Góc nhìn văn hóa
Tham thì thâm

Hồi bé, tôi thường được bà ngoại kể chuyện cổ tích. Hôm bà kể chuyện Tham thì thâm, bà xoa đầu tôi và cứ nhắc đi nhắc lại rằng khi lớn lên, cháu nhớ chớ có tham lam sân si, mình trồng cây đắng ngoài đường sẽ có ngày rơi quả đắng vô nhà mình đó.
Tuổi ngây thơ, tôi không hiểu hết ý ngoại dạy. Nhưng theo kiểu tư duy con trẻ, tôi hỏi ngoại: Tại răng tham thì thâm ngoại, thâm là chi rứa ngoại? Ngoại đang lúng túng thì ba tôi ngồi chầu và lên tiếng Tham là lấy của người khác cho riêng mình, thâm là thâm hiểm, là mưu kế, muốn lấy được của người khác thì phải có mưu cao kế hiểm con ạ.
Tôi cứ ngờ ngợ lời ba tôi giải thích. Có lẽ chưa phải lắm.
Tháng ngày rồi tôi cũng lớn lên, cũng đi làm, cũng bươn chải. Nhớ lời ba tôi hồi bé, tôi lại nghĩ Cụ tài, răng mà Cụ biết được rứa hè. 60 năm rồi mà giờ vẫn đúng pắp. Lấy của người khác làm của riêng mình là tham. Nhưng muốn Tham thì phải Thâm. Bao nhiêu kẻ có chức có quyền muốn vơ vét tiền thuế của dân nghèo thì đều phải đêm hôm suy tính đường đi nước bước kỹ càng để chùi mép thật sạch sau khi ăn vụng. Câu chuyện của Cựu Bộ trưởng Son là một minh chứng. Để có 3 triệu đô, Son phải dựng kịch bản ròng rã cả năm, phải tìm cách liên minh với sếp của Văn phòng Chính phủ, với sếp các bộ ngành, phải lập mưu chỉ đạo Tuấn phó, Trà, Hải thực thi kịch bản. Kể ra cũng siêu mưu cực kế, xứng đáng gọi là tài năng, người thường không dễ làm nổi, nếu nước ta thu gom được nhiều nhiều quan tham thì cơ cấu cho Son làm Bộ trưởng bộ này là đúng người đúng việc hơn cả.
Mấy ngày ni thấy lò của cụ Tổng cuối năm mà nóng quá. Tôi lại mở Truyện cổ tích Tham thì thâm ra đọc lại.
Thì ra ba tôi nghĩ vậy vẫn chưa đủ.
Mà ngoại tôi khi đọc truyện này cho tôi nghe thì không chắc đã nghĩ như ba tôi. Có lẽ cụ chỉ răn dạy tôi về chuyện khắc chế lòng tham. Trên đời ai cũng mơ ước muốn có nhiều tiền, ai cũng muốn nhà cao cửa rộng, ai cũng muốn vợ đẹp con khôn, gặp người xinh đẹp trẻ trung ai cũng khao khát. Đó là lẽ tự nhiên, là bản năng của con người, kẻ nào nói ngược đi thì chỉ là đang tự dối lòng mình mà thôi.
Chỉ có một điều khác là ở người có liêm sỉ thì họ biết nếu tiền đó, gái đẹp đó không phải của họ thì họ sẽ không tìm mọi cách để chiếm đoạt. Họ nhận thức được cuộc đời này cái gì cũng có giá của nó, ai cũng có một kiếp luân hồi nhân quả và Tham thì sẽ dẫn đến Thâm.
Bây giờ ngồi trong nhà tạm giam, ông Son, ông Tuấn, trước đó là những ông Vĩnh, ông Hóa, ông Thăng và rất nhiều ông tai cực thính mặt cực béo chưa bị lộ có nghĩ gì về câu chuyện cổ tích Tham thì Thâm không?
Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát, ông Son ăn cướp 66 tỷ đồng VN. Năm này ông cũng 66 tuổi. Nếu bình thường bên vợ con, có thể trời cho ông sống thêm khoảng 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Nhưng sau khi phải hoàn trả 3 triệu USD và sống cảnh nhập kho, liệu ông có được mươi cục lịch nữa không?
Tôi hầu trà và nói chuyện này với ba tôi. Giờ ông đã rất già. Ông bảo Chuyện cổ tích nó sâu sắc lắm, đọc kỹ mới thấy linh ứng. Thằng cha Son tưởng nó là Son thật, tưởng thâm, tưởng khôn, tưởng nuốt trôi 1.650 cây vàng nhưng giờ thì chết đứt rồi, giờ thì chắc chắn thành mực Tàu rồi.
Có người bảo, nhục thì cũng nhục rồi, mất thì cũng mất rồi, thậm chí ông Son giờ đa thọ đa nhục, chi bằng xin nhà nước cho đổi tên thành Nguyễn Sắt Son, kiên quyết tham đến cùng. Thôi thì trước sau gì cũng chết, dựa cột cũng là một cách chết, chết sớm để con cháu có 3 triệu USD.
Nhưng cuộc đời nó lại không đơn giản vậy.
Của thiên trả địa. Giờ ông Son chỉ còn duy nhất một sự lựa chọn cay đắng là phải đi mua một năm ăn cơm tù với giá 6,6 tỷ đồng VN.
Đó là sự sòng phẳng hết sức nghiệt ngã của câu chuyện Tham thì Thâm.
Khánh Linh
XI.2019
tin tức liên quan
Videos
Nghệ An bàn giao trang thiết bị cho nhà văn hóa thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023
Tự học - Hành trình dệt nên những ước mơ của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An
Đập tan luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị và thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Phát triển miền Tây: Thay đổi để vượt khó
Họp báo Lễ hội Làng Sen năm 2024 và Giải chạy Marathon "Hành trình về Làng Sen"
Thống kê truy cập
114561738

2166

2334

2851

229281

122920

114561738