Những góc nhìn Văn hoá
Sự lựa chọn duy tân văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX
Năm 1884 với Hiệp ước Patonot, thực dân Pháp hoàn thành xâm lược Việt Nam. Người Việt Nam phải bắt đầu hành trình đòi lại độc lập dân tộc vô cùng gian nan. Và tiến trình văn hóa Việt Nam cũng phải đương đầu với một tình thế lưỡng nan để phát triển.
Phan Chu Trinh Phan Bội Châu
Tình thế lưỡng nan
Liên tục nửa thế kỷ, mặc cho triều đình nhà Nguyễn nhu nhược nhưng người Việt Nam đã đứng lên chống Pháp. Song chính sự bất lực của tư tưởng quân chủ, của triều đình nhà Nguyễn, sự lạc hậu của nền văn hóa, giáo dục và trình độ độ kinh tế và khoa học đã dẫn đến thất bại.
Những năm cuối cùng của thế kỷ 19, công cuộc bình định Việt Nam của thực dân Pháp căn bản hoàn thành. Chúng khẩn trương tổ chức và kiện toàn cơ chế phủ toàn quyền bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa, lần thứ nhất (1897 - 1914) và lần thứ hai bắt đầu ngay khi thế chiến thứ nhất kết thúc (1918) nhằm bóc lột tài nguyên, sức lao động của bản xứ.
Tuy nhiên, công cuộc nàycũng đã đem lại nhiều biến đổi về kinh tế - xã hội. Đến năm 1900, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 7%/năm nhưng quan trọng nhất là cơ cấu kinh tế đã có thay đổi rõ rệt. Về nông nghiệp, nhiều đồn điền hình thành, các công trình thủy lợi được xây dựng, nhất là ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ. Trong nửa thế kỷ (1880-1937), diện tích trồng lúa tăng lên 420% (1880: 522.000 mẫu; 1937: 2,2 triệu mẫu), xuất khẩu thóc tăng 545% (1880: 284.000 tấn; 1937: 1,5 triệu tấn).
Từ một nước nông nghiệp, Việt Nam bắt đầu hình thành các ngành công nghiệp, nhất là khai mỏ, cơ khí vận tải, vật liệu xây dựng và chế biến lâm, nông, hải sản... Các khu công nghiệp khai mỏ hình thành ở Hồng Gai, Đông Triều, Tuyên Quang, Phấn Mễ, Thái Nguyên, Tĩnh Túc... Công nghiệp chế biến có nhiều nhà máy hiện đại bao gồm các ngành chế biến lâm sản, hải sản… Đặc biệt đã xuất hiện các thành phố công nghiệp như dệt Nam Định, cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn, cơ khí vận tải Vinh - Bến Thủy... Năm 1906, cả nước đã có khoảng 200 nhà máy của tư sản Pháp. Đáng chú ý là đã có nhiều nhà máy của tư sản Việt Nam, riêng Sài Gòn có 20 nhà máy xay xát. Tư sản Việt Nam đã lập các công ty, tự điều hành và quản lý sản xuất như Quảng Nam hiệp thương công ty, Quảng Hưng Long, Đông Thành Xương, Bạch Thái Bưởi… Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, các ngành công nghiệp phát triển mạnh hơn, quy mô lớn hơn, công nghệ hiện đại hơn kể cả của tư sản Pháp lẫn tư sản Việt Nam.
Một loạt cơ sở vật chất mới xuất hiện và đưa vào sử dụng phổ biến. Hệ thống giao thông hiện đại gồm đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không được hình thành. Riêng đường sắt, năm 1886, hoàn thành tuyến đầu tiên Sài Gòn - Mỹ Tho, từ 1902 đến 1906, hoàn thành tiếp các đoạn Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai và đến năm 1936 thì hoàn tất đường sắt xuyên Việt. Hệ thống đường bộ được xây dựng để kết nối tất cả các vùng, tỉnh, đến các khu công nghiệp, đồn điền, trong đó có 17 tuyến chính đi khắp Đông Dương. Đường hàng không được xây dựng và đưa vào hoạt động như đường Hà Nội - Huế (1919), Hà Nội - Tây Nguyên. Ở Hà Nội và Sài Gòn còn có xe điện, tàu điện, điện đường, nước máy… Đường dây điện thoại được thiết lập với chiều dài 14.000km.
Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa là sự thay đổi về cơ cấu xã hội. Giai cấp công nhân hình thành.Đến năm 1906, công nhân Việt Nam có khoảng 55.000 người, trước chiến tranh thế giới thứ nhất tăng lên khoảng 10 vạn người và năm 1929 đã có trên 32 vạn người. Đồng thời giai cấp tư sản Việt Nam cũng từng bước hình thành và ngày càng đông đảo. Tầng lớp tiểu tư sản ra đời và phát triển. Học sinh, sinh viên, giáo viên ngày một đông hơn. Năm 1913, chỉ riêng học sinh và giáo viên đã có 97.976 người. Đến năm 1930, đã có 430.000 học sinh và 12.014 giáo viên. Các bác sĩ, kỹ sư, luật sư, kiến trúc sư, dược sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo, sinh viên - lớp trí thức Tây học hình thành và ngày càng đông đảo.
Cùng với các đô thị mới ra đời và sự chuyển hóa của đô thị cũ đã hình thành cộng đồng cư dân đô thị mới. Họ là thợ thủ công, người buôn bán, công nhân và công chức, nhà tư sản và tiểu tư sản, trí thức. Cư dân đô thị phát triển khá nhanh, nhất là sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, cư dân thành thị chiếm khoảng 3,6% dân số, đến những năm 30 đã tăng lên 8% đến 10% dân số. Trong thành phần thị dân có một phận khá đông đảo là tầng lớp trí thức, văn nghệ sỹ.
Cư dân đô thị Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX còn tồn tại một bộ phận ngoại kiều là người Hoa, người Ấn Độ, đông đảo nhất là người Pháp và có ảnh hưởng không nhỏ đến qua trình chuyển biến văn hóa.
Quá trình đô thị hóa do quá trình khai thác thuộc địa đã làm cho cấu trúc chủ thể của văn hóa Việt Nam thay đổi. Từ cấu trúc “Sĩ, Nông, Công, Thương” nay đã có thêm công nhân, tư sản, tiểu tư sản, thị dân. Trong đó các thành phần dân cư mới, nhất là trí thức, tư sản, tiểu tư sản đóng vai trò quyết định trong quá trình tiếp biến văn hóa để xây dựng nền văn hóa dân tộc trong điều kiện mới, kết hợp truyền thống với hiện đại, dân tộc với nhân loại trong những năm đầu thế kỷ XX.
Không chỉ về phương diện kinh tế mà cả tư tưởng, văn hóa, giáo dục thời kỳ này cũng có những chuyển biến quan trọng bởi các chính sách của người Pháp.
Về giáo dục, ban đầu người Pháp duy trì Nho học để duy trì trật tự xã hội nhưng đến đầu thế kỷ XX đã tiến hành cải cách giáo dục theo kiểu Pháp cho người bản xứ, gọi là giáo dục Pháp - Việt. Nền giáo dục Hán học chấm dứt, thi cử Hán học bị bãi bỏ (ở Bắc Kỳ năm 1915, ở Trung Kỳ năm 1918) và bắt đầu xây dựng các cơ sở giáo dục mới theo kiểu phương Tây. Năm 1897, mở trường Hậu bổ ở Hà Nội; cải tổ trường Quốc Tử Giám ở Huế; mở trường sư phạm sơ cấp ở Hà Nội. Thành lập Nha học chính; sửa đổi quy chế thi Hương và thi Hội, không chỉ thi chữ Hán mà còn cả chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Năm 1908, thành lập Đại học Đông dương. Ngoài ra, người Pháp còn mở một số cơ sở nghiên cứu khoa học như: Viện Vi trùng học ở Sài gòn (1891), ở Nha Trang (1896), Hà Nội (1900); trường Viễn Đông Bác Cổ (1898),…
Đồng thời, đây cũng là giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt của chữ Quốc ngữ. Sự chiếm lĩnh của chữ quốc ngữ đã thúc đẩy văn học và báo chí phát triển. Báo chí quốc ngữ không chỉ có ở Nam Kỳ mà đã bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội. Văn học quốc ngữ cũng hình thành với một thế hệ tác gia mới. Với chính sách văn hóa, giáo dục này một tầng lớp trí thức mới đã xuất hiện.
Cũng trong giai đoạn này, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động. Sau thành công của Minh Trị Duy Tân ở Nhật Bản là phong trào Duy Tân của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu cuối thế kỷ XIX, cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc; là chiến thắng của nước Nhật trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1905); là cuộc cách mạng 1905 ở Nga… đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng và văn hóa của Việt Nam.
Với sự thay đổi về nền tảng kinh tế và cấu trúc xã hội, văn hóa Việt Nam đứng trước tình trạng đứt gãy truyền thống trên hầu hết các phương diện tư tưởng, văn học, giáo dục, lối sống... Lúc này, cùng với các yếu tố tác động từ bên ngoài, văn hóa Việt Nam ở vào tình thế phải lựa chọn con đường phát triển của mình. Về tư tưởng chính trị, đó là lựa chọn giữa quân chủ hay dân chủ, tư tưởng phong kiến hay tư tưởng dân chủ tư sản? Về giáo dục là tân học hay cựu/nho học? Về văn hóa là văn hóa Nho giáo - phương Đông hay văn hóa phương Tây? Hay lựa chọn từng phần để tích hợp với các yếu tố truyền thống để xây dựng một nền văn hóa dân tộc mới? Và bao trùm lên tất cả là vấn đề dân tộc. Bất cứ sự chọn lựa nào đều phải hướng đến mục tiêu giành độc lập dân tộc.
Đây là một sự lựa chọn vô cùng khó khăn vì sức ỳ, sự lạc hậu và bảo thủ của thể chế quân chủ, của nền văn hóa Nho giáo đã bám rễ quá sâu trên nền tảng kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Văn hóa phương Tây có nhiều ưu điểm nhưng lại gắn liền với vấn đề dân tộc vì nó vào Việt Nam chủ yếu bằng con đường thực dân. Hơn nữa, “cơ địa” của văn hóa Việt Nam vẫn là văn hóa Đông Nam Á, văn hóa phương Đông. Tích hợp, tiếp biến văn hóa phương Tây thì chưa có kinh nghiệm và cũng chưa chuẩn bị đủ lực lượng, nhất là giới tinh hoa để gánh vác trong bối cảnh bị thống trị bởi chủ nghĩa thực dân.
Sự lựa chọn khó khăn
Đứng trước tình thế văn hóa đó, muốn hay không, vẫn phải lựa chọn. Lụa chọn quan trọng và khó khăn nhất là tư tưởng chính trị. Đó là lựa chọn dân chủ hay quân chủ? Duy trì chế độ phong kiến hay xây dựng xã hội dân chủ tư sản cho tương lai của đất nước?
Thực ra câu hỏi lớn này đã bắt đầu có những người tiên phong như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch… đi tìm lời giải từ giữa thế kỷ XIX. Tư tưởng canh tân của các ông đã hình thành mặc dù chưa trở thành một chủ thuyết nhất quán có tính hệ thống toàn diện, chặt chẽ nhưng đã đưa ra phương hướng giải quyết bài toán lớn của văn hóa nước nhà.
Đến đầu thế kỷ XX thì điều kiện giải bài toán đã có nhiều dữ liệu hơn khi bối cảnh trong và ngoài nước đã có nhiều thay đổi. Bắt đầu từ mục tiêu độc lập dân tộc, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu và các đồng chí của mình đã đi tìm lời giải. Hai ông là hai ngọn cờ của hai chủ thuyết để giải bài toán.
Phan Bội Châu bằng con đường bạo động để giành độc lập dân tộc và hướng đến một nền quân chủ lập hiến. Ông sang Trung Quốc, sang Nhật Bản để tham khảo đường lối của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, của Minh Trị Duy Tân. Ông lập Hội Duy tân, tổ chức phong trào Đông du để xây dựng lực lượng. Nhưng ông thành nhân mà không thành công vì chủ thuyết của ông không còn phù hợp trong điều kiện đàn áp của thực dân Pháp và mối liên hệ lợi ích giữa các quốc gia trong bối cảnh chủ nghĩa đế quốc đã hình thành.
Phan Chu Trinh thì khác. Ông lựa chọn văn hóa và giáo dục để tổ chức lực lượng, xây dựng sức mạnh nội sinh cho công cuộc giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước theo mô hình dân chủ. Chủ thuyết “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” là kế lâu dài, căn cơ cho công cuộc giành độc lập dân tộc và phát triển đất nước. Phong trào Duy Tân do ông phát động chủ trương bất bạo động, khôi phục đất nước bằng con đường nâng cao dân trí, cải tổ toàn diện xã hội cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục theo hướng hiện đại; dạy học và sử dụng chữ Quốc ngữ, học ngoại ngữ, khoa học kỹ thuật, bỏ lối học khoa cử từ chương; lập nhà buôn, mở mang kinh tế. Chủ thuyết và các hoạt động thực tiễn của ông đã được hưởng ứng rộng rãi trên nhiều phương diện. Bắt đầu từ Trường Phú Lâm do Lê Cơ sáng lập ở Quảng Nam, một mô hình trường học mới ra đời với đỉnh cao là Đông Kinh nghĩa thục (mô hình trường học được hình thành từ ý tưởng của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can và các sĩ phu yêu nước trên cơ sở tham khảo mô hình Khánh ứng nghĩa thục của Nhật Bản); Công ty Liên Thành và các hiệu buôn hình thành… Có thể nói, chủ thuyết của Phan Chu Trinh đã tạo nên một làn sóng văn hóa, giáo dục mới mẻ và tiến bộ của đất nước. Đó là một sự lựa chọn phù hợp và đúng đắn nhất trong bối cảnh lúc bấy giờ.
Công cuộc duy tân văn hóa đầu thế kỷ XX đã trở thành bản lề cho văn hóa Việt Nam bước sang hiện đại, hội nhập với văn hóa thế giới. Chữ Quốc ngữ được hoàn thiện và phổ biến đã trở thành động lực chấm dứt nền giáo dục khoa cử Hán học để xây dựng nền quốc học mới. Từ đó làm nền tảng cho báo chí Quốc ngữ, văn học Quốc ngữ phát triển. Đặc biệt nó là phương tiện hữu hiệu hơn hết để tiếp cận, tiếp biến các trào lưu tư tưởng hiện đại, các nền văn hóa, văn minh của thế giới. Cuộc duy tân cũng đã góp phần quan trọng hình thành một thế hệ trí thức mới - trí thức tân học, là lực lượng tiên phong trong sự vận động phát triển về tư tưởng và văn hóa của nước nhà.
Làn sóng đó cũng là điểm khởi đầu cho những chuyến động văn hóa, giáo dục mới của dân tộc những năm 1920 trở về sau với những tên tuổi lớn như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố...
Tiến trình văn hóa dân tộc không phải lúc nào cũng bằng phẳng mà có những lúc phải đương đầu với những thách thức để vượt qua và tiếp tục xác lập những giá trị mới. Tình thế những năm đầu thế kỷ XX đã buộc người Việt Nam phải có sự lựa chọn. Và các bậc tiền bối đã đúng khi lựa chọn con đường canh tân văn hóa, giáo dục theo hướng tiến bộ, phù hợp với xu thế của thời đại để phục hưng dân tộc./.
tin tức liên quan
Videos
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511774
2100
2337
22148
218647
121356
114511774