Khách mời văn hóa

Niềm tin, Nỗi sợ và Bạo lực

Phan văn Thắng: Thưa các anh, kỳ trước, chúng tôi, chúng ta đã trao đổi về bạo lực xã hội và đi đến một nhận thức chung là bạo lực xã hội sẽ tàn phá tương lai nếu không ngăn chặn được. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến bạo lực xã hội vẫn chưa được đề cập và trao đổi.

Hướng tới những tiếp cận khác nhau về vấn đề này, khách mời kỳ này của chúng tôi có sự tham gia của nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, nhà văn Văn Chinh và tiến sỹ Lê Thanh Nga.

Thưa các anh, chúng tôi muốn bắt đầu bằng câu chuyện có thật 100%, của tôi. Cách đây 1 năm, tôi ra Hà Nội, trên đường phố đông đúc, tôi bị hai gã bặm trợn áp sát vào phía sau, cố tình đạp vào xe máy của tôi, và vu vạ, rồi đòi tiền. Một trong hai kẻ đó cố tình đưa dao ra để đe dọa. Tôi kêu to, phản ứng. Chẳng ai quan tâm. Tôi phải đưa cho hai kẻ đó 300.000 đồng. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao là nạn nhân của bạo lực mà nhiều người, đa phần thì đúng hơn, trong đó, có lúc, là tôi, là các anh, vẫn phải câm nín?

Văn Chinh: Tôi đã được đọc Bàn tròn về bạo lực lần trước của các anh. Rất bổ ích. Rất hứng thú. Từ Bàn tròn kỳ trước, cũng gợi ý hướng suy nghĩ để nhập cuộc.

Từ câu chuyện có thật 100% của Phan Văn Thắng, tôi xin kể câu chuyện 99% sự thật. Đó là một cậu đi xe máy đâm vỡ đèn hậu một chiếc taxi. Lái xe taxi bắt đền, cậu lái xe không chịu; cả hai gọi công an. Công an lôi cả hai vào đồn, giam xe taxi 1 tháng; vì cộng thêm lỗi cãi CA: Đại loại sao nó sai anh lại phạt tôi?

 

Lê Thanh Nga: Thứ nhất, anh đã đầu hàng! Nếu thay vì kêu lên để tỏ ra anh rất yếu, anh đang cần sự giúp đỡ, anh hãy cố tỏ ra mình lì lợm, biết võ thuật hay giả làm động tác rút súng, có thể anh không những không phải đưa tiền mà hai bạn kia sẽ xin anh tha thứ và rất sẵn lòng đưa tiền cho anh nếu anh muốn. Mọi diễn biến lúc đónói rằng anh sợ bạo lực, những người gần anh lúc ấy sợ bạo lực. Hai kẻ kia, nếu gặp một thứ bạo lực thượng thừa hơn, cũng sẽ sợ như anh và những người gần anh lúc đó, và cả lúc này. Tôi hình dung trong đám đông không có biểu hiện quan tâm ấy, vẫn có ít nhất một vài người mủi lòng thương cảm. Có điều, vì một lí do nào đó, mà theo tôi, chủ yếu vìsự sợ hãi lấn át, họ đã không thể cất lời. Lúc ấy, có thể mồm miệng, tay chân họ không hoạt động nhưng não bộ của họ vẫn hằn những nếp thương cảm.

Thứ hai, bên cạnh sự sợ hãi trước bạo lực là khát khao được sống một cuộc sống yên ổn, dù là sự yên ổn bé mọn và đôi khi giả tạo.Tâm lí sợ bị liên lụy sẽ sinh ra tình trạng không rảnh rỗi để dính vào việc của người khác, nói cách khác là sự vô cảm.

Còn nữa, tôi biết có một vài cặp vợ chồng đánh nhau như cơm bữa, tuần vài ba bận, ban đầu hàng xóm láng giềng còn tới can ngăn, kể cả trưởng thôn hay bí thư chi bộ, nhưng họ, không những vẫn chứng nào tật nấy mà còn chửi mắng những người mà họ gọi là việc mình không lo, lo việc người khác. Điều đáng nói là mỗi khi có người can ngăn, thì cả người vợ và người chồng đều trở nên hung hăng hơn. Trong trường hợp này, tiếng nói của chúng ta không những không tạo ra hiệu quả mà còn tác động ngược lại.Từ đó, một số người nghĩ tốt nhất hãy im lặng nếu muốn mọi chuyện tốt hơn. Lúc ấy, chúng tôi xót xa thấy được ý chí bạo lực đã chiến thắng.

 

Đỗ Minh Tuấn:Tôi không đồng thuận lắm với giải pháp ứng phó với kẻ trấn lột bằng giải pháp mạnh đe doạ bạo lực ngược lại như TS Lê Thanh Nga đã  đưa ra. Vì giải pháp đó đã xây dựng trên một tiên đề có vẻ quy giản về tâm lý tội phạm, trong khi đó, trong thực tế, có vô vàn nhân cách bạo lực gắn với  các căn nguyên sinh lý, văn hoá và xã hội khác nhau, với rất nhiều ngòi nổ mà ta chưa thể biết và chưa thể kiểm soát. Có một số kết quả nghiên cứu khoa học xã hội quốc tế cho thấy bạo lực là kết quả của áp lực xã hội, và đến lượt nó là kết quả của điều kiện sinh học.Về sinh học, động vật linh trưởng thường có tính bạo lực do  lịch sử sinh học con người thường xuyên phải sử dụng bạo lực để săn bắn động vật lớn và cạnh tranh với nhau về nguồn lực. Con người thuộc các nền văn hoá săn bắn bạo lực hơn con người thuộc các nền văn hoá trồng trọt. Mặt khác, nhìn từ phương diện phát triển cá nhân, có thể thấy cơsởsinh học cho nguồn gốc của bạo lực qua các phát hiện khoa học vềviệc sựthích ứng với nỗi sợhãi liên tục có thểlàm thay đổi sựphát triển não của đứa trẻ, điều đó có thểdẫn đến thay đổi trong chức năng sinh lý, cảm xúc, nhận thức, hành vi và xã hội của nó. Chấn thương ảnh hưởng đến cường độvà bản chất của trải nghiệm cảm giác và cảm xúc của các sựkiện trong thời thơấu, trong khi mối đe dọa kích hoạt phản ứng căng thẳng của não, và sau đó có thểlàm thay đổi neurogenesis, synaptogenesis và sựphân biệt thần kinh. Do đó, tiếp xúc với bạo lực trong thời thơấu kích hoạt một sốphản ứng đe dọa, có thểlàm thay đổi bộnão đang phát triển và sửa đổi chức năng của nó. Các nhà khoa học kết luận rằng những thay đổi này phụthuộc vào loại kinh nghiệm về bạo lực và cách đứa trẻphản ứng với mối đe dọa. Các học thuyết vềnguồn gốc các nguồn gốc xã hội của bạo lực thì lạicho rằng trẻ em học cách bạo lực do tiếp xúc với các mô hình bạo lực và vì hành vi bạo lực được khen thưởng. Ý tưởng này xuất phát từ kết quả của thí nghiệm búp bê Bobo cổ điển của Bandura và cộng sự tiến hành năm  1961. Banduara đã chọn 72 đứa trẻ trong độ tuổi từ 3-4 tuổi tham gia, chia thành nhiều nhóm, một nhóm chơi trò ghép hình, còn nhóm lớn hơn chơi các trò khác. Sau đó vài phút nhóm lớn tuổi đã bắt đầu hành hung búp-bê như cào xước mặt và đánh đập (búp bê Bobo Doll cao tới 1,5 mét). Ngoài ra, nhóm trẻ này còn lăng mạ búp bê theo cách của chúng. Sau đó, nhóm tiếp tục được dẫn vào phòng mới cũng có búp bê Bobo Doll. Tại đây, chúng được phép tháo búp bê để “nghiên cứu” và trong khi cuộc chơi đang hào hứng, người ta đã bắt chúng phải dừng lại và từ bỏ đồ chơi, tất cả đều tức giận và kết quả người ta đã phát hiện thấy trên 400 hành vi bạo lực đối với búp bê Bobo Doll, phần lớn là học được từ những đứa trẻ có cá tính hung hãn. Thí nghiệm cho thấy rằng trẻ em sau khi đã theo dõi mô hình hung hăng được khen thưởng vì sự hiếu chiến có thể bắt chước các hành vi bạo lực trong trò chơi. Nhưvậy, đứng trước một kẻtrấn lột, ta không thểbiết đó là một kẻtàng tật vềtâm thần, bịtổn thương do các ứng xửbạo lực thời thơấu, hay đơn giản chỉlà một con nghiện trò chơi điện tửđầy bạo lực? Vì thế, nếu ta dùng cách lấy lửa dập lửa e rằng sẽcó thểkích hoạt một nguồn năng lượng bạo lực lớn hơn từ bộ não bệnh hoạn của kẻ đó. Còn  ứng xửthếnào thì không thểbàn theo cách phạt nguội ởđây, mà phải tuỳ theo sựmách bảo của trực giác và hoàn cảnh.

 

Phan văn Thắng: Nỗi sợ làm cho chúng ta hèn chăng? Thưa các anh, bạo lực, như câu chuyện tôi kể ở trên là giữa các cá nhân trong xã hội. Còn nhiều biểu hiện khác, ví như các hãng độc quyền cứ thích tăng giá là họ tăng, rồi các địa phương của thích đặt phí này, phí nọ là họ cứ đặt. và mọi người cứ thế phải chấp nhận. Đó có phải là bạo lực? và tại sao mọi người cứ phải chịu đựng thứ bạo lực quái gỡ này?

 

Văn Chinh: Không phải nỗi sợ, khi xã hội quá nhiều người không tin vào luật pháp nữa, người ta phải tự xử; khi xã hội coi tự xử là việc của 2 người thì người thứ ba mặc kệ. Xin lưu ý: Tại TP HCM và cả Hà Nội nữa, nhiều lái xe ôm, nhiều thợ cơ khí đuổi bắt cướp, họ đâu có hèn?

 

Lê Thanh Nga: Trừ khi cả dân tộc đối mặt với ngoại bang, hay các tập đoànđối mặt với nhauvì lợi ích nào đó, ở phương diện cá nhân, người Việt đaphầnhaytranh chấp lợi nhỏ nhưng ngại va chạm lớn, bắt nạt người yếu nhưng dè chừng kẻ mạnh (trường hợp như võ sư Châu, võ sư Linh không nhiều, mà cũng chỉ là giao hữu, mà cũng chưa biết câu chuyện phía sau là gì). Xuất thân là nông dân, người ta thích yên ổn trên từng mẩu ruộng của mình để giữ lấy sản nghiệp bé nhỏ không dễ gì gây dựngvới bản chất mộtgiai cấp hữu sảnhạng bét. Người Việt Nam có những câu nói khá lí thú cho thấy họ tâm đắc với điều này: “được vạ má sưng”, “con kiến kiện củ khoai”, “châu chấu đá xe”, “được mười bốn quan năm, thua mười lăm quan chẵn”; với kẻ khác, họ càng không muốn xả thân: “ôm rơm rặm bụng”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, “ách giữa đàng ngoang vào cổ”, “ốc không lo thân ốc đi lo cọc mọc rêu”... Thậm chí người Việt, cũng như người các dân tộc khác, đánh giặc trước hết là bảo vệ mình, là bảo vệ sản nghiệp của mình, nên mới có câu “nước mất nhà tan”. Trần Quốc Tuấn trong Dụ chư tì tướng hịch vănluôn dặt quyền lợi của tầng lớp quý tộc song song với quyền lợi của tì tướngđể kêu gọi trách nhiệm của tầng lớp này; thậm chí theo một số tài liệu, ông chính là người chủ trương giải phóng gia nô, chia điền địa cho dân khi hay tin Nguyên Mông chuẩn bị phát động chiến tranh xâm lượcđể họ tự nguyện đánh giặc giữ đất giữ ruộng; trong Cách mạng, những người lãnh đạocũngđã rất tinh tế vận dụng triệt để chiến thuật này khi nêu khẩu hiệu “người cày có ruộng”…; Về chính trị, ta thấy người Việt thời trung đại (cũng như người Tàu) luôn được giáo dục phải phục tùng: quan được coi là “dân chi phụ mẫu”, ý quan được coi là “đèn trời”… điều này khiến tinh thần phản kháng bị tê liệt.  Người Việtngày nay chắcvẫn còn chịu ít nhiều ảnh hưởngcủa truyền thống đó…Rồi nữa,đôi khi người ta im lặng trước bạo lực, trước quyền lực vì họ tin rằng thế có thế lực bảo kê cho cái ác hơn là tin rằng có ai đó có đủ sức mạnh đểđồng hành với họ trong cuộc chiếntriệt tiêu cái ác. Tôi đang chờ xem vụ ông trung tướng lăng mạ cảnh sát giao thông, đòi cách chức cả giám đốc công an tỉnh nọ sẽ được xử lí như thế nào.Còn câu chuyện tăng giá của các hãng độc quyền? Vì đơn giản là họ được… độc quyền!Các tỉnh tự thu phí ư? Trừ phi những tỉnh ấy có một ông vua!

 

Đỗ Minh Tuấn: Ở đây, câu hỏi của anh Thắng là một  câu hỏi kép, bề ngoài là câu hỏi ứng xử với bạo lực quản lý của các ngành, các hãng độc quyền, nhưng thực ra bên trong câu hỏi này lại hàm chứa câu hỏi về thể chế kinh tế vĩ mô. Do đó, trả lời câu hỏi về tính bạo lực, áp đặt của các hãng, các công ty và các ngành độc quyền không thể không liên  quan đến thể chế kinh tế vĩ mô  đã sinh ra các đơn vị độc quyền này. Nói cách khác, đây là một bạo lực quản lý có gốc rễ thể chế, khi kinh tế quốc doanh tầm gửi vào ngân sách, vừa tham nhũng, thất thoát lãng phí, vừa lạm dụng lợi thế doanh nghiệp nhà nước và các nhóm lợi ích khủng để áp đặt thuế, giá cho xã hội. DNNN đã trở thành một khối u lớn mà Đảng, Chính phủ và Quốc hội cùng dư luận xã hội bức xúc từ lâu vì nó vừa cản trở hội nhập, vừa làm thất thoát ngân sách, vừa ngang nhiên hành xử bạo lực với toàn xã hội. Bạo lực quản lý này đã tồn tại từ lâu, nhưng chưa được bàn đến nhiều, có lẽ đây là lần đầu các anh đưa ra vấn đề này một cách chính thức để cùng bàn thảo từ góc độ văn hoá và học thuật. Tinh thần câu hỏi của anh Phan Văn Thắng là “Tại sao mọi người vẫn cứ phải chịu đựng thứ bạo lực quái gở này?”. Ở đây, câu trả lời không còn nằm trong địa hạt tâm lý, nhân cách và bản lĩnh của xã hội nữa, mà nằm gọn trong cấu trúc boongke lỳ lợm của thể chế kinh tế hiện hành mà các nhóm lợi khủng bố bạo lực kinh tế với toàn xã hội đang trú ẩn an toàn trong đó. Vì sao? Vì từ nhiều năm nay, “mọi người, như cách anh Thắng gọi xã hội, vẫn phản ứng mạnh mẽ trên công luận và trên mạng xã hội mỗi khi có những hành vi bạo lực kinh tế, nôm na là trấn lột tiền dân của các hãng độc quyền, tiêu biểu là các hãng xăng dầu. Tăng giá bằng quyền lực độc quyền đã là bạo lực, tăng giá nhân danh bảo vệ môi trường là hai lần bạo lực và tăng giá nhân danh thu thuế là ba lần bạo lực. Các ngành các hãng độc quyền nhân danh nhà nước, ẩn nấp sau  lô-cốt boong-ke của các nhóm lợi ích, bắn ra những quy định, quyết định bạo lực như bắn súng liên thanh như vậy, thì  “mọi người” biết làm sao mà không cam chịu? Đây là một câu hỏi giống như câu hỏi của Phật khi Ngài chìa chiếc bát không ra hỏi: “Trong cái bát này có sợi tóc không?”. Mọi người nói rằng “Không có!”. Phật nói: “Trong cái bát này có bao nhiêu thứ không có, sao lại chỉ nói là không có sợi tóc? Phải nói rằng: Vấn đề không nên đặt ra”. Để trả lời câu hỏi “Tại sao xã hội cứ phải chịu đựng những bạo lực quản lý trong các hành vi tăng giá, tăng tuế của các ngành các hãng độc quyền?”mà anh Thắng đặt ra, ta cũng phải học theo cách trả lời của Phật là “Vấn đề không nên đặt ra khi xã hội  chưa có được một cái lồng để nhốt quyền lực vào như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hằng mong muốn!”

 

Phan văn Thắng: Cái ác vẫn nhởn nhơ và người yếm thế chưa được bảo vệ như họ đáng được hưởng. Phải chăng cái tốt còn lại quá ít trong xã hội, trong mỗi con người?

Văn Chinh: Vâng, người tốt còn lại ít, cái tốt trong mỗi con người cũng chỉ đủ dùng cho gia đình, bè bạn; nhân thể, họ cũng tham dự vào tinh thần “mặc kệ” cho 2 kẻ tự xử với nhau. Đó là chỗ để cái ác nhởn nhơ và có thể còn thách thức nữa. Nhân thể nói ngay: Lần sau gặp xô xát, cậu lái xe taxi có đến nhờ CA can thiệp nữa không? Câu trả lời sẽ là nguyên nhân của quy trình tự xử; quy luật của cái ác sinh sôi theo cấp số nhân.

 

Lê Thanh Nga: Năm ngoái có một thông tin khiến tôi hai lần sốc. Đấy là chuyện cộng đồng mạng chia sẻ và ca ngợi mạnh mẽhình ảnhmột lương y ở Hà Nội cứu chữa một ông Tây say nắng, như một sự việc động trời. Sốc vì tôi thấy cứu người là chuyện bình thường, với một lương y, hành động đó lại càng bình thường, không có gì phải ầm ĩ. Sau nghĩ lại, thấy cộng đồng mạng đã sốc một cách rất có lí, và tôi lại sốc tiếp, vì lâu nay chỉ thấy người thấy nạn không những không cứu mà còn tranh thủ lợi dụng hôi của, hoặc ít nhất cũng xúm lại xem gây ách tắc giao thông mà không hề giúp đỡ, nay tự nhiên lại mọc ra một ông có lương tâm! Nghĩa là anh nói đúng. Nó đúng một cách tàn nhẫn như thế này: có thể cái tốt hay người tốt vẫn còn nhiều hơn chúng ta nghĩ,nhưng một khi cái tốt, người tốt ấy không có điều kiện (không được kích hoạt, không được bảo vệ) để xuất hiện, thì cũng vô giá trị, có thể coi là không tồn tại. Thêm nữa, có những cái tưởng như tốt, hay vô hại hóa ra lại có hại, như việc cái loa xóm cứ chĩa vào nhà tôi lải nhải ngày ba bữa những nội dung kiểu thông báo hiện nay không có gì để thông báo, mà tôi cảm nhận đấy cũng là một biểu hiện của bạo lực… Cũng cần nói điều này, tôi có cảm giác, cái tốt bây giờ cũng xổi như cái xổi nói chung của người Việt: thấy một việc xấu, tất cả sục sôi lên án một lát, (chủ yếu là bằng “võ mồm”) nhưng sau đó là quên hết.

 

Đỗ Minh Tuấn: Về vấn đề này tôi đã có một bài viết giải mã tâm thức Việt trong tục ngữ để thấy tinh thần bi quan thoả hiệp có nguồn gốc từ lâu đời, đã trở thành một trạng thái bền vững trong tâm thức cộng đồng. Nhân vật chính của tục ngữ Việt Nam là con người của thói đời - một con người tham lam ích kỷ dựa dẫm, thích nịnh, dễ tự ái, lừa lọc, phản bội và độc ác… Nó có voi đòi tiên; đứng núi này trông núi nọ; của mình thì giữ bo bo, của người thì thả cho bò nó ăn; lời nói của nó là đọi máu, tin nó thì mất vợ. Còn cuộc đời trong tục ngữ là một cuộc đời bất công, éo le, nén bạc đâm toạc tờ giấy, cốc mò cò xơi, làm phúc phải tội, ngu si hưởng thái bình, thánh nhân đãi kẻ khù khờ, ghét của nào trời trao của ấy…Sống trong một xã hội có những con người độc ác xấu xa và phức tạp như thế, một xã hội đầy tính chất tương đối thì người khôn ngoan là người cảnh giác, linh hoạt và tương đối. Tinh thần lo âu, tinh thần đối phó, tinh thần tương đối xuyên suốt các câu tục ngữ như là một linh hồn của trí khôn ngoan ứng xử của người Việt. Nội dung của trí khôn ngoan ứng xử đó là:

1-Người Việt không khuyên con người tiến công mà luôn khuyên con người phòng thủ, thậm chí nhượng bộ, thoả hiệp để giữ mình (Tránh voi chẳng xấu mặt nào; Một điều nhịn chín điều lành); cảnh cáo những kẻ chủ động tiến công trong cuộc sống (Sinh sự sự sinh; Gieo gió gặt bão). Có thể tinh thần chịu đựng nhẫn nhục này xuất phát từ một quan niệm duy tâm về sự chiến thắng tất yếu của cái xấu cái ác và thế mạnh tuyệt đối áp đảo của nó trong mọi thời đại.

3- Rất nhiều câu tục ngữ khuyên con người ứng xử theo tinh thần mức độ, phải chăng, không nên tuyệt đối hoá một mục tiêu, một con đường (Làm đĩ chín phương để một phương lấy chồng; Giấy rách giữ lấy lề; Lành làm gáo, vỡ làm môi). Tính chất nửa vời, tính chất nước đôi đó có nguồn gốc từ lịch sử phát triển của dân tộc tạo ra những vấn đề gác lại không được giải quyệt triệt để (vì đoàn kết, vì tình nghĩa, vì tính đến chữ ngờ, vì biết rằng thời gian tự nó có thể làm đổi thay trật tự và giá trị - để lâu cứt trâu hóa bùn (!)…).Do đó, người Việt Nam chưa có tinh thần triệt để trong tư tưởng và hành động. Nhiều người nói đến tính chất đa nguyên, lưỡng hợp của văn hoá Việt Nam. Đó cũng là một nguồn gốc tinh thần của trí khôn ngoan ứng xử nửa vời, nước đôi này.

 4.Quan niệm được sự đa dạng sinh động của cuộc sống con người nên không chấp nhất, trái lại luôn thừa nhận sự khác biệt để thích ứng. Tục ngữ nói nhiều đến cái lý‎ của sự khác biệt để khuyên con người đừng câu nệ một nguyên tắc mà phải tuỳ, phải lựa, phải liệu (Tuỳ cơ ứng biến; Tuỳ mặt đặt tên; Tuỳ tiền biện lễ; Liệu bò đo chuồng; Liệu mặt gửi vàng; Liệu cơm gắp mắm; Lựa gió xoay chiều; Lựa lời mà nói). Tinh thần linh hoạt, cụ thể là đặc điểm quan trọng của trí khôn ngoan ứng xử của người Việt.

Có thể nói, qua tục ngữ thể hiện rõ một thế ứng xử đầy tính chất sách lược, giữ mình của người Việt mà mặt tích cực là sự thận trọng linh hoạt, quyền mưu; mặt tiêu cực là thoả hiệp, thói cơ hội, lựa gió xoay chiều. Không có thế tiến công của một l‎ý tưởng, một tư tưởng, ứng xử của người Việt qua tục ngữ chỉ có sự đối phó thực dụng, sự thích nghi với hoàn cảnh cụ thể và chấp nhận những khác biệt, những giới hạn mà thôi! Do đó, có thể thấy điều mà anh Thắng băn khoăn là bản tính bền vững của dân tộc Việt Nam rồi! Đó là mảnh đất cho các loại bạo lực chính trị, bạo lực kinh tế và bạo lực văn hoá từ bao đời nay bắt rễ và nảy nở ngày càng mạnh mẽ.

 

Phan văn Thắng: Tôi muốn được các anh chia sẻ ý kiến của mình là có nguyên nhân từ truyền thống văn hóa, đạo đức hay không?

 

Văn Chinh: Truyền thống không chịu trách nhiệm mấy về hiện trạng bạo hành hôm nay; nó hẳn sẽ khước từ thành tựu hôm nay chúng ta định gán cho nó. Tại tất cả các bệnh viện Hà Nội mà tôi đến, trùm xe taxi đều nắm quyền cho hay cấm một chiếc taxi lăn bánh. Một đứa trẻ chết trong cuộc tranh cãi tại cổng bệnh viện Việt Đức rằng xe nhà có quyền chở em về hay phải thuê xe tại đó; tội lỗi này bị cư dân mạng trút lên đầu Giám đốc bệnh viện trong khi địa chỉ của nó phải là những người có quyền cho (hay không cho) phép trùm xe tặc hoành hành. Truyền thống không có “cửa” làm ăn cho các tay anh chị kiểu này. Truyền thống là dân bị ai bắt nạt thì thưa cụ Lý, cụ Lý có thiên vị mấy cũng chỉ, đáng lẽ phạt thằng xe ôm 9 trượng thì nhận tiền rồi cho “đánh”làm phép nhưng chắc chắn phạt vạ xe ôm chữa đèn xe cho xe hơi taxi; nếu không, nó kiện lên quan thì thầy Lý mất xơi. Đó cũng là nguyên nhân các Phe, Giáp trong làng xã xưa đều phải xử sao cho còn rất ít oan ức; ít đến mức kẻ bị oan “chả bõ” đưa vụ án lên trên.

Tôi vào tuổi 70, cái tuổi khả dĩ nhìn suốt cả quá trình lái con tàu xã hội chệch khỏi đường ray truyền thống. Nhưng tôi không quá bi quan. Khi xã hội nhìn thấu suốt rằng, nếu im lặng để kẻ cướp rạch túi người bên cạnh (cướp đất, cướp nghề, cướp lẽ phải…) thì rồi cuối chót, nó rạch túi mình; khi tất cả thấy vậy, xã hội sẽ tìm ra cách để sửa – tôi tin chắc như thế!

 

Lê Thanh Nga:Tôi cho rằng truyền thống ít nhiều phải chịu trách nhiệm, ít nhất ở hai khía cạnh: thứ nhất, như tôi đã từng nói, kiểu tư duy, tâm tính của nền sản xuất nông nghiệp, hoặc do lịch sử chiến tranh. Nếu anh từng đọc/nghe những truyện người ta nghĩ ra chỉ để mà cười trong dân gian, cũng đầy màu sắc bạo lực, kiểu Ba Giai, Tú Xuất đi thi chửi với mấy bà hàng xén chẳng hạn. Tuy nhiên, điều này chìm đi trong thứ “gen” di truyền, khó thấy và không trực tiếp. Thứ hai, chính bản tính ưa yên ổn của người Việt cũng là cách tạo điều kiện cho sự hoành hành của bạo lực. Tuy nhiên, về nguyên nhân trực tiếp, tôi tán thành với ý kiến của nhà văn Văn Chinh. Bạo lực của ngày hôm nay chủ yếu có những nguyên nhân trực tiếp từ thời đại chúng ta.

 

Đỗ Minh Tuấn: Tôi cũng nhất trí với các anh là bạo lực hôm nay có nguyên nhân trực tiếp chủ yếu từ thời đại chúng ta.Những bạo lực của  mỗi dân tộc hôm nay đều gắn với gốc rễ bản năng sinh tồn và tâm tức văn hoá từdi sản của cộng đồng dân tộc truyền thừa từ trăm năm, ngàn năm trước. Các học giả đã nhận định rằng bạo lực của người Mỹ hôm nay gắn với truyền thống cao bồi miền Tây, mọi người phải hoang dã hơn, phải tự làm mọi việc để tự bảo vệ mình trong những lãnh thổ ngoài vòng pháp luật này. Văn hoá súng từ thời kỳ đó vốn có từ sự sợ hãi trước những điều chưa biết trong thế giới bí hiểm, hoang dã. Nhiều người Mỹ tin rằng họ có thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào tốt hơn cảnh sát và đó là lý do tại sao họ phải sở hữu một khẩu súng. Hay bạo lực của người Trung Hoa hôm nay gắn với truyền thống du mục săn bắn của họ. Người Việt chúng ta bản tính hiền hoà do nền văn minh trồng trọt tạo ra, nhưng trong chính cái hiền hoà, trọng tình cảm đó lại ẩn chứa những xung năng bạo lực tiềm ẩn bên trong con người và xã hội do văn hoá Việt vừa trọng tình, vừa mang tính giả hình, vừa thiếu khuyết lý tính. Trong khi ở các xã hội khác, những xung đột xã hội luôn có cơ hội được trồi lên bề mặt qua các quy ước và định dạng lý tính, thì trong cộng đồng người Việt tình hình ngược lại. Sự nể nang, sự  bỏ qua không chấp do chữ Tình và tâm thức khoan dung Phật giáo đã đẩy các xung đột xã hội vào sâu trong tiềm thức và cư trú lâu dài trong đó, tạo nên những stress văn hoá xã hôi tích tụ trong chiều sâu tâm thức sẵn sang bùng ra mãnh liệt. Đó là cơ chế của hành xử “Con giun xéo lắm cũng quằn”, “Hiền thì cục”;“Thù này ắt hẳn còn lâu/ Trồng tre thành gậy gặp đâu đánh què”. Những stress văn hoá chất chồng trong tiềm thức chính là nguồn năng lượng truyền đời vô tận của bạo lực gia đình và xã hội trong cộng đồng người Việt. Trong môi trường xã hội Việt Nam hôm nay, có hàng ngàn hàng vạn nguyên nhân trực tiếp từ bất công, đói nghèo và áp bức  kích hoạt nguồn năng lượng thù hận đã đào sâu chôn chặt trong tâm thức ấy lên.

 

Phan văn Thắng: Sự tự ý thức sức mạnh của mình, lòng tự trọng của người thời nay hình như cũng sa sút? Nếu vậy chắc là phản ánh một điều gì đó ghê gớm lắm về văn hóa?

 

Lê Thanh Nga:Con người ý thức được sức mạnh thực sự của mình, con người thực sự có tự trọng thì sẽ không làm chuyện bạo lực, trừ những tình thế bất khả kháng. Bạo lực chỉ có ở những kẻ yếu đuối, thiếu tự tin, thiếu tự trọng. Ngay khi tôi lớn tiếng trước với ai đó trong bàn nhậu là tôi đã thể hiện sự yếu đuối rồi. Không có một vị lãnh đạo nào đủ tự tin vào năng lực và phẩm giá của mình mà lại trút bạo lực lên thuộc cấp (tôi muốn nhấn mạnh: sự đàn áp dân chủ trong các cơ quan mà ta thường nghe nói tới, xét đến cùng chính là hành vi bạo lực).Không có học trò có giáo dục nào lại đánh thầy, không có người con có giáo dục nào lại đánh cha mình. Tương tự, con người tự ý thức được sức mạnh của mình, con người có tự trọng cũng sẽ không đầu hàng trước cường quyền. Nhưng người ấy sẽ phải trả giá. Số ít những người có tự trọng ngày nay đều thiệt thòi và rất cô đơn! Đó là những cảnh báo chúng ta về văn hóa. Xin nói thêm rằng trong trường hợp của một kẻ thiếu tự trọng, sự tự tin vào sức mạnh của bản thân sẽ trở nên mỉa mai, lố bịch, và đáng thương, nhất là khi anh ta tin rằng có một bệ đỡ nào đó cho mình.Vụ việc của ông trung tướng kia khiến tôi suy nghĩ rất nhiều!

 

Văn Chinh: Sa sút, nhất định rồi. Và không chỉ có dân sa sút, quyền lực cũng sa sút. Nếu tự tin vào lẽ phải, quyền lực đã không đánh cụ Kình ở Đồng Tâm gẫy chân. Nếu tự tin và tin vào pháp luật, đã không lừa dân ra đo ruộng tại thực địa rồi bắt họ. Nếu tự tin và tin vào pháp luật, dân Đồng Tâm đã không dám bạo hành (bắt 38 CSCĐ làm con tin rồi ép buộc chủ tịch thành phố phải ký cam kết với dân). Đó là bạo lực đẻ ra bạo lực.

Anh nói đến văn hóa khiến càng đau lòng. Văn hóa nhiều định nghĩa, chung quy, cái gì tồn tại hàng trăm năm, kết tủa lại thì thành văn hóa. Đã chống chọi nổi thời gian (cùng vi khuẩn, vi rút) hẳn văn hóa phải có cơ chế miễn dịch nào đó. Ấy là tôn ty trên dưới, phải trái, lý lẽ (không lấy thịt đè người…) Cái tôn ty ấy bị phá vỡ tức là văn hóa bị phá vỡ. Chúng ta đã chống lạm phát 3 con số trong 1 năm, chống suy thoái trong 10 năm, mất khoảng 100 năm để chống tham nhũng. Nhưng để chống văn hóa suy thoái, phải tính thời gian hàng thế kỷ!

 

Đỗ Minh Tuấn: Tôi lại nghĩ khác. Người Việt vốn sỹ diện và tự trọng, những nhu cầu tự tôn cá nhân luôn bị dìm xuống bởi nhu cầu văn hoá khiêm nhường, chịu đựng trước xã hội theo cơ chế xung đột giữa tình và lý tạo nên những stress tự ái, tự trọng tích tụ trong chiều sâu tâm thức. Nhưng năng lượng tiêu cực tích tụ này  dễ bùng lên nhất và dễ kích thích bạo lực nhất khi con người cảm thấy bị  bất công, xúc phạm, coi thường khi giao tiếp trong các môi trường thiếu nền tảng văn hoá ứng xử nhân văn của xã hội hôm nay.

 

Phan văn Thắng: Tôi nghĩ mỗi khi người ta tự làm, tự chấp nhận cho/để mình hèn đi cũng có nghĩa là họ đã mất niềm tin.

 

Lê Thanh Nga: Có nhiều dạng niềm tin: niềm tin vào pháp luật, niềm tin vào con người, niềm tin vào chính mình, niềm tin tâm linh… Muốn biết mức độ tin tưởng vào pháp luật, vào bộ máy công quyền, vào con người, vào chính mình thì cứ nhìn vào việc hành pháp, vào các vụ dân tự phát đốt người, bắt người chỉ vì nghi ngờ là trộm chó, là bắt cóc trẻ em, việc các biệt phủ thay nhau mọc lên trong thời gian gần đây… Còn nếu nói về niềm tin tâm linh, xin cho phép tôi được nghi ngờ cái gọilà niềm tin tâm linh của người Việt, đúng ra là nghi ngờ văn hóa tâm linh của người Việt hiện tại. Một dân tộc có niềm tin tâm linh đích thực sao lại có nhiều tôn giáo đến thế?Một dân tộc có niềm tin tâm linh thực sự sao trong bản sớ tấu nhiều người đọc lên trong các ngày lễ lại có tên cả thần, tiên, phật?Lại đứng trong đền thờ Đức thánh Trần mà xướng cả tên Phật để xin xỏ? Một dân tộc có niềm tin tâm linh thực sự sao một người trong một buổi sáng có thể đi lễ ở cả đền, cả chùa? Tôi thấy phần lớn những người đi lễ hôm nay chỉ nhằm mưu cầu danhlợihoặc ít nhất là cầu một cuộc sống yên ổn, là đi tìm một niềm tin giả để cứu chuộc nỗi đau không có một niềm tin thật. Tóm lại, chúng ta đang sống, trong một xã hội, không phải mất niềm tin, mà vốn không có niềm tin. Và hình như không phải chúng ta đang tự để cho mình hèn đi, mà vốn chúng ta đã hèn rồi, rất hèn (ở đây tôi xin không tính dũng khí của dân ta trong các cuộc đấu tranh vệ quốc, đấy là một câu chuyện khác).

 

Đỗ Minh Tuấn: Thái độ hoài nghi bao trùm trong tục ngữ Việt, thể hiện rõ thái độ lo âu, đối phó mất tiềm tin từ bao đời nay. Không có câu tục ngữ nào khuyên con người trẻ trung tin cậy con người, ngược lại rất nhiều câu khuyên con người cảnh giác đề phòng tất cả, kể cả với bạn (Tin bạn mất vợ, tin bợm mất bò) và khuyên con người đắn đo giữ gìn thận trọng, nhất là giữ miệng (Thế gian ai học chữ ngờ; Vạ tay không bằng vạ miệng). Tinh thần bi quan, hoài nghi, thủ thế đối phó  xuyên suốt trong tục ngữ như một vết thương nhức nhối cả ngàn năm. Đến bây giờ xã hội ngày càng nhiều biểu hiện suy đồi, cái xấu cái ác ngày càng lên ngôi ngạo nghễ công khai thì lý do gì để con người hôm nay có niềm tin vào xã hội, vào tương lai? Nềm tin đã bị lịch sử nô lệ hàng ngàn năm đánh cho thập tử nhất sinh, thời đại bây giờ đã có những quan tâm gì, những phương thuốc gì hồi phục cho người Việt niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai mà  trách người Việt đánh mất niềm tin? Nói thẳng ra  là người Việt từ ngàn xưa thừa đạo lý, thừa niềm tin, nhưng nhiều thời kỳ bị giặc ngoại xâm Trung Hoa, Mông Cổ, Pháp, Nhật…và bè lũ tay sai đày đoạ trong chiến tranh và trong cuộc sống nô lệ đói ăn, đói công lý, đói tự do. Nên ngay từ thời thực dân nửa phong kiến người Việt đã coi niềm tin là thứ công cụ để kiếm cơm. Khi hạn hán, người Việt mang tượng thần tượng Phật ra phơi nắng để các ngài thấu nỗi khổ của dân mà phù hộ cho mưa xuống. Đó là một hành vi bạo lực tâm linh có lẽ chỉ người Việt có. Căn nguyên là từ thân phận cùng cực đói nghèo và đau khổ. Nhà văn Đặng Đình Hưng có lần tâm sự nửa đùa nửa thật với tôi rằng: “Lạy ba lần không được là anh đánh đấy, Tuấn ạ!”. Cái phương châm sống nửa đùa nửa thật của ông hoá ra lại là sự bộc lộ của một thân phận Việt tương tự như cái cách người xưa lạy thần linh không được đem tượng thần tượng Phật ra phơi nắng! Cho nên, đừng coi niềm tin là một nghĩa vụ. Hãy nghĩ ngược lại: Thần linh, chính quyền và xã hội ở một thời kỳ nào đó có đáng tin không? Và có phải chính những đối tượng của niềm tin này mới cần được chất vấn: “Vì sao các vị lại đánh mất niềm tin của nhân dân, đồng nghĩa với đánh mất luôn ý nghĩa và cảm hứng sống của họ trong cõi đời trầm luân, cùng khổ?” 

 

Văn Chinh: Nền tảng đạo đức dựa trên nền tảng pháp lý, dựa vào nhau, cơ hữu nhau. Cả hai lại phải dựa vào Tâm linh (Chúa, Phật, tổ tiên…) Triết gia Nga vĩ đại Vladimir Saloviev (1853 – 1900) có xác định chân kiềng của đạo đức là Lẽ phải, Tính biết xấu hổ, Tình thương yêu và niềm tin tôn giáo. Xin lấy ngay tôi làm ví dụ: Tôi sống giữa thời nền tảng đạo đức và nền tảng pháp lý sa sút, nhưng tôi không bạo hành, không phạm pháp là vì tôi sẽ lấy làm xấu hổ vì mình sẽ mang tiếng là “lấy thịt đè người” trong khi tôi luôn được dạy: “Khôn không qua nhẽ, khỏe chẳng qua nhời.” Hơn nữa, tôi có niềm tin vào Đức Phật.

Tôi nhận thấy, Đạo đức xã hội sa sút; nền tảng Pháp lý vênh vao là bạo hành lan tràn ngay là vì chúng ta đã phá vỡ niềm tin Tâm linh. Sau khi phá vỡ Tâm linh, chúng ta phục hồi bằng cách xây chùa tô tượng lấy ghi nét làm mục đích – nhà sư “hành hương” bằng xe khủng, smartphon đời mới nhất và “thị trường hóa” những bài giảng kinh Phật, các khóa lễ giải hạn... Ấy lại là một sai lầm khác, góp sức gia tăng bạo hành!

 

Phan văn Thắng: Tôi nghĩ đến bên cạnh nền tảng đạo đức là nền tảng pháp lý của vấn đề bạo lực và phản bạo lực. Khi bạo lực có chiều hướng gia tăng có nghĩa là cả hai nền tảng này này có chiều hướng ngược lại, suy giảm. Chúng ta đã có nói về đạo đức, về niềm tin…, chúng ta thử xem xét khía cạnh hay là nền tảng pháp lý của vấn đề này?

 

Lê Thanh Nga:Về câu chuyện pháp lí, tôi nghĩ câu chuyện cậu taxi và cậu xe máy mà nhà văn Văn Chinh vừa kể trên đây là một ví dụ rất sinh động, vừa thú vị vừa đau đớn. Tôi xin nói thêm rằng, muốn bàn về nền tảng pháp lí, tốt nhất hãy nhìn vào các vụ án oan sai được phát hiện trong những năm gần đây, có cả án tử hình, án chung thân, án oan chồng án oan như trường hợp ông Huỳnh Văn Nén. Tôi xin nhấn mạnh, đó chỉ là những vụ án mà nạn nhân may mắn đòi được công lí, và chúng ta được biết.

 

Đỗ Minh Tuấn: Pháp lý ở ta còn nhiều bất cập, chưa mấy khi đạt tầm công lý, nên nhiều khi lại kích thích và tích tụ thêm bạo lực, vì khơi sâu thêm bất công và thù hận. Mặt khác, các quy định pháp lý về chiếu phim, về trò chơi điện tử nhằm bảo vệ tâm hồn và nhân cách cách lớp trẻ hầu như rất hình thức, không phát huy hiệu lực trong thực tế. Cụ thể, trong các rạp chiếu phim  vẫn tràn ngập phim kinh dị và bạo lực nước ngoài, khán giả thiếu nhi vào xem thoải mái. Về khía cạnh khoa học của vấn đề này có hai quan điểm. Quan điểm bảo vệ phim ảnh và trò chơi điện tử có tính bạo lực cho rằng phim bạo lực và trò chơi điện tử không phải là nguyên nhân gây ra tính bạo lực cho khán giả và người chơi. Có người còn đưa lên bức tranh vẽ một cái tẩu và nói rằng không thể quy cho bức tranh cái tẩu này tội làm con người nghiện thuốc và bị ung thư. Quan điểm chống lại phim ảnh và trò chơi bạo lực dẫn ra nhiều lập luận và bằng chứng cụ thể về vai trò của các loại hình giải trí này tác động vào sự hình thành nhân cách bạo lực ra sao. Thế giới đã có bài học nhãn tiền về tác hại khôn lường của phim kinh dị và bạo lực. Đó là vụ sát nhân hàng loạt của một tội phạm Mỹ fan cuồng của phim “The Dark Night”. Buổi chiếu đầu tiên của bộ phim kinh dị “The Dark Knight” được chiếu trong 3.700 rạp trên toàn nước Mĩ vào lúc nửa đêm. Khi đó, đều có những suất chiếu cho Batman 2, ngay trong 3 ngày đầu tiên, các suất đêm đã đem về 18.5 triệu đô la. Năm 2013, nhà sản xuất phim “The Dark Night Rises” cũng quyết định mở màn suất chiếu đầu của vào lúc nửa đêm để có một hiệu ứng ấn tượng như phần trước. Và bộ phim đã đi vào đời sống một cách khủng khiếp, khi một fan cuồng của nhân vật chính tên là James đã nhuộm tóc đỏ và hóa trang thành Joker nhân vật chính của phim để xả súng giết người hàng loạt. Báo chí thế giới đã đồng loạt cho rằng vụ xả súng là cú sốc lớn thức tỉnh nước Mỹ nói riêng và nhân loại nói chung về tác hại khôn lường của phim bạo lực khi nó trở thành một năng lượng ám thị người xem và tích tụ trong chiều sâu tâm thức tạo thành những nhân cách bệnh hoạn hành động độc ác và man rợ theo vô thức.

 

Phan văn Thắng: Gia đình và nhà trường có lỗi gì đối với tình trạng bất lực trước bạo lực?

 

Lê Thanh Nga: Dĩ nhiên là có. Trong bàn tròn số trước, tôi có nói đến tình trạng con vàng con bạc trong một gia đình chỉ có một hoặc hai con. Đấy là sự thiếu trách nhiệm, thậm chí vô trách nhiệm. Thêm nữa, trước những áp lực từ phụ huynh (tố cáo, đe dọa, hành hung thầy cô giáo nếu động chạm đến con mình) và từ cơ quan giáo dục hay quản lí giáo dục (tạo áp lực, đe dọa kỉ luật hoặc kỉ luật cán bộ, giáo viên lỡ xúc phạm học sinh), dần dần, một cách tự nhiên, cán bộ, giáo viên sẽ tự nhắc nhở mình phải dè chừng để tránh hệ lụy, để được yên thân. Thế là sống chết mặc bay, thế là hết trách nhiệm! Một mặt nữa là phương pháp. Hình như chúng ta đang có quá nhiều sai lầm trong việc dạy dỗ con cái. Hình như từ việc lớn như định hướng làm người cho con cái đến những biểu hiện dễ dãi hoặc nghiêm khắc với con cái của chúng ta đều đang có gì đó chưa được đúng lắm, ít nhất về mặt thời điểm. Ngay cả việc bênh con quá mức mà phụ huynh đánh chửi hay kiện tụng giáo viên mà lôi con vào cuộc, vào làm nhân chứng hoặc tham gia “tố tụng” cũng là sai lầm về mặt phương pháp. Còn về nhà trường, thứ nhất, anh hãy cho tôi biết suy nghĩ của anh về tỉ lệ bài học về kiến thức so với bài họcvề kĩ năng sống trong các chương trình giáo dục hiện hành;thứ hai, anh hãy cho tôi biếtsuy nghĩ của anh về nội dung các môn kĩ năng sống, giáo dục công dânmà các cháu đang học hiện nay?

 

Đỗ Minh Tuấn: Gia đình ở Việt nam chưa có không gian riêng cho sinh hoạt của trẻ em, nên các em thường phải chứng kiến các ứng xử nhiều chất suồng sã, thô bạo và các thái độ, lời nói và hành vi có tính chất bạo lực của người lớn với nhau. Thậm chí, thường xuyên cùng người lớn xem các phim bạo lực, như các phim THDT của Trung Quốc rất nhiều bạo lực chiến tranh và bạo lực trong ứng xử, trong đời sống. Còn nhà trường thì trong những năm gần đây có những chương trình rèn luyện các kỹ năng quái dị như đi trên thuỷ tinh, như thể dạy các em làm những siêu nhân, những Ninja, rồi ngành giáo dục hợp tác với tư nhân in những truyện tranh vừa ngô nghê về câu chữ, vừa sai chính tả lại vừa nhồi vào đầu các em những câu chuyện bạo lực chém giết, những câu kiểu như “chặt đầu bố” .v.v.Nhưng hành tung ấy đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra não trạng và tính khí hung bạo trong các em.

 

Văn Chinh: Có lỗi là nguyên nhân (thiếu giáo dục và giáo dục không hiệu quả) có lỗi là bất lực trước bạo lực và góp phần làm nó gia tăng.

A đánh B. B về mách bố. Bố B nếu:

Hỏi: Vì sao nó đánh mày?

Đáp: Con không cho nó tiền.

- Vậy là mày có lỗi. Chú khi nay bay khi khác; giúp bạn thì bạn hoặc bạn khác giúp mình.

Rồi đánh thêm một roi vì tội không chia sẻ với bạn, cho mày nhớ đời.

B sẽ nhanh chóng tìm ra cách để không bị A đánh nữa. Bạo hành rất có thể bị chặn đứng, (không còn nguyên nhân.)

Nếu bố B chạy sang đòi phải công bằng, bắt bố A phải xin lỗi thì có hai khả năng: Bố A đánh A rất dữ; A thù B, sẽ tìm cách trị B để trả thù. Nếu bố A bênh con. A sẽ nhanh chóng trở thành bạo hành chuyên nghiệp và với logic ấy, hoặc A sẽ bị đánh chết hoặc rũ tù.

Một khả năng cũng giúp ngừng gia tăng bạo hành, nếu: B bị chảy máu, sau khi dạy con ở nhà, dẫn con sang nhà A, từ tốn nói với bố A. Bố A sẽ dùng lý lẽ để dạy con, bạo hành sẽ thuyên giảm.

Cũng câu chuyện trên diễn ra ở trường. Cô giáo hỏi bị nạn trước, B nói như đã nói với bố ở trên. Cô giáo cũng nhắc B như bố B, rồi trừng trị A bằng chính nội quy của trường. Nếu điều đó diễn ra, có 2 khả năng.

1. Ví dụ A bị đuổi học có thời hạn. Nếu bố A dẫn A đến xin lỗi cô giáo, buộc con xin lỗi B thì bạo lực ngưng.

2.Nếu bố A mắng chửi om sòm ở nhà rồi tìm các thế lực khác: Hiệu trưởng, Đảng ủy, UBND xã can thiệp thì bạo hành tăng theo cấp số nhân. Gia đình kiểu ấy là nguyên nhân trực tiếp dẫn con cái trở nên bạo hành chuyên nghiệp.

Vâng, chúng ta quen đổ mọi tội lỗi lên đầu các thầy cô giáo; không thể và chưa đủ. Hiệu trưởng một trường cấp 3 không thể để học sinh là con em dẫu chỉ là Bí thư Đảng ủy xã bị trượt tốt nghiệp hay hạnh kiểm kém. Không thể trước hết đòi hỏi nhân cách 1 người mà địa vị anh ta dính liền với 5 – 6 miệng ăn cùng các quyền lợi chính trị khác kèm theo.

Hệ lụy sẽ là nhãn tiền: Một khi nhân cách của thầy cô mà kém, thì rất khó đòi hỏi học trò phải tôn trọng mình!

Nhưng triết lý giáo dục sai lầm đã là nguyên nhân trực tiếp của bạo hành xã hội tràn lan. Là vì, xã hội trả lương để đòi hỏi người ăn lương sau 12 năm phải biến những đứa trẻ thò lò mũi xanh thành những người lao động lương thiện. Nhười lao động kém kỹ năng, thích bạo hành thì hiển nhiên lỗi trước hết ở nhà trường. Khoa Cử tuyển của Đại học Đà Nẵng đang đào tạo 400 sinh viên trong khi đã cho ra trường 400 cử nhân cử tuyển thất nghiệp - ấy là nền giáo dục vì thầy chứ không vì trò (dân!) cạnh Khoa Cử tuyển ĐH ĐN là các Dự án nghìn tỉ phần nào mang tính triết lý giáo dục. Môn Ngữ văn – là môn mang hàm lượng tính nhân văn nhất trong giáo dưỡng Con Người, chỉ được dạy tủ để ứng phó với baream đếm ý chấm điểm tại kỳ thi tốt nghiệp. Chúng ta đã chịu đựng chương trình Ngữ văn không chuyên chú Con Người quá lâu để nhận lãnh hậu quả!

 

Phan văn Thắng: Để chống lại bạo lực, mỗi cá nhân và cả xã hội phải có tự tin vào tính chính đáng, chính nghĩa và sức mạnh của mình. Tôi nghĩ thế. Vậy cần phải làm gì để cho mọi người có sự tự tin và sức mạnh phản kháng lại bạo lực đó?

 

Lê Thanh Nga: Mỗi cá nhân chỉ có thể tin vào chính mình khi kết hợp được năng lượng của chính mình với năng lượng của tự nhiên và xã hội. Mà anh thấy đấy, chúng ta đang sống thiếu năng lượng, chúng ta đangsống trong một tự nhiên bị tàn phá, bị hủy diệt, chúng ta đang sống trong một môi trường văn hóa có nhiều biểu hiện suy thoái, một xã hội có quá nhiều vấn đề. Tôi cho rằng, khi xã hội giải quyết được các vấn đề của mình (trong đó có sự quan tâm thực sự đến con người, đặt con người lên bình diện thứ nhất của tư tưởng và hành động), thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Đấy là một xã hội thực sự khỏe mạnh, trách nhiệm và nhân văn. Khi đó, sẽ là thừa nếu đặt vấn đề bạo lực và phản kháng với bạo lực!

Đỗ Minh Tuấn:Sự tự tin của những con người khác nhau dẫn đến một phương thức hành xử khác  nhau. Có người thể hiện sự tự tin bằng cách phản kháng lại bạo lực, đối đầu với bạo lực, có người như Đức Đạt lai Lạt ma lại thể hiện sự tự tin bằng tha thứ, khoan dung và cải hoá. Cho nên câu hỏi “Cần phải làm gì để cho mọi người có sự tự tin và sức mạnh phản kháng lại bạo lực đó?”  không có câu trả lời chung mà có nhiều câu trả lời tuỳ thuộc vào văn hoá và tâm thức của mỗi người, không thể tìm kiếm một ý chí đồng loạt như với các chiến binh trong cùg đội ngũ.

 

Phan văn Thắng: Vai trò của nhà nước? Nhà nước phải hành động như thế nào để khắc chế và loại bỏ bạo lực trong đời sống xã hội?

Văn Chinh: Tôi quen thực chứng luận, đụng đến vấn đề vĩ mô mang tính lý luận là chịu. Xin trông chờ ở các vị cao minh!

 

Lê Thanh Nga: Bàn chuyện nhà nước thật khó, có thể vì quá tầm nghĩ của tôi. Tôi chỉ mong nhà nước hãy làm những gì cần làm, bằng các biện pháp khoa học có mục đích rõ ràng, ngắn hạn và dài hạn, vĩ mô và vi mô trên tất cả các lĩnh vực. Một khi con người nhìn vào bất cứ đâu cũng cảm thấy có niềm tin thì khi đó bạo lực sẽ không còn là vấn đề. Quan trọng là phải xóa bỏ mọi khác biệt.

Đỗ Minh Tuấn: Nhà nước cần phải thống nhất các nguồn lực và các giải pháp toàn diện hướng tới xây dựng và bảo vệ các giá trị nhân văn bền vững trong mỗi công dân và trong cả cộng đồng, mặt khác phải ứng xử luật pháp nghiêm minh, thực thi công lý hợp long dân, thay vì chỉ tập trung vào các giá trị kinh tế thực dụng trước mắt và các phương tiện củng cố quyền lực của mình.

Phan Văn Thắng:Cảm ơn các anh đã tham gia  cuộc trao đổi hôm nay. Tôi nghĩ là câu chuyện này vẫn chưa đến hồi kết. Hy vọng dịp khác chúng ta lại tiếp tục trao đổi về vấn đề này.

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114485458

Hôm nay

299

Hôm qua

2310

Tuần này

22029

Tháng này

212770

Tháng qua

120271

Tất cả

114485458