Góc nhìn văn hóa
Tiếp nhận văn học Nga ở trường trung học phổ thông Việt Nam hiện nay (Nghiên cứu trường hợp học sinh Trường THPT Marie Curie, Hà Nội)

Văn học Nga từng có ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng với Việt Nam trong thế kỉ XX. Sau khi Liên Xô tan rã, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước có nhiều thay đổi, văn học Nga vẫn giữ vị trí quan trọng trong chương trình văn học nước ngoài ở trường học của Việt Nam. Hiện nay, chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về thực trạng giảng dạy của giáo viên cũng như tiếp nhận văn học Nga của học sinh. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện đại, môn văn ngày càng mất đi sức hấp dẫn với người học, học sinh thờ ơ với môn văn nói chung, với văn học nước ngoài nói riêng, việc tiếp nhận văn học Nga của học sinh còn nồng ấm như các thế hệ cha anh hay đã thay đổi do tác động của bối cảnh xã hội là một câu hỏi cần trả lời. Bài viết này, thông qua khảo sát nhân học một trường trung học lớn tại Hà Nội là một nỗ lực phác dựng tình hình tiếp nhận văn học Nga của học sinh Việt Nam hiện nay.
1. Văn học Nga trong trường Phổ thông Việt Nam hiện nay
1.1. Bức tranh chung về văn học nước ngoài tại trường phổ thông Việt Nam.
Phần văn học nước ngoài được dạy tại trường phổ thông Việt Nam[1] hiện nay rất đa dạng và phong phú. Sách giáo khoa Ngữ văn từ lớp 1 đến lớp 12, hiện có 35 văn bản văn học thuộc mười hai quốc gia khác nhau[2]. Trong đó, các nước có số văn bản ít nhất là Ucaina, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Cộng hòa Cơ-rư-gơ-xtan và Nhật Bản. Nhóm trung gian gồm: Mỹ, Anh, Ấn Độ, Hy Lạp. Trung Quốc, Nga và Pháp là ba quốc gia có số văn bản được học nhiều nhất. Sự lựa chọn này, có nhiều lí do mà một trong những nguyên nhân chính là do mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Việt Nam với Trung Quốc, Nga và Pháp theo từng giai đoạn lịch sử khác nhau.
Chú thích: Trục tung biểu thị số văn bản văn học trong sách giáo khoa ngữ văn.
1.2. Vị trí của văn học Nga trong trường Phổ thông Việt Nam.
Đứng thứ hai sau Trung Quốc, Nga hiện có 8/35 văn bản văn học được học trong sách giáo khoa Ngữ văn Việt Nam, chiếm 22,86 %.
|
|
Văn học Nga trong trường Phổ thông Việt Nam (năm 2019)
|
|
STT |
Lớp |
Tác phẩm/Đoạn trích |
Tác giả |
1 |
4 |
Người ăn xin |
Turgennhev |
2 |
4 |
Trong quán ăn “Ba-cá-bống” (Trích “Buratino và chiếc chìa khóa vàng”) |
A. Tolstoy |
3 |
4 |
Cây sồi già (Trích “Chiến tranh và hòa bình”) |
L. Tolstoi |
4 |
4 |
Con sẻ |
Turgenhev |
5 |
6 |
Ông lão đánh cá và con cá vàng |
A.Puskin |
6 |
11 |
Tôi yêu em |
|
7 |
11 |
Người trong bao |
A.P. Chekhov |
8 |
12 |
Số phận con người (Trích) |
M. Solokhov |
Thống kê trên cho thấy, văn học Nga không được học liên tục mà khá đứt gẫy trong chương trình học. Ở lớp 4 học sinh được học bốn văn bản, lớp 6 một văn bản, sau đó bốn năm liên tiếp (lớp 7,8,9,10) không học văn học Nga. Tới lớp 11 được học trở lại một văn bản và lớp 12 một văn bản. Bố cục tác phẩm văn học Nga như sách giáo khoa hiện nay, rõ ràng có nhiều bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp cận, tới mạch cảm xúc và dấu ấn của học sinh.
Nhưng nhìn ở một góc độ khác có thể thấy, trên tổng thể, học sinh vẫn được học văn học Nga ở cả ba cấp (Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông). So với các quốc gia khác, văn học Nga được học nhiều về số lượng, liên tục ở các cấp học là một ưu thế nổi trội (văn học Trung Quốc dù chiếm số lượng nhiều nhất trong sách giáo khoa nhưng không được học ở bậc Tiểu học của Việt Nam). Điều đó cũng cho thấy, văn học Nga có vị trí quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới học sinh Việt Nam ở nhiều thế hệ khác nhau.
2. Tiếp nhận văn học Nga ở trường Trung học phổ thông Việt Nam hiện nay
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có một khảo sát nào được thực hiện về tình hình tiếp nhận văn học nước ngoài nói chung, tiếp nhận văn học Nga nói riêng tại trường Phổ thông Việt Nam.
Căn cứ vào Phân phối chương trình có thể nhận thấy, ở lớp 10, học sinh không học văn học Nga. Lớp 11, học 3 tiết, lớp 12 học 2 tiết (mỗi tiết học 45 phút). Khoảng thời gian quá ít ỏi khó có thể giúp các em tiếp cận đầy đủ, hiểu thấu đáo hết vẻ đẹp phong phú của văn học Nga. Giáo viên cũng không đủ thời gian để giới thiệu thêm về văn hóa, văn học Nga cho học sinh. Bên cạnh đó, các kì thi môn ngữ văn lớn nhỏ ở phổ thông không ra đề vào văn học nước ngoài (như một luật bất thành văn) cũng hạn chế phần nào sự tiếp nhận của học sinh.
Nhìn nhận việc tiếp nhận văn học Nga của học sinh Trung học phổ thông Việt Nam cần đặt trong bối cảnh: sự sụt giảm nghiêm trọng tình yêu đối với môn văn nói chung của học sinh Việt Nam. Chương trình dạy học cứng nhắc, xa rời thực tế, lối dạy giáo điều, áp đặt, cách ra đề và chấm bài thi theo khuôn mẫu, không chấp nhận sự sáng tạo của học sinh… là những nguyên nhân chính dẫn tời việc học sinh Việt Nam hiện nay không còn yêu thích hoặc thậm chí chán ghét, muốn “li dị”[1] môn văn[3]. Trong hoàn cảnh đó, học sinh Việt Nam sẽ tiếp nhận văn học Nga như thế nào? Để có câu trả lời chính xác hơn cả, chắc chắn cần một cuộc điều tra, thống kê xã hội học tiếp nhận văn học ở mức tổng thể quốc gia.
Do giới hạn của bài viết, chúng tôi chọn nghiên cứu điểm, khảo sát trường hợp của nhân học tại trường Trung học phổ thông Marie Curie, (số 2, Trần Văn Lai, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) vì đây là một trường lớn ở thủ đô Hà Nội. Khảo sát được thực hiện tại khối 10 ở 14 lớp, khối 11 tại 9 lớp, khối 12 tại 8 lớp[4] bằng cách giáo viên trực tiếp có mặt tại các lớp học, phát phiếu khảo sát, tập huấn trả lời và nêu rõ kết quả chỉ dành để phục vụ nghiên cứu, không tính điểm hay liên quan đến kết quả học tập của học sinh. Phiếu được thu lại ngay sau khi học sinh hoàn thành.
2.1. Hệ thống câu hỏi:
Dành cho học sinh lớp 10
- Truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng của tác giả nào?
- Puskin B. Vic-to Huy-gô C. La-phông-ten
- Vì sao mụ vợ ông lão đánh cá bị trừng trị?
- Vì tham lam, độc ác
- Vì bội bạc, không chung thủy.
- Vì tham lam, độc ác và bội bạc.
- Truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng kết thúc như thế nào?
- Tất cả lâu đài, cung điện biến mất. Trước mắt ông lão là túp lều nát và mụ vợ ngồi bên cái máng lợn sứt mẻ.
- Ông lão ở lại một mình, mụ vợ theo cá vàng xuống biển.
- Ông lão ngồi bên cái máng lợn sứt mẻ còn mụ vợ ngồi trong cung điện nguy nga, tráng lệ.
- Truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng là truyện:
- Hấp dẫn, thú vị B. Sâu sắc, ý nghĩa. C. Đơn điệu, không hấp dẫn.
- Đáp án khác:
- Anh (chị) đã đọc hoặc biết những tác phẩm nào dưới đây:
- Bác sĩ Ai-bô-lít
- Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn
- Bu-ra-ti-nô và chiếc chìa khóa vàng (hay truyện về chú bé người gỗ)
- Cánh buồm đỏ thắm
- Tôi yêu em - Puskin
- Qua những tác phẩm đã học, đã đọc, anh (chị) suy nghĩ gì về văn học Nga:
- Hấp dẫn, thú vị C. Khô khan, khó hiểu.
- Sâu sắc, nhân văn D. Đáp án khác:
- Anh (chị) thích hay không thích văn học Nga? Vì sao?
Dành cho học sinh lớp 11, 12
- Trong những tác giả dưới đây, theo anh (chị), tác giả nào là nhà văn Nga?
- Puskin C. Ta-gor E. Sô-lô-khốp
- Vic-to Huy-gô D. Sê-khốp G. Hê-ming-uê
- Câu thơ: “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em” là của tác giả nào?
- Xuân Diệu B. Hai-nơ C. Puskin D. Hàn Mặc Tử
- Anh (chị) thích hay không thích bài thơ Tôi yêu em? Vì sao?
- Truyện Người trong bao còn có tên gọi khác là gì?
- Anh béo và anh gầy C. Vườn anh đào
- Phòng số 6 D. Bê-li-cốp
- Cụm từ “người trong bao” chỉ đối tượng nào dưới đây?
- Người bị đẩy xuống đáy cùng của xã hội
- Chỉ những người quanh năm sống trong nhà, không bao giờ tiếp xúc với xã hội.
- Chỉ những người sống thu mình, lúc nào cũng lo sợ, cảnh giác với mọi thứ
- Chỉ những người sống ích kỉ, chỉ biết lo cho bản thân mình.
- Có người cho rằng lối sống “trong bao” mang lại sự an toàn, thanh thản cho mỗi cá nhân. Anh (chị) có đồng ý không? Tại sao?
- Truyện Người trong bao phê phán đối tượng nào?
- Những kẻ bịp bợm B. Những người hèn nhát, bảo thủ, sợ hãi.
C. Những kẻ thực dụng, coi trọng vật chất.
- Tư tưởng chủ đề của truyện Số phận con người:
- Tố cáo hiện thực khốc liệt của chiến tranh.
- Ca ngợi bản lĩnh kiên cường và nhân hậu của con người Xô viết
- Ca ngợi tình yêu thương giữa con người và con người.
- Qua những tác phẩm đã học (Tôi yêu em, Người trong bao, Số phận con người), anh (chị) suy nghĩ gì về văn học Nga:
- Hấp dẫn, thú vị C. Khô khan, khó hiểu.
- Sâu sắc, nhân văn D. Đáp án khác:
- Anh (chị) thích hay không thích văn học Nga? Vì sao?
2.2. Kết quả khảo sát:
- Tại khối lớp 10: 433 học sinh:
TIẾP NHẬN VĂN HỌC NGA CỦA HỌC SINH KHỐI 10 - TRƯỜNG MARIE CURIE (Ngày 25 - 26/4/2019) |
||
Yêu thích |
Bình thường |
Không thích |
218 học sinh |
128 học sinh |
87 học sinh |
50,34 % |
29,56 % |
20,1% |
- Tại khối lớp 11: 292 học sinh
TIẾP NHẬN VĂN HỌC NGA CỦA HỌC SINH KHỐI 11 - TRƯỜNG MARIE CURIE (Ngày 26/4/2019) |
||
Yêu thích |
Bình thường |
Không thích |
181 học sinh |
67 học sinh |
44 học sinh |
61,99 % |
22,95 % |
15,06 % |
- Tại khối lớp 12: 181 học sinh:
TIẾP NHẬN VĂN HỌC NGA CỦA HỌC SINH KHỐI 12 - TRƯỜNG MARIE CURIE (Ngày 25 - 26/4/2019) |
||
Yêu thích |
Bình thường |
Không thích |
67 học sinh |
56 học sinh |
58 học sinh |
37,02 % |
30,94 % |
32,04 % |
- Kết quả khảo sát thể hiện qua biểu đồ dưới đây:
Chú thích: Trục tung biểu thị số học sinh
2.3. Nhận xét và kiến giải:
Việc tiếp nhận văn học Nga ở học sinh các khối lớp không đồng nhất do nhiều nguyên nhân khác nhau:
Với khối lớp 10, là khối không được học trực tiếp văn học Nga, tác phẩm văn học Nga được học gần nhất cách thời điểm khảo sát đã bốn năm (khi các em học lớp 6), kết quả cho thấy: có hơn 50 % học sinh giữ được tình yêu với văn học Nga. Những lí do chủ yếu mà học sinh nêu ra là: văn học Nga giản dị, sâu sắc, mang tính triết lý, thú vị, yêu văn học vì yêu nước Nga, vì nhờ văn học Nga được đi “du lịch” … Như vậy, có thể nhận ra, ở tuổi teen, học sinh Việt Nam vẫn giữ được niềm hào hứng, say mê nhất định với văn học Nga. Niềm hào hứng ấy được nuôi dưỡng từ trường học hoặc cũng có thể đến tự nhiên từ những cuốn truyện đọc ngoài sách giáo khoa (hơn 80% học sinh đọc tác phẩm văn học Nga ngoài sách giáo khoa[5]). Như vậy, ấn tượng về vẻ đẹp của những tác phẩm văn học Nga trong trẻo, nhân hậu đã đọc thời thơ ấu còn lưu giữ rất lâu trong tâm hồn học sinh.
Ở khối 11, số học sinh yêu thích văn học Nga tăng cao: 61,99, tăng hơn 10%, số học sinh không thích giảm gần 5 %, số học sinh giữ thái độ bình thường giảm hơn 6 % (so với khối 10). Điều đó cho thấy sự hào hứng của học sinh, khi trở lại học văn học Nga sau năm năm “xa cách”. Phần lớn các em bày tỏ sự yêu thích đặc biệt với bài thơ Tôi yêu em (Puskin) được học tại lớp 11. Bài thơ có lẽ “bắt nhịp” đúng với tâm lý tuổi mới lớn, đã đánh thức tâm hồn mộng mơ và những suy nghĩ cao thượng của học sinh về tình yêu. Có học sinh thẳng thắn bày tỏ: nhờ bài thơ này mà em chinh phục được bạn gái. Cũng có học sinh yêu thích văn học Nga bởi lý do: bố em từng học ở Nga, em yêu bố nên yêu văn học Nga. Lí do đó dù cá nhân nhưng cho thấy những kết nối một thời giữa hai quốc gia Nga- Việt vẫn tiếp tục để lại dấu ấn đậm nét trong thế hệ trẻ, khi các em hoàn toàn không chịu những ràng buộc với quá khứ, không có kỉ niệm nào gắn với nước Nga. Tình yêu đối với văn học Nga là một tình yêu tự nhiên, chân thành và giản dị.
Khối 12 lại cho thấy một sự thay đổi lớn trong tiếp nhận. Số học sinh yêu thích giảm tới hơn 20%, số học sinh không thích tăng khoảng 16 %, số học sinh giữ thái độ trung lập tăng gần 8% (so với khối 11). Nguyên nhân chính dẫn tới việc không thích của học sinh phần lớn thuộc về: không thích học văn (nói chung), thích những tác phẩm thực dụng hơn là văn học, thích văn học Anh, Mỹ, Trung Quốc hoặc Nhật Bản, bên cạnh đó là do không nhớ tác phẩm (dù Số phận con người (Solokhov) được học cách thời điểm khảo sát không xa… Sự thay đổi trong tiếp nhận này phần lớn do áp lực thi cử nặng nề của học sinh cuối cấp. Văn học Nga không nằm trong phạm vi ôn thi tốt nghiệp/đại học nên cả giáo viên và học sinh đều không dành thời gian hoặc thậm chí bỏ qua (để tự học ở nhà), dành thời gian cho nội dung thi cử. Việc tiếp cận tác phẩm trong không khí căng thẳng, nhiều lo lắng khiến tình cảm của học sinh dành cho văn học Nga giảm sút khá nhiều. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này phần lớn do những nhân tố bên ngoài, không nằm ở chủ quan học sinh hay bản thân giá trị của tác phẩm văn học. Bên cạnh đó, có một số học sinh vẫn tìm đọc thêm tác phẩm của Nabokov cho thấy học sinh vẫn có những quan tâm nhất định tới văn học Nga nói chung.
KẾT LUẬN
1. Những khảo sát thực tế trên đây cho thấy, trong bối cảnh sự yêu thích văn học nói chung của học sinh giảm sút nghiêm trọng[6], việc nhiều người trẻ tuổi vẫn giữ được tình yêu với văn học Nga là bằng chứng về sức lan tỏa của các giá trị tư tưởng và nghệ thuật, chiều sâu nhân văn của văn học Nga đối với học sinh Việt Nam, nhất là khi học sinh hiện nay không còn bị ràng buộc bởi ý thức hệ và chịu ảnh hưởng của văn học, văn hóa toàn cầu.
2. Phần lớn các tác phẩm văn học Nga có mặt trong chương trình môn ngữ văn đều tập trung vào chủ đề: tình yêu, thiên nhiên, đất nước, con người. Qua tiếp xúc với văn học Nga, học sinh nhận thấy rõ hơn vẻ đẹp tâm hồn, tính cách Nga, vẻ đẹp của thiên nhiên và văn hóa Nga, đồng thời, bước đầu nhận ra sự độc đáo của văn học Nga so với các nền văn học khác.
3. Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự yêu thích văn học Nga hiện nay cần tăng cường dịch thuật các tác phẩm mới, thay đổi cách thức giới thiệu, quảng bá, giảng dạy văn học Nga trong nhà trường cũng như ngoài xã hội. Đa dạng hóa các hoạt động giao lưu văn hóa Nga – Việt để học sinh gần gũi hơn với đất nước, con người và văn hóa Nga. Từ những phông nền hiểu biết văn hóa nhất định, việc tiếp cận văn học Nga trong nhà trường của học sinh Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực và tự nhiên.
[1]Chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay có ba cấp: Tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5), Trung học cơ sở (từ lớp 6 đến lớp 9), Trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12).
[2]Thống kê phần Văn học nước ngoài tại sách giáo khoa Ngữ văn Việt Nam (từ lớp 1 đến hết lớp 12)
STT |
Lớp |
Tác phẩm/Đoạn trích |
Tác giả |
Quốc gia
|
Ghi chú |
1 |
4 |
Người ăn xin |
Turgennhev |
Nga |
Truyện ngắn |
2 |
4 |
Nỗi dằn vặt của Anđrayca |
Xu Khomlinxki |
Ucraina |
|
3 |
4 |
Điều ước của vua Midas |
|
Hy Lạp |
Thần thoại |
4 |
4 |
Rùa và thỏ |
La Fontaine |
Pháp |
Truyện ngụ ngôn |
5 |
4 |
Trong quán ăn “Ba-cá-bống” (Trích “Buratino và chiếc chìa khóa vàng”) |
A. Tolstoi |
Nga |
Tiểu thuyết |
6 |
4 |
Cây sồi già (Trích “Chiến tranh và hòa bình”) |
A. Tolstoi |
Nga |
Tiểu thuyết |
7 |
4 |
Khuất phục tên cướp biển (Trích “Đảo giấu vàng”) |
Rober Louis Stephenson |
Anh |
Tiểu thuyết |
8 |
4 |
G-vơ-rốt ngoài chiến lũy (Trích Những người khốn khổ ) |
Victor Hugo |
Pháp |
Tiểu thuyết |
9 |
4 |
Con sẻ |
Turgenhev |
Nga |
Truyện ngắn |
10 |
6 |
Ông lão đánh cá và con cá vàng |
A.Puskin |
Nga |
Thơ |
11 |
7 |
Xa ngắm thác núi Lư |
Lý Bạch |
Trung Quốc |
Thơ Đường |
12 |
7 |
Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh |
Lý Bạch |
Trung Quốc |
Thơ Đường |
13 |
7 |
Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê |
Hạ Tri Chương |
Trung Quốc |
Thơ Đường |
|
|
|
|
|
|
11 |
8 |
Cô bé bán diêm |
Andersen |
Đan Mạch |
Truyện ngắn |
12 |
8 |
Đánh nhau với cối xay gió (Trích Đôn-ki-hô-tê) |
Cervantes |
Tây Ban Nha |
Tiểu thuyết |
13 |
8 |
Chiếc lá cuối cùng |
O. Henry |
Mỹ |
Truyện ngắn |
14 |
8 |
Hai cây phong (Trích Người thầy đầu tiên) |
Aimatov |
Cộng hòa Cư-rơ-gư-xtan |
|
15 |
8 |
Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục (Trích Trưởng giả học làm sang) |
Moliere |
Pháp |
Kịch |
16 |
9 |
Mây và sóng
|
R. Tagor |
Ấn Độ |
Thơ |
17 |
9 |
Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang (Trích Rô-bin-xơn Cru-xtô) |
Daniel Defoe |
Anh |
Tiểu thuyết |
18 |
9 |
Bố của Xi-mông |
G. de Maupassant |
Pháp |
Truyện ngắn |
19 |
9 |
Con chó Bấc (Trích Tiếng gọi nơi hoang dã) |
|
Mỹ |
Tiểu thuyết |
20 |
10 |
Ramayana (Đoạn trích: Ra ma buộc tội) |
Vanmiki |
Ấn Độ |
Sử thi |
21 |
10 |
Ô-đi xê (Đoạc trích: Uy –lít- xơ trở về) |
Homero |
Hy Lạp |
Sử thi |
22 |
10 |
Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng |
Lý Bạch |
Trung Quốc |
Thơ Đường |
23 |
10 |
Cảm xúc mùa thu |
Đỗ Phủ |
Trung Quốc |
Thơ Đường |
24 |
10 |
Thơ Hai cư của Ba sô |
Ba sô |
Nhật Bản |
Thơ hai cư, đọc thêm |
25 |
10 |
Lầu Hoàng Hạc |
Thôi Hiệu |
Trung Quốc |
Thơ Đường, đọc thêm |
26 |
10 |
Nỗi oán của người phòng khuê |
Vương Xương Linh |
Trung Quốc |
Thơ Đường, đọc thêm |
27 |
10 |
Khe chim kêu |
Vương Duy |
Trung Quốc |
Thơ Đường, đọc thêm |
28 |
11 |
Rô mê ô và Giu-li-et (Đoạn trích: Tình yêu và thù hận) |
U. Sexpia |
Anh |
Kịch |
29 |
11 |
Tôi yêu em |
|
Nga |
Thơ
|
30 |
11 |
Bài thơ số 28 |
Tagor |
Ấn Độ |
Thơ, đọc thêm |
31 |
11 |
Người trong bao |
A.P. Chekhov |
Nga |
Truyện ngắn |
32
|
11 |
Những người khốn khổ (Đoạn trích: Người cầm quyền khôi phục uy quyền) |
V. Hugo |
Pháp |
Tiểu thuyết |
33 |
12 |
Thuốc |
Lỗ Tấn |
Trung Quốc |
Truyện ngắn |
34 |
12 |
Số phận con người (Trích) |
M. Solokhov |
Nga |
Truyện ngắn |
35 |
12 |
Ông già và biển cả (Trích) |
E. Hemingway |
Mỹ |
Tiểu thuyết |
[4]Do hạn chế về trường sở nên trường Marie Curie tuyển sinh theo khối, số lượng học sinh các khối không bằng nhau.
[5]Các tác phẩm học sinh lớp 10 thường đọc: Bác sĩ Ai-bô-lít (Coocnay Trucopxki), Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn (Nikolay Nosov), Bu-ra-ti-nô và chiếc chìa khóa vàng (A. Tolstoy), Cánh buồm đỏ thắm (A. Grin)
tin tức liên quan
Videos
Cao Xuân Dục và thư viện Long Cương
Sơ qua về tư tưởng "Đại nhất thống" và "Đại thống nhất" của Trung Quốc
Giải mã bài thơ Vịnh cây thông của Nguyễn Công Trứ
Thư viện Phúc Giang và mạch chảy của thư viện tư nhân dòng họ ở xứ Nghệ
Lung linh Chương trình nghệ thuật và trình diễn Áo dài Sen
Thống kê truy cập
114561068

2181

2271

2181

228611

122920

114561068