Những góc nhìn Văn hoá

Quan niệm về “đạo” của Nguyễn Đức Đạt

Nguyễn Đức Đạt(1824 - 1887)- người con ưu tú của vùng đất Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là một nhân vật lịch sử có tiếng đời Tự Đức. Ông sinh năm 1824 trong một gia đình có truyền thống hiếu học và khoa bảng. Cha của ông là Nguyễn Đức Hiển đỗ cử nhân vào năm 1824, em con chú là Nguyễn Đức Quý đỗ Hoàng giáp năm 1884, em ruột là Nguyễn Đức Huy đỗ cử nhân năm 1864, con trai là Nguyễn Đức Đảng đỗ cử nhân năm 1882 và cháu là Nguyễn Đức Vận đỗ phó bảng năm 1916.

Quê hương mà gia đình và Nguyễn Đức Đạt sinh sống là miền quê địa linh nhân kiệt, từ bao đời đã được mọi người biết đến bởi những thành tích đạt được trên con đường khoa cử và trong lịch sử đấu tranh dựng xây đất nước. 

Truyền thống gia đình và quê hương đã có sự tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách của danh nhân Nguyễn Đức Đạt.Tiếp bước những truyền thống đó, vào khoa thi Quý Sửu năm Tự Đức thứ 6(1853) ông đã cùng với Nguyễn Văn Giao đỗ đầu kì thi này. Sự kiện đó đã làm chấn vang cả Xứ Nghệ, đem lại niềm tự hào cho gia đình, dòng họ và đã góp phần tô thắm thêm truyền thống của quê hương Nam Đàn nói riêng và Xứ Nghệ nói chung.

Sau khi đỗ Thám hoa, Nguyễn Đức Đạt được bổ chức Thị giảng ở Viện hiền tập làm việc ở kinh đô Huế. Đến năm 1863 ông được bổ đi nhận chức Đốc học Hà Nội. Đến năm 1865 thì có chiếu triệu về kinh thăng chức Chưởng ấn ngự sử ở Đô Sát viện. Đến tháng 7 năm đó, thân phụ ông mất, ông về cự tang. Một thời gian sau, mẹ ông cũng qua đời, ông xin nghỉ việc ở nhà lo việc tang cha mẹ. Từ đầu năm 1866 đến cuối năm 1869, ông dạy học ở trường Hương Vân (Nam Đàn) và trường Lãng Đông (Hưng Nguyên) và cũng vào năm đó do công lao to lớn của ông trong việc dạy học, ông đã được đề cấp phong làm Đốc học Nghệ An. Đến năm 1872 ông đã được phong làm Bố chánh xứ kiêm lĩnh chức Tuần phủ Hưng Yên.Với chức vụ mới, Nguyễn Đức Đạt đã có nhiều công lao giữ yên bờ cõi của tỉnh Hưng yên trong lúc các tỉnh lớn như: Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình đã bị thực dân Pháp chiếm đóng, chính vì thế ông đã được Tự Đức ban thưởng. Nhưng cũng ít lâu sau vì thấy được cuộc sống lầm than của người dân, thiên tai lụt lội xảy ra liên miên, trong tình hình đó nhà Nguyễn lại có chiếu chỉ tăng thuế, Nguyễn Đức Đạt đã gửi tấu lên triều đình xin khất việc tăng thuế cho dân. Sự kiện này triều đình Tự Đức không những không đồng ý mà còn giáng ông xuống hai cấp. Từ đó chặng đường làm quan của Nguyễn Đức Đạt bị gián đoạn,ông đã trở về quê hương mình để tiếp tục sự nghiệp dạy học của mình.với hy vọng đào tạo thế hệ học trò mới chờ thời, gặp thế để giúp vua , giúp nước và trước mắt biết ứng xử với người thân, với xã hội. Đồng thời Nguyễn Đức Đạt còn là người trước thuật rất nhiều, đủ các thể loại thơ văn, sáng tác và nghiên cứu, tiêu biểu là các tác phẩm: Cần kiệm vựng biên, Việt sử thặng bình, Khảo cổ ức thuyết, Hồ dạng thi tập. Để dạy học ngoài "Nam Sơn song khóa phú tuyển", "Nam Sơn song khóa chính nghĩa", ông đã soạn thêm "Đăng Long văn tuyển","Khả Am văn tập","Nam Sơn di thảo"… Trong các tác phẩm của Nguyễn Đức Đạt, đặc sắc và hoàn chỉnh nhất là bộ sách Nam Sơn Tùng Thoại, sách được trình bày dưới dạng vấn đáp, tương tự sách Luận Ngữ của Khổng Tử. Nội dung quan trọng của bộ sách này là bàn về những vấn đề triết học, chính trị, xã hội, giáo dục.

Nam Sơn tùng thoại là tác phẩm chính của Nguyễn Đức Đạt, sách gồm có 4 quyển, cộng 292 tờ (khổ giấy 26 x 15 cm), tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 20 chữ, khắc in rõ ràng, tất cả khoảng 93.000 chữ, chia thành 32 thiên (kể cả Thiên Bình cư là lời học trò kể lại tính tình nếp sống hàng ngày của ông), do học trò ghi chép lời nói của ông, biên tập thành sách, góp tiền khắc in và hoàn thành vào tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (12/1880).

Trong tác phẩm Nam Sơn tùng thoại có 32 thiên, ngoài thiên Bình Cư do các học trò thuật lại cốt cách tinh thần và lối sống giản dị, thanh cao của Nguyễn Đức Đạt, còn lại được chia theo chủ đề chuyên biệt. Tuy nhiên, sự phân định này chỉ là tương đối. Do tác phẩm có dung lượng khá lớn về các vấn đề triết học, chính trị – xã hội, đạo đức, giáo dục, v.v., do đó việc tìm hiểu những tư tưởng triết học với tư cách là nền tảng của mọi tư tưởng khác là hết sức cần thiết. Tư tưởng về “đạo” của Nguyễn Đức Đạt có nhiều điểm đặc sắc, trong đó thể hiện sư tiếp thu có sự kế thừa các tư tưởng tiến bộ của Nho giáo và Đạo giáo về “đạo”.

Chúng ta đều biết rằng, Nho gia quan niệm “Cái trời phú gọi là tính, noi theo tính gọi là đạo, tu đạo gọi là giáo”. ở đây “noi theo” hay “tu” đều có chung mục đích là nắm được đạo và hành đạo. Đạo theo quan niệm của nhà nho là con đường mà tất cả các mối quan hệ giữa con người với nhau, con người với xã hội đều vận hành trên đó. Nguyễn Đức Đạt thể hiện quan điểm của mình về “Đạo” cũng trên tinh thần đó, bởi ông là nhà nho được đào tạo từ truyền thống Nho học của gia đình và đất nước vào thời điểm Nho giáo được độc tôn lần thứ hai. Thiên thứ hai với nhan đề “Đại Đạo” (Đạo lớn) của cuốn sách này đề cập đến thểdụng của Đạo. Thể trong ngôn ngữ triết học phương Đông dùng để chỉ hình thể, bản chất và tính hiện thực của sự vật, còn dụng là chức năng, đặc tính của sự vật. Thể của Đạo, theo Nguyễn Đức Đạt là vô cùng to lớn, bao trùm lên tất cả, còn dụng của nó là phương pháp, là cách thức tồn tại và phát triển của tất thảy các sự vật và hiện tượng trong trời đất.

Trước hết chúng ta tìm hiểu cách giải đáp của Nguyễn Đức Đạt về khái niệm “Đạo”.. Lời giải đáp trên đây về Đạo làm chúng ta liên tưởng đến tư tưởng bất khả tri về Đạo của Lão Tử. Tuy nhiên, ở đây Nguyễn Đức Đạt không truy tìm nguồn gốc của Đạo như Lão Tử, mà khẳng định một cách dứt khoát rằng, “Đạo như trời đất”[3]. Rõ ràng ông chịu ảnh hưởng của Tống Nho về Đạo học mà cơ sở nền tảng của nó là Chu Dịch, nói cách khác là một loạt các chú giải Chu Dịch về hai mô hình trong thể thống nhất của Đạo là dươngâm. Dương là thuộc tính của Càn (trời) và Âm là thuộc tính của Khôn (đất). Tuy nhiên, Nguyễn Đức Đạt cũng muốn nói rõ, Đạo mà ông đang nói đến là Đạo theo quan điểm của Nho gia chứ không phải là Đạo của các học phái khác. Điều này được thể hiện khi ông nêu ra một tư tưởng rất tích cực về “dụng” của đạo, khi có học trò hỏi rằng: “Công dụng của Đạo thế nào? Ông đáp: “Là dạy học” “là làm quan”, ông giải thích bởi “học có sức thừa thì ra làm quan” là vì người, làm quan có sức thừa lại học là vì mình”[4]. Đồng thời ông cũng khẳng định rằng: “Đạo vốn không khó cầu, khó thì không phải là Đạo”[5]và rằng dù ngu độn hay thông minh, ai cũng có thể cầu được Đạo, ai cũng có thể được như Khổng tử và Nhan Hồi. “Có người hỏi: “ Ông Khổng, ông Nhan ở đâu?”- Ông trả lời: “ ở tâm: Tâm ta có qui củ, ta không vượt qua thì ta cũng là Khổng Tử. Tâm ta có nhân, ta không làm điều gì trái với nhân thì ta cũng là Nhan Hồi. Nếu không muốn giống Khổng Tử và Nhan Hồi thì không nói làm gì, đã muốn thì không ai cấm”[6]. Như vậy trong quan niệm về Đạo của Nguyễn Đức Đạt có sự chi phối và ảnh hưởng rất nhiều của Nho giáo.

[2]Có người hỏi: “Coi những cái có là thực, thế có phải là đạo không?” Ông đáp: “Đạo không phải như họ Thân họ Thương” (tức Thân Bất Hại và Thương Ưởng, những người đưa ra nội dung pháp và thuật của Pháp gia – NTH). Lại hỏi: “Coi những cái có là hư không cả, thế có phải là đạo không?” Ông đáp: “Đạo không phải như họ Trang họ Thích” (tức Trang Tử và Thích Ca Mâu Ni đưa ra học thuyết “hư không” – NTH). Lại hỏi: “Thế thì Đạo không phải là “có” cũng không phải là “không” phải không? Ông đáp: “Xúc động vào sự vật mà thấy, thế là “thực”, thực cũng là có; lẩn khuất ở trong tâm, thế là “hư không”, hư không cũng là không có. Vậy “có” mà chưa từng có, “không” mà chưa từng không, thế gọi là “chí đạo”[7]Có người hỏi: “Thế nào là Đại đạo?” Ông đáp: “Đại đạo như trời che đất chở”. Lại hỏi: “Ai che chở đạo?” Ông đáp: “Đạo tự che chở lấy, vì nó rất cao không gì vươn lên trên thì che sao được? Vì nó rất rộng không gì ra khỏi ngoài thì chở sao được?” Người ấy thấy nói đến cao rộng, lại hỏi: “Vậy nó sâu đến đâu?” Ông đáp: “Sâu như biển, lấy đến ức, vạn trượng dây cũng không đo đến đáy được, có đến ngàn vạn dòng nước chảy vào cũng không đầy được”.

 

Trên lập trường của Tống Nho, ông khẳng định: “nguồn của Đạo tính”, đồng thời chỉ rõ hệ quả của Đạo là “tình”. Như vậy Tính - Đạo - Tình là một quá trình tu thân cầu đạo mà ở đó con người cần phải tồn tâm dưỡng tính (Mạnh Tử), tồn thiên lý, diệt nhân dục (Tống Nho) để đạo ngày một sáng lên, thêm rõ ràng hơn. Có người hỏi: “Học đạo để cầu lấy gì?” Ông đáp: “Cầu cho đắc đạo”. Lại hỏi: “Đắc đạo có cách nào không?” Ông đáp: “ở lòng ta. Lòng ta là một cõi “thái hư”. Chân thực thì hư không, càn rỡ thì làm cái hư không bị đục vẩn. Cho nên cầu đạo chẳng gì bằng thu cái tâm phóng túng. Thu cái tâm phóng túng không gì bằng khu trục những sự càn rỡ”. Dám hỏi: “Cách thu phóng tâm và khu trục sự càn rỡ thế nào?” Ông đáp rằng: trừ bỏ bốn điều không phải là để khu trục sự càn rỡ, khuyếch trương bốn mối là để thu cái tâm phóng túng”

Chúng ta đều biết rằng, vào thời Nguyễn Đức Đạt ở Việt Nam đã có tới bốn học thuyết tôn giáo – triết học được du nhập từ bên ngoài vào. Riêng tam giáo (Nho, Phật và Lão) đã hiện diện ở nước ta gần hai nghìn năm, đã có ảnh hưởng rất lớn đến hệ tư tưởng của các triều đại phong kiến và tới sự hình thành các giá trị truyền thống của dân tộc, đặc biệt là giá trị đạo đức. Tuy nhiên, tam giáo trong bối cảnh Nho giáo độc tôn dưới triều Nguyễn không giống như ở các triều đại khác, thậm chí rất khác với thời Lê Sơ, một thời kỳ Nho giáo cũng được độc tôn trên lĩnh vực chính trị. Nhà Nguyễn không tỏ ra hà khắc với Phật và Lão, nhưng cũng không tạo điều kiện để tam giáo cùng nhau chia sẻ nhiệm vụ nặng nề luôn thường trực của đất nước là vấn đề bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia. Với lợi thế trị vì đất nước thống nhất và suốt nửa đầu thế kỷ XIX trong điều kiện hoà bình theo nghĩa không có giặc ngoại xâm, nhà Nguyễn chỉ chú trọng đến việc bảo toàn lợi ích của chế độ phong kiến nói chung và của hoàng tộc nói riêng. Do đó, trên lĩnh vực đấu tranh tư tưởng, các vua triều Nguyễn từ Minh Mệnh đến Tự Đức đều có thái độ kỳ thị với Thiên chúa giáo. Suy cho cùng, sự kỳ thị đó cũng chỉ nhằm mục đích đề cao Nho giáo, làm cho triều Nguyễn trở thành tập đại thành các tư tưởng duy tâm trong lịch sử Nho giáo. Chính hoàn cảnh lịch sử như vậy đã có sự tác động đến quan niệm về “đạo” của Nguyễn Đức Đạt.

Theo chúng tôi thực chất quan niệm về “đạo” của Nguyễn Đức Đạt là quan niệm về đạo trị nước của vua (“quân đạo”), đạo làm tôi (“thần liêu”), nó liên quan đến vận mệnh của một triều đại. Nhìn chung, trong tư tưởng chính trị- xã hội ông chỉ chú trọng đến lĩnh vực tinh thần, có chăng cũng chỉ là chú trọng ở chừng mực rất ít tới sự phát triển của nông nghiệp vốn được Nho giáo đề cao. Điều này xuất phát từ hoàn cảnh địa lý và truyền thống canh tác nông nghiệp, đặc biệt là nghề trồng lúa nước như ở nước ta. Sự cần mẫn của con người chưa hẳn đã được đền đáp thoả đáng ở vụ mùa thu hoạch, mà con người còn phải biết kính thiên, phục tùng thiên tử một cách vô điều kiện để được “Ông Trời” ban thưởng, giáng phúc cho mưa gió thuận hoà, cây cối tốt tươi, con người khỏe mạnh. Mặt khác, nghề nông mang tính thuần phác, chân thật của con người, không mang tính “lưu manh, cảo trá” như nhà buôn, và khát vọng tối cao của nông dân trong lịch sử cũng chỉ là sự “no đủ”, cốt sao làm yên “cái bụng”. Vì thế có người đã khái quát không ngoa rằng, người Việt Nam tư duy bằng và từ “cái bụng”, bởi “cái bụng” còn đồng nghĩa với “tấm lòng”. Chính vì thế, trong tư tưởng của ông điều trước tiên là lo cầu đạo, đạt đạo, cho đó là lý tưởng cao đẹp mà người học chỉ cần chú tâm, không thiên lệch, dao động trên con đường phấn đấu cho lý tưởng đó chắc chắn sẽ thực hiện được, mặc dù “đạo” là gì cho đến nay vẫn chưa ai tìm ra lời giải đáp thống nhất cho nó. Khổng Tử cũng nói rằng, nếu ta yêu thích đạo, cầu đạo thì đạo sẽ đến với ta (Luận Ngữ).

Mặc dù Nguyễn Đức Đạt trong quan niệm về “đạo” còn một số hạn chế, song hạn chế đó đều do tính lịch sử cụ thể qui định. Tuy nhiên, như ông từng nói với các học trò của mình, rằng không phải vì “một con ruồi sa vào một nồi canh đầy mà chúng ta đổ cả nồi canh”, cho nên chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn tư tưởng của ông, đặc biệt là quan niệm về “đạo” để từ đó, rút ra những bài học cần thiết trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Theo chúng tôi tư tưởng Nguyễn Đức Đạt cần được tiếp tục nghiên cứu để có những công trình xứng với di sản tư tưởng mà ông để lại,để ghi nhớ khắc sâu công lao của Nguyễn Đức Đạt, đồng thời qua đó để giáo dục những truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước cho thế hệ trẻ. Mặt khác, địa linh của Xứ Nghệ chúng ta đã sản sinh ra những nhân kiệt cho dân tộc, trong đó có Nguyễn Đức Đạt. Ông không chỉ là nhà nho xuất sắc, mà còn là một nhà giáo lớn đã có công đào tạo ra những nhân cách nổi tiếng của đất nước như Phan Bội Châu, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Sinh Huy, Ngô Đức Kế và nhiều người khác.

 

 
[2] Nguyễn Đức Đạt, Nam son tựng tho?i, Tư liệu của Viện Triết học, Viện KHXH Việt Nam, gồm 4 quyển, Q. 1, tr.19.
[3] Như trên, tr. 19.
[4] Nam son tựng tho?i, Q.I, tr.25
[5] Nam son tựng tho?i, Q.I, tr.27
[6] Nam son tựng tho?i, Q.I, tr.24
[7] Nam son tựng tho?i, Q.I, tr.20
[8] Nam son tựng tho?i, Q.I, tr.23
[9] Nam son tựng tho?i, Q.I, tr.23
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512716

Hôm nay

2253

Hôm qua

2400

Tuần này

2653

Tháng này

219589

Tháng qua

121356

Tất cả

114512716