Nhìn ra thế giới

Trung Quốc chuẩn bị cho đợt quyết đoán mới ở Biển Đông?

“Trung Quốc ngày càng quyết liệt thực hiện các biện pháp để chiếm giữ trái phép hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”. Đây là kết luận quan trọn từ Báo cáo gần đây nhất của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam. Dư luận quốc tế cũng “đặc biệt quan ngại về quy mô và sự tiến triển chưa từng thấy trong các hoạt động vừa qua của Trung Quốc trên Biển Đông”. Tuy các nỗ lực ngoại giao năm 2017 về vấn đề Biển Đông có đạt được bước khởi đầu, khi Trung Quốc chấp nhận bắt đầu tiến trình COC, nhưng văn bản pháp lý ấy còn lâu mới đụng đến được nguyên trạng tình hình Biển Đông đã bị thay đổi bởi các đảo nhân tạo Trung Quốc cho cải tạo và xây dựng phi pháp trong mấy năm qua.

Báo cáo của Ủy Ban Thường vụ  Quốc hội Việt Nam gần đây[1] về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với khai thác, nuôi trồng hải sản trong kinh tế biển giai đoạn 2011—2016 nêu rõ, vị trí địa-chiến lược của Biển Đông tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản. Đồng thời, cũng tạo ra những thách thức rất lớn trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trong bối cảnh tình hình khu vực, quốc tế và các tranh chấp trên Biển Đông hiện nay. Đặc biệt, báo cáo giám sát kết luận, Trung Quốc ngày càng quyết liệt thực hiện các biện pháp để chiếm giữ trái phép hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Các lực lượng chấp pháp Trung Quốc còn sử dụng biện pháp cố tình đâm chìm tàu cá Việt Nam để ngăn chặn hoạt động của ngư dân Việt Nam trên biển. Cơ quan giám sát cũng trích báo cáo của Tổng cục Kiểm ngư cho thấy, tình trạng tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, đánh bắt trộm thuỷ sản diễn ra thường xuyên, liên tục, ngày càng nhiều, gây khó khăn cho ngư dân ta, một số trường hợp đe dọa cả tính mạng và tài sản cả bà con.

Bản thân Trung Quốc thừa nhận

Trong thời gian mấy năm gần đây Trung Quốc thực hiện nhiều nỗ lực trong việc mở rộng, xây đắp thêm và quân sự hóa cao độ những đảo họ đang chiếm đóng thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng cách cơi nới trên quy mô khổng lồ các đảo nhân tạo, triển khai máy bay chiến đấu hiện đại ra hai quần đảo này. Mới đây nhất, lần đầu tiên, Trung Quốc xác nhận đã bố trí máy bay chiến đấu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Tờ Hoàn Cầu thời báo (phiên bản tiếng Anh của tờ Nhân dân Nhật báo) hôm 1/12 trích dẫn tin từ Đài truyền hình Trung Quốc CCTV cho biết Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ J-11B đến Hoàng Sa. Những hình ảnh được đài CCTV phát đi cho thấy những chiến đấu cơ cất cánh, hạ cánh và bay tập trên khu vực Biển Đông. Hình ảnh trên đài truyền hình cũng cho thấy các chiến đấu cơ đã đi vào nhà chứa máy bay được Trung Quốc xây dựng tại đó. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc điều máy bay chiến đấu đến Hoàng Sa. Trước đó vào năm 2016 và cuối tháng 3 năm 2017, Hoa Kỳ cũng đã phát hiện Trung Quốc đưa chiến đấu cơ đến Hoàng Sa. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc chưa bao giờ phủ nhận hay xác nhận các tin này. Theo một báo cáo hồi đầu năm nay của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington DC (Mỹ), ba căn cứ không quân mà Trung Quốc xây ở Biển Đông gồm hai căn cứ ở Trường Sa và một căn cứ ở đảo Phú Lâm cho phép máy bay chiến đấu Trung Quốc có thể hoạt động gần như trên toàn bộ khu vực Biển Đông. Tại Phú Lâm, đường băng mà Trung Quốc vừa hoàn thành xây dài 3 km.

Không chỉ Quốc hội Việt Nam, truyền thông chính thức của Trung Quốc, mà ngay dư luận khu vực, cụ thể là Sách Trắng Ngoại giao mới đây của Australia, trong khi trình bày một đánh giá tổng thể về sự can dự quốc tế của nước này trong 14 năm qua, cũng đã nhấn mạnh rằng, Australia “đặc biệt quan ngại về quy mô và sự tiến triển chưa từng thấy trong các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông”. Hẳn nhiên là từ phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã “khiển trách” Australia về tuyên bố này, nhưng ngay lập tức một ngày sau, bà Ngoại trưởng Julie Bishop đã mạnh mẽ bác bỏ các chỉ trích của Trung Quốc. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi năm 2015, trong các năm từ 2013 trở lại đây Trung Quốc đã cấp tập tiến hành cải tạo, xây lấp các đảo nhân tạo tại biển Đông. Với các hoạt động nạo vét và cải tạo này, Trung Quốc đã mở rộng diện tích các đảo họ đang chiếm trong biển Đông lên khoảng 400 lần, tương đương 800 ha kể từ đầu năm 2014 tính đến khoảng giữa năm 2015.  Còn con số này tính đến thời điểm hiện này thì được cho là đã lên đến 1200 ha. Đấy là chưa kể ngày 6/12 vừa qua, Trung Quốc công bố siêu tàu xây đảo nhân tạo mới tại Trường Sa để tiếp tục công việc nạo vét biển[2]. Trung Quốc đã công bố tàu nạo vét khổng lồ Tiankun tải trọng 17.000 tấn và có thể hút tới 6.000 m3 đất, cát mỗi giờ từ độ sâu 35 m. Theo báo Japan Times (Nhật Bản), con tàu xây đảo khổng lồ này được giới thiệu tại một cảng ở tỉnh Giang Tô vào đầu tháng 11. Tờ China Daily gọi con tàu mới là “nhà máy kỳ diệu”, một trong những tàu nạo vét, xây đảo lớn và tiên tiến nhất khu vực. Tàu Tiankun có chiều dài 140 m, lượng choán nước 17.000 tấn. Tàu có công suất hút tới 6.000 m3 đất, cát mỗi giờ từ độ sâu 35 m, như vậy cứ mỗi giờ con tàu có thể đào khối lượng tương đương 3 hồ bơi tiêu chuẩn.

Cùng với việc đưa công nghệ cao ra chiếm đảo, chính phủ Trung Quốc mới đây đã tung ra một chiến thuật mới về pháp lý để đẩy mạnh đòi hỏi chủ quyền của mình ở khu vực Biển Đông. Theo truyền thông quốc tế (The Washington Free Beacon)[3], chiến thuật này được ông Mã Tân Dân, Phó Tổng Giám đốc Cục Hiệp định và Pháp luật, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đưa ra trong một cuộc họp kín với các giới chức Ngoại giao Hoa Kỳ tại Boston (Hoa Kỳ). Chiến thuật được nói đến gọi là ‘cuộc chiến pháp lý’ bao gồm một sự dịch chuyển từ cái goi là đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông, vốn chiếm đến 90% diện tích vùng biển này. Chiến tranh pháp lý sẽ áp dụng đối với 4 vùng đảo và thực thể trên Biển Đông hiện đang có tranh chấp giữa các nước bao gồm Nam Sa (Trung Quốc gọi là Nansha) tức Trường Sa, Tây Sa (Xisha) là Hoàng Sa, Đông Sa (Dongsha) và Trung Sa (Zhongsha). Trung Quốc gọi các khu vực này chung là Tứ Sa. Ông Mã nói rằng Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với Tứ Sa qua nhiều các đòi hỏi về pháp lý. Ông cũng tuyên bố đây là vùng nước lịch sử của Trung Quốc và là một phần trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền đối với Tứ Sa như một phần của thềm lục địa mở rộng của mình. Giải thích về đòi hỏi chủ quyền đối với Tứ Sa của Trung Quốc, Đại tá về hưu thuộc Hải Quân Mỹ Jim Fanell, người đã từng đứng đầu đơn vị tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương cho rằng đây là một bước tiếp theo trong chiến lược ‘cắt lát salami’ được Trung Quốc áp dụng từ trước đến nay ở Biển Đông, dần dần lấn tới và cuối cùng là đòi chủ quyền toàn bộ Biển Đông.

 COC với nguyên trạng bị thay đổi

Tính ràng buộc về pháp lý trong Bộ Quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ là nội dung được thảo luận giữa các bên trong năm 2018. Những nỗ lực ngoại giao năm qua trong vấn đề biển Đông đã đạt được bước khởi đầu, khi Trung Quốc chấp nhận tiến trình đối thoại về COC. Ngày 13/11/2017 vừa qua, dự thảo khung COC đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN-TQ, tổ chức tại thủ đô Manila của Philippines. Theo GS Carlyle A. Thayer từ Viện Quốc phòng Úc, một trọng tâm của vấn đề Biển Đông trong năm 2018 sẽ là cách thức ASEAN và Trung Quốc khởi động đàm phán về một COC có tính ràng buộc về pháp lý. “Tôi hy vọng trong nhiệm kỳ Singapore giữ ghế Chủ tịch luân phiên, ASEAN sẽ đẩy mạnh hơn nữa tiến trình xây dựng COC” - ông Carlyle A. Thayer cho biết. Dự thảo khung COC được thông qua là bước khởi đầu đáng hoan nghênh đối với tiến trình tham vấn nhiều thách thức sắp tới giữa các bên, tiến tới xây dựng một COC có tính ràng buộc về pháp lý. Học giả người Indonesia Shafiah F. Muhibat từ Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) của Singapore cho biết, tiến trình xây dựng COC trên Biển Đông sẽ là một biện pháp quan trọng để xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực, giúp các bên hiểu rõ những gì được và không được phép làm.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại nhiều về mức độ khó khăn trong đàm phán COC. Ông Thayer đưa ra cảnh báo rằng Trung Quốc về trung hạn có thể sẽ sử dụng chiêu bài đàm phán COC để giữ Mỹ tránh xa vấn đề Biển Đông, lấy lý do nước này là một cường quốc bên ngoài khu vực. Trong khi đó, ông Jay Batongbacal, chuyên gia Philippines cố vấn cho nhiều cơ quan chính phủ nước này về vấn đề Biển Đông và Luật Biển, cho rằng Trung Quốc chấp nhận bắt đầu đối thoại về COC vì hiện họ đã nắm thêm lợi thế trên Biển Đông mà cụ thể là các đảo nhân tạo. Họ quyết định bắt đầu nói chuyện về COC để cho thấy có bước tiến trong đối thoại. “Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa rằng COC sẽ sớm được xây dựng thành công. Quá trình này có thể kéo dài và mệt mỏi. Có khả năng quá trình này sẽ đặt ra các giới hạn đối với những nước nhỏ, ngăn họ đưa ra các sáng kiến khác với lý do các bên còn đang đàm phán. Nếu quá trình thảo luận sẽ không kéo dài mà các bên sẽ đẩy nhanh hoàn thành COC thì Trung Quốc, ngay lập tức, sẽ nhắm đến việc mượn COC để bảo toàn những lợi thế mà họ đã tạo ra tại Biển Đông, như một cách để kiềm chế các nước nhỏ” – Ông Batongbacal cảnh báo. Cũng theo ông Batongbacal, mục tiêu quan trọng nhất của COC là ngăn các va chạm trên biển leo thang thành xung đột hay đối đầu vũ trang. Điều này là vì lợi ích chung của tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, điểm yếu của COC là không thể đụng đến tình hình hiện nay, cụ thể là nguyên trạng Biển Đông đã bị thay đổi bởi các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cho cải tạo và xây dựng phi pháp, cũng như việc Trung Quốc mở rộng hoạt động của mình trên vùng biển. Tóm lại, dự thảo khung Bộ Quy tắc đã được thông qua nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc COC sẽ nhanh chóng được xây dựng thành công./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511913

Hôm nay

2239

Hôm qua

2337

Tuần này

22287

Tháng này

218786

Tháng qua

121356

Tất cả

114511913