Văn hóa và đời sống

Nhận diện các giá trị văn hóa mới trong xây dựng Nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay

Thanh niên  nông thôn ra quân nạo vét kênh mương

Cho đến thời điểm hiện nay, đầu năm 2020, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Việt Nam đã diễn ra được khoảng 10 năm.

Khởi đầu cho sự nghiệp này là ngày 5-8-2008, Hội nghị 7 Trung ương Đảng khóa X, ra Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (thường được gọi là “tam nông”). Sau đó, Bộ Chính trị giao Ban Bí thư chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và thông qua Ðề án về chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM. Đề án đã lựa chọn 11 xã điểm tại 11 tỉnh, thành phố, đại diện cho các vùng khác nhau của đất nước để tổ chức triển khai thực hiện.

Tiếp đó, ngày 4-6-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020; đồng thời, phát động phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới huy động các cấp, các ngành và nhân dân cả nước góp sức xây dựng NTM. Cùng với đó, khuôn khổ pháp luật từng bước được hoàn thiện với nhiều cơ chế, chính sách quan trọng tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện Chương trình.

Ngày 19-10-2019, tại tỉnh Nam Định, đã diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ trên đây.

Công bằng và thẳng thắn mà nói thì các giá trị văn hóa mới trong xây dựng NTM ở Việt Nam 10 năm qua chưa nhiều. Nói “chưa nhiều” là so với những giá trị của chính nó ở thời kỳ ngay trước khi xây dựng NTM. Nói “chưa nhiều” là so với việc thực hiện yêu cầu đặt ra một cáchcó tính chiến lược lâu dài, vừa có tính cương lĩnh hành động trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam thời kỳ đổi mới, tạo bước ngoặt về tư duy và nhận thức văn hóa mà Nghị quyết 03-NQ/TW ngày 16-7-1998 của Hội nghị 5 Trung ương Đảng khóa VIII Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã nêu. Nói “chưa nhiều” cũng là theo cấp so sánh với các mặt khác, đặc biệt là so với những giá trị đạt được về kinh tế trong hơn 10 năm (2008-2019); hoặc nói cách khác là giá trị văn hóa của 10 năm xây dựng NTM chưa tương xứng với giá trị kinh tế đạt được; nó còn mỏng so với kinh tế, dẫu biết rằng, so sánh thì bao giờ cũng khập khiễng.

 Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân từ tư duy của các tổ chức Đảng, Chính phủ, chính quyền ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở chưa đặt vấn đề xây dựng văn hóa mới ở nông thôn ngang tầm hoặc chưa coi nó là yếu tố bao trùm lên tất cả các mặt khác/tiêu chí khác, nhất là tiêu chí về phát triển kinh tế. Bàn về vấn đề giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, tôi biết là vẫn còn có nhiều ý kiến rất khác nhau. Lôgic lớn nhất mà nhiều người dễ nhất trí là: Hãy bắt đầu từ kinh tế; no cái bụng đã rồi mới tạo ra cái khác; hơn nữa, kinh tế, xét cho tới cùng, cũng là một thành tố của văn hóa, xét theo nghĩa rộng của văn hóa, v.v…

Bài viết này cũng phải đề cập quy ước thế nào là cái mới của giá trị của văn hóa trong xây dựng NTM. Từ khóa ở đây, nếu tìm một từ thôi, thì đó là mới. Có hai chữ mới: mới của văn hóa và mới trong nông thôn mới. Vậy, thế nào là mới? Có thể có mấy tầng nghĩa sau đây: (1) Mới, có nghĩa là khác hoàn toàn giá trị đã và đang có, khác nhưng theo xu hướng của cái tốt, cái thiện, cái đẹp vì bản chất của văn hóa chỉ được hiểu là đề cập cái thiện/cái đẹp/cái tốt (mọi cái đối lập với nó thì đều là “phản văn hóa”); (2) Mới, có nghĩa là vẫn là giá trị đã và đang có, nhưng có những biểu hiện hình thức mới trong khi bản chất không thay đổi; (3) Mới, có nghĩa là chủ thể của nó (con người, tổ chức chính trị với toàn bộ thể chế của nó) đã có sự đổi mới về tư duy và hành động.

Giá trị về ý thức làm chủ cuộc sống ở nông thôn

Kết quả sau khoảng 10 năm xây dựng NTM, ai cũng thấy rằng, bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi lớn. Đó chính là giá trị văn hóa mới. Điều này thể hiện ở chỗ quy hoạch nông thôn được chú ý hơn; cơ sở vật chất của nông thôn có được sự tăng cường vượt bậc: Các cơ sở điện, đường, trường, trạm… khang trang dễ trông thấy; vệ sinh đường làng ngõ xóm tốt hơn; nhà tranh vách đất được xóa bỏ; các công trình cộng đồng khác được xây dựng và tạo điều kiện tốt hơn cho sinh hoạt cộng đồng như các nhà văn hóa đến từng đội sản xuất, các sân thể dục thể thao, các địa điểm phục vụ cho các lễ hội, hiếu hỷ, v.v...

Nhiều nơi nông thôn đã sử dụng hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh tự hoại, không còn cảnh nhà xí hai ngăn nổi, nhiều gia đình đã sử dụng bếp ga, bếp điện thay cho bếp củi cũng như bếp đun rơm rạ như trước đây; nhiều làng xóm còn có cụm dân cư với hệ thống nhà cửa nhiều tầng san sát trông như phố thị, mỗi làng nông thôn đều có cổng chào khang trang. Nói chung là nhìn bao quát thì nhiều vùng NTM đã mang dáng vẻ không khác gì đô thị. Trong 10 năm, đã huy động được nguồn lực lớn, đến 2,4 triệu tỷ đồng, trung bình mỗi năm huy động tương đương 10 tỷ đô la Mỹ cho phát triển các thiết chế hạ tầng sản xuất, đời sống, văn hóa, xã hội. Chính vì thế, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thay đổi đáng kể, xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, nhiều nơi thay đổi đến ngỡ ngàng.

Giới thiệu các sản phẩm nông sản trong xây dựng NTM ở Nghệ An. Ảnh An Thư

Về sản xuất, các công trình thủy lợi tiếp tục được đầu tư theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới-tiêu chủ động cho các loại cây trồng, trước hết cho lúa, nuôi trồng thuỷ sản và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; đã có nhiều cố gắngcấp nước sinh hoạt cho dân cư và công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn; xây dựng được hồ chứa nước ở vùng thường xuyên bị khô hạn, phát triển thủy lợi nhỏ kết hợp thủy điện ở miền núi; củng cố, xây dựng hệ thống đê sông, đê biển, hệ thống ngăn lũ, thoát lũ; hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý thuỷ lợi có hiệu quả, nâng hiệu suất sử dụng các công trình thủylợi lên trên 80%.

Nhiều vùng nông thôn đã phát triển giao thông nông thôn bền vững gắn với mạng lưới giao thông quốc gia, bảo đảm thông suốt tới các xã và cơ bản có đường ô tô đến thôn, bản, kể cả nhiều vùng nông thôn miền núi. Ưu tiên phát triển giao thông ở các vùng khó khăn để có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn. Quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống đường đến các vùng trung du, miền núi và ven biển để phát triển công nghiệp và đô thị. Từng bước nâng cao chất lượng đường nông thôn; có cơ chế, chính sách duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Phát triển giao thông thủy, xây dựng các cảng sông, nạo vét luồng lạch và các phương tiện vận tải sông, biển an toàn.

Tất cả các xã NTMđã được điện khí hóa; cải tạo và phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện, bảo đảm đủ điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; nâng cao chất lượng điện phục vụ sinh hoạt của dân cư nông thôn. Hệ thống bưu chính viễn thông, kể cả hệ thống mạng Internet, đãnâng cao khả năng tiếp cận thông tin, kể cả vùngnúi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Khoa học và công nghệ, tuy chưa phải là những điểm nhấn của cách mạng công nghệ 4.0, nhưng đã được đầu tư đáng kể. Trong phạm vi quốc gia, đã có sự tập trung đầu tư cho các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, cơ sở chuyển giao khoa học - công nghệ nông nghiệp đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; phát triển nhanh các trung tâm, trạm giống, cơ sở khuyến nông ở các huyện, xã. Nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, các trung tâm y tế vùng, các cơ sở y tế chuyên sâu; hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường học; xây dựng các trung tâm, nhà văn hoá - thể thao tại thôn, xã.

Quy hoạch bố trí lại dân cư nông thôn đã gắn với việc quy hoạch xây dựng công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị ở các vùng; đã thực hiện chương trình xây dựng NTMvới các tiêu chí cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng vùng, chú ý các xã còn nhiều khó khăn ở miền núi, biên giới, bãi ngang, hải đảo. Phát triển mạng lưới thị trấn, thị tứ theo quy hoạch; tiếp tục thực hiện phương châm “Nhà nước và nông dân cùng làm”, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, xóanhà tạm ở nông thôn, thực hiện chương trình nhả ở cho đồng bào vùng bão, lũ; bố trí lại dân cư ra khỏi vùng bão, lũ, vùng sạt lở núi, ven sông, ven biển.Năng lựcphòng và chốngcũng nhưgiảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạnđược nâng lên; chủ động triển khai một bước các công trình giảm tác hại của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhất là vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long; các biện pháp bảo vệ môi trường nông thônđược tăng cường; đãngăn chặn và khắc phục một phần tình trạng ô nhiễm môi trường- một vấn đề nhức nhối đang hiện hữu ở cả Việt Nam và thế giới vàđang ngày càng bức xúc trong quá trình sống và phát triển của các cộng đồng dân cư.

Kết quả này phản ánh một điều rằng, khi người dân ở nông thôn đã giác ngộ, ý thức làm chủ cuộc sống cộng đồng của người dân được phát huy thì những khó khăn trong xây dựng NTM được khắc phục được một cách rõ rệt. Hầu hết mọi gia đình ở nông thôn, tùy theo khả năng của gia đình mình, đều có đóng góp thiết thực cho việc xây dựng các công trình ở quê hương. Có người ủng hộ tiền, có người ủng hộ công sức, có người ủng hộ bằng hiến đất để làm đường, làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Có rất nhiều sáng kiến huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất cho NTM. Rất nhiều nơi đã huy động có hiệu quả những người có tiền, chủ yếu là các doanh nhân, gửi tiền về quê hương góp phần xây dựng cơ sở vật chất cho làng quê. Điểm này chính là góp một phần quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM: Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường.

Với ý thức làm chủ cuộc sống ở nông thôn, giá trị văn hóa mới ở đây thể hiện rõ vai trò và sáng tạo của người dân ở nông thôn - những người vốn được coi là mưu sinh vất vả nhất trong xã hội, lớp người được coi là những người đứng sau cùng/đứng đội sổ trong việc thụ hưởng những thành tựu của những năm đổi mới. Kết quả đó đúng là nẩy sinh từ cố gắng của cả các tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, của các cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhưng cái cuối cùng là từ bản thân mỗi người dân khi người dân đã có ý thức giác ngộ về làm chủ cuộc sống của chính mình, người dân đã thấy được quyền và lợi ích chính đáng của mình, từ đó sẵn sàng chung sức, đồng lòng tham gia xây dựng cộng đồng NTM.

Ý thức làm chủ cuộc sống ở cộng đồng nông thôn này, thực ra không phải là giá trị hoàn toàn mới, nhưng nó mới bởi từ lâu giá trị này chưa nổi rõ trước khi có chủ trương xây dựng NTM, khi nhiều nơi duy trì trong cảnh hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ. Tính thiết thực lần này rõ hơn, do đó, cũng làm tăng thêm giá trị văn hóa cộng đồng trong việc người dân làm chủ cuộc sống của mình. Không có gì hay hơn là việc thực, người thực, không có gì rõ hơn là cơ sở vật chất của nơi người dân sinh sống được hiện diện một cách đẹp đẽ hơn, văn minh hơn. Cái mà nhiều nhà lý luận hay nói về tính thủ cựu của người nông dân, về tính tư hữu của người nông dân Việt Nam, hóa ra đã được gột rửa qua nhiều cuộc bể dâu của tiến trình phát triển nông thôn dưới chế độ chính trị mới, đến lúc này được chế ngự rõ hơn. Người ta hành động một cách hoàn toàn tự nguyện. Người ta sẵn sàng hiến đất, người ta có thể chưa khấm khá gì nhưng sẵn sàng ủng hộ tiền, người ta có thể bỏ ra rất nhiều ngày công cho lao động công ích.

Giá trị văn hóa mới thể hiện thông qua các hoạt động dịch vụ của cơ chế thị trường ở nông thôn mới

Sự phát triển của quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất ở nông thôn trong khoảng 10 năm xây dựng NTM trong cơ chế thị trường đã làm biến đổi cả cách thức của nền sản xuất nông nghiệp. Hầu như không còn cái cảnh canh tác con trâu đi trước cái cày theo sau nữa. Tiến bộ của khoa học kỹ thuật nông nghiệp tạo ra những giá trị kinh tế hàng hóa. Các khâu sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi…) hầu như được cơ giới hóa. Các khâu cơ bản, nặng nhọc nhất của nghề nông như làm đất (cày bừa), tưới tiêu nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, gặt hái… đã thay đổi căn bản, từ đó sản sinh ra hệ thống dịch vụ nông nghiệp. Không ít nơi đã mở cả trang web, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là ở những địa bàn áp dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Dịch vụ nông nghiệp đã đổi thay căn bản nếp tư duy và hành động của người dân nông thôn, nó là bước thúc đẩy, là những cú hích cho sản xuất hàng hóa, là phân công lại lao động xã hội, tạo thêm nhiều ngành nghề mới ở nông thôn, một số lao động chuyển dịch vào các cơ sở công nghiệp hoặc đi làm ăn theo mùa vụ ở nơi khác, thậm chí xuất khẩu lao động ở nước ngoài, điều này làm tăng thêm giá trị về kinh tế, làm tăng thêm chất lượng cuộc sống vật chất cho người dân, từ đó cũng góp phần phong phú thêm, cải thiện thêm đời sống văn hóa của cư dân địa bàn nông thôn.

Cơ chế mới đã tác động lớn, làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ, nếp sống văn hóa của cư dân. Việcquy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế từng vùng, sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, có hiệu quả, duy trì diện tích đất lúa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dàiđược chú trọng. Ngành sản xuất nông nghiệpđược cơ cấu lại, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Đã phát triển sản xuất với quy mô hợp lý các loại nông sản hàng hóaxuất khẩu có lợi thế nông sản thay thế nhập khẩu; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, thuỷ lợi hóa, cơ giới hóa, thông tin hóa, thay thế lao động thủ công, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu để sử dụng có hiệu quả đất đai, tài nguyên, lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản.

Ngành trồng trọtphát triển, hình thành vùng sản xuất hàng hóatập trung, thực hiện đầu tư thâm canh, áp dụng các giống và quy trình sản xuất mới có năng suất, chất lượng cao; hoàn thiện hệ thống tưới tiêu; đẩy nhanh cơ giới hóađồng bộ các khâu sản xuất; hiện đại hóacông nghiệp bảo quản, chế biến, nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa. Bố trí lại cơ cấu cây trồng, mùa vụ và giống để giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh phù hợp với điều kiện của từng vùng.

Ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh, phù hợp với lợi thế của từng vùngđã được chú ý; chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ ở trung du, miền núi và Tây Nguyên; tập trung cải tạo và nâng cao chất lượng giống, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; tăng cường công tác thú y, phòng chống dịch bệnh; phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp; tổ chức lại và hiện đại hóacơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm.

Về lâm nghiệp, đã phát triển toàn diện từ quản lý, bảo vệ, trồng, cải tạo, làm giàu rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, bảo vệ môi trường cho du lịch sinh thái.

Chương trình khai thác hải sản trong chiến lược phát triển kinh tế biển, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòngtriển khai có kết quảtốt. 

Phát triển mạnh công nghiệp dịch vụ ở các vùng nông thôn theo quy hoạch. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, triển khai chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề; phát triển nhanh và nâng cao chất lượng các loại dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống của dân cư nông thôn.

Giá trị văn hóa cộng đồng vì an sinh xã hội, phòng và chống các tệ nạn xã hội đã có sự tiến bộ ở vùng nông thôn mới

Các mô hình tự quản bảo vệ môi trường; giữ gìn an ninh trật tự ở nông thôn cũng là giá trị văn hóa mới trong 10 năm xây dựng NTM của Việt Nam. Trong xây dựng quỹ vì người nghèo, vận động an sinh xã hội, khoảng 10 năm qua, các cấp đã vận động được hơn 12 nghìn tỷ đồng; vận động an sinh được hơn 40 nghìn tỷ đồng. Từ đó, đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 800.000 “Căn nhà đại đoàn kết” cho hộ nghèo, giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống để vươn lên thoát nghèo.

Các sinh hoạt văn nghệ trong Đêm hội Sắc xuân miền Tây Ngệ An. Ảnh Trang Đoan

Trong xây dựng văn hóa cộng đồng của nông thôn mới, các giá trị văn hóa tinh thần thể hiện ở sự ổn định, hòathuận, dân chủ, có đời sống văn hóaphong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân.Đời sống vật chấtvàtinh thần của dân cư nông thônđược nâng cao; có sựhài hòagiữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn. Người nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất khá hơn trước, cóbản lĩnh chính trị đóng vai trò làm chủ NTM. Xã hội nông thôn ổn địnhhơn, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường. Việc xây dựng con người theo Nghị quyết Hội nghị 5 Trung ương Đảng khóa VIII đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Điều này được biểu hiện cụ thể:

(1) Cư dân ở nông thôn được nâng cao tinh thần yêu nước, tự cường, có chí vươn lên đưa quê hương thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết trong cộng đồng dân cư vì sự tiến bộ - giá trị vĩnh hằng của văn hóa.

(2) Có ý thức tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung. Trong xã hội hiện đại, khi ở thành thị tương đối phổ biến hiện nay là mọi người không quan tâm giao tiếp với nhau như trước do bị cuốn vào cơn bão giao tiếp kỹ thuật của công nghệ thông tin, mỗi người thường giao tiếp qua một smartphone, thì ở nông thôn điều này chưa bị ảnh hưởng lớn. Đèn nhà ai nhà ấy rạng có thể nói là không xẩy ra nhiều ở những vùng xây dựng NTM. Ở đây, cộng đồng dân cư quan tâm tới nhau hơn; các giá trị văn hóa truyền thống còn được lưu giữ khá vững và được phát huy trong cuộc sống mới.

(3) Con người trong cộng đồng NTMcó sự tiến bộ trong lối sống, lành mạnh hơn, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.

(4) Con người ở NTMđã thể hiện rõ hơn sự lao động chăm chỉ, sáng tạo, năng suất được nâng cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.

(5) Lực lượng lao động nói chung, đặc biệt là đối với lớp trẻ, đã được học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ về nhiều mặt.

Môi trường văn hóa ở vùng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt; tạo ra ở các đơn vị cơ sở một đời sống văn hóa lành mạnh, đáp ứng những nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân ở nông thôn trong những thập niên đầu thế kỷ XXI. Những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam vùng nông thôn mới được giữ gìn và phát huy, trong đó có nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc ông bà, cha mẹ, những người cao tuổi; mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội được tiếp tục chú trọng hơn. Đã đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, ấp, xã văn hóa, nâng cao tính tự quản của cộng động dân cư trong công cuộc xây dựng nếp sống văn minh.

Chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở được phát triển; một số công trình văn hóa trọng điểm được đầu tư xây dựng thêm; tăng cường hoạt động của các tổ chức văn hóa, phát triển phong trào quần chúng hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Tự do tín ngưỡng của nhân dân được tôn trọng hơn, bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động bình thường trên cơ sở tôn trọng pháp luật; thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc; ủng hộ công bằng, bác ái, hướng thiện trong tôn giáo, đồng thời tuyên truyền giáo dục khắc phục tệ mê tín dị đoan, tuy rằng trong việc này còn khá nhiều bất cập; đã chú trọng hơn việc phòng và chống việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện ý đồ chính trị xấu của các thế lực thù địch.

Vài ba lời kết

(1) Tuy chưa tương xứng với giá trị về kinh tế, nhưng giá trị văn hóa mới trong 10 năm xây dựng NTM ở Việt Nam là khá rõ. Vẫn còn đó không ít những khuyết điểm, hạn chế trong lĩnh vực này, thể hiện ở trên tất cả các mặt về đời sống tinh thần nông thôn, nhưng những giá trị đó ghi nhận quan điểm, đường lối, chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp của hệ thống chính trị cả nước.

(2) Giá trị văn hóa này có được chủ yếu là ở tính tính cực xã hội của chủ thể, đó là những tổ chức của hệ thống chính trị ở các cấp và đó cũng là từ dân cư sống ở nông thôn. Điều này chứng tỏ rằng, giá trị văn hóa là do con người và vì con người, nó không phải là ngoại lai, do vậy, giá trị này có sức sống nội tại bền lâu, lan tỏa mạnh mẽ.

(3) Giá trị văn hóa mới trong xây dựng văn hóa mới ở Việt Nam mới xuất hiện chỉ trong khoảng 10 năm (2008-2019), nhưng nó có tương lai, triển vọng tốt. Hy vọng rằng, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân nắm lấy thành quả này để phát huy mạnh hơn nữa nhằm biến đổi về chất cho chính cuộc sống của mình.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511033

Hôm nay

232

Hôm qua

2359

Tuần này

21407

Tháng này

217906

Tháng qua

121356

Tất cả

114511033