Đất Nghệ

Quỳnh Đôi - Cái nôi của nhân tài

Nhà giáo Văn Như Cương sinh ra và lớn lên ở một làng quê rất nổi tiếng. Đó là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Cả xã Quỳnh Đôi cũng chỉ có một làng gọi là Làng Quỳnh với 8 thôn (hay còn gọi là xóm).

Quỳnh Đôi là một xã nhỏ; diện tích tự nhiên 399,19 ha; dân số 4.900 nhân khẩu, với  trên 1.200 hộ. Nói về nhân khẩu, 4.900 là số gần đúng chỉ những người còn sống tại làng, còn nếu kể cả những người sống ở khắp mọi nơi trên trên trái đất thì có thể lên tới hàng chục ngàn. Mối quan hệ giữa những người Quỳnh Đôi sống ở Làng Quỳnh với những người sống ở nơi khác rất khăng khít và có ảnh hưởng qua lại sâu sắc.

Hiện nay, Quỳnh Đôi đã đạt chuẩn nông thôn mới nên đường làng, nhà cửa, cổng làng, cổng xóm được xây dựng khang trang, ngăn nắp. Trước đây, đường làng khá quanh co vì người ta cố tình làm như vậy để những người đỗ đạt “vinh quy bái tổ” về làng được nhiều người chào đón. Nay, người dân Quỳnh Đôi chủ yếu sống tập trung theo các trục đường liên thôn và đường giao thông du lịch biển Quỳnh đi qua xã. Con đường này mới làm trong những năm gần đây, nối từ quốc lộ 1A với các bãi biển. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và các hoạt động khác. Nó cũng thuận lợi cho những người muốn đến tìm hiểu, tham quan một địa danh bình dị đã trở nổi tiếng.

Về vị trí, xã Quỳnh Đôi, nằm cách huyện lỵ Quỳnh Lưu - Thị trấn Cầu Giát khoảng 5 km về hướng Đông Bắc; phía Đông giáp xã Quỳnh Yên, phía Tây giáp xã Quỳnh Hậu, phía Nam giáp xã Quỳnh Bá và phía Bắc giáp xã Quỳnh Thanh. Đi từ Hà Nội vào, quãng đường sẽ khoảng 235 km. Đi từ Vinh ra, khoảng cách là 65 km. Nhìn chung, đây là một địa điểm nằm giữa trung tâm huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Toàn xã Quỳnh Đôi có 8 di tích lịch sử được xếp hạng; trong đó có 6 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp tỉnh. Chỉ riêng điều này cũng nói lên đây là mảnh đất có một điều gì đấy rất đặc biệt. Lịch sử hình thành và phát triển của Làng Quỳnh được ghi lại khá rõ ràng, chi tiết và gợi lên rất nhiều điều đáng để suy ngẫm, học hỏi. Khi nói đến Quỳnh Đôi, người ta nghĩ ngay tới mảnh đất văn vật nổi tiếng trong vòng  640 năm nay.

NHỮNG NGƯỜI MỞ ĐẤT, DỰNG LÀNG

Trong thế kỷ 20, những nghiên cứu về Quỳnh Đôi xuất hiện khá nhiều. Điều này cũng không có gì lạ vì địa danh này có sức hấp dẫn các nhà nghiên cứu khi chỉ là một mảnh đất nhỏ nhoi đã góp cho đất nước rất nhiều danh nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong suốt hàng mấy trăm năm. Rồi chính những người con của vùng đất này cũng tham gia nghiên cứu về mảnh đất “chôn rau, cắt rốn” của tổ tiên mình để hiểu thêm về các thế hệ đi trước và để lại làm di sản quý giá cho các thế hệ mai sau.

Căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu có được, chúng ta có thể tóm tắt lịch sử phát triển của làng Quỳnh Đôi như sau.

Vào giữa thế kỷ XIV, một quan chức nhỏ của Triều Trần là Hồ Kha đã quan tâm đến việc khai hoang, lập ấp trên mảnh đất lúc đó cũng không có gì đặc biệt này. Sử sách ghi lại và chỉ ra rằng, cụ Hồ Kha thuộc hậu duệ đời thứ 13 của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (người được xem là ông tổ họ Hồ ở Việt Nam). Cụ sinh năm 1326, tại thôn Tam Công, xã Quỳ Trạch, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Khi lớn lên, cụ Hồ Kha dời ra thôn Nghĩa Liệt, xã Tiên Sinh, tổng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu sinh sống. Ngay từ thời niên thiếu, Hồ Kha đã nổi tiếng chăm học, hay chữ, biết nhiều. Tuy nhiên, cụ từng đi thi nhiều lần nhưng không đỗ cao. Dẫu vậy, cụ vẫn được giữ một chức quan nhỏ dưới triều đại Nhà Trần. Khi tuổi gần 40, thấy triều chính rối ren, cụ Hồ Kha lui về quê sinh sống; ông có 2 con trai, con trưởng là Hồ Hồng, con thứ là Hồ Cao.

Ngày đấy, cụ Hồ Kha đã đến vùng Quỳnh Đôi bây giờ, lặn lội, quan sát kỹ lưỡng. Theo ông, tuy đây không phải là nơi “sơn thủy hữu tình” nhưng lại là một mảnh đất rất đáng chú ý, có những điều gì đó hấp dẫn. Lúc đó, cụ Hồ Kha chưa nghĩ đây là “địa linh, nhân kiệt” nhưng cụ biết đây là vùng đất linh thiêng, có thể phát triển tốt. Sau đấy, chính xác là vào năm 1378, cụ Hồ Kha đã giao cho con cả là Hồ Hồng cùng với các ông Nguyễn Thạc, Hoàng Khánh đến vùng đất này khai khẩn, lập ấp và đặt tên là “Thổ Đôi Trang”.

Đã có nhiều phân tích, suy luận, suy đoán về cái tên “Thổ Đôi Trang”. Đặc biệt, ông Hồ Đức Vấn, trong quyển sách “Quê hương nghĩa trọng” đã có công sưu tầm những sự việc, những con người liên quan đến mảnh đất này và cho rằng, chữ “Đôi” ở đây rất quan trọng, dường như có chứa một năng lượng huyền bí nào ở trong đó. Trải qua 640 năm biến động, về cơ bản, chữ “Đôi” vẫn được giữ làm tên xã, tên làng ngày nay. Chữ “Đôi” có ý nghĩa như thế nào, mong các học giả tiếp tục nghiên cứu và chỉ rõ.

Trở lại với những người mở đất, dựng làng. Theo như một số tài liệu ghi lại, ba ông tới mở đất dựng làng thời đó cũng là những người có chức sắc. Ông Nguyễn Thạc được gọi là An hoà hầu Nguyễn Thạc. Còn ông Hoàng Khánh cũng được gọi theo chức sắc là Quan Hành khiển lộ Diễn Châu.

Thực sự là chúng tôi không hiểu chức tước của họ to nhỏ thế nào nhưng căn cứ vào những gì họ làm được, có thể khẳng định đây là những người có tri thức, có tầm nhìn và có tấm lòng với quê hương, đất nước. Việc mở đất, dựng làng khi nào cũng là những việc lớn, chỉ có những con người mạnh mẽ, có chí, có tâm mới làm được. Như vậy, có thể xem những người mở đất, lập nên Làng Quỳnh chính thức có 3 người là ông Hồ Hồng, ông Nguyễn Thạc, ông Hoàng Khánh. Còn cụ Hồ Kha, cha của ông Hồ Hồng được xem là người phát kiến, chỉ đạo.

Căn cứ vào lịch sử dân tộc, lúc này là vào cuối thời Nhà Trần, chính xác là dưới thời vua Trần Phế Đế (1377-1388); tên huý của ông vua này là Trần Hiệu, con trưởng của Duệ Tông, mẹ là bà Gia Từ hoàng hậu Lê Thị, sinh ngày 6 tháng 3 năm Tân Sửu - 1361. Khi Duệ Tông tham gia giao tranh và chết trận ở phương Nam, Nghệ Tông lập Trần Hiệu lên ngôi vua. Sử sách cho rằng, đây là một ông vua không có gì đặc biệt, thậm chí là kém cỏi, nhu nhược, hầu như không làm được việc gì. Quyền bính lúc này ngày gần như trung vào tay Hồ Quý Ly. Có thể nói đây là lúc triều chính rối ren, xã hội có dấu hiệu suy tàn, những kẻ sĩ trong thiên hạ bối rối… Chính quyền trung ương của nhà nước phong kiến hầu như không kiểm soát được tình hình ở các địa phương, nhất là vùng đất xa như Nghệ Tĩnh.

Đặt trong bối cảnh lịch sử như vậy để thấy tâm trạng và tầm nhìn của những người mở đất. Khi họ đến đây, nơi này là một vùng đất hoang với cây cối tạp nham và cỏ dại um tùm. Vùng đất này giáp sông Mai, gần cửa biển Lạch Quèn, còn gọi là Cửa Quyền - một trong ba cửa biển của huyện Quỳnh Lưu (ngoài Lạch Quèn, còn có Lạch Cờn (Càn) và Lạch Thơi (Thai). Cách đó không xa, chỉ chưa đầy 30 dặm về phía Nam là Phủ Diễn – nơi đã trở nên đô hội cả gần ngàn năm trước đó. Như vậy, có thể thấy là vùng đất này trước cụ Hồ Kha, dường như chưa được ai chú ý, chưa ai thấy giá trị của nó.

Tiếp theo sau họ Hồ, họ Nguyễn, họ Hoàng là họ Dương, họ Phan, họ Phạm, họ Văn…đã đến đây chung sức, chung lòng xây dựng trang ấp. Đặc biệt, sự kiện năm 1440, khi đại diện họ Hồ mời ông Dương Văn Khai về đây dạy chữ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Từ đây, việc học ở mảnh đất này mới phát triển mạnh mẽ.

“Đất lành chim đậu”, tiếp sau đó là các dòng họ khác cũng về đây lập nghiệp, đến nay làng đã có trên 40 dòng họ. Các dòng họ không kể đến trước hay đến sau, không kể đông hay ít người đều một lòng đoàn kết, tâm đầu ý hợp xây dựng và làm giàu cho mảnh đất quê hương, đây là nét đẹp của con người Quỳnh Đôi.

Từ buổi đầu lập làng, các dòng họ đã biết tiếp thu các tinh hoa văn hóa từ khắp nơi về đây và phát triển nên nét văn hóa độc đáo Làng Quỳnh. Trong quá trình dựng và giữ làng, làng đã xây dựng được hương ước, có thể nói là một trong những làng có hương ước sớm và tiến bộ nhất lúc bấy giờ. Hương ước quy định từng chương, từng điều nhằm điều chỉnh mọi hành vi hướng con người làm việc thiện, mang đậm đà truyền thống đạo lý nhân văn. Hiện nay, bản hương ước của làng được kế thừa, phát triển và có những nội dung thuộc về “luật tục” được người dân áp dụng trong cuộc sống đương đại.

LÀNG QUỲNH - ĐỊA LINH, NHÂN KIỆT

Ở đâu có nhiều người tài giỏi, nổi tiếng, thành đạt điều được gắn cho bốn chữ “địa linh, nhân kiệt”, hiểu nôm na là đất linh thiêng sinh ra những người xuất sắc. Liên quan đến Quỳnh Đôi, nhiều người cũng đã tìm hiểu địa hình, địa vật, thế núi, giáng sông để chỉ ra những điều kiện thuận lợi khiến những con người của làng này thành đạt.Trên đất nước Việt Nam có nhiều nơi được xem là “địa linh, nhân kiệt”. Ở tỉnh Nam Định có làng Hành Thiện là tên một làng cổ nổi tiếng về học hành và đỗ đạt (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Ở Hà Tĩnh có làng Tùng Ảnh ở huyện Đức Thọ cũng nức tiếng nhiều danh nhân. Những nơi này đều được gọi là “địa nhân, linh kiệt”. Nhưng hình như Làng Quỳnh ở Nghệ An có một cái gì đó đặc biệt hơn để trong vòng 640 năm nay, khi nào mảnh đất nhỏ bé này cũng sản sinh ra những người nổi tiếng, có những đóng góp có giá trị trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tôi đã có nhiều lần đến nơi đây, nhìn ngắm, suy ngẫm nhưng đều phải dựa vào ý kiến của các nhà nghiên cứu để nói về vùng đất này. Đây là một vùng đất khá bằng phẳng; phía Đông Bắc (phía biển) được các ngọn núi che chắn, ba hướng còn lại thoáng đãng, thỉnh thoảng nổi lên những núi đá vôi nhỏ, thường được gọi là lèn. Quỳnh Đôi có hai hòn lèn chiếu vào, phía đông có lèn Bảng gọi là Bảng Canh, phía tây có lèn Bèo gọi là Hiền Hoa. Có chuyện kể rằng, vào năm 1885, Tú tài Hồ Phi Hội biên soạn cuốn sách “Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên trang”. Trong phần tựa, có kể rằng, đêm nằm mơ thấy một vị thần báo mộng “Giáp canh bảng tại văn tự tại” -  có nghĩa lèn Bảng còn thời văn tự còn. Giấc mộng này nói về sự tồn tại vĩnh viễn và ý nghĩa to lớn của chuyện học hành.Hiện nay, lèn Bảng (Bảng Canh) vẫn tồn tại, còn lèn Bèo (Hiền Hoa) đã bị dân khai phá tận gốc để lấy đá xây nhà, làm đường.

Liên quan đến địa hình, địa vật của Quỳnh Đôi, còn phải nói rõ thêm là hiện nay, trong làng có một ngôi đình lớn trông về hướng Nam, trước mặt là lèn Mục tức lèn Yên Ngựa (Mã Yên Sơn), sau lưng là lèn Tàn (Trụ Hải) trông như cái lọng che cho đình. Hai phía đông, tây là hai hòn lèn mà theo trí tưởng tượng của mọi người, chúng như cái bảng chầu về ở hai xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Bảng. Xế về phía đông nam có hai cột đá nhô lên như hai quản bút và một bãi đá giống cái nghiên mực gọi là Hòn Bút, Hòn Nghiên (làng Bút Luyện).

Với địa thế như vậy, người ta tin là dân cư sống ở đây phải học giỏi. Mà thực sự những con số, những tên tuổi đã chứng minh một cách thuyết phục cho nhận định này. Cũng có thể suy diễn và nói theo chiều ngược lại: Từ chuyện người của Làng Quỳnh học giỏi và đỗ đạt nhiều, người ta đi tìm nguyên nhân và tưởng tượng để dựng nên chuyện thiên nhiên đã tạo dáng, tạo hình như vậy. Nhưng bất kể nguyên nhân gì, việc học hành, đỗ đạt ở Làng Quỳnh thực sự là một câu chuyện rất ấn tượng, nếu chỉ giải thích là dân ở đây hiếu học, e khó thuyết phục. Bởi vì, ở vùng Nghệ An thì hầu như ở đâu con người cũng hiếu học nhưng không có nơi nào những người đỗ đạt và làm quan lại nhiều như vậy so với một vùng làng đất không rộng, người không đông.

Tính từ năm khai cơ 1378 đến năm 1918 - năm bãi bỏ khoa thi bằng chữ Hán, Làng Quỳnh đạt được những thành tựu sau:

Về thi hương, tất cả có 526 tú tài và 208 cử nhân với 963 lượt người thi đỗ ở 116 khoa thi, bình quân mỗi khoa có 8,3 người đỗ, chiếm khoảng 10% số người thi đỗ của cả Nghệ Tĩnh.

Về thi hội, có 4 phó bảng: Hồ Bá Ôn, Phan Duy Phổ, Hoàng Mậu, Lê Xuân Mai; Có 6 tiến sỹ: Hồ Sỹ Tân, Phan Hữu Tính, Hồ Sỹ Tuần, Văn Đức Giai, Nguyễn Sỹ Phẩm, Dương Thúc Hạp; Có 2 hoàng giáp: Hồ Phi Tích, Hồ Sỹ Đống; Có 1 thám hoa: Dương Cát Phủ và 1 bảng nhãn: Hồ Sỹ Dương, chiếm 10% của cả tỉnh.

Thật ra, trên đây là cách tính đơn thuần theo năm tháng, còn trên thực tế mãi tới năm 1440 khi những người dựng làng mời ông Dương Văn Khai về dạy chữ thì lúc này chuyện học hành mới bắt đầu được chú trọng và một thời gian sau nữa mới có người dự thi. Chúng ta cứ tưởng tượng: Một làng mới với số người không đông, còn nghèo khó mà đã đầu tư cho chuyện học hành lớn như vậy là một chuyện rất đặc biệt. Và đặc biệt hơn, cái làng nhỏ này trong hàng trăm năm liền chiếm tới 10% số người đỗ đạt của cả vùng Nghệ Tĩnh rộng lớn.

Khi chuyện học, thi để làm quan nữa, người Làng Quỳnh vẫn cứ chọn việc học là hoạt động chính, là việc quan trọng nhất của làng, mặc dù thời gian này thực dân Pháp đã đặt ách thống trị hà khắc lên vùng đất miền Trung. Lúc này, nội dung học,  mục đích học đã đổi khác – học không phải là để làm quan, mà là để làm người, sau đấy là làm nghề - nghề dạy học và các nghề kỹ thuật khác. Cũng chính từ chuyện học này, người Làng Quỳnh hiểu ra cần phải tìm cách đưa dân tộc thoát ra khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Những người ưu tú của Làng Quỳnh tham gia hoạt động cách mạng. Tiêu biểu cho thời kỳ này là các ông Hồ Học Lãm, Hồ Tùng Mậu, Hồ Viết Thắng.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, người Làng Quỳnh khẳng định việc học mang lại lợi ích lớn nhất cho từng gia đình và cả làng nói chung. Do vậy, chuyện học vẫn được quan tâm nhiều nhất, xem đây là mũi nhọn để lập thân, lập nghiêp, lập danh. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến năm 2018, có khoảng 1000 người tốt nghiệp đại học, gần 100 thạc sỹ, 56 tiến sỹ, 16 phó giáo sư, 4 giáo sư và 2 viện sỹ quốc tế. Những con số này còn biến đổi theo thời gian.

Cùng với việc học hành, mở mang trí tuệ, nghĩa là có nhiều người tham gia hoạt động xã hội, hoạt cách mạng. Chuyện thành danh trong lĩnh vực chính trị từ khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam đến nay cũng rất ấn tượng. Số Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng qua các thời kỳ là 5 người, trong đó có 2 ủy viên Bộ chính trị; 9 đại biểu Quốc hội; 5 Bí thư tỉnh ủy; 5 Phó bí thư tỉnh ủy; 15 Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương; hàng trăm cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội và các doanh nghiệp, …

Sau Cách mạng tháng 8/1945 đến nay, Việt Nam đã trải qua những cuộc chiến tranh lâu dài, khốc liệt. Vì vậy, việc gia nhập lực lượng vũ trang là điều được người Làng Quỳnh ưu tiên. Thanh niên Quỳnh Đôi từ thế hệ này đến thế hệ khác rất hăng hái lên đường ra trận; đã có 2.511 thanh niên đã gia nhập lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong, chưa kể hàng trăm người đi dân công hỏa tuyến phục vụ trên khắp các chiến trường. Nhiều người trong số họ đã lập chiến công xuất sắc, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, nhiều danh hiệu dũng sỹ. Tiêu biểu là Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan. Trong số những người tham gia quân đội, có 5 người được phong quân hàm cấp tướng, 46 người là đại tá. Đó là chưa kể hàng trăm người vào ngành công an, ở đó cũng có người cấp tướng và nhiều đại tá. Sự hi sinh của người Làng Quỳnh cũng rất lớn: 226 người là liệt sĩ,115 là thương binh.

Song, điều người Làng Quỳnh tự hào nhất có lẽ nằm ở lĩnh vực văn hóa, giáo dục, văn chương, chữ nghĩa, nghệ thuật… Có lẽ, việc nữ sĩ Hồ Xuân Hương được xem là Bà Chúa thơ Nôm đã khuyến khích người Quỳnh Đôi cống hiến nhiều cho những lĩnh vực này. Sau Cách mạng tháng 8/1945 đến nay, Làng Quỳnh có hàng trăm người đã và đang hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, văn chương, báo chí,…Những người thành danh trong những lĩnh vực này lên tới hàng trăm.

NHỮNG ĐIỀU RẤT LÀNG QUỲNH

Nhiều người đã đưa ra nhận xét: Học hành là công việc đặc biệt của người làng Quỳnh. Nhờ học hành mà người Làng Quỳnh đã tiếp thu và truyền bá được những kiến thức cần thiết, mở mang ngành nghề, làm quan, làm thầy học, thầy thuốc..., nhờ đó mà vượt qua đói nghèo, trở thành một làng văn hiến nổi tiếng xưa nay, đóng góp đáng kể nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, ở cái mảnh đất nhỏ nhoi này phải có điều gì đó đặc biệt, ngoài chuyện “địa linh” ra chứ?!.

Với dân xứ Nghệ, học để làm người, học để lập nghiệp là sự lựa chọn đầu tiên. Tuy nhiên, ít có làng nào dám xem học là “nghề truyền thống” như làng Quỳnh Đôi. Vì vậy, điều đặc biệt đầu tiên của Làng Quỳnh là ở đây xem học là nghề truyền thống. Ai cũng biết, việc học chưa đưa lại cơm áo gạo tiền ngay; ngược lại, muốn học phải trả tiền. Ấy vậy mà ở đây người ta xem học là nghề; đã xem học là nghề thì ai cũng phải “làm”. Mà không phải là nghề bình thường, mà là nghề truyền thống; nghĩa là nghề này có lâu lắm rồi và nó sẽ còn được tiếp tục mãi mãi.

Từ xưa, người làng Quỳnh nghèo nhưng hiếu học, học giỏi và đỗ đạt cao. Chính vì thế mà có câu đối vui: “Sáng khoai, trưa khoai, chiều khoai, suốt ngày khoai/ Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, cả nhà đỗ”. Cái chữ “đỗ” ở đây nó mới ghê gớm làm sao!

Nhưng để có thể học và thi đỗ được, con người ta phải có cái ăn, cái mặc. Chính vì vậy, việc lo cái ăn, cái mặc phải được coi trọng để có điều kiện tập trung vào việc học. Mà ngày xưa, chủ yếu là đàn ông được học, còn phụ nữ thì không. Tìm hiểu ra thì thấy vai trò của những người phụ nữ Làng Quỳnh là rất lớn, vì họ chính là những người lo cái ăn, cái mặc cho cả gia đình. Ngoài làm nghề nông ra, họ còn dệt vải, làm bún, làm trầm hương… Đây chính là những nghề nuôi sống người và “nuôi” luôn nghề học. Vậy, điều đặc biệt thứ hai của Làng Quỳnh là phụ nữ rất chăm chỉ lao động, họ tinh thông nhiều nghề, ngoài nghề nông.  Vậy là, sở dĩ “nghề học” của làng đạt được những thành tựu lớn là dựa vào nghề nông và các nghề khác do “gái làng Quỳnh” đảm nhận. Trong đó phải kể đến: Bà Đàm Thị, phu nhân Quận công Hồ Phi Tích đã đem nghề dệt lụa về Quỳnh Đôi và đã trở thành nghề quan trọng; Nghề làm bún do vợ ông Nguyễn Thục, quê ở Quảng Nam truyền lại; Nghề mộc do bà Trương Thị Thành, vợ Quận công Hồ Sỹ Dương đưa về hướng dẫn cho dân làng.

Điều đáng chú ý là những người phụ nữ đưa nghề từ nơi khác đến Làng Quỳnh thường là phu nhân của các quan to. Sử sách không nói họ có xinh không, nhưng rõ ràng là họ giỏi và đảm đang. Ngoài ra, họ yêu chồng và yêu cả quê chồng nên mới chịu khó truyền nghề cho người làng của quê chồng. Chả trách, ngày xưa nhiều bậc cao niên của những làng nghề nổi tiếng ra lệnh cấm truyền nghề cho con gái. Đúng, “con gái là con người”, nó lấy chồng, theo chồng và mang theo nghề của làng cho những nơi khác. Thật ra, tư tưởng cấm đoán này đã phá sản từ xa xưa như chúng ta đã thấy. Khi con người có trí tuệ, khó mà cấm được họ điều gì.

Từ buổi đầu lập làng, các dòng họ đã biết tiếp thu các tinh hoa văn hóa từ khắp nơi về đây và phát triển nên nét văn hóa độc đáo Làng Quỳnh. Trong quá trình dựng và giữ làng, làng đã xây dựng được hương ước rất sớm. Hương ước quy định từng chương, từng điều nhằm điều chỉnh mọi hành vi hướng con người làm việc thiện, mang đậm đà truyền thống đạo lý nhân văn. Hiện nay, bản hương ước của làng được kế thừa, phát triển và có những nội dung thuộc về “luật tục” được người dân áp dụng trong cuộc sống đương đại. Quỳnh Đôi là một xã có hương ước sớm và hương ước đó quy định cho Quỳnh Đôi xưa một nếp sống văn hóa được gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay. Hương ước thì nhiều làng xã có, đặc biệt là các làng xã ở Bắc Bộ. Nhưng vấn đề là nội dung hương ước và việc thực hiện nó. Điều này người Làng Quỳnh không muốn nói nhiều, nói sâu. Họ xem như đây là bí mật riêng của làng. Chúng ta chỉ biết, người Làng Quỳnh rất đoàn kết, họ yêu thương nhau và dẫn dắt nhau đi. Đây là điều đặc biệt thứ ba của Làng Quỳnh. Có lẽ đây mới chính là nguyên nhân trực tiếp khiến Làng Quỳnh có nhiều người đỗ đạt, làm quan ngày xưa và làm cán bộ thời nay. Đây là điều đơn giản, dễ hiểu vì bố đã thành đạt thì thường hướng con đi theo con đường của mình. Người anh kiếm được một vị trí vứng chắc trong xã hội thì sẽ làm điểm tựa cho những người em phía sau. Gia đình này làm được như vậy, gia đình khác sẽ học theo. Dòng họ này làm được như thế, dòng họ khác học theo. Thế là hình thành nên một phong trào học hỏi, thi đua một cách mạnh mẽ. Với cách này, cộng với chuyện học giỏi thì việc thành đạt không có gì là khó hiểu nữa cả.

Quỳnh Đôi là một trong những làng khoa bảng nổi tiếng nhất cả nước, là niềm tự hào của mảnh đất Nghệ An. Ngày nay, người Quỳnh Đôi dù đi đâu, làm gì cũng dặn dò con cháu tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học và khoa bảng của làng mình. Sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng như vậy, Nhà giáo Văn Như Cương chắc chắn là lĩnh hội đầy đủ những nét đẹp truyền thống của làng, xem đây là một nguồn động viên, một trong những cơ sở của sức mạnh tinh thần, trí tuệ trên con đường lập nghiệp của mình. Cuộc đời 80 của ông đã chứng tỏ ông là một người Làng Quỳnh xuất sắc, góp phần tô đậm thêm truyền thống hiếu học, đỗ đạt và làm được nhiều điều có ích cho đất nước.

Về Làng Quỳnh - quê của Nhà giáo Văn Như Cương - thì có thể viết được rất nhiều điều thú vị. Tuy nhiên, điều đấy có những người khác đã, đang và sẽ làm một cách hào hứng, khoa học, chi tiết và có hệ thống. Còn tôi, với tư cách là một người bạn ít tuổi của Nhà giáo Văn Như Cương, chỉ dám điểm qua đôi điều vậy thôi. Song, thiết nghĩ, trong quá trình nói về sự trưởng thành và những đóng góp của thầy Văn Như Cương, những điều đặc sắc của Quỳnh Đôi cũng sẽ hiện lên rõ nét. Làng Quỳnh và Nhà giáo Văn Như Cương hòa quyện vào nhau để làm cho một làng quê bình dị của Nghệ An tỏa sáng.

________________________________

Rút từ sách: Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511022

Hôm nay

221

Hôm qua

2359

Tuần này

21396

Tháng này

217895

Tháng qua

121356

Tất cả

114511022