Văn hóa và đời sống

Học tập và làm theo phong cách gần dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phong cách, lối sống, tác phong gần dân của người cán bộ, đảng viên được hiểu là cung cách, cách thức, lề lối khi quan hệ, làm việc với nhân dân. Nói cách khác, nó chính là lối sống hằng ngày của người cán bộ, đảng viên được thể hiện trong mọi lĩnh vực hoạt động, công tác, trong giao tiếp, ứng xử, sinh hoạt... Nó có quan hệ mật thiết tới tư tưởng, thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, trong đó cán bộ, đảng viên chính là cầu nối, là người trực tiếp tổ chức đưa đường lối, chủ trương, chính sách đến với nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, Hải Dương (tháng 5/1957). Ảnh TL 

1.Phong cách gần gũi, gắn bó với nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh 

Hồ Chí Minh là người có phong cách rất đặc biệt để gần dân. Ðó là phong cách cao thượng đến giản dị.Tiết kiệm và giản dị là phong cách nổi trội của Hồ Chí Minh. Vì vậy, dân được đến với Người, được đứng bên Người, được trò chuyện với Người, như được trò chuyện với người hiền, người cha, người thân yêu nhất của mình. Ðến với nông dân, Người mặc quần nâu, áo vải, khăn mặt vắt vai, đầu đội mũ cát. Ðến với công nhân, Người mặc bộ quần áo xanh đã bạc màu, đi đôi dép cao-su. Ðến với trí thức, Người mặc bộ quần áo ka-ki màu vàng, đi đôi giày vải, thể hiện sự hòa đồng rất tự nhiên với nhân dân lao động nói chung.

Sự tiết kiệm đến mẫu mực, thể hiện phong cách cao thượng của Hồ Chí Minh. Tham ô và lãng phí, dựa vào tiền “chùa” để ăn chơi vung phí, cái mà Người ghét cay, ghét đắng, thường xuyên lên án. Người nói: Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân. Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại nghiêm trọng cho Nhà nước, cho Nhân dân.

Tiết kiệm thời giờ là một trong những phong cách đặc sắc, thể hiện đạo đức cao quý của Hồ Chí Minh. Với Người, “thì giờ là vàng ngọc”, cho nên phải tiết kiệm thì giờ đi đôi với tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Người là hiện thân và mẫu mực của việc sử dụng thời gian hợp lý trong mọi công việc. Trong hồi ký của một vị lão thành cách mạng kể rằng, khi đi lao động làm thuê ở nước ngoài trong lộ trình đi tìm đường cứu nước, thời gian làm việc đã chiếm hết thời gian trong mỗi ngày của Người nhưng khi rảnh rỗi, nhất là về đêm, Người lại tranh thủ học tập, nghiên cứu. Khi trở về Tổ quốc để lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, Người đã dành hết thời gian để chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, phát động quần chúng, tiến lên giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân. Trong những ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ và nhân dân phải tranh thủ mọi thời gian để lo vào việc sản xuất và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, ủng hộ đồng bào miền Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tiết kiệm thời gian sẽ góp phần đẩy nhanh tới thống nhất đất nước.

Phong cách gần dân của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở những công việc giản dị, đơn sơ hằng ngày khi tiếp xúc với dân, ở cách cư xử đầy tính nhân văn của tình người, tình làng, nghĩa xóm. Trong Hồi ký: Con đường theo Bác, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã kể lại, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hồi ở núi rừng Việt Bắc, Ðảng, Chính phủ và Bác đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, nông dân, trường học, các lực lượng vũ trang như phong trào tăng gia, sản xuất, tiết kiệm. Bản thân tôi thuộc loại “chân yếu”[1], nhưng chiều nào cũng vác cuốc đi tăng gia. Có hôm cuốc đất tới lúc trời tối hẳn mới về. Sự cố gắng được đền bù bằng những luống rau xanh, bí, ngô, khoai. Tôi trồng được một vườn bí sai quả. Khi bí to, tôi hái vài quả, nhờ đồng chí thư ký mang sang biếu Bác. Bác nhận bí, rồi gửi lại đồng chí thư ký chuyển cho tôi bức thư. Trong thư, Bác đề vẻn vẹn có hai câu thơ: “Ăn quả nhớ người trồng cây. Cảm ơn chú Việt, bí này còn non”.Câu thơ của Bác nhắc nhở tôi đừng vội hái quả non, mọi cái phải đạt tới “độ chín” mới có giá trị. Cách nhắc nhở nhẹ nhàng của Bác làm tôi thấm sâu. Cách góp ý của Bác bao giờ cũng tế nhị, nhưng sâu sắc, chính vì thế mà Bác cảm hóa được nhiều người.

Trong xây dựng một đảng cầm quyền, yêu cầu đầu tiên và bao trùm của Người đối với mỗi cán bộ, đảng viên, là phụng sự nhân dân, là công bộc của nhân dân. Theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên khi gần gũi với nhân dân, biết lắng nghe và thấu hiểu thì sẽ phát huy được tính tự giác, tích cực và sáng tạo của quần chúng nhân dân; quy tụ được sức mạnh, sự đồng tình ủng hộ của nhiều người, sẽ tạo nên sức mạnh to lớn để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân…Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”[2]. Người luôn đánh giá cao vai trò của quần chúng nhân dân: Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Người nhấn mạnh: “Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”[3]

Vì vậy, Người đòi hỏi cán bộ phải thường xuyên tiếp xúc làm việc với nhân dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và thật sự quan tâm tới đời sống mọi mặt của họ, phải tin yêu tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp phê bình xây dựng của quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến các làng, xã phải luôn luôn nhớ mình là công bộc, là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Người chỉ rõ, đã là cán bộ, đảng viên thì phải có quan hệ mật thiết, gắn bó với quần chúng nhân dân, hơn thế phải biết tin vào khả năng và lực lượng nơi quần chúng nhân dân. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh. 

Tuy nhiên, làm thế nào để xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức cách mạng, có phong cách gần gũi với nhân dân, biết trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân, thật không đơn giản? Với tầm nhìn xa, trông rộng, trong điều kiện Ðảng ta là một đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy những thói hư tật xấu, nhất là bệnh quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân trong không ít cán bộ, đảng viên, kể cả những người có chức quyền. Ðây thật sự đã là một nguy cơ, bởi lẽ sự xa rời quần chúng nhân dân của cán bộ, đảng viên sẽ làm cho Ðảng mất đi chỗ đứng của mình trong xã hội, trong quần chúng nhân dân. Ðiều đó cũng có nghĩa là, cái “nền nhân dân” của Ðảng sẽ không còn thật bền vững. Và nguy cơ dẫn đến sự tan rã của Ðảng là điều khó tránh khỏi. Người nhiều lần nhắc nhở, phê phán và đấu tranh nhằm khắc phục cách làm việc quan liêu, mệnh lệnh xa rời cơ sở, xa rời quần chúng của những “ông quan cách mạng”; đồng thời, yêu cầu các đồng chí phụ trách ở các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, ra mệnh lệnh từ bàn giấy, “kế hoạch trên trời”, “chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm”, là cán bộ “ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết”, kết quả là không mang lại ích lợi gì cho dân, cho nước.

Tư tưởng trọng dân và phong cách gần dân của Hồ Chí Minh là điểm hội tụ hợp thành đạo đức Hồ Chí Minh. Người là hiện thân của đạo đức, tình cảm, lương tâm, danh dự vì nhân dân. 

2. Phong cách gần dân kết tinh tư tưởng, đạo đức của Người

Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực của người lãnh đạo suốt đời làm công bộc tận tụy, làm đầy tớ trung thành của nhân dân, thấu hiểu cuộc sống của dân và luôn thấu cảm lòng dân; luôn gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, nêu gương trước quần chúng. Khi còn đang là học sinh trường Quốc học Huế, Người đã xuống đường hòa vào dòng người biểu tình chống sưu cao, thuế nặng. Rời trường học, Người bắt đầu cuộc đời lao động kiếm sống, hoạt động yêu nước và cách mạng. Khi làm giáo viên ở Trường Dục Thanh (tỉnh Bình Thuận), Người gắn bó với thanh niên học sinh, truyền cho họ lòng yêu nước và trách nhiệm của người dân, đặc biệt là trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc. Tiếp đó, Người vào Sài Gòn tìm đường ra nước ngoài “xem người ta làm thế nào rồi về giúp nước”. Bôn ba nhiều nơi trên thế giới trong gần 10 năm đầu sống ở nước ngoài, Người làm đủ nghề để kiếm sống, để hoạt động cách mạng. Làm phụ bếp trên tàu thủy, Người chia sẻ với những nỗi vất vả, nguy hiểm của thủy thủ, khuyên nhủ họ dành tiền giúp gia đình. Làm bồi bàn, Người gói những miếng bánh mỳ còn nguyên để lại trên các bàn ăn, dành cho những người vô gia cư ở Luân Đôn đi qua cửa khách sạn, sau khi hết buổi làm. Người gần gũi và trở thành đồng chí với các nhà cách mạng châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, trong Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa.

Sự gắn bó với nhân dân trong những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài và sau khi về nước không chỉ thể hiện quan điểm xuyên suốt gần dân, gắn bó với dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là một trong những nguyên nhân thành công trong cuộc đời cách mạng rất phong phú và nhiều gian nan nhất của Người. Hai lần bị địch bắt, bị giam trong tù, Người chia sẻ những nỗi đau của bạn tù, của người nhà họ, của người dân những nơi Người bị áp bức giải đi qua. Tập thơ “Nhật ký trong tù” đã thể hiện rất sâu sắc điều đó. Trong những năm đấu tranh giành chính quyền, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh, gian khổ, Người sống cùng nhân dân, được nhân dân hết lòng giúp đỡ, chở che; Nhân dân luôn ở bên Người, là nguồn lực, niềm tin vào lý tưởng cách mạng.

Khi trở thành lãnh tụ của Đảng và Nhà nước, Người vẫn sống cuộc sống bình thường, ở trong ngôi nhà dành cho những người lao động. Hồ Chí Minh có phong cách rất đặc biệt để gần dân. Vì vậy, dân được đến với Người, được đứng bên người, được trò chuyện với Người, như được trò chuyện với người hiền, người cha, người thân yêu nhất của mình. Dù bận giải quyết nhiều công việc hệ trọng, Người vẫn quan tâm sâu sắc cuộc sống hằng ngày của các tầng lớp nhân dân, phát hiện và thưởng hơn 5.000 huy hiệu Hồ Chí Minh cho người tốt, việc tốt. Trong 10 năm (1959-1969), ở độ tuổi 70, Người đã có trên 700 lần đi xuống cơ sở thăm và tìm hiểu cuộc sống của nhân dân.

3. Học tập và làm theo phong cách gần dân của Hồ Chí Minh hiện nay

Hiện nay, đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới: Đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững đang đặt ra yêu cầu cao về phát huy dân chủ, phát huy năng lực sáng tạo của quần chúng; gắn bó với dân để phát huy sáng kiến, kinh nghiệm trong dân, huy động mọi nguồn lực cho phát triển quê hương, đất nước. Dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, thực trạng vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên ngại gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với dân; nếu gặp thì cũng qua loa, đại khái, vẫn mang tư tưởng “quan cách mạng”, “lên mặt với dân”. Miệng nói phục vụ Nhân dân, nhưng trong lòng lại chỉ muốn Nhân dân phục vụ mình. Miệng nói nguyện làm đầy tớ của dân, nhưng việc làm lại bắt dân làm đầy tớ cho mình, còn mình thì chễm chệ ngồi trên ghế ông chủ. Miệng nói mang lại lợi ích cho dân, nhưng trong lòng lại chỉ lo thu vén cho mình. Chính vì vậy, làm cho chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước khó đến được với Nhân dân; đồng thời những thông tin cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng không đến được với Ðảng và Nhà nước. Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII của Đảng khi nhìn nhận những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã chỉ ra những biểu hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đó là: “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân… Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác”[4], “công tác dân vận có nơi, có lúc còn hạn chế; việc nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình nhất là những địa bàn phức tạp chưa kịp thời, sâu sát”[5], những điều này vô cùng nguy hại vì nó gây ra hậu quả là làm suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo.

Phong cách gần gũi, gắn bó với Nhân dân của cán bộ, đảng viên luôn được quần chúng Nhân dân nhìn nhận thông qua những lời nói và việc làm rất cụ thể, như: giao tiếp, cách thức làm việc; lắng nghe ý kiến phản ánh; chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn; việc đi lại, ăn uống... Ở đâu và bao giờ, quần chúng Nhân dân cũng thường có những nhận xét xác đáng, thấy được cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai của cán bộ, đảng viên để động viên khen ngợi hoặc góp ý sửa chữa sai lầm. Người cán bộ, đảng viên thật sự có tinh thần cầu thị, thấm nhuần phong cách, đạo đức gần gũi, gắn bó mật thiết với Nhân dân của Hồ Chí Minh thì trong bất cứ hoàn cảnh nào họ đều biết tìm ra cách ứng xử tốt nhất, có lợi cho dân, cho nước. Nói cách khác, bằng sự hòa mình với dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của dân, người cán bộ, đảng viên sẽ không chỉ tổ chức tốt hoạt động thực tiễn để Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước mà còn thông qua dân cũng như các hoạt động, các phong trào cách mạng của dân mà rèn luyện chính bản thân mình. 

Thiết thực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách làm của Bác Hồ về gắn bó, gần gũi với Nhân dân cần thực hiện tốt một số nội dung sau: 

Thứ nhất,tăng cường việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi, rộng rãi để người dân được nói lên ý kiến của mình trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy dân chủ, thực hiện tốt chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”. Đồng thời kiên quyết đấu tranh với những thế lực lợi dụng dân chủ để xuyên tạc, kích động và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. 

Thứ hai, lan tỏa hơn nữa hoạt động đối thoại với Nhân dân. Đổi mới hình thức tiếp xúc với Nhân dân thông qua đối thoại trực tiếp. Đối thoại với Nhân dân là hoạt động quan trọng góp phần tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ giữa cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân. Việc lắng nghe, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ngày càng trở nên cần thiết và quan trọng, được dư luận đồng tình, hoan nghênh. Trong khi tiếp xúc với Nhân dân, cán bộ, đảng viên cần phải tỏ thái độ khiêm nhường, hòa nhã, tôn trọng, lạc quan, chân tình, cảm thông với người dân, thể hiện sự sẵn sàng hợp tác; tránh mọi biểu hiện hách dịch, cửa quyền, nóng nảy hoặc những thành kiến ban đầu.

Thứ ba,cán bộ, đảng viên phải rèn luyện kỹ năng lắng nghe, nghe đúng, nghe đủ, nghe đa chiều và có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định trong mọi tình huống và luôn nêu cao tinh thần “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; phải xây dựng phong cách làm việc gần dân, trọng dân, bám sát cơ sở và thực tiễn, tôn trọng các quy luật khách quan, không được quan liêu, mệnh lệnh, hành chính hóa trong công tác; phải làm sao thực hiện cho được “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, nói đi đôi với làm, không dừng lại ở mức độ hô hào, kêu gọi mà cần hành động cụ thể, thiết thực. 

Thứ tư,các cấp, các ngành cần công khai, minh bạch hơn nữa các khâu trong hoạch định và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, quy hoạch, dự án… phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh để người dân nắm bắt, chủ động tham gia tích cực trong quá trình giám sát và phản biện. Cung cấp thông tin chính thống, chính xác, khách quan, kịp thời đến công chúng, từ đó góp phần định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, hạn chế các luồng thông tin không chính thống, bóp méo và xuyên tạc tính đúng đắn của các chính sách.

Thứ năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần phải tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức trong việc nắm bắt tình hình, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân. Vận dụng linh hoạt cách thức tiếp cận thông tin qua nhiều kênh: Dư luận xã hội, các tổ chức, đoàn thể, phương tiện truyền thông, mạng xã hội… để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của các tầng lớp Nhân dân. Tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ sáu,cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hơn nữa về thể chế, đặc biệt là tuyên truyền, hướng dẫn và có cơ chế bảo vệ các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân… Thể chế hóa hoạt động giám sát, phản biện của Nhân dân; làm rõ “phản biện” với “phản đối”, có khi những ý kiến trái chiều của cán bộ, đảng viên và Nhân dân lại bị coi là những ý kiến “phản đối”, từ đó không sẵn lòng tiếp thu những ý kiến phản biện, ảnh hưởng đến việc lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Có cơ chế đánh giá một cách khoa học, khách quan thông qua điều tra, khảo sát về mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động các cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong hệ thống.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự có tinh thần cầu thị, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách “gần dân, trọng dân” của Bác để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân tin tưởng giao phó. Chúng ta tin tưởng những thay đổi từ sự lắng nghe Nhân dân sẽ chuyển biến mạnh mẽ trong hệ thống chính trị, để mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò “công bộc” của Nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước thêm bền chặt, tạo thế và lực thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

 ___________

 

*: Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng.

 


 

[1] Bản thân đồng chí Hoàng Quốc Việt, trong thời gian hoạt động bí mật của những ngày đầu thành lập Ðảng, bị mật thám Pháp bắt, đánh đến tàn phế, què chân, suốt đời phải đi "cà nhắc", cho nên đồng chí đó thường nói vui: Tôi thuộc loại chân yếu, tay mềm.

 

[2]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr. 453.

 

[3]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 326.

 

[4] Ban Chấp hành Trung ương, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Khóa XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 29, 31.

 

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 92.

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511600

Hôm nay

2263

Hôm qua

2336

Tuần này

21974

Tháng này

218473

Tháng qua

121356

Tất cả

114511600