Điện ảnh

Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"

Rừng sim là một không gian mang lại cho người xem phim "Mắt biếc" những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Đó là không gian tuyệt đẹp chứng kiến giai đoạn trưởng thành của Hà Lan và Ngạn, cũng là không gian lưu lại những cảm xúc hồn nhiên nhất của hai con người đã buộc phải trưởng thành, rời xa những rung động tuổi thơ. Sau này rừng sim cũng là nơi đơm nở mối tình của cô bé Trà Long thơ ngây, trong sáng với chú Ngạn chững chạc, ấm áp. Nơi rừng sim ấy, “nằm ven làng Đo Đo, cách giếng Cây Đuối non bốn cây số”, là không gian kí hiệu chứa đầy những mã cảm xúc mà cả tác giả Nguyễn Nhật Ánh thể thiện trong bản truyện dài và đạo diễn Vitor Vũ thể hiện trên bản điện ảnh.

1. Không gian rừng sim trong truyện dài “Mắt biếc”

Trong tác phẩm truyện dài, rừng sim tồn tại như một kí ức đẹp của nhân vật "tôi" về những ngày thơ ấu cùng cô bạn gái duy nhất - Hà Lan. Mỗi ngày tan học, Ngạn thường cùng Hà Lan đến nơi rừng sim để tìm trứng chim, hoa dủ dẻ bỏ vào áo để lưu lại mãi mùi hương. Đối với Ngạn, rừng sim này chỉ vui khi có sự hiện diện của của Hà Lan. Khi Hà Lan đã có xe đạp, không đi cùng Ngạn nữa thì lòng của cậu bé lớp 9 đã biết cảm thấy hụt hẫng mỗi lần đi qua rừng sim "Còn tôi, dọc đường, vẫn cùng với ba ghé vào rừng sim như một thói quen, nhưng đã không còn hào hứng"[1]. Khi cậu vào cấp ba, không gian thành phố chiếm phần chủ đạo, rừng sim không còn xuất hiện nhiều nữa. Đến cuối cùng, sau nhiều biến cố, rừng sim sống dậy trong tim Ngạn là khu rừng gắn với Trà Long, nơi anh đã cùng cô lớn lên. Ngạn hốt hoảng nhận ra những cảm xúc dâng tràn trong anh chỉ là ánh lửa chưa tắt hẳn từ mối tình anh dành cho Hà Lan. Mỗi khi đi cạnh Trà Long, nhiều lần Ngạn đã quên đi chính mình, cứ ngỡ đang ở trong những tháng năm xưa cũ: "Hà Lan, có phải em đã về?" Lí do đau đớn nhất, buộc Ngạn phải rời khỏi làng Đo Đo cũng chính là hình bóng của Hà Lan trong đôi mắt biếc của Trà Long.  Đã có những lúc rừng sim ấy sống dậy trong lòng Ngạn, khiến anh tưởng rằng đó là tình yêu, một sự khởi đầu mới trong quãng đời trì đọng của mình. Cuối cùng anh mới nhận ra, đó không phải là tình cảm mới, mà chỉ là dòng cảm xúc cũ chưa hề nguội lạnh mà thôi. Như vậy trong truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh rừng sim là nơi khởi đầu, cũng chính là điểm kết thúc tình cảm cố chấp mà Ngạn dành cho Hà Lan, là vết sẹo của số phận anh tình nguyện gánh vác.

2. Rừng sim trong phim điện ảnh “Mắt biếc”

2.1 Kí hiệu rừng sim đối với nhân vật Hà Lan - nơi lưu giữ những gì đã đánh mất

Tác phẩm điện ảnh đã chuyển đổi hệ thống kí hiệu ngôn ngữ thành hệ thống kí hiệu hình ảnh rất trọn vẹn, lồng ghép khéo léo giữa âm nhạc, hình ảnh và diễn xuất nội tâm nhân vật. Hình ảnh rừng sim xuất hiện trong cả bốn chặng đường đời của nhân vật Ngạn là thời thơ ấu, thuở niên thiếu, khi trưởng thành và khi đã bước qua tuổi trung niên. Còn đối với Hà Lan, không gian ấy đã mãi mãi dừng lại ở lứa tuổi 15. Đó là nơi Hà Lan đã cảm nhận được rung động đầu đời của mình. Bức tranh vẽ rừng sim của cô chính là kí hiệu rõ ràng cho điều ấy. Trong tác phẩm nguồn không có chi tiết bức tranh, đây là sáng tạo đặc biệt của bộ phim, đồng thời đã nâng cao vai trò của kí hiệu không gian rừng sim trong hệ thống kí hiệu hình ảnh.

Đối với Hà Lan rừng sim đầu tiên cũng mang ý nghĩa biểu tượng giống với cách lí giải của nhân vật Ngạn, đều là miền không gian của tuổi thơ. Đến tuổi mười lăm, Hà Lan đẹp tuyệt vời như tính chất rừng sim, đầy mơ mộng với tông màu chủ đạo là vàng nhạt. Đây là là tông màu chủ đạo của rừng sim: màu vàng của ánh nắng chiếu sáng qua kẽ lá, của của con đường đất trải dài qua những khóm dủ dẻ. Không gian rừng sim với tông màu chủ đạo vàng nhạt ấy vừa gợi nên sự hạnh phúc, niềm vui nhưng cũng mang điều gì đó bất an, báo hiệu về bi kịch và đau khổ. Nổi bật trên khung cảnh ấy là màu áo trắng tinh khôi của Hà Lan và ánh nắng lấp lánh trên mái tóc của cô. Nhưng rõ ràng khung cảnh ấy là được nhìn qua đôi mắt của Ngạn, đôi mắt của sự đắm say, niềm yêu mến và nâng niu rất mực. Góc máy quay Hà Lan trong rừng sim được nhìn bằng hướng quan sát của Ngạn. Hình ảnh mới trở nên thật nên thơ, thật chăm chú với sự nhấn mạnh vào chi tiết đôi mắt và gương mặt.

Trong truyện dài, Hà Lan chỉ xem rừng sim là nơi cô từng hái hoa dủ dẻ, hái sim và lấy trứng chim, nơi gắn liền với những trò chơi ngây thơ thuở ban đầu. Nhưng với Hà Lan trong bản điện ảnh, nơi đây có ý nghĩa hơn nhiều. Rừng sim, hay làng Đo Đo đối lập với phố thị phồn hoa. Những tình cảm vụng dại, những luyến tiếc ngày thơ đã khiến Hà Lan gửi mãi tâm tình trong bức tranh về rừng sim với con đường quanh co chia cắt đôi bờ cỏ. Bức tranh ấy mang màu sắc thật trầm, dường như đối lập hoàn toàn với rừng sim rực rỡ ánh nắng trong đôi mắt của Ngạn. Những bông hoa dủ dẻ màu tím hòa với nền cỏ xanh thẫm và con đường cũng là màu nâu làm toát lên một nét buồn khó tả. Hàng cây cao với thân song song nhau là bối cảnh xa của bức tranh, đó là một chi tiết sử dụng biện pháp tạo nghĩa bằng hình học. Những đường thẳng sọc dọc song song gợi liên tưởng về căn phòng giam với song sắt thẳng đứng. Bức tranh ấy được Ngạn luôn mang theo bên mình. Lên thành phố, hay ở quê nhà, anh đều treo nó nơi làm việc, nơi dễ nhìn và gần gũi với Ngạn nhất. Bức tranh ấy là sự đồng nhất kí hiệu của Ngạn giữa Hà Lan và rừng sim. Hà Lan trong lòng Ngạn mãi mãi dừng lại ở lứa tuổi mười lăm ấy. Cho nên khi Ngạn bày tỏ anh muốn cùng cô xây dựng một gia đình, Ngạn đã ước rằng: “Ước gì chúng mình chưa từng rời Đo Đo.” Nhưng Hà Lan chỉ đau đớn đáp lại: “Nhưng sự thật là chúng ta đã rời khỏi Đo Đo rồi.” Ngạn biết rất rõ “cái gì cũng có thể thay đổi được” nhưng Hà Lan thì hiểu rằng cô gái mà Ngạn muốn bên cạnh, muốn bảo vệ và yêu thương thực sự mãi mãi là Hà Lan ở tuổi mười lăm mà thôi.

Nhiều lần Hà Lan đã nói: "Thứ Hà Lan muốn, Ngạn không có tìm thấy ở đây đâu." hay "Rừng sim có gì vui đâu con". Và từ khi lên thành phố, Hà Lan đã hoàn toàn khước từ rừng sim, cô không hề đặt chân đến đó thêm một lần nào nữa. Đó là hệ thống kí hiệu nhằm nhấn mạnh nội dung của bộ phim là Hà Lan không phải là cô gái phù hợp với Ngạn, tình yêu ấy sẽ mãi mãi đến từ một phía bởi sự khước từ dứt khoát của Hà Lan. Điều ấy càng xoáy sâu vào nỗi đau đơn phương của nhân vật Ngạn khi dường như người ngoài cuộc (khán giản) đã hiểu rõ câu trả lời nhưng không thể nào ngăn cản Ngạn thôi đơn phương Hà Lan. Vì thế, cảnh quay cuối cùng được xem là một sáng tạo, khi cho Hà Lan đuổi theo chuyến tàu của Ngạn nhưng không thể nào bắt được cũng nằm trong hệ thống ý nghĩa không gian rừng sim. Làng quê và thành phố không thể hòa hợp với nhau trong lựa chọn của Hà Lan thì dù có bắt kịp chuyến tàu ấy thì lựa chọn cuối cùng của Hà Lan vẫn không chắc chắn là ngôi làng Đo Đo.


Nhiều khán giả sau khi xem phim đồng cảm với nhân vật Ngạn mà có phần chê trách nhân vật Hà Lan là người vô tình, lạnh nhạt. Nhưng có phải không khi bức tranh rừng sim ấy có thể chính là nỗi lòng mà cả cuộc đời Hà Lan dành cho Ngạn. Không chỉ có Ngạn mà cả Hà Lan cũng đã gửi gắm những điều đẹp đẽ nhất của mình nơi rừng sim ấy: những cảm xúc vụng dại, những tháng năm tuổi thơ. Hà Lan không đáp lại tình cảm của Ngạn cũng là lúc cô đã tự đặt cho mình ranh giới với rừng sim, cô không thể lại ở trong không gian ấy, khơi nên vết thương của một người đã tự xem nó là “vết sẹo của số phận”. Hà Lan thương Ngạn, đã tránh gây tổn thương cho anh, đã bảo vệ trái tim của anh theo cách mà cô có thể. Có thể nói, nhân vật Hà Lan trong tác phẩm cải biên của Victor Vũ có chiều sâu về nội tâm đáng kể hơn trong tác phẩm nguồn. Trong truyện, Hà Lan đi bước nữa, mời Ngạn đến đám cưới, nhưng anh không đi mà chỉ gửi quà. Kết thúc như vậy với Ngạn còn đớn đau hơn, khiến Hà Lan trở thành con người hời hợt hơn nữa. Kí hiệu rừng sim đã góp phần thể hiện nội tâm nhân vật Hà Lan là một cô gái có chính kiến tình cảm của riêng mình, biết yêu thương và chấp nhận yêu thương theo cách của riêng mình.

2.2 Kí hiệu rừng sim đối với nhân vật Ngạn - “vết sẹo của số phận”

Đối với Ngạn, nơi rừng sim ấy như một "thánh địa", là nơi anh cất giữ tình cảm đẹp nhất và hình ảnh đẹp nhất về người mà anh nguyện bảo vệ suốt đời. Nếu Đo Đo là tất cả với Ngạn, thì rừng sim ấy cũng là tất cả những gì đẹp đẽ nhất Ngạn dành cho Hà Lan. Ngạn mong ước Hà Lan sẽ để cho mình che chở, bảo vệ cô mãi trong thế giới của hoa dủ dẻ thơm ngát. Hà Lan là nhân vật được Ngạn đồng nhất với cánh rừng sim. Cánh rừng sim trong suy nghĩ của Ngạn chính là hóa thân của Hà Lan, của những gì đẹp đẽ nhất mà anh hằng muốn níu giữ nơi cô bạn thân. Nhân vật Ngạn khiến tôi nhớ đến nhân vật Hoàng tử bé trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Pháp Antoine Saint-Exupery. Cậu có một cây hoa hồng và hết sức chăm chút cho nó, đặt nó trong cái lồng kính vì muốn bảo toàn được vẻ đẹp nguyên vẹn của nó. Khi nhớ về hành tinh quê hương của mình, Hoàng tử bé thường nhớ về hoa hồng đầu tiên. Thế nhưng tình yêu đâu phải chỉ là sự bảo vệ mà còn phải là sự đồng hành trên chặng đường thời gian. Ngạn đã mất rất lâu để cố gắng quên đi hình bóng của Hà Lan trong quá khứ mà tiếp tục yêu mến con người của Hà Lan trong hiện tại. Khu rừng sim một lần nữa sống dậy cùng hình ảnh Hà Lan trong ngày mà cô sinh nở. Cảnh quay cắt liên tiếp giữa ba không gian, ba con người trong lúc sinh nở của Hà Lan là sự sắp đặt nghệ thuật rất độc đáo trong bản điện ảnh. Chi tiết ấy cho thấy sự diễn đạt vượt trội của chất liệu hình ảnh so với lời tường thuật ngắn gọn trong bản truyện dài: “Lá thư khá vắn tắt. Nó báo cho tôi biết nó vừa sinh con gái, đặt tên là Trà Long, thế thôi, ngoài ra chẳng nói thêm chuyện gì khác”. Ba nhân vật, ba không gian, ba hành động khác nhau càng gợi nên sự đau xót. Khi người phụ nữ vượt cạn, là thời khắc sinh tử của cả đời người, Hà Lan không có một ai ở bên. Trong khi đó, Dũng đang hạnh phúc trong đám cưới với sự sum vầy của họ hàng. Ngạn đi cùng với Hồng, nhưng tâm trí của anh cứ trôi nổi mãi trong ánh nắng rừng sim. Cuối cùng, tiếng khóc của đứa trẻ vang lên cũng là lúc nước mắt của Ngạn chảy xuống, giọt nước mắt chưa đựng nỗi đau đớn, xót xa cho cô bạn nhỏ, cho một điều thiêng liêng mình hằng bảo vệ đã mất đi.

Từ đây kí ức lần nữa sẽ chôn vùi, sẽ nằm lại nơi làng Đo Đo mặc cho sự nuối tiếc và níu kéo của Ngạn. Trà Long đã đánh thức trong Ngạn tình yêu thuở ban đầu, cô cố gắng thay thế hình ảnh người mẹ và xoa dịu vết thương của Ngạn bằng tình yêu nồng đượm, tươi mới của mình. Người đọc và người xem tưởng rằng Ngạn sẽ một lần nữa được hồi sinh, được sống trong hạnh phúc mà anh xứng đáng được nhận. Ngạn thực sự đã yêu Trà Long với cảm nhận “như có một mùa xuân trong một mùa hè". Thế nhưng điều đó cũng chẳng thể giúp Ngạn thoát ra khỏi vùng không gian của kí ức. Ngạn đau đớn nhận ra hình bóng khiến trái tim mình ấm áp mãi là của Hà Lan. Chỉ có Hà Lan gắn với rừng sim này, là Hà Lan trong rừng sim kí ức mới có thể mang lại được hạnh phúc cho anh mà thôi. Ngạn không chỉ "mắc kẹt" trong làng Đo Đo mà còn mãi bị giam cầm trong bức tranh rừng sim có Hà Lan. Ngạn sống bằng kí ức và những mơ ước xa xôi ngày Hà Lan trở về, sẽ được giống như trước kia, trong sáng và thuần khiết.

Ngạn ra đi, để bức tranh vẽ rừng sim và tất cả những kỉ niệm với Đo Đo ở lại. Đó cũng là một sự chấp nhận, một cách giải quyết cuối cùng để Ngạn có thể quên, có thể bắt đầu lại. Chuyến tàu đã lăn bánh, người thương không thể gặp lại nhau, một chuyện tình đã khép lại nhưng nhân vật nào cũng dang dở, cũng đang trong hành trình đi tìm hạnh phúc. Bộ phim cải biên đã có cách diễn đạt bằng kí hiệu hình ảnh của riêng mình. Rừng sim hiện lên trong phim qua ánh nắng bình minh ấm áp và trong trẻo tựa như mối tình đầu của nhân vật Ngạn dành cho Hà Lan.

2.3 Kí hiệu rừng sim đối với nhân vật Trà Long - khát khao về tình yêu trong sáng

Trà Long, con gái của Hà Lan, được miêu tả trong tác phẩm truyện dài là giống mẹ hồi nhỏ như hai giọt nước. Dù ngoại hình giống nhau, nhưng tâm tình của họ lại rất khác biệt. Điều ấy được thể hiện trong cách ứng xử của hai nhân vật với kí hiệu rừng sim.

Từ nhỏ, Trà Long đã được chú Ngạn dẫn vào rừng sim chơi. Đến khi lên thành phố thăm mẹ, món quà cô bé mang lên cũng là một cành trâm (một loại quả mọc rất nhiều trong rừng sim), mà ngày xưa chú Ngạn cũng từng hái cho Hà Lan. Trà Long ngay từ nhỏ đã rất hiểu chuyện, hiểu về tình cảm sâu đậm mà người cô bé gọi bằng chú dành cho mẹ của mình. Trà Long làm nhiều cách để mẹ hiểu và chấp nhận tình cảm ấy. Những ngày mẹ về quê, cô bé không ngừng đòi mẹ dẫn đến rừng sim chơi và thẳng thắn bày tỏ mong ước: “Con muốn đi ở giữa, mẹ một bên, chú Ngạn một bên”. Có thể vì lớn lên cùng Ngạn, nên cô bé yêu làng Đo Đo tha thiết và rừng sim cũng là một phần trong tình yêu ấy.

Trà Long yêu rừng sim như yêu chú Ngạn, dù rằng cô bé hiểu trong lòng chú chỉ có mỗi tình cảm dành cho mẹ của mình. Mỗi khi vào rừng sim, Ngạn đều nhắc với cô về kỉ niệm ngày bé cùng Hà Lan và khen cô xinh xắn giống hệt mẹ hồi trước. Trà Long muốn thay thế hình ảnh Hà Lan đã quá hằn sâu trong tâm trí Ngạn. Trà Long không giống Hà Lan, cô nhìn rừng sim với ánh nắng trong vắt, nhìn ánh mặt trời soi tỏ qua từng kẽ lá. Tình yêu ấy được thể hiện trong hành động của Trà Long. Một là bước chân sát theo sau Ngạn khi vào rừng và câu nói “Con không sợ nắng”. Có thể nói, Trà Long là người đã nhìn rừng sim như Ngạn đã từng nhìn, là nơi của tình yêu, của những rung động tình yêu tha thiết. Trà Long đã định trao nụ hôn đầu ở nơi ấy nhưng đã không thành. Tình cảm thời niên thiếu, mơ ước vụng dại sẽ mãi nằm lại nơi cánh rừng sim. Không gian rộng lớn nhưng trái tim con người thật nhỏ bé biết bao, cô đau đớn nhưng sẽ nhanh chóng chấp nhận trái tim người con trai mình yêu chỉ đủ sức chứa hình ảnh của Hà Lan, cũng là người mẹ của mình mà thôi.

Trong truyện dài, nhân vật Ngạn đã thừa nhận đã có lúc anh rung động trước Trà Long, đã xem cô bé là một bản thể riêng biệt, tách biệt với Hà Lan. Ngạn từng nghĩ: “Đôi khi tôi có cảm tưởng Trà Long sinh ra là để thực hiện những điều tôi hoài công chờ đợi ở Hà Lan”[2]. Những ngày hè được ở bên cô bé, Ngạn thấy tâm hồn mình đơm nở một sức sống mới lạ: “Tôi đi bên, lòng vui không tiếng, tưởng như thế giới vừa được sửa sang. Tâm hồn tôi ai vừa trang hoàng lại, để bên cạnh nỗi đau vơi kịp có nỗi vui đầy, để tiếng chuông mùa phục sinh reo leng keng trong ngực, suốt ba tháng phượng hồng không một bóng mây giăng”. Và nụ hôn đã cất lên thay tiếng lòng của những tâm hồn đang yêu thổn thức, nụ hôn trong rừng sim là của Ngạn và Trà Long. Cũng là lúc, anh chua chát nhận ra: “Hà Lan ơi, bao nhiêu năm qua anh đã đợi ngày này!” Bao nhiêu cố gắng của Trà Long cũng không thể khỏa lấp tình cảm đã sâu nặng mà Ngạn dành cho Hà Lan. Dù cô có đối xử với anh thật lạnh lùng, cô đi bước nữa với người khác rồi gửi thiệp mời anh đến dự, cô nhiều lần bóng gió về chuyện anh hãy lập gia đình cùng Trà Long. Vậy mà Ngạn vẫn yêu, vẫn thương người con gái với đôi mắt biếc, người con gái mãi đã ở lại trong kí ức tuổi mười lăm.

Nhân vật Trà Long khi trưởng thành trong bản điện ảnh được xây dựng với nhiều chi tiết sáng tạo hơn. Trà Long nấu cơm cùng Ngạn, chăm chú nghe Ngạn đánh đàn, nói đùa với mẹ “Con mới xứng với chú Ngạn thôi”. Hình ảnh Trà Long được thể hiện như một cô gái truyền thống nông thôn. Lúc từ trường về, Trà Long mặc áo dài trắng, tinh khôi và thanh khiết, mặc dù cô đã tốt nghiệp đại học. Chọn một chiếc áo dài nữ sinh cũng là ngụ ý thời gian trở lại, nơi phố thị phồn hoa không làm Trà Long thay đổi chút nào, cô vẫn là người con gái thuần khiết, trong sáng, không kém phần nữ tính, trưởng thành. Không gian Trà Long xuất hiện là chợ, nhà bếp, nhà Ngạn, biểu hiện một cô gái truyền thống, biết vun vén và khao khát hạnh phúc gia đình. Đó là những dấu hiệu báo trước cho cảm xúc cao trào của Trà Long nơi rừng sim. Trà Long là kiểu phụ nữ truyền thống nhưng không rụt rè, cô dám yêu và theo đuổi tình yêu của mình.

Trong bản điện ảnh, khi cảm xúc đến lúc cao trào nhất, khi nụ hôn sắp được trao đi, Ngạn giật mình nhận ra những hình ảnh trước mắt chỉ là niềm khao khát mãnh liệt mà bao lâu anh giấu kín trong lòng. Và lí do anh từ chối Trà Long, cũng vì trái tim đã mãi có một người - Hà Lan. Truyện dài kết thúc bằng bức thư của Ngạn, còn trong phim được kéo dài thêm 4 trường đoạn. Trường đoạn đầu tiên, Trà Long nắm bức thư trong tay và khóc nức nở. Trường đoạn thứ 2, Trà Long nói chuyện với mẹ về tình cảm của chú Ngạn và khuyên mẹ hãy là người trao cho chú hạnh phúc. Trường đoạn thứ 3, hình ảnh Ngạn cô đơn trên ga tàu. Trường đoạn thứ 4, Hà Lan đuổi theo đoàn tàu với góc máy kết phim là một cảnh lia máy trên cao. Trà Long yêu Ngạn nhưng cô bé không cố chấp tìm kiếm sự hồi đáp từ người kia. Điều cô muốn chỉ là chú Ngạn được sống hạnh phúc. Cô đau đớn khi nhận ra mình không thể chữa lành “vết sẹo của số phận” trong chú, nên điều cô có thể làm là thuyết phục người mẹ của mình hãy làm điều đó. Tình yêu của Trà Long thật vô tư và thuần khiết, tình yêu không mong cầu sự chiếm hữu mà đầy ắp sự bao dung và vị tha. Cô bé muốn những người mình thương yêu được hạnh phúc, dù bản thân mình sẽ phải chịu vấp ngã và đau khổ. Chính Trà Long đã khuyên mẹ hãy đuổi theo chú Ngạn, đừng từ bỏ người yêu thương mình thật lòng. Để rồi trên cảnh quay đường tàu, bóng dáng đuổi theo chỉ có mình Hà Lan vì Trà Long đã hoàn toàn từ bỏ, đã chôn sâu tình cảm ấy trong lòng như hành động quyết liệt rời đi của Ngạn. Trà Long là nhân vật có tâm hồn phong phú và đóng vai trò thúc đẩy phát triển tâm lí nhân vật Ngạn.

Kết:

Sự dịch chuyển kí hiệu rừng sim từ truyện dài đến điện ảnh là cuộc hành trình của vô vàn ý nghĩa được sinh ra trong nhận thức của độc giả và khán giả. Mỗi cá nhân khi tiếp xúc với tác phẩm sẽ có những đánh giá của riêng mình về sự lựa chọn của nhân vật. Đối với nhà làm phim, việc liên kết và sử dụng các hệ thống kí hiệu đã phần nào thể hiện sự giải thích của họ trong cách thể hiện nhân vật. Ba nhân vật, ba số phận nhưng dường như mang chung một nỗi đau tình yêu dang dở. Kết cục ấy cũng là sự lựa chọn khi họ đã quá yêu thương đối phương và thậm chí sợ hãi tình yêu thương ấy khiến người kia phải khó xử. Rừng sim là nơi bắt đầu, cũng là nơi khép lại một đoạn chân tình mà nhân vật Ngạn mãi theo đuổi. Chuyến tàu đã lăn bánh, nhưng rừng sim sẽ mãi ở đó để gợi nhắc về bài tình ca: “Và hồn tôi, từ đó, là khúc ca vang trong ngần…”

Đặng Lan Anh - K42, Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm TPHCM

 

  • Tài liệu tham khảo
  • Nguyễn Nhật Ánh, Mắt biếc, NXB. Trẻ, 2013

Nguồn hình ảnh từ Offical Trailer Mắt biếc, truy cập ngày 9/2/2020. https://www.youtube.com/watch?v=ITlQ0oU7tDA

 


[1]Nguyễn Nhật Ánh, Mắt biếc, NXB, Trẻ, chương 27, trang 53

[2]Nguyễn Nhật Ánh, Mắt biếc, NXB.Trẻ, chương 72, trang 137

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441773

Hôm nay

2173

Hôm qua

2317

Tuần này

21677

Tháng này

216947

Tháng qua

112676

Tất cả

114441773