Nhà giáo Ưu tú Phạm Xanh sinh năm 1943 trên quê hương Quảng Bình đầy cát trắng, gió Lào và nắng như thiêu đốt. Sự nghèo khổ và khí hậu khắc nghiệt chẳng làm nản lòng những người con Quảng Bình can trường như ông vươn tầm ra khỏi chốn quê nhà. Tốt nghiệp phổ thông trung học, ông ra Hà Nội học đại học. Từ làng ra phố đã tạo nên một bước ngoặt trong cuộc đời ông. Trong cuốn sách Khám phá lịch sử Việt Nam ông viết: “Tôi thuộc lớp người chân đất từ Quảng Bình ra Hà Nội học hành rồi định cư nơi đất lành này đã hơn nửa thế kỷ. Đó là sự dịch chuyển lớn nhất trong cuộc đời tôi, bước chuyển từ văn hóa làng tù đọng đến văn hóa thị thành cởi mở, năng động”. Ông học tiếng Nga tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội).
PGS.TS.NGUT Phạm Xanh. Ảnh Thành Long
Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, ông về công tác tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Từ đây ông bén duyên với lịch sử dân tộc. Sau một thời gian làm việc tại bảo tàng, ông quyết định theo học ngành lịch sử tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, để thỏa niềm đam mê lịch sử. Ông tốt nghiệp ngành lịch sử với tấm bằng loại ưu. Với phong cách chững chạc về tuổi đời, tuổi nghề, sở hữu hai tấm bằng đại học, cùng sự đam mê lịch sử, ông đã được lãnh đạo Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Ở trong một môi trường học thuật cực kỳ thuận lợi, được học và làm việc trực tiếp với các thầy cô tài năng và tâm huyết, được tiếp cận với các nguồn tư liệu mới, nhận thức mới, ông được thỏa sức khám phá lịch sử Việt Nam. Ông yêu thích lịch sử Việt Nam cận đại bởi đây là giai đoạn xã hội Việt Nam có nhiều biến động, nhiều vấn đề lịch sử đặt ra cần được giải quyết thỏa đáng. Bốn thập kỷ qua kể từ khi bén duyên với lịch sử, trở thành người dạy sử và viết sử chuyên nghiệp, ông đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Những ai từng được học thầy Phạm Xanh sẽ chẳng bao giờ quên được bài giảng của thầy. Ông dạy học bằng cả trái tim mình. Học trò không bao giờ thấy ông giở, lật từng trang giáo án. Giọng nói xứ Quảng vốn khó nghe với học trò xứ Bắc, nhưng điều kỳ lạ là học trò đặc biệt thích chất giọng của ông. Ông lôi cuốn học trò đi sâu vào những mảng kháng chiến, những chuyển biến về kinh tế, văn hóa, tư tưởng, chính và xã hội Việt Nam thời cận đại. Ông biết truyền ngọn lửa đam mê lịch sử và những khát khao khám phá lịch sử vào trái tim học trò. Tôi còn nhớ mãi vào một buổi tối mùa đông cuối năm 2000, Đoàn Trường tổ chức một buổi nói chuyện giữa thầy Xanh với sinh viên khoa Lịch sử. Hội trường Ký túc xá Mễ Trì chật kín chỗ. Gần 1.000 sinh viên, chủ yếu là sinh viên khoa Lịch sử, ngồi im phăng phắc lắng nghe từng tiếng nói của ông về những trường đoạn trong lịch sử dân tộc, về những khoảng trống lịch sử cần được lấp đầy. Những lời nói của ông đã động thấu tới tận đáy trái tim học trò. Hội trường bùng lên những tràng pháo tay và reo hò không ngớt. Tôi biết người diễn giả trong ông đang ngập tràn hạnh phúc.
Thầy là Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận hiện đại (1996-2008)/Ảnh: Thành Long
PGS.TS Phạm Xanh đã hướng dẫn nhiều sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp đại học, hàng chục thạc sĩ và hơn 10 tiến sĩ. Ở ông luôn khát khao tìm hiểu cái mới, nên ông hướng học trò đi khám phá những vấn đề mới, hoặc còn bỏ trống của lịch sử Việt Nam. Cho nên đọc những luận văn, luận án của những học trò do ông hướng dẫn có một cái gì đó rất riêng, đậm trội dấu ấn Phạm Xanh. Từ những bài giảng có lửa và những định hướng khoa học có tầm đã có những học trò toàn tâm đi theo ông. Sự theo thầy ấy bắt đầu từ thủa sinh viên đến khi trở thành tiến sĩ. Một số tiến sĩ mà thầy hướng dẫn đã trở thành những nhà quản lý, thầy giáo và nhà nghiên cứu lịch sử như PGS.TS Trần Ngọc Long (Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự), TS. Phan Sĩ Phúc (Phó Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự), TS. Lê Văn Phong (Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Thanh Hóa), PGS.TS Trần Viết Nghĩa (Phó chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận Hiện đại)… Để có được những thành tựu đào tạo đó là do uy tín về giảng dạy và nghiên cứu khoa học của thầy. Học trò đặt niềm tin sâu sắc vào thầy và trưởng thành nên từ những hướng chuyên môn mà thầy đã khai mở.
Trong thời gian làm Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận Hiện đại, ông chú ý phát hiện những sinh viên có triển vọng để bồi dưỡng họ trở thành cán bộ giảng dạy và nghiên cứu lịch sử. Một số sinh viên do ông trực tiếp bồi dưỡng nay đã trở thành những cán bộ trẻ như Trần Viết Nghĩa, Trương Thị Bích Hạnh và Hoàng Thị Hồng Nga.
Bốn thập kỷ sống với những đam mê khám phá lịch sử, ông phát hiện và âm thầm, lặng lẽ tìm cách khỏa lấp những khoảng trống lịch sử. Ông đã công bố gần 150 bài đăng trên các tờ báo, tạp chí trong nước và quốc tế về nhiều chủ đề như chính trị, văn hóa, xã hội, tư tưởng, sự kiện, nhân vật… Ông là một trong những học giả nghiên cứu chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách Nguyễn Ái Quốc với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam là một trong những sản phẩm nghiên cứu tiêu biểu của ông về Bác Hồ. Ông để lại dấu ấn rất riêng trong những bộ sách lớn mà ông tham gia viết chung, tiêu biểu như bộ Tiểu sử Hồ Chí Minh, Lịch sử Thăng Long – Hà Nội (2 tập), Lịch sử Việt Nam,Phong trào giải phóng dân tộc ở Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX…
Năm 2014, cuốn sách Khám phá lịch sử Việt Nam của PGS.TS Phạm Xanh ra mắt bạn đọc. Cuốn sách tinh tuyển những bài viết của ông về nhiều vấn đề lịch sử. Cuốn sách này xoay quanh trục khỏa lấp một phần hoặc toàn bộ những khoảng trống lịch sử mà ông đã phát hiện ra, với những tiêu chí về đề tài, tư liệu và hướng tiếp cận. Cuốn sách được cấu trúc thành bốn phần: Vương triều Nguyễn – Một số vấn đề lịch sử; Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế; Việt Nam trên con đường giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước; Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam.
Ngoài giảng dạy và nghiên cứu khoa học, PGS.TS Phạm Xanh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhằm truyền bá những kiến thức lịch sử tới cộng đồng. Ông tham gia chương trình Theo dòng lịch sử Việt Nam do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức sản xuất, phát trên kênh truyền hình VTV2. Chương trình này thu hút được sự quan tâm của đông đảo người xem, đặc biệt là những người yêu lịch sử. Ngoài ra ông còn tham gia viết nhiều bài báo, trả lời phỏng vấn các đài truyền thanh, truyền hình nhân dịp kỷ niệm các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc.
Khám phá lịch sử Việt Nam trở thành niềm đam mê trọn đời của ông. Bốn thập kỷ qua ông cần mẫn, miệt mài khi tìm và khỏa lấp những khoảng trống lịch sử. Niềm đam mê khám phá ấy đã khai hoa và kết thành trái ngọt. Dù đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, dù có lúc từng mắc bạo bệnh, nhưng ông vẫn tiếp tục đồng hành với đam mê khám phá lịch sử Việt Nam. Ông đã xác lập được dấu ấn của mình – dấu ấn Phạm Xanh trong làng Sử. Ông đã khơi được niềm đam mê khám phá lịch sử Việt Nam trong lòng học trò và những người yêu sử.
PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ PHẠM XANH
-
Năm sinh: 1943.
-
Quê quán: Quảng Bình.
-
Tốt nghiệp Trường trung cấp Ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Nga năm 1963.
-
Tốt nghiệp đại học ngành Lịch sử tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1977.
-
Nhận bằng Tiến sỹ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1989.
-
Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1996.
-
Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2008.
-
Thời gian công tác tại trường: 1977-2008.
+ Đơn vị công tác:
Khoa Lịch sử.
+ Chức vụ quản lý:
Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận hiện đại (1996-2008).
-
Các hướng nghiên cứu chính: Lịch sử Việt Nam cận đại, Nguyễn Ái Quốc và sự truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, các khuynh hướng tư tưởng ở Việt Nam thời kỳ cận đại, các đảng phái chính trị ở Việt Nam thời kỳ cận đại.
-
Các công trình khoa học tiêu biểu:
Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin (1921-1930), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.
Ho Chi Minh: The Nation and The Times 1911-1946, The Gioi Publisher, Hà Nội, 2005.
Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (viết chung), NXB Hà Nội 2010.
Lịch sử Việt Nam, tập 3 (viết chung), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2012.
Khám phá lịch sử Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014.
|
Nguồn: ussh.edu.vn