Văn hóa và đời sống

Nghĩ về ngày Quốc khánh 2/9

Với người Việt, ngoài những ngày Tết cổ truyền vào mùa Xuân thì ngày Quốc khánh 2.9 đã trở nên quen thuộc và thiêng liêng từ năm 1945 - "Tết Độc lập". Đã là Tết là mọi người đều được nghỉ, được sum vầy và cùng nhau vui vẻ, hân hoan.

Thuở còn ấu thơ, cứ trông sau thời gian 3 tháng được nghỉ hè là mong đến ngày Quốc khánh để được ăn kẹo, ngắm cờ và hoa, cắm trại, chơi các trò chơi do đoàn thanh niên của xóm tổ chức.

Đến tuổi trưởng thành, học xong đại học và đi dạy, tôi mới thật sự hiểu được giá trị thiêng liêng của cụm từ "Ngày Quốc khánh". Hiểu để giải thích cho các thế hệ học trò tại sao đất nước lại lấy ngày 2.9 là ngày Quốc khánh và ý nghĩa của nó như thế nào trong tiến trình lịch sử Việt Nam gắn liền với quốc hiệu Việt Nam.

Ngày Quốc khánh 2.9 là thành quả của 1 cuộc cách mạng mùa Thu Tháng Tám với khí thế như "trào dâng, thác đổ" để "Nở hoa độc lập, kết trái tự do". Thắng lợi ý nghĩa đó, thành quả lớn lao đó gắn liền với vai trò, công lao lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương suốt 15 năm chuẩn bị (1930-1945) ngay từ khi Đảng Công sản Việt Nam ra đời.

Nói một cách khác, Hồ Chí Minh là linh hồn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kiến trúc sư của nền độc lập dân tộc và thể chế chính trị Cộng hòa Dân chủ Việt Nam. Nhớ đến quốc khánh 2.9 là nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng của khát vọng độc lập tự do của nhân dân Việt Nam.

Ngày Quốc khánh, ngày vui chung của dân tộc, nhiều người đều hướng tới Quảng trường Ba đình lịch sử, nghĩ về Bác - người đã viết và đọc bản TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP vào chiều 2/9/1945 ấy để khai tử chế độ thuộc địa nửa phong kiến và khai sinh nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Ngày Quốc khánh 2-9 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ( Ảnh Tư liệu)

Quốc khánh - Quốc kỳ - Quốc ca đã trở nên thiêng liêng trong những thời khắc trang nghiêm, trang trọng của mỗi người dân đất Việt mỗi khi nhớ đến ngày Quốc khánh. Tất cả đã làm nên 1 quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt, quốc hiệu VN suốt 76 năm qua với biết bao công sức của nhiều thế hệ ông cha để xây đắp và giữ gìn, chiến đấu và bảo vệ những giá trị vĩnh hằng và thiêng liêng nhất.Song hành với Ngày Quốc khánh là bài hát Tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao, là lá cờ đỏ sao vàng của họa sỹ Nguyễn Hữu Tiến.

Khi lập gia đình, có con, tôi mong đến 2.9 để đưa các con đi chơi vài nơi nào đó để giúp các con hiểu chính các con đang được hưởng thụ những thành quả mà biết bao thế hệ đã dựng xây. Đó như là một món quà tinh thần của bố mẹ tạo nên sự thư giãn có ích để các con chuẩn bị đón năm học mới bắt đầu.

Mùa Thu năm này, Quốc khánh 2.9 năm nay, các con chỉ ở trong nhà và cảm nhận được không khí ngày Quốc khánh qua truyền thông bởi đại dịch. Vì đại dịch, các con phải chấp nhận tạm thời im ắng để đất nước từng bước vượt qua gian nan trong đại dịch.

Mùa Thu của 76 năm trước, 25 triệu đồng bào Việt Nam đoàn kết một lòng đứng lên làm một đổi đời lịch sử, giành chính quyền về tay nhân dân. Mùa Thu năm nay, gần 100 triệu nhân dân Việt lại tiếp tục đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia để trên dưới một lòng cùng nhau "chống dịch như chống giặc", đưa đất nước từng bước vượt qua gian khó.

Ngày 2.9.1945, Hồ Chủ tịch đã nói trong bản Tuyên ngôn độc lập: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền độc lập, tự do ấy." 76 năm trước, dân tộc ta đã đoàn kết tiến hành "Tổng Khởi nghĩa", giành chính quyền trên toàn quốc.

76 năm sau, toàn thể nhân dân Việt Nam đã và đang chung sức, chung lòng, chung trí tuệ để tiến hành "Tổng tấn công" tiêu diệt "giặc" Covid-19.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445512

Hôm nay

212

Hôm qua

2237

Tuần này

21121

Tháng này

211771

Tháng qua

120141

Tất cả

114445512