Xứ Nghệ ngày nay

NSND Minh Tuệ: Sáng tạo trong từng vai diễn

   

Nghệ sĩ Minh Tuệ đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 8/2019 (ảnh NSND Minh Tuệ cung cấp)        

   Anh là một nghệ sĩ tài hoa. Trời phú cho anh một gương mặt sáng, một khả năng hát và diễn tốt. Nhưng tôi nghĩ, cái không kém phần quan trọng làm nên nét riêng và tạo chỗ đứng vững chắc cho anh trong làng Kịch hát Nghệ An nói riêng, Kịch hát nước nhà nói chung, có lẽ đó là khả năng tìm tòi, đam mê sáng tạo không ngừng. Đúng như NSƯT An Ninh đánh giá: “Minh Tuệ là nghệ sĩ không bao giờ tự thỏa mãn, luôn luôn tìm cái mới, thích sự hoàn thiện. Anh được các bạn nghề trong cả nước nể phục”.

Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Anh Sơn, rời ghế nhà trường, anh mò mẫm bước vào làng nghệ thuật biểu diễn. Bén duyên với nghề, anh luôn nỗ lực hết sức mình để có nhiều đóng góp cho nghề, cho đời. Trong đời làm nghề, từ 1984 đến nay, anh đã sắm không dưới 50 vai diễn, đã giành 11 huy chương Vàng và Bạc, nhưng với anh, mỗi vai diễn là một bài học, một bài tập về nghề. Người nghệ sĩ không bao giờ được phép thỏa mãn với cái mình đã làm được, không được phép máy móc, cứng nhắc. Đó là nguyên tắc anh tự đặt ra. Rất tâm đắc với 5 vai diễn đạt huy chương và không đạt huy chương, nhưng chưa bao giờ anh thỏa mãn với chính nó. Cho đến nay, mỗi lần được diễn lại các vai này, anh lại trăn trở suy nghĩ xem có thể bổ sung, chỉnh sửa được gì trong đó không, dù chỉ là một ánh mắt, một cái nhếch mép, sự kéo dài câu thoại... để hiệu ứng sân khấu được tốt hơn.

Khát khao tìm tòi luôn đem đến cho anh sự chủ động khi vào vai. Anh không chờ đạo diễn cầm tay chỉ việc mà luôn đồng hành để cùng sáng tạo. Bởi anh biết trong nghệ thuật sân khấu, qua mỗi khâu là một sự sáng tạo bổ sung, từ kịch bản, đến đạo diễn, đến diễn viên, ai cũng cần sáng tạo thì mới có một vở diễn hoàn thiện, hay nhất. Đạo diễn, người tổng chỉ huy, nhưng không phải là người trực tiếp thể hiện vai diễn, nên họ không có đủ điều kiện để “sống”, để trăn trở, và được thăng hoa với một vai diễn cụ thể. Chỉ người diễn viên mới có được may mắn này, thì trách nhiệm hoàn thiện tốt nhất vai diễn phải chính là diễn viên. Nhận thức sâu sắc điều này cùng với một tư duy khá tốt đã giúp anh đạt được thành công vững chắc cả trên sấn khấu Cải lương trước đây và Kịch hát Nghệ Tĩnh hiện nay, trong mọi loại vai: chính kịch, phản diện, bi-hài kịch.

 Đoàn Cải lương Bông Sen trắng Nghệ An giải thể hóa ra lại cho anh thêm một cơ hội để thử thách: từ Cải lương anh bước vào sân khấu Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh khi Đoàn Cải lương sáp nhập vào Đoàn Dân ca năm 2000 (nay là Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ). Dù là loại hình nghệ thuật nào thì anh vẫn luôn là diễn viên nam trụ cột của Đoàn. Khi còn ở Đoàn Cải lương Nghệ An anh là một kép ca sáng giá. 16 năm hoạt động trong Đoàn Cải lương, tên tuổi của anh được khẳng định với 3 HCV, 01 HCB từ các vai diễn chính kịch như anh cán bộ cách mạng Chu Văn Biên, Tùng - kỹ sư trẻ hăng hái trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng (vở Xôn xao rừng quế) giành HCV (cũng là HCV đầu tiên của Đoàn Cải lương Nghệ An), vai phản diện như tên thừa tướng xảo quyệt, tàn độc Sơlita trong Âm mưu chốn hoàng cung (HCV Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp năm 1996). Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, dù bước vào thể loại sân khấu mới - Kịch hát Nghệ Tĩnh nhưng tài năng của anh gần như không bị hẫng hụt mà càng tỏa sáng. Ông Nguyễn Ngọc Ất, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ nhận xét: Minh Tuệ là diễn viên nam số một của đoàn, đầy cá tính và có tài.

Năm 2013, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ dựng vở Vị tướng của lòng dân như một nén tâm nhang tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh được giao đóng vai Đại tướng. Anh dành không biết bao nhiêu thời gian để nghiên cứu các tài liệu, tư liệu, hình ảnh tiêu biểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó đặc biệt chú ý tới giọng nói. Anh ghi âm giọng đại tướng. Mở nghe. Ghi giọng mình vào vai. Mở nghe, hàng trăm lần. Rồi từng cử chỉ, dáng đi, ánh mắt của Đại tướng. Sắc thái của Đại tướng rất tươi, nhưng cũng rất nghiêm nghị. Lúc nói chuyện với chiến sĩ ánh nhìn của ông ấm áp, cử chỉ nhẹ nhàng, nhưng lúc chỉ huy, đôi mắt ấy sáng quắc, cánh tay thường vung mạnh, có khi giơ nắm đấm, đặc biệt những lúc đưa ra các phương án chiến đấu Đại tướng thường giơ cánh tay với chỉ một ngón tay vươn ra. Chưa yên tâm, cùng một lúc anh sắm luôn 3-4 vai trong một cảnh diễn để luyện vai Đại tướng. Sau mỗi đêm diễn, anh lại dành vài tiếng đồng hồ ngẫm nghĩ lại từng sắc thái, biểu cảm, động tác xem dở, hay chỗ nào. Cảm thấy tạm an tâm, nhưng không bao giờ hài lòng. Để có hình thể gầy như tướng Giáp anh phải kiên trì điều chỉnh chế độ ăn và tập thể dục để giảm cân. Nhờ đó anh mới có thói quen tập thể dục và duy trì một hình thể thon gọn cho đến giờ. Khổ luyện, đam mê tìm tòi, nghiên cứu đã cho anh thành công vai diễn khó này. Tháng 5 năm 2019, trong chương trình nghệ thuật  kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tác giả Vũ Hải, thêm một lần đã phải mời anh ra Bắc tiếp tục vào vai Đại tướng, vì ông cho rằng “Minh Tuệ đã định danh với vai diễn này. Khó có ai diễn tốt hơn”.

NSND Minh Tuệ trong vai hoạn quan (áo tím) vở Cương quốc công Nguyễn Xí

Đạo diễn - NSND Lê Hùng đánh giá: Minh Tuệ là một diễn viên tài năng, đặc biệt xuất sắc khi vào các vai phản diện. Nhận xét này đã được minh chứng qua hàng loạt vai diễn anh đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng đồng nghiệp và công chúng: đó là anh chàng hoàng tử đỏ Trần Tổ - một tay lái buôn chính trị trong Đường đua trong bóng tối, là Phó Chủ tịch xã Bạch Đức Hàm trong Sóng dậy một vùng quê, là Nguyễn Văn Thẩm trong Soi vào quá khứ, là hoạn quan xảo quyệt trong Cương quốc công Nguyễn Xí,... Những vai diễn này đã đem lại cho anh HCV, HCB trong các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Năm 2003, Đoàn dựng vở Vũ cát. Lần đầu tiên trên sấn khấu Kịch hát Nghệ Tĩnh xuất hiện vai phản diện có pha hài, đó là một thử thách mới với các diễn viên. Anh xung phong nhận. Đọc xong kịch bản, anh trao đổi với đạo diễn: Đây không phải là một anh trưởng thôn Trần Hoạt thông thường, anh ta phải đảm nhận cả một vai trò, một thân phận rất lớn: là hình mẫu tiêu biểu cho lớp cán bộ nông thôn tham lam, lừa lọc, trí trá với vẻ bề ngoài chân chất, gần gũi, tốt bụng. Đạo diễn bảo, cậu phát hiện rất đúng. Tuy nhiên, lột tả được bản chất vai diễn rất khó khi anh ta như một con kỳ nhông luôn biến đổi sắc màu theo từng hoàn cảnh, buộc anh phải có khả năng biến hóa tốt trong từng cảnh diễn. Vừa phải tạo được cái hài từ vẻ ngoài khi là anh trưởng thôn đậm chất nông dân chân chất, giản dị, ăn nói có khi còn vụng về, khi lại là như một ông Chủ tịch tỉnh đạo mạo, hách dịch, thét ra lửa, đầy mưu kế; rồi giọng nói, điệu bộ, dáng đi... làm sao để lột tả bản chất trí trá, mưu mô, tham lam của một kẻ nắm quyền lực đã biến chất. Anh khéo léo sử dụng tính hài hước như một hình thức để vừa che giấu, song lại chính là làm bật lên bản chất lưu manh của nhân vật. Vai diễn này đánh dấu sự thành công lớn đầu tiên khi anh chuyển từ kép ca Cải lương sang Kịch hát Nghệ Tĩnh. “Vai diễn làm khuấy động cả hội diễn. Vũ cát diễn xong thì gần như người ta quên hết các vở khác, chỉ nhớ cái tên Trưởng thôn Trần Hoạt” - NSƯT Nguyễn Ngọc Ất chia sẻ.

Có một vai diễn của anh trong vở “Nơi đất ở” mà diễn viên nào cũng mơ được một lần trải nghiệm, vì những cái khó đặc biệt, lại diễn trong một bối cảnh đặc biệt. Đó là anh thanh niên Trần Văn Bường con nhà giàu có, đi làm cán bộ Việt Minh, không đủ bản lĩnh, hèn nhát nên phản dân, phản nước làm tay sai cho thực dân Pháp rồi trốn chạy ra nước ngoài sinh sống. Cuối đời, ông ta vẫn được quê hương mở lòng bao dung đón về trong sự đau khổ, hối hận tột cùng; không còn nhìn thấy vợ, và đứa con duy nhất đã thành liệt sĩ chống Mỹ mà ông ta không hề hay biết. Đây là thời điểm sân khấu nước nhà đang trong giai đoạn thể nghiệm. “Nơi đất ở” là một trong không nhiều vở kịch được diễn trong Liên hoan Sân khấu thể nghiệm toàn quốc nhằm hướng tới việc tìm kiếm những cái mới, phù hợp cho các thể loại kịch hát. Trong bối cảnh đó, vai trò thể hiện của người nghệ sĩ vô cùng quan trọng. Hơn thế vai diễn này rất khó ở việc, lần đầu tiên sự thay đổi không gian, thời gian đều diễn ra ngay trong một lớp diễn mà ánh đèn sân khấu không tắt. Từ một ông già 90 tuổi, đầu gối đã cứng, giọng đã run, lập cập trong sự day dứt, hối hận tột cùng; chỉ lột bỏ bộ đồ (ngay trên sân khấu) bỗng biến thành anh thanh niên xuất thân giàu có với tình yêu lứa đôi tha thiết, và đầy tinh thần hào hứng đi làm cách mạng. Toàn vở diễn chỉ chuyển cảnh hai lần. Nếu diễn viên không nghiên cứu kỹ, không đủ thông minh để suy tính và chưa đủ bản lĩnh sẽ không thể hiện được ý đồ của tác giả. Anh đã làm cho người xem sau cả chục năm cũng không thể quên được nhân vật phản bội Tổ quốc trong đó có những cảnh diễn rất ngắn, đầy sáng tạo: Trần Văn Bường lẻn về nhà lén lút leo lên cây tre cố gắng nhìn vợ trước khi đào thoát. Nhìn cảnh anh trèo lên cây tre thoăn thoắt với ánh mắt lấm lét đầy cảnh giới như một con mèo hoang, cả hội diễn thán phục  “diễn mà như không diễn” lột truồng sự đớn hèn của kẻ phản bội. Hội diễn này không trao thưởng huy chương, nhưng anh nhận được sự ghi nhận rất lớn của các nhà nghiên cứu sân khấu và đồng nghiệp trong nước.

NSND Minh Tuệ vai cán bộ cách mạng giả danh ông già hát xẩm để hoạt động

(vở XVNT- bản hùng ca bất tử)

Gần đây nhất, vai diễn về một hoạn quan nham hiểm, lộng quyền, dám bỏ cả triều đình vào túi chơi (nhân vật rất điển hình trong các vở kịch có đề tài lịch sử) thêm một lần làm nên tên tuổi Minh Tuệ. Kịch bản phác thảo vai diễn này đang còn đơn giản. Khi tiếp nhận vai, Minh Tuệ đã tư duy để làm sao nhân vật phản diện này được đẩy lên đầy ấn tượng thì mới làm sáng được sự trung quân, yêu nước của vai chính diện Cương Quốc công Nguyễn Xí. Từ dáng điệu, tiếng nói điển hình của một lớp người đặc biệt trong lịch sử (dở âm dở dương) được Minh Tuệ nhập vai thuần thục “ngọt” đến độ tinh tế. Tác giả chuyển thể dân ca, NSƯT An Ninh đánh giá: Minh Tuệ đã làm dày, làm đầy thêm cho nhân vật hoạn quan. Nếu không phải Minh Tuệ nhập vai thật khó ra được vai diễn này.

Vậy nên không phải ngẫu nhiên mà bạn diễn vẫn xem anh là người chuyên khai mở, tiên phong và thành công trong các vai diễn có tính mới, khác.

Cũng từ sự sáng tạo không ngừng đã giúp anh luôn đón được tâm lý của khán giả trong từng đêm diễn. Mỗi đêm diễn, anh đều chú ý từng biểu cảm của khán giả, ở đoạn này khán giả đêm nay vỗ tay lẹt đẹt, cảnh kia hình như cười chưa hết độ, hay chia sẻ của khán giả và đồng nghiệp: Đêm nay anh diễn thấy khác mọi hôm,… để tiếp tục trau chuốt. Từng đêm đi biểu diễn, anh vẫn không ngừng tư duy để vai diễn được hoàn thiện hơn. Sau mỗi đêm diễn, anh hình dung lại cả tuyến nhân vật, tuyến kịch để điều chỉnh chính mình và cho cả bạn diễn nhằm tạo nên sự nhuần nhuyễn của cả tuyến. Điều này không phải diễn viên nào cũng đủ sức làm được. Cũng có lúc cao hứng cùng khán giả, anh đã như lên đồng, xuất hiện những câu nói, động tác không có trong kịch bản, song vẫn đủ sự chủ động để không làm khó bạn diễn. Đó là bản lĩnh của người diễn viên luôn biết tư duy.

7HCV, 4 HCB và nhiều vai diễn không huy chương nhưng đã đóng khung tên tuổi nghệ sĩ Minh Tuệ. Đồng nghiệp, và những tác giả kịch bản, đạo diễn, kể cả những người khó tính đều cho rằng, anh rất xứng đáng với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân mà nhà nước vừa phong tặng. Đó là sự ghi nhận cả cuộc đời miệt mài lao động và sáng tạo của anh.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528522

Hôm nay

2178

Hôm qua

2291

Tuần này

2795

Tháng này

215218

Tháng qua

0

Tất cả

114528522