Diễn đàn
Lỗi chữ, lỗi hình trong phim tài liệu, video về chữ Quốc ngữ
Năm ngoái, nhân kỷ niệm 100 năm chữ Quốc ngữ chính thức thay cho chữ Hán ở Việt Nam, nhiều bài viết về “các ông tổ” của chữ Quốc ngữ, trong đó có khá nhiều bài đã dùng ảnh của hai người khác làm ảnh của giáo sĩ Francesco de Pina, một trong những người hiện được coi là có công đầu trong việc sáng chế chữ Quốc ngữ, nên tôi đã có ý kiến về vấn đề này[1]. Ngoài ra, Nguyễn Thanh Quang cũng có một bài viết trên báo Bình Định
(http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=127124). Một số trang, như Tuổi trẻ, Lao động cho biết đã gỡ bỏ ảnh không đúng đó trên trang của họ.
Nhưng, mới đây, tình cờ xem một tập phim tài liệu về Chữ Quốc ngữ do Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương sản xuất năm nay và một video do hãng BBC tiếng Việt, tôi thấy cả hai cũng mắc lỗi này. Tôi thấy ngạc nhiên và thất vọng, định thôi không lên tiếng nữa. Nhưng, nghĩ lại như nhiều người từng nói: im lặng trước cái sai là đồng lõa với cái sai, là “Để lâu… câu sai hóa đúng”, như tiêu đề của một bài báo của Giáo sư Nguyễn Đức Dân mà tôi rất tâm đắc và đã dùng trong một bài viết trước, nhất là nghĩ tới lời nhắn gửi của vị đồng nghiệp Bồ Đào Nha về điều này, nên tôi đành phải nói thêm lần nữa.
Bộ phim tài liệu có tên “Chữ Quốc ngữ: theo dòng thời gian” do Đặng Linh biên kịch & đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ biên tập, được phát sóng trên VTV1 tháng 6/2020 (https://vtv.vn/video/phim-tai-lieu-chu-quoc-ngu-theo-dong-thoi-gian-445760.htm)
và được đưa lên Youtube tháng 4/2020 (https://www.youtube.com/watch?v=HuhzF-AVuGI). Trong phim này đã dùng ảnh của giám mục người Pháp, François Pallu (1626-1684), để minh họa lời của Giáo sư Đoàn Thiện Thuật nói về giáo sĩ Francisco de Pina: “… de Pina, người Bồ Đào Nha có thể giảng đạo bằng tiếng Việt” ở phút 11:03-11:06 (youtube) và ở phút 11:16-11:21 (VTV1). Tôi đoán rằng những người được phỏng vấn trong phim, vốn là những chuyên gia nghiên cứu lịch sử và ngôn ngữ, trong đó có cả tác giả Nguyễn Thanh Quang (người cũng đã có bài viết về lỗi sai này mà tôi dẫn ở trên) đã không được xem phim trước khi nó được công bố rộng rãi, nên lỗi này mới không được phát hiện.
Ngoài ra, trong phim tài liệu này có một số lỗi về chữ viết: viết nhầm tên nhà thơ Nguyễn Khuyến thành Nguyễn Khuyễn ở phút 3:37-3:41,tên của giáo sĩ người Ý, (Francesco) Buzomi viết nhầm thành Bozomi ở phút 7:55-7:57 và đáng nói nhất là nhầm họ của giáo sư Đoàn Thiện Thuật thành Nguyễn ngay ở phút đầu tiên trong chữ minh họa trên màn hình. Nhân đây cũng cần nói thêm trong một phim tài liệu của Đài Truyền hình Hậu Giang, trong chương trình “Bóng thời gian”, đưa lên youtube ngày 6/12/2019 (https://www.youtube.com/watch?v=f5WDmMqDLCw) đã nhầm lẫn khi chú thích lời của Alexandre de Rhodes thành của Francisco de Pina ở phút thứ 5:36.
François Pallu (trên) và Pina Manique (dưới) được dùng làm ảnh của Francisco de Pina
Còn trong video clip của BBC tiếng Việt,đăng ngày 30/7/2019 (https://www.bbc.com/vietnamese/media-49831250),hai dòng chữ Quốc ngữ với nội dung“Tu sỹ Francesco de Pina vào năm 1617, đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ”được minh họa bằng ảnh của một người Bồ Đào Nha khác là Diogo Inácio de Pina Manique. Điều đáng nói hơn, đây là clip của một hãng truyền thông lớn có uy tín, và người nói trong clip cũng là một người chuyên nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ, song có thể chưa xem clip này?
Từ hai trường hợp mới gặp thêm này, tôi ngờ rằng chắc một số trang dùng ảnh sai mà chúng tôi đã dẫn trong các bài trước vẫn chưa được gỡ bỏ, nên những người làm phim tài liệu và clip trên đã lấy lại từ đó. Vì vậy, tôi thử kiểm tra lại qua Google thì thật ngạc nhiên khi thấy không chỉ có một số trong các trang đã được kể ra mà còn có thêm một số trang khác nữacũng dùng ảnh của người khác làm ảnh của Francisco de Pina. Cụ thể, cho đến lúc tôi viết bài này (28/8/2020) có những trang sau đây:
1. Dùng ảnh của Diogo Inacio de Pina Manique (1733-1805):
- Trang Vietnam.vn của cục thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, đăng ngày 25/08/2016 (http://vietnam.vn/alexandre-de-rhodes-co-phai-la-cha-de-cua-chu-quoc-ngu-1587099.html)
- Báo An ninh thế giới cuối tháng: trong bài “Những tiền nhân trầm khuất (Kỳ 1: Ba người cha của chữ Quốc ngữ)”, đăng ngày 23/09/2018
(http://antgct.cand.com.vn/So-tay/13GTHANG__-Ky-1-Ba-nguoi-cha-cua-chu-Quoc-ngu-511593/)
- Báo Công giáo, trong bài “Nhiều Trí Thức Thỉnh Nguyện Đặt Tên Đường Alexandre De Rhodes Và Francisco De Pina” đăng ngày 27/11/2019 (https://conggiaovn.com/nhieu-tri-thuc-thinh-nguyen-dat-ten-duong-alexandre-de-rhodes-va-francisco-de-pina/)
- Trang Conggiao.infor, trong bài “Chỉ có một số ít người phản đối việc lấy tên Giáo sĩ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt tên cho đường phố ở thành phố Đà Nẵng” ngày 27/11/2019 (http://conggiao.info/chi-co-mot-so-it-nguoi-phan-doi-viec-lay-ten-giao-si-francisco-de-pina-va-alexandre-de-rhodes-dat-ten-cho-duong-pho-o-thanh-pho-da-nang-d-52318)
- Trang Một thế giới, trong bài “Những ai đã kiến nghị Đà Nẵng không đặt tên đường ông tổ chữ Quốc ngữ”, đăng ngày 27/11/2019 (https://motthegioi.vn/van-hoa-loi-song-c-184/cau-chuyen-van-hoa-c-207/nhung-ai-kien-nghi-da-nang-khong-dat-ten-duong-ong-to-chu-quoc-ngu-126453.html).
- Tuần báo Văn nghệ tp Hồ Chí Minh, trong bài “Lý thú và tự hào chữ viết Việt Nam, đăng ngày 21/12/2017 (http://tuanbaovannghetphcm.vn/ly-thu-va-tu-hao-chu-viet-viet-nam-so-480/
2. Dùng ảnh của François Pallu (1626-1684):
- Trang chúng ta.com trong bài: “Xác thực “cha đẻ” chữ Quốc ngữ”, đăng ngày 29/9/2016 (https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/xac-thuc-cha-de-chu-quoc-ngu.html) và trong bài “Những chữ Việt đầu tiên…” đăng ngày 29/9/2016 (https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nhung-chu-viet-dau-tien.html)
- Trang Văn hóa Quảng Nam, trong bài “Hoạt động truyền giáo của giáo sĩ Bồ Đào Nha ở Hội An (thế kỷ XVI-XVII), đăng ngày 24/12/2018 (http://vanhoaquangnamonline.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/hoat-dong-truyen-giao-cua-giao-si-bo-dao-nha-o-hoi-an-the-ky-xvi-xvii.html)
- Trang Thời đại.com.vn trong bài “Người Việt từng xưng hô tao, mày”, đăng ngày 18/03/2019 (https://thoidai.com.vn/nguoi-viet-tung-chi-xung-ho-tao-may-73746.html)
- Trang Khoa Việt Nam học của Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP HCM, trong bài “Francesco De Pina - người đầu tiên tạo chữ quốc ngữ” (http://www.vns.edu.vn/index.php/vi/nghien-cuu/viet-ngu-hoc/1115-francesco-de-pina-nguoi-dau-tien-tao-chu-quoc-ngu)
Khi buộc viết lại điều này, tôi không khỏi nghĩ tới sự nghiêm túc và tôn trọng sự thật trên một số trang mạng nước ngoài mà tôi từng gặp. Chỉ xin dẫn ra ở đây hai trường hợp: đính chính cho bài viết về một người gốc Việt, trên báo Iltasamonat (Phần Lan), đăng lúc 9:15 ngày 20/2/2020, dịch ra tiếng Việt là: “Đính chính lúc 10:48 sáng ngày 20 tháng 2 năm 2020: Phạm Văn Học đã làm việc trong siêu thị K-của Bưu điện với tư cách là trưởng quầy salad và đồ ăn mang đi, chứ không phải là một doanh nhân như trong câu chuyện ban đầu”[2]. Và đính chính cho một chữ cái A bị viết nhầm thành I trong tên của bà ngoại nhà thơ gốc Việt Ocean Vương trên tờ the Guardian (Anh) ngày 14/6/2019, dịch ra tiếng Việt là: “Bài này được sửa lại vào ngày 15/6/2019. Tên bà của Chó Con là Lan, không phải Lin - This article was corrected on 15 June 2019. Little Dog’s grandmother is called Lan, not Lin"[3].
Cuối cùng tôi vẫn muốn mượn câu kết trong bài viết của GS Nguyễn Đức Dân: “Lỗi sai cũng phải được nghiêm khắc phê phán ngay từ lúc chúng mới bơ vơ vào tiếng Việt!”[4] để nói rằng việc dùng ảnh không đúng như thế cần được chấm dứt. Mong rằng tiếng nói bảo vệ sự thật này sẽ đến được với các trang trên và lỗi sai sẽ được sửa để việc làm này không tiếp diễn thêm. Nếu không, cơ quan quản lý cần chính thức yêu cầu các trang mạng đó gỡ bỏ các ảnh sai.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512000
2326
2337
22374
218873
121356
114512000