Những góc nhìn Văn hoá

Lễ đón Vía lúa - Nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ

Truyền thuyết kể lại rằng: Ngày xưa cứ đến mùa lúa chín là lúa tự về nhà, lúa của ai về nhà nấy. Có một mụ có chửa chẳng hiểu vì sao mà không kịp sửa soạn quét dọn sạch sẽ xang, rớng của nhà mình. Thấy lúa của hàng xóm đã về đầy đụn đầy nhà, lúa nhà mình cũng đã về đến sân đến ngõ mụ sinh ra cáu gắt, bực bội. Sẵn cái chổi quét trên tay mụ trút cái bực dọc vào lúa. Lúa tức giận nói với mụ có chửa: “Từ nay về sau lúa không tự về nhà, cứ ở ngoài nương ngoài rẫy cho tới lúc rơi rụng mục nát thành đất cát. Người muốn có lúa phải đi mời đi đón, phải gặt hái đem lúa về”. Từ đó về sau hàng năm, đến tháng chín âm lịch, khi lúa bắt đầu chín là các làng xóm tổ chức lễ đón Vía lúa.

Lễ đón Vía lúa là nghi lễ về nông nghiệp lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Thổ ở Nghệ An. Cứ đến tháng chín âm lịch, lúc này lúa trên nương rẫy bắt đầu chín thì Trùm làng[1], Thủ chỉ[2] đi xem bói để chọn ngày giờ cho dân làng mình “ti pẻ boông” nghĩa là đi hái cái hương hoa, cái linh thiêng của lúa về nhà, thủ tục này cũng được gọi là Xợc Vái lọ (mời đón Vía lúa).

Không phải chờ Trùm làng cắt cử, cũng không chờ Trưởng họ phân công, từng người, từng nhà từ già đến trẻ, từ nhà khá giả đến nhà khó khăn, ai cũng chờ đón ngày mở lễ. Có lẽ đã nhìn thấy cái no đủ tỏa sáng trên nương rẫy, cảm thấy cái linh nghiệm của “việc làng tháng tám” các vị thần linh đã phù trì cho dân làng an lành để đón một mùa lúa bội thu báo hiệu một năm dân làng no ấm. Ai cũng lo thu xếp việc nhà, việc đồng áng cho xong, nhất là lo tu sửa, quét dọn sạch sẽ kín đáo xang (kho lúa) chắc chắn rớng (chạn gác bếp), lau chùi đồ thờ trên Tran pệp (Bàn thờ ông Táo) vì những nơi ấy là nơi ở, nơi nghỉ ngơi của Vái lọ (Vía lúa).

Để bảo đảm niềm tin cho dân làng nên việc đi xem bói để chọn ngày giờ “ti pẻ boông”, Trùm làng mời các Thủ chỉ cùng đi. Chọn được ngày giờ rồi, Trùm làng tổ chức họp. Thành phần dự họp nếu ở vùng đó có chùa thì mời sư trụ trì, mời các nhà chức sắc, Thủ chỉ, Trưởng các dòng họ và người không thể thiếu vắng là Dạ lọ (bà lúa). Bà lúa là người được dân tín nhiệm cử dự chức danh ấy từ trong lễ “việc làng tháng ba” nếu vẫn được tín nhiệm thì tiếp tục là người đi đầu trong giờ phút linh thiêng ra nương rẫy để đón rước Vía lúa về nhà.

Ngày hội “Xợc Vái lọ” là dịp để người dân tỏ lòng thành kính, biết ơn các vị thần linh đã phù hộ cho dân làng có mùa lúa bội thu nên ai cũng háo hức chờ đón. Buổi chiều trước ngày chính lễ, có nhiều trò vui chơi được tổ chức như thi “tặn túm” (tung còn), “tủi tu” (đánh đu); hát thi hát đố các bài hát cổ truyền hoặc các bài mới sáng tác. Các cuộc thi đều có trọng tài, có chia phe bên nam bên nữ, đánh đu thì cặp nam nữ này thi với cặp nam nữ khác; cặp nào, đội nào cũng muốn đội mình giỏi hơn. Các đội thi hát thì hát theo làn điệu “du ời”, cứ xong một câu hát thì tiếng chiêng trống kèn vang lên kèm theo tiếng reo hò cổ vũ. Người đánh trống thì vừa đánh vừa múa, lướt ra lượn vào uyển chuyển lôi kéo người đến xem. Ban tổ chức có thưởng cho người hát hay múa đẹp, cũng có thưởng cho các đội thắng trong các cuộc thi.

Buổi tối trước ngày chính lễ có lễ “xợc chổ” tức là lễ mời các vị thần linh, gia tiên Trùm làng và gia tiên các họ. Mâm cỗ bày biện tuy đơn giản nhưng mỗi vị thần được mời về vẫn có một mâm riêng. Mâm nào cũng có xôi, thịt, cá, trầu lá cau trái (trầu để nguyên cả lá, cau chưa gọt vỏ), rượu, tiền vàng âm phủ, ba cây hương thắp sẵn, phía dưới các mâm là một vò rượu trấu.

Sau lễ cúng mời, mọi người ngồi vào ăn cỗ, uống rượu trấu, hát du ời, kèn chiêng trống và tiếng reo hò cổ vũ tới tận đêm khuya ai mệt thì nghỉ, ai vui tiếp tục vui chờ đến khoảng bốn giờ sáng (giờ Dần) có lễ mời quý vị thần linh cùng mọi người trong làng “ti pẻ poông”, “ti xợc Vái lọ” (đi hái hoa, đi đón Vía lúa). Các thủ tục báo cáo xin phép xong, Trùm làng và Thủ chỉ mời Bà lúa cùng đi nhổ bụi lúa đầu tiên. Bụi lúa đầu tiên được chọn là bụi lúa có nhiều bông, nhiều hạt. Thủ chỉ và Trùm làng cùng nắm hai tay vào bụi lúa và nói “Hôm nay, ngày lành tháng tốt, dân làng ra tại nương rẫy mời Dạ lúa đại diện cho các Vía lúa của nhiều loại lúa về xang về rớng, về tụn căn xa về nhà chứa khách, mời lên bàn thờ ông Táo”. Nói xong nhổ bụi lúa lên, cả hai người trân trọng, bốn bàn tay nâng bụi lúa đưa cho Bà lúa. Đi tiếp đến các vạt lúa mà ngày gieo hạt đã chia phần từ phần các vị thần linh đến phần Thủ chỉ, Trùm làng và của Bà lúa, cứ nơi nào lúa trĩu hạt thì nhổ ba bụi, khi Bà lúa đã đầy tay mọi người chia nhau cầm hộ Bà lúa đưa về nhà Trùm làng. Sau khi cúng đại lễ xong, xin được âm dương thì số bụi lúa này được giao cho Bà lúa. Bà phân phát cho Trùm làng, Thủ chỉ, chức sắc và các hộ gia đình làm ăn khá giả, còn lại bao nhiêu thì Bà lúa bảo quản để giống cho năm sau. Bà lúa cũng chia cho mỗi nhà bốn cây lúa từ gốc tới bông. Bốn cây lúa này các gia đình đem về dắt trên bàn thờ ông Táo, đêm ba mươi Tết đặt lên bốn góc khựa. Hết Tết, các cây lúa này được tuốt hạt riêng ra và bỏ vào ống nứa nút chặt gác lên rớng làm lúa giống cho năm sau, tất nhiên từng ấy hạt lúa không thể đủ để làm giống cho các gia đình nhưng ai cũng xem đó là tinh hoa, là linh hồn của lúa nên ai cũng trân trọng các hạt lúa ấy.

Khi lễ vật đã được bày lên đầy đủ, đèn nến đã thắp sáng, hương đã đốt cháy, mọi người kính cẩn nghiêm trang thì lễ “Xợc Vái lọ” bắt đầu. Những người tham gia đều ăn mặc sạch sẽ, tươm tất; Thủ chỉ, Trùm làng và người đọc bài cúng mặc quần Tây cống trắng, áo dài lương đen năm thân, khăn đóng. Bà lúa mặc áo năm thân màu hồng, váy hoa (vắn poông), khăn vuông trắng có thêu bốn góc, thắt lưng màu xanh bằng tơ lụa, có bộ xà tích bạc sáng loáng… Tất cả ngồi thành hàng ngang hướng về phía “boóng cái lại boóng trêng” là nơi đặt mâm cúng các vị thần linh. Mâm cúng lễ chính đầy đủ hơn mâm cúng cáo, có xôi gà, mỗi mâm ba chàm thịt lợn, hai đĩa cá, đĩa trầu lá cau trái, chai rượu, chén nước lã, hương, vàng mã. Nếu phường săn săn được thú thì mỗi mâm có một đĩa thịt thú rừng, có moọc mèn pen lá và loại đặc sản để kính dâng lên các vị thần linh đó là “oống troòng” mà người Kinh gọi là cơm lam. Trên bàn thờ đặt các mâm cỗ vẫn theo thứ tự sắp đặt từ trước: Mâm đầu tiên là mâm của Thổ thần, mâm thứ hai là của Bạch chi chúa hang Nàng chi chúa bó, mâm thứ ba là của Tá Xun Xăn, mâm thứ tư là của Dạ Vái lọ, mâm thứ năm là của Cố Quản Xuân. Mâm của “Kẻ Khà Trùm làng” (tổ tiên Trùm làng và tổ tiên các hộ) được đặt ở bàn thờ tổ tiên Trùm làng và khi cúng người cúng nhờ Tổ tiên Trùm làng mời tổ tiên các họ cùng về dự lễ và hưởng lộc của dân làng.

Sau một hồi chiêng trống kèn như hiệu lệnh báo cho dân làng biết để nghênh đón các vị thần linh, mọi người đứng dậy nghiêm trang theo sự chỉ huy của người cúng. Mọi người quỳ lạy ba lần. Khi xin được âm dương, biết là các vị thần linh được mời đã về đầy đủ tiếng trống chiêng nổi lên như vui mừng. Mọi người ngồi nghiêm trang, kính cẩn mắt nhìn lên bàn thờ nghe người đọc bài cúng "Mời ăn cỗ".

Trong khi đọc bài cúng, mỗi lần kể xong công ơn các vị thần là người cúng vái ba vái hoặc khi gieo quẻ âm dương được như ý cũng vái ba vái; lúc ấy trống chiêng kèn lại vang lên như thay lời cảm ơn của dân làng. Cúng xong ai vào việc nấy. Bộ phận phục vụ hạ lễ, sắp xếp chỗ đặt mâm cỗ, mời khách, mời các vị chức sắc trong làng ngồi ăn cỗ ở gian khách, còn lại ngồi ở các gian khác.

Trong buổi chiều hôm đó, mỗi nhà phải gặt cho được ba gánh lúa. Nếu không được gánh đầy thì cũng là gánh tượng trưng. Dụng cụ gặt hái là “nái cu cu”. Loại này chỉ nhắp lấy bông lúa mà không gặt như dưới miền xuôi. Mỗi gánh là ba mươi nắm (pa chục nhặp). Ba gánh lúa này sẽ làm lúa giống cho năm sau. Khi lúa về đến nhà, chủ nhà có lễ cúng đơn giản nhưng nghiêm trang; lễ vật chỉ là hươu rượu, đĩa trầu cau, bát nước lã và ba cây hương. Người cúng phải là chủ nhà, không có bài cúng mà chỉ nói nôm “hôm nay là ngày tốt, gia đình chúng tôi đón mời Bà Vía lúa, mời Bà về ở trên xang trên rớng. Mời Bà về trên tran bếp để làm lúa giống năm sau. Mong Bà Vía lúa cho gia đình tôi năm sau và nhiều năm sau nữa, năm nào cũng được mùa to, để làm nhà đẹp nhà to cho Bà Vía lúa ở”. Khấn xong đem một gánh lúa để tại xang, một gánh để trên rớng còn một gánh lúa ở gian chứa khách xem như đó là ước mong “lúa đầy nhà đầy kho, đời sống ấm no đầy đủ”. Khi tàn hương, gánh lúa ở gian chứa khách được đưa lên “tran pệp” (bàn thờ ông Táo) nhờ ông Táo giữ hộ không để chuột và các loại khác ăn. Đêm ba mươi Tết, số lúa này (ba mươi nắm của gánh lúa để tran pệp) chia ra bốn phần cùng với bốn cây lúa mà Bà lúa đã phát cho hôm lễ “Xợc Vái lọ” được đặt lên bốn góc khựa để làm lúa giống sang năm (lọ khang năm). Tất cả các gia đình trước đó đã chuẩn bị tươm tất, kín đáo, chắc chắn xang (nhà kho để lúa), rớng (tương tự như chạn nhà cửa người Kinh). Khi lúa đã đầy xang người ta đưa lên rớng; ngay trên bếp nấu ăn, người ta làm một cái khựa (như cái dàn phơi hình vuông), cái khựa này có tác dụng là gặp khi mưa gió không phơi được lúa cho khô để làm ra hạt gạo thì người dân đặt lên khựa cái “đoống khàng” (nong sàng) và đưa các nắm lúa (tức là lúa chỉ còn lại bông mà không còn cây rạ) để lên nong sàng để nhờ hơi nóng của lửa bếp sấy cho khô lúa. Trong xang (kho lúa) thường hay có rắn vì ở đó chuột thường vào ăn lúa. Chuột là thức ăn rắn rất thích. Rắn chỉ bắt chuột, khi người lên lấy lúa rắn trốn vào một góc kín đáo, rắn hiền không cắn người. Theo quan niệm người dân: Nhà nào có rắn về ở xang lọ, rớng lọ là nhà ấy có phúc lớn, năm nào cũng ăn nên làm ra. Người ta xem những con rắn ở trên xang trên rớng là Dạ Vái lọ (Bà Vía lúa). Những gia đình ấy ngoài việc tham gia với làng trong lễ đón Vía lúa thì gia đình đó còn tổ chức lễ Xợc Vái lọ riêng của gia đình mình; lễ được tổ chức như lễ ăn mừng linh đình, có mời khách gần xa về dự. Những nhà không có rắn về ở trên xang trên rớng cũng hơi buồn và tự động viên an ủi mình cố gắng nhiều hơn nữa để mùa sau, Vái lọ cũng về xang rớng nhà mình. Các gia đình đã làm xong thủ tục đón Vía lúa của nhà mình xong lại tiếp tục ra tham dự, vui vẻ với dân làng cho đến hết cả đêm hôm ấy.

Cứ xong một lần tổ chức lễ là Trùm làng thay mặt Ban Tổ chức báo cáo trước dân làng các khoản thu chi, hỏi ý kiến mọi người xem có ai thắc mắc, có điều gì không vừa ý và cũng tự nhận khuyết điểm sơ suất và xin được dân làng bỏ qua sơ suất thiếu sót ấy. Việc thu chi các khoản được báo cáo đầy đủ rõ ràng nên những nhà ủng hộ, những người đóng góp ai cũng vui vẻ hài lòng, nhờ thế năm này qua năm sau, lễ này sang lễ khác, người ta sẵn sàng đóng góp theo sự phân chia. Vả lại những nhà khá giả, những người có tấm lòng hầu hết đều ủng hộ, san sẻ bớt khó khăn cho những nhà neo đơn túng thiếu. Từ đó xóm làng thêm gắn bó, đùm bọc, giữ đẹp mãi nghĩa tình làng xóm quê hương./.


[1] Trùm làng: là người cao tuổi nhất được dân làng tôn kính nhất

[2] Thủ chỉ: là người đứng đầu một làng

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445561

Hôm nay

261

Hôm qua

2237

Tuần này

21170

Tháng này

211820

Tháng qua

120141

Tất cả

114445561