Xứ Nghệ ngày nay
NSƯT Quang Hạnh: Cả cuộc đời dành cho nghệ thuật Tuồng
NSƯT Quang Hạnh với một trong những điệu cười của nghệ thuật Tuồng
Nghệ sĩ Ưu tú Quang Hạnh tên thật là Phan Quang Hạnh, sinh năm 1942, tại xã Đức Thành, huyện Yên Thành. Lên 5 tuổi đã mồ côi cha, gia đình khó khăn, Quang Hạnh phải đi ở thuê cho các gia đình trong vùng. Cuộc sống vất vả là thế nhưng Quang Hạnh vẫn rất lạc quan, yêu đời, yêu ca hát. Một khi có tin đoàn nghệ thuật nào về biểu diễn ở huyện, dù ở xa, Quang Hạnh vẫn đi bộ có khi hơn chục cây số đến xem và chủ yếu là xem chui vì không có tiền mua vé. Có lần xem xong, ông lên sân khấu xin được cầm xem và mân mê đôi hia đầy thích thú khiến các diễn viên bật cười. Sau ngày miền Bắc giành được độc lập, phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ phát triển mạnh ở Nghệ An, vùng quê Đức Thành khi đó cũng thành lập một đội hát Tuồng. Mỗi lần có tập luyện hay biểu diễn, dù ở nơi đâu, Quang Hạnh cũng lân la đến xem. Cứ như vậy những làn điệu Tuồng đã ngấm vào lòng người nghệ sĩ ấy lúc nào không hay và trở thành niềm say mê cả cuộc đời.
Năm 1959, Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam về Nghệ An tuyển sinh, Quang Hạnh trúng sơ tuyển ở huyện Yên Thành nhưng khi tuyển ở Vinh lại trượt. Nhưng cuộc gặp gỡ định mệnh giữa ông và NSND Nguyễn Nho Túy đã cho ông thêm một cơ hội. Tờ giấy báo trúng tuyển của kì thi năm ấy chính là cái mốc đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời nghệ sĩ Quang Hạnh. Từ đó, ông chính thức bước chân vào con đường nghệ thuật.
Dù đã cao tuổi, Nghệ sĩ Quang Hạnh vẫn miệt mài viết kịch bản Tuồng cho các CLB Tuồng ở huyện Yên Thành, Nghệ An
Sau 4 năm chăm chỉ học hỏi và rèn luyện ở Trường Nghệ thuật Sân khấu (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam, năm 1963, ông tốt nghiệp đạt loại ưu ở bộ môn diễn viên Tuồng và được Đoàn tuồng Liên Khu V (LKV) tiếp nhận về làm việc. Đặc biệt, nghệ sĩ Quang Hạnh biết rõ điểm yếu của mình là hát không ngọt lắm nên ngay từ lúc ở trường, ông đã học những vai tướng, vai lãnh đạo, vai nịnh. Trong nhiều năm ở Đoàn Tuồng LKV, được sống và diễn chung với những nghệ sĩ tài năng như Đinh Quả, Vĩnh Phô, Võ Sĩ Thừa, Tư Liên… nên Quang Hạnh càng có cơ hội học tập nhiều vốn nghề truyền thống và đã thành công nhiều vai nịnh trong các vở Tuồng cổ. Đặc biệt, ông còn theo đuổi học tập được nghệ thuật tiếng cười trong Tuồng mà NSND Nguyễn Lai đã dày công đúc kết và hệ thống được 36 điệu cười. Nghệ sĩ Quang Hạnh cho biết “… để tạo được tiếng cười và khán giả cười được là cả một kỳ công rèn luyện của người nghệ sĩ. Trong sân khấu nghệ thuật Tuồng, thông qua từng vai diễn, qua tiếng cười của nghệ sĩ, khán giả nhận biết ngay tính cách nhân vật. Kẻ tiểu nhân cười hi… hí mà chẳng ra hơi, người quân tử thì cười ha… hả mà lời không dứt. Nghệ thuật Tuồng không chia cười thành loại, thành kiểu. Tiếng cười Tuồng phụ thuộc vào hai yếu tố là tính cách nhân vật và tình huống kịch”. Có thể nói, trên sân khấu Tuồng, chỉ có NSND Đàm Liên và NSƯT Quang Hạnh là xuất sắc với các giọng cười. Nghệ sĩ Quang Hạnh còn có khả năng thích ứng và vận dụng vốn truyền thống trong những vai Tuồng hiện đại. Điều đó bộc lộ rất rõ trong vai Nguyễn Hiển Dĩnh đoạn “trả ấn từ quan” mà ông đã trình diễn tại Hội thảo Khoa học về danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh tháng 9/1995.
Gần 30 năm, vừa học vừa diễn, vừa nghiên cứu và sáng tạo không ngừng, bằng lao động hết mình, NSƯT Quang Hạnh đã khắc phục được những hạn chế của mình để thực hiện được những vai Tuồng sinh động và sắc sảo trên sàn diễn như vai: Cát Thượng Nguyên (vở Đào Phi Phụng), Tạ Thiên Lăng (vở Sơn hậu), Đổng Trác (vở Phụng Nghi Đình), Triệu Văn Hoán (vở Tam nữ đồ vương), Trần Lộng (vở Trần Bình Trọng), Tạ Ngọc Lân (vở Ngọn lửa Hồng Sơn), Cao Hoài Đức (vở Đào Tam Xuân loạn trào)… Từ Đoàn Tuồng LKV (sau này là Nhà hát Tuồng Đào Tấn), Quang Hạnh chuyển qua Nhà hát Tuồng Phú Khánh. Từ diễn viên lên làm Trưởng đoàn, rồi lại trở về làm diễn viên. Dù công tác ở đâu, giữ chức vụ nào, Quang Hạnh đều luôn trau dồi học hỏi kiến thức và kĩ năng về Tuồng từ các lớp đàn anh gạo cội để bổ sung cho mình. Ông vừa là một cán bộ mẫn cán, vừa là một diễn viên xuất sắc. Quang Hạnh làm say lòng khán giả bằng khả năng hát hay, múa mềm, điệu cười hóm hỉnh. Huy chương Vàngvới vai Tư Đệt trong vở “Những người con” tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và Huy chương Bạc với vai Nguyễn Thân trong vở “Thanh gươm hát bội” là một trong rất nhiều giải thưởng mà ông được khen tặng trong chặng đường hoạt động nghệ thuật. Năm 2002, với những cống hiến và thành tích đã đạt được, Quang Hạnh được Nhà nước phong tặng NSƯT. NSND Đinh Bằng Phi (Nhà hát bội TP Hồ Chí Minh) nhận xét: “Quang Hạnh là bậc thầy của bộ môn nghệ thuật Tuồng, anh đóng được nhiều vai, thể hiện nhiều tính cách nhân vật khác nhau. Hát bội là loại hình nghệ thuật tổng hợp, người nghệ sĩ phải hội tụ đủ các tiêu chuẩn như hát hay múa mềm, bội giỏi. Nghệ sĩ Quang Hạnh đạt được cả ba tiêu chuẩn trên. Nhưng, điều đáng ghi nhận nữa là anh rất có tâm với nghề”.
Nụ cười của nghệ sĩ Quang Hạnh trong một vai Tuồng
Năm 2003, nghệ sĩ Quang Hạnh nghỉ hưu trước tuổi. Cuộc đời lắm thăng trầm là chuyện thường của đời một nghệ sĩ. Cách chọn lựa đường đi mỗi người lại khác nhau. Có người đứt gánh giữa dòng, bỏ tổ giải nghề. Riêng Quang Hạnh thì không một lúc nào rời bỏ nghề vì nghệ thuật Tuồng dường như đã ngấm vào làn da, thớ thịt của ông. Bởi vậy sau khi nghỉ hưu, đam mê đó đã thôi thúc ông làm nhiều việc để đưa Tuồng đến với mọi người với mong muốn lưu giữ một loại hình nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ mai một. Với mong muốn đó, Quang Hạnh không an phận với cuộc sống an nhàn sau khi về hưu, ông tình nguyện đi nói chuyện kèm biểu diễn minh họa cho học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân dân ở nhiều địa phương. Ở đâu có lời mời lên lớp giảng dạy, dù gần hay xa, ông đều sẵn sàng mà không quan tâm thù lao bởi với ông còn được làm gì cho Tuồng là còn được sống. Ông còn xin giữ kho phục trang cho Trường Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh không phải vì mục đích kiếm sống mà vì nhớ nghề, và mong muốn giúp sinh viên hiểu rõ về phục trang, đặc biệt là phục trang Tuồng. Ông tâm sự “Công việc bề bộn nhưng tôi cố gắng sắp xếp để hát, để múa, vì không một lúc nào tôi muốn ngưng nghỉ diễn và truyền lại nghệ thuật Tuồng cho nhân dân. Tôi cứ diễn “chay” vì không có bạn diễn, không trống kèn phụ họa, nhưng chẳng sao”. Cứ như thế, ngày ngày người ta thấy ông sắp xếp đạo cụ (mũ, hia, râu, quạt, kiếm…) chất gọn lên chiếc xe máy đi đến các cơ quan, trường học để biểu diễn tuồng một mình. “Điều an ủi tôi rất nhiều là sau mỗi buổi diễn, bà con tìm đến bày tỏ sự đồng cảm, ủng hộ, cổ vũ” - ông trải lòng.
Hiện nay, khi đã sắp bước sang tuổi 80, cái tuổi mà người ta thường chọn sự an yên bên con cháu trong tổ ấm của mình thì nghệ sĩ Quang Hạnh lại chọn lối sống khác. Ông trở về quê hương Yên Thành, lặn lội đến các vùng quê, những nơi còn lưu giữ nghệ thuật Tuồng bằng những câu lạc bộ (CLB) để truyền dạy như CLB Tuồng các xã Bắc Thành, Hậu Thành, Xuân Thành, Tiến Thành, Thọ Thành… Ông chia sẻ cái khó khăn của các CLB Tuồng hiện nay là những người tham gia đều là những diễn viên không chuyên, dù đam mê nhưng chưa được đào tạo bài bản nên chỉ biết hát những làn điệu được truyền lại từ thế hệ trước mà không nắm rõ tính chất, ý nghĩa của nó. Vì thế nghệ sĩ Quang Hạnh đã dạy cho họ những vốn kiến thức và kĩ năng của Tuồng. Đặc biệt nhất là ông truyền lửa đam mê với nghệ thuật Tuồng. Chính ông cũng là người viết kịch bản Tuồng để phục vụ cho bà con vào những ngày lễ, hội của quê hương như hội chùa Gám, hội đền Đức Hoàng... Bà Nguyễn Thị Nguyệt, chủ nhiệm CLB tuồng xã Bắc Thành chia sẻ: “Nghệ sĩ Quang Hạnh là một người nhiệt tình hiếm có, đã nhiều lần về tập các vở Tuồng giúp CLB mà không hề lấy một đồng thù lao nào. Chúng tôi được ông dạy cách ngắt và nhả chữ, nhịp phách, các làn điệu, lối nói, và các động tác múa Tuồng sao cho đúng, đẹp. Ông còn viết các kịch bản Tuồng rồi hướng dẫn chúng tôi tập vở,…”. “Tuy tuổi đã cao nhưng giọng hát của ông vẫn còn hay, dễ nghe, cách truyền đạt dễ hiểu, và niềm đam mê, nhiệt huyết đã khiến cho tất cả chúng tôi luôn yêu quý ông. Nhờ ông, các thành viên CLB của chúng tôi đã được học hỏi thêm rất nhiều về nghệ thuật Tuồng ” - chị Lê Thị Huệ, Chủ nhiệm CLB Tuồng xã Hậu Thành cho biết.
Ở nghệ sĩ Quang Hạnh, tồn tại hai con người vừa trẻ vừa già. Già bởi ông đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng tâm hồn thì vẫn luôn tươi trẻ bởi niềm đam mê nghệ thuật Tuồng không bao giờ phai nhạt trong ông. Còn có những người như ông, chúng ta còn hy vọng nghệ thuật Tuồng tiếp tục sống, được yêu thích, được lưu truyền trong lòng công chúng. Đó cũng là mong mỏi của nghệ sĩ Quang Hạnh, người đã dành trọn một đời để say Tuồng, để mang đôi hài Tuồng đi khắp mọi miền gieo thêm mầm sống cho một môn nghệ thuật cổ truyền đang càng ngày càng mai một. Mong rằng tâm nguyện của ông sẽ được nhiều người mê Tuồng đón nhận, được chính quyền các cấp tạo điều kiện để tiếng cười Tuồng còn vang mãi trên sân khấu cuộc đời!
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh
Thể loại phim
Giải Nobel năm 2021
Trí thức Nghệ xưa và nay
Thống kê truy cập
114528467
2123
2291
2740
215163
0
114528467