Diễn đàn
Bổ nhiệm siêu tốc trong 1 ngày: Đúng quy trình?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên trả lời các câu hỏi của phóng viên tại hội nghị giao ban báo chí. nguồn ảnh vietnamnet.vn
Chuyện hy hữu này diễn ra tại Hậu Giang. Ông Trần Thanh Lâm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A vừa được bổ nhiệm giữ chức Chánh Thanh tra tỉnh trong khi chưa từng một ngày công tác trong ngành thanh tra. Điều khiến dư luận thắc mắc là các văn bản, quyết định bổ nhiệm ông Lâm làm Chánh Thanh tra đều được ký trong ngày 2/7/2020.
Tại Hội nghị giao ban báo chí quý II tỉnh Hậu Giang ngày 15/7, Phó Chủ tịch UBND Trương Cảnh Tuyên cho biết việc bổ nhiệm ông Trần Thanh Lâm giữ chức Chánh Thanh tra tỉnh được làm đúng quy trình.[*]
"Việc này để nhanh chóng kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của Thanh tra tỉnh và huyện Châu Thành A. Mặc dù thời gian ngắn nhưng chúng tôi vẫn thực hiện theo đúng quy trình”, ông Tuyên giải thích.
Chẳng hiểu cái quy trình đúng mà ông Phó Chủ tịch tỉnh nói là quy trình nào?
Về quy trình bổ nhiệm cán bộ, nhiều văn bản pháp quy của Đảng và Nhà nước hiện hành đã quy định rất cụ thể: Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg về Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo; Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Quy định 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử,…
Cụ thể, quy trình bổ nhiệm cán bộ công chức (đối với bổ nhiệm nhân sự từ nơi khác, áp dụng cho những trường hợp như ông Trần Thanh Lâm) phải tuân thủ qua những bước cơ bản: Từ phê duyệt chủ trương, đề xuất nhân sự, tổ chức lấy ý kiến cán bộ công chức và cấp ủy nơi công tác đến việc tìm hiểu và xác minh lý lịch, nhận xét, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức dự kiến bổ nhiệm.
Tiếp theo là lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ và ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi cán bộ, công chức, viên chức thường trú.
Cuối cùng, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức họp lãnh đạo để thảo luận, thống nhất và quyết định bổ nhiệm hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ nhiệm.
Nếu thực hiện đúng, đủ các bước như trên thì quy trình bổ nhiệm ông Lâm nhanh lắm cũng phải mất vài tuần. Đấy là chưa kể việc tổ chức có thẩm quyền và cá nhân người được dự kiến bổ nhiệm phải hoàn tất bộ hồ sơ trên 10 danh mục khác nhau.
Phức tạp, tốn thời gian, công sức là thế vậy mà quy trình bổ nhiệm ông Lâm làm Chánh Thanh tra tỉnh diễn ra chỉ vỏn vẹn trong… một ngày.
Một quy trình được thực hiện siêu tốc như thế, thử hỏi làm sao tránh được chuyện dư luận đàm tiếu?
Minh bạch, khách quan, chọn đúng người đúng việc trong bổ nhiệm cán bộ là điều mà người dân mong mỏi, trông chờ bấy lâu nay ở các cấp có thẩm quyền.
Quả thực, người viết bài này cũng mong lắm một quy trình bổ nhiệm minh bạch, nhanh gọn, bớt đi những thủ tục rườm rà nhưng đồng thời phải gắn với quyền được cách chức một khi người được bổ nhiệm không khẳng định được năng lực ở vị trí công tác mới.
Đó thực sự mới là đột phá, là đổi mới trong công tác tổ chức cán bộ.
Nguồn tham khảo:
tin tức liên quan
Videos
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511764
290
2337
22138
218637
121356
114511764