Khách mời văn hóa
Xung quanh bộ sưu tập tác phẩm Phan Khôi vừa hoàn thành (Hỏi chuyện nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân)
LTS: Nhà nghiên cứu (NNC) Lại Nguyên Ân vừa hoàn thành bộ sách Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo gồm những tác phẩm đã công bố của Phan Khôi khi ông còn sống. Phóng viên Văn hóa Nghệ An đã có cuộc trò chuyện cùng tác giả về bộ sách này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân
Phóng viên: Được biết, bộ sách mang tên: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo gồm những tác phẩm đã công bố trong sinh thời tác gia Phan Khôi (1887-1959) do ông thực hiện vừa hoàn thành. Xin chúc mừng ông, đồng thời xin được trò chuyện xung quanh việc ông làm bộ sách này, một cách làm mà giới nghiên cứu xã hội nhân văn, giới nghiên cứu phê bình văn học đánh giá là rất công phu, tâm huyết và sáng tạo, đã cung cấp một phần tư liệu về một tác gia là văn bản các tác phẩm đã công bố. Đầu tiên xin hỏi ông về những duyên do đưa ông đến với tác gia Phan Khôi (chứ không phải một vài người cùng thời ấy như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh)? Những bước đầu tiên ông khởi động công việc?
NNC Lại Nguyên Ân: Bộ sách: Phan Khôi, “Tác phẩm đăng báo”, do tôi thực hiện, in cuốn đầu tiên vào năm 2003 và cuốn sau cùng vào năm 2019; gồm 12 sưu tập “Tác phẩm đăng báo”, sắp xếp theo thời gian tác giả công bố tác phẩm, từ 1917 đến 1958; tính ra đã sưu tầm và tái công bố được chừng suýt soát 8.000 trang tác phẩm của Phan Khôi.
Ngoài ra, trong thời gian làm các tập trên, tôi cũng biên soạn đưa in một số cuốn chuyên đề, như Phan Khôi:Viết và dịch Lỗ Tấn, Phan Khôi: Vấn đề phụ nữ ở nước ta, Phan Khôi: Ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta. Bài vở trong các tập này là rút trong bộ “Tác phẩm đăng báo” kể trên.
Hỏi vì sao tôi chọn Phan Khôi mà không phải là chọn những tác gia cùng thời ấy như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh? Cũng hơi khó nói vì sao!
Tôi vào nghề viết hồi đầu những năm 1970 ở khu vực phê bình, tức là quen với lối quan sát nhận xét các hiện tượng văn học đương đại, mãi đến đầu những năm 1990, tôi mới tìm hiểu mảng văn chương báo chí Việt Nam 1900-1945. Vậy nên về bất cứ tác gia nào của giai đoạn ấy, - Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh hay Phan Khôi, sự thiếu hiểu biết của tôi là ở mức ngang nhau!
Tôi đã kể đâu đó rằng việc tôi đi tìm tác phẩm Phan Khôi có phần khởi lên từ gợi ý của một số bạn bè xứ Quảng. Lúc tôi thử bắt tay tìm tòi thì lại có bạn bè cổ vũ, rõ nhất là Peter Zinoman ở khoa Sử Đại học Berkeley mời tôi đến đọc một tháng tại thư viện trường ấy, với nhã ý tạo cơ hội cho tôi may ra tìm được ít nhiều tác phẩm của Phan Khôi trong những tập báo Việt xuất bản những năm 1900-1945 mà các thư viện đại học ở Mỹ hồi những năm 1960s mua được từ các nguồn lưu trữ của Pháp dưới dạng các cuốn microfilm chụp các trang báo.
Trước chuyến đi Mỹ tháng 9/2000 ấy, tôi mới chỉ kịp tìm được một số tác phẩm ký tên Chương Dân đăng trên Nam phong;tôi cũng biết một số tác phẩm của Phan Khôi trên Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm mà học giả Thanh Lãng tập hợp từ trước 1975, được hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh đưa in năm 1995 (13 năm tranh luận văn học, 3 tập, Nxb. Văn học).
Trong chuyến đi Mỹ tháng 9/2000 ấy, tôi vừa tìm được bản in các bài báo của Phan Khôi trên Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, vừa tìm được bản in các tác phẩm của tác giả này trên Đông Pháp thời báo và phần nào trên Thần chung (tôi đang đọc tờ này thì hết thời gian chuyến đi!).
Trở về Hà Nội, tôi tiếp tục làm độc giả ngày càng thường xuyên hơn của Thư viện quốc gia ở 31 Tràng Thi.
Còn nhớ hồi 2001, tôi dẫn theo bạn Nguyễn Ánh Ngọc, một bạn trẻ mê sách báo cũ, vào Thư việc quốc gia, mượn để chụp ảnh sưu tập báo Thần chung, những tập báo khổ to, đóng bìa cứng dày, nhưng cũng đã rách, và khá bụi bậm. Khi chúng tôi lật từng tờ để chụp hình, mấy nhân viên thư viện phàn nàn rằng lẽ ra chúng tôi phải đeo khẩu trang và mang găng tay như họ, bởi trong kho lâu lâu lại phun thuốc trừ mối mọt, những DDT hoặc Vô-pha-tốc, khá độc đối với mọi người, nhất là người bị bệnh hen như tôi!
Lần theo Thần chung và Phụ nữ tân văn, tôi tìm thấy dấu bút Phan Khôi ở tờ Trung lập ở Sài Gòn, Phổ thông, Đông Tây tuần báo ở Hà Nội.
Thật may, những tờ ở Hà Nội không còn, như Phụ nữ thời đàm, thì tôi đã tiếp cận được ở Berkeley, còn các tờ khác, nhất là Trung lập, thì sưu tập ở 31 Tràng Thi lại khá đủ!
Từ khoảng 2002, tôi thấy mình đã có trong tay một lượng khá lớn bài đăng báo của Phan Khôi, nhưng để nắm được toàn bộ hoạt động viết báo của tác gia này thì đường đi hẳn còn xa, trong khi công chúng thời nay đã hầu như không còn biết tác gia này. Vậy phải làm thế nào? Tôi quyết định phải đồng thời làm hai loại việc, vừa tiếp tục nghiên cứu sưu tầm, vừa phải biên soạn và tái công bố dần dần để đưa ra công chúng từng mảng bài vở đã đăng báo của tác giả này, phải cho công chúng nhớ là đã từng có một Phan Khôi!
Được sự cổ động của dịch giả Đoàn Tử Huyến, người chủ trì Trung tâm Văn hóa - ngôn ngữ Đông Tây, và các bạn bè ở Nhà Xuất bản Đà Nẵng, tôi bắt tay biên soạn tập đầu tiên, gồm những tác phẩm đăng báo của Phan Khôi trong năm 1928.
Tập bản thảo Tác phẩm đăng báo 1928 của Phan Khôi được NXB Đà Nẵng in với số lượng khá lớn (1.000 cuốn).
Tiếp đó, tôi soạn tập Tác phẩm đăng báo 1929 của Phan Khôi, nhà xuất bản Đà Nẵng chỉ đứng xin giấy phép thôi; việc in thì Trung tâm VH-NN Đông Tây và soạn giả tự lo.
Thời gian ấy, vợ chồng Nguyệt Cầm, P. Zinoman mách cho biết, có Quỹ Toyota đã vào hoạt động tại Việt Nam; hai bạn ấy đã từng hướng dẫn cho một số bạn bè làm nghệ thuật tiếp cận xin tài trợ từ Quỹ này và có kết quả. Tôi tìm hiểu thì biết, ngay các cán bộ nghiên cứu tại các viện lúc ấy cũng làm thế này: các dự án nghiên cứu của họ, khi trình lên Ủy ban KHXHVN, nếu bị loại, tức là không được xét duyệt cấp kinh phí, họ sẽ đưa sang nộp xin Quỹ Toyota, thường sẽ được tài trợ, không nhiều thì ít. Điểm mấu chốt trong thủ tục là người có đơn xin tài trợ phải được một tổ chức giới thiệu. Tôi đem việc này trình bày với lãnh đạo Hội nhà văn thì được trả lời: nghiên cứu sưu tầm tác phẩm của một tác gia tiêu biểu trong Nhân văn - Giai phẩm như Phan Khôi thì Hội nhà văn không thể đứng ra giới thiệu được!
Đang thất vọng thì nghe Đoàn Tử Huyến bảo tôi: Quỹ Toyota là cơ quan của nước ngoài hỗ trợ hoạt động văn hóa ở nước chủ nhà; đối với họ, các tổ chức ở Việt Nam, dù “quốc doanh” như Hội nhà văn, hay “tư nhân” như Trung tâm Đông Tây của tôi, đều có tư cách pháp nhân như nhau! Anh tin cậy bọn tôi thì bọn tôi sẽ đứng ra giới thiệu! Và Huyến thêm: Nói nhỏ nữa là so với các nơi thì mức “tô” của bọn tôi rất tượng trưng, giúp cho bạn bè có điều kiện làm việc thôi!
Thế là hồ sơ của tôi do Trung tâm VH-NN Đông Tây giới thiệu, cuối cùng, được Quỹ Toyota chấp nhận. Nhờ nguồn tài trợ này, tôi sắm máy ảnh, computer, laptop, tôi cũng có thể thuê nhân viên kỹ thuật làm scaner mỗi lần hàng vài chục trang, là các bài của Phan Khôi tìm thấy trên các báo Trung lập, Đông Tây, Thực nghiệp, Tràng An, v.v., và trả công in cho các cuốn Tác phẩm đăng báo 1930, Tác phẩm đăng báo 1931, Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn.
Sau thời gian ấy, Quỹ Toyota chuyển sang nước khác (hình như Myanmar?), hoặc có thay đổi chế độ tài trợ thế nào đó (giao cho Toyta Việt Nam tổ chức thực hiện với quy chế mới), tôi (và cả các bạn nghiên cứu viên một số viện tôi quen biết) không còn tiếp cận được nữa. Thế nhưng, trên đề tài mình đang làm thì tôi thấy chính một phần nhờ Quỹ này mà mình đã bước đầu đạt được một số kết quả khả quan. Họ đã xong việc “dẫn dụ” mình vào sâu trong đề tài của mình rồi, từ đây, không có hỗ trợ gì, mình cũng không dám rời bỏ, dù phải tự lo liệu lấy hết, cả nghiên cứu sưu tầm lẫn biên soạn tái công bố!
Cuối 2007, tôi nghỉ hưu, kết thúc công việc biên tập sách suốt 30 năm liền ở Nxb. Hội Nhà Văn, từ đây có thể chủ động giành toàn thời gian cho những công việc mình muốn làm.
Cũng năm ấy, tôi đem các sưu tập tác phẩm Phan Khôi đến NXB Tri Thức và được nơi đây hào hứng tiếp nhận.
Tại đây, đã in: Phan Khôi,Tác phẩm đăng báo 1932 (năm 2010); Phan Khôi,Tác phẩm đăng báo 1933-1934 và Phan Khôi,Tác phẩm đăng báo 1935 (năm 2013); Phan Khôi,Tác phẩm đăng báo 1936, và PhanKhôi,Tác phẩm đăng báo 1937 (năm 2014); Phan Khôi,Tác phẩm đăng báo 1938-1942 (năm 2017).
Tại đây không có kinh phí từ ngân sách nhà nước, mọi thứ in ra đều tùy theo sức mua của thị trường sách; các cuốn sưu tập Phan Khôi này đều in số lượng ít, nhuận bút cho người soạn chỉ vài ba triệu đồng mỗi đầu sách. Hơn nữa, nhà Tri Thức lại là nơi mà nhiều trí thức các ngành gửi gắm nhiều tác phẩm, dịch phẩm tâm huyết, trong khi vốn liếng của chủ nhà khá hạn hẹp, nên bản thảo xếp hàng chờ in khá nhiều.
Để đẩy nhanh và sớm hoàn thành bộ “Tác phẩm đăng báo” này, các thành viên con cháu gia đình Phan Khôi đã góp nhau tạo một quỹ nhỏ hỗ trợ in sách. Nhờ vậy, một số cuốn tiếp tục được in với giấy phép của NXB Tri Thức: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo in sách 1948-1958 (năm 2018), Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1917-1924 (năm 2019).
Tính từ 2003, in ra sưu tập Phan Khôi đầu tiên (Tác phẩm đăng báo 1928) đến 2019, in ra sưu tập Phan Khôi sau cùng (Tác phẩm đăng báo 1917-1924), bộ sách này được thực hiện trong 16 năm.
Phan Khôi có 41 năm viết văn làm báo, tính từ bài luận thuyết chữ Hán đầu tiên đăng Nam phong (tháng 11.1917) đến truyện ngắn “Ông Năm Chuột” đăng tuần báo Văn (10.1.1958). Bộ sưu tập các tác phẩm từng đăng báo và in sách của ông (do tôi thực hiện) gồm 12 tập, tổng cộng 7.622 trang (3.280 trang khổ in 14,5x20cm, và 4.342 trang khổ 16x24cm); đây là chưa tính 3 cuốn sưu tập chuyên đề (Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn, Nxb. Hội nhà văn, 2005; Phan Khôi, Vấn đề phụ nữ ở nước ta, Nxb. Phụ nữ, 2017, 2018; Phan Khôi, Ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta, Nxb. Văn hóa văn nghệ, Tp.HCM., 2018).
Theo thống kê sơ bộ của ông Phan An Sa (con trai út tác gia Phan Khôi), thì bộ sưu tập này cho thấy di sản trứ tác của Phan Khôi gồm khoảng trên 700 bài nghị luận, gần 1.200 bài văn tiểu phẩm, trên 40 tác phẩm thơ, truyện dài, truyện ngắn, hồi ký hồi ức, trên 40 dịch phẩm; đấy là chưa tính khoảng gần 400 bài trong các mục hoặc bài đăng lẻ tẻ trên các báo.(2)
Phóng viên: Ông tiến hành biên soạn các tác phẩm sưu tầm được theo những quy tắc nào? Với tác gia Phan Khôi, phần những bài báo đầu tay của ông đã không được soạn giả tái công bố trong cuốn sưu tập đầu tiên, trái lại, lại đưa vào cuốn sưu tập in ra sau cùng! Vì sao ông lại mở đầu từ việc công bố những tác phẩm của Phan Khôi đăng báo năm 1928?
NNC lại Nguyên Ân: Nếu hỏi có quy tắc nào cho việc biên soạn các sưu tập thì điều tôi xem là hệ trọng nhất, là: sao chép lại đúng văn bản các tác phẩm được sưu tập. Việc này thật ra không hề dễ thực hiện! Văn bản cũ mình tìm được, hoặc ở dạng phóng ảnh (photocopy) hoặc đôi chỗ phải chép tay, rốt cuộc đều phải đưa đánh máy; thợ đánh máy (đôi khi là chính người sưu tầm) không phải bao giờ cũng đọc đúng và chép đúng từng chữ từ bản chụp kia! Có những chữ những đoạn bị mờ, bị rách mất trên bản chụp, rồi những chữ dùng xưa mà nay thấy lạ, có thể đoán sai nên chép sai, v.v... Chưa kể việc người đánh máy tự động sửa đổi cho hợp với quy tắc chính tả ngày nay! Tóm lại có hàng loạt thứ khiến văn bản đánh máy không thể trùng khớp với văn bản trong bản sưu tầm. Suy cho cùng, dù ta tâm niệm rất mực trung thành với bản sưu tầm, khi làm công việc sao chép, biên soạn, trên thực tế ta đã can dự việc làm ra một văn bản nữa, dù độ tương đương cao đến mấy thì nó cũng không trùng khít với bản đã sưu tầm được!
Khi làm sưu tập Lê Thanh (1912-1944), tôi chỉ nhắm vào di sản nghiên cứu phê bình văn học của tác giả. Dự phần làm sưu tập Vũ Bằng (1913-1984), biết là đã có tuyển tập tác gia, tôi chỉ bổ sung mảng bài vở chưa có trong bộ tuyển ấy, gắn với thời gian ông làm chủ bút Trung Bắc chủ nhật. Dự phần làm sưu tập Vũ Trọng Phụng (1912-1939), tôi chủ yếu đi tìm những tác phẩm nhỏ, hoặc tác phẩm đăng dở dang, bởi những tác phẩm đã từng in thành sách riêng của tác giả này thì đã được biết đến rộng rãi và vẫn thường in lại nhiều lần; khi khảo sát văn bản những tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, tôi quan sát ghi nhận biến động văn bản, ghi nhận sự nảy sinh dị bản qua các lần tác phẩm được in lại.
Với tác gia Phan Khôi, ban đầu tôi chưa hình dung được lượng tác phẩm của ông ra sao; tôi đành làm theo cách tiếp cận từng đoạn thời gian làm báo của ông.
Ban đầu tôi khá dễ dàng để có được những bài Phan Khôi viết và đăng Nam phong phần Quốc ngữ (chữ Việt) nhưng biết rằng còn có những bài ông viết bằng chữ Hán trên tạp chí này. Tự hỏi, mình vốn không có chữ Hán, chỉ tự tìm hiểu chút ít để làm quen các văn bản xưa (in chữ Việt nhưng hay kèm thêm ít nhiều chữ Hán), thì sao có thể mò mẫm ra kết quả ở một khu vực chưa được giới nghiên cứu đề cập? Mình lại cũng chưa tìm biết hết mảng bài Phan Khôi trên Thực nghiệp dân báo và Hữu thanh các năm 1921-25, một phần vì bộ sưu tập 2 ấn phẩm này đều đã bị thất tán khá lớn. Vậy, với những giai đoạn đầu tiên viết báo của Phan Khôi, từ 1917 đến 1924, tôi tạm để lại, chờ tìm tòi thêm, lắng nghe thêm từ các kết quả nghiên cứu.
Tôi mở đầu việc biên soạn các sưu tập Tác phẩm đăng báo của Phan Khôi bằng cuốn sách gồm những bài ông viết và đăng Đông Pháp thời báo năm 1928, tiếp đó là cuốn gồm những bài ông viết và đăng Thần chung, 1929-1930.
Tôi biết, bộ sách 13 năm tranh luận văn học 1932-1945 (3 tập) do Thanh Lãng tập hợp, tuy có khá nhiều bài của Phan Khôi, nhưng trong đó không có mảng bài Phan Khôi trên Đông Pháp thời báo 1928 và Thần chung 1929-1930. Trong bộ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (3 tập, in lần đầu 1961, 1963, 1965, tái bản 1996-1997) tác giả Phạm Thế Ngũ dành hẳn một phần viết về Phan Khôi, trong đó ghi nhận năm 1928 là năm Phan Khôi vô Sài Gòn viết báo lần thứ hai, nhưng không hề thông tin gì về mảng bài Phan Khôi đăng Đông Pháp thời báo.
Do vậy, mở đầu bộ sưu tập Phan Khôi với cuốn sách gồm những bài ông đăng Đông Pháp thời báo dưới bút danh C. D., - chính là góp những tư liệu chưa hề được thông tin về tác gia này. Bộ sưu tập Phan Khôi của tôi gây được chú ý của các giới nghiên cứu, giới báo chí, một phần là nhờ đã mở đầu từ chỗ cung cấp những thông tin mới, ít người biết.
Phóng viên: Trong sự tiếp cận một tác gia, ông tự nhận thấy đã khai triển việc sưu tầm biên soạn tác phẩm của Phan Khôi theo kiểu thức nào?
NNC lại Nguyên Ân:Nếu hỏi rằng tôi đã thực hiện sưu tập Phan Khôi bằng kiểu cách gì, thì có lẽ tôi phải trả lời rằng, đã thực hiện theo lối người ta làm toàn tập tác gia! Việc này thì ban đầu tự tôi chưa thấy rõ, nhưng sau các cuốn Tác phẩm đăng báo 1929, Tác phẩm đăng báo 1930, thì tôi nhận ra, tôi đang đi theo hướng ấy.
Phải nói một trong những chú ý của tôi thời học đại học và cả về sau, do có nhiều ngày nhiều tháng ra vào các thư viện, ấy là những cuốn sách khổ lớn có bìa ngoài giống nhau, xếp cạnh nhau liên tục dài hàng thước trong các giá sách. Dừng lại mở một vài cuốn ra xem, sẽ biết hầu hết đó là những bộ toàn tập tác phẩm của tác gia lớn. Tại thư viện quốc gia, 31 Tràng Thi, đó thường là bộ toàn tập tác phẩm của K. Marx, F. Engels, V. I. Lenin, v.v..., bằng chữ Anh chữ Pháp hoặc chữ Nga. Các bộ sách ấy cấu tạo thế nào? Có thể nói đều theo phân đoạn thời gian; một bộ toàn tập sẽ gồm nhiều tập, mỗi tập bao gồm một đoạn thời gian từ năm này đến năm kia, phần chính văn sẽ gồm các bài viết của tác giả trong thời gian ấy, tiếp đó là hành trạng, thống kê những hoạt động của tác gia ấy trong thời gian ấy, nếu là nhà hoạt động chính quyền, còn có thống kê những văn bản nhà nước mà tác giả ấy ký ban hành trong thời gian ấy, rồi những phản hồi hoặc ý kiến, bài viết của người khác về tác gia ấy trong thời gian kể trên.
Cuối năm 1968 đầu năm 1969, tôi là sinh viên vừa ra trường, Bộ ĐH-THCN phân công tôi về tạp chí H.T., làm nhân viên phòng tư liệu, được giao việc cụ thể là làm vai trò thư ký (tuy chính thức không gọi bằng chữ “thư ký”, chỉ là cán bộ tư liệu tập sự thôi!) giúp hai dịch giả Châu (tôi không nhớ họ) và Nguyễn Nhất Thẩm tìm tòi tập hợp xây dựng bộ tư liệu “Marx, Engels, Lenin bàn về báo chí”. Hai ông dịch được bài nào, đoạn nào, chuyển cho tôi, tôi đưa đánh máy, xếp vào một tập hồ sơ, dự định rồi sẽ bàn nhau cách sắp xếp theo một cấu tạo nào đó. Tôi được ông Thân, Trưởng phòng, chỉ dẫn sang Nhà Xuất bản Sự thật gặp ông Hiến (không nhớ họ tên, thường được gọi là “Hiến râu” vì ông thường để nguyên bộ râu rậm) hỏi mượn xem bài trong các cuốn thuộc các bộ tuyển Marx, Engels, Lenin đã hoặc chưa in nhưng đã có bản dịch viết tay hoặc đánh máy, tìm lấy những đoạn có nội dung cần tìm. Dịp đó, ông Hiến giảng cho tôi biết, người Đông Đức, người Pháp, người Nga làm các bộ toàn tập mấy tác gia kinh điển kia ra sao, nhất là quy tắc phân chia các “tôm” (tập) theo từng đoạn thời gian sống, hoạt động và trứ tác của tác gia. Luôn thể, ông cũng chỉ cho tôi thấy cơ quan ông đã tổ chức dịch thuật tác gia kinh điển Marxist một cách cẩn trọng đến kỳ khu thế nào; ông cho xem những tờ giấy khổ A4 kẻ ca-rô có chữ của 4 người, mỗi người mỗi dòng; tức là một tác phẩm quan trọng của tác gia kinh điển, được giao cho 3 người dịch, mỗi người viết một thứ mực, vào 3 dòng khác nhau, dòng thứ tư sẽ là lựa chọn cuối cùng của người biên tập! Mà những người dịch, nghe ông Hiến kể tên, tôi biết là những tên tuổi đáng nể! Cuối năm ấy, tôi thôi không làm việc ở tạp chí H.T. nữa, nhưng bản thảo tập Lê-nin “Về vấn đề báo chí” mà tôi giúp ông Thẩm dàn dựng cũng đã căn bản xong. Vài năm sau sách ấy đưa in, cũng tại nhà Sự thật; ông Thẩm đi xe đạp đến tận nhà đem cho tôi một cuốn sách kèm theo năm chục đồng, gọi là một phần “công tham gia biên tập”, khiến tôi rất cảm động!
Tôi kể lan man chuyện trải nghiệm về mấy bộ toàn tập “tác gia kinh điển” kể trên, là vì, khi nghĩ lại xem mình đã làm bộ sưu tập Phan Khôi theo kiểu nào, tôi bất giác ngờ rằng trải nghiệm thuở mới ra trường kia, một cách vô tình, đã ít nhiều ảnh hưởng đến thao tác tôi làm khi thực hiện bộ sưu tập Phan Khôi!
Ban đầu, tôi chưa biết rõ được hành trạng Phan Khôi qua từng năm (một số ghi chép của người thân, tính đến lúc tôi dựng các cuốn sưu tập, quả cũng không nhiều), nhưng tôi có trong tay những bài đăng báo của tác gia Phan Khôi trong những đoạn thời gian cụ thể, lại cũng có được những bài của tác giả khác, phản hồi các bài báo và phản hồi về chính Phan Khôi. Vậy là khi cấu tạo các tập sách theo thời gian, tôi có thể dàn các bài theo mấy phần chính: phần các bài chắc chắn của tác gia này; phần “tồn nghi” tức các bài có thể của tác gia này; phần những người khác viết về tác gia này. Mỗi cuốn không chỉ gồm các bài đã sưu tầm được, mà còn có chỉ dẫn xuất xứ bài vở từ những ấn phẩm báo chí cụ thể, những tòa soạn với hoạt động ấn loát, ngôn luận trong không gian địa lý xã hội cụ thể. Vậy là khi thực hiện mỗi tập sách, tôi phải viết bài khảo chứng về hoạt động của ngòi bút Phan Khôi trong thời gian ấy (một năm hay một số năm), thông tin về các cơ quan báo chí đã đăng tải bài vở của Phan Khôi. Chữ “Tiểu dẫn” tôi dùng để chỉ phần khảo cứu này của người sưu tầm nghiên cứu, chính là thuật ngữ giới xuất bản dùng để gọi tên một phần công việc của các soạn giả trong các sách toàn tập, tuyển tập.
Phóng viên: Xin ông một bản kê vắn tắt bộ sưu tập Phan Khôi mà ông vừa hoàn thành?
NNC lại Nguyên Ân: Vậy là sau gần hai chục năm theo đuổi việc sưu tầm biên soạn để tái xuất bản những tác phẩm đã từng công bố trong sinh thời Phan Khôi, tôi đã làm xong bộ sách: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo (có lúc là Tác phẩm đăng báo, in sách),gồm 12 tập, bao quát tất cả các đoạn thời gian hoạt động viết báo viết văn của tác gia này:
- Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1917-1924 (xuất bản 2019) gồm những tác phẩm trong 8 năm đầu mới vào nghề, 1917-1924 (342 tr. 16 x 24cm)
- Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1928 (xuất bản 2003) gồm những tác phẩm đăng Đông Pháp thời báo trong năm 1928 (444 tr. 14,5 x 20,5cm)
- Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929 (xuất bản 2005) gồm những tác phẩm đăng Thần chung, Phụ nữ tân văn trong năm 1929 (780 tr. 14,5 x 20,5cm)
- Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1930 (xuất bản 2005) gồm những tác phẩm đăng Thần chung, Phụ nữ tân văn, Trung lập trong năm 1930 (1024 tr. 14,5 x 20,5cm)
- Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1931 (xuất bản 2006) gồm những tác phẩm đăng Trung lập, Đông tây, Phụ nữ tân văn trong năm 1931 (1032 tr. 14,5 x 20,5cm)
- Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1932 (xuất bản 2010) gồm những tác phẩm đăng Đông tây, Trung lập, Phụ nữ tân văn trong năm 1932 (896 tr. 16 x 24cm)
- Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1933-1934 (xuất bản 2013) gồm những tác phẩm đăng Trung lập, Thực nghiệp dân báo, Phụ nữ thời đàm, Công luận, Phụ nữ tân văn trong hai năm 1933-1934 (575 tr. 16 x 24cm)
- Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1935 (xuất bản 2013) gồm những tác phẩm đăng Tràng An báo trong năm 1935 (463 tr. 16 x 24cm)
- Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1936 (xuất bản 2014) gồm những tác phẩm đăng Hà Nội báo, Sông Hương trong năm 1936 (600 tr. 16 x 24cm)
- Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1937 (xuất bản 2014) gồm những tác phẩm đăng Sông Hương, Đông Dương tạp chí trong năm 1937 (356 tr. 16 x 24cm)
- Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1938-1942 (xuất bản 2017) gồm những tác phẩm đăng Đông Dương tạp chí, Thời vụ, Dư luận, Ngày nay, Tao đàn, Phổ thông bán nguyệt san trong 5 năm 1938-1942 (458 tr. 16 x 24cm)
- Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo, in sách 1948-1958 (xuất bản 2018) gồm những bài đăng Văn nghệ, Nhân dân, Văn, Tiền phong, Tập san Văn Sử Địa, Tập san Đại học sư phạm, Nhân văn, Giai phẩm mùa thu, và các cuốn sách in bởi hội Văn hóa cứu quốc, Vụ văn học nghệ thuật trực thuộc Bộ Giáo dục, sở Văn nghệ trung ương, Nxb. Văn nghệ, Nxb. Hội Nhà văn, Nxb. Minh Đức, v.v… ở Việt Bắc và Hà Nội,trong 10 năm 1948-1958 (652 tr. 16 x 24cm).
Phóng viên: Những bạn đọc giàu óc tò mò hẳn sẽ hỏi: bộ sách 12 tập kể trên do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thực hiện, liệu đã bao gồm tất cả mọi tác phẩm của Phan Khôi chưa? Liệu có còn sót tác phẩm nào chưa đưa vào đấy? Và, trong số những tác phẩm đã nằm trong bộ sưu tập này, liệu có thể có trường hợp nào bị lẫn tác phẩm của người khác, tác gia khác?
NNC Lại Nguyên Ân:
Nếu bạn hỏi: bộ sưu tập kể trên đã bao gồm hết các tác phẩm Phan Khôi viết ra trong đời ông, hoặc tất cả các tác phẩm đã đăng báo, in sách trong sinh thời ông chưa?
Tôi trả lời là chưa!
Có lẽ, không ai trong gia đình Phan Khôi biết tất cả những gì ông đã viết, dù chỉ dưới dạng một “mục lục”. Hình như ông không ghi lại tỉ mỉ những bài vở mình đã viết và đưa đăng báo in sách.
Công việc nghiên cứu sưu tầm di sản của ngòi bút Phan Khôi mà tôi thực hiện, do vậy, đã hướng vào một khu vực tác phẩm vốn hiện diện trên các trang báo, nhưng không thật xác định chính xác về tác quyền. Tôi tìm tác phẩm dựa theo các tên tác giả Chương Dân, C. D., Khải Minh Tử, Phan Khôi, Kh., K., Thông Reo, Hồng Ngâm, Pê Ca, v.v. trong khuôn khổ những tờ báo cụ thể. Tôi cũng dự đoán những loại bài ông viết nhưng ký tên tòa soạn các tờ báo, ví dụ nhiều bài chính luận trên báo Thần chung, sau này được xác nhận khi tôi xem mấy bài kiểm thảo Phan Khôi viết ở Việt Bắc, 1953. Còn mảng bài chính luận ông viết ký tên tòa soạn trên Trung lập, bút chiến với Đuốc nhà Nam, hồi 1930, thì ông đã nói rõ ngay trong cuộc đó, sau khi chủ nhiệm Đuốc nhà Nam Nguyễn Phan Long bộc lộ thái độ xấu chơi đối với người đang tranh luận với mình.
Song, chính ở những bài ký cái bút danh Thông Reo do Phan Khôi đặt ra, lại nảy sinh vấn đề ranh giới tác quyền của Phan Khôi với Nguyễn An Ninh (1900-1943)!
Khi làm tập Tác phẩm đăng báo 1932, tôi không có dữ liệu nào khác, nên đã quy tất cả các bài hài đàm ký Thông Reo trên Trung lập năm 1932 là của Phan Khôi tất cả! Sau đó tôi thấy lạ lùng khi bắt gặp một vài cuốn sách sưu tập tác phẩm của tác gia Nguyễn An Ninh (1900-1943), trong đó những người biên soạn đưa vào hàng loạt bài hài đàm ký Thông Reo trên báo Trung lập !
Tôi đi tìm hiểu sự việc, rồi được nhà nghiên cứu Thụy Khuê từ Paris gửi cho bản chụp cuốn sách của bà Phương Lan Bùi Thế Mỹ (Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh 1899 - 1943, in 1970 tại Sài Gòn). Bà là vợ nhà báo Bùi Thế Mỹ (1904-1943), vốn là chủ bút Trung lập những năm 1930-1932, nên biết khá rõ việc Nguyễn An Ninh can dự báo Trung lập. Dựa vào hồi ức của bà Phương Lan, tôi xác định được hai đoạn thời gian Nguyễn An Ninh viết mục “Những điều nghe thấy” ký Thông Reo trên tờ nhật báo này.
Một là sau hội chợ phụ nữ, khi chủ nhiệm Trung lập đứng về phía mấy chủ báo tố cáo vợ chồng Nguyễn Đức Nhuận “lạm dụng hội chợ phụ nữ để thu lợi bất chính”, thì Bùi Thế Mỹ phản đối ông chủ bằng cách từ chức chủ bút, rồi cùng Phan Khôi, Thiếu Sơn, v.v. rời tòa soạn Trung lập sang làm cho Phụ nữ tân văn. Theo lời bà Phương Lan, khi đó Nguyễn An Ninh viết mục kể trên, “lao mình vào cuộc bút chiến dơ dáy hạ bệ vợ chồng Nguyễn Đức Nhuận, chủ nhiệm tờ Phụ nữ tân văn trong tổ chức Hội chợ, một hội chợ vĩ đại, thành công chưa hề có trong lịch sử từ Pháp đô hộ tới giờ, gây quỹ cho hội Dục Anh” (dẫn từ sách trên). Nhưng chủ đề đả kích này, theo quan sát của tôi, chỉ duy trì chừng 2 tháng 6 và 7.1932. Khi chủ báo Phụ nữ tân văn chính thức khởi kiện các báo Trung lập, Sài thành ra tòa trừng trị về tội phỉ báng, thì mục hài đàm của Trung lập đổi sang các đề tài khác, lại cũng có dấu hiệu cho thấy Phan Khôi trở lại viết mục này, rõ nhất là quảng cáo cho mục “Hán văn độc tu” của chính ông, đang bắt đầu in trên Phụ nữ tân văn.
Lần thứ hai Nguyễn An Ninh trở lại viết cho Trung lập là từ đầu tháng 3. 1933. Lúc đó Phan Khôi về Quảng Nam rồi ra Hà Nội; chủ nhiệm Trung lập bán một phần vốn tờ báo cho Nguyễn Văn Tạo (1908-1970), ông này từ Pháp về, mua một phần chủ quyền tờ báo, đảm nhận vai trò chủ bút, tiến hành vận động bầu cử vào hội đồng thành phố Sài Gòn. Liên danh “sổ lao động” do ông đứng đầu cũng cần tiếng nói Nguyễn An Ninh, và Nguyễn An Ninh lại viết mục “Những điều nghe thấy” ký Thông Reo, bên cạnh những bài chính luận khác. Sang năm 1933, Trung lập đã trở thành tờ báo cánh tả. Trước khi bị cấm hẳn (sau số ra ngày 30.5.1933), báo này vẫn đang đăng lời xin lỗi Phụ nữ tân văn, theo quy định của tòa dành cho bên bị xử thua!
Việc Phan Khôi lặng lẽ để Nguyễn An Ninh dùng bút danh của mình viết mục của mình, là sự kiện cần ghi nhận, và cũng là nét khác thường ở tác gia này, bởi ông thường công khai thái độ (thường là bực bội) mỗi khi ai đó xâm phạm cái diện tích quá nhỏ hẹp của ngòi bút ông trên trang báo. Chưa rõ Phan Khôi và Nguyễn An Ninh quen biết nhau từ khi nào? Có phải từ 1926 (khi Phan Châu Trinh đi cùng Nguyễn An Ninh từ Pháp về Sài Gòn, nhắn gọi Phan Khôi vào gặp để giao một số việc) hay từ sớm hơn? Có khá nhiều điều về quan hệ giữa hai nhân vật, hai tác gia này, giới sử học còn chưa làm rõ; tôi chỉ biết ghi lại và để trống vậy thôi. Tôi cũng mong có dịp in lại Tác phẩm đăng báo 1932 để đưa khỏi chính văn những phần đã xác định được là do Nguyễn An Ninh viết dưới bút danh Thông Reo từ 8.6.1932 đến tháng 8.1932, và thay đổi lời dẫn giải về việc này. Còn lại, những bài Nguyễn An Ninh viết mục này trong năm 1933, tôi đã kịp xử lý khi biên soạn cuốn Tác phẩm đăng báo 1933-1934.
Đấy là một trường hợp có vấn đề ranh giới tác quyền giữa hai tác giả cùng dùng chung một bút danh mà tôi đã gặp phải khi nghiên cứu sưu tầm tác phẩm của tác gia Phan Khôi.
Cũng thuộc dạng này là khi Phan Khôi viết cho mục “Câu chuyện hàng ngày” ký Tân Việt trên Đông Pháp thời báo (1928) vàThần chung (1929-30). Đây là chuyên mục hài đàm do chủ nhiệm Diệp Văn Kỳ đặt ra (từ 19.1.1928, ĐPTB số 673), lúc đầu ai viết ký tên nấy (tên thật hoặc bút danh); nhưng từ 24.5.1928 (ĐPTB số 723) mục này chỉ ký Tân Việt, dù đôi lúc trong mục có 3 bài nhỏ khác nhau, nhưng thường khi chỉ có một bài. Bút danh và mục hài đàm là do chủ nhiệm Diệp Văn Kỳ đặt ra, nhưng người viết thường xuyên mục này lại là Phan Khôi! Do vậy, khi làm chủ bút tờ Trung lập thời kỳ mới (từ 2.5.1930), Bùi Thế Mỹ thông tin với độc giả: chúng tôi mời được ông Tú Phan Khôi viết cho mục “Những điều nghe thấy”, và mách độc giả: ông Phan Khôi là người viết “Câu chuyện hàng ngày” ký Tân Việt trên Đông Pháp thời báo và Thần chung đó! Như thế, hầu hết bài trong “Câu chuyện hàng ngày” trên Đông Pháp thời báo và Thần chung thời kỳ 1928-1930 là của Phan Khôi, tuy Tân Việt là bút danh do Diệp Văn Kỳ đặt ra cho chuyên mục hài đàm ở tờ báo mà ông là chủ nhiệm. Sau này, khi Diệp Văn Kỳ mua lại và làm chủ nhiệm tờ Công luận (1932-33), ông lại tái xuất mục “Câu chuyện hàng ngày” với bút danh Tân Việt, nhưng người ta thấy trong các câu chuyện không còn vẻ dí dỏm, sắc sảo như thời Đông Pháp thời báo và Thần chung nữa!
Tôi đang tìm lời đáp cho câu hỏi, liệu bộ sưu tập Tác phẩm đăng báo, in sách đã bao gồm hết các tác phẩm của Phan Khôi chưa?
Nhưng tôi cũng cần phải nhắc với bạn đọc rằng khi làm sưu tập đưa in, không phải mọi bài đã sưu tầm được đều được duyệt in!
Thật thế. Ngay tập đầu, TPĐB 1928, người của Nxb Đà Nẵng duyệt bản thảo, hình như nghe một nhà sử học nào đó tư vấn, đã cắt phần lớn bài điền dã “Tình hình một xóm Chàm ở Tây Ninh và một truyện truyền khẩu về lịch sử Chàm”, chỉ để lại đoạn “Chuyện vua Chàm” ở giữa bài; thao tác cắt vội ấy không tính đến việc cái chuyện kia chỉ là một phần chêm trong bài thôi! Rốt cuộc người duyệt vẫn để lại một đoạn của bài chính ở cuối! Chỉ người đọc kỹ mới thấy sự cắt cúp là dở dang!
Các tập TPĐB 1930, TPĐB 1931 đưa đọc duyệt tại nhà xuất bản Hội Nhà văn, thì Giám đốc kiêm tổng biên tập Nguyễn Phan Hách đã trù bị sẵn ý niệm về độ “phức tạp” của một tác gia Nhân văn - Giai phẩm, nên đã xem rất kỹ, và đã loại bỏ hàng chục bài hài đàm được cho là không phù hợp, thậm chí “nhạy cảm”! Chuyện đọc duyệt ấy ám ảnh đến nỗi ông Hách đem kể với một vài nhà báo vốn tò mò việc “thâm cung bí sử” của nhà xuất bản; đến lượt mình, nhà báo kia chẳng ngại gì mà không đưa chuyện lên các trang báo! Để cho đủ thận trọng, ông Hách còn liên lạc với ông Phan An Sa, con trai út của Phan Khôi, lúc ấy đang là Chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, đề nghị được thông cảm vì ông đã buộc phải cắt bỏ một số bài báo trước 1945 của cụ Phan Khôi! Tất nhiên ông Sa hồi âm thuận chiều: nhà xuất bản cứ theo chức trách quy định mà làm thôi!
Từ tập TPĐB 1932, bản thảo đưa sang nhà xuất bản Tri Thức, các bạn ở đây làm biên tập kỹ thuật rất chi tiết, chặt chẽ, nhưng ít đề xuất cắt cúp bài vở. Tuy vậy, tại đây có một thứ gần như quy ước: bản thảo đã định hình thì không thay đổi nữa! Ngay khi cần tái bản (tức là sách chỉ in lại chừng vài ba trăm bản thôi) cũng theo bản đã định hình, không thêm bớt gì được! Một vài bài vở chậm chân thì đành gác lại đấy!
Cho nên, nếu đối chiếu kỹ lại, cũng sẽ thấy bản in thiếu một số bài đã sưu tầm được. Như hôm vừa rồi tôi đưa lên Facebook một bài ngắn Phan Khôi điểm cuốn du ký sang Pháp của nhà báo Trần Bá Vinh, đăng Phụ nữ tân văn 1932, là bài còn sót. Hoặc tập TPĐB 1948-1958 có thể cũng đã bỏ sót thậm chí chưa tìm thấy một số bài báo hoặc lời phát biểu ngắn của Phan Khôi trên báo chí, ví dụ báo “Cứu quốc”, v.v…
Tóm lại, trong 12 sưu tập tác phẩm Phan Khôi đã in ra, tôi biết chắc trong đó chưa có đầy đủ các tác phẩm Phan Khôi đã viết; tôi cũng dự đoán rằng trong đó có thể có lẫn những tác phẩm thuộc ngòi bút tác gia khác, tuy số đó không nhiều.
Phóng viên: Ta đều biết, tác gia Phan Khôi bị cấm công bố và tái công bố tác phẩm từ 1958 ở miền Bắc và từ 1975 trong toàn quốc. Chỉ sau cao trào đổi mới (1986), tác phẩm và tác giả này mới được phép tiếp cận trở lại. Vậy công việc sưu tập và tái công bố các tác phẩm của Phan Khôi mà ông thực hiện trong 16 năm qua (2003-2019) đã đóng góp ra sao vào việc tạm gọi là “đánh thức ký ức” của cộng đồng về tác gia Phan Khôi? Ông nhận xét ra sao về tình hình, chiều hướng tiếp cận di sản tư tưởng, học thuật của tác gia Phan Khôi trong các giới báo chí, văn hóa văn nghệ, nghiên cứu xã hội nhân văn?
NNC lại Nguyên Ân: Như đã biết, sự đàn áp phong trào Nhân văn - Giai phẩm (1956-1957) đã khiến các văn nghệ sĩ liên quan bị cấm in lại tác phẩm, giới nghiên cứu cũng bị cấm tiếp cận tiểu sử họ và các tác phẩm của họ, - quy phạm (cấm đoán) không thành văn này có hiệu lực tại miền Bắc Việt Nam từ 1958, và trong cả nước, từ 1975. Di sản báo chí, văn học của Phan Khôi, cũng như của các văn nghệ sĩ liên can Nhân văn - Giai phẩm, bị đẩy vào quên lãng, bị xóa dần khỏi ký ức văn hóa của cộng đồng. Không ngẫu nhiên mà một nhà nghiên cứu làm việc tại Pháp là Tạ Trọng Hiệp, khi quan sát dư luận sách báo trong nước, đã đưa ra mệnh đề “Phan Khôi, người xa lạ” (RFI, tháng 12/1996).
Cao trào đổi mới kinh tế xã hội (từ 1986) mở ra khả năng thay đổi, nhưng ở khu vực văn hóa thì mọi sự đều tiến triển khá chậm.
Phải tinh ý lắm mới thấy một vài dấu hiệu, ví dụ có mục từ Phan Khôi (Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế soạn), trong bộ Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nxb. Khoa học xã hội, 1991). Năm 1992, trong một vài hội thảo kỷ niệm 60 năm phong trào thơ mới tiếng Việt (1932-1945), vai trò của Phan Khôi như người mở đầu với việc đưa ra bài thơ “Tình già”, chỉ được nhắc đến thoáng qua.
Năm 1995, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP. HCM. đưa xuất bản bộ sưu tập 13 năm tranh luận văn học, 1932-1945 (3 tập, Nxb. Văn học, 1995) của Thanh Lãng, trong đó có loạt bài Phan Khôi đăng Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm.
Năm 1996, Nhà Xuất bản Đà Nẵng tái bản cuốn Chương Dân thi thoại của Phan Khôi (in lần đầu 1936), có lời giới thiệu của nhà văn Nguyễn Văn Xuân.
Năm 1997, Nhà Xuất bản Đà Nẵng tái bản cuốn Việt ngữ nghiên cứu của Phan Khôi (in lần đầu 1955), có lời giới thiệu của Gs. Hoàng Tuệ.
Đầu năm 1997, tạp chí Hợp lưu của người Việt tại Hoa Kỳ ra số chuyên đề về Phan Khôi nhân 110 năm sinh nhà văn.
Năm 1998, Nxb. Văn học cho in bộ Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam 1900-1945 (5 tập, nhóm biên soạn Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Thị Kiều Trang, Phạm Hồng Toàn), trong đó, ở tập 1, tác gia Phan Khôi có gần 100 trang tác phẩm tuyển chọn, có tiểu sử vắn tắt.
Năm 2001, Nxb. Đà Nẵng cho in cuốn Nhớ cha tôi, Phan Khôi của Phan Thị Mỹ Khanh, con gái tác gia Phan Khôi, có lời giới thiệu của Gs. Lê Trí Viễn, là cuốn hồi ức có một số nét phác thảo tiểu sử Phan Khôi.
Vậy là, trước khi tôi bắt tay sưu tầm rồi biên soạn tái công bố các tác phẩm từng đăng báo, in sách của Phan Khôi, trong các giới nghiên cứu và xuất bản đã có những hoạt động đánh thức ký ức về tác gia Phan Khôi rồi. Công việc của tôi chỉ là nối tiếp các hoạt động ấy.
Như đã nói, ký ức văn hóa về tác gia Phan Khôi hình thành ở công chúng và các giới văn chương, báo chí thời kỳ trước 1945, đã hầu như bị xóa khỏi đời sống tinh thần ở miền Bắc từ 1958. Tại miền Nam thời kỳ 1954-1975 có những nỗ lựcphục hồi và tiếp tục bồi đắp ký ức ấy, nhưng từ sau tháng 4.1975, chúng lại bị xóa trên quy mô cả nước.
Do vậy, những sự kiện tái xuất bản tác phẩm Phan Khôi, các hồi ký hoặc chuyên khảo về tác gia này, xuất hiện từ 1995 như kể trên, là cơ sở cho sự hình thành một ký ức mới về tác gia Phan Khôi trong đời sống văn nghệ, đời sống tinh thần người Việt ở thời hiện tại.
Trong thời gian tôi làm bộ sưu tập tác phẩm Phan Khôi, các đồng nghiệp nghiên cứu sưu tầm cũng công bố các chuyên khảo hoặc sưu tập liên quan đến tác gia này, đáng kể là: Vu Gia với cuốn Phan Khôi, tiếng Việt, báo chí và thơ mới (Nxb. ĐHQG Tp.HCM., 2003); và Phạm Hồng Toàn với sưu tập Sông Hương, tuần báo ra ngày thứ bảy (Nxb. Lao động & Trung tâm VH-NN Đông Tây, 2009). Tiếp theo, Phan An Sa có cuốn Nắng được thì cứ nắng. Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân văn (Nxb. Tri thức, 2013); rồi Ngô Quang Huy cho ra chuyên luận Tác phẩm Phan Khôi, đọc và suy ngẫm (2 tập, Nxb. Tri thức, 2017).
Bản thân tôi cũng vừa biên soạn tái công bố các tác phẩm của Phan Khôi, vừa viết những bài khảo cứu sâu về từng việc, từng vấn đề, đề tài mà Phan Khôi đã đề cập trong đời văn của mình. Tôi cũng tích cực tham dự các hội thảo, tọa đàm về Phan Khôi tại các sinh hoạt học thuật hoặc thông tin, được tổ chức ở một số địa phương trong nước.
Năm 2007, tại Hà Nội có tọa đàm về Phan Khôi nhân 120 năm sinh, do Hội Sử học và tạp chí “Xưa và Nay” cùng gia đình nhà văn tổ chức.
Năm 2012, phim tài liệu “Con mắt còn có đuôi” của đạo diễn Huỳnh Hùng (Truyền hình Đà Nẵng) nói về cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Phan Khôi, được trao Huy chương Bạc tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 32.
Năm 2013, họ tên Phan Khôi cùng tên tuổi một số nhà văn xứ Quảng như Nguyễn Văn Xuân, Hoàng Châu Ký, Tế Hanh, Thu Bồn, được chính quyền Đà Nẵng dùng để đặt tên cho một số đường phố mới tại thành phố này.
Năm 2015 tại Tam Kỳ, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam tổ chức hội thảo"Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc" với gần 100 tham luận của các giới học thuật, văn hóa, lịch sử trong cả nước. Trong các tham luận gửi tới các tọa đàm, hội thảo kể trên, tôi thấy khá nhiều tác giả tham khảo những tác phẩm của Phan Khôi do tôi công bố trong loạt sách Tác phẩm đăng báo.
Tôi cũng đã thấy một số giảng viên đại học lấy tác phẩm Phan Khôi trong loạt sách trên làm đề tài khóa luận, luận án cho sinh viên, nghiên cứu sinh.
Những sự việc, dữ kiện kể trên, dù sao vẫn còn ít ỏi, song cũng đã phần nào cho thấy tên tuổi và sự nghiệp Phan Khôi đã hiện diện trở lại trong dư luận báo chí, trong đời sống văn nghệ của người Việt hiện nay, trong nước và cả hải ngoại. Thiết nghĩ, bộ 12 cuốn Tác phẩm đăng báo, in sách của Phan Khôi mà tôi thực hiện trong 16 năm qua, đã góp một phần cơ sở dữ liệu dữ kiện văn bản cho việc tiếp cận di sản văn học, báo chí của tác gia Phan Khôi.
Đương nhiên, tôi thấy sự tiếp cận tác gia Phan Khôi bởi các giới nghiên cứu chuyên nghiệp (ngữ văn, sử học, địa phương chí, v.v...) hiện vẫn ở mức đại cương, khá sơ sài. Các ý niệm về cống hiến của tác gia Phan Khôi, ngay ở cộng đồng các giới trí thức, văn nghệ sĩ, cũng thường chung chung, mơ hồ, có khi không chính xác.
Chẳng hạn việc Phan Khôi can dự thơ mới. Hoài Thanh khi viết về “Một thời đại mới trong thi ca” (sách Thi nhân Việt Nam 1932-1941, Nguyễn Đức Phiên xb., Huế, 1942), coi thời điểm Phan Khôi đưa đăng bài “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” như thời điểm “nhóm dậy cuộc cách mệnh về thi ca”, nhưng Hoài Thanh lại gắn dữ kiện này với ngày xuất bản số báo Phụ nữ tân văn đăng bài ấy (10.3.1932). Trong khi đó, bài ấy từng đăng trước đó hơn một tháng trong Tập văn mùa xuân, giai phẩm Tết Nhâm thân 1932 của báo Đông Tây ở Hà Nội. Điều này, đến năm 2009 mới được làm rõ. Tuy vậy, cho đến tận hiện giờ vẫn còn thấy nhiều tác giả dùng dữ liệu cũ của Hoài Thanh, chưa biết đến đính chính này.
Tôi chỉ nêu một dữ kiện nhỏ như trên để nhắc bạn rằng, có hàng loạt vấn đề tư tưởng học thuật, văn hóa, văn học trong di sản Phan Khôi vẫn chưa được nghiên cứu phân tích. Xin lưu ý rằng, học giả Thanh Lãng từng nhận xét Phan Khôi có mặt tại 5 trong 6 cuộc tranh luận văn học của “thế hệ 1932”. Vì vậy, nghiên cứu phân tích rõ quan điểm Phan Khôi trong mỗi vấn đề sẽ giúp làm rõ thêm các xu hướng tư tưởng, văn học của giai đoạn 1900-1945, giai đoạn xã hội người Việt gia nhập cộng đồng nhân loại hiện đại.
Trong các tư tưởng xã hội và văn hóa mà ngòi bút Phan Khôi đã đề cập, vấn đề phụ nữ, tư tưởng nữ quyền là một trong những mối quan tâm nổi bật ở ông. Thế nhưng khi đề cập tác gia Phan Khôi, các nghiên cứu của Phạm Thế Ngũ (Việt Nam văn học sử giản ước tân biên. tập IIIVăn học hiện đại 1862-1945, Sài Gòn, 1965), Thanh Lãng (Phê bình văn học thế hệ 1932, Sài Gòn, 1972), cho đến Ngô Quang Huy (Tác phẩm Phan Khôi, đọc và suy ngẫm, Hà Nội, 2017) đều không ghi nhận điều đó.
Đối với di sản Nho giáo, Phạm Thế Ngũ ghi nhận việc Phan Khôi công kích Nho giáo kể từ khi vào Sài Gòn làm báo lần thứ hai, 1928, song, chung quy, Phạm Thế Ngũ cho đây là “tinh thần phá hoại” mà Phan Khôi đem “áp dụng như một công tác cách mạng vào mọi vấn đề chớ không chỉ riêng vấn đề chống đối Nho giáo”. Thanh Lãng miêu tả cụ thể thái độ Phan Khôi trong thảo luận với Trần Trọng Kim, với Phạm Quỳnh và các tác gia khác, rồi đi tới nhận định tư tưởng rất mới mẻ so với thời đại của Phan Khôi, “ông còn đi trước cả các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn trong chiến dịch hạ bệ Nho giáo, chống chế độ đại gia đình, chống tục cản trở đàn bà goá cải giá”.
Trong khi đó, Ngô Quang Huy, viết về Phan Khôi sau hai tác giả trên chừng ba chục năm, lại cho rằng Phan Khôi có “ý nguyện khôi phục và phát triển Khổng giáo ở Việt Nam” (Tác phẩm Phan Khôi, đọc và suy ngẫm, Hà Nội, 2017, tập 2, tr. 203-207).
Đây không phải chỗ để triển khai tranh luận; tôi chỉ nói vắn tắt rằng theo tôi đây là một nhận định không đúng về tư tưởng Phan Khôi. Theo tôi, Phan Khôi biết rõ là di sản Nho giáo đã ngấm khá sâu vào đời sống tinh thần người Việt, song ở thời đại mới, theo ông, người Việt không thể sống với tư tưởng Nho giáo, trái lại phải tiếp nhận các xu hướng tư tưởng của nhân loại hiện đại. Đối với di sản Nho giáo, Phan Khôi chủ trương phải hóa giải; về học thuyết, cần biến Nho giáo từ chỗ là những tôn chỉ “thiên kinh địa nghĩa” trở thành đối tượng của nghiên cứu, phân tích, phê phán; lịch sử các học phái Nho giáo cần được mô tả, nhận diện, đánh giá. Một số nét tinh túy mà Nho giáo tạo nên ở cư dân Việt như đức chính trực, lòng ái quốc, v.v..., thì cần giữ lại, kế thừa, vận dụng vào việc giáo dục tu dưỡng nhân cách. Những lề thói phi nhân, kỳ thị giữa người với người trong cộng đồng, nhất là tư tưởng và lề thói trọng nam khinh nữ, do Nho giáo tạo ra hoặc dung dưỡng, thì cần được chỉ ra và tạo dư luận phản kháng, lên án, bài trừ. Tôi đã nêu nhận định này trong lời nói đầu sưu tập Ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta của Phan Khôi (Nxb. Văn hóa văn nghệ, Tp.HCM., 2018).
Tìm hiểu kỹ sẽ thấy, vấn đề phụ nữ và di sản Nho giáo là hai phương diện mà Phan Khôi đã buộc phải nêu ra trước dư luận gần như song song. Ông cùng tòa soạn Phụ nữ tân văn mở ra những thảo luận về vấn đề cải thiện vai trò phụ nữ trong xã hội hiện đại từ đầu tháng 5.1929, thì đến đầu tháng 10.1929, ông bắt đầu đăng bài “Cái ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta”, trải dài 21 kỳ báo Thần chung, phê phán hệ tư tưởng Nho giáo thống trị suốt nhiều thế kỷ. Rõ ràng, để tấn công vào hệ thống những tín điều và quy phạm của xã hội nam quyền, trọng nam khinh nữ, thì phải đồng thời phê phán di sản Nho giáo, vốn là cơ sở nhận thức luận bề sâu của xã hội nam quyền, cũng là của chế độ quân chủ chuyên chế. Về mặt này, Phan Khôi rõ ràng nhận được những tín hiệu của luồng dư luận đã khởi lên tại Huế, những năm 1926-1929, qua hoạt động nữ công của Đạm Phương và các phát ngôn về nữ quyền của Phan Bội Châu, Đào Duy Anh, Huỳnh Thúc Kháng. Hầu hết những người ấy, - Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, và cả Phan Khôi, - đều đã từng là những chí sĩ duy tân; họ đều biết, phong trào duy tân (1902-1908) có một thiếu sót khá rõ về nội dung vận động là chưa nêu mục tiêu “nam nữ bình quyền”, chưa lên tiếng phê phán các chuẩn mực bất bình đẳng nam nữ của xã hội nam quyền. Đến những năm 1920s này, khi không còn là chí sĩ duy tân, chỉ còn hiện diện giữa xã hội như những trí giả dân sự, những người ấy vẫn thấy bị ám ảnh bởi một nội dung duy tân còn chưa vận động, và họ đã dùng diễn đàn báo chí để cập nhật nó vào dư luận cộng đồng. Cho nên giới nghiên cứu không nên quên con người chí sĩ duy tân vẫn tiềm tàng trong con người trí giả dân sự Phan Khôi mãi về sau này.
Có lẽ tôi đã trả lời khá dài rồi. Xin tạm dừng. Hẹn một dịp khác lại trở lại với vấn đề này.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông! Hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục luận bàn về tác gia Phan Khôi vào một dịp khác.
Nguyễn Đức thực hiện
tin tức liên quan
Videos
Toàn văn Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ
Người Amish ở Mỹ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai chương trình hỗ trợ các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một tại Nghệ An
Đền Hồng Sơn
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Thống kê truy cập
114510965
2323
2347
21339
217838
121356
114510965