Khách mời văn hóa

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Bất kể ở đâu, khi có sử dụng quyền lực thì đều có nguy cơ tha hóa

Lời tòa soạn: Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII vừa rồi đã thảo luận và ra Nghị quyết về công tác cán bộ, trong đó có nhấn mạnh đến tình trạng lợi dụng, lạm dụng và tha hóa quyền lực. Để có một cái nhìn toàn thể hơn, cặn kẽ hơn về vấn đề này, Văn hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương.

Phan Văn Thắng:Bế mạc Hội nghị Ban ban chấp hành Trung ương lần thứ 7, khóa 12 vừa rồi, khi nói về  công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến vấn đề kiểm soát quyền lực. Ông hiểu như thế nào về khái niệm kiểm soát quyền lực và vì sao phải kiểm soát quyền lực?

 

Vũ Ngọc Hoàng: Tôi rất đồng tình, hoan nghênh ý kiến của TBT và Hội nghị TW 7 vừa qua đã nhấn mạnh vấn đề kiểm soát quyền lực. Đây là việc rất đúng và rất quan trọng. Theo tôi hiểu, kiểm soát quyền lực thực chất là kiểm soát việc sử dụng quyền lực của những con  người và tổ chức được giao quyền lực ấy, xem thử họ đã sử dụng ra sao, có đúng mục đích và thẩm quyền hay không. Kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền lực đúng là của dân, nhân dân có thể ủy quyền có giới hạn cho tổ chức hoặc cá nhân sử dụng, ủy quyền nhưng không mất quyền. Quyền lực sinh ra là để bảo vệ và phục vụ nhân dân, kiểm soát quyền lực là để cho quyền lực được sử dụng đúng mục đích, đúng thẩm quyền, vì lợi ích chung của dân của nước, không ai được lộng quyền, không được đem sử dụng vì lợi ích bất chính cho cá nhân và phe nhóm, không để cho mặt trái của quyền lực gây hại cho quốc gia, dân tộc và làm tha hóa đội ngũ cán bộ và bộ máy lãnh đạo quản lý của đất nước.

 

Phan Văn Thắng:Thế nào là tha hóa quyền lực? Tha hóa quyền lực có phải là sự tha hóa của kẻ/tổ chức có /nắm quyền lực

 

Vũ Ngọc Hoàng:  Bản thân quyền lực là một công cụ rất quan trọng, nó không tự tốt và cũng không tự xấu, không tiến bộ lên và cũng không tha hóa đi. Tốt xấu là do, là tại người người trao quyền và người sử dụng nó. Nói tha hóa quyền lực đúng là, tức là nói đến sự thoái hóa đạo đức của những người và tổ chức có quyền lực, sự thoái hóa ấy xảy ra trong điều kiện có quyền lực và liên quan trực tiếp đến việc sử dụng quyền lực.

 

Phan Văn Thắng:Trong bài phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư đề cập đến tình trạng lạm dụng, lợi dụng quyền lực, sự tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ. Ngoài ra, trong các lĩnh vực khác, từ chính trị đến kinh tế - xã hội… quyền lực đã tồn tại, được sử dụng và bị tha hóa như thế nào?

 

Vũ Ngọc Hoàng:  Quyền lực đều có và đều được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thực thi pháp luật… Quyền lực luôn có hai mặt: thứ nhất, nó là công cụ hữu hiệu bật nhất để giúp dân giúp nước nếu như được trao cho những người có đủ nhân cách; thứ 2, mặt trái của nó, có thể gây hại cho nhiều người và làm thoái hóa rất nhanh chính những người được giao quyền lực nếu như họ không đủ nhân cách. Trước đây tôi có viết, quyền lực là con dao hai lưỡi, là con ngựa chứng bất kham, ai không có cái tâm để dùng dao, không đủ sức cầm cương, thì sẽ gây hại cho nhiều người khác, bản thân họ thì đứt tay và ngã ngựa. Cho nên bất kể ở đâu, khi có sử dụng quyền lực thì đều có nguy cơ tha hóa. Do đặc thù của từng lĩnh vực mà biểu hiện tha hóa của nó có thể giống hoặc khác nhau, nhưng chung quy,như đoạn trước đã nói, là sử dụng quyền lực sai mục đích và thẩm quyền, lợi dụng nó để làm lợi bất chính cho cá nhân, gia đình và cho phe nhóm. Chính trị thì dùng thủ đoạn, tìm mọi cách để chiếm giữ quyền lực vô nguyên tắc cho động cơ cá nhân chủ nghĩa; công tác cán bộ thì mua bán chức tước, đưa người nhà hoặc cánh hẩu lên các vị trí quan trọng bất chấp phẩm chất và năng lực; kinh tế thì tham nhũng, hối lộ và mua bán bất chính các dự án, đất đai để trục lợi; văn hóa thì mua bán bằng cấp, chạy học hàm học vị, chạy thi đua khen thưởng, phá bỏ cảnh quan và môi trường, thị trường ngầm về sách và thiết bị; thực thi pháp luật thì bảo kê, chạy án và chạy tội...còn nhiều cách khác nữa, đa dạng và phức tạp.

 

Phan Văn Thắng:Quyền lực là mục tiêu hàng đầu của chính trị. Sử dụng quyền lực lại không chỉ là biểu hiện của chính trị mà còn là văn hóa và đạo đức. Có thể hiểu tình trạng tha hóa quyền lực từ phương diện văn hóa và đạo đức như thế nào?

 

Vũ Ngọc Hoàng:  Văn hóa là của con người, thuộc tính người. Đạo đức, nhân cách là một trong số các giá trị lõi, nền tảng và quan trọng bậc nhất của văn hóa. Tha hóa quyền lực vừa là biểu hiện sự suy đồi về văn hóa, đồng thời là tác nhân mạnh nhất làm hỏng đạo đức, nhân cách của những người lãnh đạo và người quản lý. Từ đội ngũ lãnh đạo ấy mà tác động lan tỏa sang nhiều người, vào cộng đồng, làm suy đồi đạo đức xã hội. Tha hóa quyền lực là loại tác nhân nguy hiểm nhất, làm hỏng văn hóa nhanh nhất. Trong mối quan hệ giữa đạo đức cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đao, với đạo đức xã hội thì đạo đức cán bộ kém sẽ là nguyên nhân chính gây nên sự suy đồi đạo đức xã hội. Đại văn hào Nga Matximgorki có lần nói, suy đồi văn hóa còn nguy hiểm và đáng sợ hơn tổ quốc lâm nguy. Nếu tổ quốc lâm nguy mà văn hóa còn giữ được thì người ta sẽ bảo vệ được tổ quốc, thậm chí tổ quốc mất rồi thì người ta sẽ giành lại tổ quốc, còn để mất văn hóa thì chẳng những sẽ dẫn đến mất nước mà còn mất cả dân tộc nữa. Văn hóa còn thì dân tộc còn.

 

Phan Văn Thắng:Phải chăng  lâu nay Đảng và Nhà nước ta đã mất khả năng kiểm soát quyền lực?

 

Vũ Ngọc Hoàng:  Cũng chưa đến mức đã mất hết khả năng kiểm soát quyền lực, chúng ta đã thấy qua nhiệm kỳ XII này, với sự quyết liệt chống tham nhũng của Tổng Bí thư và tập thể Bộ Chính trị thì tình hình đã khác nhiều, một số vụ vi phạm pháp luật của cán bộ có chức vụ to đã được phanh phui và xử lý, niềm tin trong cán bộ đảng viên và nhân dân đang được khôi phục đáng kể. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, có lúc, có thời điểm, tình hình kiểm soát quyền lực đã rất xấu, đến mức báo động. Mặt khác, xét về nhận thức, cơ chế, thể chế, thì quả thật việc kiểm soát quyền lực ở nước ta đang còn tồn tại nhiều vấn đề đáng nói, mà nếu không được sớm khắc phục thì rồi có lúc sẽ lại báo động khủng hoảng về việc mất kiểm soát quyền lực. Có lúc chúng ta đã bỏ lỏng việc kiểm soát quyền lực, hoặc nhận thức không đúng và ỷ lại vào Thường vụ các cấp ủy Đảng, coi đó như một trung tâm quyền lực hoàn toàn đáng tin cậy, sẽ điều khiển luôn đúng và kiểm soát chặt chẽ mọi quyền lực, tức là sử dụng tổ chức đảng làm thay cơ quan quyền lực nhà nước, lẫn lộn chức năng, dẫn đến một bên dài tay, lấn sân và một bên thì thụ động, không đủ khả năng kiểm soát.

 

Phan Văn Thắng:Nguyên nhân cơ bản nhất của tình trạng tha hóa quyền lực, mất kiểm soát quyền lực là gì?

 

Vũ Ngọc Hoàng:  Nguyên nhân cơ bản nhất của tình trạng tha hóa quyền lực, không kiểm soát được quyền lực là do cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ về cơ bản và chưa tốt về chất lượng. Cần có các nghiên cứu khoa học về vấn đề này để khẳng định các nội dung cụ thể.  Không phải ở nước ta hoàn toàn chưa có các cơ chế kiểm soát quyền lực. Chẳng những đã có, mà còn có không ít các văn bản quy định rồi. Đó là các quy định của luật pháp về tổ chức quốc hội, chính phủ, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp, về tổ chức tòa án và viện kiểm sát, luật hình sự, về công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, giám sát, tố cáo…Nhưng vẫn chưa đủ, tôi nghĩ còn thiếu những nội dung rất cơ bản liên quan đến phân quyền giữa 3 nhánh quyền lực là lập pháp, hành pháp và tư pháp; liên quan các quy định về tự do và dân chủ...

 

Phan Văn Thắng:Kiểm soát quyền lực là công việc bắt buộc với tất cả những ai có quyền lực, cá nhân và tập thể mà cấp độ lớn nhất là Quốc gia. Nguyên tắc tối cao của kiểm soát quyền lực là gì?

 

Vũ Ngọc Hoàng:  Nguyên tắc tối cao của kiểm soát quyền lực? Đây là câu hỏi hay và khó. Phải có các nghiên cứu khoa học đầy đủ để trả lời, tôi chỉ xin nêu một vài ý kiến có tính chất tư biện. Theo suy nghĩ ban đầu của tôi, có mấy nguyên tắc rất cơ bản, đó là: Mọi quyền lực là của nhân dân, không có tổ chức và cá nhân nào được đứng trên nhân dân đề chiếm giữ quyền lực thành của riêng độc quyền. Pháp luật được nhân dân lập ra hoặc ủy quyền cho quốc hội lập ra là tối thượng, không có tổ chức và cá nhân nào được đứng trên pháp luật. Tất cả các cơ quan và cá nhân khi thực thi quyền hành được giao đều phải chịu sự kiểm soát của các cơ quan và cá nhân được pháp luật phân công, phải chịu sự giám sát của ông chủ nhân dân, xã hội và công luận, phải có trách nhiệm giải trình minh bạch thông tin. Các cơ quan nhà nước của 3 nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp) được phân quyền rành mạch, độc lập tương đối, và có kiểm soát, điều chỉnh lẫn nhau mỗi khi có sai phạm trong thực thi quyền lực. Bất kể cơ quan hoặc cá nhân nào sử dụng quyền lực sai mục đích và quyền hạn đều phải bị luật pháp xử trị theo các chế tài cụ thể. Các quy định pháp lý đó phải được thực thi một cách rất nghiêm túc.

 

Phan Văn Thắng:Ông có thể đề xuất một cơ chế kiểm soát quyền lực? Có cần cải cách thể chế để kiểm soát quyền lực? Cải cách như thế nào?

 

Vũ Ngọc Hoàng:  Trong tình hình cụ thể của nước ta, không phải hủy bỏ tất cả các cơ chế đã có và đề xuất ra các cơ chế hoàn toàn mới để áp dụng, làm vậy sẽ rối, mà cần xem xét một cách nghiêm túc để hoàn thiện, sửa đổi , bổ sung  các quy định đã có và xây dựng thêm một số quy định mới. Trong đó, hết sức lưu ý một số vấn đề như sự phân quyền giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp theo hướng mỗi nhánh đều có quyền độc lập tương đối và đều có chức năng kiểm soát chéo lẫn nhau để có thể phát hiện nhanh nhất và trực tiếp tham gia điều chỉnh mỗi khi có sai lầm trong thực thi quyền lực được giao (như đã nói); ngay cả giữa các bộ phận trong mỗi nhánh quyền lực cũng nên phân quyền theo cách ấy; bổ sung và điều chỉnh những quy định về bảo vệ Hiến pháp và thực thi quyền tự do dân chủ của người dân, trước nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí, quyền bất khả xâm phạm, tham gia lập hội, thể hiện chính kiến; bổ sung các quy định về quyền tham chính của công dân, việc trưng cầu ý kiến nhân dân, quyền phúc quyết của dân, việc phát hiện, tố cáo, yêu cầu giải trình, yêu cầu từ chức khi có sai phạm nghiêm trọng trong sử dụng quyền lực. Cần có cơ chế để bản thân bộ máy nhà nước tự giải quyết được mọi yêu cầu công việc, khi vượt quyền thì trưng cầu dân ý, các cấp ủy Đảng không cầm tay chỉ việc. Việc này cần gắn với sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng Đảng là đại diện cho các giá trị, tập trung cho công việc tham gia khai phá văn minh (cùng với tầng lớp trí thức) cho dân tộc, lãnh đạo việc xây dựng một nhà nước thật sự của dân, lãnh đạo việc kiểm soát và giám sát thực thi quyền lực nhà nước… thay dần cho việc trực tiếp nắm giữ và sử dụng quyền lực, chồng chéo và trùng lặp với công việc nhà nước.

 

Phan Văn Thắng:Mối quan hệ giữa quyền lực và dân chủ? Dân chủ có phải là công cụ và lực lượng để kiểm soát quyền lực? hay là sử dụng quyền lực này để kiểm soát quyền lực kia?

 

Vũ Ngọc Hoàng:  Nhân dân là chủ. Quyền lực là của nhân dân. Đó là vấn đề bản chất và cũng là nguyên tắc cao nhất. Bắt đầu từ việc sức mạnh chung của một cộng đồng được ủy quyền cho trưởng làng, trưởng tộc, cho các tù trưởng, để thực thi các biện pháp nhằm bảo vệ và giúp đở nhân dân, sau đó dần dần phát triển thành quyền lực nhà nước. Thời phong kiến-quân chủ có lúc giới cầm quyền cố ý giải thích rằng quyền lực là của thượng đế, được trao cho vua (là thiên tử) sử dụng để cai trị dân chúng. Đó là cách giải thích sai có chủ ý, với động cơ để bảo vệ lâu dài cái lý lẽ quyền lực là của vua. Thực chất quyền lực vốn là của nhân dân. Từ thuở xa xưa đã thế. Từ nay về sau càng phải thế. Tư tưởng Hồ Chí Minh là vậy. Tư tưởng dân chủ tiến bộ là vậy. Đó là chân lý của muôn đời. Tuy nhiên, trong lịch sử từ xưa đến nay, ở nơi này nơi khác, rất nhiều trường hợp các thế lực chính trị đã chiếm giữ quyền lực và hành xử theo mục đích của mình, dân chủ chỉ là hình thức, kể cả mị dân. Đó là sai lầm của các triều đại. Dân chủ là cơ sở, là nền móng, là xuất xứ của quyền lực. Quyền lực phải bảo vệ nền dân chủ, bảo vệ nhân dân,  để thực thi dân chủ. Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là công cụ để kiểm soát quyền lực. Và trong quá trình thực thi kiểm soát quyền lực, có một nội dung, một loại cơ chế rất quan trọng, là dùng nhánh quyền lực này để kiểm soát nhánh quyền lực kia, dùng quyền lực này để kiểm soát quyền lực kia, và ngược lại.Tức là kiểm soát chéo.

 

Phan Văn Thắng:Chúng ta nên hiểu câu nói Tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân như thế nào? Trong thực tế hiện nay, Nhân dân có kiểm soát được quyền lực? Muốn bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân thì phải Đảng và Nhà nước cần phải làm những gì?

 

Vũ Ngọc Hoàng:  “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” không phải là một mong muốn chủ quan. Đó là vấn đề bản chất, là chân lý khách quan, như nó vốn có, đồng thời cũng là một nguyên tắc. Bản thân việc kiểm soát quyền lực có mục đích đầu tiên là để luôn bảo đảm cho quyền lực là của nhân dân, ai sử dụng quyền lực cũng là do được ủy quyền, phải sử dụng đúng mục đích và quyền hạn, không được lộng quyền, không ai được chiếm giữ quyền lực làm của riêng cho bản thân và gia đình mình để sử dụng vào mục đích cá nhân. Trong thực tế lâu nay, nhìn chung, nhiều lúc nhân dân chưa kiểm soát được quyền lực, bởi cơ chế kiểm soát còn thiếu những vấn đề quan trọng thuộc về thực thi dân chủ, tự do ngôn luận, minh bạch thông tin, và về việc sử dụng quyền lực của một nhà nước của dân để kiểm soát quyền lực. Chừng nào nhân dân chưa kiểm soát được quyền lực tức là lúc ấy việc xây dựng nhà nước của dân chưa xong, chưa đạt yêu cầu cơ bản. Để bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân, Đảng và Nhà nước phải ra sức xây dựng một nhà nước thật sự của dân, trong đó có đủ cơ chế, thể chế thực thi dân chủ, kiểm soát quyền lực, minh bạch thông tin./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528510

Hôm nay

2166

Hôm qua

2291

Tuần này

2783

Tháng này

215206

Tháng qua

0

Tất cả

114528510