Góc nhìn văn hóa

Bàn về nguồn gốc các từ cổ Hán Việt tươi, lười, tỏi

Nhân trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Đại Cồ Việt trên Facebook chúng tôi có lật lại vấn đề nguồn gốc chữ tiên 鮮(tươi), xem:

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10220607166839198&id=1535424222

Các từ Tươi/Tiên 鮮, Lười/Lãn 懶, Tỏi/Toán 蒜... là các từ có âm cuối -i (-j) mà giáo sư Nguyễn Tài Cẩn xếp vào nhóm từ cổ Hán Việt, có thể do người Việt vay mượn từ Hán ngữ từ khá lâu trước thời Bắc thuộc, đây là những từ ví dụ khá tiêu biểu về từ cổ Hán Việt và đã được nhiều tác giả trích dẫn.

Tác giả Tạ Đức trong sách "Nguồn gốc người Việt - người Mường" gần đây đã phản bác ý kiến trên của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, cho rằng đó là nhóm từ gốc Nam Á, nhưng không rõ căn cứ vào đâu (người viết hiện chưa có trong tay cuốn sách của Tạ Đức).

Người viết không cực đoan đến nỗi phủ nhận sự vay mượn ngôn ngữ giữa các nhóm dân tộc, và cũng biết rằng đến hơn 80% văn viết tiếng Việt hiện đại vốn là từ gốc Hán Việt, tức là vay mượn từ Hán ngữ. Nhưng riêng chữ tiên 鮮là "tươi" thì chính từ thư của Trung Quốc lại hé lộ cho biết nó có nguồn gốc "man di".

Thật vậy, sách Thuyết văn Giải tự là cuốn sách tự điển thuộc hàng cổ nhất của Trung Quốc, do Hứa Thận viết vào thời Đông Hán (100-121CN), thường gọi tắt là Thuyết Văn, chú về chữ tiên 鮮như sau:

魚名。出貉國。从魚,羴省聲。相然切Ngư danh. Xuất Mạch quốc. Tòng ngư, chiên tỉnh thanh. Tương nhiên thiết. (Tên một loài cá xuất xứ ở nước Mạch (còn đọc là Hạc). Theo bộ ngư, âm chiên tỉnh lược thanh, thiết âm tương nhiên tức "tiên").

Chữ Mạch 貉, thuộc bộ trãi 豸,còn đọc là Hạc, thường dùng chỉ một nhóm tộc Di hay Địch phía đông bắc Trung Quốc, nhưng đó cũng chính là chữ "Lạc" của riêng người Việt (Kinh), dùng rất thống nhất trong sử sách cũng như trong thư tịch dân gian của Việt Nam, cụ thể là trong tên Lạc Long Quân 貉龍君, xin tham khảo bài của tác giả Đinh Tuấn (http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c332/n20129/Ve-chu-Lac-trong-Lac-Long-Quan.html).

Trong sách Thông Điển 通典, Đỗ Hựu (杜佑735-812) viết chữ Lạc Việt là 貉越(Lạc bộ trãi) chứ không viết 駱越(Lạc bộ mã) như trong sách Hậu Hán Thư 後漢書của Phạm Diệp (范曄398-445) trước đó gần 4 thế kỷ. Nhân tiện xin lưu ý rằng cả hai sách đều nói về việc có người Lạc Việt ở huyện Trung Lư nay là huyện Nam Chương, thủ phủ xưa chính là thành Tương Dương, địa danh nổi tiếng của Trung Quốc qua truyện Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, như vậy người Lạc Việt không chỉ sinh sống bó hẹp trong phạm vi đất Giao Chỉ tức đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam hay vùng Lưỡng Quảng Trung Quốc, mà thậm chí còn tiến xa về phía bắc Hồ Động Đình hơn cả trong truyền thuyết Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân nữa (!).

Người viết có ý kiến hơi khác tác giả Đinh Tuấn trong bài trên, không cho rằng Đỗ Hựu đã lầm lẫn tự dạng giữa hai chữ Lạc 貉và 駱, mà cho rằng do Đỗ Hựu từng làm Tiết Độ sứ vùng Lĩnh Nam trước khi làm Tể tướng nhà Đường nên đã có điều kiện tiếp xúc các sách vở ghi chép của người Lạc Việt nên biết rõ là người Lạc Việt dùng chữ 貉(âm trong từ thư là hạc) chứ không phải các chữ lạc 駱hay 雒nên Đỗ Hựu đã sử dụng chữ 貉bất chấp việc sai khác âm đọc chính thức và sai khác mặt chữ với nhiều sách ra đời trước đó... Thực tế âm Thượng cổ Hán Ngữ của chữ hạc 貉là glaag không khác mấy so với chữ lạc 駱là graag (theo Trịnh Trương Thượng Phương và Phan Ngộ Vân).

Người viết không ngạc nhiên vì sự giống nhau của chữ tên 貉này giữa nhóm Đông Di với người Việt vì đã từng viết bài bàn về chữ "lang 郎" theo sách Thuyết Văn vốn gốc là từ "ấp" của nước Lỗ (/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/nghia-goc-cua-chu-han-lang-von-la-lang), và nhận định có khả năng lang tức làng của người Việt, mà nước Lỗ vốn là đất Đông Di, nhóm Đông Di do áp lực xâm lấn của nhóm Hoa Hạ vùng Hoàng Hà ngoài hướng di tản lên phía Đông Bắc (Triều Tiên) còn có hướng chạy về phía Nam nữa.

Có thể do nguồn gốc Man Di đó nên Hán ngữ hiện đã bỏ mất nghĩa làng/ấp của chữ lang 郎, và cũng không còn biết chữ Tiên 鮮vốn là tên một loài cá nữa (là cá gì ??)... thậm chí có lẽ đã bỏ từ trước khi Hứa Thận viết sách Thuyết văn (100-121CN) nên Hứa Thận mới phải ghi lại, chứ nếu khi đó vẫn dùng phổ thông thì Hứa Thận cần chi phải "thuyết" với "giải" nữa ?

 Bây giờ bàn tiếp về các chữ lười/lãn 懶, tỏi/toán 蒜trong nhóm từ ''kinh điển" cổ Hán Việt đề cập ở trên.

Khác với trường hợp chữ tươi/tiên 鮮mà từ thư Trung Quốc đã vô tình tiết lộ gốc gác "man di" phi Hán của nó, với trường hợp các chữ lười/lãn 懶, tỏi/toán 蒜có lẽ phải vận dụng một chút toán thống kê.

Kết quả tra cứu thống kê của người viết:

Sách thời Tiên Tần không có chữ lãn (/) hay toán () nào cả!

Đến thời Hán mới có sách Thuyết Văn giải tự ghi chép về hai chữ này, riêng chữ lãn bộ tâm 懶thì vẫn chưa có, trong Thuyết văn chỉ có chữ lãn bộ nữ 嬾. Những người viết Khang Hy Tự Điển có một "thói quen" rất hay là rất chịu khó dẫn các sách cổ thư xưa nhất có dùng chữ đang chú, nhưng riêng hai chữ này thì họ chỉ dẫn được đến sách Thuyết Văn là xưa nhất.

Việc các chữ này có trong bảng phục nguyên âm Hán thượng cổ của các tác giả như Baxter-Sagart, Vương Lực .v.v… có lẽ cũng chỉ là do nội suy từ thanh mẫu và vận mẫu trung cổ của chúng mà thôi chứ không có cứ liệu văn bản xưa hơn. Như trường hợp chữ lãn là lười 懶họ thống nhất phục nguyên âm cuối thượng cổ là -n mà không xem xét phần biểu âm của chữ đó là chữ lại 賴(âm cuối trung cổ  -j , thượng cổ là -d hay -t), sao lại có sai lệch âm cuối đó nhỉ, vì phục nguyên như thế tức là suốt từ thời thượng cổ đến nay âm cuối của nó giữ nguyên là -n , làm gì có -j, vậy đáng lý thời Thuyết Văn tức thời xuất hiện chữ lãn 嬾thì dùng bộ phận biểu âm là chữ lan 闌mới chuẩn chứ ?  

Dưới đây là dữ liệu phục nguyên âm Hán Thượng cổ của chữ lãn: 懶, trung cổ thanh mẫu lai 來, trung cổ vận mẫu hàn 寒, thượng thanh, khai khẩu, nhiếp sơn 山, nhất đẳng.

Karlgren: lɑn
Lí Phương Quế: lanx
Vương Lực: lan
Baxter: c-ranʔ
Trịnh Trương Thượng Phương: raanʔ
Phan Ngộ Vân: raanʔ

Tìm hiểu thêm trước đời Tần thì người Hán dùng chữ gì thay các chữ này ? Với trường hợp chữ lãn thì Thuyết Văn chú bằng hai chữ giải và đãi (懈也,怠也- giải dã, đãi dã), chữ giải 懈có trong sách Tuân Tử, Hiếu Kinh ... chữ đãi 怠có trong sách Mạnh Tử, Lễ Ký ... còn chữ toán 蒜(tỏi) thì sách Thuyết Văn chú  bằng chữ huân 葷là chữ chỉ chung các loại rau có vị cay hăng như hành, tỏi, chữ huân có trong nhiều sách thời Tiên Tần như Lễ Ký, Trang Tử, Tuân Tử, Quản Tử .v.v. Từ các thống kê này phải nghĩ đến khả năng chữ lãn và toán chỉ mới phổ biến trong Hán ngữ sau khi Hán tộc đặt quyền cai trị tới vùng Nam trường giang của các nhóm Nam Á (Bách Việt).

Ví dụ khác là chữ đả 打(đánh) cực kỳ phổ thông trong Hán ngữ hiện nay thế mà lại không hề có trong Kinh Thi hay các sách Tiên Tần, xin tham khảo bài viết:
http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/kha-nang-chu-da-han-co-nguon-goc-nam-a

Vào google thống kê thì thấy chữ đả 打ngày nay phổ thông hơn chữ kích 擊là chữ chính gốc Hán Tạng có trong sách Kinh Thi.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. 汉文典、  高本汉、  上海辭書出本社。1997。
  2. 中上古汉语音的纲要、高本汉、齐鲁书社、济南。1987
  3. . 漢語字典.Vương Lực “Cổ Hán ngữ tự điển”.
  4. A Handbook of Old Chinese Phonology, William H. Baxter, Mouton de Gruyter Berlin - New York 1992.
  5. Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Nguyễn Tài Cẩn, NXB Giáo Dục, Hà Nội. 1995
  6. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nguyễn Tài Cẩn. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội. 2000

---

Huế 30/12/2019
Phan Anh Dũng

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114553746

Hôm nay

2106

Hôm qua

2242

Tuần này

21442

Tháng này

221289

Tháng qua

122920

Tất cả

114553746