Xứ Nghệ ngày nay
Yêu nghề, nghề không phụ
Vợ chồng nghệ sĩ Linh Lam và Minh Thành cùng đón nhận danh hiệu NSƯT
Đó là điều mà vợ chồng NSƯT Linh Lam và Trung Thành (còn gọi là Minh Thành) luôn tâm niệm khi đã quyết gắn bó với nghiệp diễn viên: với sân khấu Cải lương và hiện nay là Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.
Trời sinh họ để thành một cặp
Anh chị có rất nhiều điểm tương đồng, từ tình yêu nghề, nghiêm túc làm nghề, đến sự ham học, và cả niềm trăn trở, sẻ chia kinh nghiệm với những ai yêu thích dân ca Nghệ Tĩnh.
Chị và anh đều rất mê Cải lương và bây giờ thì mê Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh. Chàng trai nghèo Linh Lam (quê Đô Lương), ngay từ thời học sinh không có tiền mua vé, không sợ xấu hổ chui lủi, len lách để vào bãi xem cải lương. Khó nhọc lắm mới chui vào được, cuối cùng lại bị chị gái kéo ra vì người thấp nhỏ, bị chen cho ngạt thở vẫn không nhìn được sân khấu. Lủi thủi đứng ở bên ngoài, nhưng anh vẫn say sưa nghe qua loa, nghiền ngẫm như kẻ nghiện; Cũng thuộc được kha khá những câu, những trích đoạn để hát cả ngày, cả đêm; Cũng là cây văn nghệ có tên tuổi của trường, của huyện. Học xong cấp ba, anh được tuyển vào Đoàn Cải lương Bông Sen trắng Nghệ Tĩnh, rồi đi học Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tại tỉnh. Năm 1990, anh chính thức về Đoàn Cải lương Bông Sen trắng Nghệ Tĩnh.
Còn chị, năm 1992, đang là một đứa trẻ 14 tuổi dại khờ đã tham gia hoạt động nghệ thuật tại Đoàn Cải lương Bông Sen trắng. Nhỏ quá, trẻ dại quá, nên lúc đầu mới được vào vai chạy thử sân khấu thôi mà người cứ rung bần bật. Chị vẫn quyết dấn thân vì mê Cải lương.
Anh đã không nề hà làm thêm bất cứ việc gì từ: sơn nhà, làm thợ inox, nhận thầu xây dựng, hay mỗi lần về cơ sở phục vụ, đêm đi diễn, ngày lại tranh thủ đi chụp ảnh... để có tiền nuôi vợ con. Anh đã từng định bỏ cuộc, nhất là những năm 2000, Đoàn Cải lương Bông Sen trắng sáp nhập vào Nhà hát Dân ca (nay là Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ). Đang từ một diễn viên Cải lương phải thành diễn viên Kịch hát là cả một thử thách ghê gớm đối với mọi diễn viên, trong khi người đông, vở lại ít, bản thân anh chị chưa thành thục trong lĩnh vực mới. Đã có những tháng anh không đi làm ở Đoàn, kiếm việc ngoài trong sự khắc khoải nhớ nghề. Nhà hát gọi, yêu - nhớ nghề, không nỡ rời bỏ, anh lại bám trụ trong khó nhọc.
NSƯT Linh Lam vai ông chồng già và NSƯT Minh Thành (bên trái) vai bà vợ hai trong tiểu phẩm "Một ông hai bà"
Cùng lập nghiệp trong một đoàn nghệ thuật, anh chị đều được đồng nghiệp thừa nhận là những nghệ sĩ rất chịu khó học hỏi. Diễn viên Hoài Sinh cho biết: “Vợ chồng Lam Thành là những nghệ sĩ rất ham học. Tranh thủ học hỏi mọi lúc, mọi nơi. Khi mới vào đoàn, hễ cứ được gần những nghệ sĩ đàn anh, đàn chị họ đều tranh thủ hỏi cặn kẽ từng làn hát, từng cử chỉ, từng bước đi. Và bây giờ chúng tôi cũng phải học họ”. Chính anh, khi còn ở Đoàn Cải lương, vào nghề trước, lớn hơn về tuổi tác nên cũng là người tận tâm hướng dẫn cho chị. Sau này, khi Đoàn Cải lương được/bị sáp nhập, thì sự học hỏi đó lại càng nhiều hơn. Đang từ một bộ môn nghệ thuật đầy tính ước lệ, tượng trưng, với những cách hát có tính đặc thù, giờ thực hành Kịch hát Dân ca với những làn điệu, luyến láy hoàn toàn khác; diễn phải thật, phải dung dị như đời thường - những bài học mới mẻ đó, họ phải học từ ban đầu. Với họ, còn khó hơn các nghệ sĩ dân ca, bởi những tính chất hoàn toàn khác biệt của Cải lương đã ngấm vào máu qua nhiều năm hành nghề khiến cho việc thể hiện làn hát dân ca nhiều khi bị pha lẫn; và biểu hiện tính cách nhân vật cũng dễ bị lẫn lạc vì khuôn mẫu của Cải lương đã định hình trong lối diễn của họ. Chỉ riêng làn hát nói trước khi bắt vào các làn hát Ví Giặm khác, họ đã phải dày công luyện tập cho nhau. Chị nói cho anh nghe, anh nhận xét và ngược lại. Luyện mãi, rồi nói thử cho những nghệ sĩ dân ca đàn anh đàn chị nhận xét, đến khi nghe được mới an tâm. Việc học để nâng cao chất lượng nghề nghiệp đối với họ là một công việc thường xuyên. Ngay cả thời điểm này đây, họ đã là những nghệ sĩ có vị trí trong Đoàn, đã là những NSƯT, nhưng họ vẫn không thôi học hỏi. Chị bảo: Có những khi đang nấu ăn, nghĩ đến vai diễn của vợ, anh bảo, diễn lại cảnh cô gái bị mù để anh góp ý. Vậy là vừa nấu, vừa diễn. Còn anh thì bảo, may vợ mình là người nghiêm khắc trong làm nghề nên cũng phê phán, góp ý thẳng thắn từng câu nói, làn hát, từng tình tiết trong mỗi nhân vật anh sắm vai mà chưa tới độ để anh tiếp tục chỉnh sửa. Với thế mạnh có giọng ca mượt, lại chịu khó học nên chị sớm thành thạo và hiểu về các làn điệu dân ca. Chính chị là người hướng dẫn anh hát Ví Giặm. Còn anh vốn là nghệ sĩ chịu khó mày mò trong cách thể hiện và khá tinh tế trong cảm nhận vai, là “người thầy” nhận xét xác đáng cho chị trong từng vai diễn. Cứ thể họ bổ sung cho nhau để làm tròn đầy từng vai diễn.
NSƯT Minh Thành trong vở kịch hát Hoa lửa Truông Bồn. nguồn interrnet
Bởi yêu và gắn bó với Ví Giặm nên hễ ai cũng đam mê Ví Giặm mà có lời nhờ cậy, anh chị đều sẵn lòng hướng dẫn. Cái tên vợ chồng nghệ sĩ Lam Thành đã trở thành thân quen với các nghệ nhân, với các CLB trong địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Dù rất bận, làm chương trình của Trung tâm, rồi chương trình cho các đơn vị, nhưng hễ cơ sở nhờ là anh chị đều cố gắng thu xếp. Dù trời mưa rét, lụt lội, đã hẹn là đi. Người ta quý cái nhiệt tâm làm nghề đó của anh chị. Chị Ngô Thị Thúy, Chủ nhiệm CLB dân ca xã Nghi Long, Nghi Lộc chia sẻ: “Năm 2016, chúng tôi làm chương trình tham gia Liên hoan dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh liên tỉnh, nhờ anh chị hướng dẫn. Hôm đó đúng đợt mưa lụt, anh chạy ra đến Nghi Liên thì xe bị ngập, chết máy. Hôm sau anh lại bắt xe buýt ra. Cơm rau, bánh đúc. vẫn vui vẻ cùng anh em. Chúng tôi nể sự tận tâm đó. Chương trình năm 2016 của CLB đã đạt giải nhất Liên hoan”. Còn bác Nguyễn Văn Mai, Chủ nhiệm CLB xã Nghĩa Liên cũng cho biết: “Cả hai nghệ sĩ nhiệt tình tập cho chúng tôi từng điệu hát, cách thể hiện sao cho chân thật, tình cảm... Mỗi lần được nhờ cậy là anh chị đều sẵn lòng. Có khi đi hướng dẫn cho các đơn vị bạn, tiện đường lại tạt qua hỏi xem tình hình của CLB hiện như thế nào. Những sự quan tâm như thế là sự động viên rất lớn đối với chúng tôi”.
Ươm cây, cây cho trái ngọt
“Đã mang cái nghiệp vào thân”... trót nặng lòng với nghệ thuật biểu diễn, cả anh và chị, lúc khó khăn cũng như bây giờ đã có danh với đời, vẫn luôn một lòng đam mê nghề. Khi còn trẻ tuổi và bây giờ đã vào tuổi trung niên, tình yêu ấy cứ mỗi ngày một đầy lên cùng với sự học cũng mỗi ngày một miệt mài. Như thẩm thấu cái tình ấy của người nghệ sĩ, nghề cũng đã cho anh chị nhiều vị ngọt để sau mỗi trái chín họ lại thêm động lực, quyết tâm dấn thân với nghề.
Khi mới vào Đoàn Cải lương, anh chỉ được đóng những vai phụ. Ham nghề, anh học lỏm thuộc hết tất cả các vai. Vậy nên, khi diễn viên đóng ông bố vở Vụ án Vương Ngọc Mai bị ốm, anh đóng thế được ngay. Cả Đoàn phải ghi nhận. Chỉ vài năm sau anh đã được phân các vai chính và sớm trở thành gương mặt sáng của Đoàn. Có những thời điểm khán giả Nghệ An không thể quên gương mặt nghệ sĩ Cải lương trẻ và thay vì gọi tên, người ta gọi anh bằng các vai diễn “hoàng tử”. Với một hình thể khá bắt mắt và khả năng thể hiện tốt, lúc đó anh là một trong những kép ca của Đoàn. Không dừng lại ở những vai chính diện, khán giả còn nhớ đến anh với những vai diễn phản diện: tên tướng cướp tàn bạo; gã phò mã đầy tham vọng... Cái tốt, cái ác lẫn lộn, giằng xé trong con người Trần Toán (tên tướng cướp trong vở Tướng cướp Bạch Hải Đường, vốn bản chất tốt, nhưng hoàn cảnh xô đẩy mà sa vào con đường phi pháp) được anh lột tả một cách thuyết phục từ lời ca, biểu cảm của nét mặt, ánh mắt, cử chỉ... khiến cho khán giả vừa ghét lại vừa thương hắn tột độ. Trích đoạn “Nỗi nhớ hoa bất tử” trong vở này đã đem lại HCB đầu tiên trong sự nghiệp biểu diễn của anh tại Liên hoan Tiếng hát chuyên nghiệp toàn quốc năm 1994. Hai năm sau anh ẵm thêm HCB thứ hai với vai phò mã Đoan Công vở “Khát vọng ngông cuồng”.
Bước vào địa hạt mới, anh biết rất rõ những bất lợi của mình: ca không ngọt bằng những diễn viên dân ca, tuổi cũng đã trung niên, tóc trên đầu đã ít, số diễn viên Kịch hát đã thành danh cũng khá nhiều, sẽ rất khó lọt vào những vai chính. Vậy đất diễn của anh phải ở những vai chính thứ, vai tính cách. Tìm đúng lối đi cho riêng mình và không nản lòng phấn đấu, anh đã tiếp tục khẳng định mình trong những vai diễn hài hước, phản diện, tính cách. Anh tiếp tục giành những HCV, HCB trên sân khấu kịch hát Ví Giặm. Khán giả Kịch hát dân ca không thể không nhớ đến hai vai diễn mà dường như chỉ có anh mới làm cho nó “sống” mãi trong lòng công chúng: đó là Chí Phèo và Ông chồng già trong “Một ông hai bà”. Đã có một vài diễn viên gạo cội vào vai này, nhưng phải đến khi anh nhập vai mới thực sự tạo dấu ấn làm người ta phải nhớ và chưa một ai vượt qua. Một Chí Phèo rạch mặt ăn vạ, một Chí Phèo lương thiện bị cuộc đời xô đẩy buộc phải trở thành con người lưu manh. Cái lưu manh ấy, sự ăn vạ đời ấy được anh tái diễn sinh động như chính Chí Phèo đang tồn tại thực. Cái lương thiện bị nhấn chìm trong con người lưu manh Chí Phèo cũng trỗi dậy đầy thương xót qua những chi tiết được anh khắc họa rất chân thật, khiến lòng người lay động. Vở diễn khép lại mà người xem không khỏi khắc khoải bởi hình ảnh đầy chua xót: Chí Phèo khóc thê thiết “Ai cho tôi lương thiện?”, rồi giơ hai tay lên trời mà gào, mà nấc nghẹn “Ai cho tôi lương thiện bây giờ?”,... và cả thân người đổ sụp xuống trong sự tuyệt vọng cùng đường. Câu Ví cất lên. Nước mắt người xem cứ thế tuôn chảy, tuôn chảy... Thành công lớn ấy, chưa nghệ sĩ nào làm được trong vai Chí Phèo, ngoài anh.
Tiểu phẩm “Một ông hai bà”, nhiều năm nay đã trở thành một tiết mục cứng trong các chương trình biểu diễn tổng hợp của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ. Nó làm cho khán giả phải cười, cười hả hê, khoái chí từ đầu đến cuối. Từng bước đi chếnh choáng, cái gậy chống rung rung không vững, cái điệu mặc quần vặn lưng ống cao ống thấp, cái giọng choèn choẹt của một ông lão, già mà vẫn mê gái trẻ, đến điệu cười ngọt nhạt lả lơi với vợ bé trẻ, mơn trớn, nịnh bợ với vợ cả già nua, xấu xí... được anh diễn như đời thực.
Còn chị, nghệ sĩ Minh Thành khiến người ta phải nhớ bởi giọng ca rất ngọt, mượt và một khuôn mặt dễ thương, bầu bĩnh. Khi Đoàn Cải lương sáp nhập vào Nhà hát Dân ca, sân khấu Kịch hát đã có những tên tuổi nữ sáng giá, một lính mới lại chuyển từ Cải lương sang là một thách thức vô cùng lớn với chị. Sự chịu khó học hỏi và ý chí dấn thân với nghề sớm giúp chị tìm ra lối đi riêng cho mình. Chị miệt mài luyện thanh và học các làn điệu để làm sao hát các làn điệu dân ca thuần thục nhất, ngọt nhất. Cũng như chồng, khó cạnh tranh trong những vai chính, đất diễn của chị là những vai chính thứ dễ thương, là: cô bí thư thanh niên tân tiến, là cô sinh viên trung thực, là người vợ trẻ chịu đựng nỗi đau mất con, biết hy sinh vì nghĩa cả... Đất diễn cho những vai chính thứ trong một vở diễn không nhiều, nhưng chị đã biết khai thác triệt để từng thời khắc xuất hiện trên sân khấu khiến khán giả không thể quên. Chỉ sau hơn hai năm sáp nhập đoàn, chị đã đạt HCB trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp khu vực miền Trung với vai Liên - Bí thư chi đoàn vở Vú cát. Đây là một sự nỗ lực rất lớn, vì vai diễn chính thứ rất khó giành được huy chương. Tiếp đó chị đạt thêm 3 huy chương (Vàng và Bạc) tại các Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010, 2016 và 2018. Đó là quả ngọt trả lại cho sự nỗ lực miệt mài của chị trong từng vai diễn. NSƯT An Ninh, Trưởng Đoàn Dân ca Truyền thống (Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ) nhận xét: Giao vai cho hai nghệ sĩ Lam - Thành đều rất an tâm. Họ là những nghệ sĩ làm nghề rất có trách nhiệm. Luôn học hỏi và luôn cầu toàn, biết xử lý và hoàn thiện từng vai diễn, từng bài hát. Hiện nay Đoàn thường diễn chương trình dân ca tổng hợp, hai vợ chồng đều là những diễn viên cốt cán của Đoàn. Trung Thành là một trong vài ba giọng ca chính của Đoàn. Hát Ví cho các vở thì chỉ có vài người hát tốt, trong đó có Thành”.
“Yêu nghề, nghề không phụ”. Quả đúng vậy. Họ là một trong số ít trường hợp, khi cả hai vợ chồng đều cùng được đón nhận danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ Ưu tú trong năm 2019 này!
tin tức liên quan
Videos
Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Việt Nam sử lược và tác giả Trần Trọng Kim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Thống kê truy cập
114528522
2178
2291
2795
215218
0
114528522