Bản chất của báo chí là thông tin, và truyền tin, tạo mối liên hệ, liên kết cho xã hội vận động và phát triển. Báo chí đồng hành cùng xã hội, là tấm gương phản chiếu đa chiều, là người “chép sử” khách quan của cộng đồng, và là động lực, bộ điều tiết các vận động chính trị, kinh tế, văn hóa... của xã hội. Gần năm trăm năm nay, đặc biệt là hiện tại và tương lai, báo chí phải liên tục phát triển để tương thích với sự phát triển của nhân loại, khi mà thông tin càng ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng hơn với xã hội.
Các cuộc cách mạng công nghệ của nhân loại đều đem lại cho báo chí một sự trưởng thành mới về triết lý tồn tại, sự tự ý thức/nhận thức về vai trò của mình, về nội dung, hình thức và phương thức truyền tin. Làn sóng cách mạng công nghệ mới (4.0) đã và đang làm thay đổi nhanh chóng nền báo chí của tất cả các quốc gia – dân tộc, kể cả về khái niệm báo chí. Báo chí Việt Nam không đứng ngoài xu thế chung đó của báo chí thế giới.
Báo chí không chỉ phản ánh mà là một phần của xã hội, của sự vận động xã hội. Bởi vậy, báo chí mỗi thời đại, mỗi quốc gia dân tộc, mỗi cộng đồng đều có những đặc điểm, những dấu ấn riêng phản ánh trình độ phát triển, bản sắc văn hóa và mối quan hệ giữa các quyền lực với nhau, và với báo chí.
Báo chí không là thế lực nhưng báo chí có sức mạnh thông tin. Bởi vậy, báo chí có vai trò ngày càng trở nên quan trọng hơn trong quá trình phát triển của xã hội thông tin. Một xã hội phát triển lành mạnh,và bền vững là xã hội biết phát huy mọi thế mạnh, mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó có truyền thông - báo chí. Việt Nam không đứng ngoài mặc định có tính quy luật này.
Báo chí cách mạng Việt Nam là một lực lượng, một “binh chủng” của cách mạng Việt Nam. Lịch sử gần 100 năm của báo chí cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ điều đó. Nhưng báo chí Việt Nam đang đòi hỏi phải tự đổi mới rất nhiều để theo kịp sự vận động của xã hội Việt Nam và thế giới. Báo chí vừa phải thực hiện vai trò, trách nhiệm đối với sự vận động của đất nước vừa phải tiếp cận với trình độ báo chí của thế giới. Báo chí Việt Nam không thể phát triển nếu đứng ngoài các chuẩn mực và giá trị có tính phổ quát của báo chí thế giới.
Để đổi mới và phát triển, báo chí không thể không tiếp cận các thành tựu mới về khoa học & công nghệ, không thể không vận động để theo kịp trình độ phát triển mới của xã hội trên mọi phương diện, từ nhận thức đến hành vi. Tuy nhiên, nhân tố quyết định vẫn là những người làm báo. Họ phải có được những tri thức mới để có những nhận thức mới và kỹ năng mới về báo chí và nghề báo để hướng tới góp phần tạo ra các giá trị mới hiện đại và tiến bộ, có ích thiết thực cho cuộc sống, cho cộng đồng. Trong bối cảnh hiện tại, đối với các nhà báo Việt Nam đây là việc không quá khó nhưng không hề dễ.
Mặt khác, để báo chí phát triển, phát huy được khả năng đặc thù của mình, và có nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng, cho quốc gia dân tộc, báo chí phải cùng với các thiết chế xã hội tạo ra được một môi trường báo chí lành mạnh, trung thực và tiến bộ. Trong môi trường đó, báo chí không những có điều khiện phát triển thuận lợi mà còn có khả năng cống hiến thúc đẩy xã hội tiến bộ nhiều hơn.
Báo chí không thể đứng ngoài tồn tại xã hội mà phải ở trong đó, là một phần trong đó. Để thực hiện được sứ mạng của mình, báo chí phải luôn tự làm mới mình, hiện đại hơn, nhân văn hơn để đóng góp nhiều hơn cho sự tiến bộ, phát triển của xã hội, của đất nước. /.