Văn hóa và đời sống

Học tập và làm theo phong cách làm việc của Hồ Chí Minh

      

Bác Hồ với nông dân. Ảnh tư liệu            

Thứ nhất, phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là phong cách dân chủ, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Người từng dạy: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung, khi đề ra công việc, đề ra nghị quyết thì ai sẽ thực hiện? Quần chúng, tập thể sẽ thực hiện. Vì vậy, có dân chủ, bàn bạc dân chủ tập thể mới cùng nhau nhất trí, cùng quyết tâm thực hiện nghị quyết, quyết tâm làm theo công việc(Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 6 - trang 217). Phong cách dân chủ của Người biểu hiện ở chỗ: bất kỳ việc gì lớn hay nhỏ, Người đều tham khảo ý kiến của tổ chức, của những người xung quanh, trao đổi, thảo luận, cân nhắc, lựa chọn kỹ càng rồi mới ra quyết định. Chẳng hạn như khi Bác nháp xong bản Tuyên ngôn độc lập (năm 1945), Bác đã mời các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đến, Bác xin ý kiến, khi được thông qua rồi, Bác mới công bố vào ngày 02/9/1945 (theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn Những năm tháng không thể nào quên). Đó là một biểu hiện của phong cách dân chủ của Người. Người luôn biết khuyến khích, động viên để cho nhân dân dám nói lên sự thật, không kể đó là dân thường, cán bộ cấp cao hay cấp thấp. Người thường phê phán những biểu hiện mất dân chủ ở những người có chức, có quyền, phê phán kiểu làm việc áp đặt mệnh lệnh hành chính, độc đoán, chủ quan duy ý chí, tùy tiện, cực đoan,… Chẳng hạn, trước tình hình giặc Mỹ có thể cho máy bay đánh phá miền Bắc, Người đã triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt (xuân 1964) để tham khảo ý kiến quần chúng nhân dân. Đó là biểu hiện của phong cách dân chủ Hồ Chí Minh.

Thứ hai, phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là luôn luôn dựa vào quần chúng, luôn gần gũi nhân dân, dựa vào dân, tin dân, trọng dân, gắn bó với nhân dân.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Đại Thanh, huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày 12-1-1958. Nguồn tuoitre.vn

Tất cả các việc làm của Người đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Đối tượng phục vụ của chúng ta là nhân dân. Người cán bộ phải từ quần chúng mà ra rồi trở lại phục vụ cho quần chúng, phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc” (Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 3 - trang 321). Vì vậy nhiều lần Người đã phê phán tệ xa rời quần chúng, tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền đối với quần chúng. Trong một lần đi thăm nông dân ở Thái Bình (1958), Người đã xắn quần, cầm gàu cùng tát nước với nông dân, việc này đã làm cho lãnh tụ và quần chúng dễ dàng hòa nhập, hòa đồng với nhau, làm cho mọi người dân thấy lãnh tụ của mình rất mộc mạc, bình dị, gần gũi.

Thứ ba, phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là phong cách khoa học, khách quan, trung thực và luôn đổi mới.

Người đã từng nhắc nhở: “Khi người cán bộ làm việc thì phải làm việc có trọng tâm, trọng điểm, phải đi sâu, đi sát, phải kiểm tra để nắm người, nắm việc, nắm tình hình, phải làm việc cụ thể, thiết thực, kịp thời. Khi có những ý kiến khác nhau, người cán bộ phải phân tích, sàng lọc để tìm ra ý kiến đúng” (Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 6 - trang 113).

Bác dặn làm đến đâu phải chắc đến đó, làm xong việc này mới làm việc khác, phải trung thực, khách quan, không chạy theo bệnh thành tích. Cứ sau một thời gian làm việc phải rút kinh nghiệm và nâng cao, đổi mới phương pháp làm việc. Trước khi làm phải xác định mục đích, có kế hoạch, chương trình rõ ràng, tỉ mỉ, cụ thể. Bằng những việc làm cụ thể, Người là mẫu mực cho phong cách làm việc khoa học.   

Thứ tư, phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là phong cách nêu gương.

Người từng khẳng định: “Đối với các dân tộc phương Đông thì một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong suốt cuộc đời mình. Người luôn nêu cao những tấm gương người tốt việc tốt trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân. “Lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng cuộc sống mới, con người mới”. Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu ở giai đoạn ác liệt, Người đã tự viết bài nêu gương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi để cho thanh niên và nhân dân cả nước học tập và làm theo.

Phong cách làm việc nêu gương của Bác giờ đây vẫn có giá trị thời sự nóng hổi. Tháng 10/2018, Hội nghị Trung ương 8 (khóa 12) đã quy định trách nhiệm nêu gương của các cán bộ, đảng viên, trước hết là trách nhiệm nêu gương của ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “Nếu từng đồng chí trong 200 ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 thật sự đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thì sẽ góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng” (Diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa 12 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).

Thứ năm, phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là khéo dùng người, trọng dụng người tài.

Người luôn xác định rằng việc dùng người phải hợp lý, đúng nơi, đúng năng lực và sở trường của họ, trước khi dùng người thì phải nói cho họ hiểu rõ mọi mặt công việc họ sẽ làm. Đồng thời Người cũng khẳng định phải trọng dụng người tài: “Người tài to dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy ta sẽ không lo thiếu cán bộ” (Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 1 - trang 141).

Chẳng hạn năm 1940, khi hai đồng chí Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng ở Việt Nam sang Trung Quốc, qua trao đổi, tìm hiểu, Bác phát hiện ra đồng chí Võ Nguyên Giáp có năng khiếu về quân sự, Bác đã cử đồng chí Võ Nguyên Giáp đi học Trường quân sự Hoàng Phố của Đảng Cộng sản Trung Quốc, như ta đã biết sau này đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành nhân tài về quân sự, hoặc khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Người đã kịp thời kêu gọi trí thức Việt Nam ở nước ngoài về xây dựng đất nước (như ông Trần Đại Nghĩa ở Pháp về), sử dụng đúng và phát huy được năng lực của một số quan lại cũ của triều đình Huế (như các ông Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn,…).

Thứ sáu, phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là nói đi đôi với làm.

Theo Người, nói đi đôi với làm không chỉ là chuẩn mực trong đạo đức truyền thống mà còn là chuẩn mực đạo đức của người cán bộ đảng viên. Sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm của người đảng viên cần phải đạt được sự nhất quán trong việc chung và trong đời sống riêng. Địa vị càng cao, càng phải mẫu mực trong việc nói và làm. “Muốn rèn luyện được phong cách nói đi đôi với làm, người đảng viên phải thường xuyên tự kiểm điểm, soi xét chính mình, phải làm gương cho quần chúng tin tưởng, tôn trọng mình, không được nói mà không làm hoặc nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đàng làm một nẻo” (Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 4 - trang 31). Người yêu cầu trong mọi lúc, mọi nơi, người đảng viên phải luôn luôn gương mẫu trong công tác cách mạng và trong đời sống cá nhân, phải miệng nói tay làm để quần chúng noi theo.

Thứ bảy, phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là phong cách kiểm tra, giám sát một cách cụ thể và thường xuyên.

Người luôn nhắc nhở cán bộ phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá cao cách làm việc này: “Kiểm tra, giám sát giống như ngọn đèn pha”, bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm, khuyết điểm qua kiểm tra chúng ta đều biết rõ. Có thể nói chín phần mười khuyết điểm của chúng ta là do thiếu kiểm tra, giám sát. Nếu tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, cụ thể và chu đáo thì nhất định chúng ta tiến bộ gấp mười, gấp trăm” (Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 5 - trang 249).

Người cho rằng thông thường có hai cách giám sát, kiểm tra. Cách thứ nhất là kiểm tra từ dưới lên trên, tức là quần chúng nhân dân giám sát, kiểm tra công việc của các cấp trên, việc kiểm tra này thực hiện thông qua quy chế dân chủ ở cơ sở và kiểm tra qua cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng phải làm tốt việc giám sát, kiểm tra. Cách thứ hai là giám sát, kiểm tra từ trên xuống, người lãnh đạo kiểm soát công việc của cán bộ mình. Trong tình hình hiện nay, phải phát huy cao độ vai trò của nhân dân trong việc giám sát, kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tóm lại, phong cách làm việc của Hồ Chí Minh đã được Người thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Việc học tập phong cách làm việc của Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân ta nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch vững mạnh, luôn luôn xứng đáng với niềm tin của quần chúng nhân dân./.

 

 

 

 

 

                                     

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511068

Hôm nay

267

Hôm qua

2359

Tuần này

21442

Tháng này

217941

Tháng qua

121356

Tất cả

114511068