Văn hóa và đời sống
Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong học tập.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục, dân chủ trong học tập có một vị trí đặc biệt nổi bật. Người chẳng những để lại cho chúng ta những quan điểm sâu sắc và hiện đại về dân chủ trong học tập - xét về mặt lý luận, mà còn nêu gương mẫu mực thực hành dân chủ trong học tập - xét về mặt thực tiễn, cho chúng ta noi theo, đặc biệt trong tình hình hiện nay.
Bác Hồ với học sinh Trường SP miền núi Nghệ An ngày 09/12/1961. Ảnh TL
Trong di sản tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ chiếm vị trí quan trọng. Theo Người, dân chủ là “của quý báu nhất của nhân dân”, là điều “trăn trở” suốt đời của Người. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra một trang mới cho sự học nước nhà. Trước đòi hỏi cấp bách của cách mạng là tiến hành cải cách giáo dục, Hồ Chí Minh chỉ rõ một trong những nội dung rất quan trọng là phải thực hành dân chủ trong học tập. Đây là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong dạy học của Hồ Chí Minh.
Trước hết, dân chủ trong học tập là một quyền cơ bản của con người
Quyền dân chủ trong học tập đã được Hồ Chí Minh khởi xướng từ rất sớm, năm 1919, trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam, gửi đến Hội nghị Vécxây: “tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ”[1]. Đây là quyền được tự do học tập, được làm chủ kho tàng tri thức nhân loại của mọi người. Dân chủ trong học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “trước hết là tạo ra ở người học một cái nhìn bao quát về ý thức tự chủ học tập, ngày nay gọi là quyền học tập, gắn liền với quyền sống cũng như quyền căn bản khác của con người”[2]. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[3]. Người quan niệm, ai cũng được học hành để sớm nhận thức được những quyền giản đơn mà cơ bản của con người trong mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội. Ai cũng được học hành vừa là mục tiêu, vừa là động lực cụ thể hóa quyền được học tập trong giáo dục. Theo Người, học và hành phải gắn bó chặt chẽ với nhau, học mà không hành, hành mà không học…, thì không đủ lý luận và thực tiễn lãnh đạo cách mạng.
Người luôn phấn đấu cho mọi công dân đều có quyền được học tập. Thể hiện ở mọi lứa tuổi từ các cháu nhi đồng đến các cụ già, không phân biệt nam, nữ, giàu, nghèo, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái, vùng miền, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài…kể cả người tàn tật, thiểu năng đều có quyền được học tập. Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương tiêu biểu “Cháu Nguyễn Ngọc Ký tàn tật cả hai tay, dùng chân để viết mà vẫn cố gắng phấn đấu trở thành một học sinh giỏi”[4]. Trong lịch sử Việt Nam, chỉ thời đại Hồ Chí Minh mới thực sự công khai phụ nữ bình đẳng với nam giới, đặc biệt quan tâm quyền học tập của phụ nữ, phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc ít người. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người đã phân tích phong trào phụ nữ quốc tế và nhấn mạnh vai trò của phụ nữ “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới An Nam muốn cách mệnh thì phải theo Phụ nữ Quốc tế chỉ bảo”[5]. “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người”[6]. Người đánh giá cao công việc gia đình và xã hội của phụ nữ. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn cán bộ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo, làm giám đốc và phó giám đốc các xí nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, chủ tịch ủy ban hành chính, bí thư chi bộ Đảng.v.v… Đồng thời Người cũng động viên chị em không ngừng học tập: “Để làm tốt những việc nói trên, chị em phải cố gắng học tập. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được”[7].
Người coi quyền “được học hành” như là một quyền cơ bản, gắn với quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. “Được học hành” theo Hồ Chí Minh không chỉ là vấn đề được học tập, mà đây còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi người dân đối với dân tộc, đất nước. Học hành để nâng cao hiểu biết, góp sức để đánh Pháp, đuổi Nhật cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào sung sướng. Trong hai bản Hiến pháp do người chủ trì cũng thể hiện rõ vấn đề này, Điều 15, Hiến pháp 1946 “…quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình, học trò nghèo được Chính phủ giúp, trường tư được mở tự do và dạy theo chương trình của Nhà nước”; Điều 33 Hiến pháp 1959: “công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền được học tập”. Học tập là quyền cơ bản của con người, thì dân chủ trong học tập luôn là tiền đề cần thiết bảo đảm cho sự phát triển toàn diện những năng lực sẵn có của con người. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh “quyền được học tập” gắn liền với “quyền làm người”. Người chỉ rõ mục tiêu học tập là: “để làm việc, làm người, làm cán bộ”. Như vậy, học tập là quyền căn bản của con người, bao hàm những đòi hỏi nội tại của mỗi con người, trước hết về đạo đức, về nhân cách và năng lực. Đây là một cách tiếp cận mới tích cực về quyền con người. Cũng có thể xem đây là nghĩa vụ của mỗi người đối với chính mình.
Hai là, dân chủ trong học tập là coi trọng, đề cao khả năng sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động, cầu tiến bộ của con người.
Trongtư tưởng Hồ Chí Minh con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp giải phóng xã hội và giải phóng chính bản thân con người. Hồ Chí Minh khẳng định “Vô luận tất cả đều do con người làm ra”. Đặt mục tiêu con người lên trên hết, dân chủ trong học tập mà Hồ Chí Minh muốn đạt tới là phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của học sinh Việt Nam, học tập phải phát triển ở họ cả tài lẫn đức, trong đó coi trọng cái đức, cái nhân cách con người.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Việc gì cũng khó, trong xã hội không có cái gì dễ, nhưng khó mà quyết tâm thì nhất định làm được”[8]. Trong học tập, Người yêu cầu phải tích cực, chủ động, phải ham học hỏi - cầu tiến bộ thì mới thành công. Ham học hỏi - cầu tiến bộ đòi hỏi sự phấn đấu từ cả hai phía người dạy và người học. Về phía người dạy, “…cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ cái ý chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu nô lệ”[9]. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng, thiết yếu mà bất cứ người dạy học nào cũng phải quan tâm để giáo dục cho học sinh của mình. Về phía người học, Hồ Chí Minh yêu cầu: “không ngừng tiến thủ, cần có bản lĩnh độc lập. Tự mình làm lấy, tự giác, tự động, tự chủ…”[10]. Như vậy, trên thực tế, Hồ Chí Minh đã chủ trương phải bắt đầu từ người học, “phải lấy người học làm trung tâm”, nghĩa là người học (học viên, học sinh) phải biết tự giác, tự động học tập và nghiên cứu - lấy tự học làm cốt; sau đó tiến hành thảo luận tập thể rồi kết hợp bổ sung, nâng cao thêm của giảng viên mà hoàn thiện nhận thức của mình.
Người yêu cầu cả người dạy lẫn người học cần có tinh thần lạc quan, yêu đời, sống có lý tưởng cao cả, ham học, ham làm, ham tiến bộ, luôn “hướng tới phía trước, tiến lên không ngừng. Gian lao chẳng quản, khó khăn không sờn”[11].
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”[12]. Vì vậy, mỗi người phải thường xuyên trau dồi cái tâm, cái chí đối với sự học, cái tâm cho sáng, cái chí cho bền, một lòng, một dạ vì dân, vì nước thì nhất định sẽ đạt được cái đích của sự học.
Ba là, dân chủ trong học tập thực chất là cùng nhau trao đổi, thảo luận tìm ra chân lý.
Hồ Chí Minh khẳng định: “Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người”[13].
“Tự do bày tỏ ý kiến của mình”, theo Hồ Chí Minh vừa là quyền và là nghĩa vụ của người học. Qua đó giúp người học được “thông suốt” mọi vấn đề. Một khi đã thông suốt vấn đề, người học mới làm chủ được tri thức, làm chủ được chân lý, là tiền đề của hành động. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý”[14].
Người còn căn dặn người học phải hết sức khiêm tốn, cầu thị, chống kiêu ngạo, tự mãn: “cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”[15].
Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong học tập: “Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt”[16]. Thảo luận với học trò của mình, người thầy dạy đã đi từ quan hệ giao tiếp thân mật đến phương pháp làm việc, phương pháp dạy học tương tác, chủ động, giúp người học phát hiện chân lý. Trong khi thảo luận “Ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu”. Hồ Chí Minh không chỉ chú ý đến sự bình đẳng trong quyền lợi học tập mà còn chú ý đến những trường hợp chênh nhau về kiến thức của người học. Với người học giỏi, khá, kiến thức vững thì việc thảo luận ít gặp trở ngại, còn đối với người học trung bình hoặc yếu kém thì việc thảo luận không tránh khỏi hạn chế do trình độ hoặc do mặc cảm. Vì vậy “Ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu” trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn có giá trị của một lời khuyên, lời động viên người học nhằm phá tan mọi mặc cảm để vươn lên, chủ động tìm kiếm và làm chủ tri thức.
Dân chủ trong học tập là để đi đến cái đích: ““Điều gì chưa thông suốt thì hỏi”, bàn cho thông suốt”. Đó cũng là thái độ tự trọng khoa học của người học khiêm tốn và cầu tiến bộ. Thực hành dân chủ trong học tập, Hồ Chí Minh còn yêu cầu cao thái độ độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng của người học: “phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”[17]. Tức là Người đòi hỏi sự sáng tạo, chống kinh viện, giáo điều, phải rèn luyện tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo.
Bốn là, dân chủ trong học tập là để có đủ năng lực làm chủ, năng lực tổ chức cuộc sống mới
Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta học tập chính là để có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới - trước hết là tổ chức nền sản xuất mới”[18]. Theo Người: “ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động, mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình”[19], “chúng ta làm chủ tương lai của mình và của con cháu mình”[20]. Muốn có đủ năng lực làm chủ, theo Hồ Chí Minh, người học phải được khuyến khích và tạo điều kiện để có cơ hội đi đến tận cùng của sự khám phá và sáng tạo, có nghị lực và có bản lĩnh làm chủ “Hướng tới phía trước, tiến lên không ngừng”[21]. Đây cũng chính là cốt lõi của phẩm chất nhân cách mà nhà trường dân chủ mong muốn ở người học.
Năm là, dân chủ trong học tập là giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân chủ giữa thầy và trò.
Có thể nói đây là một “phương pháp luận” chung nhất trong quan hệ dân chủ giữa thầy và trò. Thầy quý trò, trò kính thầy không phải chỉ riêng trong việc học tập kiến thức trên lớp, mà còn phải mở rộng quan hệ giao tiếp giữa thầy và trò trong Nhà trường và ngoài xã hội. Thầy có quý trò, thầy mới tôn trọng trò và không ngừng tìm cách giảng dạy ngày một tốt hơn. Trò có kính thầy, trò mới giữ được kỷ cương trường học và giúp cho việc học ngày một cao hơn. Tránh thái độ “cá đối bằng đầu” trong quan hệ thầy trò, theo Hồ Chí Minh đây là thái độ không nên có và không thể chấp nhận trong môi trường sư phạm.
Câu nói “Cá đối bằng đầu”của Hồ Chí Minh giành cho cả hai phía người dạy và người học, nhưng có dụng ý dành cho người học nhiều hơn. Đây cũng là một khía cạnh rất tế nhị trong quan hệ dân chủ giữa thầy và trò. Vượt quá giới hạn dân chủ cho phép thì quan hệ cả thầy lẫn trò có thể xấu đi. Do đó, Hồ Chí Minh từng căn dặn người lớn: “Làm việc phải có dân chủ bàn bạc, nhưng chú ý dân chủ phải có tổ chức kỷ luật”[22] và căn dặn học sinh: “phải tôn trọng kỷ luật Nhà trường”[23].
Như vậy, dân chủ trong quan hệ thầy trò theo tư tưởng Hồ Chí Minh vừa đề cao vị trí của người thầy, đòi hỏi tính gương mẫu và đạo đức của họ; vừa yêu cầu người học sự kính trọng đối với thầy cô, và thái độ nghiêm túc trong học tập.
Sáu là, dân chủ trong học tập là quyền vừa học, vừa làm, học suốt đời
Quan niệm của Hồ Chí Minh học không bao giờ đủ, còn sống, còn phải học. Không chỉ học ở nhà trường mà học ở mọi nơi, coi trọng việc tự học, tự đào tạo và đào tạo lại. Người chỉ rõ: “Không phải chỉ ở tại nhà trường, có lên lớp, mới học tập, tu dưỡng, rèn luyện và tự cải tạo được”[24], và đề ra yêu cầu: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình là biết đủ rồi, biết hết rồi”[25]. Đây là quan điểm hiện đại trong giáo dục xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Trong thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4-1949, Người đã viết: “Học không bao giờ dừng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”[26]. Người nói với các thầy giáo: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện… Người huấn luyện nào tự cho mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”[27]. Khi nói chuyện với cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm, Hồ Chí Minh bộc bạch: “Tôi năm nay 71 tuổi ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”[28]. Người trao đổi với các đảng viên trung niên lo công việc chung có ý ngại học tập: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”[29]. Cách mạng ngày càng phát triển “công việc ngày càng nhiều, càng mới. Một mặt, Đảng phải đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ. Một mặt đảng viên già phải cố gắng mà học”[30]. Điều này phải quán triệt trước hết là tổ chức đảng, vì đảng lãnh đạo quần chúng thì trước hết đảng viên phải không ngừng học tập. Đội ngũ trực tiếp trong giáo dục là nhà giáo. Nhà giáo không phải chỉ là thợ dạy mà trong và sau giảng dạy thì nhà giáo phải là người không ngừng học tập, nghiên cứu.
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong học tập là một nội dung hết sức quan trọng trong tư tưởng của Người về văn hoá giáo dục. Hiện nay, để tư duy và thiết kế thành công một triết lý dân chủ trong học tập của thời đại mới, tất nhiên chúng ta phải ra sức học hỏi, tiếp thu tinh hoa của giáo dục nhân loại. Tuy nhiên sự học hỏi nào, muốn đạt hiệu quả mong muốn, cũng không được thoát ly truyền thống văn hóa dân tộc và hiện trạng của đất nước, tức là bên cạnh cái chung của thế giới, vẫn có cái riêng của Việt Nam. Dân chủ trong học tập và giáo dục của Hồ Chí Minh chính là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa Việt Nam và thế giới, giữa định hướng xã hội chủ nghĩa với những giá trị phổ quát của nhân loại.
Dân chủ trong học tập nói riêng và trong giáo dục nói chung là chuyện quốc gia đại sự - là cái cốt của một ngành giữ vai trò nền tảng quốc gia, sự thành công hay thất bại của nó liên quan đến vận mệnh của đất nước, đến tương lai của nhiều thế hệ mai sau, do đó không thể “khoán trắng” cho ngành giáo dục được. Đã coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì cả Đảng, Nhà nước, trước hết là các nhà lãnh đạo chủ chốt phải đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Dưới ánh sáng của các văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, trong đó có Nghị quyết Đại hội XIII, hi vọng việc vận dụng và thực hành tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong học tập phải được xem là chiếc “chìa khoá vạn năng” cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc và vận dụng sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy và học. Trong đó, dân chủ trong học tập cần đạt tới cái đích là con người Việt Nam “phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”[31], đồng thời “Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”[32]. Đây cũng là nhiệm vụ đang bức thiết đặt ra nhằm phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh Việt Nam thực thi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới. Đó cũng là mong mỏi suốt đời của Hồ Chí Minh để Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.
* Khoa Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
[2]Xem TS Võ Văn Lộc, Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.203.
[4]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 745.
[5]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 2, tr. 315.
[6]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 300.
[7]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 263.
[8]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 607.
[9]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 120.
[10]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 457.
[11]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 538.
[12]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 377.
[13]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 378.
[14]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 378.
[15]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 11, tr. 98.
[16]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 266.
[17]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 11, tr. 98 - 99.
[18]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 527.
[19]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.527.
[20]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.538.
[21]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.538.
[22]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.561.
[23]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr. 436.
[24]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 11, tr. 602.
[25]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 377.
[26]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 61.
[27]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 356.
[28]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr. 273.
[29]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 113.
[30]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr. 273.
[31]ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 136-137.
[32]ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 115.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511619
2282
2336
21993
218492
121356
114511619