại. Mà hình như họ lén lén lút lút cho đến khi nhận được hàm-vị cao nhất, thì rồi họ lại thị uy ra oai bắt nạt kẻ đi sau, như để truy lĩnh những ngày tủi nhục… một đời như thế sao thành người đàng hoàng được (!?)..[...].   Cứ vào các nhà xuất bản ở các trường đại học, sẽ thấy rất nhiều đầu sách chỉ dùng cho việc xét học hàm, không bán được cho ai, vì chẳng ai dùng.  Tuy vậy, như để phát huy tinh thần dân chủ, nhất là để đề cao các “nhà khoa học”,  anh đã nhiều lần triệu tập để xin ý kiến về chiến lược phát triển này nọ, nhưng họ có biết khỉ gì đâu, chỉ lao vào tranh luận về những ngôn từ… thế là hết buổi. Người ta nỗ lực trong học thuật, để được thông tuệ-sáng láng, để biết tự do, để tâm hồn và thể chất ngày càng hoàn thiện, cùng với vẻ đẹp trí tuệ, nhưng họ thì… Anh biết họ rởm, nhưng chết nỗi hàm-vị của họ lại  được các hội đồng thật công nhận hẳn hoi, nên vẫn phải cấp nhà, cấp phòng làm việc cho họ… Ông nói như để xả hơi, như thể bao năm ông phải chịu đựng, và  hình như ông còn chưa muốn kết thúc những câu chuyện nhiều tập này.

Một lần khác trên taxi, ông tài xế, tuổi độ 50 bô bô rằng: Mấy trường trung cấp với cao đẳng ở quê tôi nhoáng một cái thành đại học hết, thằng con trai tôi học tại chức ở một trường đại học “củ chuối” bây giờ cũng thành giảng viên đại học, lại còn được mấy vị sư-sĩ gì đấy gạ nó làm nghiên cứu sinh. Chả biết nghiên cứu sinh là cái gì, nhưng nghe nó bảo là nghiên cứu khoa học… Tôi có học hành gì mấy đâu, nên tôi không hiểu. Nhưng nó mà cũng làm được khoa học, thì là cái khoa học đếch gì hả ông ? Kể cũng lạ, có lần tôi xế cho một gia đình về quê, cả nhà trên xe đều là sư-sĩ, ông bố trước học cùng với anh trai tôi đến hết cấp 2, thấy bảo cũng bình thường lắm… Cái món nghiên cứu khoa học dễ hơn cả cái nghề lòng lợn tiết canh hả ông… Dạ thưa ông… Và như từ âm hưởng hai câu thơ của cụ Tản vọng về, tôi lẩm bẩm: Dân chín mươi triệu thành học giả/ Mỗi đình làng là một viện hàn lâm.

Ngồi rỗi nhặt lại vài mẩu vặt, chẳng biết là góp vui, hay góp buồn để làng phán xét!

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443005

Hôm nay

2201

Hôm qua

2318

Tuần này

2818

Tháng này

218179

Tháng qua

112676

Tất cả

114443005