Văn hóa và đời sống
Bàn thêm về giá trị văn hóa Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiều niên nhi đồng, với nông dân và với lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh tư liệu
Đặt vấn đề
Mỗi một người là một tiểu vũ trụ, đều bị chế ngự bởi quy luật THÀNH - TRỤ - HOẠI - DIỆT. Nhưng, chúng lại có sự chuyển hóa khôn lường. Riêng về mặt sinh học, theo quy luật SINH - LÃO - BỆNH - TỬ, thì thế giới của con người có ba cái chết: (1) Chết sinh học; (2) Chết về văn hóa; nghĩa là người đó còn sống về sinh học nhưng coi như đã chết; (3) Chết sinh học rồi nhưng vẫn còn để lại tiếng thơm cho đời; nói theo ý của Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều thì đó là người thác là thể phách còn là tinh anh. Đối với trường hợp cái chết (3), khi cốt nhục đã trở về với cát bụi, nhưng cái vẫn còn lại là giá trị văn hóa. Sự DIỆT của tiểu vũ trụ cũng như sự TỬ của sinh học không phải là dấu chấm hết. Nó chính là trở lại THÀNHvà SINH. Đó chính là nguyên thần, là vĩnh hằng. Có lẽ, nhân vật Hồ Chí Minh là ứng vào trường hợp (3) này.
Giá trị văn hóa Hồ Chí Minh - sự khát vọng, hoài bão
Không ngoa ngữ khi tôi cho rằng, Hồ Chí Minh buộc phải gánh trên vai một gánh nặng, rất nặng: làm một người great/eminent giữa thời đầy hỗn mang của thế kỷ XX (Nghị quyết số 24C18.6.5 của UNESCO năm 1987 ghi nhận Hồ Chí Minh là great man - tiếng Anh, tạm dịch là người kiệt xuất, với đoạn mở đầu có tính mặc định: “nhận thấy việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới”[i].
Đối với thế giới, thế kỷ XX là thế kỷ đầy máu và nước mắt; thế kỷ phi thực dân hóa xóa đi một vết nhơ lớn nhất trong lịch sử loài người; thế kỷ có cả những vòng nguyệt quế của những người chiến thắng và có cả những xác người chất chồng, của núi xương sông máu bởi chiến trận, mà lớn nhất là Thế chiến I và II; thế kỷ của những cuộc cách mạng công nghệ đạt đến 3.0. Việt Nam là một đất nước không may mắn vì có quá nhiều thế lực ngoại bang tới xâm chiếm; đất nước đắm chìm quá lâu trong chế độ phong kiến lỗi thời. Do vậy, trình độ về mọi mặt của Việt Nam thua chị kém em quá nhiều, chưa thể sánh vai với các cường quốc năm châu.
Trong tình thế phải gánh nặng như thế, Hồ Chí Minh có khát vọng, hoài bão cực lớn, không phải là làm cho bản thân giàu có về vật chất, có quyền cao chức trọng, v.v… mà là những cái khác, hoàn toàn khác. Trong Thư để lại trước khi qua đời (sau này được gọi là Di chúc), Hồ Chí Minh viết đoạn bổ sung năm 1968 về việc riêng: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”[ii]. Hối hận thì không. Nhưng tiếc thì có. Không phải tiếc vì mình chưa có vật chất đủ đầy cao sang… mà tiếc là không còn sống lâu nữa để phục vụ. Sống là để dấn thân. Sống là để dâng hiến. Sống là để phục vụ. Hồ Chí Minh nói lên điều mình “cần nhất trên đời là: đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”[iii]. Hai tháng trước khi qua đời, Hồ Chí Minh trả lời nữ phóng viên báo Granma (Cuba): “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”[iv]. Hồ Chí Minh tâm sự: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”[v]. Trên đời này, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, chưa thấy có thuật toán cộng gộp lạ kỳ đầy lý thú đến thế! Hồ Chí Minh còn nói rằng, những khi bản thân mình phải ẩn nấp nơi núi non, ra vào chốn tù tội cũng là vì độc lập cho Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho đồng bào. Tháng 1-1946, trả lời các nhà báo nước ngoài về chức vụ Chủ tịch nước của mình, Hồ Chí Minh nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[vi]. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh ghi “điều mong muốn cuối cùng”: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[vii].
Là người kiệt xuất nhưng Hồ Chí Minh lại hiện hữu trong thế gian như một người bình thường mà bất cứ người Việt Nam yêu nước nào thuộc bất cứ giai - tầng nào đều cũng thấy một chút ít bóng hình của bản thân mình trong đó. Kiệt xuất sinh ra và đi cùng với sự giản dị, và ngược lại, giản dị làm nên kiệt xuất của Hồ Chí Minh. Đó chính là sắc màu lung linh của giá trị văn hóa. Đó cũng chính là biểu đạt của sự thẩm thấu cũng như sự lan tỏa của chính giá trị văn hóa. Hồ Chí Minh trở thành con người tự do, với nghĩa thoát khỏi mọi sự ràng buộc của cám dỗ cá nhân, đúng như lời Mạnh Tử: phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.
Bản lĩnh kiên cường - tố chất giá trị văn hóa Hồ Chí Minh
Cuộc đời của Nhà văn hóa Hồ Chí Minh trải qua nhiều sóng gió: một lần bị án tử hình vắng mặt do Tòa án Nam Triều ở tỉnh lỵ Vinh, Nghệ An tuyên cuối năm 1929; một lần bị tù bởi chính quyền Anh tại Hong Kong (1931-1933); một lần bị tù bởi chính quyền Trung Hoa Dân Quốc (1942-1943); nhiều năm bị Quốc tế Cộng sản (các khóa VI, VII) và nhiều yếu nhân trong Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương hiểu sai về mình; v.v… Điều đáng nói nhất ở đây là Hồ Chí Minh đã vượt qua nhiều sóng gió đó, chủ động, tích cực tôi rèn để trưởng thành. Cả cuộc đời của Hồ Chí Minh chỉ nhằm một cái đích là cùng nhân dân đấu tranh giành độc lập thật sự cho Tổ quốc, xây dựng một đất nước hùng cường, trong đó mọi người có cuộc sống tự do và hạnh phúc, mọi người trên trái đất đều được sống trong hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, hợp tác cùng phát triển.
Đó là cái đại sự trong cuộc đời Hồ Chí Minh. Mọi cái khác còn lại đều là tiểu tiết. Vì thế, Hồ Chí Minh biết vượt mọi khó khăn, trở ngại. Cũng vì thế mà ở Hồ Chí Minh có một tấm lòng quả cảm, một sự quyết tâm vô cùng tận, một tấm lòng bao dung, vị tha, một đại nghĩa phi thường, một trí lực dồi dào, một nhân cách đặc biệt. Nếu coi Thiền là a) sự thể hiện của trạng thái tâm lý đạt tới sự vô vi; hoặc b) thiền là sự tập trung gần như tuyệt đối toàn bộ tâm và trí của con người vào một việc nào đó, thì tôi coi ở Hồ Chí Minh có sự thiền dạng b) trên đây. Hồ Chí Minh thiền giữa cái bao la khôn cùng của vũ trụ, thiền nhưng biết tất cả những gì sẽ diễn ra rồi hướng mọi véctơ lực vào giải quyết cho kỳ được những điều cần đạt tới hợp lẽ phải. Hồ Chí Minh hao hao Trần Nhân Tông, vị vua sáng lập Thiền phái Trúc Lâm thế kỷ XIII của Đại Việt với việc lấy Tâm làm gốc, lấy sự giác ngộ trong lòng làm căn bản. Phật gia ở trong mỗi người, trong mỗi nhà, là tu tại tâm, và thiền để nhập thế, gắn với sự đời, với vận mệnh của đất nước. Khác với vị vua đời Trần phải lên núi Yên Tử thiền tu, Hồ Chí Minh thiền ngay giữa lòng dân chúng, giữa cái bao la đất trời ngổn ngang đại sự. Hồ Chí Minh thiền để ngộ. Hồ Chí Minh ngộ để hành. Hồ Chí Minh hành cái đại sự, phục vụ cho yêu cầu phát triển của đất nước, của nhân loại cần lao.
Đạo đức - thông điệp giá trị văn hóa phát triển
Một số người cho rằng, tiếp cận sự phát triển phải là từ “pháp trị”, chứ không theo “đức trị”. Tôi thấy, pháp luật do con người làm ra, con người tự quy ước với nhau để hành xử ở đời. Vì vậy, khi nói tới pháp luật (đúng đắn) thì đã có yếu tố đạo đức rồi. Khi nói tới hành đức (chân chính) thì đã bao hàm cả chấp pháp rồi.
Triết lý phát triển Hồ Chí Minh phát triển qua sự biến đổi các vấn đề nhân sinh theo chiều hướng tốt đẹp, mà nội dung chủ yếu chính là tu dưỡng và thực hành đạo đức. Hồ Chí Minh thực hành đạo đức không gượng ép, không sắp đặt kiểu đóng kịch. Nó biểu đạt của những điều hướng thiện, quy thiện, tôn lên cái đẹp của con người, làm cho con người có sự cháy bỏng khát khao vươn tới cái tự do thuần khiết trong cái chế định của vũ trụ. Lạ thay, tôi tìm thấy trong di sản Hồ Chí Minh sự bác ái của Thiên chúa giáo, từ bi hỷ xả mỹ diệu của Phật gia, sự hòa đồng vũ trụ của Lão giáo, rồi có cả những viên ngọc từ các học thuyết, từ các luồng tư tưởng tiến bộ trên thế gian, v.v… Nhưng, con người Hồ Chí Minh không phải là con số cộng của những cái đó mà là sự tổng hòa, là sự kết đúc, chưng cất tất cả lại thành một, thành cái riêng mang tên Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh coi trọng cả đức và tài trong một con người, nhưng xét về thứ tự ưu tiên thì đức là gốc. Có thể có người cho rằng, bây giờ chỉ cần có tài, có tài thì quẳng đâu cũng sống được, do vậy làm ăn kinh tế không cần đạo đức. Ý kiến đó là sai lầm vì đã tách văn hóa ra khỏi mọi mặt của đời sống xã hội. Mọi sự phát triển đều dựa trên một cái nền văn hóa. Thế giới đang sống trong một thùng thuốc nhuộm bẩn. Thế giới càng phát triển thì người ta càng báo động mạnh hơn về tính bền vững của sự phát triển, về sự mất đi tính văn hóa, về sự nhạt nhòa cốt cách của từng dân tộc, về sự tha hóa của chính bản thân con người.
Hồ Chí Minh hóa thân vào dân tộc và nhân loại cần lao với những giá trị đạo đức tốt đẹp nhất. Đạo đức của Hồ Chí Minh có sức lay động, làm cho con người trở về cái bản ngã của vũ trụ. Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật tiêu biểu trong lịch sử nhân loại có tác động mãnh liệt vào tiến trình phát triển văn hóa. Sự nghiệp của Hồ Chí Minh là cái nền văn hóa mà trên đấy biểu đạt những giá trị toàn cầu, những khát vọng của con người, của các dân tộc khác nhau, có cốt cách, đặc tính khác nhau nhưng thống nhất, hài hòa trong những giá trị chung nhất, tốt đẹp nhất mà con người toàn nhân loại khát khao vươn tới. Đó là sự thống nhất trong đa dạng. Nhà văn hóa Hồ Chí Minh kích hoạt, khuếch và phổ những cái đa dạng ấy, kết dính sự thống nhất đó vào một khối văn hóa đầy sức sống để bảo tồn, thúc đẩy giá trị đích thực của chúng. Hồ Chí Minh là người đằm mình trong các sự kiện trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam và của các biến cố trên thế giới. Hồ Chí Minh đã để lại nhiều dấu ấn tích cực, quan trọng cho quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam và quá trình phát triển văn minh tiến bộ của nhân loại. Hồ Chí Minh là một phần phát triển của lịch sử Việt Nam hiện đại. Và, hầu như Hồ Chí Minh thường đi trước, đi trong, hoặc song hành, chứ không đi sau các sự kiện lớn bao giờ.
Giá trị văn hóa Hồ Chí Minh - sự tiếp biến
Hồ Chí Minh còn là một chủ thể sáng tạo văn hóa. Cũng có thể gọi Hồ Chí Minh với danh xưng nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo dục, nhà ngoại giao văn hóa, v.v… Hồ Chí Minh là một nhân tố quan trọng nhất và tác động mạnh mẽ nhất cho quá trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và thế giới của thế kỷ XX. Giao lưu văn hóa là điều tất yếu, là quy luật vận động và phát triển của nhân loại. Nó là một quá trình thường xuyên, diễn ra một cách tự nhiên, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của giới cầm quyền. Dù có bế quan tỏa cảng đến mức nào đi chăng nữa thì giao lưu văn hóa vẫn cứ diễn ra.
Hồ Chí Minh luôn chú trọng làm cho đất nước Việt Nam tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới. Ở Hồ Chí Minh, sự tiếp biến, giao lưu văn hóa có mấy điểm đáng lưu ý nhất: (1) Có thái độ chủ động, không đóng cửa, không bài ngoại; (2) Phải tiếp thu những điều tốt đẹp, không lai căng. Văn hóa bản địa là cái nền để tiếp biến. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, có nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Hồ Chí Minh lưu ý giữ gìn và phát huy cốt cách dân tộc, với những ý: không phải cái gì cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới; cái gì xấu thì phải bỏ; cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý; cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm.
Vượt qua các lực cản phi giá trị văn hóa
Hồ Chí Minh không phải là một nhân vật huyền thoại, mà con người, cái đức, cái tâm, cái tầm, cái trí, cái tài của Hồ Chí Minh đã thành giá trị thực luôn hiển hiện trong tâm khảm của mỗi một người dân yêu nước trong các thế hệ tiếp theo. Hồ Chí Minh có trong hành trang của dân tộc Việt Nam và nhân loại cần lao tiến bước vào văn minh, tiến bộ. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh chính là một thông điệp cho sự phát triển. Văn hóa soi đường cho quốc dân. Và, chính vì như vậy, giá trị văn hóa Hồ Chí Minh trở thành một tài sản tinh thần quý báu cho dân tộc Việt Nam.
Cuộc sống biến động không ngừng. Việc hiểu và phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh không suôn sẻ. Điều này thì đúng với biện chứng của cuộc sống. Giá trị văn hóa Hồ Chí Minh càng đằm mình vào dòng chảy của cuộc sống hiện tại và tương lai thì mới neo được vào mọi ngóc ngách cuộc sống. Nó là giá trị động, nghĩa là không đứng yên, và nó phải chịu sự kiểm chứng, sự thử thách với thời gian. Cái đẹp, cái trân quý, cái hấp dẫn của giá trị văn hóa Hồ Chí Minh còn chính là ở điều đó.
Hiện vẫn còn, và tiếp tục sẽ còn, quá nhiều là đằng khác, những cái phản giá trị văn hóa, thể hiện ở một số người với cái tâm không lành hằng ngày tiết ra những lời nhớp nhúa, xỉa xói, cay độc, xuyên tạc, đặt điều đến trơ tráo. Một số người có tư tưởng thâm thù chế độ chính trị hiện nay ở Việt Nam đả kích Hồ Chí Minh. Khi cái tâm đầy thù hận thì góc nhìn và cách nhìn của những người đó chắc chắn bị thiên lệch. Chắc chắn rồi. Ở đây, không phải là sự ngộ nhận mà là có sẵn ý đồ cố tình xuyên tạc, bôi đen. Ngộ nhận thì khác. Có thể người ta có cái tâm trong sáng, nhưng những thông tin đến với người ta bị sai lệch hoặc chưa đủ đầy cho nên rất dễ làm cho người ta đi đến đánh giá, nhận xét về Hồ Chí Minh không đúng. Mỗi một khi thông tin đã được điều chỉnh, được đến với người ta một cách đầy đủ hơn, chính xác hơn thì người ta có thể dễ dàng thay đổi lại nhận định. Hoặc, cũng đối với một số người vốn có cái tâm trong sáng, khi nghiên cứu, nhìn nhận về Hồ Chí Minh với phương pháp không đúng thì cũng có thể đánh giá của họ bị sai lệch. Nếu được thay đổi phương pháp nghiên cứu, phương pháp tiếp cận cho phù hợp thì người ta sẽ điều chỉnh lại nhận định cho đúng đắn hơn. Nhưng, họ không phải vậy. Không phải nguyên nhân từ các nguồn thông tin, trong đó có mức độ và chất lượng thông tin. Không phải nguyên nhân từ phương pháp nghiên cứu, tiếp cận không phù hợp mà đích thị từ định kiến thâm thù. Đã có cái tâm như vậy thì họ sẵn sàng bóp méo thông tin, xuyên tạc, đổi trắng thay đen, đánh tráo khái niệm. Một số người thuộc dạng có cái tâm xấu này thể hiện cách nói, cách viết lúc thì tinh vi, ngụ ý, ẩn dấu, nói xa nói gần, vòng vo tam quốc; nhưng có không ít kẻ thật trắng trợn, cực đoan, viết và nói bằng những lời hằn học, giang hồ, chửi bới, chì chiết, bôi đen Hồ Chí Minh.
Trong số ý kiến xuyên tạc, chống đối Hồ Chí Minh, đáng chú ý có những ý kiến từ một số cá nhân bất mãn với chế độ chính trị hiện hành của Việt Nam. Trong số đó, một số người từng có liên quan đến việc này việc nọ, từng giữ chức vụ này chức vụ nọ trong bộ máy của hệ thống chính trị ở Việt Nam, nay không còn có tình cảm với cách mạng hoặc thù hận do nhận thức sai lệch, do bị “dính” đến một hoặc nhiều sự kiện nào đó, hoặc bản thân mình hay người trong gia đình mình bị tổn thương… Họ tự cho rằng, họ chính là những người trong cuộc, là những người nằm trong lòng các sự kiện, có cả những điều họ cho là thâm cung bí sử, cho nên họ cho rằng, họ là những người nắm chắc được bản chất của sự kiện để đưa ra thông điệp cho người đọc, người nghe rằng, những điều họ viết, họ nói mới là sự thật. Thế yếu nhất của họ thường là bị cho rằng họ là những người bất mãn với cách mạng, thậm chí bị coi là những phần tử phản động, cho nên họ có thái độ cay cú, dựa trên một vài sự kiện, tài liệu có thật để rồi thêm thắt, bình luận, hoặc viết - nói rất ly kỳ, tinh vi không đúng về Hồ Chí Minh.
Lại có một số người, chắc cũng vì cái tâm không lành, đã lợi dụng báo chí chính thống Việt Nam để cắt xén, xuyên tạc, đặt điều đối với bài viết của một số người đã đăng thời gian trước đó, để, hoặc là chia rẽ nội bộ, hoặc là tiếp tay cho những thế lực đen tối, nói xấu, công kích những cây bút chân chính. Loại này rất nguy hiểm bởi vì họ dùng báo chính thống của Nhà nước để hành xử, cho nên không ít người bị lừa rồi tin vào những lời họ viết.
Còn một số người khác thì lại biến Hồ Chí Minh thành một siêu nhân. Đành rằng, trong tín ngưỡng của người Việt Nam, người ta đã lập nhiều đền thờ Hồ Chí Minh, nhiều nơi thắp hương, treo ảnh Hồ Chí Minh để thờ, lập đền thờ… Đó là văn hóa đền trong tín ngưỡng thờ phụng. Đó là sự tự cảm từ mỗi con tim mỗi người, là ý thức tôn vinh người đã khuất. Nhưng như thế không có nghĩa là biến Hồ Chí Minh thành một người siêu đẳng thể hiện trong các sách xuất bản, trong các bài đăng tạp chí khoa học, trong các buổi nói chuyện cho đông đảo người nghe.
Thường thì ở đời, ngợi ca thì dễ, chê bai thì khó. Khen đúng, chê đúng mới là điều cần làm. Khi đã thiên lệch, thì có khi người ta khen hết lời, dùng những tính từ, bổ ngữ hay nhất, dùng đại ngôn để gán cho một người nào đó mà mình muốn khen. Trong việc này, tôi không bàn đến người nghiên cứu có trong tay số lượng và chất lượng các tài liệu cần thiết, tuy rằng điều này là thực sự cần thiết mà thiếu nó thì người nghiên cứu không thể dựng lại được một bức tranh toàn cảnh đúng như nó có. Cái phần quan trọng là không được tô hồng hay bôi đen sự thật. Bản chất của cả hai khuynh hướng tô hồng hay bôi đen là một và chỉ một mà thôi: đó là sự bóp méo, làm sai lệch sự thật lịch sử. Không phải là việc bôi đen có hại hơn việc tô hồng, mà cả hai đều có hại như nhau. Đừng tưởng bất cứ sự ngợi ca nào đều là cộng vào cho Hồ Chí Minh. Sự ngợi ca không có cơ sở chắc chắn, không đúng sự thật thì đều là điểm trừ chứ không thể nào là điểm cộng cho cái tốt của Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh là một thực thể trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể nhất định, cho nên Người có cả những thành công trong cuộc sống và cũng có cả những điểm không thành công, những hạn chế chủ quan. Đúng là nhân vô thập toàn. Chính bản thân Hồ Chí Minh cũng quan niệm: người đời ai cũng có khuyết điểm cả, không nhiều thì ít, không lớn thì bé; trừ khi nằm trong bụng mẹ và lúc nằm trong quan tài.
Vài lời kết
Trong đầu đề của bài viết này, có hai chữ bàn thêm. Bàn thêm là bởi vì tôi thấy đã có rất nhiều sách báo, cả báo viết, báo hình, về Hồ Chí Minh. Giá trị văn hóa Hồ Chí Minh vào thời điểm hiện nay, lúc kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), tiếp tục hiện diện ở mốc đầu tiên của thập niên thứ ba thế kỷ XXI, một thế kỷ đầy năng động và chắc là đầy những biến cố khó lường. Sức sống của những giá trị đó, đương nhiên rồi, nằm trong tố chất văn hóa của con người Hồ Chí Minh. Thế chưa đủ. Nó còn phải có trong mỗi một người Việt Nam yêu nước với trách nhiệm đưa giá trị văn hóa Hồ Chí Minh vào cuộc sống, tiếp biến và nhân lên, lan tỏa giá trị của nó. Cần lắm những cái tâm lành, cái trí cao của những người Việt Nam yêu nước đương đại về vấn đề này./.
[i] Xem Biên bản Phiên họp lần thứ 24 Đại Hội đồng UNESO tại Paris, thủ đô nước Cộng hòa Pháp, tháng 10 - tháng 11 năm 1987, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Cuốn sách do Mạch Quang Thắng, Bùi Đình Phong, Chu Đức Tính (đồng Chủ biên): UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013 có đăng lại toàn văn Nghị quyết này bằng 6 ngôn ngữ do UNESCO chính thức sử dụng: Pháp, Anh, Nga, Arập, Hán, Tây Ban Nha. Bản dịch Nghị quyết này ra tiếng Việt Nam ở tr.71-72.
[ii] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.615.
[iii] T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.26.
[iv] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.674.
[v] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.674.
[vi] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.187.
[vii] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.614.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511066
265
2359
21440
217939
121356
114511066