Nhìn ra thế giới

Kẻ chầu rìa bị thót tim

Ngày 21/4/2018 Thông tấn xã Triều Tiên tuyên bố nước này từ nay sẽ ngừng thử hạt nhân và tên lửa đường đạn vượt đại châu. Trước đó, tại Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, lãnh tụ Kim Jong-un từng đưa ra tuyên bố tương tự và nói từ nay sẽ dốc toàn lực vào xây dựng kinh tế.

Thế giới thở phào nhẹ nhõm. Trung Quốc và Hàn Quốc hoan nghênh tuyên bố nói trên. Nhật hoan nghênh một cách thận trọng, vì tuyên bố này không nói gì tới tên lửa tầm ngắn và tầm trung, là thứ vũ khí trực tiếp đe dọa Nhật. TT Mỹ Trump viết trên Twitter rằng đây là “một tin rất tốt” đối với Triều Tiên và thế giới.

Không ít nhà phân tích cho rằng quyết định của Kim Jong-un mang lại hy vọng cho việc giải quyết vấn đề Triều Tiên nhưng tác dụng của quyết định đó có những mặt hạn chế.

Ken Gause chuyên gia ở Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ nói tuyên bố của Triều Tiên chưa đạt điều kiện do TT Trump đưa ra đối với hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Ankit Panda nhà nghiên cứu ở FAS (Federation of American Scientists) và nhà bình luận trên mạng “The Diplomat” cho rằng sở dĩ hiện nay Kim Jong-un đồng ý ngừng thử hạt nhân là do Kim đã nhận được sự phản hồi cực lớn từ phía Mỹ – đồng ý tổ chức gặp cấp cao nhất Trump-Kim Jong-un. Dù là ông nội hay cha đẻ của Kim Jong-un, hai cố lãnh tụ ấy đều chưa thực hiện được nguyện vọng đối thoại trực tiếp với TT Mỹ. Vì thế cho dù là phải phá bỏ bãi thử hạt nhân hoặc ngừng thử tên lửa, hai việc đó Kim đều đáng làm cả. Panda còn viết trên BBC rằng tuyên bố của Triều Tiên cũng giống như bản tuyên cáo họ đã trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đúng vậy, Triều Tiên chỉ tuyên bố ngừng thử hạt nhân sau khi TT Trump có một quyết định bất ngờ: Ngày 9/3, ông tuyên bố chấp nhận đề nghị của Kim Jong-un, đồng ý đối thoại tay đôi với Kim. Bình Nhưỡng mừng rơn, vì họ chỉ đòi hỏi có thế. Nước cờ cao tay này của Trump trái ngược với quan điểm của các TT Mỹ tiền nhiệm và lập tức gây ra một loạt phản ứng thuận lợi; có dư luận đề cử trao giải Nobel Hòa bình cho Trump.

Quyết định của TT Mỹ làm rung chuyển thế giới. Người TQ bấy giờ mới chú ý tới một bài báo từ cuối năm 2017 của Zheng Yong-nian Chủ tịch Ủy ban Học thuật IPP và Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á ở Singapore, vạch ra sai lầm của TQ, cảnh báo Mỹ sẽ dùng Triều Tiên làm sân chơi để đối phó với TQ và trong đàm phán tay đôi Mỹ-Triều Tiên, vật đổi chác giữa hai bên sẽ là sự hy sinh lợi ích của TQ * Xuất hiện dư luận cho rằng TQ đang bị cho “ra rìa” trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

TQ cuống lên vội mời Kim Jong-un bí mật đến Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình vào cuối tháng 3. Chưa nhà lãnh đạo Triều Tiên nào được TQ đón tiếp trọng thể như vậy.

Trump nói là làm, cử ngay Mike Pompeo Giám đốc CIA (sắp làm Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ) đến Bình Nhưỡng gặp Kim Jong-un vào hai ngày 31/3-1/4. Trở về Mỹ, Pompeo nói xem ra Triều Tiên có vẻ nghiêm chỉnh ngừng thử hạt nhân. Nhưng Trump vẫn rất “rắn” khi nói ông sẽ bỏ về nếu cuộc đàm phán không đạt các điều kiện Mỹ nêu ra là việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên ít nhất phải đảm bảo 3 yếu tố: toàn diện, kiểm chứng được, và không thể đảo ngược (CVID: complete, verifiable, and irreversible denuclearization). Đồng thời ông chủ động chọn địa điểm đàm phán với Kim. Rõ ràng Trump đang đóng vai trò quyết định trong cuộc chơi mới đầy kịch tính này. Phải chăng đây là cuộc chơi nhằm vào TQ, như Zheng Yong-nian dự đoán?

Ngoại trưởng TQ Vương Nghị vội sang Bình Nhưỡng gặp Kim Jong-un (2-3/5/2018). Thời báo Hoàn cầu đăng tin này kèm bình luận: luận điệu “TQ ra rìa” đang bị bác bỏ! Khác với trước đây, Vương nói nhiều lời tán dương Triều Tiên.

Đáng chú ý là gần đây Bắc Kinh đã đảo ngược thái độ với Seoul – đang từ chỗ trừng phạt nặng nề kinh tế Hàn Quốc (viện cớ họ cho Mỹ bố trí hệ thống THAAD) khiến nước này lao đao, chuyển sang ngừng trừng phạt, phục hồi toàn bộ quan hệ buôn bán và du lịch hai nước. Rõ ràng TQ đang ve vãn hai miền Triều Tiên, hy vọng họ sẽ không về hùa với Mỹ lợi dụng vấn đề Triều Tiên để chống TQ. Thái độ bất nhất của TQ đối với hai miền Triều Tiên trong thời gian qua đã khiến họ đang ở vào thế bất lợi so với Mỹ.

Giờ đây thế giới đang xôn xao trước tin Trump muốn rút một phần hoặc toàn bộ 28.000 lính Mỹ đóng ở Hàn Quốc. Trước đó Seoul nói Bình Nhưỡng từng tuyên bố họ có thể ủng hộ Mỹ tiếp tục đóng quân ở Hàn Quốc nếu Mỹ bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên và quân đội Mỹ sẽ đóng vai trò “gìn giữ hòa bình” để ngăn TQ trở thành cường quốc quân sự thống trị khu vực. Nếu tin này là đúng thì cục diện Đông Bắc Á sẽ xoay chuyển theo hướng chưa ai ngờ tới: Triều Tiên sẽ cùng Mỹ và Hàn Quốc, Nhật làm thành một liên minh ngăn chặn tham vọng bành trướng của TQ.

Tóm lại Mỹ và Triều Tiên đều đang sở hữu những quân bài nặng ký để mặc cả với nhau trong ván cờ quyết định là cuộc đàm phán tay đôi Trump – Kim Jong-un, có thể diễn ra vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 (vì Trump sẽ gặp Moon Jae-in vào ngày 22/5 tại Washington). Ván cờ lớn đầy những yếu tố bất ngờ này đang làm cả thế giới hồi hộp chờ xem.

Cờ ngoài, bài trong”, có lẽ kẻ sẽ bị thót tim nhất với ván cờ này là kẻ đứng chầu rìa nhiệt tình nhất – mấy anh hàng xóm sát nách bán đảo Triều Tiên, như TQ và Nhật. New York Times ngày 3/5 viết: Bắc Kinh nghi ngờ Washington có thể đồng ý gác lại bất đồng về vấn đề hạt nhân và chấp nhận để Triều Tiên sở hữu năng lực hạt nhân, nếu điều đó có lợi cho chủ trương ngăn chặn TQ của Mỹ. Nếu Trump dám làm như vậy thì đây thật là một nước cờ mạo hiểm khiến hai kẻ cựu thù bắt tay nhau chống lại ông bạn lớn trước đây của họ Kim. Sử dụng một nước có vũ khí hạt nhân để ngăn chặn sự bành trướng của TQ dĩ nhiên sẽ có lợi hơn cho Mỹ.

Chẳng rõ vì sao tờ Global Times của TQ ngày 7/5 đăng xã luận thúc giục Mỹ tiến bước tới Hội đàm Trump-Kim. Có lẽ vì Bình Nhưỡng vừa mới tung ra một chiêu mới: Cảnh cáo Washington chớ có kéo vấn đề Triều Tiên về vạch xuất phát. Còn mấy tuần nữa Trump và Kim mới gặp nhau, trong thời gian chờ đợi ấy có trời mới biết hai vị này sẽ có thể tung ra những chiêu gì nữa. “Cờ tàn mới biết ai cao thấp”, mọi người chỉ có thể “chờ và xem, wait and see” mà thôi.

Tờ Nam Hoa Tảo báo (HongKong) ngày 25/4 đưa tin: qua nghiên cứu khảo sát, hai nhóm nhà khoa học TQ độc lập đã khẳng định quả núi dùng làm bãi thử hạt nhân của Triều Tiên hiện nay đã sụp đổ không thể dùng để thử hạt nhân được nữa, TQ và các nước xung quanh Triều Tiên sẽ hứng chịu tai họa bức xạ hạt nhân phát ra từ địa điểm này. Kết quả nghiên cứu kể trên được công bố trên mạng của trường Đại học Khoa học Kỹ thuật TQ ngày 23/4 và đã được tập san Geophysical Research Letters tiếp nhận, có thể sẽ đăng trên tập san số sắp tới. Bãi thử này có tên là Punggye-ri, cách TQ 100 km.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: vụ thử hạt nhân ngầm dưới đất ngày 3/9/2017 có đương lượng nổ 108,3±48,1 kiloton (lớn nhất ở Triều Tiên) đã khiến cho đất đá xung quanh bị nóng chảy, làm thành một lỗ hở đường kính 200 m, sau đó các cơn địa chấn do vụ nổ gây ra đã làm quả núi sụp đổ hoàn toàn. Nghe nói có khoảng 200 người chết trong vụ này.

Có ý kiến cho rằng sự sụp đổ nói trên của quả núi từng thử hạt nhân 5 lần (trong tổng số 6 lần) là nguyên nhân chủ yếu khiến Kim Jong-un phải tuyên bố ngừng thử hạt nhân.

Một báo mạng ở TQ cho rằng mọi “kịch bản” sau đó Triều Tiên dàn dựng, như tỏ thiện ý hòa bình tại Olympic mùa đông ở Hàn Quốc, tuyên bố ngừng thử hạt nhân, sẵn sàng hội đàm cấp cao nhất với Hàn Quốc rồi với Mỹ không cần điều kiện tiên quyết….  đều là giả dối, đóng kịch lừa bịp dư luận, chỉ nhằm để Mỹ ngừng trừng phạt, thừa dịp đó Kim Jong-un bỏ ra vài năm làm một bãi thử hạt nhân mới rồi lại tiếp tục “thực hiện di huấn của ông nội và cha” – thử hạt nhân và tên lửa.

Nếu như vậy thì phải chăng Mỹ và thế giới lại một lần nữa mắc mưu Triều Tiên. Đã mấy lần cha con họ Kim ngang nhiên không thực hiện các cam kết của họ. Vì thế TT Trump cảnh giác cao với Kim Jong-un là điều dễ hiểu. Có lẽ dư luận chớ nên quá lạc quan!

 

* http://nghiencuuquocte.org/2018/05/05/thuong-dinh-my-trieu-hy-sinh-trung-quoc/

--------------

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511790

Hôm nay

2116

Hôm qua

2337

Tuần này

22164

Tháng này

218663

Tháng qua

121356

Tất cả

114511790