Văn hóa và đời sống
Về nguyên nhân của những hạn chế trong tóm tắt dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Toàn cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. nguồn ảnh xaydungdang.org.vn
Tóm tắt dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá tình hình của đất nước, của Đảng những năm qua, cả những thành tựu và tiến bộ cũng như những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân một cách đúng mực, thẳng thắn, khách quan. Tuy nhiên, phần đánh giá nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, khuyết điểm và những kinh nghiệm rút ra sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, theo tôi nên có sự điều chỉnh. Cụ thể như sau:
Dự thảo đã chỉ rõ 7 hạn chế, khuyết điểm và chỉ ra 04 nguyên nhân chủ quan trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII (tr. 5-6). Dự thảo trình Đại hội XIII đã lược bỏ (vì là bản tóm tắt) phần nêu ra các nguyên nhân khách quan của hạn chế, khuyết điểm trong khi đánh giá về nguyên nhân khách quan của Báo cáo chính trị tại Văn kiện Đại hội XII thì: “tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh; những diễn biến mới rất phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông; sự chống phá của các thế lực thù địch”(1).
Theo tôi, phần dự thảo hoàn chỉnh cần có đánh giá chính xác, đúng mức về các nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân về thiên tai và dịch bệnh.
Dự thảo khẳng định những hạn chế, khuyết điểm do nguyên nhân chủ quan là trực tiếp và quyết định; bốn nguyên nhân chủ quan được nêu như sau:
Trước hết, nhận thức về một số chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước còn chưa sâu sắc, thiếu thống nhất, do vậy một số công việc triển khai thiếu kiên quyết, còn lúng túng.
Thứ hai, chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục, năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế, năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ làm cho nghị quyết, pháp luật chậm được thực hiện và hiệu quả thấp.
Thứ ba, nhiều hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy các cấp, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở một số nơi chậm được khắc phục; trách nhiệm người đứng đầu chưa thực sự được đề cao. Tư tưởng trông chờ, thụ động, ỷ lại vào cấp trên; tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, kỷ cương, phép nước không nghiêm còn khá phổ biến, chưa tạo được nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp có tính đột phá, đồng bộ để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Thứ tư, nhận thức, triển khai đổi mới tổ chức, bộ máy một số cơ quan Trung ương và địa phương chưa đều, chưa thật đồng bộ. Công tác cán bộ còn có mặt hạn chế, một số nội dung trong các khâu công tác cán bộ ở một số nơi thực hiện còn hình thức. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi.
Tôi góp ý là cần sắp xếp lại thứ tự các nguyên nhân này và bổ sung nội hàm cho hợp lý vì lý do sau đây:
Thứ nhất, cách sắp xếp các nguyên nhân mà dự thảo đưa ra như sau: nguyên nhân thứ nhất là do nhận thức; nguyên nhân thứ hai là do chỉ đạo và tổ chức thực hiện; nguyên nhân thứ ba là do lãnh đạo, quản lý, điều hành; nguyên nhân thứ tư lại là do nhận thức, triển khai đổi mới…. chưa đồng bộ? Như vậy chúng ta thấy về logic hình thức là chưa phù hợp vì khởi đầu là do nhận thức đến tổ chức thực hiện, quản lý, điều hành lại trở về nhận thức là chưa hợp lý.
Thứ hai, nguyên nhân thứ hai và nguyên nhân thứ ba theo tôi có thể gộp lại vì đều là do lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện còn yếu nên có hạn chế, khuyết điểm.
Mặt khác, nếu đọc những kinh nghiệm của tóm tắt dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng chúng ta thấy kinh nghiệm thứ ba đã gộp lại như sau: “Ba là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, có bước đi phù hợp phát huy mọi nguồn lực và động lực; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn; đề cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với giữ vững kỷ cương; coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; thực hiện tốt sự phối hợp trong lãnh đạo, quản lý, điều hành; coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế; chú trọng tạo đột phá để phát triển”(2).
Như vậy, kinh nghiệm thứ ba đã nêu rõ là lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện tốt... nên có kết quả tốt và cần phát huy; và để có tính có logic và đồng bộ giữa nguyên nhân của hạn chế và những kinh nghiệm thì việc gộp nguyên nhân thứ ba và nguyên nhân thứ tư lại là hợp lý.
Thứ ba, bổ sung nguyên nhân về việc chưa quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới.
Mọi việc đều bắt nguồn từ dân, “dân là gốc”,… là bài học lớn được đúc kết suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc được Đảng ta vận dụng thành công trong 90 năm qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.”(3). Chính nhân dân làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử hơn 35 năm đổi mới và chỉ có nhân dân mới là người hiện thực hóa được mục tiêu, lý tưởng mà Đảng đề ra. Không có nhân dân sẽ không có lực lượng cách mạng và phong trào cách mạng.
Quan điểm “dân là gốc” đã được văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII nêu ra trong kinh nghiệm thứ nhất là: “tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân”(4), sau đó được chỉ rõ: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”(5).
Từ những định hướng này và thực tế cuộc sống đã chứng minh nên kinh nghiệm thứ hai của dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII ghi: “Hai là, quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, tăng cường củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.”(6).
Như vậy, chính việc thực hiện chưa tốt quan điểm “dân là gốc” của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nên một số cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu, xa dân, độc đoán, chuyên quyền, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân là nguyên nhân dẫn đến nhận thức kém, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kém, và cuối cùng là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà Đảng ta đã chỉ ra.
Theo tôi, nên sắp xếp các nguyên nhân theo thứ tự và kết cấu như sau:
Thứ nhất, do dự báo chưa sát nên đề ra một số mục tiêu quá cao, thiếu tính khả thi nên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII chưa đạt yêu cầu;
Chúng ta biết rằng mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội là cho cả một nhiệm kỳ và nhiều năm tiếp theo nên việc đưa ra những dự báo chính xác là vấn đề rất khó khăn. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII khi nêu ra các nguyên nhân chủ quan đã chỉ rõ: “Cuối nhiệm kỳ khóa X, kinh tế vẫn trên đà tăng trưởng, song một số khó khăn, hạn chế và những yếu kém vốn có của nền kinh tế đã bộc lộ, nhưng do chưa đánh giá và dự báo đầy đủ, nên Đại hội XI đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ khá cao…”(7) Từ nhận định trên, Đảng ta thẳng thắn thừa nhận: “Năng lực dự báo còn hạn chế, cho nên một số chủ trương, chính sách, giải pháp đề ra chưa phù hợp”(8). Như vậy, dự báo chưa sát, chưa đúng để từ đó có những chủ trương, quyết sách chưa phù hợp với thực tế chính là nguyên nhân chủ quan dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm trong đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng.
Điều cần lưu ý những yếu tố về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... là nguyên nhân khách quan nhưng việc đưa ra dự báo về diễn biến của nó lại là yếu tố chủ quan của con người.
Xem lại dự báo của Đại hội XII chúng ta thấy rằng: “Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp”(9). Như vậy, Đảng ta đã có dự báo về yếu tố “biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh”. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng năm 2016, miền Tây Nam Bộ đã chứng kiến hạn mặn lịch sử và được coi là đạt đỉnh của hạn mặn trong hàng trăm năm qua thì năm 2020 nhiều tỉnh của Tây Nam Bộ lại xuất hiện hạn mặn còn khốc liệt hơn năm 2016.
Dự báo về dịch bệnh thì có lẽ toàn thế giới cũng bất ngờ và không lường trước được mức độ và hậu quả của dịch COVID-19 gây ra. Ngay trong Tóm tắt Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII phát hành tháng 02 năm 2020 nhưng phần dự báo cũng chỉ nêu vắn tắt là: “biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… tiếp tục diễn biến phức tạp”.(10). Thực tế thì COVID-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu ảnh hưởng đến toàn bộ các quốc gia, với biện pháp phong tỏa, cách ly liên quan đến một nửa nhân loại. Các định chế tài chính của thế giới như WB, ADB đều đưa ra những dự báo ảm đạm của kinh tế thế giới trong năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 và nhiều nước sẽ có mức tăng trưởng âm. IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của thế giới năm 2020 sẽ sụt giảm 2.9% so với năm trước và một cuộc đại khủng hoảng kinh tế là viễn cảnh có thể tưởng tượng. Đến nay, diễn biến của dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp và khó lường diễn ra trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy Việt Nam được đánh giá là làm tốt trong công tác kiểm soát dịch, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn vẫn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hiệu ứng domino khi khủng hoảng kinh tế xảy ra. Dẫn dắt một số nội dung khi dự báo về thiên tai và dịch bệnh như trên để thấy rằng dự báo càng sát thực, đầy đủ, kịp thời cập nhật sẽ giúp cho Đảng đề ra mục tiêu phù hợp, có tính khả thi cũng như tránh được việc tổ chức thực hiện một cách bị động, lúng túng.
Thứ hai, do nhận thức chưa sâu sát và thống nhất về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước nên lúng túng trong triển khai thực hiện trên thực tế;
Nhận thức đúng được coi là điểm khởi đầu, là định hướng cho hoạt động của tổ chức, con người có hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm"(11). Hậu quả của việc nhận thức không đúng là khởi đầu cho lời nói, việc làm, hành động sai lầm; nhận thức chưa sâu sát và thống nhất là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức thực hiện. Dù biểu hiện ra hành động là trực tiếp hay gián tiếp thì nhận thức sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Thứ ba, do lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý, điều hành chưa đạt yêu cầu, hiệu quả thấp; việc phối hợp giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương, các cấp, các ngành với nhau chưa thật sự đồng bộ.
Để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống thì hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý, điều hành cần phải được triển khai sâu rộng, thiết thực và mang lại hiệu quả cao nhất.
Khi thực hiện nghị quyết mỗi cơ quan của Đảng hay Nhà nước không thể độc lập tiến hành nhiệm vụ, mà phải có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị và cá nhân có liên quan mới đem lại kết quả cao. Đây là quan hệ có tính nguyên tắc, nội tại, trong từng cấp ủy, giữa các tổ chức đảng với nhau, giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương, các cấp, các ngành với nhau. Thực hiệnkhông tốt tất yếu sẽ dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm.
Trong tổ chức nhà nước ta hiện nay, chính quyền trung ương và chính quyền địa phương phải là một thể thống nhất. Một nhà nước chỉ mạnh, quản lý và phục vụ phát triển xã hội tốt khi chính quyền trung ương và chính quyền địa phương đều mạnh, hoạt động thống nhất, thông suốt và hiệu quả. Một trong những yếu tố tạo nên sự thống nhất và sức mạnh đó của nhà nước là tạo lập mối quan hệ phối hợp hài hòa giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Trong thời gian qua, việc phối hợp giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương, các cấp, các ngành với nhau đã được đổi mới và tăng cường, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc về mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương. Thực tiễn đó là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nghị quyết hiện nay.
Thứ tư, chưa quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; đổi mới tổ chức bộ máy một số cơ quan Trung ương và địa phương chưa đồng bộ. Công tác cán bộ còn có mặt hạn chế. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi.
Như phần trên khi bàn về nguyên nhân mà bài viết đã phân tích, sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của quần chúng nhân dân, tách rời khỏi quần chúng nhân dân, Đảng không còn lý do để tồn tại. Do vậy, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”, tăng cường mối quan hệ gắn bó Đảng - Dân, phát huy quyền làm chủ của dân, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân là nhiệm vụ trọng đại mà Đảng phải gánh vác. Đây là bài học có tính xuyên suốt đối với cách mạng Việt Nam và đã trở thành phương châm hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Quán triệt và thực hiện chưa nghiêm túc quan điểm “dân là gốc” chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà Đảng ta đã chỉ ra.
Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc là văn bản rất quan trọng, vì vậy, chúng ta không nên vội vàng, giản đơn trong xác định một nội dung, một vấn đề nào đó trong khi cơ sở thực tiễn và lý luận chưa được khẳng định một cách khoa học. Những ý kiến nêu trên là ý kiến cá nhân, xin được góp thêm một tiếng nói vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đểkhi Nghị quyết được thông qua và ban hành thì tổ chức đảng, mỗi đảng viên dễ vận dụng và thực hiện trong thực tế./.
- (1), (4), (5), (7), (8), (9). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng T.Ư Đảng, năm 2016, tr.62; 63; 69; 62; 63; 72.
- (2), (6), (10. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tr. 7;7;11.
- (3). Hồ Chí Minh, Toàn tập, bộ 15 tập, tập 10, tr. 453;
- (11). Hồ Chí Minh, Toàn tập, bộ 15 tập, tập 7, tr. 114.
- (*). PGS,TS Lê Văn Cường Viện Xây dựng Đảng- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511068
267
2359
21442
217941
121356
114511068