Diễn đàn

Giá trị thời chiến phổ biến trong thời bình

Tượng bán thân Mẹ Thứ - Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. nguồn ảnh từ internet

Có người Mẹ nào muốn đạt danh hiệu Anh hùng

Mẹ Việt Nam Anh hùng đã trở thành danh hiệu cao quý dành cho những người mẹ Việt Nam có con hy sinh trong cuộc kháng chiến thống nhất đất nước. Xét về ý nghĩa, danh hiệu này nhằm tôn vinh, ghi nhớ công ơn người mẹ gián tiếp tham gia cuộc chiến. Qua nhiều buổi tổ chức sự kiện, nhìn cặp mắt u buồn của các bà mẹ, người ta không khỏi chạnh lòng nghĩ ngợi mông lung… Khuất nẻo đằng sau thân phận người Mẹ ấy, chúng ta hãy thử đặt một câu hỏi: có ai trong số họ mong muốn nhận danh hiệu này?

Ở nước ta, danh hiệu Anh hùng dường như đã được đặt trên tột đỉnh vinh quang. Một đất nước trải qua biết bao cuộc kháng chiến vệ quốc tang thương, khốc liệt, danh hiệu Anh hùng lấp lánh ánh hào quang tỏa sáng huy hoàng mà nhiều người thầm mong ước. Thế nhưng, danh hiệu Anh hùng không phải một giá trị có thể vươn tới mức phổ biến, phủ khắp mọi đối tượng, cũng như sinh hoạt xã hội. Danh hiệu Anh hùng có thể là niềm khát khao, kiêu hãnh của nhiều người, nhưng không phải ai cũng mong muốn. Ví thử, nếu thế gian xuất hiện ông Tiên, ông Bụt có khả năng cải tử hoàn sinh, chắc chắn đa số người mẹ ấy mong muốn trả về cho họ những đứa con hơn là vòng nguyệt quế mang tên “Anh hùng”.

Không dừng lại ở việc suy tôn cá nhân, danh hiệu Anh hùng còn đi vào cuộc sống, vinh danh tổ chức, địa phương… gặt hái thành tích xuất sắc trong quá trình phát triển. Đương nhiên, rất nhiều địa hạt có thể phù hợp với danh hiệu này, xét về ý nghĩa tương thích và mặt tích cực của nó, như Lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, hải quân, biên phòng, các tổ chức an ninh, chính trị… Song, danh hiệu anh hùng không nên áp đặt lên cơ sở y tế, tổ chức giáo dục, cơ quan nghiên cứu, địa hạt tín ngưỡng, hoạt động nghệ thuật… Rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực hoàn toàn không phù hợp với danh hiệu này. Cách đây không lâu, bệnh viện Pasteur tổ chức rầm rộ lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Xét về lòng can đảm, quả cảm… nhiều bác sĩ làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nguy hiểm, đối diện với dịch bệnh, môi trường lây nhiễm… chẳng khác gì trên chiến trường, đặc biệt là bác sĩ tham gia tổ chức không biên giới, cứu trợ nạn nhân chiến tranh. Nhưng, động cơ, tính chất công việc và sứ mệnh cao cả của bác sĩ khác với chiến sĩ. Nhiệm vụ thiêng liêng của họ là cứu người, không phân biệt giới tuyến, ý thức hệ, kẻ thù hay quân ta… Bác sĩ, y tá sẵn sàng đưa bàn tay cứu giúp một kẻ thù với tư cách là con người, mạng người. Nên, danh hiệu dành cho bác sĩ thiết nghĩ phải là một giá trị siêu việt, vượt lên trên biên giới quốc gia, chiến tuyến, lập trường quan điểm hay ý thức hệ…

Chiến sĩ thi đua và căn bệnh thành tích

Danh hiệu Chiến sĩ thi đua bấy lâu nay chẳng hề xa lạ đối với người làm việc trong tổ chức quan phương hay dân lập. Cho dù phạm vi ban đầu của danh hiệu này giới hạn trong quân đội, thuộc thể chế quân quản, sau khi bước vào thời bình, nó tiếp tục nhân rộng trở thành giá trị phổ biến phủ khắp nhiều lĩnh vực. Có lẽ chúng ta đã quá quen với việc “thi đua lập thành tích”, nên bỏ quên mối liên hệ giữa danh hiệu và căn bệnh thành tích. Trong rất nhiều buổi họp tổng kết thi đua, khen thưởng cuối năm, tinh thần quyết chiến giành danh hiệu về mình đã biến thành đấu trường “tổng sỉ vả” của cán bộ, công chức. Tuy không vẻ vang, vinh quang như danh hiệu Anh hùng nhưng Chiến sĩ thi đua cũng hấp dẫn người ta. Điều này đương nhiên có tác dụng nhất định đối với hoạt động sản xuất vật chất. Song, nhìn nghiêng sang lĩnh vực tinh thần, khoa học, tư tưởng, giáo dục, nghệ thuật, đạo đức xã hội, khía cạnh “Chính danh” của danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” không tránh khỏi bất ổn về nội hàm. Cũng giống như danh hiệu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua vốn sản sinh từ môi trường quân đội, sau khi đi vào môi trường xã hội với bản chất đa dạng, danh hiệu này đã chạm vào rào cản thể hiện sự phong phú của đời sống và tính chất khác biệt về ngành nghề. Nhà giáo, bác sĩ, nghệ sĩ, nhà khoa học… không hề có tinh thần thi đua giống như chiến sĩ. Tinh thần thi đua thực sự phát huy tác dụng và có khả năng tham chiếu trên cùng một bình diện. Ở địa hạt tư tưởng thuộc lĩnh vực sáng tạo tự thân đã chỉ ra tính chất phi giới tuyến, chịu sự chi phối bởi quy luật nội tại. Nói cách khác, người làm công việc sáng tạo, sản xuất giá trị tinh thần chạy đua với bản thân mình, chẳng cần tranh đấu với ai theo phương châm coi đối phương là kẻ thù. Các giải thưởng, danh hiệu, cao quý như Nobel, Fields, Pulitzer… nhằm tôn vinh những đóng góp thầm lặng, chứ không phải biện pháp hấp dẫn nhà phát minh, sáng tạo. Nên bóc tách, phân biệt rạch ròi giữa hai hệ giá trị này.     

Tri ân cần suy xét ý nghĩa văn hóa

Ở nước ta, danh hiệu phong tặng được sử dụng như một đặc ân, bên cạnh đó còn có việc lấy tên danh nhân đặt cho cơ sở giáo dục, y tế, tổ chức quan phương, những con đường… Trường hợp lấy tên nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đặt cho trường học khiếm thị là một ví dụ đáng suy ngẫm. Dường như đã trở thành thông lệ, chứ không dừng lại ở tiền lệ, hễ cứ trường dành cho trẻ khiếm thị rất nhiều địa phương trong cả nước lấy tên nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Tại thành phố Hồ Chí Minh, người ta lấy tên ông đặt cho cả hãng phim: Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. Thử hỏi, nếu Nguyễn Đình Chiểu còn sống, ông có bày tỏ lòng biết ơn đối với việc lấy tên mình đặt cho trường học khiếm thị hay hãng phim không? Việc làm thứ nhất đã chạm vào nỗi đau của nhà thơ và việc làm thứ hai đã nâng cấp lên thành sự sỉ nhục. Tại sao không lấy tên Nguyễn Đình Chiểu đặt cho Câu lạc bộ thơ ca, trường viết văn?

Một hiện tượng khác cũng có nguy cơ trở thành bản chất là lấy tên anh hùng, liệt sĩ đặt cho cơ sở giáo dục. Việc làm này đã trở thành phổ biến, vượt mức thành quá lạm. Hậu quả của việc đặt nhầm đối tượng trong bối cảnh văn hóa gây nhiễu loạn về giá trị và bài học rút ra từ tấm gương trở thành hình ảnh phản chiếu trái ngược so với sự thực lịch sử.

Trong thang giá trị, không phải giá trị nào cũng có khả năng vươn tới phổ biến, phổ quát. Nếu đặt nhầm bối cảnh, đối tượng, danh hiệu cao quý có nguy cơ bị trượt giá. Theo đó, danh hiệu Anh hùng, Chiến sĩ… đã nằm chông chênh giữa những chủ thể khác biệt. Xuất phát bởi hệ giá trị được tôn vinh vào thời chiến vẫn tiếp tục phổ biến trong thời bình, nên những danh hiệu này đã gặp phải thách thức khắc nghiệt của thời gian. Lịch sử giống như dòng chảy liên tục, sự thay đổi văn hóa tạo nên biến chuyển nhịp nhàng cùng đời sống, các giá trị trên tự thân đã gặp trở ngại của hàng rào nhân văn. Thuộc tính Nhân văn đặt ra nội hàm, ý nghĩa mới mà chúng đã chạm vào giới hạn.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511048

Hôm nay

247

Hôm qua

2359

Tuần này

21422

Tháng này

217921

Tháng qua

121356

Tất cả

114511048