Diễn đàn

Cần chính xác hóa khi dùng một số mệnh đề

Thời gian qua, xuất hiện một số mệnh đề dùng không đúng, dẫn tới những tranh luận, cách hiểu khác nhau và sai. Dưới đây xin nêu mười dẫn chứng.

1. Về mệnh đề “kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc”. Một số sách báo viết như vậy là không đúng, không chính xác. Vì truyền thống thì có truyền thống tốt và truyền thống xấu. Phải viết đầy đủ “kế thừa và phát huy các giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc”; hoặc “kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc”. Ở cách viết thứ hai không dùng hai chữ “tinh thần” theo cách hiểu gồm cả giá trị tinh thần và giá trị vật chất, là những cái, điều có ích, có ý nghĩa, thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của con người. Tuy nhiên, cũng cần “cảnh giác” khi dùng hai chữ “giá trị”, vì mỗi hình thái kinh tế - xã hội có một hệ thống và thang bậc giá trị nhất định, được xã hội ấy công nhận và có tác dụng định hướng hoạt động của xã hội. Cho nên mới có chuyện đồng chí Trường Chinh yêu cầu khảo sát lại giá trị cũ.

2. Về mệnh đề “Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á”. Một số tài liệu viết “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á”. Viết “Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á” trong trường hợp này nhằm để giải thích cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là không đúng, vì đã là “dân chủ cộng hòa” thì không thể là “công nông”. Nhà nước ta ra đời từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là Nhà nước Dân chủ Cộng hòa, hay Cộng hòa Dân chủ, là chính thể Dân chủ Cộng hòa, chứ không phải là “nhà nước công nông”.

3. Về mệnh đề “một cổ hai tròng”. Nhiều sách báo viết, “từ khi thực dân pháp xâm lược Việt Nam, nhân dân ta chịu ách áp bức “một cổ hai tròng” (tròng thực dân và tròng phong kiến). Hiểu như vậy là sai. Cụm từ “một cổ hai tròng” xuất hiện từ khi phát xít Nhật vào Đông Dương năm 1940. Trong bài Kính cáo đồng bào (6-6-1941) Bác viết: “Dân ta một cổ hai tròng. Đã làm trâu ngựa cho Tây, lại làm nô lệ cho Nhật”

4. Về mệnh đề “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” (có dấu phẩy giữa câu). Đây là cụm từ Hán-Việt. Từ Hán-Việt không có dấu phẩy. Bác Hồ nói trực tiếp những từ này với Huỳnh Thúc Kháng trước lúc sang Pháp (31-5-1946), nên hiện không có văn bản gốc. Một số sách báo viết có dấu phẩy theo nghĩa: nắm lấy cái không thay đổi, đối phó với mọi sự thay đổi. Viết và hiểu như vậy không đúng với câu này. Viết đúng phải là “Dĩ bất biến ứng vạn biến” (không có dấu phẩy), theo nghĩa: nắm lấy cái không thay đổi để ứng phó với mọi sự thay đổi.

5. Về mệnh đề “dại bầy hơn khôn độc”. Viết như thế là không đúng, vì có thể hiểu số đông (dại) vẫn có thể thắng số ít (khôn). Với bút danh X.Y.Z, trong bài báo Cách làm việc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách đăng báo Sự thật, số 100, ngày 23-9-1948, Bác viết: “Ý nghĩa của tập thể lãnh đạo rất giản đơn, chân lý của nó rất rõ rệt. Tục ngữ có câu: “Khôn bầy hơn khôn độc” là nghĩa đó.

6. Về mệnh đề “buông lỏng quản lý”. Nhiều sách báo viết và nhiều người hiện nói, viết như vậy để nói đến khuyết điểm của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cụm từ này không có trong từ điển và cũng mới được dùng trong khoảng chục năm lại đây. Một người nói, nhiều người nói. Thực tế không có “buông lỏng”, vì đã buông là rời khỏi tay, không giữ nữa. Mà chỉ có “buông quản lý” được hiểu là không quản lý và “lỏng quản lý” được hiểu là có quản lý nhưng chưa làm hết trách nhiệm, làm hờ. Trên thực tế sai phạm của một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay là do không quản lý, buông quản lý, vì lợi ích nhóm và nhóm lợi ích, chứ không phải do buông lỏng quản lý. Nói “buông lỏng quản lý” vừa không đúng vừa để giảm tội cho loại cán bộ này.

7. Cụm từ “trên nóng dưới lạnh” xuất hiện trong những năm gần đây. Cụm từ này liên quan đến ngôn ngữ chính luận, bàn về quản lý, lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Viết, nói cách này chưa thật tường minh, dẫn đến tranh luận với nhiều cách hiểu khác nhau và quần chúng nhân dân có quyền đặt ra nhiều câu hỏi: trên là cá nhân hay tổ chức? Trên là ai, cấp nào? Nóng là gì? Nóng đến đâu? Nóng như thế nào? Dưới là cá nhân hay tổ chức? Dưới là ai, cấp nào? Lạnh là thế nào? Cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện có quyền nói trên nóng dưới lạnh không? Lạnh đến đâu? Đã thật sự trên nóng dưới lạnh chưa? Ví dụ Chính phủ. Có thể người đứng đầu Chính phủ nóng (nóng ruột, sốt ruột, có trách nhiệm lo lắng đêm ngày…), nhưng cả Chính phủ đã nóng chưa? Nội các Chính phủ thế nào? Đảng cũng vậy! Tổng Bí thư nóng nhưng toàn cả Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị thế nào? Trên nóng biết dưới lạnh sao không xử lý? Ngôn ngữ chính luận không nên nói, viết kiểu này.

8. Cụm từ “tham nhũng vặt”mới xuất hiện gần đây. Cụm từ này chủ yếu liên quan đến các văn bản của ngành tư pháp. Không thấy cụm từ này trong Hiến pháp, pháp luật, di sản của Bác và của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói, viết “tham nhũng vặt” có thể hiểu là những tham nhũng vặt vãnh, hằng ngày, gây phiền hà trong thủ tục hành chính (thậm chí vặt vãnh là không quan trọng!?). Nhưng như thế nào là vặt? Định tính hay định lượng? Nếu là định lượng thì bao nhiêu là vặt? Nếu là định tính thì cân đo thế nào? Một trưởng phòng thanh tra nhà nước tham nhũng vài chục triệu thì vặt hay không vặt?. Định lượng thì đúng là vặt, nhưng định tính thì ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Vậy vặt hay không vặt? Đã có “tham nhũng vặt” thì có “tham nhũng không vặt”? Không nên dùng cụm từ “tham nhũng vặt” trong ngôn ngữ chính luận.

9. Về mệnh đề “xử lý không có vùng cấm”. Cũng như “tham nhũng vặt”, “trên nóng dưới lạnh”, cụm từ này mới xuất hiện gần đây. Nói “không có vùng cấm” để chứng tỏ sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước khi xử lý cán bộ, đảng viên, bất kể người đó là ai, không có ngoại lệ (vừa rồi liên quan đến xử lý kỷ luật có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, cấp tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng). Nói, viết “xử lý không có vùng cấm” chưa thật sự tường minh, vì trên thực tế không có vùng cấm. Tính nghiêm minh của Đảng thì rõ rồi, nhưng chính luận thì không nên viết như vậy, vì sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, tranh luận và dân chúng có quyền đặt ra nhiều câu hỏi: À! Hóa ra trong xã hội ta có vùng cấm (nên mới xử lý không có vùng cấm!)? Vùng cấm có từ bao giờ? Thế nào là vùng cấm? Ai có quyền đặt ra, cho ai trong vùng cấm? Những ai thuộc vùng cấm? Cấp nào có vùng cấm? Trong tác phẩm Cần Kiệm Liêm Chính (6-1949) Bác viết: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gi”. Nên viết như vậy trong văn bản chính luận.

10. Về mệnh đề “biến nguy thành cơ”. Chúng ta thường nói “nguy cơ” và “thời cơ” (hay cơ hội). Nói “nguy” thì có thể hiểu là nguy cơ, nguy nan, nguy hại. Còn chữ “cơ” đứng một mình không có nghĩa gì về thời cơ, cơ hội, chỉ có thể hiểu là dịp, lúc. Có trường hợp có thể nói tắt, nói ghép; nhiều trường hợp thì không. Nói ghép, tắt kiểu “biến nguy thành cơ” không có nghĩa, không đúng nghĩa. Nên nói đầy đủ biến nguy cơ thành thời cơ (hay cơ hội).

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511764

Hôm nay

290

Hôm qua

2337

Tuần này

22138

Tháng này

218637

Tháng qua

121356

Tất cả

114511764