Xứ Nghệ ngày nay

Người truyền lửa cho nghệ thuật Chèo Lăng Thành

                                                                        

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Loan (thứ 3, phải sang) trong một buổi sinh hoạt cùng các thành viên CLB Chèo Lăng Thành

Về Lăng Thành (Yên Thành), nhắc đến di sản văn hóa phi vật thể người ta nghĩ ngay đến Chèo. Một trong những người có công  truyền lửa để loại hình nghệ thuật này được lưu giữ như hiện nay đó là nghệ nhân Hoàng Thị Loan.

Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống đam mê văn nghệ. Mẹ là một ca nương hát ca trù, hát xẩm có tiếng trong vùng thời bấy giờ. Anh trai Hoàng Xuân Thạc - diễn viên Đoàn Tuồng Trung ương. Một cách rất tự nhiên, từ bé, nghệ nhân Hoàng Thị Loan đã thấm những làn điệu chèo, tuồng. Học hết phổ thông, bà tham gia đội văn nghệ xã, rồi được đi tập huấn 3 tháng về sân khấu tại xã Hoa Thành. Tháng 10/1977,  bà tiếp tục được học lớp sơ cấp nhạc (3 tháng). Bên cạnh lớp nhạc của bà, khi đó còn có lớp sơ cấp Chèo do anh Bá Cần (cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện dạy). “Mỗi lần nghe lớp bên tập hát Chèo, mình cũng lẩm nhẩm hát theo,… vậy là thích hát Chèo luôn nên xin chuyển sang học lớp Chèo ngay trong dịp đó”, bà kể lại. Năm 1978, bà Loan gia nhập đội thông tin lưu động của huyện, đi biểu diễn văn nghệ khắp mọi nơi, như biểu diễn trên công trường đào Kênh Vách Bắc, công trường cống Tuynen (Đô Lương),… Qua những lần đi diễn ở các công trường, bà được nhiều đơn vị như Đoàn Chèo Nghệ An, Tỉnh Đội Nghệ An, đội văn nghệ Cảng Bến Thủy,… xin tiếp nhận nhưng bà đều chối từ, một lòng ở lại phục vụ tại quê nhà, gắn bó với đội chèo của xã. Liên tiếp từ năm 1982 đến năm 1995, bà luôn là diễn viên hát chèo xuất sắc được tặng thưởng nhiều giấy khen của xã, huyện, tỉnh:  giải A với tiết mục độc tấu đàn bầu (liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn Quốc tại tỉnh Hà Bắc năm 1979); giấy khen diễn viên xuất sắc (hội diễn nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ Tĩnh năm 1981); Bộ Văn hóa tặng bằng khen có nhiều thành tích góp phần xây dựng sự nghiệp Văn hóa và Thông tin (năm 1986);…

NNƯT Hoàng Thị Loan và cháu Hoài Ngân 14 tuổi (Quán quân Ngôi sao nhí 2019) - là một trong những học sinh được bà dạy hát Chèo 

Vào năm 2000, hoạt động của đội chèo Lăng Thành bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Sau đó đội chèo tan rã. Không đành lòng nhìn làng Chèo bị biến mất, bà Loan đã cùng với vài thành viên nữa có chung suy nghĩ “muốn gây dựng lại đội chèo”. Vậy là như con ong cần mẫn, không quản sớm khuya, nắng mưa, đường sá xa xôi, bà đi đến từng nhà mời các anh, chị từng là thành viên của đội chèo trước đây tham gia đội chèo. Với sự nhiệt tình của bà, cùng với niềm đam mê chèo của các thành viên đội Chèo năm xưa được khơi dậy, năm 2007, CLB chèo Lăng Thành được thành lập, với hơn 30 người. Để có nhạc cụ và trang phục biểu diễn, các thành viên tự nguyện đóng góp kinh phí mỗi người 50.000đ/tháng. Tuy có những lúc mùa màng bận rộn nhưng cho đến hôm nay, CLB chèo Lăng Thành vẫn được duy trì và hoạt động. Tiếng hát Chèo Lăng Thành đã đến với người dân trong ngoài xã, ngoài huyện, những ngày lễ, ngày kỷ niệm, liên hoan Tiếng hát Làng Sen, lễ hội đền Đức Hoàng hằng năm…

Khi nhắc đến cái khó của hát Chèo, bà Loan chia sẻ: Chèo là nghệ thuật truyền thống nên có sự tương đồng trong diễn xướng với các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác như Chầu văn, Hát xẩm…, nhưng, cái khó đầu tiên, hát Chèo là phải hát theo tính cách nhân vật. Hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật hát Chèo, bà cũng không nhớ nổi mình đã đảm nhận bao nhiêu vai diễn với những tính cách khác nhau, khi là Thị Mầu lẳng lơ, lúc lại là cô Tấm ngoan hiền, hiếu thảo…  Để lại dấu ấn nhất là vai diễn bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác Hồ trong vở Chèo “Dòng sông tình mẹ” tại Hội diễn thông tin cổ động toàn quốc năm 1995 ở TP Huế. “Khi được giao vào vai một người mẹ vĩ đại của dân tộc, mình không khỏi hồi hộp, lo lắng. Cứ suy nghĩ mãi phải làm sao để diễn tả chân thực nhất tình thương bao la, đức hy sinh cao cả của người mẹ đáng kính ấy? Mình đã hóa thân vào vai diễn một cách rất “ngọt” như mọi người nhận xét sau hội diễn. Có lẽ bởi, thời khắc ấy, mình được sống thật với chính mình, xuất phát từ tình yêu thương dành cho chồng con và những trăn trở rất đỗi bình dị của bất cứ người mẹ Việt Nam nào”, bà nhớ lại.

Cái khó thứ hai, một nguyên tắc bắt buộc ở hát Chèo là phải hát tròn vành, rõ chữ, đúng trường độ, cao độ, luyến láy, người hát phải vững nhịp phách, phải biết cách kìm hơi, nhả chữ đúng cách theo từng làn điệu thì mới hay. Do đó khi truyền dạy, bà luôn cẩn trọng uốn nắn từng câu chữ để người học có thể nắm bắt nhanh nhất những tinh hoa của nghệ thuật Chèo. Am hiểu và nắm vững trên 23 làn điệu của hát Chèo, để rồi, bà Loan đã đào tạo được rất nhiều hạt nhân có niềm yêu thích và say mê hát Chèo tại các trường TH, THCS trên địa bàn, như cô Hoàng Thị Mai và Thái Thị Thảo, trường THCS Tân Thành; cô Hồ Thị Ánh, trường THCS Đức Thành;… Có một vài cá nhân trẻ, như em Hoàng Thị Hồng đã từng được bà hướng dẫn hát Chèo, em đã hát rất tốt, hay một số học viên khác hiện là hạt nhân nòng cốt của CLB chèo Lăng Thành,… “ban đầu tôi chỉ thích nghe hát Chèo chứ không biết hát, nhưng nhờ dì Loan tận tình chỉ dạy cách hát, cách luyến láy, ngắt nhịp từng câu, từng chữ mà hiện nay tôi đã có thể tham gia hát Chèo cùng với các thành viên trong CLB”, anh Nguyễn Bá Vinh, một thành viên mới tham gia CLB được 3 tháng nói.

Có thể thấy rằng, trong xã hội hiện đại, với nguy cơ mai một của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, nhưng bà Loan và các thành viên vẫn duy trì được CLB Chèo hoạt động cho đến hôm nay, điều đó thật đáng trân quý. Như bà nói thì “nếu mình quan tâm đến vật chất thì CLB khó tồn tại đến hôm nay lắm. Nguồn kinh phí địa phương hạn hẹp nên nhiều hội diễn, cuộc thi, các thành viên trong CLB phải tự bỏ tiền túi để mua sắm các dụng cụ tập luyện”. Được biết, để động viên anh em, sau hội thi, nếu có ít tiền bồi dưỡng thì quá tốt, cũng có lúc không có đồng nào, bà đã bỏ tiền túi mời anh em ăn một bữa cơm để tăng phần vui vẻ và tạo sự gần gũi giữa các thành viên. Ghi nhận những đóng góp của nghệ nhân Hoàng Thị Loan cho nghệ thuật truyền thống, gần đây, bà đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Bên cạnh niềm tự hào, bà tự nhận trách nhiệm nặng nề của mình trong việc lưu giữ và tiếp lửa cho thế trẻ để loại hình nghệ thuật Chèo tiếp tục sống trong đời sống hôm nay. Chính lẽ đó, hiện nay, bà đang nuôi ý tưởng mở lớp học hát Chèo miễn phí tại nhà. Mong rằng, với niềm đam mê và nhiệt huyết của bà, ý tưởng này sẽ sớm thành hiện thực!

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528574

Hôm nay

2230

Hôm qua

2291

Tuần này

2847

Tháng này

215270

Tháng qua

0

Tất cả

114528574