Văn hóa và đời sống

Phải tẩy sạch bệnh quan liêu

Đó là chỉ bảo, mệnh lệnh từ trái tim vì dân của Bác Hồ. Đó cũng là lòng dân, ý Đảng và Chính phủ. Vì sao như vậy? Bởi vì:

- “Chủ nghĩa quan liêu có thể dẫn các Đảng cộng sản cầm quyền đến chỗ đánh mất một lần nữa chính quyền vừa giành được, đi vào con đường tiêu vong như đã từng xảy ra đối với mọi loại hình Nhà nước từng xuất hiện từ trước đến nay” (Mác-Ăngghen)

- “Chúng ta khốn khổ trước hết về tệ quan liêu. Những người cộng sản đã trở thành những tên quan liêu. Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó” (Lênin)

- “Bệnh quan liêu ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí” (Hồ Chí Minh)

- Nhà nước Xôviết sụp đổ có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân sâu xa là bộ tham mưu của nó đã quan liêu hóa, ngày càng xa rời nhân dân, rơi vào thoái hóa, biến chất.

- Cương lĩnh năm 2011 khẳng định - cùng với sai lầm về đường lối và sự thoái hóa biến chất của cán bộ, đảng viên - thì bệnh quan liêu là một nguy cơ lớn, phải phòngchống.

Trong di sản của mình, Hồ Chí Minh thường chỉ ra ba thói hư, tật xấu đi liền với nhau, đều là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ là tham ô, lãng phí quan liêu. Riêng quan liêu, Người thường nói rõ là “bệnh quan liêu”.

Bác nói có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu. Như vậy, ta hiểu quan liêu là một thứ vi trùng rất độc đẻ ra nạn tham ô, lãng phí.

Bệnh quan liêu biểu hiện thế nào? Biểu hiện ở chỗ người và cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc chỉ biết tổ chức hội nghị, viết nghị quyết, ra chỉ thị, chứ không điều tra, nghiên cứu, đôn đốc, giúp đỡ, kiểm tra đến nơi đến chốn. Đối với mình thì kềnh càng chậm rãi, làm cho qua chuyện, nói một đường làm một nẻo. Đối với dân thì xa cách dân, không hiểu biết dân, không học hỏi dân, sợ dân. Có lãnh đạo thì bao giờ “sấm ra đá kêu”- tức là vài ba năm, thậm chí một nhiệm kỳ - mới gặp dân một lần. Khi gặp dân thì hứa một đường làm một nẻo; việc thiết thực dân cần biết, cần giải quyết thì không nói, chỉ nói chuyện đâu đâu. Không đưa ra được một giải pháp gì cụ thể.

Bác Hồ chỉ rõ, do mắc bệnh quan liêu nên có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là người xấu, cán bộ kém tha hồ mà tham ô, lãng phí.

Thực chất “có mắt mà không thấy suốt” là giả mù; “có tai mà không nghe thấu” là giả điếc; “có chế độ mà không giữ đúng” là giả ngơ; “có kỷ luật mà không nắm vững” là giả tốt. Chiều sâu xa của mọi sự “không” và “giả” đó, thực chất là lợi ích nhóm, xây dựng nhóm lợi ích. Một vài dẫn chứng:

- Các tàu hút cát to như tàu chiến suốt ngày đêm, làm xói mòn các dòng sông. dẫn đến sụt lở nguy hiểm đến tính mạng của người dân, mà người và cơ quan lãnh đạo ở đó bảo nó làm “lén lút”, không biết. Thế là giả mù. Đằng sau đó là nhóm lợi ích.

- Các dòng sông ô nhiễm nhiều năm được các hãng truyền hình đưa đi đưa lại nhiều lần mà người và cơ quan lãnh đạo ở đó bảo không biết. Thế là giả điếc, giả mù. Đằng sau đó là lợi ích nhóm.

- Hiện nay ở một số địa phương đang rộ lên câu chuyện hộ giàu thành hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo với từ điển mới khái niệm “cận” là “cạnh”: “Cận nghèo là ở cạnh nhà nghèo”. Quan chức một số địa phương dựa theo tiêu chí một cách máy móc mà không điều tra, xem xét, nghiên cứu đến nơi đến chốn, nên hộ nghèo thì không được nhận tiền hỗ trợ dịch covid, còn hộ giàu thì được nhận.

- Những ngôi nhà cao hàng mấy chục tầng xây trái phép mà người và cơ quan lãnh đạo ở đó không biết. Thế là giả điếc, giả mù. Thực chất đằng sau đó là nhóm lợi ích.

- Hiện nay chúng ta có nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, ví như Bộ Giáo dục quy định không được dạy thêm, học thêm; đầu năm học không được thu các loại tiền không đúng quy định; không được học trước 1-9-2020, v.v. Tuy nhiên, vì không kiểm tra đến nơi đến chốn, xem xét kỹ càng những quy định đó thi hành thế nào - tức là quan liêu, xa thực tế - nên nhiều nơi vẫn cứ dạy thêm học thêm vô tư, thu các khoản phí vô lý.

- Những cơ sở y tế, spa, những cửa hàng bán hàng giả mọc lên nhiều nơi, cạnh cơ quan công quyền, nhưng người và cơ quan lãnh đạo ở đó không biết. Thế là quan liêu, giả mù, giả điếc. Thế là lợi ích nhóm,v.v...

Bệnh quan liêu như vậy - mà nguy hại nhất là xa dân, coi khinh ý kiến nhân dân, xem thường quần chúng - làm dân mất niềm tin vào lãnh đạo, vào chính quyền. Dân căm ghét “ông quan liêu”, muốn tẩy sạch bệnh quan liêu là vì vậy.

Bác Hồ dạy: muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày 2-9-1963, nhân dịp Quốc khánh, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa tận tay từng Bộ trưởng, từng ủy viên, tặng mỗi người một chiếc bút có khắc dòng chữ “bút chống quan liêu”. Thời kỳ kháng chiến, Người cũng tặng bút ghi dòng chữ “Anh hùng”.

Bệnh quan liêu nguy hiểm như vậy, là một trong ba nguy cơ của Đảng cầm quyền cần phải phòng và chống. Nhưng trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình đại hội XIII của Đảng lại không đề cập đến. Các tài liệu khác gần đây cũng không nói tới. Hình như chúng ta đang xem nhẹ, coi thường bệnh quan liêu. Mà xem nhẹ, khinh thường cũng là bệnh quan liêu. Trong Dự thảo, Mục XIV - Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng-, mục 3 nhỏ chỉ viết: 3. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Như vậy là không đúng với tinh thần Cương lĩnh của Đảng, không dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong khi đó, bài viết gần đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tiêu đề “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” đã nhấn mạnh: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng đẩy mạnh công cuộc đổi mới”.

Vì vậy, đề nghị trong mục 3 phải viết rõ: 3.Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”. Cũng đề nghị từ nay đến Đại hội Đảng XIII, Đảng và Chính phủ phải tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng trong đảng trách nhiệm chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Phải khẳng định chống, tẩy sạch bệnh quan liêu là một nhiệm vụ thường xuyên.Bởi vì, nếu không tẩy sạch được bệnh quan liêu thì tham nhũng, tham ô, lãng phí vẫn tồn tại, là nguy cơ đe dọa Đảng cầm quyền.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511629

Hôm nay

2292

Hôm qua

2336

Tuần này

22003

Tháng này

218502

Tháng qua

121356

Tất cả

114511629