Nhìn ra thế giới

Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó

Lời giới thiệu: “Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó”, được biết dưới cái tên “Báo cáo mật của Khrushyov”, là báo cáo của Nikita Sergeyevich Khrushyov, được đọc trong phiên họp kín của đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX) lần thứ XX vào ngày 25 tháng 2 năm 1956. Báo cáo đã vạch trần những tội ác được thực hiện dưới thời Stalin, đặc biệt là những vụ thanh trừng các lãnh đạo cao cấp của ĐCSLX và quân đội, trong khi vẫn ủng hộ lí tưởng cộng sản bằng việc viện dẫn chủ nghĩa Marx-Lenin. 

Bài báo cáo là cột mốc lịch sử chính trong thời tan băng của Khrushyov, đồng thời cũng là dấu hiệu tranh chấp quyền lực nghiêm trọng trong hàng ngũ lãnh đạo Xô-viết mà phe nhóm Khrushyov đã chĩa mũi dùi tấn công uy thế của những người còn tồn tại trong thời kì thống trị của chủ nghĩa Stalin. Bề ngoài thì bài báo cáo được trình bày như nỗ lực kéo ĐCSLX lại gần hơn chủ nghĩa Lenin; tuy nhiên mục tiêu của Khrushyov chủ yếu là tranh thủ sự ủng hộ của các đảng viên về việc ông đã cho bắt giữ và hành quyết Beria vào năm 1953, cũng như hợp thức hóa quyền lực mới giành lại từ tay những người trung thành với Stalin là V.M. Molotov và G.M. Malenkov. 

Báo cáo được soạn thảo dựa vào kết quả điều của một ủy ban đặc biệt trực thuộc Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương (BCHTW) ĐCSLX, bao gồm Pospelov, Komarov, Aristov, Shvernik, được biết dưới cái tên Ủy ban Pospelov. Mục đích chính của ủy ban là điều tra những vụ trấn áp các đại biểu của đại hội ĐCSLX lần thứ XVII năm 1934. Đại hội XVII được chọn để điều tra là vì nó được biết đến như là “đại hội của những người chiến thắng” của chủ nghĩa xã hội “toàn thắng”, và vì thế con số to lớn những “kẻ thù” trong số những đại biểu đại hội cần phải được thẩm tra. Ủy ban này đưa ra bằng chứng là trong thời gian từ 1937-1938 (đỉnh điểm của thời kì Đại thanh trừng), trên 1,5 triệu người đã bị bắt vì “các hoạt động chống phá Xô-viết” trong số đó trên 680 ngàn người bị xử bắn. 

Nội dung của bài báo cáo đến được phương Tây qua con đường vòng. Một số bản báo cáo, theo lệnh của Bộ Chính trị ĐCSLX, được trao cho các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản anh em là khách mời của đại hội. Nhà báo Ba Lan gốc Do Thái, Viktor Grayevsky, đã mượn được tài liệu này của bạn mình là thư kí tại văn phòng của bí thư thứ nhất ĐCS Ba Lan. Sau khi đọc xong, ông mang nó đến tòa đại sứ Israel và đưa cho Yaakov Barmor, là một đại diện của Shin Bet (cơ quan tình báo Israel); ông này chụp ảnh tài liệu và gởi các bức ảnh chụp về Israel. 

Ngày 13/4/1956, Shin Bet tại Israel nhận được các ảnh chụp và chuyển chúng đến CIA. Ngày 17/4/1956, giám đốc CIA Allen Dulles nhanh chóng thông báo cho Tổng thống Mĩ Eisenhower. Sau khi kiểm tra tính xác thực của bản báo cáo, CIA tiết lộ thông tin này cho báo “The New York Times” vào đầu tháng 6/1956. Và như thế, nội dung bản báo cáo lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí Mĩ qua bản dịch tiếng Anh, sau đó đăng nguyên văn tiếng Nga. 

Tại Nga, toàn văn bản báo cáo chỉ được in trên tạp chí “Tin tức BCHTW ĐCSLX”, số 3, tháng 3 năm 1989, mặc dù nhiều đảng viên đã được thông báo về báo cáo một tháng sau khi Khrushyov đọc nó. 

Theo lời kể của A.N. Yakovlev (ủy viên Bộ Chính trị ĐCSLX 1987-1990), một đại biểu tham dự phiên họp kín đó: “Cả hội trường im phăng phắc, lặng như tờ. Không một tiếng cót két của ghế dựa, không một tiếng ho, không một tiếng thì thầm. Mọi người không ai nhìn vào mặt nhau — phần thì do sững sờ vì chuyện xảy ra, phần thì do bối rối và kinh hoàng. Một cảm giác sốc khủng khiếp không tưởng tượng nổi”.

Sau khi Khrushyov kết thúc bài báo cáo, thay mặt chủ tịch đoàn của phiên họp kín hôm ấy, N.A. Bulganin đề nghị toàn thể đại biểu tuyên thệ miễn thắc mắc và không được tiết lộ nội dung báo cáo.

 _________________________

Thưa các đồng chí! Trong báo cáo của BCHTW tại đại hội lần thứ XX, trong hàng loạt tham luận của các đại biểu đại hội, cũng như trong các kì hội nghị toàn thể BCHTW ĐCSLX trước đây, đã đề cập nhiều về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả tai hại của nó.

Sau khi Stalin mất, BCHTW đã nghiêm khắc và từng bước tiến hành kiểm điểm việc đề cao vai trò của một cá nhân, biến cá nhân đó thành kẻ siêu phàm với những phẩm chất siêu nhiên, tương tự như thần thánh, là điều không thể chấp nhận được và xa lạ với tinh thần học thuyết Marx-Lenin. Một con người dường như biết hết tất cả, nhìn thấy hết tất cả, suy nghĩ thay cho mọi người, có thể làm được tất cả và không hề sai lầm trong mọi hành động.

Nhiều năm nay, trong chúng ta vẫn tồn tại sự tôn sùng cho khái niệm về một con người như thế, nói một cách cụ thể, chính là về Stalin.

Bản báo cáo này không nhằm mục đích đánh giá toàn diện thân thế và sự nghiệp của Stalin. Công trạng của Stalin đã được trình bày đầy đủ trong nhiều sách vở, báo chí và các nghiên cứu, ngay từ sinh thời Stalin. Vai trò của Stalin trong việc chuẩn bị và tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong nội chiến, trong giai đoạn đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã được toàn thể mọi người biết rất rõ. Giờ đây, chúng ta đề cập đến một vấn đề có ý nghĩa hết sức lớn lao đối với hiện tại và tương lai của đảng ta — đó là sự sùng bái cá nhân Stalin đã được hình thành từng bước như thế nào, và trong một giai đoạn nhất định, đã trở thành nguồn gốc của hàng loạt vi phạm to lớn và đặc biệt nghiêm trọng những nguyên tắc đảng, nền dân chủ của đảng, nền pháp chế cách mạng.

Vì lẽ, không phải ai cũng thấy rõ những hậu quả của tệ sùng bái cá nhân trong thực tiễn, những thiệt hại nghiêm trọng do việc vi phạm nguyên tắc lãnh đạo tập thể của đảng và sự tập trung quyền lực lớn lao, không giới hạn trong tay một cá nhân, cho nên BCHTW nhận thấy cần thiết phải báo cáo trước đại hội ĐCSLX lần thứ XX những tư liệu về vấn đề này.

Trước hết, xin phép nhắc các đồng chí là các nhà kinh điển của học thuyết Marx-Lenin đã từng nghiêm khắc phê phán mọi biểu hiện của sự sùng bái cá nhân. Trong thư gửi nhà hoạt động chính trị người Đức Wilhelm Blos, Marx đã tuyên bố:

“… Trong thời kì hoạt động của Quốc tế cộng sản, ác cảm với mọi hiện tượng sùng bái cá nhân đã khiến tôi không bao giờ cho công bố rất nhiều thư từ đã làm tôi bực mình vì trong đó chỉ tán dương công trạng của tôi, được gửi đến từ nhiều nước; thậm chí tôi không bao giờ trả lời, chẳng lẽ đáp lại bằng những lời quở trách. Lần đầu tiên Engels và tôi gia nhập hội những người cộng sản bí mật với điều kiện phải xóa bỏ trong điều lệ hết thảy những gì tạo điều kiện cho sự sùng bái uy quyền một cách mê muội (sau này, Lassalle đã hành động hoàn toàn ngược lại)” (Marx & Engels toàn tập, tập XXVI, trang 487-488).

Ít lâu sau, Engels viết:

“Cả Marx và tôi đều luôn chống lại mọi sự biểu dương công khai liên quan đến những cá nhân riêng lẻ, ngoại trừ trường hợp có mục đích cao cả; và nhất là chúng tôi chống lại những biểu dương đối với cá nhân chúng tôi, ngay lúc sinh thời”. (Marx & Engels toàn tập, tập XXVIII, trang 385).

Mọi người đều biết đức tính khiêm tốn vĩ đại của thiên tài cách mạng Vladimir Ilich Lenin. Lenin luôn nhấn mạnh và đề cao vai trò của nhân dân, như những người sáng tạo lịch sử, vai trò lãnh đạo và tổ chức của đảng như một cơ thể sống, độc lập, vai trò của BCHTW.

Chủ nghĩa Marx không phủ nhận vai trò của những lãnh tụ giai cấp công nhân trong việc lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng.

Đánh giá cao vai trò của những người lãnh đạo và tổ chức quần chúng, Lenin đồng thời đả phá thẳng tay mọi biểu hiện sùng bái cá nhân, đấu tranh không khoan nhượng với mọi quan điểm cách mạng xã hội xa lạ với học thuyết Mac-xit về “anh hùng” và “quần chúng”, chống lại mọi ý đồ đưa “anh hùng” đối lập với quần chúng, với nhân dân.

Lenin dạy rằng sức mạnh của đảng nằm trong mối quan hệ không tách rời với quần chúng, rằng đằng sau đảng là nhân dân, bao gồm công nhân, nông dân, trí thức. Lenin nói: “Chỉ có kẻ nào tin tưởng ở nhân dân, chỉ có kẻ nào đắm mình trong nguồn sáng tạo sinh động của nhân dân, kẻ ấy mới có thể chiến thắng và giữ vững được chính quyền” (Lenin toàn tập, tập 26, trang 259).

Lenin tự hào nói về đảng cộng sản của những người bôn-sê-vich, như là người lãnh đạo và người thầy của nhân dân, Lenin kêu gọi đưa mọi vấn đề quan trọng ra bàn luận trước những công nhân giác ngộ và trước đảng của mình; người tuyên bố: “Chúng ta tin tưởng vào đảng, chúng ta thấy trong đó khối óc, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta” (Lenin toàn tập, tập 25, trang 239).

Lenin kiên quyết chống lại mọi mưu toan làm giảm hoặc làm suy yếu vai trò lãnh đạo của đảng trong hệ thống nhà nước Xô-viết. Người thiết lập những nguyên tắc bôn-sê-vich cho sự lãnh đạo của đảng và những quy tắc sinh hoạt đảng, người nhấn mạnh lãnh đạo tập thể là nguyên tắc cao nhất trong sự lãnh đạo của đảng. Ngay trong những năm trước cách mạng, Lenin vẫn gọi BCHTW là tập thể của những lãnh đạo, người bảo vệ và diễn giải những nguyên tắc của đảng. Lenin đã chỉ ra: “Trong khoảng thời gian giữa hai kì đại hội, BCHTW diễn giải những nguyên tắc của đảng” (Lenin toàn tập, tập 13, trang 116).

Nhấn mạnh vai trò và quyền hạn của BCHTW, Vladimir Ilich nêu rõ: “BCHTW của chúng ta đã hình thành một nhóm vô cùng tập trung và có uy tín cao…” (Lenin toàn tập, tập 33, trang 443).

Hồi sinh thời Lenin, BCHTW là biểu hiện chân chính cho sự lãnh đạo tập thể của đảng và đất nước. Là một chiến sĩ cách mạng Mac-xit, không bao giờ khoan nhượng trong những vấn đề mang tính nguyên tắc, song Lenin không bao giờ ép buộc các đồng chí phải phục tùng quan điểm của mình. Người thuyết phục, kiên nhẫn giải thích ý kiến của mình cho các đồng chí. Lenin luôn nghiêm khắc theo dõi việc thực hiện những quy tắc sinh hoạt đảng, tuân thủ điều lệ đảng, kịp thời triệu tập đại hội đảng và hội nghị toàn thể BCHTW.

Bên cạnh những cống hiến vĩ đại cho thắng lợi của giai cấp công nhân và nông dân lao động, cho thắng lợi của đảng ta và sự vận dụng tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản khoa học vào thực tiễn, sự sáng suốt của Lenin còn thể hiện trong việc người đã kịp thời phát hiện những phẩm chất tiêu cực của Stalin, mà sau này đã dẫn đến những hậu quả rất nặng nề. Lo ngại cho tương lai của đảng và nhà nước Xô-viết, V.I. Lenin đã nhận xét hoàn toàn đúng đắn tính cách của Stalin, đồng thời đề ra việc cần phải xem xét vấn đề chuyển Stalin khỏi chức vụ tổng bí thư, bởi Stalin là người quá thô lỗ, không quan tâm đúng mức đến các đồng chí, tính nết thất thường và lạm dụng quyền lực.

Tháng 12-1922, trong thư gửi đại hội đảng thường kì Vladimir Ilich đã viết:

“Từ khi nắm trọng trách tổng bí thư đảng, đồng chí Stalin đã thâu tóm vào tay mình quyền lực vô hạn mà tôi không dám chắc đồng chí sẽ đủ thận trọng để sử dụng quyền lực này”.

Bức thư đó — một văn kiện chính trị đặc biệt quan trọng, được biết đến trong lịch sử đảng dưới cái tên “Di chúc” của Lênin — đã được gửi đến các đại biểu đại hội lần thứ XX này. Các đồng chí đã đọc nó và nhiều khả năng sẽ còn đọc đi đọc lại nhiều lần. Các đồng chí hãy lưu ý đến những lời lẽ đơn giản của Lenin trong đó thể hiện mối quan tâm của người về đảng, về nhân dân, về nhà nước và đường lối chính trị của đảng trong giai đoạn tiếp theo.

Vladimir Ilich nói:

“Stalin là người quá thô lỗ và nhược điểm này hoàn toàn có thể chịu đựng được trong quan hệ giữa chúng ta, những người cộng sản, song không thể chấp nhận được trên cương vị tổng bí thư đảng. Vì thế, tôi đề nghị các đồng chí hãy suy nghĩ về biện pháp thuyên chuyển Stalin khỏi trọng trách này và đề cử vào vị trí đó một đồng chí khác, với những phẩm chất ưu tú hơn so với Stalin, cụ thể là kiên nhẫn hơn, trung thực hơn, nhã nhặn hơn, chu đáo với đồng chí hơn, ít thất thường hơn v.v…”

Văn kiện đó của Lenin đã được công bố cho các đại biểu đại hội lần thứ XIII, và khi đó các đại biểu đã thảo luận về vấn đề chuyển Stalin khỏi chức vụ tổng bí thư. Tuy nhiên, các đại biểu đã biểu quyết duy trì Stalin ở cương vị ấy, hi vọng Stalin sẽ chú ý đến những nhận xét mang tính phê bình của Vladimir Ilich và biết khắc phục những nhược điểm đã khiến Lenin đặc biệt lo ngại.

Thưa các đồng chí! Cần phải báo cáo đại hội về hai tài liệu mới bổ sung cho đánh giá của Lenin về tính cách của Stalin, mà người đã nêu rõ trong Di chúc của mình.

Những tài liệu đó là thư của Nadezhda Konstantinovna Krupskaya gửi cho Kamenev, khi đó đứng đầu Bộ Chính trị, và thư riêng của Vladimir Ilich Lenin gửi Stalin.

Tôi xin đọc các tài liệu nói trên:

1. Thư của Krupskaya: “Lev Borisych, chỉ vì một lá thư ngắn mà bác sĩ đã cho phép Vladimir Ilich đọc cho tôi viết, ngày hôm qua Stalin đã hành xử một cách thô bạo nhất đối với tôi. Tôi là thành viên của đảng không phải mới chỉ một ngày. Trong suốt 30 năm, tôi chưa hề nghe một đồng chí nào có một lời nào thô lỗ với tôi, mối quan tâm về đảng cũng như về Ilich của tôi hoàn toàn không kém hơn so với Stalin. Lúc này, tôi cần tự chủ cực độ. Điều gì có thể và điều gì không thể nói với Ilich, tôi là người hiểu rõ hơn mọi bác sĩ, bởi vì tôi biết điều gì làm người quan ngại, điều gì không, trong mọi trường hợp, còn rõ hơn Stalin. Tôi viết thư này đến đồng chí và đồng chí Grigory — là những đồng chí gần gũi nhất của Ilich — và tôi đề nghị bảo vệ tôi khỏi sự can thiệp thô bạo vào đời tư của tôi, những mắng chửi và đe dọa vô liêm sỉ. Tôi không mảy may nghi ngờ về cái quyết định thống nhất của ủy ban kiểm tra mà Stalin đem ra để dọa dẫm tôi, nhưng tôi chẳng còn sức lực và thời gian đâu mà dành cho cái trò cãi vã ngu xuẩn này. Tôi cũng là người và thần kinh của tôi đã căng thẳng đến mức tới hạn. N. Crupskaya”.

Nadezhda Konstantinovna viết bức thư này vào ngày 23-12-1922. Hai tháng rưỡi sau, tháng 3-1923, Vladimir Ilich Lenin gửi đến Stalin bức thư sau:

2. Thư của Lenin. “Kính gửi đồng chí Stalin, sao gửi đồng chí Kamenev và Zinovyev. Đồng chí Stalin kính mến, Đồng chí đã hành xử thô lỗ khi gọi điện để mắng chửi vợ tôi. Mặc dù vợ tôi đã đồng ý với đồng chí sẽ bỏ qua chuyện này, tuy nhiên, sự việc là hai đồng chí Zinovyev và Kamenev đã biết chuyện này qua vợ tôi. Tôi không có ý định bỏ qua một cách dễ dàng những hành động chống lại tôi, và chẳng cần nói ra, thì những gì chống lại vợ tôi cũng coi như chống lại tôi. Vì thế, tôi yêu cầu đồng chí cân nhắc việc rút lại những lời đã nói và có lời xin lỗi, hoặc đoạn tuyệt mọi quan hệ giữa chúng ta (Xôn xao trong phòng họp). Kính thư. Lenin, 5-3-1923”.

Thưa các đồng chí! Tôi xin miễn bình luận những tài liệu nói trên. Tự thân nó đã nói lên tất cả. Nếu như Stalin đã có thể hành xử như thế ngay từ sinh thời Lenin, đặc biệt là cư xử như vậy với Nadezhda Konstantinovna Krupskaya, người mà đảng ta ai cũng biết rõ và đánh giá cao như người bạn trung thành của Lenin, một chiến sĩ tích cực đấu tranh vì sự nghiệp của đảng ta ngay từ thời mới khai sinh, thì có thể hình dung thái độ của Stalin đối với những người khác. Những phẩm chất tiêu cực ấy của Stalin ngày càng phát triển đến mức hoàn toàn không thể chịu đựng nổi trong những năm cuối đời của đồng chí ấy.

Những sự kiện xảy ra sau này đã chứng tỏ mối quan ngại của Lenin hoàn toàn có cơ sở: trong giai đoạn đầu sau khi Lenin qua đời, Stalin còn chú trọng đến những chỉ thị của Lenin, nhưng càng về sau Stalin càng không thèm đếm xỉa đến những khuyến cáo của Vladimir Ilich.

Nếu phân tích thực tiễn lãnh đạo đảng và đất nước của Stalin, suy gẫm về toàn bộ những gì Stalin đã vi phạm, chúng ta càng khẳng định những lo ngại của Lenin vô cùng đúng đắn. Các phẩm chất tiêu cực của Stalin, chỉ mới hình thành hồi sinh thời Lenin, vào những năm cuối cùng đã phát triển thành sự lạm dụng nghiêm trọng quyền lực tập trung trong tay Stalin, là nguyên nhân của những tổn thất không sao kể xiết cho đảng ta.

Chúng ta cần nghiêm túc xem xét và phân tích một cách đúng đắn vấn đề này, nhằm loại bỏ mọi khả năng tái diễn dưới bất kì hình thức nào những việc tương tự đã xảy ra dưới thời Stalin, một người đã thể hiện tinh thần hoàn toàn bất phục tùng tính tập thể trong lãnh đạo và trong công việc, đã sử dụng bạo lực trắng trợn để đàn áp không những đối với những quan điểm đối lập, mŕ cňn đối với tất cả những gì bị coi là không phù hợp với quan điểm của mình, do tính khí thất thường và độc đoán. Stalin không dùng phương pháp thuyết phục, giải thích, hợp tác kiên nhẫn, mà dùng biện pháp áp đặt quan điểm của mình, đòi hỏi mọi người phải phục tùng vô điều kiện. Ai dám chống lại và tìm cách chứng tỏ quan điểm của mình, sự đúng đắn của mình, kẻ đó sẽ bị loại trừ khỏi tập thể lãnh đạo và sau đó sẽ bị hủy diệt về mặt tinh thần và thể xác. Điều này đặc biệt nghiêm trọng vào thời kì sau đại hội lần thứ XVII, khi rất nhiều nhà hoạt động xuất sắc trung thực của đảng, trung thành với sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản, và hàng loạt các đảng viên nòng cốt đã là nạn nhân của sự bạo ngược của Stalin.

Phải nói rằng, đảng đã tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại phe Trotskist, hữu khuynh và tư sản quốc gia, đã đập tan về mặt tư tưởng mọi kẻ thù của chủ nghĩa Lenin. Cuộc đấu tranh tư tưởng này đã thành công, từ đó đảng ta ngày càng được củng cố và tôi luyện. Và trong đó Stalin đã đóng một vai trò tích cực.

Đảng đã tiến hành cuộc đấu tranh tư tưởng chính trị quyết liệt chống lại những kẻ trong hàng ngũ đảng tuyên truyền các tư tưởng phi Lenin, đi theo đường lối chính trị thù địch chống lại đảng và sự nghiệp chủ nghĩa xã hội. Đó là cuộc tranh đấu bền bỉ, khó khăn, song vô cùng cần thiết, bởi lập trường chính trị của bè lũ Trotskist-Zinovyev cũng như Bukharin, về bản chất dẫn đến tái lập chủ nghĩa tư bản và đầu hàng tư sản thế giới. Chúng ta thử tưởng tượng, nếu như vào thời kì 1928-1929, đường lối chính trị của bọn hữu khuynh, chủ trương thuyết “ưu tiên phát triển công nghiệp nhẹ”, hướng về bọn địa chủ, v.v… thắng thế thì kết quả sẽ ra sao? Ngày nay, chúng ta làm gì có được nền công nghiệp nặng lớn mạnh, làm gì có được các hợp tác xã, chúng ta bị yếu thế và bị giải giáp trước sự bao vây của chủ nghĩa tư bản.

Đó là lí do vì sao đảng đã tiến hành đấu tranh không khoan nhượng từ quan điểm ý thức hệ, giải thích cho tất cả đảng viên và quần chúng ngoài đảng hiểu rõ tác hại và mức độ nguy hiểm của những quan điểm phi Lenin của phe đối lập Trotskist và bọn hữu khuynh cơ hội. Và nhiệm vụ trọng đại trong việc diễn giải đường lối của đảng đã gặt hái được những thành quả: phe Trotskist, phe hữu khuynh cơ hội đã bị cô lập về chính trị, đại đa số đảng viên ủng hộ đường lối của Lenin, và đảng đã thành công trong việc thúc đẩy và tổ chức nhân dân lao động vận dụng vào thực tiễn đường lối của Lenin và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cần lưu ý tình huống, ngay trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc đấu tranh về ý thức hệ chống lại phe Trotskist, Zinovyev, Bukharin và các phái khác, đảng không áp dụng biện pháp đàn áp đối với chúng.

Cuộc đấu tranh diễn ra trên cơ sở ý thức hệ. Nhưng vài năm sau, khi chủ nghĩa xã hội cơ bản đã được xây dựng ở nước ta, khi các giai cấp bóc lột cơ bản đã bị xóa sạch, khi cơ cấu xã hội Xô-viết đã thay đổi tận gốc rễ, khi nền tảng xã hội tạo điều kiện cho sự ra đời những đảng phái, những phong trào chính trị phản động giảm thiểu đến mức tối đa, khi những đối thủ tư tưởng của đảng đã bị đập tan về mặt chính trị từ nhiều năm về trước — khi ấy, những cuộc đàn áp lại bắt đầu được khơi dậy.

Chính trong giai đoạn này (1936-1937-1938) đã xảy ra tình trạng đàn áp hàng loạt bằng công cụ bộ máy nhà nước, lúc đầu để chống lại kẻ thù của chủ nghĩa Lenin — bọn Trostskist, Zinovyev, Bukharin, những kẻ đã bị đảng đánh bại về mặt chính trị từ lâu; nhưng về sau là để đàn áp nhiều người cộng sản chân chính, những cán bộ đảng từng mang trên vai gánh nặng của cuộc nội chiến, của những năm đầu khó khăn nhất trong thời kì công nghiệp hóa, tập thể hóa, những người đã tích cực đấu tranh chống bọn Trostkist và hữu khuynh để bảo vệ đường lối Lê-nin-nit của đảng.

Stalin đề xướng khái niệm “kẻ thù của nhân dân”. Thuật ngữ này lập tức loại trừ sự cần thiết phải chứng minh những sai lầm về tư tưởng của từng cá nhân hay đoàn thể bất đồng chính kiến. Nó tạo điều kiện cho việc phá vỡ mọi chuẩn mực của nền pháp chế cách mạng, áp dụng những biện pháp đàn áp tàn bạo nhất với bất kì ai không đồng tình với Stalin trong bất kì vấn đề nào, với những người bị nghi ngờ có ý đồ, cũng như với những người bị vu khống là có ý đồ chuẩn bị các hoạt động thù địch. Khái niệm “kẻ thù của nhân dân” về bản chất đã loại bỏ khả năng tiến hành bất kì một cuộc đấu tranh tư tưởng nào, hoặc ngăn cản người khác không được phát biểu ý kiến về một vấn đề nhất định, kể cả những vấn đề có giá trị thực tiễn. Trái ngược với mọi chuẩn mực của khoa học pháp lí hiện đại, bằng chứng chủ yếu và duy nhất để buộc tội, theo thực tế hồ sơ, chỉ dựa vào lời “thú tội” của bị cáo, trong khi đó kết quả thẩm tra sau này đã cho thấy, bằng biện pháp nhục hình tra tấn, người ta đã cưỡng bức bị cáo phải nói lời “thú tội”.

Điều này dẫn đến sự vi phạm nghiêm trọng pháp chế cách mạng, và nhiều người hoàn toàn vô tội, trong quá khứ từng bảo vệ đường lối của đảng, đã trở thành nạn nhân.

Phải nói rằng, ngay cả đối với những người trước kia đã từng chống lại đường lối của đảng, thường thì cũng không có đầy đủ cơ sở để tiêu diệt họ. Và cái công thức “kẻ thù của nhân dân” đã được áp dụng để làm luận cứ sát hại những người này.

Một thực tế là nhiều người bị thanh trừng như kẻ thù của đảng và nhân dân trước đây đã từng cộng tác với Lenin. Một số người trong đó, hồi sinh thời Lenin, đã từng phạm những sai lầm, nhưng Lenin, dẹp bỏ mọi định kiến, vẫn sử dụng họ, cố gắng uốn nắn, giúp họ sửa chữa sai lầm và tìm mọi cách giữ họ lại trong hàng ngũ đảng, thuyết phục họ đi theo lẽ phải của mình.

Liên quan đến vấn đề này, mời các đại biểu đại hội tham khảo nội dung một bức thư chưa được công bố, do V.I. Lenin gửi Bộ Chính trị BCHTW vào tháng 10-1920. Xác định nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra, Lenin nói ủy ban này phải thực sự là một “cơ quan biểu tượng cho lương tri của đảng và của giai cấp vô sản”.

“Gánh vác nhiệm vụ hết sức đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra cần quan tâm đến từng cá nhân, thậm chí phải coi mình như một liều thuốc chữa bệnh đối với các đại diện phe đối lập, những người bị khủng hoảng tinh thần sau những thất bại của họ trong Xô-viết hay trong đảng. Cần phải cố gắng an ủi họ, giải thích cho họ hiểu vấn đề trên tình đồng chí, tìm cho họ (tránh hình thức ra lệnh) một công tác phù hợp với tính cách tâm lí của họ, phải tư vấn và chỉ thị về vấn đề này cho Ban Tổ chức Trung ương v.v…”

Mọi người chúng ta đều biết Lenin không có thái độ khoan nhượng với những đối thủ về ý thức hệ của chủ nghĩa Mac-xit, với những ai đi sai đường lối đúng đắn của đảng. Đồng thời, theo tài liệu được trích dẫn nói trên, trong thực tế lãnh đạo đảng, Lenin đòi hỏi đảng phải quan tâm sâu sắc với những ai còn do dự hoặc chưa đồng tình với đường lối của đảng, nhưng sau này có thể quay lại với đường lối của đảng. Lenin khuyên nhủ phải kiên nhẫn cải tạo những người này, tránh áp dụng những biện pháp cực đoan.

Sự sáng suốt của Lenin trong quan hệ với con người đã thể hiện rất rõ trong công tác với các cán bộ đảng.

Cách tiếp cận với con người hoàn toàn trái ngược chính là tính cách đặc trưng của Stalin. Cách thức của Lenin — kiên nhẫn cộng tác, kiên trì và nhẹ nhàng cải tạo, thuyết phục không áp dụng cưỡng chế mà tác động tư tưởng thông qua tập thể đảng — hoàn toàn xa lạ với Stalin. Stalin đã bác bỏ phương pháp thuyết phục và giáo dục của Lenin, chuyển từ hình thức đấu tranh tư tưởng và sang biện pháp cưỡng chế hành chính, đàn áp và khủng bố hàng loạt. Thông qua bộ máy cơ quan an ninh, Stalin ngày càng lộng hành trên diện rộng và liên tục kéo dài, thường xuyên chà đạp lên mọi chuẩn mực đạo lí và luật pháp Xô-viết.

Sự chuyên quyền của một cá nhân đã lôi kéo và cho phép sự chuyên quyền của những kẻ khác. Những vụ bắt bớ và lưu đày hàng nhiều ngàn con người, hành quyết không cần xét xử tại tòa án và không qua điều tra thông thường đã tạo nên tâm trạng bất an, sợ hãi, thậm chí khiếp đảm cho mọi người.

Điều này, tất nhiên không củng cố sự đoàn kết trong hàng ngũ đảng và mọi tầng lớp nhân dân lao động; trái lại, dẫn đến việc thủ tiêu và khai trừ khỏi đảng nhiều cán bộ trung kiên, chỉ vì họ không được lòng Stalin.

Đảng ta đã tiến hành cuộc đấu tranh để đưa vào thực tiễn những kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội của Lenin. Đây là cuộc đấu tranh về ý thức hệ. Nếu trong cuộc đấu tranh này, phương pháp tiếp cận của Lenin được thể hiện, sự phối hợp hài hòa của tính nguyên tắc và mối quan tâm chăm sóc con người, nguyện vọng không bị gạt bỏ, không loại bỏ con người mà tìm cách lôi kéo họ về phía ta, có lẽ chúng ta đã không gặp phải sự vi phạm thô bạo pháp chế cách mạng như thế, sự áp dụng các phương pháp khủng bố đối với hàng vạn con người như thế. Lẽ ra, những biện pháp cực đoan chỉ được áp dụng đối với những kẻ thực sự có tội ác chống phá chế độ Xô-viết.

Chúng ta hãy tham khảo một vài sự kiện lịch sử.

Trong những ngày trước cách mạng tháng Mười, hai ủy viên BCHTW đảng bôn-sê-vich, Kamenev và Zinovyev đã phản đối kế hoạch khởi nghĩa vũ trang của Lenin. Ngoài ra, ngày 18-10 họ lại đăng trên tờ “Cuộc sống mới” của phái men-sê-vich tuyên bố của họ về việc đảng bôn-sê-vich đang chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang mà họ coi là hành động phiêu lưu mạo hiểm. Kamenev và Zinovyev đã tiết lộ cho kẻ thù nghị quyết của BCHTW về cuộc khởi nghĩa, về việc tổ chức khởi nghĩa trong thời gian rất gần.

Đó là hành động phản bội sự nghiệp của đảng, sự nghiệp cách mạng. Về vấn đề này, Lenin đã viết: “Kamenev và Zinovyev đã trao cho Rodzianko và Kerensky nghị quyết của BCHTW về khởi nghĩa vũ trang…” (Lenin toàn tập, tập 26, trang 194). Người đã đề nghị BCHTW khai trừ Kamenev và Zinovyev ra khỏi đảng.

Nhưng sau thành công của cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại, ta đều biết Kamenev và Zinovyev vẫn được giữ các chức vụ lãnh đạo. Lenin đã đưa họ vào những cương vị ấy để họ hoàn thành những nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà đảng giao phó, tham gia tích cực vào công tác lãnh đạo các tổ chức đảng và Xô-viết. Zinovyev và Kamenev, hồi sinh thời Lenin, còn phạm hàng loạt sai lầm khác không kém phần nghiêm trọng. Trong Di chúc của mình, Lênin đã nhắc nhở “biến cố tháng Mười của Zinovyev và Kamenev tất nhiên không phải là tình cờ”. Tuy vậy, Lenin không đặt vấn đề bắt giam họ và tất nhiên, lại càng không có chuyện xử bắn họ.

Hoặc ví dụ về phe Trotskist. Ngày nay, sau một giai đoạn lịch sử tương đối dài, chúng ta có thể hoàn toàn bình tĩnh nói về cuộc đấu tranh chống phe Trotskist và có thể phân tích vấn đề một cách khách quan. Không thể liệt những người xung quanh Trotsky vào thành phần tư sản. Một phần trong số họ là đảng viên trí thức và một số khác là đảng viên công nhân. Có thể nêu tên hàng loạt những người, đã từng trong phe Trotskist, nhưng trước và trong cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười, họ đã tham gia tích cực vào phong trào công nhân, và sau đó còn đấu tranh để củng cố thành quả cách mạng vĩ đại này. Nhiều người trong số họ đã đoạn tuyệt với chủ nghĩa Trotsky và quay lại lập trường Lenin. Thử hỏi có cần thiết phải tiêu diệt họ hay không? Chúng ta tin chắc nếu Lenin còn sống, tuyệt đối những biện pháp cực đoan không bao giờ được áp dụng.

Đấy chỉ là một vài sự kiện lịch sử. Phải chăng có thể nói Lenin đã không kiên quyết áp dụng những biện pháp cứng rắn nhất đối với kẻ thù cách mạng, khi quả thực điều đó là cần thiết? Không, không ai có thể nói thế. Vladimir Ilich đòi hỏi không được thỏa hiệp với kẻ thù của cách mạng và của giai cấp công nhân, và khi cần thiết, sẽ thẳng tay áp dụng những biện pháp cứng rắn không khoan nhượng. Hãy nhớ lại Lenin đã chiến đấu như thế nào với bọn cách mạng xã hội khi chúng tổ chức nổi dậy chống chính quyền Xô-viết, hay với phong trào phản cách mạng năm 1918 của bọn địa chủ; khi đó, Lenin đã không ngần ngại áp dụng những biện pháp cứng rắn nhất đối với kẻ thù. Nhưng Lenin chỉ dùng các biện pháp này để chống lại những kẻ thù giai cấp thực sự, không phải đối với những người lầm đường lạc lối, còn có thể cải tạo bằng giáo dục tư tưởng, thậm chí sau đó còn có thể đặt họ vào các cương vị lãnh đạo.

Lenin chỉ sử dụng những biện pháp nghiêm khắc trong những trường hợp cần thiết nhất, khi giai cấp bóc lột còn tồn tại và điên cuồng chống phá cách mạng, khi cuộc đấu tranh “một mất một còn” không thể nào tránh khỏi những hình thức gay gắt nhất, kể cả nội chiến. Ngược lại, Stalin đã áp dụng những biện pháp cực đoan, đàn áp hàng loạt khi cách mạng đã thắng lợi, khi nhà nước Xô-viết đã được củng cố, khi giai cấp bóc lột đã bị xóa sạch, khi quan hệ xã hội chủ nghĩa đã bén rễ ở mọi ngành của nền kinh tế quốc dân, khi đảng ta đã vững mạnh về phương diện chính trị, phát triển về số lượng và được tôi luyện về ý thức hệ. Rõ ràng, trong hàng loạt trường hợp, Stalin đã bộc lộ tính cách thiếu kiên nhẫn, thô lỗ, lạm dụng quyền lực. Thay vì chứng tỏ đường lối chính trị đúng đắn của mình và động viên quần chúng, Stalin lại chọn phương cách đàn áp và thủ tiêu, không chỉ với kẻ thù thực sự mà còn đối với những người không hề có một tội ác nào chống lại đảng hay chính quyền Xô-viết. Không hề có một chút sáng suốt nào ngoài sự biểu hiện quyền lực thô bạo mà trước đây V.I. Lenin đã từng quan ngại.

Thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi băng nhóm Beria bị vạch mặt, BCHTW đã xem xét lại hàng loạt hồ sơ mà bọn chúng đã ngụy tạo ra. Kết quả đã phát hiện một bức tranh kinh hoàng của thể chế chuyên quyền, liên quan mật thiết đến hành động sai trái của Stalin. Các sự kiện đã chứng tỏ, khi sử dụng quyền lực vô hạn của mình, Stalin đã nhân danh BCHTW mà không hỏi ý kiến các ủy viên BCHTW, thậm chí, không hỏi ý kiến các ủy viên Bộ Chính trị, thường xuyên không cho họ biết về những quyết định cá nhân về các vấn đề vô cùng hệ trọng của đảng và của nhà nước.

Xem xét vấn đề sùng bái cá nhân, trước hết chúng ta cần làm rõ nó gây tổn thất cho đảng ta đến mức nào.

Vladimir Ilich Lenin luôn nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của đảng trong việc lãnh đạo nhà nước xã hội chủ nghĩa của công nhân và nông dân, coi đó là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nêu rõ trọng trách của đảng bôn-sê-vich, là đảng lãnh đạo nhà nước Xô-viết, Lenin kêu gọi triệt để tuân thủ quy tắc sinh hoạt đảng, thực hiện nguyên tắc tập thể trong lãnh đạo đảng và nhà nước.

Sự lãnh đạo tập thể xuất phát từ bản chất của đảng ta, được xây dựng trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Lenin nói: “Điều này có nghĩa là tất cả mọi vấn đề của đảng, trực tiếp hoặc thông qua những người đại diện, đều phải do mọi đảng viên thực hiện, không trừ một ai, trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi; trong đó, tất cả những cá nhân có chức vụ, những tập thể lãnh đạo, những cơ quan đảng đều được bầu chọn, được báo cáo thông qua, có thể thay thế”. (Lenin toàn tập, tập 11, trang 396.)

Mọi người đều biết, bản thân Lenin luôn nêu tấm gương triệt để tuân thủ những nguyên tắc nói trên. Lenin không tự mình quyết định bất kì một vấn đề quan trọng nào mà không bàn bạc và không nhận được sự đồng tình của đa số các ủy viên BCHTW hay Bộ Chính trị.

Trong thời kì khó khăn nhất của đảng ta và của đất nước, Lenin cho rằng cần thiết phải triệu tập định kì đại hội, hội nghị của đảng, hội nghị toàn thể BCHTW để thảo luận những vấn đề quan trọng nhất và thông qua những nghị quyết được tập thể lãnh đạo soạn thảo và xem xét.

Chẳng hạn, chúng ta hãy nhớ lại năm 1918, khi đất nước bị hiểm họa tư bản nước ngoài can thiệp. Trong điều kiện ấy, đại hội lần thứ VII được triệu tập để thảo luận một vấn đề sống còn và cấp bách — vấn đề hòa bình. Năm 1919, vào thời điểm khốc liệt của cuộc nội chiến, đại hội lần thứ VIII được triệu tập để thông qua cương lĩnh mới của đảng, trong đó giải quyết nhiều vấn đề quan trọng như vấn đề liên quan đến quần chúng nông dân, về xây dựng lực lượng Hồng quân, về vai trò lãnh đạo của đảng trong các Xô-viết, về cải thiện thành phần xã hội của đảng v.v… Năm 1920, đại hội lần thứ IX được triệu tập để xác định nhiệm vụ của đảng và đất nước trong xây dựng kinh tế. Năm 1921 tại đại hội lần thứ X đã thông qua chính sách kinh tế mới do Lenin khởi thảo và nghị quyết có tầm quan trọng lịch sử “Về sự thống nhất của đảng”.

Hồi sinh thời Lenin, các đại hội của đảng đều được triệu tập định kì, tại mỗi thời điểm bước ngoặt của quá trình phát triển đảng và đất nước, Lenin nhận thấy tuyệt đối cần thiết phải thảo luận rộng rãi trong toàn đảng về các vấn đề gốc rễ của chính sách đối nội và đối ngoại, vấn đề xây dựng đảng và nhà nước.

Một điều rất đặc trưng là những bài báo, những thư từ và ghi chép cuối đời của Lenin đều hướng về đại hội đảng như cơ quan tối cao của đảng. Trong thời gian giữa hai kì đại hội, BCHTW là tập thể lãnh đạo lãnh đạo có uy tín nhất, triệt để tuân thủ những nguyên tắc của đảng và vận dụng chính sách của đảng vào hiện thực.

Đảng đã hoạt động như thế trong thời kì Lenin còn sống.

Phải chăng những nguyên tắc thiêng liêng của đảng vẫn được tuân thủ sau khi Lenin mất đi?

Nếu như trong những năm đầu sau khi Lenin mất, các kì đại hội và hội nghị toàn thể BCHTW vẫn còn được triệu tập tương đối đều đặn, thì sau này, khi Stalin bắt đầu ngày càng lạm dụng quyền lực, những nguyên tắc đó bị vi phạm trắng trợn. Điều này đặc biệt rõ rệt trong 15 năm cuối đời của Stalin. Chẳng lẽ có thể coi là sự kiện bình thường khi đại hội XVIII và đại hội XIX được triệu tập cách nhau 13 năm, trong khoảng thời gian ấy đảng và đất nước ta đã trải qua biết bao nhiêu biến cố? Những sự kiện đó đòi hỏi đảng phải thông qua những nghị quyết về vấn đề quốc phòng trong chiến tranh vệ quốc và vấn đề xây dựng đất nước thời bình trong những năm sau chiến tranh. Vậy mà, ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc, hơn bảy năm sau mới có một đại hội đảng được triệu tập.

Hội nghị toàn thể BCHTW thì hầu như không được tiến hành. Đủ cơ sở để nói rằng trong những năm xảy ra chiến tranh vệ quốc, thực tế không một hội nghị toàn thể BCHTW nào được triệu tập. Đúng hơn là đã có ý định triệu tập hội nghị toàn thể BCHTW vào tháng 10-1941, khi các ủy viên BCHTW được mời về Moskva từ mọi miền đất nước. Trong hai ngày họ chờ đợi hội nghị khai mạc, nhưng chỉ hoài công. Stalin thậm chí không muốn gặp gỡ và trao đổi ý kiến với các ủy viên BCHTW. Thực tế này chứng tỏ trong những tháng đầu xảy ra chiến tranh, Stalin đã có tâm trạng nao núng và cũng chứng tỏ Stalin vô cùng trịch thượng và khinh thường các ủy viên BCHTW.

Thực tế này đã phản ánh việc Stalin không thèm đếm xỉa đến quy tắc sinh hoạt đảng, chà đạp lên những nguyên tắc Lê-nin-nit trong lãnh đạo tập thể của đảng.

Sự chuyên quyền của Stalin đối với đảng, đối với BCHTW đã biểu lộ hoàn toàn rõ rệt sau đại hội lần thứ XVII của đảng vào năm 1934.

Thu thập được nhiều số liệu chứng tỏ sự chuyên quyền trắng trợn đối với các cán bộ đảng, BCHTW đã lập ra một ủy ban, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đoàn chủ tịch BCHTW, nhằm nghiên cứu những nguyên nhân đã gây nên các vụ đàn áp hàng loạt đối với đa số thành viên chính thức và dự khuyết của BCHTW do đại hội nghị lần thứ XVII bầu ra.

Ủy ban này, trong quá trình tiếp cận một số lượng lớn tài liệu trong kho lưu trữ của Ủy ban nhân dân đặc trách nội vụ (NKVD) và các tư liệu khác, đã phát hiện nhiều sự kiện làm giả hồ sơ chống lại người cộng sản, những lời buộc tội dối trá, vi phạm trắng trợn pháp chế xã hội chủ nghĩa, hậu quả là nhiều người vô tội bị sát hại. Rõ ràng, nhiều cán bộ của đảng, của nhà nước, của các ngành kinh tế, bị cáo buộc là “kẻ thù của nhân dân” trong những năm 1937-1938, thực ra chưa bao giờ là kẻ thù, là gián điệp, là kẻ phá hoại v.v… mà bản chất là những người cộng sản chân chính bị vu khống, và thường thì, do không chịu nổi những đòn tra tấn dã man thú vật, đã tự gán cho mình (theo lệnh của an ninh điều tra chuyên làm hồ sơ giả) những tội tày đình và vô lí nhất. Ủy ban đã đệ trình Đoàn chủ tịch BCHTW bộ tài liệu đồ sộ về các vụ đàn áp hàng loạt đối với các đại biểu đại hội lần thứ XVII và các ủy viên BCHTW do đại hội đó bầu ra. Đoàn chủ tịch BCHTW đã xem xét tư liệu trên.

Điều tra cho thấy 98 người trong số 139 ủy viên chính thức và dự khuyết BCHTW do đại hội lần thứ XVII bầu ra, nghĩa là 70%, đã bị bắt giam và bị xử bắn (phần lớn vào những năm 1937-1938). (Xôn xao phẫn nộ trong phòng họp.)

Thử xem thành phần đại biểu đại hội lần thứ XVII gồm những ai? Được biết 80% đại biểu có quyền biểu quyết tại đại hội lần thứ XVII đã gia nhập đảng vào những năm hoạt động cách mạng bí mật và trong thời kì nội chiến, nghĩa là trước năm 1920. Về thành phần xã hội, số lượng cơ bản đại biểu đại hội (60% số đại biểu có quyền bỏ phiếu) là công nhân.

Vì thế hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi một đại hội với thành phần như thế lại có thể bầu ra BCHTW mà đa số ủy viên là kẻ thù của đảng! Chỉ có thể là do hậu quả của việc các chiến sĩ cộng sản trung kiên bị vu khống dựa trên những lời buộc tội bịa đặt, khiến pháp chế cách mạng bị chà đạp một cách quái gở, 70% ủy viên chính thức và dự khuyết của BCHTW do đại hội lần thứ XVII bầu ra bị tố cáo là kẻ thù của đảng và của nhân dân!

Không chỉ những ủy viên BCHTW, mà đa số đại biểu đại hội lần thứ XVII cũng chịu chung số phận như thế. Trong số 1966 đại biểu chính thức có quyền biểu quyết, 1108 người — nghĩa là hơn một nửa số đại biểu — bị bắt và bị kết tội phản cách mạng. Chỉ cần một sự kiện cũng đủ nói lên tính chất phi lí, man rợ, mâu thuẫn với mọi suy nghĩ lành mạnh của những cáo buộc về tội “phản cách mạng”, giờ đây mới được làm sáng tỏ, được gán cho đa số đại biểu đại hội lần thứ XVII. (Xôn xao phẫn nộ trong phòng họp.)

Cần ghi nhớ, đại hội lần thứ XVII đã đi vào lịch sử như một “đại hội của những người chiến thắng”. Các đại biểu được bầu chọn đi dự đại hội là những thành viên tích cực của công cuộc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhiều người trong số họ đã đấu tranh quên mình cho sự nghiệp của đảng trong những năm trước cách mạng, trong hoạt động bí mật và ngoài mặt trận trong thời nội chiến, họ đã anh dũng chiến đấu với kẻ thù và nhiều lần đối mặt với cái chết mà không hề nao núng. Làm sao có thể tin được những con người như thế lại là những “kẻ hai mặt”, đứng vào hàng ngũ kẻ thù của phe chủ nghĩa xã hội, vào cái thời kì mà phe Zinovyev, Trotskist, hữu khuynh đã bị đập tan về mặt chính trị, vào cái thời kì sau thắng lợi vĩ đại của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa?

Đó là hậu quả của việc Stalin đã lạm dụng quyền lực, áp dụng biện pháp khủng bố hàng loạt đối với các cán bộ đảng.

Vì sao đàn áp hàng loạt đối với những đảng viên tích cực ngày càng mạnh mẽ hơn sau đại hội đảng lần thứ XVII? Bởi vì trong thời kì đó, Stalin đã tự đặt mình lên địa vị tối cao trước đảng và nhân dân, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến BCHTW hay đảng nữa. Thời kì trước đại hội lần thứ XVII, Stalin còn tôn trọng ý kiến tập thể, nhưng sau khi phe Trotskist, Zinovyev, Bukharin đã bị đập tan hoàn toàn về mặt chính trị, khi sự đoàn kết của đảng, đoàn kết của nhân dân đã được xây dựng nhờ cuộc đấu tranh này đã đạt được thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, thì Stalin ngày càng không thèm đếm xỉa đến các ủy viên BCHTW, thậm chí các ủy viên Bộ Chính trị. Stalin cho rằng từ nay tự mình có thể định đoạt được tất cả mọi việc và những người còn lại chỉ cần đến như những “bù nhìn” mà thôi, và đối xử với mọi người như thể họ chỉ có mỗi một nhiệm vụ là tuân lệnh và tán dương mình.

Sau vụ ám sát dã man S.M. Kirov, những cuộc đàn áp hàng loạt và những vi phạm trắng trợn pháp chế xã hội chủ nghĩa bắt đầu diễn ra. Tối ngày 1-12-1934, theo sáng kiến của Stalin (không có quyết định của Bộ Chính trị — chỉ lấy ý kiến Bộ Chính trị một cách hình thức sau đó hai ngày), bí thư Đoàn chủ tịch BCHTW Enukidze đã kí một nghị quyết như sau:

“1) Các cơ quan điều tra phải xúc tiến hồ sơ đối với những kẻ bị kết tội chuẩn bị hoặc tiến hành các hành động khủng bố; 2) Các cơ quan tư pháp không được trì hoãn việc thi hành các án tử hình vì cớ muốn xét lại để ân xá đối với những bị cáo thuộc loại này, bởi Đoàn chủ tịch BCHTW Liên Xô không chấp nhận việc xem xét đơn ân xá như thế; 3) Các cơ quan của Ủy ban nhân dân đặc trách nội vụ phải thi hành tức khắc các bản án tử hình đối với can phạm thuộc loại nói trên”.

Nghị quyết này là cơ sở của hàng loạt vi phạm pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trong nhiều hồ sơ điều tra ngụy tạo, các bị cáo bị buộc tội “chuẩn bị” những hành động khủng bố, nghị quyết nói trên đã loại bỏ mọi khả năng thẩm tra lại hồ sơ, cho dù trước tòa họ đã chối bỏ những lời “thú tội” do bị ép cung và đã phủ nhận một cách xác đáng mọi cáo buộc về tội danh của họ.

Phải nói rằng tới nay, trong tình huống liên quan đến vụ ám sát đồng chí Kirov ẩn chứa nhiều điều khó hiểu và bí mật, đòi hỏi phải điều tra thật kĩ càng. Có cơ sở để nghĩ là Nikolaev — kẻ ám sát Kirov — đã được một trong những người bảo vệ Kirov tiếp tay. Một tháng rưỡi trước ngày xảy ra vụ ám sát, Nikolaev bị bắt vì có hành động “khả nghi”, nhưng sau đó được thả ra, thậm chí cũng không bị khám xét gì cả. Đặc biệt đáng nghi ngờ hơn nữa là chuyện một Chekist, thuộc đội bảo vệ Kirov, bị “tai nạn” xe chết trên đường đi lấy khẩu cung ngày 2-12-1934, trong khi những người áp giải cùng xe lại không hề hấn gì! Sau vụ ám sát Kirov, những cán bộ lãnh đạo NKVD thành phố Leningrad bị cách chức và bị xử rất nhẹ, nhưng đến năm 1937 họ đều bị xử bắn. Có thể giả thiết, người ta đã xử bắn họ sau đó hòng xóa sạch mọi dấu vết của những kẻ tổ chức vụ ám sát Kirov. (Xôn xao trong phòng họp.)

Từ cuối năm 1936, những cuộc đàn áp hàng loạt ngày càng gia tăng với mức độ khủng khiếp, sau khi Stalin và Jdanov gửi bức điện từ Sochi vào ngày 25-9-1936 cho Kaganovich, Molotov và các ủy viên khác của Bộ Chính trị với nội dung như sau:

“Chúng tôi nhận thấy việc bổ nhiệm đồng chí Ejov vào vị trí bộ trưởng NKVD là tối cần thiết và vô cùng cấp bách. Yagoda rõ ràng không hoàn thành nhiệm vụ trong việc vạch mặt bè lũ Trotskist-Zinovyev. Cục chính trị quốc gia (OGPU) đã để vấn đề này chậm trễ bốn năm. Mọi cán bộ đảng và đa số đại diện NKVD các tỉnh đều nhận thấy điều này”. Nhận tiện, phải chú thích là Stalin không hề gặp gỡ các cán bộ đảng, làm thế nào đồng chí biết được ý kiến của họ!

Stalin khẳng định “NKVD đã chậm trễ bốn năm” trong việc thi hành đàn áp hàng loạt và phải “khắc phục” thiếu sót này bằng cách thúc đẩy cán bộ nhân viên NKVD xúc tiến hàng loạt vụ bắt bớ và xử bắn.

Đáng lưu ý là khẳng định nói trên cũng được áp đặt tại hội nghị toàn thể BCHTW vào tháng Hai, tháng Ba năm 1937. Nghị quyết của hội nghị toàn thể theo báo cáo của Ejov “Những bài học rút ra từ hoạt động phá hoại, do thám của gián điệp Nhật-Đức-Trotkist” đã được thông qua như sau:

“Hội nghị toàn thể BCHTW ĐCSLX nhận thấy những số liệu điều tra về các hoạt động chống phá nhà nước Xô-viết của bè lũ Trotskist và đồng bọn tại các địa phương cho thấy NKVD đã chậm trễ, ít nhất là bốn năm, trong việc vạch mặt kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân”.

Trong thời kì này, những cuộc đàn áp hàng loạt đã diễn ra dưới ngọn cờ đấu trang chống Trotskist. Thử hỏi, vào thời đó phe Trotkist có thực sự nguy hiểm đến thế đối với đảng ta và nhà nước Xô-viết hay không? Phải nhớ rằng vào năm 1927, trước thềm đại hội đảng lần thứ XV, phe đối lập Trotskist-Zinovyev chỉ có 4.000 phiếu, trong khi ta đạt được 724.000 phiếu tán thành đường lối của đảng. Trong khoảng thời gian 10 năm từ đại hội lần thứ XV đến hội nghị toàn thể BCHTW vào tháng Hai, tháng Ba, chủ nghĩa Trotsky đã hoàn toàn bị tan rã, nhiều người theo phe Trotsky đã đoạn tuyệt với những quan điểm trước kia và đã làm việc trong nhiều lĩnh vực xây dựng chủ nghĩa xã hội. Rõ ràng, chẳng có cơ sở gì để tiến hành khủng bố quy mô lớn trên cả nước trong điều kiện thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.

Báo cáo của Stalin tại hội nghị toàn thể BCHTW vào tháng Hai, tháng Ba năm 1937 “Về những thiếu sót của công tác đảng và biện pháp thủ tiêu bọn Trotskit và bọn hai mặt khác” là ý đồ đặt nền móng lí thuyết cho chính sách đàn áp hàng loạt, dưới chiêu bài trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh giai cấp nhất thiết phải càng khốc liệt hơn. Stalin đã cố khẳng định đó là bài học lịch sử và lời dạy của Lenin.

Trên thực tế, Lenin chỉ ra rằng việc sử dụng bạo lực cách mạng là do cần thiết phải trấn áp sự chống đối của giai cấp bóc lột, và những chỉ thị của Lenin liên quan đến thời kì khi giai cấp bóc lột còn tồn tại còn hoạt động mạnh. Nhưng một khi tình hình chính trị của đất nước đã tiến triển tốt, khi vào tháng Giêng 1920 Hồng quân đã chiếm được Rostov và đạt được thắng lợi quan trọng nhất — chiến thắng Denikin, Lenin chỉ thị cho Dzerjinsky đình chỉ khủng bố hàng loạt và hủy bỏ án tử hình. Tiếp theo đó, Lenin đã xây dựng cơ sở cho biện pháp chính trị quan trọng của chính quyền Xô-viết trong báo cáo tại hội nghị BCHTW ngày 2-2-1920 như sau:

“Chúng ta đã buộc phải dùng đến khủng bố để chống lại chủ nghĩa khủng bố của Liên minh ba bên, khi các cường quốc thế giới không ngần ngại sử dụng bất kì một phương tiện gì để tấn công chúng ta. Chúng ta không thể cầm cự nổi trong vòng hai ngày nếu như chúng ta không kiên quyết đập tan âm mưu của bọn sĩ quan Bạch vệ; đây là khủng bố, nhưng điều đó là bắt buộc để đáp trả biện pháp khủng bố của Liên minh ba bên. Nhưng một khi chúng ta đạt được những thắng lợi quyết định, ngay trước khi kết thúc nội chiến, sau khi chúng ta chiếm được thành phố Rostov, chúng ta hủy bỏ án tử hình và bằng hành động này chúng ta chứng tỏ việc thực hiện chương trình hành động như đã hứa. Chúng ta tuyên bố việc sử dụng bạo lực là do nhiệm vụ trấn áp giai cấp bóc lột, trấn áp bọn địa chủ và tư bản; khi nhiệm vụ hoàn thành, chúng ta xóa bỏ hết thảy mọi biện pháp cực đoan. Chúng ta chứng tỏ điều này bằng hành động cụ thể.” (Lenin toàn tập, tập 30, trang 303-304).

Stalin đã bỏ qua những chỉ thị về chương trình hành động thẳng thắn và rõ ràng ấy của Lenin. Sau khi giai cấp bóc lột đã hoàn toàn bị xóa sạch ở nước ta, và chẳng còn một chút mảy may cơ sở chính đáng nào để áp dụng rộng rãi các biện pháp cực đoan, các biện pháp khủng bố hàng loạt, thì Stalin lại định hướng cho các cơ quan trực thuộc NKVD tiến hành khủng bố với quy mô lớn.

Khủng bố đã không nhằm mục đích tiêu diệt những tàn dư còn sót lại của giai cấp bóc lột đã bị xóa sạch, mà thực chất là để chống lại những cán bộ trung kiên của đảng và của nhà nước Xô-viết, những người đã bị cáo buộc những tội danh ngụy tạo, vu khống, phi lí như “hai mặt”, “gián điệp”, “phá hoại”, chuẩn bị những cuộc “mưu sát” được tưởng tượng ra v.v…

Tại hội nghị toàn thể BCHTW vào tháng Hai, tháng Ba năm 1937 trong tham luận của hàng loạt ủy viên BCHTW về cơ bản đã tỏ ý ngờ vực tính chất đúng đắn của đường lối đàn áp hàng loạt dưới chiêu bài đấu tranh chống “bọn hai mặt”.

Tham luận của đồng chí Postyshev đã trình bày rõ ràng nhất những ngờ vực này. Đồng chí phát biểu:

“Tôi suy luận: đã qua rồi những năm tháng đấu tranh khốc liệt, những phần tử thối nát hoặc đã bị hạ gục, hoặc đã trốn chạy theo kẻ thù, còn những đảng viên trong sạch đang chiến đấu vì sự nghiệp của đảng ta. Đó là thời kì công nghiệp hóa và tập thể hóa. Tôi không thể nào cho rằng trải qua thời kì đấu tranh gian khổ đó, Karpov và những người như đồng chí lại chạy sang hàng ngũ kẻ thù (Karpov là ủy viên BCHTW ĐCS Ukraina, người mà Postyshev biết rất rõ). Tuy nhiên theo những gì chỉ ra ở đây, thì Karpov đã gia nhập hàng ngũ Trotskist từ năm 1934. Cá nhân tôi nghĩ rằng không một đảng viên trong sạch nào, đã từng trải qua chặng đường dài đấu tranh ác liệt với kẻ thù vì sự nghiệp của đảng ta, vì chủ nghĩa xã hội, lại có thể đứng về phía kẻ thù. Tôi không thể tin được… Tôi không tưởng tượng nổi, làm sao lại có thể một lòng với đảng trải qua những năm tháng vô cùng khó khăn để rồi đến 1934 đứng về phe Trotskist. Thật lạ lùng…” (Xôn xao trong phòng họp.)

Lợi dụng định hướng của Stalin, càng tiến gần đến chủ nghĩa xã hội càng có nhiều kẻ thù, lợi dụng nghị quyết của hội nghị toàn thể BCHTW tháng Hai, tháng Ba dựa trên báo cáo của Ejov, những kẻ khiêu khích trà trộn vào cơ quan an ninh quốc gia cùng với bọn mưu cầu địa vị vô lương tâm, đã nhân danh đảng, tiến hành khủng bố hàng loạt cán bộ đảng và nhà nước, cũng như công dân Xô-viết. Đủ cơ sở để phát biểu số lượng những người bị bắt vì tội phản cách mạng vào năm 1937 đã tăng gấp mười lần so với năm 1936!

Được biết, sự chuyên quyền thô bạo cũng được áp dụng đối với những cán bộ lãnh đạo của đảng. Điều lệ đảng do đại hội lần thứ XVII thông qua, bắt nguồn từ những chỉ thị của Lenin trong thời kì đại hội lần thứ X, quy định: điều kiện áp dụng biện pháp kỉ luật cao nhất, như khai trừ khỏi đảng, đối với ủy viên chính thức hoặc ủy viên dự khuyết BCHTW, hoặc thành viên Ủy ban Kiểm tra đảng — “phải triệu tập hội nghị toàn thể BCHTW và mời toàn bộ ủy viên dự khuyết BCHTW và tất cả thành viên Ủy ban Kiểm tra đảng”, chỉ trong điều kiện nếu như hai phần ba số phiếu của cuộc hội nghị các lãnh đạo đảng có trọng trách này biểu quyết là cần thiết, thì mới có quyền khai trừ khỏi đảng ủy viên chính thức hay dự khuyết BCHTW.

Phần lớn các ủy viên chính thức và dự khuyết BCHTW, được bầu trong kì đại hội lần thứ XVII và bị bắt vào những năm 1937-1938, đã bị khai trừ khỏi đảng một cách bất hợp pháp, vi phạm trắng trợn điều lệ đảng, bởi vì việc khai trừ họ chưa hề ðược ðưa ra bàn bạc tại hội nghị toàn thể BCHTW.

Giờ đây, sau khi điều tra những hồ sơ liên quan đến những “gián điệp” ảo và những “phần tử phá hoại” ảo, có thể xác định những hồ sơ đó đều được làm giả. Sự “thú tội” của nhiều người bị bắt giam, bị buộc tội hoạt động phá hoại thù địch được ghi nhận trong hồ sơ, là do không chịu nổi thủ đoạn tra tấn tàn ác, vô nhân đạo.

Cùng thời gian đó, theo lời các ủy viên Bộ Chính trị, Stalin không gửi cho họ các đơn khiếu nại của rất nhiều nhà hoạt động chính trị bị vu khống, khi họ phản đối những cáo buộc đối với họ tại tóa án quân sự và yêu cầu điều tra khách quan vụ việc. Những đơn khiếu nại như thế không phải là ít và Stalin, không còn nghi ngờ gì, phải được biết đến chúng.

BCHTW nhận thấy cần thiết phải báo cáo đại hội về hàng loạt “hồ sơ” ngụy tạo chống lại các ủy viên BCHTW do đại hội lần thứ XVII bầu ra.

Một ví dụ điển hình cho sự khiêu khích đê tiện, sự man trá thâm độc và sự vi phạm tội lỗi nền pháp chế cách mạng là vụ án của đồng chí Eikhe, cựu ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, một nhà hoạt động lỗi lạc của đảng và nhà nước Xô-viết, gia nhập đảng từ năm 1905. (Xôn xao trong phòng họp.)

Đồng chí Eikhe bị bắt ngày 29-4-1938 trên cơ sở những tài liệu vu khống, không có lệnh bắt của viện kiểm sát Liên Xô, trát này chỉ có sau khi Eikhe đã bị bắt15 tháng!

Việc điều tra hồ sơ Eikhe được thực hiện trong tình huống vi phạm thô bạo nhất nền pháp chế Xô-viết, trong tình trạng chuyên quyền và ngụy tạo trắng trợn nhất.

Không chịu nổi đòn tra tấn, Eikhe buộc phải kí biên bản hỏi cung do các cán bộ điều tra soạn sẵn, trong đó đồng chí và một số cán bộ đảng và nhà nước có uy tín khác bị buộc tội hoạt động chống phá chính quyền Xô-viết.

Ngày 1-10-1939, Eikhe gửi Stalin đơn khiếu nại, trong đó đồng chí kiên quyết phủ nhận lời buộc tội và đề nghị thẩm tra lại trường hợp của mình. Trong đơn Eikhe viết:

“Không còn gì đau khổ cay đắng hơn là bị giam cầm trong ngục tù của chính chế độ mà tôi đã luôn luôn đấu tranh để xây dựng nó”.

Đơn khiếu nại thứ hai của Eikhe gửi Stalin ngày 27-10-1939 cũng được lưu trữ, trong đó đồng chí nêu ra những bằng chứng và phủ nhận một cách xác đáng lời buộc tội vu khống. Đồng chí chỉ rõ lời buộc tội mang tính khiêu khích này, một mặt, là sản phẩm của bọn Trotskit thực thụ, vì chính đồng chí trên cương vị bí thư thứ nhất thành ủy Tây Siberia đã kí lệnh bắt giam chúng, do đó chúng âm mưu trả thù, mặt khác, đó là kết quả của việc ngụy tạo hồ sơ điều tra một cách bẩn thỉu.

Eikhe đã viết trong đơn :

“Ngày 25-10 năm nay, người ta thông báo với tôi về việc kết thúc điều tra trường hợp của tôi và cho tôi khả năng làm quen với những tài liệu điều tra. Nếu như tôi phạm tội, dù chỉ một phần trăm những tội ác mà người ta đã gán cho tôi, thì đã chẳng bao giờ tôi dám gửi đến đồng chí đơn này trước khi tôi chết, nhưng tôi không hề phạm một tội gì trong tất cả những tội ác hình sự mà người ta gán cho tôi và lương tâm tôi không hề gợn một vết nhơ. Trong đời mình chưa bao giờ tôi nói với đồng chí một lời nào sai sự thật, và kể cả bây giờ, khi hai chân tôi sắp sửa bước xuống mồ, tôi cũng dối trá đồng chí một lời. Trường hợp của tôi là điển hình của một cuộc khiêu khích, vu khống và vi phạm những điều căn bản nhất của nền pháp chế cách mạng…

… Những điều “vạch mặt” ghi trong hồ sơ vụ án của tôi chẳng những phi lí mà nó chứa đựng hàng loạt vu khống đối với BCHTW ĐCS (bôn-sê-vich) và Hội đồng dân ủy, bởi vì những nghị quyết đúng đắn của BCHTW và của Hội đồng dân ủy được thông qua vốn chẳng phải do sáng kiến của tôi hoặc với sự tham gia của tôi, đã được trình bày như hành động thù địch của một tổ chức phản cách mạng do tôi khởi xướng…

Bây giờ tôi xin đề cập đến những trang nhục nhã nhất của quyển sách đời tôi, một tội lỗi thực sự nặng nề ray rứt nhất của tôi trước đảng và trước đồng chí. Đó là lời thú tội của tôi về hoạt động phản cách mạng… Sự việc là thế này: vì không chịu đựng nổi đòn tra tấn của Ushakov và Nikolaev, nhất là Ushakov đã khéo léo lợi dụng việc tôi bị gãy cột sống và xương chưa kịp liền lại, trong quá trình hỏi cung, đã làm tôi đau đớn khủng khiếp đến mức không chịu đựng nổi và ép tôi phải tự vu khống bản thân mình và vu khống những đồng chí khác.

Phần lớn những lời thú tội của tôi là do Ushakov mớm cung hoặc đọc cho tôi viết, phần còn lại là do tôi chép lại theo trí nhớ tài liệu của NKVD vùng Tây Siberia mà tôi phải tự gán những sự kiện trong tài liệu của NKVD cho chính mình. Nếu trong truyền thuyết do Ushakov thêu dệt và tôi phải kí nhận có gì đó không khớp, thì người ta lại bắt tôi kí nhận một phương án khác. Xảy ra như vậy đối với Rukhimovich, thoạt tiên người ta viết là thuộc mạng lưới dự bị, sau đó người ta gạch đi, không hề nói cho tôi biết, tương tự đối với chủ tịch mạng lưới dự bị, tuồng như do Bukharin thành lập năm 1935. Đầu tiên tôi phải ghi mình là lãnh đạo, sau đó người ta bảo tôi phải viết tên Mezhlauk, và còn nhiều thứ khác…

… Tôi đề nghị đồng chí, tôi van xin đồng chí hãy chỉ đạo xem xét lại trường hợp của tôi, chẳng phải vì tôi mong muốn được tha thứ, mà để vạch mặt âm mưu khiêu khích đê tiện này, nó như con rắn cuốn lấy nhiều người do sự yếu hèn của tôi và sự vu khống đầy tội lỗi. Tôi thề không bao giờ phản bội đồng chí, phản bội đảng. Tôi biết tôi sắp phải hi sinh vì hành động hèn hạ, đê tiện, do kẻ thù của đảng và của nhân dân sắp đặt ra những thủ đoạn khiêu khích để chống lại tôi”. (Hồ sơ Eikhe, tập 1).

Thiết tưởng, một lá đơn quan trọng như thế chắc chắn phải được bàn bạc trong BCHTW. Nhưng điều đó đã không xảy ra, đơn được chuyển đến tay Beria và đồng chí Eikhe, cựu ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, vẫn bị tiếp tục tra tấn tàn nhẫn.

Ngày 2-2-1940 diễn ra phiên tòa xử Eikhe. Trước tòa, Eikhe không nhận bất cứ một tội nào và tuyên bố như sau:

“Trong tất cả cái gọi là lời thú tội của tôi, không một chữ nào được gọi là của tôi, ngoại trừ chữ kí ở dưới tờ biên bản mà người ta dùng nhục hình để buộc tôi phải kí. Những lời thú tội được viết ra dưới sự ép buộc của an ninh điều tra, là kẻ đã hành hạ tôi từ ngày tôi bị bắt. Sau đó, tôi bắt đầu viết tất cả những điều ngớ ngẩn này… Điều chủ yếu với tôi bây giờ là phải tuyên bố trước tòa, trước đảng và trước Stalin: tôi vô tội. Tôi không bao giờ tham gia một âm mưu nào. Tôi sẽ chết với niềm tin ở chính sách đúng đắn của đảng, cũng như tôi đã tin tưởng trong suốt cuộc đời hoạt động của tôi”. (Hồ sơ Eikhe, tập 1).

Eikhe bị xử bắn ngày 4-2. (Phẫn nộ trong phòng họp.) Hiện nay, không còn nghi ngờ gì nữa, đã xác định được vụ án Eikhe hoàn toàn bịa đặt, đồng chí đã được minh oan và phục hồi danh dự sau khi chết!

Trước tòa án, đồng chí Rudzutak, ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, đảng viên từ năm 1905, người đã từng bị 10 năm khổ sai dưới chế độ Sa hoàng, cũng phủ nhận toàn bộ những lời thú tội bị ép cung của mình. Trong biên bản xử án của Tòa quân sự tối cao đã ghi lại tuyên bố của Rudzutak như sau:

“… Đề nghị duy nhất của bị cáo trước tòa — thông báo cho BCHTW ĐCS (bôn-sê-vich) biết rằng tại NKVD còn tồn tại một khối ung nhọt chưa được tiêu diệt tận gốc rễ, chuyên chế tạo các hồ sơ vụ án để buộc những kẻ vô tội phải thú nhận những tội họ chưa bao giờ vi phạm. Hoàn toàn không hề có việc thẩm tra các tình huống phạm tội và các bị cáo không hề có được một cơ hội nào để chứng minh tình trạng ngoại phạm của mình đối với những tội danh mà họ bị ép buộc phải thú nhận hoặc do người khác khai ra. Những phương pháp điều tra như thế đã ép buộc người bị hỏi cung phải bịa ra và vu khống cho những người vô tội, chưa kể việc tự bịa ra những tội cho chính bản thân mình. Bị cáo yêu cầu tòa cho phép được viết thư cho BCHTW. Bị cáo cam đoan với tòa rằng bản thân mình không hề có bất kì một ý đồ xấu xa nào chống đối lại chính sách của đảng ta, bởi vì bị cáo hoàn toàn đồng tình với chính sách của đảng trong mọi lĩnh vực của công cuộc xây dựng kinh tế và văn hóa”.

Lời tuyên bố của Rudzutak đã trôi vào quên lãng, chẳng ai để ý đến, mặc dù vào thời của mình đồng chí là chủ tịch Ủy ban kiểm tra trung ương, được thành lập theo ý tưởng của Lenin để đấu tranh vì sự thống nhất của đảng. Người đứng đầu một cơ quan cao cấp, đầy uy tín của đảng đã trở thành vật hi sinh cho sự chuyên quyền bạo ngược như thế đấy: người ta cũng chẳng thèm gọi đồng chí đến chất vấn tại Bộ Chính trị, Stalin không muốn nói chuyện với đồng chí. Bản án tử hình được đưa ra trong vòng 20 phút và đồng chí bị xử bắn. (Xôn xao phẫn nộ trong phòng họp.)

Việc thẩm tra kĩ lưỡng trường hợp này tiến hành vào năm 1955, đã xác định hồ sơ buộc tội Rudzutak hoàn toàn ngụy tạo và đồng chí bị tuyên án trên cơ sở những tài liệu mang tính vu khống. Đồng chí đã được minh oan và phục hồi danh dự sau khi chết!

Bằng phương pháp khiêu khích giả tạo như thế nào, những cựu nhân viên NKVD đã sáng chế ra những “trung tâm” và những “khối liên kết” chống phá nhà nước Xô-viết — được thấy rõ từ lời “thú tội” của đồng chí Rozenblyum, đảng viên từ năm 1906, bị NKVD thành phố Leningrad bị bắt năm 1937.

Trong quá trình thẩm tra lại vụ án Komarov vào năm 1955, Rozenblyum đã cho biết sự kiện sau: khi bị bắt vào năm 1937, đồng chí đã phải chịu đựng tra tấn dã man và buộc phải thú nhận những tội bịa đặt về bản thân cũng như về một số người khác. Sau đó Rozenblyum được đưa đến văn phòng của Zakovsky và được đề nghị trả tự do với điều kiện: trước tòa đồng chí chịu thú nhận một cách dối trá về “vụ án trung tâm khủng bố, phá hoại, gián điệp, gây rối Leningrad” do NKVD bịa đặt ra năm 1937. (Xôn xao trong phòng họp.) Với một thái độ vô liêm sỉ không thể tưởng tượng nổi, Zakovsky đã phơi bày một “bộ máy” hèn hạ chuyên chế tạo những “âm mưu chống nhà nước Xô-viết”.

“Để dễ hình dung — Rozenblyum thuật lại — Zakovsky đã vạch ra cho tôi một số phương án của sơ đồ tổ chức giả định cái “trung tâm” này và các chi nhánh của nó…

Sau khi giới thiệu với tôi những sơ đồ tổ chức, Zakovsky nói NKVD đang chuẩn bị hồ sơ về trung tâm này và vụ án sẽ được xét xử công khai.

Người ta sẽ đưa ra tòa những lãnh đạo của trung tâm, 4-5 người: Chudov, Ugarov, Smorodin, Pozern, Shaposhnikova (vợ của Chudov) và những người khác, và 2-3 người từ mỗi chi nhánh…

… Hồ sơ vụ án trung tâm Leningrad phải được sắp đặt một cách hoàn hảo. Lời khai của các nhân chứng có ý nghĩa quyết định. Địa vị xã hội (trong quá khứ, tất nhiên) và tuổi đảng của những nhân chứng đóng một vai trò không nhỏ.

Bản thân anh — Zakovskybảo — chẳng phải đặt chuyện gì cả. NKVD sẽ chuẩn bị sẵn cho anh một bản tóm tắt riêng biệt về mỗi chi nhánh, việc của anh là học thuộc lòng và ghi nhớ kĩ mọi câu hỏi và câu trả lời mà tòa có thể đặt ra cho anh. Hồ sơ vụ này sẽ được chuẩn bị trong vòng 4-5 tháng hoặc nửa năm. Anh phải tranh thủ thời gian để chuẩn bị, đừng để hậu quả tai hại cho bản thân. Số phận của anh sắp tới sẽ phụ thuộc vào tiến trình và kết quả của phiên tòa. Nhầm lẫn và khai báo sai — còn mỗi nước là tự trách mình. Vượt qua thử thách — nghĩa là giữ được cái bắp cải (cái đầu), nhà nước sẽ chu cấp cho anh đến cuối đời”. (Tài liệu thẩm tra vụ án Komarov, tờ 60-69.)

Thế đấy, những việc đê tiện đã được dàn dựng thời bấy giờ. (Xôn xao trong phòng họp.)

Ở các tỉnh, việc giả mạo hồ sơ điều tra còn phổ biến rộng rãi hơn nhiều. Sở công an tỉnh Sverdlovsk đã “phát hiện” một tổ chức mang tên “Bộ tham mưu phong trào khởi nghĩa vùng Ural — cơ quan của khối hữu khuynh, Trotkist, xã hội cách mạng, giáo hội” dưới sự lãnh đạo chừng như là của Kabakov, bí thư đảng ủy tỉnh Sverdlovsk, ủy viên BCHTW ĐCSLX, vào đảng từ năm 1914. Theo số liệu của hồ sơ điều tra thời ấy cho thấy trong hầu hết các vùng, các tỉnh, các nước cộng hòa đều tồn tại những tổ chức dường như có chi nhánh rộng khắp “các tổ chức và trung tâm gián điệp, khủng bố, biệt kích, phá hoại của bọn Trotskist hữu khuynh”, và như một quy luật, những “tổ chức” và “trung tâm” này, không rõ lí do gì, toàn do các bí thư thứ nhất đảng ủy tỉnh, vùng, hay BCHTW nước cộng hòa lãnh đạo. (Xôn xao trong phòng họp.)

Hậu quả của vụ việc giả tạo quái vật những “hồ sơ” tương tự như vậy là hàng nhiều ngàn chiến sĩ cộng sản trung kiên vô tội đã bị giết hại do người ta tin vào những lời “thú tội” mang tính vu khống, bị ép buộc phải tự gán cho chính mình và cho những người khác. Bằng cách đó, người ta chế tạo các “hồ sơ” để chống lại những nhà hoạt động ưu tú của đảng và nhà nước như Kosior, Chubar, Postysev, Kosariov và nhiều người khác.

Trong những năm đó, những cuộc đàn áp vô căn cứ được tiến hành với quy mô lớn, hậu quả là đảng bị tổn thất nghiêm trọng về mặt nhân sự.

Một thực tế thối nát được hình thành, tại cơ quan NKVD những danh sách được lập sẵn, hồ sơ của những người trong danh sách được tòa quân sự xem xét, và mức án cũng đã được xác định sẵn. Những danh sách này do Ejov đích thân trình lên Stalin để phê chuẩn mức án đề xuất. Vào những năm 1937-1938, 383 danh sách loại ấy được trình lên Stalin, trong đó gồm nhiều ngàn cán bộ đảng, nhà nước, đoàn thanh niên cộng sản, quân đội, các tổ chức kinh tế, và đã được phê duyệt.

Một phần đáng kể các hồ sơ ấy hiện đang được thẩm tra lại và đa số đã bị bác bỏ vì vô căn cứ và ngụy tạo. Đủ cơ sở để nói rằng từ năm 1954 đến nay, Tòa quân sự tối cao đã minh oan và phục hồi danh dự cho 7679 người, trong đó nhiều người được phục hồi sau khi chết!

Việc bắt bớ hàng loạt cán bộ đảng, nhà nước, quân đội, tổ chức kinh tế đã gây tổn thất vô cùng to lớn cho đất nước ta và cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Những vụ đàn áp hàng loạt đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng đạo đức chính trị của đảng, gây mất niềm tin, góp phần phổ biến nghi ngờ bệnh hoạn, gieo rắc sự ngờ vực lẫn nhau giữa những người cộng sản. Bọn vu khống và hãnh tiến đủ loại có cơ hội phát triển.

Nghị quyết của hội nghị toàn thể BCHTW ĐCSLX vào tháng 1-1938 phần nào đã cải thiện các tổ chức đảng. Nhưng đàn áp trên diện rộng vẫn tiếp diễn trong năm 1938.

Và chỉ do đảng ta có một sức mạnh đạo đức chính trị vĩ đại, nên mới vượt qua được những biến cố nặng nề của những năm 1937-1938, chịu đựng nổi thử thách và bồi dưỡng cán bộ mới. Nhưng không nghi ngờ gì, con đường tiến đến chủ nghĩa xã hội và chuẩn bị quốc phòng còn thành công hơn nhiều, nếu như không có những mất mát to lớn đội ngũ cán bộ, do hậu quả những cuộc đàn áp hàng loạt vô căn cứ và phi nghĩa thời kì 1937-1938.

Chúng ta đúng đắn khi buộc tôi Ejov đồi bại biến chất vào năm 1937. Nhưng cần trả lời câu hỏi: chẳng lẽ Ejov có thể tự động, không báo cáo Stalin, ra lệnh bắt Kosior chẳng hạn? Có sự trao đổi ý kiến hay quyết định của Bộ Chính trị về vấn đề đó hay không? Không, không có, và cũng không có trong những trường hợp tương tự như thế. Chẳng lẽ Ejov có thể tự giải quyết những vấn đề quan trọng như định đoạt vận mệnh của những nhà hoạt động kiệt xuất của đảng? Không, thật ngây thơ nếu cho rằng việc ấy chỉ do mỗi bàn tay của Ejov nhúng vào. Rõ ràng, những việc ấy đều do Stalin quyết định, và nếu không có chỉ thị, không có phê duyệt của Stalin, thì Ejov chẳng thể làm gì.

Giờ đây chúng ta đã xem xét lại và đã phục hồi danh dự cho các đồng chí Kosior, Rudzutak, Postyshev, Kosariov và nhiều đồng chí khác. Căn cứ vào đâu họ bị bắt và bị kết án? Nghiên cứu các tài liệu cho thấy không hề có căn cứ gì cả. Người ta bắt giam họ, cũng như nhiều người khác, không có lệnh bắt của viện kiểm sát. Nhưng trong điều kiện như thế, cũng chẳng đòi hỏi phải có lệnh bắt; lệnh làm gì một khi Stalin đã cho phép. Stalin chính là ủy viên kiểm sát tối cao trong những vụ này rồi. Chẳng những cho phép, mà Stalin còn chỉ thị việc bắt bớ theo sáng kiến của mình. Cần phải nói để các đại biểu đại hội thấy rõ và có thể đưa ra đánh giá đúng đắn và kết luận phù hợp.

Những sự kiện cho thấy nhiều việc lạm dụng đã được thực hiện theo chỉ thị của Stalin, hoàn toàn bỏ qua mọi chuẩn mực pháp chế của đảng và nhà nước Xô-viết. Stalin là một người rất hay ngờ vực với tính đa nghi đến mức bệnh hoạn, chúng tôi khẳng định điều đó qua thời gian làm việc chung. Đồng chí có thể nhìn một người khác rồi hỏi: “sao hôm nay mắt của đồng chí đảo liên tục thế?”, hoặc: “sao hôm nay đồng chí cứ lảng đi, không nhìn thẳng vào mắt tôi?”. Bệnh đa nghi ấy khiến Stalin có những ngờ vực vô căn cứ, kể cả đối với những nhà hoạt động tiên phong của đảng mà đồng chí đã biết rất nhiều năm. Mọi lúc mọi nơi, Stalin đều nhìn thấy “kẻ thù”, “kẻ hai mặt”, “bọn gián điệp”.

Nắm quyền lực vô biên trong tay, đồng chí cho phép chuyên quyền độc ác, trấn áp người khác về tinh thần và thể xác. Xảy ra tình trạng người ta không dám bày tỏ chính kiến của mình.

Khi Stalin bảo phải bắt người này, suy ra phải tin rằng người ðó là “kẻ thù của nhân dân”. Còn băng nhóm Beria, cầm đầu cơ quan an ninh nhà nước, cố sống cố chết mà chứng minh tội trạng những người bị bắt, tính hợp lí của các tài liệu do chúng làm giả.Và chứng cớ gì được đưa vào trong quá trình điều tra? Lời “thú tội” của bị cáo. Và an ninh điều tra, làm sao đó thì làm, phải khai thác cho bằng được lời “thú tội”. Nhưng làm sao người ta có thể thú nhận những tội ác mà họ chẳng bao giờ thực hiện? Chỉ có một cách duy nhất — áp dụng nhục hình, tra tấn khiến người ta mất hết tri giác, mất hết lí trí, mất hết phẩm giá con người. Những lời “thú tội” ảo đã được khai thác như thế đó.

Khi làn sóng đàn áp hàng loạt bắt đầu dịu xuống vào năm 1939, khi lãnh đạo các tổ chức đảng địa phương tố cáo nhân viên NKVD dùng nhục hình với những người bị bắt, ngày 10-1-1939, Stalin gửi một bức điện mật cho bí thư đảng ủy các tỉnh, vùng, BCHTW các nước cộng hòa, các ủy viên nội vụ và lãnh đạo các cục an ninh thuộc NKVD. Nội dung bức điện như sau:

“BCHTW ĐCSLX giải thích việc áp dụng nhục hình khi làm nhiệm vụ của NKVD đã được BCHTW ĐCSLX cho phép từ năm 1937… Được biết tất cả các cơ quan phản gián tư sản đều áp dụng nhục hình với đại diện giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa, hơn thế nữa, còn áp dụng dưới những hình thức ghê tởm nhất. Thử hỏi, tại sao an ninh phản gián xã hội chủ nghĩa lại phải nhân đạo hơn với lũ tay sai hung hãn của tư sản, với kẻ thù đáng nguyền rủa của giai cấp công nhân và nông dân. BCHTW ĐCSLX cho rằng phương pháp nhục hình phải được sử dụng, trong tình huống đặc biệt, để chống lại những kẻ thù của nhân dân, công khai và có vũ trang, như là một phương pháp đúng đắn và hợp lí”.

Bằng việc này, sự vi phạm trắng trợn nhất pháp chế xã hội chủ nghĩa, nhục hình và tra tấn, như trình bày ở trên, đã khiến những người vô tội phải tự buộc tội mình và vu khống kẻ khác, đã được Stalin phê chuẩn, nhân danh BCHTW ĐCSLX.

Gần đây, vài ngày trước đại hội, chúng tôi đã gọi tới trước phiên họp của Đoàn chủ tịch BCHTW và thẩm tra nhân viên điều tra Rodos, kẻ đã điều tra và hỏi cung Kosior, Chubar, Kosariov. Đó là một kẻ vô giá trị, óc chim sẻ, tư cách đạo đức đồi bại. Ấy vậy mà một kẻ như thế lại định đoạt số phận của những nhà hoạt động tên tuổi của đảng, định đoạt cả đường lối chính trị, bởi vì khi chứng minh “tội ác” của họ, y đã cung cấp hồ sơ tài liệu có thể rút ra những kết luận mang tính chính trị lớn.

Thử hỏi, chẳng lẽ một kẻ như thế lại có thể, bằng trí tuệ của mình, tiến hành điều tra để chứng minh tội trạng của những người như Kosior và nhiều người khác. Không, y không thể làm gì hơn nếu không có chỉ đạo sát sao. Tại phiên họp của Đoàn chủ tịch BCHTW y đã khai với chúng tôi: “Người ta bảo với tôi Kosior và Chubar là kẻ thù của nhân dân, vì vậy, với tư cách nhân viên điều tra, tôi có bổn phận bắt họ thú nhận họ là kẻ thù”. (Phẫn nộ trong phòng họp.)

Y chỉ có thể khai thác được bằng biện pháp tra tấn dai dẳng, và những gì y làm đều theo chỉ đạo cụ thể của Beria. Phải nói là tại phiên họp của Đoàn chủ tịch BCHTW Rodos đã trơ tráo tuyên bố: “Tôi nghĩ tôi thực hiện mệnh lệnh của đảng”. Chỉ thị của Stalin về việc áp dụng nhục hình với những người bị bắt giữ đã được thi hành trong thực tiễn như thế đó.

Những sự kiện này cùng nhiều sự kiện tương tự chứng tỏ mọi chuẩn mực nhằm giải quyết vấn đề một cách đúng đắn của đảng đã bị xóa bỏ; tất cả đều tùy thuộc vào sự chuyên quyền của một cá nhân.

Sự chuyên quyền của Stalin đã dẫn đến những hậu quả đặc biệt nặng nề trong thời kì chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Khi xem rất nhiều những tiểu thuyết, phim ảnh và “công trình nghiên cứu” lịch sử của chúng ta, ta thấy trong đó trình bày hoàn toàn bóp méo sự thật vai trò của Stalin trong chiến tranh vệ quốc. Thường thì một bố cục được xây dựng thế này. Stalin đã tiên đoán tất cả. Quân đội Xô-viết theo kế hoạch chiến lược do Stalin vạch ra từ trước, sử dụng chiến thuật mang tên “‘phòng thủ tích cực”, có nghĩa là chiến thuật, như đã biết, cho quân Đức tràn vào tận Moskva và Stalingrad. Áp dụng chiến thuật này, dường như chỉ nhờ vào thiên tài của Stalin, quân đội Xô-viết đã chuyển sang thế phản công và đập tan quân thù. Chiến thắng có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới do các lực lượng vũ trang đất nước Xô-viết và nhân dân anh hùng, được mô tả trong các loại tiểu thuyết, phim ảnh, “công trình nghiên cứu” như thế đấy, hoàn toàn nhờ vào thiên tài quân sự của Stalin.

Cần phải lưu tâm xem xét vấn đề này, vì nó có ý nghĩa vô cùng lớn lao, chẳng những về góc độ lịch sử, mà trên hết còn về góc độ chính trị, giáo dục và thực tiễn.

Những sự kiện nào trong vấn đề này?

Trước chiến tranh, trên mọi phương tiện báo chí và công tác giáo dục tuyên truyền trong nước rặt một giọng ngạo mạn: nếu kẻ thù dám xâm phạm lãnh thổ Xô-viết thiêng liêng, chúng ta sẽ giáng trả gấp ba lần cho một đòn của quân thù, sẽ tiến hành chiến tranh ngay trên lãnh thổ của chúng và sẽ chiến thắng với thiệt hại xương máu ít nhất. Tuy nhiên, những lời tuyên bố được khẳng định ấy còn rất xa với thực tế, đảm bảo sự bất khả xâm phạm biên cương nước ta.

Theo diễn tiến và khi kết thúc chiến tranh, Stalin đã nâng cao luận điểm, bi kịch mà nhân dân ta phải gánh chịu trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, tuồng như là hậu quả cuộc tấn công “bất thình lình” của quân Đức chống Liên Xô. Nhưng thưa các đồng chí, điều này hoàn toàn không đúng sự thực. Ngay khi Hitler vừa nắm chính quyền nước Đức, y đã đặt ra sứ mệnh thủ tiêu chủ nghĩa cộng sản. Bọn phát-xít đã thẳng thừng tuyên bố điều này, không hề giấu giếm ý đồ. Để thực hiện kế hoạch xâm lăng, các loại hiệp ước, khối liên minh, trục đã được kí kết, chẳng hạn “trục Berlin-Rome-Tokyo”. Vô số sự kiện thời kì trước chiến tranh rõ ràng chứng tỏ Hitler đã tập trung mọi lực lượng để mở cuộc chiến tranh chống nhà nước Xô-viết và tập trung những binh đoàn lớn, trong đó có binh chủng thiết giáp, gần biên giới Liên Xô.

Nhiều tài liệu công bố hiện nay cho thấy từ ngày 3-4-1941 Churchill, thông qua Cripps, đại sứ Anh tại Liên Xô, đã đích thân cảnh báo Stalin về việc Đức Quốc xã bắt đầu điều động các binh đoàn chuẩn bị mở cuộc tấn công Liên Xô. Tất nhiên, Churchill làm thế chẳng phải vì thiện cảm với nhân dân Xô-viết. Ở đây ông ta theo đuổi mục tiêu quyền lợi đế quốc — đẩy Đức Quốc xã và Liên Xô vào cuộc chiến tranh đẫm máu, từ đó củng cố địa vị của đế quốc Anh. Tuy vậy, Churchill nhấn mạnh trong bức công hàm, ông “cảnh báo Stalin chú ý đến mối hiểm họa đang đe dọa”. Churchill liên tục nhấn mạnh vấn đề này trong các công điện ngày 18-4 và những ngày tiếp theo. Nhưng Stalin chẳng chút lưu tâm đến những cảnh báo này. Ngoài ra, Stalin còn chỉ thị không được tin vào những thông tin loại ấy nhằm tránh khiêu khích mở đầu hoạt động quân sự.

Cần phải nói, thông tin về hiểm họa lơ lửng trên đầu của các binh đoàn Đức xâm lược lãnh thổ Liên Xô cũng đã được các nguồn tin quân sự và ngoại giao của chúng ta đưa ra, nhưng do chỉ thị về việc không được tin vào những thông tin loại này nên mỗi lần báo cáo thông tin lên cấp lãnh đạo phải hết sức dè dặt và luôn phải bàn bạc cân nhắc.

Chẳng hạn, trong báo cáo gửi từ Berlin ngày 6-5-1941, tùy viên quân sự đại tá hải quân Vorontsov trình bày: “Một công dân Liên Xô tên Bozer… đã báo cho phó tùy viên hải quân là theo lời một sĩ quan Đức tại tổng hành dinh của Hitler, quân Đức chuẩn bị xâm lược Liên Xô vào ngày 14-5 qua ngả Phần Lan, các nước Baltic và Latvia. Đồng thời, không quân Đức sẽ tấn công ồ ạt Moskva và Leningrad và biệt kích dù xâm nhập các thành phố trung tâm dọc theo biên giới…”

Trong báo cáo ngày 22-5-1941, Khlopov, phó tùy viên quân sự tại Berlin báo cáo “… cuộc tấn công của quân đội Đức được ấn định vào ngày 15-6, nhưng có khả năng sẽ bắt đầu vào những ngày đầu tháng Sáu…”.

Trong bức điện của đại sứ nước ta tại London ngày 18-6-1941 báo cáo: “Liên quan đến tình hình hiện tại, Kripps khẳng định chắc chắn đụng độ quân sự giữa Đức và Liên Xô là không tránh khỏi, và sẽ diễn ra chậm nhất là giữa tháng Sáu. Theo lời Kripps, hôm nay quân Đức đang tập trung 147 sư đoàn (kể cả không quân và các lực lượng tiếp ứng) dọc biên giới Liên Xô…”.

Mặc cho những tín hiệu tối quan trọng như thế, không có biện pháp thiết yếu nào được đưa ra để chuẩn bị quốc phòng và loại trừ tình huống bị tấn công bất ngờ.

Chúng ta có đủ thời gian và khả năng cho việc chuẩn bị không? Có, đủ thời gian và đủ khả năng. Nền công nghiệp của chúng ta đang phát triển ở mức hoàn toàn có thể đảm bảo cho quân đội Liên Xô những gì cần thiết. Điều này được khẳng định bằng thực tế, trong diễn tiến cuộc chiến tranh, một nửa nền công nghiệp của chúng ta bị thiệt hại do hậu quả Ukraina, Bắc Caucase, miền Tây đất nước, những vùng công nghiệp và lương thực quan trọng bị kẻ thù chiếm đóng, nhân dân Xô-viết vẫn biết tổ chức sản xuất quân nhu ở các vùng phía Đông, vẫn đưa vào hoạt động những thiết bị được chuyển từ các khu công nghiệp miền Tây về và đã đảm bảo cho lực lượng vũ trang tất cả những gì cần thiết yếu để đập tan quân thù.

Nếu như nền công nghiệp chúng ta được điều động kịp thời và đúng lúc để đảm bảo cho quân đội vũ khí và quân trang quân dụng cần thiết thì chúng ta đã chỉ phải chịu hi sinh mất mát ít hơn rất nhiều trong cuộc chiến khốc liệt này. Tuy nhiên việc điều động kịp thời đã không được tiến hành. Từ những ngày đầu chiến tranh đã phát hiện quân đội ta được vũ trang rất yếu kém, chúng ta không đủ pháo, xe tăng, máy bay để đẩy lùi quân địch.

Khoa học và kĩ thuật Xô-viết đã chế tạo được các mô hình tuyệt vời xe tăng và pháo ngay từ thời trước chiến tranh. Có điều việc sản xuất hàng loạt những vũ khí này chưa tiến hành, và chúng ta mới tái vũ trang cho quân đội ngay trước ngày chiến tranh bùng nổ. Hậu quả là vào thời điểm quân thù tấn công trên lãnh thổ Xô-viết, chúng ta không có đủ số lượng vũ khí cần thiết theo kĩ thuật cũ, đã không còn được trang bị, mà cũng không đủ vũ khí mới do chưa kịp sản xuất hàng loạt trong công nghiệp quân sự. Pháo cao xạ còn rất lạc hậu, việc sản xuất đạn trái phá bọc đồng chống tăng chưa được tổ chức. Nhiều vùng chiến lược vào thời điểm kẻ địch tấn công không đương đầu nổi vì vũ khí cũ đã bị loại bỏ, còn vũ khí mới chưa kịp trang bị.

Đáng tiếc, vấn đề không phải chỉ đối với xe tăng, pháo và máy bay. Đầu cuộc chiến ta còn không đủ cả súng trường để trang bị cho binh lính mới được động viên nhập ngũ. Tôi còn nhớ vào những ngày đó, tôi đã gọi điện từ Kiev cho đồng chí Malenkov:

– Nhiều người tình nguyện nhập ngũ và họ đòi cấp súng đạn. Gửi vũ khí cho chúng tôi.

Malenkov trả lời:

– Chúng tôi không thể gửi vũ khí. Tất cả súng đã gửi đi Leningrad rồi, các đồng chí phải tự vũ trang lấy. (Xôn xao trong phòng họp.)

Tình trạng vũ khí là như thế.

Không thể không nhớ đến sự kiện liên quan đến vấn đề này. Ít lâu trước cuộc tấn công của quân Hitler vào lãnh thổ Xô-viết, Kirponos — thời ấy là tư lệnh vành đai quân sự đặc khu Kiev (đã hi sinh tại mặt trận) — báo cáo Stalin là quân Đức đã tiến gần sông Bug và đang củng cố lực lượng để chuẩn bị tấn công trong thời gian sớm nhất. Dự liệu điều này, Kirponos đề nghị thiết lập một hệ thống phòng thủ chắc chắn, di tản khoảng 300 ngàn dân cư khỏi các vùng biên giới và xây dựng vành đai phòng ngự kiên cố: đào chiến hào chống tăng, đắp công sự cho chiến sĩ v.v…

Đáp lại đề nghị này, Moskva trả lời đó là một hành động khiêu khích, không được tiến hành bất cứ hành động gì dọc biên giới để quân Đức khỏi mượn cớ mở hành động quân sự chống lại ta. Và biên giới của ta thực sự không được chuẩn bị để ngăn chặn quân thù.

Khi các binh đoàn phát-xít đã tràn qua lãnh thổ Xô-viết và bắt đầu những hành động quân sự, mệnh lệnh từ Moskva vẫn là không được bắn trả. Tại sao? Bởi vì Stalin, bất chấp những sự kiện rành rành, vẫn cho rằng chiến tranh chưa xảy ra, mà chỉ là hành động khiêu khích của vài đơn vị vô kỉ luật của quân Đức và đòn giáng trả của chúng ta sẽ là cái cớ để bùng nổ chiến tranh.

Sự kiện này cũng được biết đến. Ngay trước ngày quân đội Hitler xâm lược lãnh thổ Liên Xô, một công dân Đức đã vượt biên giới nước ta và thông báo quân Đức được lệnh tấn công Liên Xô vào 3 giờ đêm ngày 22-6. Thông tin ngay lập tức được báo cáo Stalin, song tín hiệu này vẫn hoàn toàn bị bỏ qua.

Như các đồng chí thấy, mọi thứ đều bị phớt lờ: cảnh báo của cấp lãnh đạo quân sự, tin tức của lính Đức đào ngũ và thậm chí những hành động rành rành của kẻ địch. Đó có phải là tinh thần cảnh giác của một lãnh tụ đảng và đất nước trong một khoảnh khắc lịch sử quan trọng như thế?

Thái độ thản nhiên, phớt lờ những sự kiện rành rành ấy đã dẫn đến hậu quả ra sao? Hậu quả là ngay trong những giờ đầu và ngày đầu cuộc chiến, tại các vùng biên giới, kẻ thù đã tiêu diệt số lượng lớn không quân, pháo binh, các trang bị quân sự khác, đã sát hại số lượng đáng kể cán bộ quân sự, phá tan bộ tham mưu quân đoàn của ta, và chúng ta lâm vào tình trạng không ngăn nổi bước tiến của quân thù vào sâu lãnh thổ.

Những hậu quả thảm hại, đặc biệt trong giai đoạn đầu cuộc chiến, cũng do tình trạng vào thời kì 1937-1941 Stalin, vì bản tính đa nghi của mình, dựa trên những lời buộc tội vu khống đã thủ tiêu nhiều cán bộ lãnh đạo quân sự và chính trị. Suốt những năm đó, các cuộc đàn áp đã triệt hạ những tầng lớp cán bộ quân sự, từ cấp đại đội, tiểu đoàn đến những lãnh đạo quân sự cấp cao, trong đó nhiều người đã từng kinh qua chiến tranh ở Tây Ban Nha và Viễn Đông.

Chính sách đàn áp trên diện rộng đối với các cán bộ quân sự còn gây hậu quả nghiêm trọng là phá vỡ nền móng kỉ luật quân đội, vì trong nhiều năm liền, người ta đã gợi ý các sĩ quan các cấp, thậm chí cả binh lính trong đảng và trong đoàn thanh niên cộng sản phải “vạch mặt” chỉ huy cấp cao như những kẻ thù giấu mặt. (Xôn xao trong phòng họp.). Lẽ tự nhiên, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến kỉ luật quân đội trong giai đoạn đầu chiến tranh.

Và trước chiến tranh chúng ta có nhiều cán bộ quân sự lỗi lạc, những người trung thành vô hạn với đảng và với tổ quốc. Đủ cơ sở để nói, những người còn sống sót, tôi muốn nói đến các đồng chí như Rokossovsky (đã bị ngồi tù), Gorbatov, Maretskov (là đại biểu đại hội này), Podlas (một tư lệnh nổi tiếng đã hi sinh ngoài mặt trận) và nhiều, rất nhiều đồng chí khác, bất kể đã phải trải qua đau khổ nặng nề trong ngục tù, từ những ngày đầu chiến tranh đã tỏ ra là những người yêu nước chân chính và đã anh dũng chiến đấu vì tổ quốc vinh quang. Nhưng cũng nhiều tư lệnh đã bỏ xác trong các trại cải tạo hoặc trong nhà tù, và quân đội ta không được gặp lại họ nữa.

Tất cả những điều ấy đã dẫn đến tình trạng đất nước ta vào thời kì đầu cuộc chiến và gây ra mối hiểm họa vô cùng to lớn cho số phận của tổ quốc ta.

Thật không đúng đắn nếu không nói rằng sau những thất bại và những tổn thất nặng nề đầu tiên ngoài mặt trận, Stalin nghĩ rằng đã lâm vào bước đường cùng. Trong một cuộc nói chuyện hồi đó, Stalin tuyên bố:

– Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn tất cả những gì Lenin gây dựng.

Sau đó, trong một thời gian dài, thực tế Stalin không chỉ đạo các hoạt động quân sự, nói chung đồng chí ấy chẳng làm gì cả và chỉ điều hành trở lại khi một số ủy viên Bộ Chính trị đến gặp đồng chí và đề nghị thi hành cấp tốc một số biện pháp để cải thiện tình hình ngoài mặt trận.

Như thế, hiểm họa khôn lường treo lơ lửng trên đầu tổ quốc ta vào thời kì đầu chiến tranh, phần lớn là hậu quả của phương pháp sai lầm trong việc lãnh đạo đất nước và đảng của Stalin.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ vào thời điểm chiến tranh bùng nổ, đã làm rối loạn nghiêm trọng quân đội và gây ra nhiều thiệt hại nặng nề. Về sau này, sự cáu kỉnh và thần kinh không ổn định của Stalin trong việc can thiệp loạn xạ vào hoạt động quân sự cũng làm quân đội ta bị thiệt hại nặng nề.

Stalin hoàn toàn không nắm được tình hình thực tế ngoài mặt trận. Và điều này là lẽ tự nhiên, vì suốt thời kì chiến tranh vệ quốc, Stalin không hề có mặt tại một mặt trận nào, hay một thành phố nào vừa được giải phóng, nếu không kể một cuộc đi thăm chớp nhoáng trên quốc lộ Mojaisky khi tình thế mặt trận đã ổn định, được mô tả trong không biết bao nhiêu tác phẩm văn học, với những thêm thắt thêu dệt đủ loại, và trong không biết bao nhiêu bức tranh tuyệt đẹp. Cùng lúc đó, Stalin trực tiếp can thiệp vào những cuộc hành quân, ban hành các mệnh lệnh hoàn toàn không căn cứ vào tình hình thực tế mặt trận, không thể không gây tổn thất vô cùng to lớn về nhân mạng.

Tôi xin nêu một sự việc điển hình liên quan đến vấn đề này, chứng tỏ cách thức Stalin đã chỉ đạo mặt trận. Tham dự đại hội hôm nay có nguyên soái Bagramian, thời đó là chỉ huy trưởng bộ tham mưu mặt trận Tây Nam, và đồng chí có thể chứng thực lời của tôi.

Năm 1942, khi tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng cho quân ta tại Kharkov, chúng tôi đã thông qua quyết định đúng đắn về việc ngừng hành quân bao vây Kharkov, vì tình hình thực tế hồi đó cho thấy việc tiếp tục hành quân có thể gây thiệt hại thảm khốc cho quân đội ta.

Chúng tôi báo cáo Stalin, tuyên bố rằng tình hình hiện tại đòi hỏi phải thay đổi kế hoạch hành động, để quân địch không có cơ hội tiêu diệt các cứ điểm quân đội của ta.

Trái với tư duy lành mạnh, Stalin bác bỏ đề xuất của chúng tôi và ra lệnh tiếp tục hành quân bao vây Kharkov, mặc dù khi đó rất nhiều cứ điểm quân ta đang bị đe dọa bao vây và tiêu diệt.

Tôi gọi điện cho Vasilievsky và khẩn khoản với đồng chí:

– Alexandre Mikhailovich (đồng chí Vasilievsky đang có mặt ở đây), đồng chí hãy lấy bản đồ và chỉ cho đồng chí Stalin biết tình hình. Phải lưu ý là Stalin lên kế hoạch quân sự trên quả địa cầu dùng cho học trò. (Xôn xao trong phòng họp.) Đúng thế, thưa các đồng chí, lấy một quả địa cầu và vạch tuyến mặt trận trên đó. Tôi nói với đồng chí Vasilievsky, hãy chỉ tình hình trên bản đồ, trong điều kiện hiện nay không được tiếp tục kế hoạch dự định. Phải thay đổi quyết định cho phù hợp tình thế.

Vasilievsky trả lời tôi Stalin đã xem xét vấn đề này và đồng chí, Vasilievsky, không muốn chứng minh với Stalin nữa, vì Stalin không muốn nghe thêm bất cứ điều gì về kế hoạch hành quân này.

Sau cuộc nói chuyện với Vasilievsky, tôi gọi điện về nhà nghỉ Stalin. Nhưng Stalin không nhấc máy mà là Malenkov. Tôi nói với đồng chí Malenkov là tôi gọi từ mặt trận và muốn nói chuyện trực tiếp với đồng chí Stalin. Qua Malenkov, Stalin bảo tôi có gì cứ nói với Malenkov. Tôi nhấn mạnh lần thứ hai là muốn báo cáo trực tiếp với Stalin về tình hình nguy cấp của chúng tôi ngoài mặt trận. Nhưng Stalin cho rằng không cần thiết nhấc ống nghe, và một lần nữa khẳng định cứ báo cáo thông qua Malenkov, mặc dù khi đó Stalin chỉ đứng cách điện thoại vài bước chân.

Sau khi đã “lắng nghe” đề nghị của chúng tôi bằng cách ấy, Stalin trả lời:

– Cứ theo kế hoạch cũ!

Và kết quả ra sao? Không thể nào tệ hại hơn, như chúng tôi dự liệu. Quân Đức đã bao vây các cứ điểm quân ta và chúng ta đã bị thiệt hại hàng trăm ngàn binh sĩ. Thế đấy, “thiên tài” quân sự của Stalin là như thế, nó đã đáng giá như thế nào! (Xôn xao trong phòng họp.)

Có lần, sau chiến tranh, trong cuộc gặp gỡ của Stalin với các ủy viên Bộ Chính trị, Anastas Ivanovich Mikoyan có nhắc chuyện Khrushyov đã có lí khi gọi điện báo cáo về kế hoạch hành quân tại Kharkov, và thật đáng tiếc khi đề xuất của đồng chí đã không được ủng hộ.

Phải hình dung xem Stalin đã nổi trận lôi dình như thế nào! Làm sao có thể nhìn nhận là Stalin không đúng đắn! Bởi Stalin là một “thiên tài”, mà thiên tài thì sao mà sai được! Mọi người, bất kì ai, đều có thể sai lầm, nhưng Stalin thì cho rằng mình không bao giờ sai lầm, luôn luôn đúng. Và đồng chí không bao giờ, không với một ai, thú nhận là mình sai, lỗi lớn hay lỗi nhỏ, mặc dù đồng chí đã phạm không ít sai lầm cả trong lí thuyết lẫn trong vấn đề thực tiễn. Sau đại hội này, chắc chắn chúng ta phải xem xét lại cách đánh giá nhiều kế hoạch tác chiến và đưa ra những giải thích đúng đắn.

Chúng ta đã phải trả giá bằng nhiều xương máu cho chiến thuật mà Stalin cứ khăng khăng chỉ đạo, không am hiểu gì bản chất của chỉ huy quân sự, kể cả sau khi đã ngăn chặn được bước tiến quân địch và chuyển sang thế phản công.

Các nhà quân sự đều biết ngay từ cuối năm 1941, thay vì phải mở đầu tổng hành quân di chuyển vòng theo sườn địch để đánh thọc vào hậu tuyến, Stalin lại đòi hỏi liên tục đánh trực diện để chiếm lại từng ngôi làng. Và chúng ta chịu nhiều tổn thất nặng nề, chỉ cho đến khi các tướng lĩnh của ta, hai vai mang mọi gánh nặng của chiến tranh, đã kịp biến đổi tình thế và chuyển sang những chiến dịch mềm dẻo hơn, và cục diện lập tức xoay chuyển nhanh chóng trên các mặt trận theo hướng có lợi cho quân ta.

Một sự thật nhục nhã và hoàn toàn không xứng đáng là sau thắng lợi vĩ đại trước kẻ thù bằng một giá quá đắt, Stalin lại bắt đầu công kích nhiều nhà chỉ huy quân sự, những người đã cống hiến nhiều công sức để chiến thắng quân thù, bởi lẽ Stalin muốn loại trừ hết mọi khả năng những công trạng ngoài mặt trận lại có thể là của một ai đó khác hơn là của chính đồng chí.

Stalin rất quan tâm sự đánh giá của mọi người về đồng chí Jukov, nhà chỉ huy quân sự của ta. Nhiều lần đồng chí hỏi ý kiến tôi về Jukov, và tôi trả lời:

– Tôi biết Jukov đã lâu, đồng chí là một vị tướng giỏi và một nhà chỉ huy quân sự tài ba.

Sau chiến tranh, Stalin bắt đầu gieo rắc những chuyện không hay về Jukov, chẳng hạn, đồng chí nói với tôi:

– Đồng chí khen ngợi Jukov, nhưng đồng chí ấy có xứng đáng đâu. Người ta kể, ngoài mặt trận trước mỗi cuộc hành quân, Jukov làm thế này: bốc một nắm đất, đưa lên mũi ngửi rồi nói: có thể bắt đầu tấn công, hoặc ngược lại, không thể thực hiện kế hoạch tác chiến dự định.

Khi đó, tôi đã trả lời:

– Thưa đồng chí Stalin, tôi không biết ai đã bịa đặt chuyện đó, nhưng không đúng thế.

Có thể chính Stalin đã bịa ra những chuyện đại loại thế để hạ thấp vai trò và tài năng quân sự của nguyên soái Jukov.

Liên quan đến vấn đề này, Stalin rất sốt sắng đánh bóng bản thân như một nhà chỉ huy quân sự vĩ đại, bằng mọi cách cấy vào nhận thức mọi người ý nghĩ là tất cả chiến công trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại do nhân dân Xô-viết làm nên, đều là kết quả của lòng can đảm, sự quả cảm, thiên tài lỗi lạc của Stalin, ngoài ra không có gì hơn. Cứ như chàng Kuzma Kryuchkov trong cổ tích — một nhát bảy mạng. (Xôn xao trong phòng họp.)

Trong thực tế, cứ thử xem các phim ảnh về đề tài lịch sử và quân sự của ta hoặc một số tác phẩm văn học, đọc qua là thấy buồn nôn. Thực chất chúng được hướng vào mục đích tuyên truyền cho chính cái kịch bản để vinh danh Stalin như một vị chỉ huy thiên tài. Thử nhớ lại cuốn phim “Berlin thất thủ”. Trong đó, Stalin độc diễn: đồng chí ra chỉ thì trong một sảnh đường với toàn ghế trống, và chỉ có một người tiến lại gần và báo cáo điều gì đó — đó là Poskrebyshev, kẻ hầu cận trung thành. (Cười lớn trong phòng họp.)

Còn bộ tổng tham mưu lúc đó ở đâu? Bộ Chính trị ở đâu? Chính phủ ở đâu? Họ làm gì và đang bận việc gì? Không có trong phim. Stalin độc diễn thay cho tất cả, chẳng đếm xỉa, chẳng bàn bạc với ai. Người ta đã công chiếu trước nhân dân cái loại hình bị bóp méo xuyên tạc này. Để làm gì? Để bọc Stalin trong một vầng hào quang, bất kể mọi sự kiện, bất kể sự thật lịch sử.

Thử hỏi, còn những người lính của chúng ta lúc đó ở đâu, những người oằn cả hai vai dưới gánh nặng của cuộc chiến tranh? Trong phim không có, sau Stalin chẳng còn một chỗ nào cho họ.

Không phải Stalin, mà là toàn đảng, chính phủ Xô-viết, quân đội anh hùng, những nhà chỉ huy quân sự tài ba, những người lính quả cảm, toàn thể nhân dân Xô-viết — những người đã làm nên chiến thắng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. (Vỗ tay vang dội kéo dài.)

Các ủy viên BCHTW, các bộ trưởng, các nhà quản lí kinh tế, các nhà hoạt động văn hóa Xô-viết, lãnh đạo các tổ chức đảng và Xô-viết địa phương, các kĩ sư, kĩ thuật viên — mỗi người tại vị trí của mình, đã cống hiến hết sức lực và kiến thức một cách quên mình để chiến thắng kẻ thù.

Hậu phương của chúng ta đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng tuyệt đối: giai cấp công nhân vinh quang, nông dân, trí thức Xô-viết, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, vượt qua muôn vàn khó khăn mất mát thời chiến, đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.

Phụ nữ Xô-viết của chúng ta đã làm nên chiến công hiển hách khi nhận trên đôi vai gánh nặng của nhiệm vụ sản xuất trong các công xưởng, các nông trang, trong mọi bộ phận của ngành kinh tế và văn hóa, nhiều phụ nữ đã trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận, lớp thanh niên anh dũng của chúng ta, ngoài tiền tuyến cũng như ở hậu phương đã có những đóng góp vô giá trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc Xô-viết, trong công cuộc đập tan quân thù.

Những chiến công bất tử của người lính Xô-viết, những nhà chỉ huy quân sự và nhà chính trị các cấp, những người trong ngày đầu chiến tranh, sau thiệt hại đáng kể của quân đội ta, không ngã lòng, biết củng cố lại lực lượng, xây dựng và tôi luyện trong chiến đấu quân đội hùng mạnh và anh dũng, chẳng những chặn đứng được kẻ thù mạnh mẽ và xảo quyệt mà còn đập tan bọn chúng.

Chiến công vĩ đại của nhân dân Xô-viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã cứu hàng trăm triệu con người, phương Đông lẫn phương Tây, khỏi hiểm họa nô dịch phát-xít lơ lửng trên đầu, sẽ còn sống mãi trong kí ức của nhân loại biết ơn, hàng thế kỉ, hàng thiên niên kỉ sau này. (Vỗ tay kéo dài.)

Vai trò chủ yếu và chiến công trong việc kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh này thuộc về đảng ta, các lực lượng vũ trang Liên Xô, hàng triệu triệu nhân dân Xô-viết do đảng đào tạo. (Vỗ tay vang dội kéo dài.)

Thưa các đồng chí! Chúng ta hãy đề cập đến một vài sự kiện khác. Liên Xô thật sự được xem là mẫu mực của một quốc gia nhiều dân tộc, vì trong thực tế chúng ta đảm bảo bình đẳng và hữu nghị giữa các dân tộc chung sống trên lãnh thổ rộng lớn của tổ quốc.

Như thế, những hành động do Stalin đề xướng vi phạm trắng trợn những nguyên tắc Lê-nin-nit căn bản về chính sách dân tộc của nhà nước Liên Xô, thật đáng công phẫn biết nhường nào! Câu chuyện là về việc đày ải hàng loạt các dân tộc khỏi mảnh đất quê hương của họ, trong số đó có cả những người cộng sản, những đoàn viên thanh niên cộng sản, không chừa một ai. Không một luận điểm quân sự nào có thể biện minh cho sự đày ải loại này.

Cuối năm 1943, khi trên khắp các mặt trận của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã xác định một cách chắc chắn kết cục cuộc chiến đang nghiêng về phía Liên Xô, một nghị quyết được thông qua về việc di dân Karachai khỏi mảnh đất họ đang cư trú. Vào thời kì đó, cuối tháng 12-1943, dân chúng nước cộng hòa tự trị Kalmyk cũng chịu chung số phận. Tháng 3-1944, dân Chechen và Ingush bị xua đuổi khỏi mảnh đất họ đang sống, còn nước cộng hòa tự trị Chechen-Ingush bị giải tán. Tháng 4-1944, dân Balkar bị đuổi khỏi lãnh thổ nước cộng hòa tự trị Kabardino-Balkar đến các vùng xa khác, bản thân nước cộng hòa này bị đổi tên thành cộng hòa tự trị Kabardin. Dân Ukraina thoát được số phận trên bởi họ quá đông nên không biết đưa đi đâu. Nếu không thì họ cũng bị đi đày hết rồi. (Cười lớn và xôn xao trong phòng.)

Trong ý thức không chỉ của những người Mac-xit Lê-nin-nit, mà bất cứ ai có chút suy nghĩ lành mạnh cũng không thể giải thích nổi sao lại có thể đổ trách nhiệm về hành động thù địch của một số người riêng lẻ hay một nhóm người lên đầu cả một dân tộc, kể cả phụ nữ, trẻ em, người già, đảng viên cộng sản, đoàn viên thanh niên cộng sản, và áp dụng đàn áp hàng loạt, tước đoạt và gây đau khổ cho họ.

Sau khi chiến tranh vệ quốc kết thúc, nhân dân Xô-viết với niềm tự hào kỉ niệm chiến thắng vinh quang, đạt được bằng sự hi sinh vô bờ bến và những nỗ lực vô cùng to lớn. Cả nước như sống trong một cơn sảng khoái chính trị. Đảng ta sau chiến tranh lại càng đoàn kết hơn trước, trong ngọn lửa chiến tranh đội ngũ cán bộ đảng đã được tôi luyện. Trong những điều kiện như thế, làm sao trong đầu óc của một ai đó trong đảng lại có thể nảy sinh ý nghĩ về một âm mưu gì.

Và chính trong thời kì này bỗng nhiên cái gọi là “vụ án Leningrad” đã phát sinh. Ngày nay đã chứng tỏ được vụ án là hoàn toàn ngụy tạo. Các đồng chí bị sát hại một cách oan uổng gồm có Voznesensky, Kuznetsov, Rodionov, Popkov và nhiều người khác.

Được biết, Voznesensky và Kuznetsov là những cán bộ ưu tú và tài ba. Họ đã có thời gần gũi với Stalin. Đủ cơ sở để nói Stalin đã cất nhắc Voznesensky vào cương vị phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng bộ trưởng, còn Kuznetsov được bầu làm bí thư BCHTW. Nội việc Stalin ủy nhiệm Kuznetsov giám sát các cơ quan an ninh quốc gia đủ nói lên Kuznetsov được tin tưởng đến mức nào.

Sao có thể xảy ra chuyện những người này bị tuyên bố là kẻ thù của nhân dân và bị thủ tiêu?

Những sự kiện đã cho thấy “vụ án Leningrad” là biểu hiện của sự chuyên quyền mà Stalin đối với các cán bộ đảng.

Nếu như trong BCHTW và Bộ Chính trị tình hình diễn ra bình thường thì những vấn đề tương tự đã được bàn bạc theo quy định và mọi sự kiện đều được cân nhắc, và vụ này, cũng như các vụ tương tự, đã không thể nào xảy ra được.

Cần phải nói thời kì sau chiến tranh, tình hình ngày càng phức tạp. Stalin ngày càng thất thường hơn, nóng nảy hơn, thô bạo hơn; đặc biệt tính đa nghi ngày càng gia tăng. Bệnh săn đuổi cuồng bạo đã đạt tới mức không thể tưởng tượng nổi. Nhiều cộng sự đã trở thành kẻ thù trong mắt Stalin. Sau chiến tranh, Stalin ngày càng tách rời tập thể, một mình định đoạt mọi việc, không để ý đến một ai hoặc một sự kiện nào cả.

Tính đa nghi không thể tưởng tượng nổi của Stalin đã được một tên khiêu khích đê tiện, một kẻ thù hèn hạ lợi dụng một cách khéo léo, đó là Beria, kẻ đã sát hại hàng ngàn người cộng sản và thường dân Xô-viết trung thực. Sự thăng tiến của Voznesensky và Kuznetsov khiến Beria lo ngại. Hiện nay đã xác định chính Beria đã “ném đá giấu tay”, y và đồng bọn đã dựng lên những tài liệu dưới hình thức đơn tố cáo, thư nặc danh cùng mọi thứ đồn thổi và đơm đặt khác để trình lên Stalin.

BCHTW đã kiểm tra vụ án có tên gọi “vụ án Leningrad”, những người vô tội chịu đau khổ đã được minh oan và phục hồi danh dự, danh dự của tổ chức đảng Leningrad được phục hồi. Những kẻ làm giả vụ án như Abakumov và bè lũ bị đưa ra tòa án, chúng bị xét xử tại Leningrad và đã đền tội một cách đích đáng.

Xuất hiện câu hỏi: tại sao đến giờ chúng ta mới vạch trần được vụ việc, mà không phải trước kia, lúc sinh thời Stalin, để ngăn cản việc những người vô tội bị giết hại? Bởi vì Stalin đã đích thân lưu tâm đến “vụ án Leningrad” và đa số ủy viên Bộ Chính trị khi đó không biết chi tiết của vụ này, đương nhiên, họ không thể can thiệp.

Khi Stalin nhận được những tài liệu do Beria và Abakumov chuyển đến, đồng chí không hề xem xét bản chất những hồ sơ giả mạo mà lập tức ra chỉ thị điều tra “vụ án” của Voznesensky và Kuznetsov. Điều này đã định đoạt số phận của họ.

Vụ án tổ chức dân tộc Mingrelian, chừng như hoạt động ở Gruzia, cũng là một vụ đáng để học tập. Như đã biết, nghị quyết về vụ này đã được BCHTW ĐCSLX thông qua hồi tháng 11-1951 và tháng 3-1952, nhưng không hề được thảo luận trước ở Bộ Chính trị. Stalin đã đích thân đọc cho người ta viết những nghị quyết ấy. Trong đó đã buộc tội rất nặng nề nhiều đảng viên cộng sản trung kiên. Trên cơ sở những tài liệu được đưa ra, người ta khẳng định tại Gruzia chừng như tồn tại một tổ chức dân tộc đặt mục tiêu là xóa bỏ chính quyền Xô-viết ở nước cộng hòa với sự viện trợ của các nước đế quốc.

Hệ lụy là hàng loạt cán bộ lãnh đạo đảng và nhà nước Gruzia bị bắt giam. Sau này mới xác định đây chỉ là chuyện vu khống nhằm vào các tổ chức đảng Gruzia.

Chúng ta biết ở Gruzia, cũng như tại nhiều nước cộng hòa khác, có những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc tư sản địa phương. Xuất hiện câu hỏi, có thể, thực tế vào thời kì khi những nghị quyết nói trên được thông qua, những khuynh hướng dân tộc có phát triển đến mức trở thành mối đe dọa khiến Gruzia tách ra khỏi Liên bang Xô-viết và sáp nhập với Thổ Nhĩ Kì? (Ồn ào và cười lớn trong phòng họp.)

Tất nhiên, toàn là chuyện nhảm nhí. Khó mà tưởng tượng nổi những đề xuất tương tự như thế lại có thể chui vào đầu được. Ai cũng biết Gruzia đã phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa dưới chế độ Xô-viết.

Sản lượng công nghiệp của cộng hòa Gruzia đã tăng gấp 27 lần so với thời kì trước cách mạng. Tại nước cộng hòa đã thiết lập nhiều ngành công nghiệp chưa có trước cách mạng như luyện kim đen, công nghiệp dầu khí, chế tạo máy, v.v… Nạn mù chữ đã được thanh toán từ lâu, trong khi trước cách mạng tỉ lệ này là 78% dân số.

So sánh tình hình trong nước cộng hòa của mình với tình trạng trì trệ của nhân dân lao động Thổ Nhĩ Kì, có thể nào người dân Gruzia phấn đấu để hợp nhất với Thổ Nhĩ Kì hay không? Tại Thổ Nhĩ Kì vào năm 1955, sản lượng thép tính theo đầu người nhỏ hơn của Gruzia 18 lần. Tại Gruzia, sản lượng điện năng tính theo đầu người nhiều gấp 9 lần Thổ Nhĩ Kì. Theo số liệu thống kê năm 1950, tỉ lệ mù chữ ở Thổ Nhĩ Kì là 65% dân số, tỉ lệ này lên đến 80% ở phụ nữ. Tại Gruzia có 19 trường đại học và cao đẳng với 39 ngàn sinh viên, nghĩa là nhiều gấp 8 lần Thổ Nhĩ Kì (tính trên một ngàn nhân khẩu). Tại Gruzia trong những năm dưới chế độ Xô-viết đời sống vật chất của nhân dân lao động được nâng cao chưa từng thấy.

Hiển nhiên, cùng với nhịp độ phát triển kinh tế và văn hóa tại Gruzia, sự giác ngộ chủ nghĩa xã hội của nhân dân lao động được nâng cao, đất sống cho chủ nghĩa dân tộc tư sản teo dần vŕ biến mất.

Vŕ thực tế cho thấy, chẳng có một tổ chức dân tộc nŕo ở Gruzia cả. Hŕng ngŕn người Xô-viết vô tội đã trở thành nạn nhân của sự chuyên quyền và coi thường pháp luật. Và tất cả những điều này được thực hiện dưới sự lãnh đạo “thiên tài” của Stalin — “người con vĩ đại của dân tộc Gruzia”, như dân chúng Gruzia vẫn yêu mến gọi người đồng hương vĩ đại của mình. (Xôn xao trong phòng họp.)

Sự chuyên quyền của Stalin đã bộc lộ không những trong các quyết định về vấn đề sinh hoạt nội bộ của đất nước, mà còn trong những lĩnh vực quan hệ quốc tế của Liên Xô.

Tại hội nghị toàn thể BCHTW vào tháng Bảy đã thảo luận cặn kẽ những nguyên nhân gây ra xung đột với Nam Tư. Trong đó, dễ nhận thấy vai trò vô lí của Stalin. Trong “vụ Nam Tư” không có vấn đề nào không thể giải quyết được bằng thảo luận mang tính đảng giữa các đồng chí với nhau. “Vụ” này phát sinh không vì một nguyên cớ nào nghiệm trọng, hoàn toàn có khả năng tránh cắt đứt quan hệ với nước này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các lãnh tụ Nam Tư không phạm sai lầm hay thiếu sót. Nhưng những sai lầm và thiếu sót đó đã được Stalin cường điệu lên một cách quái đản, đã dẫn đến cắt đứt quan hệ với một nước anh em.

Tôi còn nhớ những ngày đầu khi xung đột giữa Liên Xô và Nam Tư bắt đầu được thổi phồng một cách có dụng ý.

Một lần từ Kiev về Moskva, tôi được Stalin mời đến gặp, chỉ vào bản sao bức thư sắp sửa gửi cho Tito, Stalin hỏi:

– Đồng chí đọc chưa?

Rồi không đợi câu trả lời, đồng chí nói:

– Tôi chỉ cần nhúc nhích ngón tay út là Tito sẽ không còn. Hắn sẽ đổ…

Chúng ta đã phải trả giá đắt cho việc “nhúc nhích ngón tay út”. Lời tuyên bố này phản ánh bệnh vĩ cuồng của Stalin, và đồng chí vẫn luôn làm thế: nhúc nhích ngón tay út — Kosior không còn, nhúc nhích ngón tay út lần nữa — Postyshev, Chubar cũng không còn, nhúc nhích ngón tay út thêm một lần — Voznesensky, Kuznetsov và nhiều người khác nữa đều biến mất.

Nhưng chẳng có gì xảy ra với Tito. Stalin ra sức nhúc nhích chẳng những mỗi ngón tay út mà còn mọi thứ khác có thể, Tito vẫn không đổ. Vì sao? Bởi vì trong xung đột với các đồng chí Nam Tư, sau lưng Tito còn có cả một nhà nước, một dân tộc đã trải qua trường chiến đấu cam go để giành được tự do và độc lập, một dân tộc ủng hộ những lãnh tụ của họ.

Đấy bệnh vĩ cuồng của Stalin đã dẫn tới đâu. Đồng chí hoàn toàn mất cảm giác thực tế, bộc lộ tính ngờ vực, trịch thượng không những đối với những cá nhân riêng lẻ trong nước, mà còn đối với các đảng và các nước khác nữa.

Hiện nay, chúng tôi đã nghiên cứu kĩ lưỡng vấn đề Nam Tư và tìm ra giải pháp đúng đắn, được các dân tộc Liên Xô và Nam Tư ủng hộ, quần chúng lao động các nước dân chủ nhân dân và nhân loại tiến bộ hoan nghênh. Việc xóa bỏ quan hệ bất thường với Nam Tư được thực hiện tôn trọng quyền lợi của phe xã hội chủ nghĩa và vì lợi ích củng cố nền hòa bình thế giới.

Cần nhắc lại “vụ án các bác sĩ đầu độc”. (Xôn xao trong phòng họp.) Thật ra, chẳng có “vụ án” nào ở đây cả, ngoài đơn tố cáo của bác sĩ Timashuk (bà ta là cộng tác viên không chính thức của cơ quan an ninh quốc gia), có khả năng do ai đó xúi bẩy hoặc chỉ thị, đã viết thư cho Stalin, trong đó tố cáo các bác sĩ chừng như sử dụng những phương pháp điều trị không đúng đắn.

Chỉ một bức thư như thế cũng quá đủ với Stalin, đồng chí rút ra ngay kết luận ở Liên Xô có những bác sĩ chuyên đầu độc, và ra chỉ thị bắt giam một nhóm chuyên gia y tế lừng danh. Đồng chí còn đích thân ra chỉ thị về cách thức điều tra cũng như hỏi cung những người bị bắt. Stalin bảo phải cùm viện sĩ Vinogradov bằng xích sắt và tra tấn. Đồng chí Ignatiev, cựu bộ trưởng an ninh quốc gia, đang có mặt ở đây với tư cách đại biểu đại hội. Stalin đã tuyên bố thẳng thừng với đồng chí:

– Nếu không khai thác được lời thú tội của bọn bác sĩ, cái đầu đồng chí sẽ không còn trên cổ. (Xôn xao phẫn nộ trong phòng họp).

Stalin đích thân gọi cán bộ điều tra đến để hướng dẫn và chỉ đạo phương pháp điều tra, phương pháp đơn giản và duy nhất: đánh, đánh nữa, đánh mãi.

Ít lâu sau khi các bác sĩ bị bắt, chúng tôi, những ủy viên Bộ Chính trị, nhận được những biên bản ghi lời thú tội của các bác sĩ. Sau khi phát những biên bản đó, Stalin bảo chúng tôi:

– Các đồng chí mù như lũ mèo con chưa mở mắt, nếu như không có tôi, có khi đất nước bị diệt vong rồi, chỉ vì các đồng chí không nhận biết được kẻ thù.

Vụ này được bố trí để không ai có khả năng kiểm tra được những sự kiện làm căn cứ để tiến hành điều tra. Cũng không có khả năng kiểm tra bằng cách tiếp xúc với những người đã thú nhận tội lỗi của họ.

Nhưng chúng tôi có cảm giác vụ bắt giam các bác sĩ không được sạch sẽ. Chúng tôi biết nhiều người trong số đó vì họ đã chữa bệnh cho chúng tôi. Sau khi Stalin chết, chúng tôi xem xét lại “hồ sơ” đã được lập như thế nào, và thấy rõ là giả dối từ đầu chí cuối.

Stalin đã dựng lên “vụ án” ô nhục này, nhưng chưa kịp làm đến cùng (theo cách hiểu của đồng chí ấy), và vì thế các bác sĩ mới còn sống sót. Hiện nay họ đã được minh oan, phục hồi danh dự, và trở lại công tác trên cương vị như trước kia, chữa trị cho cán bộ lãnh đạo, kể cả thành viên chính phủ. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng họ, và họ thực hiện bổn phận của mình một cách lương thiện, cũng như trước kia.

Beria, kẻ chiếm được lòng tin của Stalin, tay sai của gián điệp nước ngoài, kẻ thù cực kì phản động của đảng ta, đã đóng vai trò đê tiện trong việc dàn dựng các loại vụ việc dơ bẩn và nhục nhã. Tên nội gián ấy làm thế nào mà có thể đạt được địa vị trong đảng và nhà nước, để rồi trở thành phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng bộ trưởng Liên Xô và ủy viên Bộ Chính trị BCHTW? Hiện nay đã xác định tên đốn mạt này đã bước qua biết bao nhiêu xác chết để leo lên những nấc thang chính quyền.

Có những dấu hiệu nào về việc Beria là kẻ thù của đảng? Vâng, có. Ngay từ năm 1937 tại hội nghị toàn thể BCHTW, cựu ủy viện đặc trách y tế Kaminsky đã phát biểu Beria làm việc cho tổ chức phản gián Mussavat. Hội nghị toàn thể BCHTW chưa kịp kết thúc thì Kaminsky đã bị bắt và sau đó bị xử bắn. Stalin có kiểm tra lại tuyên bố của Kaminsky không? Không, vì Stalin tin tưởng Beria và với Stalin thế là quá đủ. Một khi Stalin đã tin như thế, không ai có thể phát biểu ngược lại ý kiến đồng chí; ai nghĩ đến chuyện phản đối, kẻ ấy sẽ chịu chung số phận như Kaminsky.

Còn những dấu hiệu khác nữa. Đáng chú ý hơn cả là đơn của đồng chí Snegov gửi BCHTW (nhân tiện nói thêm là cách đây không lâu Snegov đã được phục hồi danh dự sau 17 năm trong trại cải tạo). Trong đơn đồng chí viết như sau:

“Liên quan đến dự định phục hồi danh dự cho đồng chí Kartvelishvili-Lavrentyev, cựu ủy viên BCHTW, tôi đã trao cho đại diện KGB một bản khai chi tiết về vai trò của Beria trong việc thanh trừng Kartvelishvili và những nguyên cớ tội lỗi đã dẫn dắt Beria trong việc này.

Tôi nhận thấy cần phải khôi phục lại sự kiện quan trọng trong vấn đề này và báo cáo BCHTW, vì tôi thấy không tiện đưa dữ kiện này vào hồ sơ điều tra.

Ngày 30-10-1931, tại cuộc họp của Ban tổ chức trung ương ĐCSLX, đồng chí Kartvelishivili, bí thư ủy ban liên tỉnh Zakavkaz đọc bản báo cáo. Tất cả ủy viên ban chấp hành liên tỉnh đều có mặt, trong đó có tôi còn sống sót. Tại cuộc họp này, cuối bài diễn văn, Stalin đề nghị tổ chức lại ban bí thư của ủy ban liên tỉnh Zakavkaz với thành phần: bí thư thú nhất Kartvelishivili, bí thư thứ hai Beria (đây là lần đầu tiên trong lịch sử đảng, cái tên Beria được đưa ra ứng cử một chức vụ trong đảng), ngay lúc đó Kartvelishivili phản ứng lại là đồngchí đã biết rõ Beria và vì thế, dứt khoát từ chối cộng tác với Beria. Khi đó, Stalin đề nghị để ngỏ vấn đề này và sẽ quyết định sau trong quá trình làm việc. Hai ngày sau có quyết định cử Beria giữ chức vụ trong đảng, còn Kartvelishivili bị thuyên chuyển khỏi vùng Zakavkaz.

Các đồng chí Mikoyan A.I. và Kaganovich L.M. tham dự phiên họp này và có thể chứng thực điều đó.

Nhiều người đều biết quan hệ thù địch giữa Kartvelishivili và Beria kéo dài trong nhiều năm; phát sinh từ thời đồng chí Sergo (bí danh của Orjonikidze) còn công tác ở Zakavkaze, khi Kartvelishivili là cộng sự gần gũi nhất của Sergo. Điều đó thúc đẩy Beria làm giả “hồ sơ” chống lại Kartvelishivili.

Điều đặc trưng là theo “hồ sơ” này, Kartvelishivili bị cáo buộc có hành động khủng bố nhằm ám hại Beria”.

Trong bản cáo trạng vụ án Beria đã trình bày rất chi tiết những tội ác của y. Tuy nhiên, cũng nên nói riêng vài sự việc, vì có khả năng không phải tất cả đại biểu đại hội đã đọc tài liệu này. Ở đây tôi muốn nói đến vụ thanh trừng thú vật của Beria đối với Kedrov, Golubiov và bà Baturina, mẹ nuôi của Golubiov, những người có ý định báo cho BCHTW về hoạt động phản bội của Beria. Họ đều bị xử bắn không cần xét xử, và bản án chỉ được lập sau khi họ bị hành quyết và ghi lùi ngày tháng lại. Đây là những gì đồng chí cộng sản lão thành Kedrov đã viết cho BCHTW, qua đồng chí Andreyev (lúc đó là bí thư BCHTW):

“Từ xà lim tối tăm của nhà tù Lefortovo, tôi cầu cứu các đồng chí. Nghe được tiếng thét hãi hùng, các đồng chí sẽ chẳng làm ngơ, hãy hành động, hãy giúp tôi chấm dứt cơn ác mộng của các vụ hỏi cung và chỉ ra sai lầm.

Tôi bị oan. Xin hãy tin. Thời gian sẽ chứng minh. Tôi không phải là một phần tử khiêu khích thuộc đội cận vệ Sa hoàng, không phải gián điệp, không phải thành viên của tổ chức chống phá Xô-viết, như người ta buộc tội dựa trên những đơn vu khống. Và tôi không thực hiện bất cứ một tội ác nào với đảng và tổ quốc. Tôi là một đảng viên bôn-sê-vich cựu trào trong sạch, gần bốn mươi năm liên tục trong hàng ngũ của đảng chiến đấu trung thực vì sự phồn vinh và hạnh phúc của nhân dân.

… Tôi giờ đây, một ông già 62 tuổi, đang bị an ninh điều tra đe dọa dùng những biện pháp nhục hình ngày càng ác liệt, tàn bạo và nhục nhã hơn. Họ không đủ khả năng nhìn nhận sai lầm của mình và công nhận những hành vi trái pháp luật và không được phép mà họ đã áp dụng đối với tôi. Họ cố biện minh cho hành động của mình bằng cách coi tôi như một kẻ thù ngoan cố và tàn bạo, và đòi hỏi tăng cường biện pháp tra tấn. Nhưng hãy để đảng biết tôi là người vô tội và không thế lực nào có thể biến một đứa con trung thành với đảng đến hơi thở cuối cùng lại trở thành kẻ thù của đảng.

Nhưng tôi chẳng còn lối thoát. Tôi hoàn toàn bất lực trước những đòn tra tấn ngày càng mới và dữ dội hơn.

Tuy nhiên, mọi thứ đều có giới hạn. Tôi đã kiệt quệ. Sức khỏe suy sụp, năng lực cạn kiệt, đời tôi sắp tàn. Chết trong nhà tù Xô-viết với cái nhãn hiệu kẻ phản bội tổ quốc đáng khinh bỉ — thử hỏi còn gì khủng khiếp hơn với một con người trung thực. Đáng sợ làm sao! Nỗi đau và niềm cay đắng vô bờ bến bóp nghẹt tim tôi. Không, không! Không thể như thế, không được như thế, tôi phải thét lên. Đảng, chính phủ Xô-viết và ủy viên L.P. Beria không thể cho phép xảy ra bất công ác độc không thể sửa chữa như thế được!

Tôi tin chắc rằng nếu điều tra bình tĩnh, công bằng, không có những lời xỉ vả bỉ ổi, không phẫn nộ, không nhạo báng ghê tởm, tính vô căn cứ của những lời buộc tội dễ dàng xác định. Tôi tin tưởng sâu sắc là sự thật và công lí sẽ chiến thắng. Tôi tin tưởng, tin tưởng như thế”.

Đảng viên bôn-sê-vich lão thành, đồng chí Kedrov đã được tòa án quân sự công nhận là vô tội. Nhưng, bất chấp điều đó, đồng chí vẫn bị xử bắn theo lệnh của Beria. (Phẫn nộ trong phòng họp.)

Beria còn thanh trừng tàn ác với gia đình đồng chí Orjonikidze. Vì sao? Vì Orjonikidze đã ngăn cản Beria thực hiện những ý đồ đê tiện của y. Beria muốn gạt bỏ tất cả những ai có thể là trở ngại trên đường của hắn. Orjonikidze luôn luôn là địch thủ của Beria và đồng chí cũng nói thẳng điều ấy với Stalin. Thay vì phải xem xét và có biện pháp cần thiết thì Stalin lại để mặc cho người em của Orjonikidze bị thủ tiêu, còn bản thân Orjonikidze lâm vào tình trạng khiến cuối cùng đồng chí phải tự vẫn. (Phẫn nộ trong phòng họp.) Beria là con người như thế đó!

Beria đã bị BCHTW vạch mặt ngay sau khi Stalin chết. Kết quả của quá trình điều tra tố tụng kĩ lưỡng đã xác định những tội ác man rợ của Beria, và y đã bị xử bắn.

Vấn đề là vì sao Beria, người đã thủ tiêu hàng vạn cán bộ của đảng và của Xô-viết, lúc sinh thời Xtalin lại không bị vạch mặt? Sở dĩ Beria không bị lột mặt nạ sớm vì y biết lợi dụng rất khéo léo những điểm yếu của Stalin, khêu gợi tính đa nghi của Stalin, cúc cung tận tụy phục vụ Stalin và được Stalin ủng hộ.

Thưa các đồng chí!

Tệ sùng bái cá nhân sở dĩ đạt đến mức độ quái dị như vậy là vì chính Stalin đã luôn khuyến khích và ủng hộ sự phóng đại con người của mình. Điều này đã được vô số sự kiện chứng minh. Một trong những biểu hiện tiêu biểu nhất của sự tôn thờ bản thân và thiếu khiêm tốn một cách cơ bản của Stalin là cuốn “Tiểu sử tóm lược” ấn hành vào năm 1948.

Cuốn sách này là sự thể hiện thứ xu nịnh không kiềm chế nổi, là hình mẫu của việc thần thánh hóa con người, biến con người thành một hiền nhân không thể sai lầm, một “lãnh tụ vĩ đại nhất”, một “nhà cầm quân vô song của mọi thời đại và mọi dân tộc”. Chẳng còn tìm nổi từ nào khác để tâng bốc vai trò của Stalin.

Chẳng cần trích dẫn những lời xu nịnh đến buồn nôn, chồng chất lên nhau trong cuốn sách. Chỉ cần nhấn mạnh một điều là tất cả những thứ ấy đã được chính Stalin chấp thuận và biên tập, thậm chí còn tự tay bổ sung vào bản in thử cuốn sách.

Điều gì Stalin cho là mấu chốt nhất trong cuốn sách? Có lẽ, đồng chí cố gắng hạ nhiệt ngọn lửa xu nịnh của những kẻ biên soạn cuốn “Tiểu sử tóm lược” ấy? Không. Stalin đã nhấn mạnh thêm ở chính những chỗ mà những lời ca tụng công trạng của đồng chí mà đồng chí cảm thấy chưa đủ.

Vài đặc điểm về cuộc đời hoạt động của Stalin do chính tay Stalin bổ khuyết:

“Trong cuộc đấu tranh chống bọn nhu nhược và bọn đầu hàng, bọn Trotskist và Zinovyev, bọn Bukharin và Kamenev, sau khi Lenin rời chiến trường, cuối cùng đã hình thành hạt nhân lãnh đạo đảng ta…, bảo vệ ngọn cờ vĩ đại của Lenin, đoàn kết đảng chung quanh di huấn của Lenin và dẫn dắt nhân dân Liên Xô trên con đường thênh thang của công nghiệp hóa và tập thể hóa nông nghiệp. Lãnh đạo hạt nhân ấy, sức mạnh dẫn dắt của đảng và nhà nước chính là đồng chí Stalin”.

Chính Stalin tự tay viết những câu trên! Rồi đồng chí còn chua thêm:

“Hoàn thành nhiệm vụ của người lãnh đạo đảng và nhân dân một cách tài tình, được sự ủng hộ toàn diện của nhân dân Xô-viết; tuy nhiên, Stalin không cho phép trong hoạt động của mình một bóng mờ kiêu ngạo, khoe khoang hay tán tụng cá nhân mình”.

Đã ở đâu và có khi nào, một nhà hoạt động lại có thể tự ca tụng mình như thế chưa? Chẳng lẽ điều ấy xứng đáng với một nhà hoạt động Mac-xit – Lê-nin-nit? Không. Chính Marx và Engels đã kiên quyết chống lại điều đó. Chính Lenin cũng luôn lên án mạnh mẽ điều đó.

Trong bản in thử cuốn sách có một câu như sau: “Stalin là Lenin của thời đại ngày nay”. Câu này đối với Stalin rõ ràng còn chưa đủ, và Stalin đã tự tay sửa lại:

“Stalin — người kế tục xứng đáng sự nghiệp của Lenin, hoặc như người ta thường nói trong đảng, Stalin là Lenin của thời đại ngày nay”. Nói thật là hay, nhưng không phải do nhân dân nói mà do chính Stalin.

Có thể chỉ ra vô số những lời tự tán dương mình tương tự được chính tay Stalin thêm vào trong bản in thử cuốn sách. Stalin đặc biệt hào phóng khi tự ban cho mình những lời khen ngợi về thiên tài quân sự, về tài năng cầm quân.

Xin trích dẫn thêm một đoạn do chính Stalin tự tay bổ sung về thiên tài quân sự của mình:

“Đồng chí Stalin tiếp tục phát triển khoa học quân sự Xô-viết tiên tiến. Đồng chí Stalin đã soạn thảo định lí về những yếu tố thường xuyên quyết định vận mệnh chiến tranh, về sự phòng thủ tích cực và các quy luật phản công và tấn công, về sự phối hợp giữa các binh chủng và kĩ thuật quân sự trong điều kiện chiến tranh hiện đại, về vai trò của binh đoàn chiến xa và phi cơ trong chiến tranh hiện đại, về pháo binh, binh chủng hùng mạnh nhất của quân đội. Trong mỗi giai đoạn chiến tranh khác nhau, thiên tài Stalin luôn tìm ra những giải pháp đúng đắn, hoàn toàn căn cứ trên đặc điểm của tình hình. (Xôn xao trong phòng họp.)

Chính Stalin viết tiếp:

“Nghệ thuật cầm quân của Stalin được thể hiện trong phòng thủ cũng như trong tấn công. Với sự sáng suốt thiên tài, đồng chí Xtalin đã đoán biết kế hoạch của địch và đánh bại chúng. Những trận giao tranh do đồng chí Stalin chỉ huy quân đội Liên Xô là những hình mẫu xuất chúng của nghệ thuật quân sự”.

Stalin tự tâng bốc bản thân như một lãnh tụ quân sự. Nhưng ai đã làm tất cả những việc này? Chính Xtalin, nhưng không phải trên cương vị một nguyên soái, mà trong vai một tác giả kiêm biên tập, một trong những tác giả chính của cuốn tiểu sử tràn ngập những lời ca tụng bản thân.

Thưa các đồng chí, sự thật là như thế. Phải nói thẳng là sự thật đáng hổ thẹn.

Và còn thêm một sự kiện nữa từ cuốn “Tiểu sử tóm lược” này. Được biết, cuốn “Tóm tắt lịch sử Đảng Cộng sản (bôn-sê-vích) Liên Xô” được một ủy ban thuộc BCHTW soạn thảo ra. Nhân tiện xin bổ sung công trình thấm đẫm sùng bái cá nhân này do một nhóm tác giả được lựa chọn để biên soạn. Và câu này đã được thể hiện trong bản in thử cuốn “ Tiểu sử tóm lược” bằng cách diễn đạt sau:

“Một ủy ban thuộc BCHTW ĐCSLX, dưới sự chỉ đạo và và tham gia tích cực nhất của cá nhân đồng chí Stalin đã soạn thảo cuốn “Tóm tắt lịch sử Đảng Cộng sản (bôn-sê-vich) Liên Xô”.

Tuy vậy, cách diễn đạt này vẫn chưa làm Stalin thỏa mãn, và trong “Tiểu sử tóm lược” nó được thay bằng câu sau:

“Năm 1938, cuốn “Tóm tắt lịch sử Đảng Cộng sản (bôn-sê-vich) Liên Xô” được ấn hành, do đồng chí Stalin biên soạn và được ủy ban đặc biệt BCHTW ĐCSLX thông qua”. Thử hỏi còn có thể nói gì thêm nữa! (Xôn xao trong phòng họp)

Như các đồng chí thấy, một biến đổi ngoạn mục khiến một công trình do tập thể biên soạn trở thành cuốn sách do Stalin viết. Thiết tưởng không cần phải nói biến đổi này đã diễn ra như thế nào và tại sao.

Xuất hiện một câu hỏi mang tính quy luật: nếu quả thực Stalin là tác giả cuốn sách đó, cần gì đồng chí phải tán tụng cá nhân Stalin, và về bản chất, tại sao phải biến đổi toàn bộ giai đoạn lịch sử sau cách mạng tháng Mười của đảng cộng sản quang vinh quang thành bối cảnh sự nghiệp của “thiên tài Stalin”?

Chẳng lẽ có thể tìm thấy trong sách này sự phản ánh chân thực những nỗ lực của đảng ta trong công cuộc biến đổi xã hội, xây dựng xã hội chủ nghĩa, công nhiệp hóa và tập thể hóa đất nước, cũng như những biện pháp khác do đảng thực hiện theo đúng con đường Lenin đã vạch ra? Ở đó chủ yếu chỉ nói về Stalin, về những bài diễn văn, về những bản báo cáo của đồng chí. Tất cả, không một chút ngoại lệ, đều gắn liền với tên tuổi Stalin.

Và khi chính Stalin tuyên bố mình đã viết cuốn “Tóm tắt lịch sử Đảng Cộng sản (bôn-sê-vich) Liên Xô”, thì điều này không thể không dấy lên sự ngạc nhiên và ngờ vực. Chẳng lẽ một người Mac-xit – Lê-nin-nit lại viết về mình như thế, đưa sự sùng bái cá nhân mình lên đến tận mây xanh?

Hoặc hãy xem vấn đề giải thưởng Stalin. (Xôn xao trong phòng họp.) Ngay cả các Sa hoàng cũng chưa từng lấy tên mình để đặt cho các giải thưởng như vậy.

Chính Stalin đã công nhận lời hay nhất của quốc ca Liên Xô, trong đó không một từ về đảng Cộng sản, nhưng có một đoạn ca ngợi Stalin không gì so sánh nổi như sau: “Stalin bồi dưỡng cho chúng ta lòng trung thành với nhân dân,/ Động viên chúng ta trong lao động và vinh quang”.

Trong những dòng này của bản quốc ca, toàn bộ hoạt động giáo dục, lãnh đạo, động viên của đảng Lê-nin-nit đều ca tụng Stalin. Tất nhiên, điều này rõ ràng lệch lạc với học thuyết Marx-Lenin, coi thường và hạ thấp vai trò của đảng. Xin thông báo với các đồng chí là Đoàn chủ tịch BCHTW đã thông qua nghị quyết về việc soạn lại lời mới cho quốc ca, phản ánh vai trò của nhân dân, vai trò của đảng. (Vỗ tay vang dội và kéo dài.)

Chẳng lẽ Stalin không được báo cáo việc tên của đồng chí đã được đặt cho nhiều xí nghiệp và thành phố lớn, chẳng lẽ Stalin không được báo cáo việc trên khắp đất nước tượng đài Stalin được xây dựng- “đài tưởng niệm cho người sống”? Một sự kiện có thật là chính Stalin vào ngày 2-7-1951 đã kí nghị quyết định của Hội đồng bộ trưởng Liên Xô về việc xây bức tượng Stalin bên kênh đào Volga-Don, còn ngày 4-9 cùng năm, đã ra chỉ thị dùng 33 tấn đồng để đúc bức tượng kì vĩ đó. Ai có dịp đến thăm vùng Stalingrad, chắc chắn đều thấy bức tượng khổng lồ vươn lên, dù nó được xây ở một nơi ít người qua lại. Và để xây dựng tượng đài này phải tốn không biết bao nhiêu của cải, thời gian, trong khi dân ta quanh vùng đó sau thời chiến tranh còn phải sống trong những ngôi nhà đất. Các đồng chí hãy ngẫm xem, điều Stalin viết trong tiểu sử của mình có đúng hay không: “trong cuộc đời hoạt động của mình đồng chí không cho phép dù chỉ một bóng mờ của kiêu ngạo, khoe khoang hay tán tụng cá nhân mình”?

Đồng thời, Stalin đã thể hiện sự thiếu kính trọng với kỉ niệm về Lenin. Không phải tình cờ, mặc dầu quyết định về việc xây dựng Cung Xô-viết để tưởng niệm Vladimir Ilich đã được thông qua cách đây 30 năm, công trình vẫn chưa được xây dựng, và vấn đề ấy liên tục bị trì hoãn và chìm vào quên lãng. Cần phải sửa chữa việc này và phải khởi công công trình tưởng niệm Vladimir Ilich Lenin. (Vỗ tay vang dội và kéo dài.)

Không thể không nhắc đến quyết định của chính phủ Xô-viết ngày 14-8-1925 “Về việc trao giải thưởng Lênin cho công tác khoa học”. Nghị quyết ấy được đăng tải trên báo chí, nhưng đến nay vẫn chưa hề có chuyện trao tặng giải thưởng Lenin. Việc này cũng cần phải sửa chữa. (Vỗ tay vang dội và kéo dài.)

Sinh thời Stalin, nhờ những phương pháp mà tôi từng nhắc đến, chẳng hạn các sự kiện được viết trong cuốn “Stalin – tiểu sử tóm lược”, mọi biến cố đều được diễn giải như thể Lenin chỉ đóng vai trò thứ yếu, thậm chí trong việc hoàn thành thắng lợi cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười. Trong nhiều phim ảnh và tác phẩm văn học, hình tượng Lenin được miêu tả một cách sai lệch và bị hạ thấp một cách không thể chấp nhận được.

Stalin rất yêu thích bộ phim “Năm 1919 bất diệt”, trong đó đồng chí được thể hiện đứng trên bậc tàu hỏa và gần như đánh tan quân thù bằng thanh kiếm của mình. Hãy để Kliment Efremovich, người bạn quý mến của chúng ta, lấy hết can đảm và viết lên sự thật về Stalin, chính đồng chí biết Stalin đã chiến đấu như thế nào. Còn đồng chí Voroshilov sẽ khó khăn hơn để bắt đầu công việc ấy, nhưng tốt biết mấy nếu đồng chí vẫn cứ làm. Điều đó sẽ được cả nhân dân và đảng đều hoan nghênh. Và thế hệ con cháu sẽ biết ơn vì điều đó. (Vỗ tay kéo dài.)

Trong việc diễn giải những sự kiện liên quan đến cách mạng tháng Mười và nội chiến, trong nhiều trường hợp sự việc được mô tả khiến ta có cảm tưởng vai trò chính yếu thuộc về Stalin ở khắp mọi nơi, bất kể lúc nào và ở đâu, Stalin là người tham mưu cho Lenin phải làm gì và làm như thế nào. Thật là một sự lăng mạ đối với Lenin. (Vỗ tay kéo dài.)

Có lẽ, sẽ không phải ngoa ngôn, nếu tôi nói là 99% các đồng chí có mặt ở đây hầu như ít được biết và ít nghe nói đến Stalin trước năm 1924, nhưng mọi người trong nước đều biết Lênin; toàn đảng, toàn dân, dù ít hay nhiều. (Vỗ tay vang dội và kéo dài.)

Cần phải quyết tâm nhìn lại vấn đề tìm thấy sự phản ánh đúng đắn trong lịch sử, trong văn học, trong nghệ thuật vai trò của Lenin và sự nghiệp vĩ đại của đảng ta và của nhân dân Xô-viết, một dân tộc sáng tạo, một dân tộc kiến tạo. (Vỗ tay.)

Thưa các đồng chí! Tệ sùng bái cá nhân đã dẫn đến áp dụng rộng rãi những phương pháp sai lầm trong công tác xây dựng đảng và hoạt động kinh tế, dẫn đến vi phạm thô bạo dân chủ trong nội bộ đảng và Xô-viết, cưỡng chế bằng biện pháp hành chính, phát sinh những lệch lạc đủ loại: che giấu thiếu sót, tô hồng thực tế. Đầy rẫy những kẻ nịnh hót, a dua, chuyên nghề lừa phỉnh và đánh lạc hướng xuất hiện trong chúng ta.

Không thể không thấy do hậu quả của sự bắt giam vô số cán bộ đảng, nhà nước và tổ chức kinh tế, nhiều đảng viên trở nên thiếu tự tin trong công việc, nhìn trước ngó sau, sợ đổi mới, sợ ngay cả cái bóng của mình và thiếu hẳn sáng tạo trong công tác.

Hãy xem những nghị quyết của các cơ quan đảng và nhà nước. Chúng được soạn thảo theo khuôn mẫu nhất định, nhiều khi hoàn toàn không đếm xỉa gì đến tình hình cụ thể. Đến mức, phát biểu của các cán bộ trong đảng hay ngoài đảng, thậm chí trong những hội nghị, hội thảo nhỏ, về một chủ đề bất kì, cũng là đọc những bài diễn văn viết sẵn. Tất cả những điều này dẫn đến hiểm họa cho công tác đảng và nhà nước trở nên hình thức, bộ máy tổ chức trở nên quan liêu.

Sự thiếu hiểu biết tình hình thực tế công việc và tách rời cuộc sống của Stalin có thể thấy rõ trong cách thức đồng chí lãnh đạo ngành nông nghiệp.

Bất kì ai chỉ cần một chút quan tâm về tình hình đất nước, đều thấy hiện trạng khó khăn của nền nông nghiệp, nhưng Stalin chẳng bao giờ để tâm đến chuyện này. Chúng ta có báo cáo Stalin về vấn đề này không? Có, chúng ta có nói, nhưng không được ủng hộ. Vì sao? Bởi vì Stalin chẳng bao giờ chịu đi thực tế các nơi, chẳng bao giờ gặp gỡ công nhân và nông trang viên cho nên chẳng thể nào nắm được tình hình ở nông thôn.

Stalin chỉ nghiên cứu đất nước và nông nghiệp qua phim ảnh. Tuy nhiên, những bộ phim chỉ tô hồng, đánh bóng thực trạng nền nông nghiệp. Đời sống nông trang tập thể trong những bộ phim được mô tả qua hình ảnh bàn ăn kêu cót két như muốn sụm vì chất đầy thịt gà, thịt ngỗng. Hẳn Stalin nghĩ rằng điều này là có thật, và nó phải như vậy.

Vladimir Ilich Lenin quan sát thực tế đời sống hoàn toàn khác, người luôn gần gũi gắn bó với nhân dân, đón tiếp các phái đoàn nông dân, thường xuyên phát biểu tại các công xưởng và nhà máy, đi thăm nông thôn, chuyện trò với nông dân.

Stalin xa rời nhân dân và chẳng đi thăm viếng nơi nào. Sự việc này kéo dài hàng chục năm. Chuyến viếng thăm nông thôn cuối cùng của Stalin là vào tháng 1-1928, khi đồng chí đi thăm Siberia về vấn đề ngũ cốc. Thử hỏi làm sao Stalin có thể nắm được tình hình ở nông thôn?

Trong một cuộc nói chuyện, Stalin được báo cáo về tình hình khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất thịt và các sản phẩm khác của ngành chăn nuôi trong nước rất yếu kém. Một ủy ban được thành lập với nhiệm vụ là chuẩn bị một dự thảo nghị quyết “Về những biện pháp phát triển tiếp theo ngành chăn nuôi ở các nông trang tập thể và nông trường quốc doanh”.

Chúng tôi đã biên soạn dự thảo đó.

Tất nhiên, những đề xuất của chúng tôi thời ấy không đề cập đến tất cả mọi khả năng, nhưng những phương hướng nhằm nâng cao mức chăn nuôi gia súc cũng được vạch ra. Khi đó đề xuất tăng giá các sản phẩm chế biến từ thịt được kiến nghị để nâng cao lợi ích vật chất của nông trang viên, công nhân trạm máy kéo và người lao động tại nông trường quốc doanh trong việc phát triển chăn nuôi. Nhưng dự thảo của chúng tôi không được thông qua và bị xếp xó vào hồi tháng 2-1953.

Ngoài ra, khi xem xét dự thảo này, Stalin còn đề nghị tăng thuế của các nông trang tập thể và các nông trang viên lên 40 tỉ rúp, bởi vì, theo ý kiến của đồng chí, tầng lớp nông dân còn sống quá thoải mái và mỗi nông trang viên chỉ cần bán đi một con gà là thừa tiền đóng thuế nhà nước.

Các đồng chí thử nghĩ như thế là sao? Bốn mươi tỉ rúp — số tiền như thế thì các nông dân có bán tất tần tật sản phẩm của mình đi cũng chẳng đào đâu ra được. Vào năm 1952 chẳng hạn, các nông trang tập thể và nông trang viên chỉ thu được 26 tỉ 280 triệu rúp sau khi đã cung cấp và bán toàn bộ sản phẩm cho nhà nước.

Thử hỏi đề nghị này của Stalin dựa trên những số liệu cụ thể nào? Tất nhiên là không. Stalin không hề quan tâm đến những sự kiện và những con số. Một khi Stalin đã nói điều gì, điều đó phải là như thế, bởi lẽ Stalin là bậc “thiên tài” và một thiên tài thì không cần tính toán, chỉ cần liếc mắt là đủ có thể xác định cần phải như thế nào. Stalin nói một lời nào, thì sau đó ai nấy đều phải lặp lại y hệt và phải tâng bốc sự sáng suốt của đồng chí.

Nhưng sự sáng suốt nào thể hiện trong việc đề xuất tăng thuế nông nghiệp lên 40 tỉ rúp? Chẳng có một chút tính toán nào cả, bởi vì đề xuất ấy không phải xuất phát từ đánh giá hiện trạng thực tế mà chỉ là ý nghĩ viển vông của một con người xa rời cuộc sống.

Hiện nay, chúng ta đang dần dần thoát khỏi tình trạng khó khăn trong nông nghiệp. Tham luận của các đại biểu đại hội lần thứ XX này khiến mỗi người trong chúng ta đều phấn khởi, khi có nhiều đại biểu phát biểu là chúng ta đã có đủ điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ của kế hoạch năm năm lần thứ sáu ngành chăn nuôi gia súc không phải trong 5 năm mà chỉ từ hai đến ba năm. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của kế hoạch năm năm kế tiếp. (Vỗ tay kéo dài.)

Thưa các đồng chí!

Giờ đây, khi chúng ta phê phán mạnh mẽ tệ sùng bái cá nhân, lan tràn khắp mọi nơi hồi sinh thời Stalin, và vạch trần nhiều hiện tượng tiêu cực phát sinh từ tệ sùng bái cá nhân, vốn xa lạ với tinh thần học thuyết Marx-Lenin, một vài người riêng lẻ có thể đặt câu hỏi: sao lại như thế, Stalin đã lãnh đạo đảng và đất nước trong suốt ba mươi năm đạt được nhiều thắng lợi to lớn, chẳng lẽ lại có thể phủ nhận điều đó? Tôi cho rằng chỉ những người mù quáng trước tệ sùng bái cá nhân và bị nó thôi miên đến mức vô phương cứu chữa, chỉ những người không hiểu bản chất của cách mạng và nhà nước Xô-viết, không nắm bắt được vai trò của đảng và của nhân dân theo quan điểm Lê-nin-nit trong quá trình phát triển xã hội Xô-viết, mới đặt câu hỏi như thế.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa là do liên minh công nông, với sự ủng hộ của một bộ phận trung nông, do nhân dân dưới sự lãnh đạo của đảng bôn-sê-vich thực hiện. Công lao vĩ đại của Lenin là ở chỗ đồng chí đã thành lập một đảng tiên phong của giai cấp công nhân, trang bị cho đảng việc nắm vững các quy luật phát triển xã hội theo quan điểm Mác-xít và học thuyết về thắng lợi của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, đồng chí đã tôi luyện đảng trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân. Trong cuộc đấu tranh này, đảng đã từng bước bảo vệ quyền lợi của nhân dân, đã trở thành người lãnh đạo giàu kinh nghiệm đưa quần chúng lao động giành chính quyền, thiết lập nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Các đồng chí hẳn còn nhớ rõ nhận định sáng suốt của Lenin: sự giác ngộ của quần chúng nhân dân chính là sức mạnh của nhà nước Xô-viết, lịch sử là do hàng triệu, hàng chục triệu con người sáng tạo nên.

Chúng ta đã đạt được những chiến thắng lịch sử nhờ công tác tổ chức đảng, của nhiều tổ chức địa phương và sự lao động quên mình của nhân dân vĩ đại. Những thắng lợi ấy là kết quả của hoạt động lớn lao của một khối thống nhất nhân dân và đảng, và tuyệt nhiên không phải là thành quả của sự lãnh đạo của một cá nhân Stalin như người ta từng khẳng định trong thời kì thăng hoa của tệ sùng bái cá nhân.

Nếu tiếp cận vấn đề này theo phương pháp của học thuyết Marx-Lenin, phải tuyên bố một cách thẳng thắn không úp mở là thực tế việc lãnh đạo trong những năm cuối đời của Stalin đã thành một trở ngại nghiêm trọng trên con đường phát triển của xã hội Xô-viết.

Stalin thường trì hoãn nhiều tháng trời không xem xét những vấn đề vô cùng quan trọng cần phải giải quyết kịp thời, liên quan đến sinh hoạt đảng và nhà nước. Dưới sự lãnh đạo của Stalin, quan hệ hòa bình giữa ta với các quốc gia khác lắm lúc bị đe dọa bởi quyết định của một cá nhân và đôi khi khiến cho tình hình trở nên phức tạp.

Trong những năm gần đây, khi chúng ta thoát khỏi thực tế tai hại của tệ sùng bái cá nhân và áp dụng nhiều biện pháp thích hợp trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại, mọi người đều có thể thấy rất rõ, tính chủ động và ý tưởng sáng tạo của đông đảo quần chúng lao động tăng tiến và phát triển vượt bậc, điều này đã bắt đầu ảnh hưởng tốt đến kết quả của công cuộc xây dựng kinh tế và văn hóa. (Vỗ tay.)

Một số đồng chí có thể đặt câu hỏi: lúc đó các ủy viên Bộ Chính trị BCHTW ở đâu? sao các đồng chí không kịp thời phản đối tệ sùng bái cá nhân mà đến tận bây giờ mới lên tiếng?

Trước hết, cần phải lưu ý, các ủy viên Bộ Chính trị nhìn nhận vấn đề này một cách khác nhau trong các thời kì khác nhau. Thời kì đầu, nhiều người trong số họ tích cực ủng hộ Stalin vì Stalin là một trong những nhà Mac-xit mạnh mẽ nhất và lí luận, sức mạnh và ý chí của đồng chí có ảnh hưởng lớn đến đội ngũ cán bộ đảng và công tác đảng.

Như đã biết, sau khi Lenin mất, đặc biệt vào thời kì đầu, Stalin đã đấu tranh tích cực bảo vệ học thuyết Lenin, chống lại kẻ thù và những người rời bỏ học thuyết này. Xuất phát từ chủ nghĩa Lenin, đảng ta — đứng đầu là BCHTW — đã triển khai nhiệm vụ to lớn nhằm công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đất nước, tập thể hóa nông nghiệp và tiến hành cách mạng văn hóa. Thời đó, Stalin rất được lòng dân, giành được thiện cảm và ủng hộ. Đảng đã phải đấu tranh chống những thế lực muốn đưa đất nước khỏi đường lối Lê-nin-nit duy nhất đúng đắn, chống bè lũ Trotskit, Zinovyev, hữu khuynh và tư sản quốc gia. Cuộc đấu tranh này là cần thiết. Nhưng về sau, Stalin ngày càng lạm dụng quyền lực, mở cuộc tấn công những nhà hoạt động uy tín của đảng và nhà nước, áp dụng các biện pháp khủng bố chống lại những con người Xô-viết trung thực. Như đã đề cập, Stalin đã áp dụng những biện pháp như thế với những nhà hoạt động xuất sắc của đảng và nhà nước, như các đồng chí Kosior, Rudzutak, Eikhe, Postyshev và nhiều người khác.

Những người có ý định phản đối những nghi ngờ và buộc tội vô căn cứ đều bị đàn áp. Vụ việc của đồng chí Postyshev là một trường hợp điển hình.

Trong một buổi nói chuyện, Stalin tỏ vẻ không hài lòng với Postyshev và đặt câu hỏi:

– Thật ra anh là ai?

Postyshev cứng rắn tuyên bố với giọng nói đặc sệt miền Volga của đồng chí:

– Là người bôn-sê-vich, thưa đồng chí Stalin, tôi là người bôn-sê-vich!

Lời tuyên bố này thoạt đầu được đánh giá là thiếu lễ độ với Stalin, sau đó trở thành hành động phá hoại và cuối cùng dẫn đến việc thủ tiêu Postyshev, bị cáo buộc một cách hoàn toàn vô căn cứ là “kẻ thù của nhân dân”.

Hồi ấy, tôi thường trao đổi về tình hình thực tế với Nikolai Alexandrovich Bulganin. Một lần, khi chúng tôi đi cùng xe, đồng chí bảo tôi:

– Đôi lúc, có ai đó được Stalin mời đến gặp như một người bạn. Nhưng khi ngồi ở chỗ Stalin, anh ta không biết sau đó mình sẽ đi đâu: trở về nhà hay vào tù.

Rõ ràng, hoàn cảnh như vậy đã đặt các ủy viên Bộ Chính trị vào một tình thế hết sức khó khăn. Nếu xét đến việc trong những năm gần đây, hội nghị toàn thể BCHTW thực tế không hề được triệu tập và những kì họp của Bộ Chính trị cũng chỉ thỉnh thoảng mới được tiến hành, có thể hiểu được rất khó khăn cho một ủy viên Bộ Chính trị lên tiếng chỉ trích một biện pháp bất công hay sai trái nào đó, hoặc chống lại những sai lầm và thiếu sót nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo.

Như đã nhắc đến, nhiều quyết định chỉ do một cá nhân định đoạt, hoặc chỉ được lấy ý kiến mà không thông qua thảo luận tập thể.

Mọi người đều biết số phận bi thảm của đồng chí Voznesensky, ủy viên Bộ Chính trị, nạn nhân của sự đàn áp Stalin. Điển hình là việc đưa Voznesensky ra khỏi Bộ Chính trị đã không hề thông qua một cuộc thảo luận nào cả mà chỉ được tiến hành lấy ý kiến. Quyết định miễn nhiệm các đồng chí Kuznetsov và Rodionov cũng được thực hiện theo lối ấy.

Vai trò của Bộ Chính trị BCHTW bị thu hẹp đáng kể và công việc của cơ quan này bị xáo trộn vì việc thành lập ngay trong Bộ Chính trị đủ thứ tiểu ban, với những tên gọi như “tiểu ban năm người”, “tiểu ban sáu người”, “tiểu ban bảy người”, “tiểu ban chín người”. Chẳng hạn, nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 3-10-1946:

“Đề nghị của đồng chí Stalin: 1. Giao cho Tiểu ban đối ngoại thuộc Bộ Chính trị (tiểu ban sáu người), ngoài những vấn đề chính trị đối ngoại, sẽ chịu trách nhiệm về những vấn đề xây dựng nội bộ và chính trị đối nội. 2. Bổ sung vào thành phần “tiểu ban sáu người” đồng chí Voznesensky, chủ tịch Ủy ban kế hoạch nhà nước, để thành “tiểu ban bảy người”. Bí thư BCHTW – Stalin”.

Theo thuật ngữ cờ bạc[*] thì phải hiểu thế nào? (Cười lớn trong phòng họp.) Rõ ràng, việc thành lập những ủy ban loại này trong Bộ Chính trị — “tiểu ban năm người”, “tiểu ban sáu người”, “tiểu ban bảy người”, “tiểu ban chín người” trái với nguyên tắc lãnh đạo tập thể. Hậu quả là, một số ủy viên Bộ Chính trị bị loại khỏi các việc quyết định những vấn đề quan trọng nhất.

Một trong những đảng viên kì cựu nhất của đảng, đồng chí Kliment EfremovichVoroshilov, đã từng lâm vào hoàn cảnh không thể chịu đựng nổi. Trong nhiều năm ròng, đồng chí thực sự bị tước quyền tham gia vào công việc của Bộ Chính trị. Xtalin đã cấm đồng chí dự các buổi họp của Bộ Chính trị và không gửi cho đồng chí các văn kiện hội nghị. Cứ mỗi lần biết Bộ Chính trị triệu tập họp, Voroshilov lại gọi điện cho Stalin hỏi xem mình có được phép tham dự phiên họp hay không. Đôi khi Stalin cho phép, nhưng luôn luôn tỏ ra không vừa ý. Do bản tính hay tưởng tượng và nghi ngờ quá đỗi, Stalin còn có nghi ngờ phi lí và nực cười rằng Voroshilov là gián điệp của Anh. (Cười lớn trong phòng họp.) Thật thế, gián điệp Anh quốc! Người ta đã đặt ở nhà đồng chí một thiết bị đặc biệt để nghe lén tất cả các cuộc nói chuyện. (Phẫn nộ trong phòng họp.)

Stalin còn độc đoán trong việc loại một ủy viên Bộ Chính trị khác ra khỏi công tác của Bộ Chính trị, đó là Andrei Andreyevich Andreev.

Đó là biểu hiện quá đà nhất của sự chuyên quyền.

Ta còn nhớ tại hội nghị toàn thể BCHTW đầu tiên sau đại hội đảng lần thứ XIX, trong bài phát biểu của mình, Stalin đã nêu tính cách của Vyacheslav Mikhailovich Molotov và Anatas Ivanovich Mikoyan, và tỏ ý buộc tội hoàn toàn vô căn cứ hai nhà hoạt động kì cựu của đảng ta.

Không loại trừ khả năng nếu như Stalin còn ở cương vị lãnh đạo thêm vài tháng nữa, có lẽ các đồng chí Molotov và Mikoyanan không còn cơ hội đọc tham luận tại đại hội kì này.

Rõ ràng, Stalin đã có kế hoạch thanh trừng tất cả các cựu ủy viên Bộ Chính trị. Stalin nhiều lần tuyên bố cần thay thế các ủy viên Bộ Chính trị. Đề nghị của Stalin sau đại hội lần thứ XIX về việc bầu chọn Đoàn chủ tịch của BCHTW gồm 25 người nhằm mục đích loại bỏ những cựu ủy viên Bộ Chính trị và thay vào bằng những người ít kinh nghiệm hơn, để họ sẵn sàng tung hô Stalin. Thậm chí có thể giả thiết rằng mọi việc còn được sắp đặt để thủ tiêu các cựu ủy viên Bộ Chính trị sau đó, và giấu nhẹm những hành vi đáng hổ thẹn của Stalin mà hôm nay chúng ta báo cáo ở đây.

Thưa các đồng chí! Để không lặp lại những sai lầm của quá khứ, BCHTW kiên quyết bày tỏ lập trường chống tệ sùng bái cá nhân. Chúng ta nhận thấy Stalin đã được tán dương một cách thái quá. Không thể chối cãi, trong quá khứ Stalin đã có công trạng lớn đối với đảng, với giai cấp công nhân và phong trào công nhân quốc tế.

Vấn đề trở nên phức tạp ở chỗ, tất cả những điều chúng ta vừa nêu trên đây đã xảy ra lúc sinh thời Stalin, dưới sự lãnh đạo và đồng ý của đồng chí, Stalin tin chắc điều đó là cần thiết cho việc bảo vệ quyền lợi của giai cấp lao động trước những âm mưu của kẻ thù và sự tấn công của phe đế quốc. Stalin xem xét toàn bộ sự việc trên quan điểm bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân, quyền lợi của nhân dân lao động và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Không thể nói đó là hành động của một kẻ điên cuồng. Đồng chí cho rằng cần thiết phải làm như thế vì quyền lợi của đảng, của quần chúng lao động, để bảo vệ những thành quả cách mạng. Bi kịch thật sự là ở chỗ đó!

Thưa các đồng chí! Lenin đã nhiều lần nhấn mạnh: khiêm tốn là đức tính không thể thiếu được của một người bôn-sê-vich chân chính. Bản thân Lenin là biểu tượng của đức khiêm tốn ở mức cao nhất. Không thể nói là trong mọi phương diện, chúng ta đã noi theo tấm gương của Lenin. Có thể nói nhiều thành phố, công xưởng và nhà máy, nông trang tập thể và nông trường quốc doanh, các cơ quan Xô-viết, các tổ chức văn hóa dường như, nếu có thể diễn đạt như vậy, là sở hữu cá nhân, mang tên các lãnh tụ đảng và nhà nước, mặc dù họ vẫn hoàn toàn khỏe mạnh và đang công tác tốt. Nhiều người trong số chúng ta đã để người ta lấy tên mình đặt cho các thành phố, các quận huyện, các xí nghiệp và nông trang tập thể. Cần chấn chỉnh lại điều này. (Vỗ tay.)

Nhưng chúng ta phải làm việc này với suy nghĩ thấu đáo và không được nóng vội. BCHTW sẽ thảo luận và điều tra kĩ càng vấn đề này để tránh mọi sai lầm và quá khích. Tôi còn nhớ trước kia tại Ukraina chúng tôi biết tin Kosior bị bắt bằng cách nào. Đài phát thanh Kiev thường mở đầu chương trình bằng như sau: “Đây là đài tiếng nói mang tên Kosior”. Bỗng một ngày, chương trình bắt đầu, nhưng cái tên Kosior không được nhắc tới. Và mọi người đều đoán ra rằng đã có chuyện với Kosior, chắc là đã bị bắt giam.

Vì thế, nếu chúng ta bắt đầu gỡ bỏ các biển tên, tiến hành đổi tên ở khắp nơi, thì mọi người có thể nghĩ rằng đã có chuyện xảy ra với những đồng chí có tên được đặt cho những xí nghiệp, những nông trang hay những thành phố, có lẽ, họ đã bị bắt giam cũng nên. (Xôn xao trong phòng họp.)

Ở chúng ta hiện nay, thước đo về uy tín và và tầm quan trọng của lãnh đạo này hay lãnh đạo khác dựa trên cơ sở nào? Dựa trên số lượng các thành phố, các nhà máy và công xưởng, các nông trang tập thể và nông trang quốc doanh được mang tên họ. Phải chăng đã đến lúc cần chấm dứt với “sở hữu cá nhân” đó và tiến hành “quốc hữu hóa” lại các công xưởng và nhà máy, các nông trang tập thể và nông trường quốc doanh. (Cười lớn, vỗ tay. Hoan hô “Đúng lắm!”). Điều này chỉ có lợi cho sự nghiệp của chúng ta. Tệ sùng bái cá nhân cũng biểu hiện trong những hình thức như thế.

Chúng ta phải có thái độ hết sức nghiêm túc đối với vấn đề sùng bái cá nhân. Chúng ta không để vấn đề này lọt ra ngoài phạm vi đảng, nhất là không để báo giới biết tin này. Đó là lí do chúng ta báo cáo trong phiên họp kín của đại hội. Việc gì cũng có giới hạn của nó, không được nối giáo cho giặc, không được vạch áo cho người xem lưng. Tôi tin rằng các đại biểu đại hội sẽ thấu hiểu và đánh giá đúng đắn những đề nghị của tôi. (Vỗ tay vang dội.)

Thưa các đồng chí! Chúng ta cần kiên quyết, một lần và vĩnh viễn, xóa bỏ tệ sùng bái cá nhân, rút ra những kết luận đúng đắn trong lĩnh vực lí luận tư tưởng cũng như trong thực tiễn.

Để đạt được mục tiêu, chúng ta cần:

Một là, phải bàn bạc theo tinh thần bôn-sê-vich và loại trừ tận gốc rễ tệ sùng bái cá nhân xa lạ với học thuyết Marx-Lenin và không phù hợp với những nguyên tắc lãnh đạo đảng và những quy tắc sinh hoạt đảng, phải đấu tranh không khoan nhượng chống lại mọi mưu toan nhằm khôi phục tệ nạn đó dưới hình thức này hay hình thức khác.

Phải khôi phục và tiến hành, trong toàn bộ công tác tư tưởng của đảng ta, những nguyên lí quan trọng nhất của học thuyết Marx-Lenin về nhân dân, như là người sáng tạo lịch sử, sáng tạo mọi giá trị vật chất và tinh thần của nhân loại, về vai trò quyết định của đảng Mac-xit trong đấu tranh cách mạng để cải tạo xã hội, vì thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản.

Vì lẽ đó, chúng ta buộc phải tiến hành một công việc to lớn — dưới ánh sáng học thuyết Marx-Lenin — xem xét phê bình và uốn nắn những quan điểm lệch lạc liên quan đến vấn đề sùng bái cá nhân, rất thịnh hành trong lĩnh vực lịch sử, triết học, kinh tế và các ngành khoa học khác, cũng như trong văn học và nghệ thuật. Nói riêng, trong giai đoạn sắp tới, chúng ta phải tiến hành việc soạn thảo sách giáo khoa về lịch sử đảng ta, đúng đắn, mang tính khách quan của chủ nghĩa Mac-xit khoa học, sách giáo khoa về lịch sử xã hội Xô-viết và những sách về lịch sử nội chiến và chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Hai là, phải tiếp tục công việc do BCHTW tiến hành trong những năm gần đây một cách thường xuyên và kiên trì về việc triệt để tuân thủ những nguyên tắc Lê-nin-nit về lãnh đạo đảng trong tất cả các cơ sở đảng, từ trên xuống dưới, trước tiên là nguyên tắc lãnh đạo tập thể tối cao, tuân thủ những quy tắc sinh hoạt đảng được quy định trong điều lệ đảng ta, triển khai mở rộng phê và tự phê.

Ba là, phải khôi phục lại toàn bộ những nguyên tắc Lê-nin-nit của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Xô-viết, được thể hiện trong Hiến pháp Liên Xô, phải đấu tranh chống lại sự chuyên quyền của những cá nhân lạm dụng quyền lực. Cần thiết phải chấn chỉnh đến cùng sự vi phạm pháp chế cách mạng xã hội chủ nghĩa, tồn tại trong một thời kì dài như hậu quả tiêu cực do tệ sùng bái cá nhân gây ra.

Thưa các đồng chí!

Đại hội lần thứ XX của ĐCSLX, với một sinh lực mới, đã biểu dương sự thống nhất không gì phá vỡ nổi của đảng ta, sự đoàn kết xung quanh BCHTW, sự quyết tâm thực hiện nhiệm vụ vĩ đại xây dựng chủ nghĩa cộng sản. (Vỗ tay vang dội.) Và chính sự kiện giờ đây chúng ta nêu ra những vấn đề mang tính nguyên tắc trên mọi phương diện về việc khắc phục tệ sùng bái cá nhân, vốn xa lạ với học thuyết Marx-Lenin, cũng như vấn đề giải quyết những hậu quả nghiêm trọng do nó gây ra, đã nói lên sức mạnh đạo lí và chính trị vĩ đại của đảng ta. (Vỗ tay kéo dài.)

Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, dưới ánh sáng những nghị quyết lịch sử của đại hội lần thứ XX, đảng ta sẽ đưa nhân dân Xô-viết tiến đến những thành công mới, tiến đến những thắng lợi mới, theo con đường Lenin đã vạch ra. (Vỗ tay vang dội và kéo dài.)

Ngọn cờ bách chiến bách thắng của đảng ta, chủ nghĩa Lenin muôn năm! (Vỗ tay vang dội và kéo dài, chuyển sang hoan hô nhiệt liệt. Mọi người đứng dậy.)

 ...........................................................

Phạm Ngọc dịch từ tiếng Nga

...............................................

Chú thích của người dịch:

[*]Trong tiếng Nga cách gọi ngắn gọn, đơn giản những từ “tiểu ban năm người, sáu người, bảy người…” đồng thời cũng có nghĩa “quân 5, quân 6, quân 7…” trong cỗ bài tây.

 


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434733

Hôm nay

24

Hôm qua

2349

Tuần này

21383

Tháng này

211781

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434733