Khách mời văn hóa
Phải tôn trọng sự lựa chọn của chủ thể để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nông thôn (Trao đổi với Tô Duy Hợp, Mai Thanh Sơn và Nguyễn Lâm Tuấn Anh)
Di sản văn hóa ở nông thôn luôn có một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của một cộng đồng, một quốc gia, nhất là đối với một nước nông nghiệp vẫn là chủ yếu như Việt Nam. Sự biến đổi về kinh tế xã hội trong thời gian qua đã làm cho nhiều di sản văn hóa nông thôn bị mai một, bị biến dạng. Sự biến đổi văn hóa là tất yếu và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nông thôn cũng ngày càng được quan tâm. Để góp thêm ý kiến về vấn đề này, Văn hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Xã hội học Tô Duy Hợp, Tiến sĩ Dân tộc học Mai Thanh Sơn và nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Lâm Tuấn Anh. Xin giới thiệu với bạn đọc nội dung chính của cuộc trao đổi này.
PV: Thưa các ông, xin được mở đầu cuộc trò chuyện bằng việc hiểu thế nào về di sản văn hóa ở nông thôn?Làm thế nào để nhận diện những di sản này?
GS Tô Duy Hợp (TDH): Di sản văn hóa (Cultural Heritage) nói chung và ởnông thôn nói riêng là những thành quả hoạt động văn hóa của các thế hệ trước còn lưu giữ lại cho thế hệ sau. Di sản văn hóa vật thể dễ nhận diện trực tiếp, như các công trình kiến trúc, các tác phẩm điêu khắc. Di sản văn hóa phi vật thể có thể tìm hiểu qua ý nghĩa của các biểu tượng đặc trưng, như qua ngôn ngữ văn học, nghệ thuật, hay qua biểu tượng tín ngưỡng và tôn giáo, hay qua các phạm trù, nguyên lý triết học, ... Kết cấu hạ tầng ở các Làng -Xã bao gồm hệ thống điện, đường sá, trường học, trạm xá, kiến trúc khu nhà ở, kiến trúc khu sản xuất -kinh doanh, kiến trúc đình, chùa, nhà văn hóa thôn/bản chính là di sản văn hóa vật thể ở Nông thôn. Còn kho tàng văn nghệ dân gian và bác học, triết lý dân gian và khoa học, tín ngưỡng dân gian và tôn giáo, ... đều là Di sản văn hóa phi vật thể ở Nông thôn xưa và nay.
TS Mai Thanh Sơn (MTS):Di sản văn hóa nông thôn là tập hợp các hiện vật văn hóa do cha ông để lại như đình chùa, đền miếu, các cổng làng xưa, những ngôi nhà cổ,…; là các hoạt động phản ánh những nét đẹp trong nếp sống truyền thống như tình làng nghĩa xóm, tinh thần lá lành đùm lá rách, nề nếp/gia quy dòng tộc và gia đình,…; và ẩn trong sâu hơn, chính là các tri thức về muôn mặt đời sống từ tự nhiên đến con người, từ kinh tế đến xã hội, từ các thực hành văn hóa tâm linh đến khuôn phép đạo lý, từ các trạng thái thăng hoa tình cảm thể hiện qua nền học nghệ thuật dân gian đến sự khái quát rất cao về mỹ cảm cộng đồng… Để nhận diện được những di sản đó, hiển nhiên cần có những nghiên cứu chuyên sâu của các nhà nghiên cứu, với sự hợp tác không thể thiếu của chính các chủ thể văn hóa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Lâm Tuấn Anh (NLTA): Theo tôi, chúng ta có thể hiểu di sản văn hóa nông thôn là hệ thống các di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể được hình thành và tồn tại trong không gian xã hội nông thôn. Tất nhiên đây là cách hiểu mang tính tương đối.
PV: Theo các ông, di sản văn hóa ở nông thôn miền núi và ở nông thôn miền xuôi có sự khác nhau không? Nguyên nhân nào tạo nên sự khác nhau đó?
TDH: Xét về tính chất, di sản văn hóa nông thôn miền xuôi và miền núi ởnước ta có nhiều khác biệt rõ nét. Sở dĩ có sự khác biệt đó là do miền núi và miền xuôi có nhiều khác biệt, đó là: khác biệt về môi trường địa chất và địa lý, khác biệt về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; khác biệt về dân số, tộc người; khác biệt trình độ phát triển kinh tế-xã hội; khác biệt về trình độ phát triển văn hóa, văn minh; khác biệt về bản sắc, đa dạng văn hóa, văn minh; khác biệt về tín ngưỡng,…
MTS:Xét về loại hình và bản chất chung, tôi lại thấy di sản văn hóa nông thôn giữa các vùng/miền, các tộc người không hề có sự khác nhau. Đó cũng chỉ là các hiện vật văn hóa, các hoạt động và trạng thái cảm xúc, các tri thức dân gian… Nhưng giữa miền núi và miền xuôi có sự khác nhau cơ bản về điều kiện sinh thái, cư dân ở các vùng đó có sự khác nhau về truyền thống lịch sử xã hội, hiển nhiên sẽ có sự khác nhau về văn hóa và di sản văn hóa. Sự khác nhau cơ bản thể hiện ở các hình thức/trạng thái biểu đạt cụ thể.
NLTA: Nông thôn miền xuôi và miền núi chủ yếu khác nhau về điều kiện sinh thái và kinh tế xã hội. Về cơ bản cả hai khu vực đều có sự đa dạng về văn hóa. Nhưng ở miền núi, có nhiều dân tộc sinh sống hơn nên sự đa dạng về đặc trưng văn hóa tộc người có phần cao hơn miền xuôi (rõ ràng nhất là ở miền Bắc và miền Trung). Bên cạnh đó là tình trạng biến đổi văn hóa. Khi kinh tế xã hội miền xuôi phát triển nhanh chóng hơn thì sự biến đổi văn hóa diễn ra nhanh hơn so với miền núi.
PV: Tôi có cảm giác như sau hơn nửa thế kỷ qua, nhà nước đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách can thiệp sâu đậm vào vùng nông thôn. Từ cải cách ruộng đất, phát triển hợp tác xã, rồi đổi mới, và hiện nay là chương trình xây dựng nông thôn mới. Mỗi một chính sách như vậy đều làm thay đổi mạnh mẽ đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa ở nông thôn. Nhưng tôi có cảm giác hình như di sản văn hóa ở nông thôn đang ngày càng bị hư hại, mất mát nhanh chóng hơn. Các vị nghĩ sao về cảm nhận này?
TDH: Di sản văn hóa nông thôn bị mất mát biến đổi nhanh chóng qua các giai đoạn và do nhiều tác nhân. Cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc có những hậu quả lớn đối với văn hóa cổ truyền khi chính quyền địa phương kêu gọi người dân đạp đổ tầng lớp địa chủ và trí thức phong kiến, quét bỏ những "tàn dư phong kiến". Về mặt văn hóa thì nhiều sách vở chữ Nho và chữ Nôm, hoành phi, câu đối của những gia tộc quyền thế bị đốt; đình, chùa, đền, miếu bị người dân phá hủy. Về giá trị truyền thống thì quan hệ trong nhiều gia đình, xóm giềng bị phá vỡ do những cảnh con cái tố cáo cha mẹ, láng giềng hãm hại lẫn nhau khiến đạo lý cổ truyền suy sụp. Giai đoạn khôi phục kinh tế- xã hội và xây dựng cơ sở vật chất -kỹ thuật xã hội chủ nghĩa, từ giữa năm 1954 đến 1975, được quen gọi là thời kỳ bao cấp XHCN ở miền Bắccũng tàn phá đi nhiều di sản văn hóa nông thôn do nhận thức sai lầm về cái cũ - cái mới. Giai đoạn giữa 1975đến 1986, di sản văn hóa vật thể và cả phi vật thể ởnông thôn đã bị hư hại, mất mát rất nhiều do việc thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa có lúc, có nơi quá khích, lệch lạc.Giai đoạn từ Đổi mới 1986 đến nay, nông thôn Việt Nam được khai phóng, tức là được khai sáng và được giải phóng, di sản văn hóa nông thôn được phục hồi và phát huy, theo các phương thức khác nhau, như: kế thừa có đổi mới, phục hồi có cách tân, đổi ngôi khinh trọng, ... Tuy nhiên, không tránh khỏi bất cập, lệch lạc, và cả suy thoái, nhất là việc chạy theo lợi nhuận kinh tế, lợi ích nhóm trong quản lý di sản.
NLTA: Đúng là qua các giai đoạn, di sản văn hóa nông thôn có những mất mát ở các mức độ khác nhau do sự thay đổi về chính sách. Có lúc, vì quá coi nặng duy vật lịch sử, theo thuyết tiến hóa đơn thuần nên coi giai đoạn sau tiến bộ hơn giai đoạn trước, văn hóa cũng vậy nên họ cho rằng cần phải loại bỏ các tàn dư văn hóa phong kiến thực dân. Vậy nên, chúng ta chủ động phá nhiều đền, chùa, đình, miếu, thay đổi nhiều phong tục tập quán, lối sống, quan hệ xã hội… vì cho rằng nó là sản phẩm của xã hội lạc hậu. Sau đổi mới chúng ta quay ngược lại tôn thờ cái cũ một cách thái quá với lý do nó là “truyền thống”. Nhiều đền chùa, lễ hội được khôi phục lại từ khi có Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (1998). Các chính sách có tác động đến di sản văn hóa cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Khó để nói thụt lùi hay không thụt lùi. Vì bản chất của văn hóa là luôn biến đổi để phù hợp với sự phát triển xã hội. Vậy nên khi nhìn nhận chính sách cần phải cởi mở hơn, bởi nhiều người lo ngại văn hóa truyền thống bị mai một đi, nhưng mặt khác nó cũng tạo ra sự đa dạng về giá trị văn hóa, để phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
MTS:Một trong những thuộc tính rất quan trọng của văn hóa, đó chính là tính khả biến. Văn hóa luôn biến đổi do nhu cầu tự thân, động lực tự có từ chính các chủ thể; đồng thời, nó cũng luôn có sự thay đổi trong quá trình giao lưu, học hỏi, tiếp thu từ các chủ thể khác. Đó là sự biến đổi có lựa chọn/được quyết định bởi chính các chủ thể, hàng ngày diễn ra âm thầm, chậm chạp, đơn lẻ. Sự thay đổi trên diện rộng/quy mô lớn chỉ có thể diễn ra dưới những tác nhân quan phương, thông qua các chương trình/chính sách can thiệp, các cuộc vận động bắt buộc… Đa phần các tác nhân đó đều mang tính áp đặt, chủ thể ít/hoặc không có sự lựa chọn. Sự mất mát/hư hại di sản là điều không thể tránh khỏi.
PV: Theo các vị, các chính sách liên quan đến phát triển nông thôn mới hiện nay có phải là một tác nhân quan trọng làm ảnh hưởng đến di sản văn hóa ở nông thôn? Cái được và chưa được của chính sách hiện nay với vấn đề bảo tồn và phát huy di sản?
TDH: Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đang là một tác nhân quan trọng nếu không muốn nói là có tính quyết định làm ảnh hưởng đến chiến lược phát triển toàn diệnnông thôn, từkinh tế-xã hội nói chung, đến bảo tồn, và phát huy di sản văn hóa ởnông thôn nói riêng. Phong trào xây dựng nông thôn mới này về cơ bản phù hợp với Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc tính đến 2030 và xa hơn nữa. Đó là thuận lợi lớn cho nông thôn Việt Nam hội nhập quốc tế và tham gia toàn cầu hóa. Tuy nhiên cần cảnh báo một số bất cập, và lệch lạc của khung 19 tiêu chí xây dựng Xã nông thôn mới: đó là cuộc chạy đua theo thành tích số lượng hơn là chất lượng, khuôn mẫu áp đặt từ trên xuống hơn là dân chủ tham gia từ dưới lên, không kiểm soát được tệ nạn tham nhũng qua các dự án phát triển nông thôn, không ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên do tăng trưởng kinh tế bằngmọi giá, ...
NLTA: Chính sách phát triển nông thôn bảo không tác động đến di sản cũng không đúng mà bảo tác động nhiều cũng không đúng. Theo tôi, đó là các tác nhân gián tiếp làm thay đổi di sản văn hóa nông thôn. Chẳng hạn chương trình nông thôn mới đang làm thay đổi mạnh mẽ bối cảnh kinh tế xã hội ở nông thôn. Và qua đó, mới tác động đến di sản văn hóa nông thôn. Ví dụ, chẳng có chính sách nào cấm hát quan họ. Nhưng đường sá mở ra, các quán cà phê xuất hiện và thanh niên thay vì ngồi nghe hát quan họ lại thích ra quán cà phê nói chuyện, lướt net chẳng hạn…
MTS:Chính sách phát triển ở thời nào thì cũng là tác nhân quan trọng ảnh hưởng sâu rộng/trên quy mô lớn, và triệt để đến di sản văn hóa nông thôn chứ chẳng phải chỉ có thời nay. Chính sách Nông thôn mới hiện nay đã góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn. Đó là thực tế không thể phủ nhận. Cái thiếu hụt dễ nhận thấy nhất, là nó còn mang tính áp đặt, “duy khoa học/kỹ thuật/công nghệ”, ít dựa vào tri thức cộng đồng. Và do vậy, chưa phát huy được hết sức mạnh nội lực của các chủ thể văn hóa, đặc biệt là chưa khai thác tối đa được các tri thức dân gian đang được lưu giữ trong dân. Điều đó có thể ảnh hưởng đến tính bền vững của phát triển. Và đáng tiếc nhất là nó sẽ làm mất đi điều kiện bảo tồn/trao truyền các vốn quý cha ông để lại.
PV: Có thời kỳ chúng ta hủy hoại không thương tiếc các di sản văn hóa nông thôn, từ các di sản vật thể như đền, chùa, đình, miếu, nhà thờ,… đến các di sản phi vật thể như nghi lễ, diễn xướng, lễ hội,… Gần đây việc khôi phục lại trở thành các phong trào. Nhưng như tôi thấy, dù được quan tâm nhiều nhưng công tác bảo tồn di sản văn hóa vẫn chưa thật sự hiệu quả, chưa gắn được với cuộc sống và sinh hoạt văn hóa của chủ thể. Không biết các vị có nghĩ như vậy không?
TDH: Nhận thức của con người luôn ảnh hưởng đến các di sản văn hóa. Nếu như trước đây, chủ nghĩa vô thần được truyền bá và được thựchành rộng khắp cảnước nói chung, và ởnông thôn nói riêng thì ngày nay, triết lý sùng đạo, chủ nghĩa hữu thần đang lên ngôi! Xu hướng đạo hóa, thần thánh hóa này có tính 2 mặt đan xen nhau rất phức tạp, khó phân biệt lợi/hại, thực/giả, đúng/sai, thiện/ác, đẹp/xấu, linh thiêng/phàm tục. Nếu ai cũng sống tốt đời đẹp đạo thì sẽ có sự hài hòa giữa thực dụng và tâm linh. Nhưng nếu có sự lợi dụng, lạm dụng di tích tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh để lừa đảo, để làm giàu bất chính, là vi phạm pháp luật, là phản đạo đức, là bất nhân.Sự thay đổi trong nhận thức từ cực này sang cực kia, từ chỗ tàn phá khi coi nó là lạc hậu, là mê tín quay sang khôi phục, tôn tạo và làm mới một cách tràn lan do sùng đạo đều không tốt cho quá trình phát triển.
MTS: Điều kiện tự nhiên, đời sống kinh tế và bối cảnh xã hội nông thôn hiện nay đều đã có những thay đổi rất căn bản/sâu rộng. Cư dân trong các thôn làng đã có sự xáo trộn ghê gớm chứ không còn khép kín và thuần nhất như xưa. Bản thân những người bám trụ lại thôn làng/các chủ thể văn hóa nông thôn hiện nay cũng không giống như cách nay 50-70 năm. Họ đã có những thay đổi rất lớn về nghề nghiệp/phương thức mưu sinh, về học vấn, về trạng thái cảm xúc/nhu cầu hưởng thụ, quan điểm an sinh bản thân… và đương nhiên là cả nhu cầu tâm linh nữa. Vì thế, việc phục chế/trùng tu các cơ sở thờ tự hiển nhiên cũng chỉ thỏa mãn nhu cầu/và gắn kết một bộ phân cư dân nông thôn nào đó chứ không chắc đã là tất cả. Chuyện đó là bình thường.
NLTA: Thời bao cấp, người ta muốn xóa bỏ nhiều tàn dư của xã hội cũ mà họ cho là lạc hậu nên nhiều di tích bị tàn phá, nhiều đình, chùa, đền, miếu bị dỡ làm sân kho, hợp tác xã, trường mẫu giáo… Sau này quay lại tu sửa, làm lại, thậm chí là xây mới. Việc khôi phục này cũng khác nhau giữa các vùng miền. Nhưng nói sự hư hại, mất mát là do nhà nước thì chưa hẳn chính xác, bởi bối cảnh xã hội cơ bản luôn thay đổi nên việc các di sản văn hóa cũng biến đổi theo là chuyện bình thường. Có nhiều sự biến đổi được đa số cộng đồng chấp nhận và có những biến đổi bị phê phán. Nhưng sự biến đổi là tất yếu. Chúng ta không thể giữ nguyên những cái như cũ khi mà bối cảnh xã hội thay đổi. Có điều, làm sao để cộng đồng chủ thể quyết định các biến đổi đó vì có như vậy họ mới chấp nhận.
PV: Miền núi, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống là một vùng nông thôn đặc biệt. Đời sống kinh tế, xã hội đang phát triển chậm, nhưng văn hóa truyền thống tộc người lại thay đổi nhanh chóng. Nhiều cộng đồng đang bị Kinh hóa một cách mạnh mẽ. Theo các vị, điều đó có phải là một biểu hiện sai lệch của hiện đại hóa khi gần như giống với Kinh hóa? Điều gì đã tạo nên tình trạng này? Nhân tố người Kinh đóng vai trò gì trong sự biến đổi văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số ở miền núi? Làm sao để hạn chế vấn đề này?
MTS:Việc lấy người Kinh làm khuôn mẫu chung để “phát triển” văn hóa miền núi và vùng dân tộc thiểu số hiển nhiên là một sai lầm tệ hại. Nó hoàn toàn đi ngược lại với quy luật tự nhiên của đa dạng văn hóa. Để hạn chế được tình trạng này, sẽ phải có nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng trước hết cần có sự thay đổi lại nhận thức từ những người có quyền ra quyết định. Đây là một chủ đề lớn, và các bạn cần có riêng một vài chuyên đề chứ không thể tóm lược trong một câu trả lời.
NLTA:Trước hết, đó là hệ quả của việc phát triển lấy người Kinh, miền xuôi làm trung tâm. Rồi chuyện bắt di dân quy mô lớn để xây dựng thủy điện. Áp đặt tư duy quản lý của người Kinh, coi nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của các tộc người là lạc hậu nên phải thay đổi. Nhưng không chỉ mỗi Kinh hóa mà còn có ảnh hưởng của các dân tộc đa số hơn trong vùng, địa phương như Thái, Mường, Tày… Nhưng đó là giai đoạn trước, sau Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII thì người ta lại muốn bảo tồn văn hóa tộc người, và đi theo hướng cực đoan hơn là cố gắng “đóng băng” văn hóa tộc người, bắt người dân tộc làm cảnh cho các chính sách bảo tồn văn hóa cực đoan mà quên mất rằng văn hóa luôn biến đổi. Cần phải tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn sự biến đổi chứ không thể bắt ép cực đoan. Tức là phải tôn trọng chủ thể văn hóa, không can thiệp trực tiếp và ép buộc thô bạo vào sự biến đổi văn hóa.
TDH: Người dân tộc Kinh thì Tây hóa, Người dân tộc thiểu số thì Kinh hóa, đó là xu thế chung của quá trình hiện đại hóa ở Việt Nam trong bối cảnh gia tăng toàn cầu hóa toàn diện kinh tế-xã hội. Tuy nhiên đây không phải là xu thế duy nhất được lựa chọn. Ở Nông thôn miền xuôi người ta có thể lựa chọn phương thức hiện đại hóa phi phương Tây hóa; và ở Nông thôn miền núi người dân có thể lựa chọn hiện đại hóa phi Kinh hóa. Đó là cách lựa chọn hiện đại hóa theo nghĩa kế thừa, phát huy, và phát triển tinh hoa truyền thống văn hóa dân tộc.
PV: Mỗi di sản đều mang trên mình nó những chứng tích và có những giá trị văn hóa riêng của nó. Nhưng nhiều năm trở lại đây, ở nông thôn rộ lên việc làm hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử văn hóa các cấp. Việc làm này góp phần tích cực vào việc quản lý và bảo tồn các di tích văn hóa. Tuy nhiên, mặt trái của nó là làm cho những di tích khác chưa được xếp hạng lại bị bỏ rơi. Rồi việc thi đua nhau làm hồ sơ để xin công nhận di tích, có khi còn chạy chọt… đã tác động không nhỏ đến việc bảo tồn di sản văn hóa ở nông thôn. Các vị suy nghĩ thế nào về những vấn đề này?
NLTA:Các di sản văn hóa vật thể có sự phân loại theo các mức độ quan trọng khác nhau được quy định trong luật di sản. Còn di sản văn hóa phi vật thể thì không thể so sánh được. Không thể nói hội làng này to hơn thì sẽ có nhiều giá trị hơn hội làng bé hơn được. Bản chất làm hồ sơ là một sự kiểm kê di sản cụ thể. Còn việc chạy chọt để xếp hạng di tích/di sản là mặt trái của chính sách, của xã hội. Và trong các lĩnh vực khác đều thế nên lĩnh vực di sản cũng không tránh khỏi. Nên nói việc phân loại xếp hạng di sản văn hóa là sai cũng không hợp lý. Cái quan trọng là những người làm phải có hiểu biết và trân trọng các di sản để chống lại, hẹn chế sự sai sót, sự chạy chọt…
TDH: Việc phân loại các di tích có thể có những giá trị tích cực trong việc tạo cơ sở pháp lý để bảo tồn các di sản văn hóa nông thôn. Tuy nhiên, các nhà quản lý cần nhìn rõ được giá trị lịch sử văn hóa của các di tích và có mối quan tâm cụ thể hơn đối với các di tích chưa được phân loại, xếp hạng. Còn dẫn đến tình trạng chạy chọt, hình thức, chạy theo thành tích, tư duy cứng nhắc, rập khuôn làm ảnh hưởng đến di sản văn hóa là lỗi hệ thống, trong đó có ảnh hưởng của lợi ích nhóm, của nhận thức hạn chế... Cần phải có giải pháp đồng bộ từ Nhà nước, Thị trường, và Xã hội dân sự mới có hy vọng khắc phục được tệ nạn này.
PV: Theo các vị, di sản văn hóa nông thôn hiện nay đang phải đối diện với những cơ hội và thách thức nào? Trong đó, cái gì là quan trọng nhất?
NLTA:Thực chất cơ hội luôn là thách thức và ngược lại. Nên chúng ta phải nhìn nhận tính hai mặt của mọi yếu tố tác động. Hiện nay, người ta hay nhắc tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và theo một số khuyến cáo thì văn hoá, cụ thể hơn là công nghiệp văn hóa sẽ có thể là yếu tố cứu cánh cho các nền kinh tế chậm phát triển, làm thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển do không theo kịp công nghệ. Tuy nhiên, khi chạy theo lợi ích kinh tế, thì làm sao để gìn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống lại là vấn đề quan trọng. Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy, khi thu về một đồng có thể sẽ phải bỏ ra hai đồng để khôi phục nếu phát triển không hợp lý, không hài hòa. Phải xây dựng các cơ chế để các nguồn thu làm sao để quay lại tái đầu tư vào sự gìn giữ các giá trị văn hóa của di sản. Hội An là địa phương giải quyết được vấn đề này khá thỏa đáng, còn Huế hay làng cổ Đường Lâm lại chưa làm được hiệu quả.
TDH: Việt Nam đang trong quá trìnhchuyển đổi kép: vừa chuyển đổi từhình thái xã hội nông nghiệp -nông thôn sang hình thái xã hội công nghiệp -đô thị, vừa chuyển đổi từ nông thôn cũ sang nông thôn mới hiện đại hơn, tiến bộ hơn, văn minh hơn...Mỗi một yếu tố, từ kinh tế, khoa học công nghệ, truyền thông thông tin, toàn cầu hóa hay hiện đại hóa… đều tạo ra cơ hội và cũng mang lại thách thức cho công tác bảo tồn di sản văn hóa ở nông thôn hiện nay. Trong đó, nhận thức về cơ hội và thách thức, tức yếu tố con người ở đây mang tính chất quyết định nhất, quan trọng nhất.
MTS: Tôi cũng đồng tình với anh Nguyễn Lâm Tuấn Anh là mọi cơ hội đều có thể cũng đồng thời là thách thức. Vì thế, mỗi lần đối diện với thách thức hãy quan xát/suy xét thêm xem nó còn có thể mang lại những cơ hội gì? Quan trọng hay không, phải tùy từng bối cảnh vùng miền/địa phương/tộc người cụ thể, thật khó có thể xếp hạng chung.
PV: Nông thôn luôn giữ một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước ta. Vậy nên bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nông thôn sao cho hợp lý và hiệu quả là vấn đề quan trọng. Nhưng như cách làm hiện nay tôi thấy có nhiều chỗ không ổn. Như việc chạy theo lợi nhuận kinh tế, chạy theo thành tích và hình thức, chạy theo lợi ích nhóm… đang tàn phá các di sản văn hóa nông thôn hiện nay. Các vị nghĩ thế nào về những điều đó? Theo các vị, chúng ta phải làm những gì để phát huy được giá trị di sản văn hóa nông thôn trong bối cảnh hiện tại?
MTS:Muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nông thôn, cần xây dựng một quy trình từ thống kê/mô tả di sản, đánh giá giá trị, yêu cầu bảo tồn, phương pháp bảo tồn, chủ thể quản lý/và bảo tồn, đến khả năng “vốn hóa”, phương thức chuyển đổi vốn văn hóa thành vốn kinh tế, quản lý và phân chia lợi nhuận, tái đầu tư/bổ sung vốn văn hóa… Đó là một quy trình liên hoàn nhưng ở khâu nào cũng cần có sự tham gia/sự hợp tác tích cực của chính người dân/các chủ thể văn hóa nông thôn.
NLTA: Di sản văn hóa nông thôn đang có cơ hội để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Nhưng để làm được điều đó sẽ là một cuộc chiến cam go. Trong quá trình phát triển, chúng ta dễ bị mất các giá trị cơ bản của di sản văn hóa. Biến đổi là không tránh khỏi nhưng biến đổi thế nào cũng cố gắng giữ lại các giá trị cơ bản của di sản. Chúng ta cũng chấp nhận sự biến đổi khi gia nhập vào thị trường miễn là vẫn giữ lại được giá trị cơ bản. Để làm được điều đó thì phải tôn trọng quan điểm, mong muốn của cộng đồng chủ thể. Vấn đề quan trọng khác là sự hài hòa về lợi ích, nhất là với các chủ thể văn hóa. Như vậy, cần căn cứ vào sự biến đổi bối cảnh kinh tế xã hội, tôn trọng cộng đồng chủ thể và hài hòa lợi ích với giữa các bên liên quan thì mới có thể làm tốt hơn công tác bảo tồn di sản văn hóa nông thôn.
TDH:Tôi nghĩ chúng ta phải lựachọn đường lối phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững; thực hiện chiến lược tam hóa, bao gồm: Hiện đại hóa di sản văn hóa tam nông Việt, tức là nông dân Việt, nông nghiệp Việt, nông thôn Việt; Việt Nam hóa di sản văn hóa tam nông du nhập; Lành mạnh hóa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong xây dựng nông thôn mới gắn vớixây dựng đô thị thông minh phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Xin chân thành cảm ơn các vị đã tham gia cuộc trao đổi này!
Bùi Hào, thực hiện
tin tức liên quan
Videos
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Khai mạc lớp tập huấn trọng tài, huấn luận viên võ cổ truyền toàn quốc
Thống kê truy cập
114511757
283
2337
22131
218630
121356
114511757