Với quê, ai cũng tự thấy mình nhỏ bé, bé tẹo vì khi được sinh ra quê đã có tự bao giờ. Những người khai sơn phá thạch lập làng dựng quê cũng tự thấy mình bé nhỏ vì đất ấy vốn đã có chủ từ xưa – đó là các vị thần thổ công cai quản núi sông.
Với quê, ai cũng tự thấy mình nhỏ bé, bé tẹo vì khi được sinh ra quê đã có tự bao giờ. Những người khai sơn phá thạch lập làng dựng quê cũng tự thấy mình bé nhỏ vì đất ấy vốn đã có chủ từ xưa – đó là các vị thần thổ công cai quản núi sông.
Quê, đó là gia đình, hàng họ, láng giềng và làng xóm. Quê là nơi ta chôn nhau cắt rốn. Uống nước giếng quê; ăn hạt lúa quê; nói tiếng quê; học thầy, học bạn ở quê; nghe tiếng chuông chùa, tiếng trống đình của quê. Mỗi người dân Việt đều có một miền quê để mà thương mà nhớ dẫu là ở thị thành đã mấy chục đời người. Quê là một thế giới không thể tráo đổi của một kiếp người. Quê là nơi linh thiêng trong tâm tưởng của mọi đứa con quê. Đất lề quê thói, lịch sử và văn hoá quê tạo dựng nên tính cách, phẩm chất văn hoá cho mỗi người dân quê.
Với quê, về với quê, ai cũng trở nên bé nhỏ. Và ai cũng hài lòng về điều đó. Ơn quê, yêu quê là bổn phận, là niềm tự hào của mỗi người con quê. Từ bao nhiêu đời nay, dù cho ai có làm vương xưng tướng oai hùng đến đâu cũng sâu thẳm một niềm quê. Họ tôn quý và chăm chút cho làng quê của họ. Họ góp tiền tậu đất xây chùa, xây đình, dựng cổng cho quê; Họ sẻ chia nghèo khó và cả vinh quang với người quê. Trải bao thăng biến của đời, trong các câu chuyện của người dân quê vẫn lưu truyền nhiều cổ tích công tích của người xưa; trên rất nhiều tấm bia của đình làng, chùa làng... những dòng lạc khoản vẫn sáng lên những tấm lòng quê. Mọi người nghĩ chăm cho quê là chăm cho Nhà, cho Họ Hàng và Làng Nước. Yêu quê và yêu nước là tình yêu vô tư trong lành nhất. Chiếc cổng làng lúc nào cũng dung dị, bình thản và trầm mặc nhất lúc đưa ta rời quê và khi đón ta về. Người quê hiểu ta nhiều nhất; hiểu từ khi ta mới lọt lòng mẹ, từ khi chôn nắm nhau cho đến lúc gửi nắm xương tàn vào lòng đất quê.
Tâm niệm về quê, ứng xử với quê là một chỉ số văn hoá, một phẩm chất văn hoá của người Việt Nam. Yêu quê là gắng sức làm rạng danh quê, góp sức với nước, làm cho quê giàu, nước mạnh. Xưa là vậy. Nay vẫn vậy, càng phải vậy.
Số phận của mỗi người con của quê, dẫu cho xa quê nhưng vẫn gắn liền với quê, trong bất cứ ai cũng có một miền ký ức, một “gen” văn hoá của quê.
Quê hương bao giờ cũng thiêng liêng. Một chữ Quê mà chứa đầy cả pho sử dày cộm về một miền quê, về những dòng họ, về những gia đình, những bạn bè. Một chữ Quê mà đủ đầy cả cây đa, giếng nước, sân đình, cả những ngôi chùa, ngôi đền. Một chữ Quê mà vĩ đại vô cùng của Quá Khứ, Hiện Tại và Tương Lai
Cuộc sống ngày càng sôi động hơn, thế giới rộng mở hơn, người xa quê làm ăn sinh sống nhiều hơn nhưng ký ức quê không mờ nhạt mà còn sâu sắc hơn trong mỗi người dân quê trên mọi chặng đường mưu sinh. Mọi người nhớ về quê nhiều hơn, tự hào về quê nhiều hơn, chăm lo và trở về với quê nhiều hơn.
Về quê, họ mang theo tri thức, tầm nhìn mới tích luỹ trên cả chặng đường đời , mang theo cả những nhớ thương và khát vọng làm cho quê giàu đẹp hơn, dân quê đỡ vất vả hơn, sung sướng và hạnh phúc hơn.
Về với quê là mong lại được làm dân quê. Chẳng ai muốn, và dámlàm vua làm quan với người dân quê mình. Họ chỉ muốn mãi mãi là một người dân quê như bao người khác. Họ vẫn chỉ khát khao được đi qua cái cổng làng bình dị mà thôi.
Mọi cuộc trở về với quê, khi đang sống cũng như khi đã chết, đều muốn gắn phận mình với quê, muốn cho quê tươi đẹp hơn, vui hơn, chẳng ai muốn làm phiền lòng quê.
Vâng, đừng làm phiền quê!
227
2359
21402
217901
121356
114511028